Bút ký - Tản văn
Suy nghiệm bên dòng thời gian
16:34 | 15/08/2008
TRẦN HOÀNG PHỐKỷ  niệm  45  năm  thành  lập Đại  học  Huế  (1957-2002)1. Mặt trời, mặt trăng vẫn rạng rỡ soi, có lẽ cả ngàn năm trên cái giải đất Phú Xuân-Huế cỏ hoa thơ mộng, diễm kiều và tịch lặng này.

Cũng có lẽ dòng sông hiền dịu, xanh biếc như một giải lụa mềm ngang qua đất cựu đô đã chảy trôi biền biệt cũng đã từ lâu lắm rồi.
So với thời gian vũ trụ dài dằng dặc không cùng không dứt thì thời gian của con người chỉ là hữu hạn. Đôi khi tôi có cảm giác thời gian con người kia cũng chỉ ở một kiếp mong manh, một thứ sương, khói trên cái dòng sông thời gian mãi mãi chảy trôi đó thôi. Ấy vậy mà đôi khi vì quá chấp nê mê muội, ta cứ tưởng nó là ghê gớm và quan trọng, dường như vĩnh cửu.
Tôi cũng đã bắt đầu vào cái lứa tuổi chớm 50. Tuổi đã bên kia, nửa triền dốc cuộc đời, tuổi mà đôi khi chỉ cần một cú hích ngẫu nhiên trớ trêu nào của mệnh số, nó sẽ tuột xuống vực thẳm của cái chết trong một chớp mắt. Ở cái lứa tuổi này, người ta thường đôi khi giật mình vì thấy cái quỹ thời gian của mình còn quá ít và thi thoảng đêm hôm, và cả ban ngày đôi khi tôi ngồi thừ ra chiêm nghiệm cái mình đã từng biết, từng sống, từng mơ...
Con người là một sinh vật thật đỗi lạ lùng, nó không chỉ biết sống mà đôi khi còn biết suy nghĩ, phản tỉnh trước cuộc sống. Có một “cái tôi” mình sống, nói, cười, đi lại, vỗ tay, bỉu môi, rồi còn có “cái tôi” nữa ở trong sâu lắng ở tận cõi nào trong tim, bỗng tự nhiên trỗi dậy “giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Con người ta không chỉ thương mình mà còn thương đời, thương cho cả những giấc mơ vẫn còn xa lắc ở đâu đó chân trời...
Đại học Huế đã 45 tuổi. Cái nơi mà tôi đã từng trú ngụ trên cõi tạm này cũng đã trên 32 năm. Kể từ khi bước vào đời sống sinh viên rồi dạy học ở đó, ấy là chưa kể những ngày còn ở Trung học Thiên Hựu rồi Quốc Học, tôi đã từng vọng tưởng, từng mơ về nó, thèm thuồng như một đứa trẻ thơ mơ thành người lớn để làm được những điều mà trước đây nó không được làm.
Viết về nơi mà sống, đấu tranh, làm việc, mơ mộng, buồn, vui, cũng là viết về những kỷ niệm đã ghi khắc vào tim mình, máu thịt mình, và cũng phải tách những thớ tim của linh hồn mình để mà giãi bày.
2. Có những cái mà con người tạo dựng nên trong thế giới mong manh của kiếp người, trong cái đỏng đảnh phù du của lịch sử, lại những biểu tượng gần như là vĩnh cửu đối sánh với cái bền vững của vũ trụ kia.
Đó là Tổ quốc mẹ hiền và cái cõi quê hương xanh thắm ca dao, mà khi nghĩ đến nó, những đứa con tha phương xứ người cứ cồn cào mãi nỗi nhớ.
Nhỏ hơn nỗi nhớ ấy đọng lại ở một ngôi làng, một vùng đất mà mình đã sinh ra và lớn lên, đau khổ và hạnh phúc với nó.
Rồi đến cái Họ mạc, cái sợi giây vô hình mà đôi khi tuổi trẻ ta chẳng mấy chút quan tâm, đến cái tuổi tứ hay ngũ tuần, bỗng nhiên một tiếng nói vô hình cứ mách bảo ta quay về với nó. Dù khi đầu thai làm kiếp con người, ta đâu có quyền chọn lựa những Nguyễn, Trần, Lê, Võ... Điều đó âu cũng như là một sợi giây định mệnh ràng buộc một kiếp người với một giòng tộc, chảy thắm trong máu thịt vô ảnh vô minh.
Còn có một biểu tượng quan trọng không kém. Mà mỗi xã hội con người văn minh không thể không có được là ngôi trường. Sẽ ra sao nếu những xã hội không có những ngôi trường. Khi đó, người ta sẽ sống trong một xã hội lặng yên không tiến hóa. Đôi khi, tôi cứ lẩn thẩn mà nghĩ vậy!
Ngôi trường, đó là nơi truyền bá và rao giảng những kinh nghiệm, tri thức, tình cảm cao đẹp và những khát vọng cả dân tộc và nhân loại. Những điều đó, thế hệ những con người thuộc nòi tinh hoa của nhân loại đã suy tư, tìm tòi, trăn trở, khám phá, đúc kết chúng thành những bó đuốc sáng của tri thức, đạo đức, tình cảm, cái đẹp, rồi cứ thế mà truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác, dẫn dắt nhân loại đến cõi ánh sáng của hạnh phúc ở chính cái nơi đó.
Không có những ngôi trường đó thì xã hội không tiến triển được. Ngôi trường, đó là nơi thúc đẩy bánh xe tiến hóa của văn minh.
Thầy, lớp, sân trường, bóng cây, lối đi, thư viện, bạn bè, cả những mối tình và những khát vọng cho đời mình và đất nước mai sau đã trở thành những kỷ niệm khó quên lặn sâu trong tim ở mỗi cuộc đời con người, dù bất kể anh là ai, chọn nhãn quan nào. Khi người ta nhắc cho anh gợi lại những tháng ngày trẻ trung còn cắp sách, anh cảm thấy trong cõi linh hồn mình xao động ngay.
Ngôi trường, đó là biểu tượng của văn hóa, đó là cội nguồn bền vững của nhân loại và dân tộc. Trong đó có giòng chảy liên tục, kế tục và tiếp nối những điều tốt đẹp nhất.
Tôi còn nhớ cái ngày trường Quốc Học Huế, kỷ niệm 95 năm, ở quê hương này, bao nhân tài, trí thức, nhà khoa học, tướng lĩnh, nhà kinh tế và cả những con người bình thường như cỏ nội hoa ngàn cũng tụ họp nhau xôn xao kỷ niệm. Hội trường cũng ra đặc san để bày tỏ kỷ niệm, tâm tình. Thì bên góc trời phía bên kia, ở cái nước Mỹ xa xôi, các trí thức cự phách một thời và cả những con người Việt tha phương bình thường khác cũng họp nhau ra tờ đặc san kỷ niệm Quốc học tròn 95 tuổi.
Các biểu tượng đó vượt ra khỏi biên giới thực và cũng vượt khỏi biên giới thành kiến, trong lòng người, để họp mặt hội tụ, buồn vui cùng cái gốc chung trong tâm hồn.
3. Ngôi trường ở trong nền giáo dục bậc cao được gọi là Đại học. Đó là nơi đào tạo nhân tài, chí ít cũng là lớp trí thức bậc khá về viên chức lãnh đạo, các kỹ thuật gia, khoa học gia, các nhà văn hóa học thuật bậc trung cao cho một đất nước.
Ở những đất nước được gọi là văn minh người ta coi trọng các Đại học, bởi người ta biết ánh sáng tri thức, tâm huyết, với đời, với dân tộc, với nhân loại tỏa rạng từ đó.
Đại học suy nghĩ tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, xới đi, xới lại các vấn đề của cuộc sống để tìm cách làm cho chúng tốt hơn dựa trên nền tảng của tri thức tinh hoa của dân tộc và thế giới.
Trong sự tiến bộ và phát triển của xã hội, dân tộc, quốc gia và sự thăng hoa của con người ở cái vẻ đẹp và điều thiện, đều có sự hiện diện vô hình nhưng bàng bạc mọi nơi của tinh thần các Đại học.
Tôi vẫn hằng suy nghĩ về mục tiêu và phương châm của một Đại học. Mục tiêu và phương châm đó có thể thu gọn trong tám chữ: Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng và Sáng tạo. Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng tôi mà còn đúc kết suy nghĩ của nhiều bậc trí thức Đại học đi trước và cùng thời.
4. Đại học trước hết, vì dân tộc của mình, nó sống trong lòng dân tộc, nhân dân. Nó là đứa con thông minh, ưu tú nhất của nhân dân. Nó sẽ trở lại họat động và cống hiến những tinh hoa, những ánh sáng cho mục tiêu của một đất nước hùng cường, một nhân dân no ấm hạnh phúc, nó sẽ góp sức mình để thực hiện một cuộc duy tân và canh tân lớn, không chỉ xóa đói nghèo mà còn làm cho nhân dân đủ năng lực và trí tuệ để làm chủ vận mệnh của mình.
5. Đại học không chỉ vì dân tộc của mình mà còn vì nhân loại. Vì tất cả những tri thức của nó được tiếp thu là những tri thức mà hàng chục thế kỷ nhân loại đã dò dẫm, trăn trở để cuối cùng tìm ra. Có vay thì phải có trả. Những nghiên cứu của Đại học, những phát hiện, khám phá của nó cũng góp những cát nhỏ bé để xây dựng tòa lâu đài tri thức của nhân loại.
Điểm cốt yếu của tinh thần nhân loại là tính nhân bản. Vì con người và xuất phát từ con người, đó chính là “cõi đi về” của chính bản thân Đại học
Vì “con người” trước hết là sự tôn trọng nhân cách và phẩm giá của cá nhân và các quyền cơ bản của nó. Cá nhân con người là một sinh thể đặc biệt độc đáo trên muôn loài, vì nó biết tư duy và chỉ tồn tại duy nhất một lần trên thế gian này. Xã hội, nhân dân, dân tộc, nhân loại là những tổng số của những cá nhân có quyền sống riêng và có nghĩa vụ phải cống hiến cho các tập thể từ nhỏ đến lớn, từ gia đình mình, vùng đất quê hương nhỏ của mình, một tỉnh, rồi rộng ra khu vực một miền, cả nước và cả thế giới. Bởi thế giới cũng chỉ là ngôi nhà chung cả nhân loại mà con người bất kể dân tộc nào cũng phải gìn giữ và phát huy. Quan điểm nhân bản, tôi nghĩ phải được thể hiện trong cấu trúc tinh thần bên trong nội tại của một Đại học, giữa giới lãnh đạo Đại học với các giảng viên và nhân viên của nó, giữa giảng viên với sinh viên, giữa lãnh đạo và nhân viên với sinh viên và ngược lại. Đặc biệt, Đại học phải coi trọng sinh viên của nó, người mà nó đào tạo, xem đó là những thực thể đã trưởng thành, có thể suy nghĩ độc lập, tự mình làm chủ bản thân mình và suy nghĩ độc lập, đầy khát vọng, ước mơ cho đời mình, cho quê hương cho nhân dân và cho khoa học. Thực thể sinh viên đó cần được vun đắp, bồi dưỡng phát huy trí tuệ năng lực, tâm hồn.
Ngay cả danh xưng hô ngữ của các thực thể khác đối với sinh viên, tôi nghĩ không nên gọi sinh viên là các “em”, dù gọi như thế có vẻ thân mật, gia đình, nhưng ngược lại nó lại tạo ra khoảng cách giữa vị trí bề trên và bề dưới, giữa mệnh lệnh và sự cưỡng bách tuân phục mà tôi mong thay bằng danh gọi “các bạn” hay các “anh, chị”. Chính danh gọi này làm cho sinh viên cảm thấy mình được xem như là một con người đã trưởng thành, được tôn trọng như một nhân cách cùng bình đẳng với các thực thể khác bên trong Đại học.
Tinh thần nhân bản vì con người nói chung, vì mỗi con người nói riêng cũng sẽ được thể hiện trong tương quan giữa Đại học đối với các thực thể bên ngoài nó.
Chúng ta cần phải đào tạo những sinh viên biết sống vì người khác, vì nhân dân của mình, ngay khi còn ở trong nhà trường cũng như sau khi tốt nghiệp ra trường, biết phục vụ tôn trọng những người khác. Coi trọng mỗi học sinh nếu đó là các thầy giáo, coi trọng mỗi độc giả của mình nếu sau này là nhà báo, chú tâm mỗi bệnh nhân nếu sau là các bác sĩ, mỗi sản phẩm nếu là các nhà kinh tế...
6. Đại học theo tôi nghĩ, cũng phải cần có tinh thần khai phóng. Khai phóng là cởi mở, giải phóng khỏi những khuôn sáo, lối mòn, định kiến, đốivới cuộc đời, khoa học và con người. Là một cấp giáo dục ở bậc cao, nó phải suy nghĩ lại những cái nền tảng cơ bản của giáo dục, của các tri thức khoa học, các con đường và cách tiếp cận đối với các tri thức, các phương thức truyền thụ và học hành.
Không chỉ có một con đường đi đến chân lý mà có thể có rất nhiều con đường. Có những con đường thẳng và có những con dường khúc khuỷu, quanh co.
Sự vật tự nhiên, xã hội hay con người, cuộc đời, thường là những thực thể có cấu trúc nhiều vẻ, nhiều mặt và nhiều tầng bậc. Phương thức này, cách tiếp cận này do đặc trưng của nó, chỉ chú ý mặt này, khía cạnh này, tầng bậc này, cấp độ này của đối tượng, còn phương thức khác, cách tiếp cận khác thì soi rọi mặt khác, khía cạnh khác... Chính vì thế, sự vật hiện lên toàn vẹn hơn, sống động hơn và cũng đúng đắn hơn. Chấp nhận sự đa phương hóa, đa dạng hóa, đa nguyên hóa các cách tiếp cận, để soi rọi mọi khía cạnh dáng vẻ của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội, lịch sử con người, đó cũng là linh hồn của tinh thần khai phóng.
Tinh thần khai phóng cũng là tinh thần đối thoại giữa những quan điểm, các nhãn quan, các nền văn hóa để tìm ra các hạt nhân chân lý. Và tinh thần đó, cũng chính vì tôn trọng con người, các cá nhân như các thực thể khác mình biết tư duy.
Bầu trời lồng lộng không phải của riêng ai. Đất nước, quê hương này cũng không phải chỉ của một số người, thế giới kia cũng không phải của chỉ của những nước giàu, mạnh: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp ...
Tinh thần khai phóng và đối thoại cũng chính là xuất phát từ tinh thần nhân bản, nhân văn. Chân lý trong khoa học và ngay trong cả cuộc đời không đến từ một phía mà có thể đến từ nhiều phía. Sự cởi mở trong khoa học và sự bao dung trong cuộc đời; sống bằng trí tuệ rộng mở và bằng cái tâm bao dung cũng là nét đặc trưng của tinh thần Đại học.
7. Tôi cũng thường suy ngẫm rằng mỗi thời điểm của lịch sử thường áp đặt một nhãn quan. Nhãn quan đó có thể đúng toàn bộ hoặc đúng một vài khía cạnh, lúc đó, nhưng lúc khác, thời điểm khác thì nó không còn đúng nữa, thậm chí là sai lầm
Tinh thần khai phóng là biết nhìn lại và vượt qua, chứ không bám vào một định kiến cứng nhắc ở một thời điểm, để phán xét tất cả.
Lịch sử cũng như mỗi con người, có lúc mê muội, có lúc sáng suốt, có lúc bóng đêm trì trệ, có lúc ánh sáng rực rỡ, có thời kỳ toàn là thành tựu, có thời kỳ toàn là nhược điểm và các vết nhơ.
Đánh giá mỗi triều đại, mỗi chế độ, không nên cắt xén một khúc, một giai đoạn rời, phóng đại nó lên, quy vào bản chất của triều đại đó, chế độ đó
Xem xét, đánh giá triều Nguyễn nếu chỉ ở giai đoạn thời Tự Đức, bạc nhược để mất nước, rồi quy vào đó là bản chất của toàn bộ vương triều Nguyễn. Điều đó sẽ là không đúng đắn, không toàn diện
Đừng quên rằng mở rộng bờ cõi một nửa nước là công của chúa Nguyễn. Thời Minh Mạng cũng là một thời rực rỡ của một đế chế lừng lẫy ở Đông Nam Á.
Cũng như vậy, một số sử gia nước ngoài và một số chính trị gia, một số nhà khoa học nào đó đã chỉ xem xét thời bao cấp, trì trệ, duy ý chí của nước ta trước Đổi Mới và quy vào đó là bản chất của chế độ mới xã hội chủ nghĩa và kết tội nó. Họ đã quên thời kỳ anh hùng sáng chói, đã từng đánh bại các đế quốc lớn Pháp, Mỹ của nó và cũng quên rằng thời kỳ Đổi Mới với những tiến triển mạnh mẽ của nó.
Biết chắt lọc những tinh túy của văn hóa quá khứ, dân tộc, biết rút ra bài học thành công và thất bại của nó, biết tiếp thu những thành tựu của thế giới, bất kể đó là của ai, để xây dựng một nền tảng vững chắc của tri thức Đại học, góp phần xây dựng đất nước, đó không phải là sứ mệnh của Đại học đấy ư?
8. Cuối cùng một Đại học phải xem sứ mệnh của mình là sáng tạo. Sáng tạo là nỗ lực của một hành trình dài đi tìm cái mới trong mọi lĩnh vực lý thuyết và thực hành của các khoa học.
Đại học cũng phải giải quyết các bài toán, các vấn đề nan giải của xã hội và đất nước, địa phương mình, đó cũng là sứ mệnh cấp bách của Đại học, quan trọng không kém với việc đi tìm cái mới ở các lý thuyết của các khoa học chuyên ngành.
Phát huy tinh thần sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập ở đội ngũ giảng viên và trước hết sinh viên(đặc biệt sinh viên ở năm cuối bậc Cử nhân, hoặc bậc Cao học, Tiến sĩ) sẽ là động lực phát triển của Đại học.
Tìm những con đường đi mới, những bước đi mới, để sánh kịp với Đại học Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, rồi Đại học nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á và thế giới, đó chính là nhiệm vụ không chỉ của giới lãnh đạo Đại học Huế và các trường thành viên mà còn là nhiệm vụ và trọng trách của đội ngũ trí thức Đại học.
Tôi nghĩ rằng người trí thức chân chính xưa cũng như nay, Đông cũng như Tây, đều là những kẻ có khí phách, có bản lĩnh, có chủ kiến, và có tâm huyết với cuộc đời
Biết khơi dậy, tổ chức, tập hợp liên kết phát huy sức mạnh trí tuệ và hùng tâm của đội ngũ trí thức chân chính trong nước và kể cả kiều bào nước ngoài ở các các Đại học sẽ đem lại những bước phát triển mới cho chính Đại học.
9. Huế, những ngày tháng ba mùa xuân thật đẹp, lộng lẫy. Đây là những ngày đẹp nhất trong năm. Cây lá xôn xao áo mới, trong vườn, công viên, mọi thứ hoa bắt đầu nở rộ vẻ đẹp sau những ngày tàn đông âm u.
Con đường đẹp nhất Huế là con đường Lê Lợi chạy giữa hai hàng cây dài bốn mùa thay lá hoa và dọc theo một giòng sông trong xanh như gương.
Con đường này cũng là con đường trường học và cũng có thể gọi là con đường Đại học. Này nhé, hai trường Trung học có tiếng nhất Huế là Quốc Học, Hai Bà Trưng (xưa là Đồng Khánh) nằm giữa chừng con đường. Đầu đường, phía cầu ga, bên trái nếu ta đi cầu ga xuống là tòa Viện Đại học Huế (trước kia, thời Pháp thuộc là Viện Dân biểu Trung kỳ), bên phải của nó, ở số 2 và số 4 Lê Lợi, một khuôn viên rộng lớn gồm các dãy lầu, xưa kia vốn là chung cư cho một số các giáo sư tại chỗ và là nơi đón tiếp các giáo sư thỉnh giảng trong và ngoài nước (ngày nay đã bị lấy một phần lớn để làm khách sạn 2 Lê Lợi). Đi tiếp vài chục mét là nơi ngã ba đường Lê Lợi và Điện Biên Phủ, là Trường Đại học Luật (ngày nay đã biến thành chung cư của giáo viên đại học), đi xuống nữa qua hai trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, qua khỏi ngã tư Lê Lợi và Hà Nội, là Thư viện Đại học uy nghi bệ vệ (trước là Kho bạc Đông Dương ở Miền Trung, một kiến trúc kiểu Pháp thuộc loại đẹp, bây giờ đã bị phá, để xây dựng một cơ sở thuộc dự án nào đó của Đại học), tiến đến ở cơ sở Morin cũ, là 2 trường Đại học Văn khoa và Đại học khoa học, chia đôi cơ sở này. Qua một ngã tư ở chân cầu Trường Tiền, là Trường Đại học Sư phạm. Cũng trên con đường này, ở nơi giữa Tòa tỉnh (ngày nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Tỉnh) và trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh) một con đường nhỏ chạy thẳng góc với đường Lê Lợi, chỉ vài trăm mét là đến trường Đại học Y khoa Huế. Có thể nói toàn bộ các trường lớn và Đại học Huế đều nằm trên chính con đường diễm lệ này.
Cũng có thể nói, Huế trước năm 1975 đã dành cho đứa con tinh thần xuất sắc của mình, những vị trí và cơ sở đẹp nhất.
Chính vì sự tập trung dầy đặc các trường Đại học và Trung học này, mà trước đây, khi ngọn lửa yêu nước, vì dân tộc, vì quê hương, thổi bùng lên ở trong lòng hàng ngàn SVHS Huế, thì các cuộc biểu tình, bãi khóa dễ tập hợp đông đảo lực lượng và trở thành một cơn bão lớn của phong trào SVHS và trí thức yêu nước thuộc loại số một của Miền Nam, góp phần quét sạch những thế lực phi dân tộc, góp phần đưa đến Hòa bình-Thống nhất Đất nước.
10. Con đường này là nơi từng chứng kiến khí phách, tấm lòng và tinh thần của tuổi trẻ và giáo chức Đại học Huế trong quá khứ.
Ngày nay các cơ sở số 2 Lê Lợi và Morin đã trở thành khách sạn du lịch, có khách sạn đã trở thành 4 sao!
Giữa văn hóa và du lịch, tôi có cảm giác thái độ của người ta có vẻ thiên về du lịch-thương mại hơn. Vì du lịch và khách sạn có thể hái ra tiền và ngoại tệ tức khắc, còn đại học và văn hóa thì có vẻ xa xôi quá!
Nhưng đừng quên rằng, Huế đẹp và nổi tiếng không chỉ là đất cựu đô của xứ Đàng trong, rồi cả nước, với cảnh sắc thiên nhiên và các di tích tráng lệ còn phần nào là một quần thể kiến trúc nguyên vẹn, mà Huế còn nổi tiếng vì nó đã xuất khẩu ra khỏi tỉnh một đội ngũ trí thức hùng hậu cho cả miền trung và bây giờ vươn mình tới cả lục tỉnh miền Nam và cả phía Bắc nhờ “Đại học Từ Xa” của nó. Tôi thiết nghĩ giới lãnh đạo của tỉnh phải đối xử công bằng hơn với đứa con đã làm rạng rỡ cho danh tiếng Huế. Tôi cũng không hiểu nổi các chức sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghĩ như thế nào mà khi có quyết định tái lập lại Đại học Huế vào năm 1994, lại xếp Đại học này vào loại đại học hạng ba, ngang hàng với một số các Đại học dân lập vô danh tiểu tốt, hoặc một số đại học của các tỉnh chỉ mới thành lập vỏn vẹn chưa tới chục năm.
Các đại học không thể chỉ tồn tại trong một sớm, một chiều. Nó cần có bề dày của một truyền thống tri thức, học hành và văn hóa, nó cần có đội ngũ giảng viên đã thử thách với thời gian và nó cần một uy tín được xã hội và nhân dân chấp nhận trong một quá trình dài.
Xét về một tương quan nào đó, Đại học Huế không kém gì so với hệ thống Đại học Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) hoặc hệ thống Đại học Hà Nội.
Tôi thiết nghĩ ở một khu vực, một miền của Tổ quốc, Nhà nước nên chọn một Đại học trọng điểm. Nếu đã chọn Đại học thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam, Đại học Hà Nội ở miền bắc, thì ở miền Trung, Đại học trọng điểm đáng ghé mắt xanh là Đại học Huế.
Vì Đại học này, xét về mặt chỉnh thể hệ thống các trường Đại học, nó đứng đầu trong khu vực miền Trung . Nó cũng đã có truyền thống tạo dựng và phát triển 45 năm và phía sau nó là cả một cái bóng bề dày của các Quốc tử giám (Đại học thời phong kiến xưa) cả hai, ba trăm năm. Nó cũng đã đóng góp lớn về đội ngũ tri thức cho cả miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Năm ngoái, tôi rất mừng vì Đại học Huế đã được lên hạng hai. Các Trường thành viên cũng rất mừng vì có thể chủ động hơn về tài chính và con đường phát triển.
Tôi hy vọng rằng, ở một tương lai không xa, Đại học Huế không chỉ được xếp hạng hai, mà nó sẽ được chiếu cố cất nhắc lên vị trí hạng nhất. Nếu được như vậy thì Huế cũng mừng, miền Trung cũng mừng, vì Nhà nước không chỉ chú ý đến hai đầu đất nước mà bỏ quên cả một miền Trung nghèo, nhưng mà rất anh dũng, kiên cường, hiếu học...
Tiết lập xuân - Nhâm Ngọ
T.H.P
(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Chuyện đi câu (31/07/2008)
Nhịp sóng xanh (31/07/2008)