Bút ký - Tản văn
Ngào ngạt dòng Hương
14:37 | 28/07/2008
NGUYỄN VĂN DŨNGTôi không tin rằng một cô gái đẹp thì lúc nào cũng đẹp. Sông Hương cũng thế. Sông Hương là quà tặng ưu ái của Thượng đế dành cho kẻ phàm trần.

Nhiều người hễ nhắc tới sông Hương là không tiếc lời khen. Sông Hương không dễ dãi đến vậy. Phải chuẩn bị tâm thế, phải biết chọn nơi, chọn lúc, nếu muốn cảm nhận được nguyên vẹn vẻ đẹp với mùi hương thầm lặng của nó.

Có một thời tôi cứ băn khoăn hoài, không biết Cao Bá Quát đứng ở đâu để thấy sông Hương như một lưỡi kiếm dựng giữa bầu trời xanh (Trường giang như kiếm lập thiên thanh). Tình cờ đọc bút ký của một nhà văn thời kháng chiến. Từ đỉnh Kim Phụng, anh dõi mắt theo dòng Hương mượt mà như dải lụa, lòng bời bời nỗi nhớ. Bỗng ngộ ra điều bấy lâu chất chứa. Hôm sau tôi lên Kim Phụng. Len lách gần hết ngày mới tới đỉnh. Ba thầy trò suýt chết khát vì tất cả con suối ở đây đều là suối điếc. Đêm, muôn triệu ánh sao lấp lánh trên đầu. Có một chùm sao vừa lạc xuống trần, cũng đang lấp lánh dưới kia. Thành Huế thân yêu của tôi, chỉ tí tẹo vậy thôi ư. Thế mà ở đó đang diễn ra đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố của kiếp phù sinh. Có lên cao mới thấy mọi sự chỉ là nhỏ bé. Cụ Khổng nói, “kẻ nhân thích núi, kẻ trí thích biển”, té ra là vậy. Buổi sáng, vừa liếm láp mấy giọt sương trên lá, vừa ngảnh mặt chờ ánh hồng lên. Vạn vật như được hồi sinh. Dòng Hương cũng vừa được dát bạc sáng loáng giữa đôi bờ xanh thẳm. Đẹp đến nao lòng. Thuở xưa, chắc Cao Bá Quát đã từng đứng đây mà ngắm dòng Hương. Tôi cố gạn lọc mọi ý niệm để nhìn sự vật đúng với bản thể của nó. Sông Hương như một dải lụa, như một vầng trăng, hay như một lưỡi kiếm dựng giữa bầu trời xanh. Hóa ra là, tùy nơi cái tâm của người nhìn.
Xế trưa, thầy trò vội vàng hạ san. Tạm biệt Kim Phụng muôn năm chung thủy với dòng Hương không bao giờ trở lại. Tôi dặn lòng sẽ đến đây lần nữa, để được cùng bè bạn nhâm nhi cốc rượu, chiêm ngắm vùng đất có thời là kinh đô của một đất nước cường thịnh, vùng đất không chỉ thơ mộng mà còn rất đỗi hùng tráng. Và, để được nhìn dòng sông, mỗi buổi sáng mai hồng, lấp lánh như một lưỡi kiếm dựng giữa bầu trời xanh.
Muốn khoe Huế, không nơi đâu bằng chỗ nầy. Du khách mà đến được đây hẳn sẽ thấy da diết chừng nào.
Tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ hoài về mấy khóm trúc trước chùa Thiên Mụ. Nếu điều quan trong nhất trong sáng tạo nghệ thuật là ý tưởng, thì người trồng khóm trúc ấy là một nghệ sĩ. Dòng sông, sau khi uốn lượn qua bao thác ghềnh, khúc quanh, ngả rẽ, đến đây bỗng dùng dằng như không muốn chảy, khoảng sông rộng ra, mênh mông bát ngát. Bên nầy Văn Thánh. Bên kia Thọ Cương. Xa xa là dãy Trường sơn mà mặt trời trước khi tắt hẳn, bao giờ cũng phả ra những tia sáng diệu kỳ. Để rồi phút giây sau đó, lớp sương khói không biết từ đâu man man thiên địa. Hư ảo và đẹp đến bồi hồi. Giữa không gian tĩnh lặng ấy, cành trúc lay động. Và tiếng chuông chùa từ thinh không vọng lại.
Tôi đã chọn khoảng sông nầy để ngắm buổi hoàng hôn cuối cùng của thế kỷ, của thiên niên kỷ. Tôi ngờ rằng, dòng sông cũng cảm nhận được buổi chiều thiêng liêng ấy. Buổi chiều mà phải 1.000 năm sau mới có lại. Tôi chụp nhiều ảnh. Sau nầy, tôi cứ ứa nước mắt mỗi lần giở ra xem lại. Đó là buổi hoàng hôn kỳ diệu nhất mà tôi được chiêm ngưỡng trong đời.
Trận lụt cuối năm 1999 làm sụt lở một góc đồi Thiên Mụ. Khóm trúc biến mất. Để bảo vệ khu danh thắng, người ta cho xây kè đá bao quanh bằng bê tông kiên cố. Từ mặt đường nhìn xuống sông, cao đến ngợp người - mà sao không có rào chắn. Đã gần hai năm qua. Thi thoảng tôi trở lại nơi nầy. Lòng nao nao nhớ về khóm trúc đã một thời tô điểm cho bức tranh sơn thủy chút duyên thầm. Trong kiến trúc, có nhiều thủ pháp nghệ thuật để vừa ngụy trang khối bê tông bất đắc dĩ kia, vừa bảo vệ người qua đường, vừa trả lại khóm trúc mặn mà cho dòng sông. Chỉ còn thiếu ý tưởng. Không biết phải đợi đến bao giờ.

Đồi Vọng Cảnh là địa điểm lý tưởng để chiêm ngắm dòng Hương. Ngày trước, ở đây ngút ngàn thông. Chiến tranh và sự vô tâm của con người đã biến khu danh thắng nầy chỉ còn là ngọn đồi trọc. Đồi Vọng Cảnh cách không bao xa lăng Tự Đức. Bên kia sông, điện Hòn Chén huyền bí soi mình. Sông Hương từ ngã ba Tuần chảy về, gặp chân đồi Vọng Cảnh, bỗng rẽ vuông góc một dòng thẳng tắp về Thiên Mụ. Buổi chiều, mặt trời nạm ngọc cho khoảng sông bên nầy, còn bóng núi che nắng cho khoảng sông bên kia. Dòng sông mang hai mặt của dòng đời, hai tính cách của Huế: tối và sáng, đen và trắng; lai láng mà cuộn trào, lạnh lùng mà nồng cháy, hờ hững mà da diết, dịu dàng mà dữ dội, chua chát mà ngọt ngào. Cho đến khi con tạo đỏng đảnh kia đòi lại chuỗi ngọc sáng loáng vừa hào phóng đính lên dòng sông, vạn vật bỗng chùng xuống, dịu dàng sương khói. Biến tấu đột ngột là nét nhất quán của tất cả gam màu, tất cả giai điệu thuộc về Huế. Không gian tĩnh lặng mùi thiền. Trên không, đàn chim lặng lẽ về núi. Bên kia sông, bâng khuâng khói lam chiều. Không biết nếu có Thôi Hiệu lúc nầy, ông ấy sẽ đề thơ ở đâu. Tôi mà là thị trưởng thành phố, tôi sẽ cho xây ở đây Vọng Cảnh Lâu và trồng thật nhiều nhiều cây. Tôi sẽ làm ngay để may ra thế hệ cháu mình còn kịp hưởng.
Tôi đã chọn đỉnh cao nầy để đón buổi bình minh đầu tiên của thế kỷ, của thiên niên kỷ. Hình như mặt trời hôm ấy hồng hơn mọi ngày. Không biết đó có phải là điềm lành cho nhân loại thế kỷ 21, điềm lành cho đất nước tôi, cho cái thành phố nhỏ nhắn, mến yêu của tôi? Một thế kỷ tăm tối qua đi. Sự kết thúc bao giờ cũng mở ra triển vọng mới. Đó là lời tự tình của tôi với dòng Hương buổi sáng kỳ diệu ấy.
Còn một điểm tuyệt vời để chiêm ngưỡng dòng Hương nhưng ít ai biết: sân thượng khách sạn Hương Giang. Tôi đặc biệt ghiền chỗ nầy. Ngồi đây mà ngắm hoàng hôn trên sông thì, không còn chi nói nữa. Xin đừng thắc mắc sao lại vẫn hoàng hôn. Huế là thành phố của cõi âm, là món quà cưới đẫm nước mắt giai nhân. Huế chỉ chịu tỏa hương khoe sắc vào buổi chiều và về đêm. Tôi ngạc nhiên sao lại có những tour đưa du khách thăm sông Hương và lăng tẩm những trưa hè. Làm vô duyên Huế không cách gì độc hơn cách đó. Tôi thường lui tới nơi nầy còn vì một lý do thầm kín. Tôi dị ứng với Cầu Mới. Nó thô lỗ cắt đôi dòng sông. Nó xóa sổ con đò Thừa Phủ mộng mơ một thời. Nó như lưỡi kiếm đâm thẳng vào hoàng cung. Nó chướng tai gai mắt lạ lùng. Ngồi đây nhìn lên phía Phu Văn Lâu, Trường Tiền mềm mại dáng kiều che khuất chiếc cầu kịch cỡm kia, trả lại khoảng sông mênh mông, “long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”.
Nhưng từ một năm sau nầy tôi ít khi lui tới, là vì ngồi đây ngắm dòng Hương không thể không ngứa mắt bởi cái kè đá trước trường Đại học Sư phạm. Khoảng sông nầy không lở không bồi, thế thì mắc mớ chi mà xây kè. Tôi thầm nhủ, với một chút bùi ngùi, một chút vui vui, rằng với tốc độ bê tông hóa hiện nay, không khéo mình là thế hệ cuối cùng được chiêm ngưỡng Hương Giang trinh bạch như từ thuở Nguyễn Du viết Kiều.

Có lần tôi cùng mấy người bạn chơi thuyền trên sông. Hồi ấy thuyền không chạy máy nổ như bây giờ. Mạn thuyền bằng gỗ kiền chứ không bằng nhôm như bây giờ. Mũi thuyền lài lài thanh lịch chứ không nghếch lên vẽ rồng vẽ phượng diêm dúa như bây giờ. Thuyền rời bến từ chập choạng tối, chèo ngược lên phía thượng nguồn. Đến khuya, từ Thiên Mụ trở về, thuận  gió, thuận nước, thuyền gần như bồng bềnh trôi. Đêm ấy trăng rất sáng. Dòng Hương bàng bạc ánh trăng. Chúng tôi ngồi đằng mũi, uống rượu, đọc thơ và luận bàn đủ thứ chuyện trên đời. Thời trai trẻ, đứa mô cũng tưởng mình ghê gớm. Mới đọc vài ba trăm cuốn sách cứ tưởng đã làu thông thiên kinh vạn quyển. Còn được mẹ nuôi cơm mà đòi là trang hảo hán muốn lấp biển vá trời, làm nên những kỳ tích cho nhân quần xã hội. Cao hứng có đứa còn đòi làm Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng mà chết. Sông trăng bàng bạc, quạnh quẻ đôi bờ, bè bạn và những giấc mơ lộng lẫy, là kỷ niệm tuyệt vời vẫn còn sống động mãi trong lòng tôi, dù đã bốn mươi năm qua kể từ ngày ấy.
Thanh lịch, tao nhã, hào hoa... Bây giờ du khách không còn được thưởng thức cái thú chơi thuyền trên sông Hương như thuở trước. Bây giờ tất cả được gộp lại thành cái gọi là dịch-vụ-thuyền-rồng-trên-sông. Nếu hiểu và thật lòng yêu con sông huyền thoại nầy, chắc không ai nỡ làm thế. Nghe ca Huế trên sông Hương, du thuyền thưởng ngoạn sông Hương, dịch vụ vui chơi trên sông Hương, nhà hàng trên sông Hương... Mỗi loại hình có nội dung riêng, sắc thái văn hóa riêng, nhất thiết không thể lẫn lộn. Người Huế có cách nói nầy thật biểu cảm: môn ra môn khoai ra khoai, cái chi ra cái nấy. Loại hổ lốn, nếu phải ăn, người ta chỉ ăn một lần.
Để ngắm mưa rơi trên sông Hương, không nơi đâu bằng công viên Tứ Tượng. Ở khoảng sông nầy cây cối thẳm xanh. Đôi bờ như xích lại. Từ mái hiên quán Thiên Đường, nhâm nhi cốc cà phê Sơn, cùng bạn ngắm mưa rơi, thật không còn chi nói nữa. Cầu Trường Tiền đắm mình trong mưa, trông cao sang và tội nghiệp. Mưa trên sông gợi bao mối cảm hoài. “Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa”. Nhớ những tấm lòng sâu nặng nghĩa tình. Nhớ bước chân buổi đầu hò hẹn. Nhớ những cuộc tình chợt đến chợt đi. Nhớ những nhan sắc một thời nay thành bà cụ. Ở công viên Tứ Tượng có cây ngô đồng là niềm tự hào của người Huế. Nó ra hoa vào mùa hè. Hoa màu hồng phấn, đẹp đến nao lòng. Ngô đồng, dáng hoa như nét Huế, màu hoa như chất Huế. Ngô đồng thấm đẫm hồn Huế.
Năm1989, một cơn lốc bất thường quật đổ cây ngô đồng. Để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu Huế. Té ra trong đời, hễ là cái đẹp thì “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”. Cho đến nay, mỗi lần đi qua công viên Tứ Tượng, bao giờ tôi cũng bắt gặp mình quay đầu về phía công viên, mong tìm lại bóng hình thân quen cũ , tuy biết rằng không bao giờ tìm lại được. Cũng may, cuối công viên, cạnh bờ sông vẫn còn một cây ngô đồng thuộc hàng con cháu. Cây ngô đồng bé bỏng nép mình một góc, ráng rẩm trổ hoa gọi chim về.

Từ lâu, tôi có thói quen nay thành mối đam mê không thể nào bỏ đi được. Cứ vào đêm giao thừa, tôi một mình lang thang ra bờ sông - khoảng sông trước Phu Văn Lâu. Khoảng sông nầy lúc nào cũng đẹp. Những sáng mai hồng, những chiều mùa hạ, những đêm u huyền, những ngày mưa dầm gió bấc. Lạ lùng nhất là buổi chiều sau cơn mưa, trời chợt nắng. Sông như rộng ra, núi như gần lại. Con tạo chơi trò vẽ vời. Đủ thứ sắc màu. Có lần tôi bắt gặp một du khách người Nhật từ trên xích lô bước xuống, ông thảng thốt đứng ngây người trước dòng sông. Rồi ông bỗng chắp tay cúi đầu lạy. Hẳn từng đi đây đó nhiều nơi trên thế giới, chưa bao giờ ông gặp ở đâu buổi chiều diệu kỳ đến thế. Và ông đã lạy. Sau nầy mỗi lần nhớ lại vẻ xuất thần trên khuôn mặt ông phút ấy, tôi vẫn còn thấy lạnh cả người.
Vào giờ nầy, người Huế chộn rộn sắm sửa cúng giao thừa. Cái Tết vẫn còn hết sức trang trọng và thiêng liêng đối với người Huế. Con đường Lê Lợi vắng tênh. Họa hoằn lắm mới có đôi ba người đi xa về trễ tàu, cắm đầu chạy cho kịp đón giao thừa. Vào giờ nầy, hương trầm đã thắp, thành phố tĩnh lặng uy linh. Vào giờ nầy, hẳn không còn ai nghĩ chi về con sông. Con sông cảm nhận được điều đó. Nó nghẹn ngào chảy. Trông nó côi cút và tội nghiệp... Bỗng nghe đâu đây có mùi hương. Cái hương thầm ấy lặng lẽ mà đắm say. Tôi ngờ rằng mùi hương tỏa ra từ dòng sông - mỗi năm nó tỏa ra một lần, chỉ một lần thôi, vào cái khoảnh khắc cô quạnh nhất.
Đôi lần tôi nán lại đón giao thừa với dòng Hương. Nhiều đôi nam nữ đèo nhau qua cầu hái lộc sớm. Họ nhìn tôi dò xét, ái ngại. Trong mắt họ tôi là gã điên, tên thất tình, hoặc phẫn chí sắp trầm mình xuống dòng sông. Cho hay, cùng uống nước dòng Hương, mấy ai hiểu được con sông nầy.
Thương thay tấc lòng cụ Đào Tấn, “Cộng ẩm Hương giang thủy. Vô nhân thức thủy Hương”. Và Đinh Cường nữa, anh yêu dòng Hương biết mấy. “Ra đi mới biết lòng vô hạn. Sương có mờ thêm trên sông Hương”.
Trong khi tôi viết bài nầy, người ta đang cho đập kè đá bờ sông trước Trường ĐHSP. Thì đâu đã hết người yêu con sông nầy, phải không.
Ước chi gởi được cho anh một chút sương khói trên sông Hương chiều nay, Cường ơi!
N.V.D

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng