Tôi cũng chẳng hiểu vì sao cứ cảm thấy qua Dạ lai hương hơi hướm của vườn Huế như vương vít đâu đó trên lời nhạc. Thực ra, có một chút gì thiêu thiếu khi người Huế gọi mái ấm của mình là ngôi nhà, bởi, còn một "ngôi vườn" nữa, êm đềm và gắn bó với họ biết bao. So với cả đất nước, có lẽ, Huế là nơi mà sự phân rã của những đại gia đình xảy ra từ tốn và muộn màng nhất. Không ít người Huế đang sống hiện nay, từng có một tuổi thơ ấm áp trong không khí của tam đại - tứ đại đồng đường. Cách đây không lâu, không ít gia đình Huế có đến ba mươi, bốn mươi thành viên cùng chung sống. Bà nội như người mẹ lớn giữ "tay hòm, chìa khóa", bao bọc các tiểu gia đình. Và có lẽ, từ cùng một nguồn kinh tế trong chi tiêu hàng ngày, cho nên, xã hội thu nhỏ ấy vẫn sinh hoạt một cách êm ả. Sự đụng đầu giữa các chị em dâu, nếu có, bất quá chỉ là nết "làm nũng" bởi một ai đó thấy bà nội có biểu hiện cưng hơn (thực ra, hơn ai hết bà biết phải làm gì để đại gia đình có những "đêm thơm như một dòng sữa...). Đám con cháu xem chú thím, bác trai, bác gái như chính cha mẹ mình, và thỉnh thoảng còn "mơ hồ" đòi được phần quà hơn cả anh chị con cháu ruột của họ. Ai đã cho mọi thành viên trong xã hội thu nhỏ niềm hạnh phúc ấy; đó chính là Huế, cố đô Việt , nơi mà những tia nắng chiều của chế độ phong kiến khuất khỏi chân trời mới một cách ngập ngừng... Tôi nói và không mảy may ca ngợi những gì đã từng có trong không khí của một gia đình lớn ở Huế; nơi mà tiếng khóc, tiếng cười, tiếng thét, cùng âm thanh của hờn dỗi, ghen tỵ, tranh giành, nũng nịu... bủa vây, và, không ai có được một góc nhỏ để thu mình. Từng cá nhân ít được sống cho cái riêng mà thường dành nhiều quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn của mọi người trong gia đình... Thật ra, cũng chẳng nên luận bàn hay dở, khen chê ở đây làm gì, vì đó là nét riêng thuộc phạm trù văn hóa một vùng đất. Và nét riêng nào cũng có cái đáng yêu của nó, nhất là khi chúng đã trở thành những gì của hồi ức và kỷ niệm. Thành phố Huế nhỏ, nhỏ đến mức "ở một nơi, ai dường cũng quen nhau". Gia phong, nếp nhà và búa rìu của dư luận luôn như một vị thẩm phán nghiêm khắc, mà người Huế nào, nhất là phụ nữ, nàng "Tôn Nữ" tội nghiệp luôn luôn mang mặc cảm như những phạm nhân, cho dù, những điều phạm tội luôn luôn ở đằng trước với những chứng cứ mơ hồ và rất đỗi dễ thương. Trong lòng một đại gia đình Huế "chun" ra, nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao mình lại nhớ, nhớ đến ray rứt những kỷ niệm không mấy êm dịu và "văn minh", về những trận đòn của nhiều loại tội danh khác nhau. Lẽ ra, tôi chẳng nên bàn ở đây vì tuổi thơ thời nào và bất cứ đâu mà chẳng vướng phải, nhưng, qua câu chuyện về nạn nhân của một lối giáo dục vừa nghiêm khắc, vừa nghệ sĩ, tôi thấy đâu đó cái niềm riêng và tự nhiên muốn được chia sẻ cùng Huế... Có những trận đòn mà cơn đau không hiểu sao, mỗi lẫn nhớ về nó, tôi lại thấy "nhói" lên chút cảm giác khó tả của cái "thú đau thương". (thì ra, cảm giác ấy không chỉ dành cho riêng cho những kẻ yêu nhau.) Nhà tôi trước sau đều có nhiều cây ổi, hầu như lúc nào cũng có trái chín, không ổi sẻ thì ổi lòn, không ổi lòn thì ổi nếp, ổi xa lỵ, ổi Tàu..., đám trẻ vì thế có thể vác sào lang thang suốt ngày dưới những gốc ổi, bên tiếng la lấy lệ của người lớn vì tội dang nắng hoặc sợ chúng tôi ăn nhiều, thình bụng, bỏ cơm... Được tự do đẫm mình trong rừng quà cây trái, nhưng chúng tôi vẫn cứ mòi ngắm nghé những trái ổi "thiêng". Càng bị cấm, chúng tôi càng thèm đến chảy nước miếng những trái ổi sẻ trắng ngần, mọng nước trong các chậu cảnh của ba. Gặp phải tình thế như vậy, chúng tôi thường ngậm ngùi lẩm nhẩm câu "danh ngôn" của thân phụ trên tấm gỗ kiền kiền, gắn vào gốc ngọc lan ở góc vườn. Bên trên: "Cây, hoa, quả, làm đẹp cảnh ngoạn mục. Bẻ hái giảm vẻ đẹp, hành vi cũng không đẹp", bên dưới: "Cảnh vật gấm vóc non sông - thức giả biết bảo tồn, bảo vệ." Chuyện trên đành cho qua, nhưng, có một cây ổi, hôm nay, khi nghĩ về nó tôi vẫn cứ còn ức; chẳng phải là cây cảnh, trái không đẹp, cũng không ngon vì ruột nhiều và hột cũng lắm, thế nhưng ba tôi không bao giờ cho con cái đụng vào, bởi một lý do duy nhất: ổi của chim. Thân cây ổi quỷ này dài thườn thượt, cành lá thì khẳng khiu, đáng ghét, nhưng nó được cưng vì mọc sát cửa sổ phòng ngủ của ba. Đám chim buổi sớm, tụ tập từng đàn, ríu rít trên cành, cho nên, nó trở thành "cây thiêng". Chính vì chúng tôi không được đụng sào tới nên nó luôn có trái chín. Và, cũng chính vì quả cấm, nên lúc nào chúng tôi cũng ao ước muốn chiếm đoạt... Ba tôi thường dậy uống trà sớm; việc uống trà của ông cầu kỳ tới mức tôi không còn hơi sức nào để luận bàn ở đây. Nhâp ngụm trà sớm và nghe chim hót trên cành ổi, ấy là niềm "hoan lạc" tuyệt đỉnh của ba tôi. Để tăng thêm phần thuyết phục, ông thường kêu chúng tôi đứng cạnh và giảng giải: - Ba có thể treo vài lồng chim trước cửa phòng, và dĩ nhiên, chúng có thể ăn bất cứ loại trái nào mà các con muốn cho, nhưng, chim ở trong lồng thì chỉ có kêu chứ không hót. Sự tự do, thảnh thơi bay lượn trong bầu trời xanh, mới là điều đáng để ca ngợi và tiếng hót hay cũng xuất phát từ đó. Con người khóc khi gặp chuyện khổ đau, nhưng, niềm hạnh phúc đến bất chợt, họ cũng khóc. Hai dòng nước mắt ấy đều mặn, nhưng đâu có giống nhau. Các con đồng ý không nào? Chúng tôi lúc ấy thầm nghĩ: - Ôi! Có thể là ba ngụy biện, bởi, chim trong và ngoài lồng hót hay kêu có gì khác nhau?. Đây có thể là luận điểm của người thèm trái cấm, nhưng, cho đến bây giờ vẫn chưa ai chứng minh điều ấy là sai. Ba tôi như đọc được ý nghĩ của con, nên giải thích thêm: - Hôm qua có con chích chòe hót sớm câu: Nhị kỳ nhất chí chi! (Dĩ nhiên, đó là lời con người đặt cho tiếng nhạc chim). Hôm nay nó lại hót hay hơn: Nhị thừa nhất chí chi! pháp. (Đại ý: tông phái đại thừa hay tiểu thừa đều một cành mà ra - ấy là pháp vậy). Tôi gật gù như có vẻ cảm thông vì ba là thần tượng của chúng tôi mà. Biết thế nhưng cuối cùng, tôi cũng không thể nào chống lại được sự cám dỗ của trái cấm... Cớ sự bắt đầu từ chuyện chiếc lu nước dưới gốc ổi "thiêng"; trên lu là chậu sành và trong chậu là đôi đũa ngà, chiếc vịm và hai cái chén, một lớn, một nhỏ. (Xin nói nhỏ: vịm dùng đựng cháo nếp, chén nhỏ để bỏ cục đường đen, chén lớn chứa ván sữa đậu nành, loại chất lỏng thường ứa ra trên chiếc ghè của những cô bán đậu hũ). Chúng thường xuyên có mặt ở đó sau mỗi bữa ăn của ba tôi. Nhà bếp không được hân hạnh đụng đến, ông tự tay rửa chúng từ mấy chục năm nay, bởi đó là kỷ vật mạ tôi đã tặng ba khi hai người mới quen nhau. Trên thành chén có họa tiết Thúy Kiều đang gảy đờn cho Kim Trọng nghe (giữ mảnh vỡ cho đến bây giờ, tôi nghi đó là Hồ Tôn Hiến chứ không phải Kim Trọng?!). Chuyện tày đình xảy ra khi ba tôi vắng nhà và trái ổi cấm đầu tiên tôi hái lại rất "khôn ngoan, nịnh chủ" rớt ngay vào chồng chén... Tôi lặng người và có cảm giác như vừa nhận được một kết quả xét nghiệm không lành. Chân tay lạnh buốt, cây sào rời khỏi tay rơi xuống, tạo nên những tiếng kêu khô khốc tàn nhẫn... Lúc ấy, tôi không khóc, bởi ở một cường độ nào đó của sự lo sợ, nước mắt hình như chảy ngược vào tim. Kết quả: Ba tôi ngồi trên sập với chiếc hộc tộ quen thuộc, đọc kinh Phật (đây là những bản kinh quý bằng chữ Hán, nằm trong tủ sách của Hòa thượng trú trì chùa Từ Đàm thời bấy giờ), bên cạnh là cây roi mây bóng loáng bởi tiếp xúc quá nhiều với mông quần của tôi (đầu thanh roi có cột một nùi giẻ, để ba tôi chùi chai khi cần đến). Cứ đọc xong một trang kinh, ba lại trót vào mông tôi một cái nên thân. Ông nói thật bình thản: - Cái quý nhất bị bể (ý ông nói đến chồng chén kỷ vật), ba không tiếc bằng việc con không nghe lời, khi đã được giải thích cặn kẽ. Một việc hoàn toàn không khó đối với con, bởi vườn nhà mình có quá nhiêu ổi. Buổi "diễn tập ngọt ngào" ấy kéo dài đến mấy tiếng đồng hồ tôi không rõ (cả hai ba con đều không ăn trưa), chỉ biết khi ngẩng đầu lên, tôi thấy mạ đang thập thò ở cửa phòng, không rõ bà đang ràn rụa nước mắt hay chính tôi đã nhìn bà qua làn nước mắt của mình. Nói đến điều này, bỗng dưng ý nghĩ "cổ hủ" từ lâu tôi muốn quên lại hiện về: Răn dạy con theo phương châm "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" của cha ông ta xưa có thật hoàn toàn phi lý không?. Tôi chẳng muốn bàn lúc này chuyện chúng ta đã và đang thừa nhận không chỉ với nhau, mà bằng công ước quốc tế vấn đề tôn trọng quyền của trẻ, không xâm hại chúng dưới bất cứ hình thức nào; mọi phương pháp giáo dục phải trên cơ sở hướng dẫn, phân tích, đối thoại...Vâng! đó là điều dễ nghe; từ lâu bằng lý trí và để tỏ ra mình đã tiếp cận được cái mới, tôi đã rất đồng tình. Nhưng, điểm bâng khuâng mơ hồ của tôi ở đây: có phải là cứ mỗi nền văn hóa lại hàm chứa tính giáo dục trẻ theo cách của mình, và mọi biện pháp không thể khác áp dụng sau đó đều có lý do của nó. Hay có thể diễn đạt một cách cụ thể hơn là quá trình nuôi nấng, chăm sóc trẻ phải phù hợp với cách giáo dục mà nhiều lúc cả hai phương diện có thể tạo nên những sự điều tiết hợp lý để hoàn thiện nhân cách của trẻ. Phần lớn những đứa trẻ phương Đông sinh ra cho đến lúc ôm cặp đến trường, bố mẹ như những vị thần đầy quyền năng che chở cho chúng. Bú mẹ lâu dài, bú bất cứ lúc nào qua tín hiệu của tiếng khóc; cứ khóc lên là có bụ mẹ; ngủ với mẹ suốt những năm đầu tiên, có khi nhiều năm sau khi chào đời; lúc nào cũng được mẹ bồng ẵm, dỗ dành; vấp ngã chút xíu là được cả nhà quan tâm; được chiều chuộng ngay cả những lúc nổi "chướng", đòi hỏi những chuyện không hợp lý. Sự chăm sóc ấy dẫn đến tính cách đầu tiên được huân tập của đứa trẻ là thói ỷ lại, dựa dẫm, luôn luôn cần sự che chở, thói quen tự lập yếu trong cách sống lẫn tư duy... Những đứa trẻ hưởng được sự chiều chuộng và luôn luôn được người lớn nhìn dưới hình ảnh nhỏ bé tội nghiệp và hoàn toàn chưa biết gì, từ đó, xem việc con ngừng khóc trong mọi trường hợp là mục đích mà bố mẹ cần đạt được. Để khắc chế sự nhìn nhận dễ dãi ấy, ngay từ lúc con biết vui, biết sợ, biết biểu lộ cái ta, lòng tự ái... thì bố mẹ đã phải theo tuổi của con, thể hiện sự răn đe bằng những biện pháp cương quyết, để con có cơ hội nhìn lại mình. Đây được xem là phương thức hóa giải những bất ổn của thời kỳ nuôi nấng ban đầu đầy ắp sự ấp ủ, chiều chuộng. Những gì cần thiết và buộc lòng phải có, để điều chỉnh những hậu quả tất yếu của giai đoạn trước để lại. Triết lý "thương cho roi cho vọt..." phải chăng từ đó mà hình thành. Người phương Tây làm sao hiểu được người phương Đông khi đánh con họ đã tỉnh táo như thế nào: chọn cây roi không gây thương tích cho con, tìm cho được cái mông con mới đánh, vừa đánh vừa răn dạy; và người đánh, lòng còn đau hơn kẻ bị đánh. Tất nhiên, có những bố mẹ đánh để trút giận lên đầu con, để thỏa mãn sự độc tài của mình, nhưng, tôi tin rằng họ nằm trong số rất ít và hoàn toàn không đại diện cho lối giáo dục mà tôi đang đề cập. Tôi muốn nhắc lại rằng mình có thể sai ngay khi viết những điều này, nhưng không hiểu sao, tôi cứ mãi trung thành với ý nghĩ: cứ mỗi nền văn hóa lại có những đặc điểm riêng và rõ ràng; không thể đứng ở nền văn hóa này để phê phán hay xác nhận sự bất hợp lý ở một nền văn hóa khác qua một số hiện tượng mà không hiểu nguyên ủy của nó. Cho nên, nếu phải khóc thầm vì thương con trong khi đánh nó, tôi cho rằng đó không phải là sự xâm hại trẻ. Cho đến hôm nay tôi vẫn không hề oán giận những làn roi của thầy giáo cô giáo ngày xưa, thậm chí ba mạ tôi còn tự hào vì con mình được học một trường có giáo dục nghiêm. Và tôi cũng cho rằng mình khó có thể học tốt vào thời điểm đó, nếu không nhận ít nhiều những dạng răn de ấy. Tôi nhớ và thương những thầy giáo cô giáo đã cho tôi những ấn tượng khó quên dù đó là cảm giác chẳng êm ái bao nhiêu. Và tôi cũng chẳng bao giờ quên những trái ổi cấm vườn nhà, với lòng nhớ thương vô hạn khi nghĩ về ba tôi, đơn giản bởi vì tôi từng là đứa trẻ phương Đông. Ngàn lần tôi không có ý cổ xúy cho cái cũ, nhưng, muốn tính đến sự hiệu quả của một quan niệm giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ tập quán nuôi nấng, đối xử với trẻ sơ sinh; hãy cho nó có ý thức trách nhiệm về cá nhân ngay từ những thói quen ban đầu... Tôi hiểu điều ấy, nhưng vẫn không thực hiện được, tôi vẫn có nhu cầu ấp yêu, che chở, bảo bọc con tôi quá mức cần thiết so với tuổi của nó, cho nên, lúc nào chúng cũng tự cảm thấy nhỏ bé, xuất hiện một cách thiếu tự tin trước người khác, và luôn có những biểu hiện thiếu tự tin, tránh đối thoại và ưa che giấu lầm lỗi. Thế hệ của chúng tôi đã ăn phải trái cấm ngày xưa, nên cũng khó cách tân một cách triệt để, dù vẫn biết mọi điều rồi cũng phải khác đi và tiến bộ hơn. Thôi thì cứ tập để quên dần chuyện mình đã lớn lên một cách khá tử tế từ những lằn thâm tím trên mông và một chuỗi kỷ niệm khó quên xung quanh chiếc roi mây ngày nào. N.H.T
(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)
|