Bút ký - Tản văn
Hoài niệm Ái Tử…
14:23 | 09/06/2008
Trước năm 1945, mỗi lần đi qua Ái Tử, tôi không khỏi lo sợ… Một sự lo sợ mơ hồ. Còn vì sao mà sợ thì cũng chẳng biết.
Hoài niệm Ái Tử…
Dinh Trấn Ái Tử

Mùa hè mảnh đất Quảng Trị gió Nam Lào thổi ù ù làm cát bụi dọc đường thiên lý bay mịt mờ như ai ném cát lên không trung. Còn về mùa mưa, nhất là mưa mấy tháng đông kéo dài thì buồn lắm. Ngày ấy rừng còn dày lắm, rừng lan ra đến đường sắt và ban chiều hay đêm tối là thú rừng ra tận quốc lộ 1A.
Khi tôi lên 8 lên 10 thì Ái Tử trở thành sân bay của người Pháp. Nói cho đúng nghĩa thì Ái Tử chỉ là bãi bay cho loại máy bay bà già, đa cô ta với tốc độ dưới 300 cây số giờ, có việc gì quan trọng mới hạ cánh xuống Ái Tử.
Người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, vì nơi ấy ngày xưa là chiến trận, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mờ mịt là ma cụt đầu đi kiếm ăn. Có một lần vua Bảo Đại ra Quảng Trị và học trò tiểu học chúng tôi ăn mặc chỉnh tề đi đón vua.
Hôm sau thầy giáo dạy rằng Ái Tử Quảng Trị vốn là Tiền Cung của Triều Nguyễn. Hằng năm vua hoặc một đại thần thay mặt vua ra cúng tế một lần. Nghĩa là vua và Triều Nguyễn phải ra mảnh đất Ái Tử nơi Tiên chúa Nguyễn Hoàng khởi nghiệp cúng tế để tỏ lòng nhớ ơn tổ phụ đã đến xứ Đàng Trong để rồi mở cõi về phương Nam.
Nhìn nhận từ một góc độ lịch sử và gạt bỏ những gì chưa khách quan, xưa nay mảnh đất nào mà vua chúa dù dài dù ngắn định đô thì mảnh đất ấy là kinh thành (kinh đô của một quốc gia).
Khi mà lịch sử có sự trớ trêu đã phân định xứ Đằng Ngoài và xứ Đằng Trong. Bởi ngăn cách con sông Linh Giang thì Việt ta có hai đô thị Trung tâm chính trị cho hai xứ. Thăng Long thì đã đành một sự định vị cho toàn Đại Việt. Nhưng còn xứ Đàng Trong khi mà chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến đời chúa thứ 9 là Nguyễn Phúc Thuần có lãnh địa riêng thì Trung tâm chính trị xứ Đàng Trong là nơi đâu…? Và ai đó đã khẳng định là Phú Xuân… là Huế chứ đâu nữa… Vâng. Nhưng lịch sử đâu dễ bỏ qua cái thời 9 chúa, thời quá độ mấy trăm năm để sau này có 13 vua, và vua đầu triều Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi năm 1802 mới định đô tại Huế.
Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong, sử gia Phan Khoang viết rằng:
“Năm 1557, Đoan quận công Nguyễn Hoàng, trước cái chết mờ ám của anh mình là Nguyễn Uông, bèn nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin anh rể là Trịnh Kiểm được đi xa trấn thủ đất Thuận Hóa. Một mặt Nguyễn Hoàng sai người tâm phúc đến xin lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một nhà lý số uyên bác và được Trạng bảo:
“Hoành Sơn Nhất đái Vạn đại dung thân”.
Nghĩa là một dãy núi Hoành sơn có thể dung thân để dựng nghiệp lâu dài.
Nguyễn Hoàng đưa gia quyến, thuộc tướng… theo đường biển dong buồm vào nam, vô cảng Cửa Việt, ngược dòng Thạch Hãn, lấy Ái Tử đóng lỵ sở, lập nên Dinh Cát.
Trong thời gian ở Ái Tử tức Dinh Cát, Nguyễn Hoàng đã nhiều lần vào Phú Xuân, thậm chí vào xa đến Quảng Nam… Một bằng chứng là Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê bên dòng sông Hương. Với con người mưu lược, có hoài bão mưu đại sự thu phục giang sơn, lẽ nào Nguyễn Hoàng không nhìn ra cái thế Phú Xuân để đóng dinh Trấn mà ở tận ngoài Ái Tử…
Chúng ta lùi lại thời gian năm 1557 đến năm 1560 và sau này đến khi chúa Nguyễn Hoàng qua đời là năm 1613 mới thấy vị trí chiến lược của Dinh Cát - Ái Tử.
Ái Tử nằm bờ Bắc sông Hãn Giang, tức là bên kia sông của thị xã Quảng Trị bây giờ. Ái Tử chỉ cách Huế Phú Xuân dưới 60 cây số, và đi đường thủy khá thuận tiện. Trong khi đó từ Ái Tử ra phòng tuyến sông Gianh chừng 140 cây số. Quân Trịnh từ bắc vào, một cuộc hành quân dài ngày vất vả, qua được đèo Ngang là bị chận đánh. Và có vượt được Linh Giang thì đã có các phòng tuyến khác. Sau này có Lũy Thầy rồi Lũy Trường Dực. Nguyễn Hoàng, vị tổng chỉ huy của xứ Đàng Trong có đủ thời giờ từ Ái Tử ra tiếp ứng. Ở thời buổi giao tranh bằng sức người và gươm giáo, đi thuyền đi ngựa để đưa tin, vận tải lương thực, như hoàn cảnh Đại Việt vào lúc ấy. Nguyễn Hoàng đóng dinh thự làm đại bản doanh, cũng là trung tâm của xứ Đàng Trong đâu hơn Ái Tử? Ngày nay chúng ta còn thấy con sông đào từ sông Thạch Hãn vào Ái Tử, ở mạn phía đông. Nhánh sông đào này là để vận chuyển lương thảo.
Phía nam Ái Tử là đạo quân dự bị tức Hậu Kiên, còn quanh Ái Tử có Tiền Kiên, Trung Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên. Đó là Ngũ Kiên tức 5 đạo quân lớn do chúa Nguyễn Hoàng lập nên và trực tiếp chỉ huy. Bây giờ những Hậu Kiên, Trung Kiên… đã thành làng thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Dân các làng này khẳng định; họ là con cháu của binh lính thời các chúa Nguyễn, về già ở thành làng và lấy tên nguyên bổn Ngũ Kiên mà có tên làng.
Ở làng An Tiêm bên dòng sông Vĩnh Định có cánh đồng được gọi là cánh đồng Phủ. Phủ là Phủ chúa. Lại có Mô Súng, Kên Xưởng. Tức xưởng đúc kẽm, chế tạo thần công đặt lên mô súng bắn thử.
Đó là phía bờ nam Ái Tử, còn bên bờ bắc, lỵ sở kho tàng còn kéo dài xuống các làng Trà Bát, Trà Liên.
Nguyễn Hoàng sinh vào ngày 26-9-1525, qua đời ngày 21-5-1613. (Lên ngôi chúa vào năm 1558 đến khi qua đời 1613). Ông còn được gọi là chúa Tiên, Tiên Vương, Tiên Chúa. Lẽ tất nhiên là người dân phong tặng cho ông.
Như vậy là Nguyễn Hoàng có “hộ khẩu” tại Ái Tử đâu phải vài ba năm mà đến nửa thiên niên kỷ…
Con trai ông là Nguyễn Phúc Nguyên tức chúa Sãi… Sãi Vương kế vị vẫn đóng dinh tại Ái Tử như cha mình. Ông còn cho lập chợ nơi ngã ba sông Thạch Hãn - Vĩnh Định và người dân đặt tên chợ là chợ Sãi để ghi ơn.
Nguyễn Hoàng có công với Quảng Trị như vậy, và với đất nước, ông là vị Chúa có công mở cõi.
Trong thời gian ở ngôi tại Ái Tử, ông đã sai thuộc tướng vào Trấn Biên (Phú Yên ngày nay). Hai thuộc tướng ấy là Lương Công Chánh và Nguyễn Thành Phương đã giúp ông dựng đá bia ở gần sông Đà Rằng thuộc cụm núi mà đỉnh cao là ngọn Chóp Chài. Ông dặn thuộc tướng là cho lập làng lập ấp ngay, và nhìn xuống Đèo Cả vào tới Đại Lãnh để đến Nha Trang.
Khát vọng của Nguyễn Hoàng không phải là kẻ đi lánh nạn mà có chí lớn mở cõi về phương . Ta hãy nghe ông trối trăn với chúa con nối ngôi là chúa Sãi:
“Nếu thấy đánh được mà thống nhất giang sơn thì làm… không thì hòa hoãn chờ thời cơ. Nhưng phải tiến xa về phương . Nơi nào thu phục được thì di dân vào, lập làng lập xã đặt chức sắc cai trị mà giữ đất…”
Hai vị tướng Lương Công Chánh và Nguyễn Thành Phương đã hoàn thành sứ mệnh được giao và đã trở thành người có công với Tuy Hòa, Phú Yên được thờ tự như bậc khởi nghiệp của vùng đất này.
Thời chúa Nguyễn Hoàng ở Ái Tử và cả xứ Đàng Trong, dân tình hết sức thái bình. Chợ không hai giá, đêm dân ngủ yên giấc, nhà không đóng cửa, nạn trộm cắp chưa bao giờ xảy ra. Sản vật dồi dào. Trước hết là chúa khoan hòa, sử dụng người tài, thực bụng chiêu hiền đãi sĩ… Dân mến công đức gọi ông là Chúa Tiên.
Xưa nay dân tộc Việt ta rất tôn thờ các vị anh hùng dân tộc. Đó là tuấn kiệt anh hùng dựng bờ mở cõi, chinh Bắc chiến mà giữ gìn độc lập cho một Việt tươi đẹp như hôm nay.
Anh hùng giữ nước thì có nhiều, nhưng anh hùng dựng nước có mấy ai...
Bác Hồ đã căn dặn với một đơn vị bộ đội khi Người đến thăm đền vua Hùng:
“Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta hãy ra sức giữ lấy nước”.
Từ vua Hùng trải mấy triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê. Bản đồ nước ta đến đâu thì chúng ta biết rồi. Khi Nguyễn Hoàng vào Ái Tử và tiếp nối 8 chúa đời sau thì diện mạo nước ta đã khác nhiều lắm.
Vậy thì chúa Nguyễn Hoàng có được gọi là vị anh hùng dân tộc mở cõi không…?
Xin để dành câu hỏi này cho các nhà làm sử.
Chúng ta biết rằng tỉnh Quảng Trị được vua Minh Mạng cho thành lập sau khi vua Gia Long băng hà năm 1820. Nghĩa là trước đó Quảng Trị gắn liền với Phú Xuân, với Huế. Bởi chẳng xa xôi gì, nên phong tục tập quán rồi giọng nói chả khác là bao. Vào Nam Bộ mấy bà mấy chị họ gọi chung chung là ngoài Huế, khi họ tiếp chúng tôi là dân Quảng Trị.
Và cũng không ít người đồng nghĩa ranh giới địa lý với văn hóa nên khó thấy sự gắn liền lịch sử của Ái Tử với Phú Xuân.
Vua Nguyễn cho xây hành cung ở trong thành Quảng Trị là để nhớ đến tổ tiên của mình. Thậm chí còn ra đó cúng tế hàng năm: Cúng Tiền Cúng trước khi cúng tế ở Huế.
Rồi do hoàn cảnh chiến tranh và lâu ngày không còn tiếp nối. Nhưng mạch lịch sử thì vẫn còn đó. Một Ái Tử thuở 9 chúa mà chúa đầu tiên là Nguyễn Hoàng đóng dinh trấn để cho Ái Tử tiêu điều chẳng biết vì đâu?
Tân Sở ở Cam Lộ, vua Hàm Nghi trên đường kháng chiến ở lại chẳng bao ngày. Vậy mà cũng thành nơi di tích. Rồi ở thị trấn Cam Lộ… cũng thành nơi gìn giữ khí phách của thời đánh Mỹ hào hùng.
Vậy Ái Tử một bề dày không thua bất cứ nơi đóng dinh thự của vua chúa tồn tại đến 9 chúa… vậy mà chỉ còn lại CÁT.
Tôi nhớ mà đau câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ, một nhà thơ ở Đồng Nai:
“Ai nhớ Người chăng ôi Nguyễn Hoàng
Mà nay con cháu mấy đời hoang”
Nguyễn Hoàng không được đặt tên cho dù một con đường đất ở thị xã Đông Hà hay Quảng Trị. Hai thị xã mà ông đã từng sống đến cuộc đời mà đi mở cõi.
     Quảng Trị xuân 2008

NHẤT LÂM
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng