Bút ký - Tản văn
Diễn từ Nobel 1929
15:36 | 12/08/2008
THOMAS MANNMANN, PAUL THOMAS, nhà văn Đức (1875- 1955). Sinh tại Lüberk trong một gia đình thương gia lớn. Cha là Johnann Heinrich Mann - một thượng nghị sĩ, đồng thời là thương gia. Mẹ là Julia con gái của một chủ trang trại người Đức và một phụ nữ gốc Bồ Đào Nha.
Diễn từ Nobel 1929

15 tuổi cha mất, cùng gia đình di cư đến Munich . Làm quân tình nguyện trong lực lượng an ninh. 19 tuổi bắt đầu viết báo. Học trường Cao đẳng kỹ thuật (nay là trường Đại học Kĩ thuật Munich ). Năm 1895 - 1898, sống cùng anh trai Heinrich ở Italia. 1899 là biên tập viên tờ châm biếm phê bình “chủ nghĩa đơn giản”. Năm 1905, lập gia đình với Katjia Pringsheim, Con gái giáo sư toán học Alfred Pringsheim, trưởng khoa toán trường Đại học Munich, sinh được 3 người con trai và 3 người con gái. Từ năm 1931 - 1933, viết văn chuyên nghiệp ở Munchen. Năm 1933, sang Mỹ chống phát xít Đức. Sách bị đốt, bị cấm ở Đức thời phát xít. Năm 1936 từ chối nhập quốc tịch Đức và danh hiệu Tiến sĩ. Những năm cuối đời, sống tị nạn ở nước ngoài. Mất tại Zürich (Thuỵ Sĩ).
Văn Thomas Mann chính xác, gọt giũa, sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, y học, xã hội học, tâm phân học... đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ.
Được trao giải Nobel văn học năm 1929.
Tác phẩm chính: Gia đình Buddenbrooks (1901), Các vị hoàng thân (1909), Cái chết ở Venice (1913), Lời thú tội của Felix Krull tự tin (1922), Ngọn núi kỳ bí (1924), Mario và tên phù thuỷ (1828), Anh em Joseph (1933-1943, 4tập), Sự trở lại được chào đón (1939).

Giờ đến lượt tôi nói lời cám ơn. Không cần phải nói các ngài cũng biết tôi mong đợi giây phút này biết nhường nào. Nhưng trời ơi, chính vào lúc này tôi lại lo sợ rằng những lời tôi nói sẽ không diễn đạt được đúng cảm xúc của tôi, điều thường xảy ra với những ai không có tài hùng biện bẩm sinh.
Tất cả các nhà văn đều không phải là những nhà hùng biện. Nhà văn và nhà hùng biện không chỉ khác nhau mà còn thuộc về hai trường phái đối lập với nhau về công việc, và ảnh hưởng của họ tác động lên cuộc sống cũng khác nhau. Nói một cách chi tiết, đứng trên lập trường văn học, một nhà văn có sức thuyết phục, theo bản năng tất sẽ cảm thấy khó chịu với đặc điểm lời nói ứng khẩu vô thưởng vô phạt cũng như nguyên tắc tiết kiệm lời nói để lại nhiều khoảng trống quyết định mà người nghe cần phải suy diễn từ tính cách của người nói. Nhưng trường hợp của tôi bị làm cho rối rắm bởi những khó khăn nhất thời, chúng phủ đầu bằng một lời kết tội đối với việc mượn cách hùng biện của tôi. Tất nhiên tôi đang muốn nói đến cái tình huống mà các ngài, các quý ông của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển đã đặt tôi vào đó, tình huống tuyệt diệu khiến cho tôi hết sức bối rối và ngập tràn cảm xúc. Thực lòng, tôi không thể hình dung được những niềm vinh dự lớn lao mà các ngài trao cho tôi. Tôi có bản chất anh hùng ca chứ không có bản chất kịch trường. Thiên hướng niềm mong ước của tôi cần có sự thanh bình để dệt nên sợi chỉ cuộc đời của tôi, cần có một giai điệu êm đềm trong cuộc sống và nghệ thuật. Chẳng có gì đáng kinh ngạc nếu bông pháo hoa ca kịch được bắn đi từ phương Bắc vào giai điệu êm đềm này làm suy giảm khả năng hùng biện của tôi, thậm chí xuống dưới giới hạn thông thường. Kể từ khi Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển công bố quyết định, tôi sống trong một trạng thái say sưa như trong ngày hội, một cảm giác xốn xang thú vị. Tôi không tài nào minh hoạ được những cảm giác để lại trong tâm trí và linh hồn tôi tốt hơn là dẫn chiếu đến một bài thơ tình rất hay mà cũng hết sức kì lạ của Goethe. Bài thơ được viết cho chính thần Ai tình và có một dòng đã để lại ấn tượng trong tôi: “Du hast mir mein Grẽt verstellt und verschoben”. Giải thưởng Nobel đã gây xáo động các đồ vật trong ngôi nhà sử thi của tôi. Và chắc chắn tôi không hề lạc lõng nếu đem so sánh những ấn tượng của giải thưởng Nobel đối với tôi với những cảm xúc tạo cảm hứng cho công việc trong một cuộc đời suôn sẻ.
Và một nghệ sĩ thật khó có thể đón nhận những niềm vinh dự như những niềm vinh dự đang dồn dập đến với tôi mà không chút lo lắng. Liệu có một nghệ sĩ đúng mực và khắt khe với bản thân nào lại không bứt rứt lương tâm về chúng? Chỉ có quan điểm vượt khỏi bản tính của con người, vượt khỏi bản tính của cá nhân mới giúp ích được trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Phương cách tốt nhất là phải vứt bỏ cái tôi cá nhân. Geothe đã tự hào nói rằng “Chỉ có những kẻ bất lương mới khiêm tốn”. Câu nói đó giống lời lẽ của một lãnh chúa quyền uy muốn tách mình ra khỏi cái đạo lý của những kẻ thuộc hạ và những kẻ giả nhân giả nghĩa. Nhưng thưa các quý ông, quý bà đó chưa hẳn là toàn bộ sự thực. Trong đức tính khiêm tốn còn có cả sự khôn ngoan và thông minh. Người chỉ biết kiêu căng, ngạo mạn trước danh dự như danh dự được ban cho tôi, là một thằng ngu không hơn không kém. Tôi xin đặt giải thưởng quốc tế cao quý ngẫu nhiên được trao cho tôi dưới đôi chân của đất nước và của dân tộc tôi, đất nước và dân tộc mà giờ đây những nhà văn như tôi cảm thấy gần gũi hơn so với thời hoàng kim của vương triều phong kiến.
Sau nhiều năm giải thưởng quốc tế Stockholm lại một lần nữa được trao cho bộ óc của nước Đức, cho văn xuôi Đức nói riêng. Các ngài khó có thể đánh giá đúng cảm xúc khi đất nước bị chia cắt và thường bị hiểu lầm của chúng tôi đón nhận những dấu hiệu tôn vinh đó.
Tôi xin mạn phép giải thích ý nghĩa của sự tôn vinh này rõ hơn. Những thành tựu về nghệ thuật và trí tuệ Đức trong suốt 15 năm qua không đạt được những điều kiện thuận lợi cho thể xác và tâm hồn. Không một công việc nào có cơ hội phát triển và chín rộ trong điều kiện đảm bảo đầy đủ, nghệ thuật và trí tuệ cũng đã phải tồn tại trong những điều kiện hết sức khó khăn, trong bối cảnh của những nỗi thống khổ, rối ren và đau thương, một tình trạng hỗn loạn tinh thần Nga và tinh thần Đông Âu, trong đó Đức bảo vệ nguyên tắc giá trị hình thức kiểu phương Tây và Châu Âu. Vì đối với người châu Âu, hình thức là một vấn đề danh dự, hay không phải như vậy? Thưa các quý ông, quý bà, tôi không phải là một con chiên Cơ đốc giáo, truyền thống của tôi cũng như của tất cả các ngài ở đây, tôi ủng hộ cho giáo phái Tin lành, phụng sự Chúa. Tuy nhiên tôi cũng tôn thờ một vị thánh riêng của mình, đó là thánh Sebastian. Một thanh niên bị trói vào cọc, bị những thanh gươm và những mũi tên từ mọi phía xuyên vào da thịt mà vẫn mỉm cười trước con hấp hối. Vẻ đẹp toát lên từ sự đau khổ về thể xác: Thánh Sebastian là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng. Hình tượng ấy có thể táo bạo nhưng tôi bạo gan tự cho rằng chủ nghĩa anh hùng đó nằm chính trong trí tuệ và nghệ thuật Đức, và tôi chắc rằng niềm vinh dự quốc tế ban tặng cho thành tựu của nền văn học Đức có xét đến chủ nghĩa anh hùng siêu phàm này. Trong thi ca, Đức đã ca ngợi vẻ đẹp trong đau thương. Đức gìn giữ danh dự của mình: về mặt chính trị, quyết không lùi bước trước những bất hạnh, luôn giữ vững sự thống nhất đất nước, về mặt tinh thần, kết hợp nguyên tắc chịu đựng khổ đau của phương Đông với nguyên tắc hình thức của phương Tây - bằng cách tạo ra vẻ đẹp trong đau thương.
Cuối cùng tôi xin phép được quay trở lại với vấn đề của cá nhân tôi. Sau khi được biết quyết định trao giải, tôi đã kể với những đại biểu đầu tiên đến với tôi rằng tôi đã đón nhận với tâm trạng xúc động và sung sướng biết nhường nào với niềm vinh dự từ phương Bắc, từ miền Scandinavia, nơi mà với tư cách là một người con của Lübeck, tôi đã bị gắn chặt vào đo từ khi còn thơ ấu bởi những nét tương đồng trong cách sống, và là một nhà văn tôi bị gắn chặt vào đó bởi sự đồng cảm và sự ngưỡng mộ dành cho tư tưởng và không khí phương Bắc.
Khi còn trẻ, tôi đã viết một câu chuyện mà thanh niên ngày nay vẫn thích: cuốn Tonio Krôger. Câu chuyện nói về miền và miền Bắc và sự pha trộn giữa hai miền đó trong một con người, một sự pha trộn đầy phiền phức và cũng đầy hữu ích. Miền trong câu chuyện đó là thực chất miền của khoái cảm, là sự phiêu lưu mạo hiểm trong tri thức, cảm xúc nghệ thuật nhạt nhẽo. Miền Bắc, trái lại, đại diện cho trái tim, cho giai cấp tư sản, những cảm xúc thâm căn cố đế và mang đặc tính của từng cá nhân. Giờ đây, nơi trú ngụ của trái tim, miền Bắc, chào đón tôi, giang rộng vòng tay đón nhận tôi bằng một lễ kỉ niệm tưng bừng. Đây là một ngày tươi đẹp và đầy ý nghĩa trong cuộc đời tôi, một ngày hội thực thụ của cuộc đời, một “hôgtidsdag” như người Thuỵ Điển vẫn nói trong ngày vui của họ. Cho phép tôi được bày tỏ yêu cầu cuối cùng của mình bằng ngôn từ mượn của người Thuỵ Điển một cách vụng về này: Thưa các quý ông, quý bà, chúng ta hãy cùng bày tỏ sự biết ơn và chúc mừng cho Quỹ Nobel, quỹ đã mang lại biết bao lợi ích và đóng vai trò quan trọng vào bậc nhất trên thế giới, quỹ đã đem lại cho chúng ta buổi tối tuyệt diệu này. Theo phong tục tốt đẹp của Thuỵ Điển, hãy cùng tôi hoan hô bốn lần vì Quỹ Nobel.
TÂN ĐÔN dịch.

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Chuyện đi câu (31/07/2008)
Nhịp sóng xanh (31/07/2008)