Chiều hôm trước con suối trước cửa hầm mới chỉ lưng ống chân, trông rõ từng đàn cá thia lia lượn lờ quanh những tảng đá phủ rêu trơn nhẫy. Chỉ một đêm mưa, con suối nhỏ đã trở thành một dòng sông hung hãn. Người ở bờ suối bên này không sang được bờ bên kia mang rá cơm về ăn. Những hốc đá gồ ghề ngày thường có thể nhảy từ hòn nọ sang hòn kia cho đỡ ướt tất, nước từ trên nguồn đổ về, từ trời rơi xuống, từ đất ứa ra đám đá vô tri vô giác biến thành một thác nước lớn. Mùa mưa năm 1973 ở Huế, nước sông Bồ dâng cao nhấn chìm hàng trăm các chốt hoà hợp của cả quân ta lẫn quân ngụy. Những anh lính bộ binh giữ chốt ở Cồn Nổi phải làm bè, treo lên cây mít tránh lụt. Nước lút ngọn tre làng Hiền Sĩ, Thanh Tân. Nước lôi cả một trung đội lính thủy quân lục chiến của ngụy vào lúc nửa đêm không kịp tháo thân lên thuyền cao su. Đám lính chết chìm trôi theo dòng nước về cửa biển Thuận An. Đứng trên ngọn mít cao chót vót, tôi còn nhìn rõ cả xác một con nai chết trương bụng, nổi phập phềnh trên mặt sông Bồ cuộn sóng. Hàng đàn quạ đen đậu trên những thân cây to bị đánh bật gốc băng băng trong dòng nước lạnh buốt. Thỉnh thoảng, lũ quạ bay lên rỉa xác con nai... Mùa mưa năm 1970. Đồng bằng Huế lại lụt. Chúng tôi lọt về ấp giữa đêm trăng, đi kiếm gạo. Mưa lụt, đám bảo an dân vệ chạy hết lên đường quốc lộ, chốt từng đoạn. Bộ đội, du kích về được ấp Phú Ổ, Liễu Thượng mua được rất nhiều gạo, đậu phộng, dầu đậu nành, muối, bột ngọt. Lúc đi còn qua được cây cầu tre ở ấp Liễu , lúc về con hói đã chìm lấp giữa một đồng nước mênh mông cao ngang bụng. Đám lính ngụy của Trung đoàn 54, Sư 1 bộ binh chốt trên các dãy đồi cao, biết có bộ đội về làng nhưng cũng chẳng làm được gì hơn là gọi pháo bắn hú hoạ và thả pháo sáng lên trời. Còn mùa mưa năm 1969? Năm ấy mưa đến sớm. Chưa tới rằm tháng bảy, những trận mưa đầu hạ đã đổ trắng núi, trắng rừng. Lại thêm cái đói hành hạ. Các kho lương thực bí mật ở vùng giáp ranh đều cạn kiệt. Đồng bằng không về được. Các cửa rừng đều bị địch chốt giữ. Hàng chục ngày trời bộ đội, trinh sát biệt động, an ninh vũ trang liên tục bám dốc Đu, dốc Cát, khe Ồ Ồ, Động Ngang nhưng cứ tới chập tối đành ôm súng trở về, mặt buồn rượi. Địch chốt dầy đặc, lớp trong lớp ngoài. Xe tăng xe bọc thép trở thành những lô cốt di động chốt giữ con đường chiến lược sát chân núi. Các trung đoàn chủ lực của sư đoàn 324 đã được lệnh rút lên đường tuyến đánh Mỹ chống càn. Ở vùng giáp ranh Hương Trà, Hương Thủy chỉ còn lại lính của công trường 5 của "tướng" Thân Trọng Một. Ông Một mới chỉ ở cấp Trung đoàn trưởng, nhưng người dân vùng ven phục tai đánh giặc của ông, yêu quý ông mà gọi như vậy. K.10 chốt giữ vùng giáp ranh Hương Trà. Trận đói đã kéo dài ngày. Tiêu chuẩn gạo mỗi ngày chỉ một lạng. Gạo đem nấu cháo với môn vót, với củ chuối rừng, với dọc môn ngứa ở khe Điên. Cháo nấu với cua với cá, với bất kỳ con gì bắt được trong rừng đều trở thành nguồn nuôi sống cho bộ đội, du kích trong cơn đói khát. Mỗi lần Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Duy xuống đại đội tôi, gặp cán bộ chiến sĩ ông đều thông báo tình hình chiến sự. Khi giao nhiệm vụ cho đại đội bao giờ ông cũng gài một câu kết luận: "Các đồng chí ạ! chúng ta đang khó khăn. Nhưng dù khó khăn tới đâu, mỗi người lính K.10 có phải thành vượn, thành duộc, chúng ta cũng kiên quyết trụ bám giữ vững vùng giáp ranh, lấy chỗ đứng chân cho trung đoàn. Đại đội ba phải tìm cách đánh địch, bám dân, phải nổ súng để tụi ngụy hiểu rằng K.10 vẫn tồn tại..." Tôi nghe kể chính trị viên Duy trước đây đã từng giảng dậy ở trường sĩ quan lục quân. Vào năm 1967 ông Duy đưa quân đi và ở lại chiến trường. Ông Duy gốc người Thanh Hoá, hàm răng nhỏ sít, ám khói thuốc lào, có giọng nói nghiêm và đanh. Ông ăn nói giỏi, được lòng anh em chiến sĩ K.10. Ông mới 38 tuổi nhưng so với đám lính học trò mới bước sang tuổi 18 như chúng tôi, ông đáng mặt là thủ trưởng. Khi ông Duy nói chuyện hay họp hành, chẳng mấy khi tôi thấy ông rời khỏi cái tai nghe gắn chặt vào chiếc đài Nationa ba pin đại. Vào những ngày trung tuần tháng 8 nhiều đêm tôi đi theo anh Để - đại đội trưởng, có hôm đi với anh Hồng - Chính trị viên đội về bám địch, nghiên cứu chi khu Hương Trà. Ông Bậu - tiểu đoàn trưởng lại cùng với đám trinh sát, an ninh của huyện nắm địch ở một hướng khác. Họ đi đâu, làm gì, gặp ai, chúng tôi không rõ. Buổi chiều cùng gặp nhau ở cửa rừng rồi mỗi toán đi theo một ngả khác nhau về đồng bằng. Gần sáng ông Bậu và đám trinh sát mới về, quần áo dính đầy bùn đất, mặt mũi họ bôi đen trông như lính đặc công. Sau những đêm về được đồng bằng, gặp được dân bộ đội và cán bộ du kích huyện xã mua được gạo, thực phẩm. Ít ngày sau, chúng tôi lại nhận được gạo và đạn dược từ ngoài đường tuyến chuyển về qua đường vận tải sông Bồ. Những trái đạn cối 82, B 40, B 41 còn mới. Chiều ngày 2/9/1969 chúng tôi mới được Ban chỉ huy tiểu đoàn thông báo đêm nay, tiểu đoàn tổ chức đánh tập kích bằng hoả lực vào cứ Tứ Hạ. Đây là một trận địa pháo 105 ly của ngụy, có sân bay trực thăng dã chiến, có xe tăng và các đơn vị bộ binh chốt giữ bảo vệ căn cứ. Từ 4 giờ chiều hàng trăm những người lính K.10 cùng với bộ đội địa phương của huyện, du kích các xã đã được lệnh tập trung, phân công gùi đạn theo các mũi, các hướng. Hành quân đi bộ, mang trên vai 30-40kg đạn cối và hoả lực, chúng tôi ra được tới gần cửa rừng thì nhận được tin báo: địch chốt chặn cửa rừng và Trung đoàn 54 ngụy đang triển khai dọc theo quốc lộ, để phòng bộ đội ta về đánh đồng bằng, mừng ngày kỷ niệm Quốc khánh. Mọi người đành phải cõng súng đạn trở về hậu cứ. Ngày 3/9/1969, trời đổ mưa tầm tã từ sáng tới trưa, buổi chiều trời hửng nắng. Đồng bằng Huế nhiều vùng ngập trắng nước. Trinh sát bám địch bão về, địch đã rút lên các điểm cao tránh mưa bão. Ban chỉ huy tiểu đoàn 10, vẫn quyết định đêm nay tổ chức trận đánh về căn cứ Tứ Hạ. Cho đến 7h tối bốn đại đội của tiểu đoàn đã áp sát vào chân các hàng rào vây quanh căn cứ Tứ Hạ. Bộ đội đã chặt sẵn những cây nạng để gá súng B40, B41. Hai khẩu cối 82 đặt trận địa tại một khu mộ, chỉ cách căn cứ địch chưa tới 300m. Bằng mắt thường chúng tôi cũng nhìn thấy rõ những nòng pháo 105ly của địch được ngụy trang sơ sài, sau dãy hàng rào kẽm gai. Dãy nhà tôn lấp loá ánh điện nơi ở của tụi lính và sỹ quan ngụy. Vọng lại tiếng nhạc sập sình trong quán ba. Cứ quãng 15 phút, lính từ các chòi canh lại bắn lên trời từng quả pháo sáng. Ánh sáng mờ nhạt nhìn rõ từng vòng dây thép gai bùng nhùng chỉ cách chỗ tôi đặt khẩu B4 chưa đầy 5m. Tụi lính gác căn cứ hầu như không hề biết sấm sét sắp nổ trên đầu chúng. Trước lúc xuất quân thủ trưởng Duy đã đi tới từng đại đội căn dặn "Trận đánh đêm nay kỷ niệm mừng ngày Quốc khánh nước ta... Các đồng chí phải nhớ..." Những người lính lúc ấy còn đang bận mải thắt lại dây cùi, dây súng nên không nghe hết lời dặn dò của ông Duy. 22h, hai khẩu cối 82 và 4 khẩu cối 60 phát hoả. Lửa chớp sáng trong căn cứ Tứ Hạ. 14 khẩu B41 và 10 khẩu B40, cơ số đạn mỗi khẩu hoả lực là 8 trái như một dàn tên lửa hoả tiễn đồng loạt bắn vào các ụ súng, ụ pháo, lô cốt của địch. Chỉ sau loạt đạn đầu tiên, căn cứ pháo binh của địch bị bốc cháy. Lửa sáng rực cả một vùng. Trận địa pháo của địch ở Tứ Hạ hầu như câm lặng. Vẳng lên tiếng la hét của đám lính ngụy trúng đạn, bị thương. Một chiếc trực thăng của địch đã bén lửa, cố gắng trốn chạy nhưng không cất cánh nổi đã bốc cháy có nhiều tiếng nổ phát ra từ trong căn cứ. Trận đánh tập kích bằng hỏa lực diễn ra không đầy 30 phút. Khi toàn bộ đội hình của tiểu đoàn rút lên tới điểm kết, địch ở Huế mới kịp phản ứng. Chúng cho trực thăng chiến đấu lên bắn chặn xung quanh căn cứ. Máy bay OV10 bay lên thả pháo sáng... Pháo địch ở Văn Thánh bắn chặn cửa rừng. Sau này tôi mới được biết, trận đánh tập kích vào căn cứ Tứ Hạ của bộ đội K.10 đã tiêu diệt phần lớn các khẩu pháo, lô cốt, các cụm hỏa lực của địch. Máy bay trực thăng và xe tăng của địch cũng trúng đạn. Các dãy nhà trong căn cứ bị phá sập. Vào lúc 4h sáng ngày 4/9, bộ đội, cán bộ huyện xã, du kích còn đang ngồi ăn cơm, chờ trời sáng để vào rừng, thì Chính trị viên Duy đã bước lên một thành mộ cao, giọng ông nghẹn ngào: "Thưa các đồng chí, được sự nhất trí của các đồng chí trong huyện ủy, huyện đội Hương Trà, tôi xin thông báo với các đồng chí một tin đau đớn vào lúc 9h45' sáng hôm qua Bác Hồ của chúng ta đã vĩnh viễn ra đi". Rồi ông Duy khóc. Nhiều chị, nhiều o cũng khóc. Nhiều đồng chí lãnh đạo của huyện như ông Sáu Thọ, ông Trình đã tham gia cách mạng tự kháng chiến chống Pháp. Có người đã đi tập kết, may mắn được gặp Bác Hồ. Từ những năm "sáu mươi" các ông đã trở lại quê hương chiến đấu, nghe tin Bác mất xúc động không nói nên lời.
Tôi xa mảnh đất Hương Trà, xa Huế tới nay đã gần 30 năm. Tiểu đoàn 10 của tôi sau ngày giải phóng Miền đã bị xoá phiên hiệu. Ông Thân Trọng Một, Trung đoàn trưởng ngày xưa đã mất. Tiểu đoàn trưởng Bậu về nghỉ dưỡng tuổi già ở quê nhà... Không còn một người kính K.10 nào kịp ghi vào cuốn biên niên sử của tiểu đoàn trận đánh vào căn cứ Tứ Hạ, đúng vào ngày Bác Hồ ra đi. Và cũng trôi vào quên lãng quá khứ hào hùng của một tiểu đoàn bộ binh đã từng nhiều phen làm cho địch hoảng loạn trong những trận đánh chống càn ở Phú Vang, Hương Thuỷ, Quảng Điền, Phong Điền. Những đêm vượt phá Tam Giang phá vây ở Cao Ban, Sơn Tùng, dấu mình trên bãi cát Triều Dương về đánh giải phóng Huế. Lớp lớp những người lính K.10 đã ngã xuống vùng ven đô Huế..." Một lần tôi dừng xe ở Tứ Hạ. Vùng căn cứ cũ của ngụy nay đã là thị trấn Huyện Hương Trà. Không còn lại dấu tích của những hàng rào dây thép gai, lô cốt. Tứ Hạ đã trở thành một thị trấn của thời kỳ đổi mới. Các nhà máy xưởng chế biến, nhà cửa của dân mọc lên san sát. Thấp thoáng bóng nhà cao 2 - 3 tầng ngói đỏ, xen kẽ với những ngôi nhà mới xây. Sầm sập từng đoàn xe tải, xe khách tàu hoả chạy ngang qua cầu Hiền Sĩ. Rập rình tiếng nhạc trong các quán càphê, karaoke... những dải làng hoang của các thôn Văn Xá, An Đôn, Liễu Nam, Liễu Thượng, Thanh Tân, Sơn Quả... dân đã trở về đông đúc. Tôi bỗng nhớ tới ông Duy, anh Ngạn, anh Để, anh Hồng, anh Phong, anh Đại... những người chỉ huy cũ của tiểu đoàn 10. Sau những năm chiến tranh, các anh như tan biến đi giữa biển người, giữa cuộc sống lam lũ tất bật đời thường. Nhưng tôi không quên. Bởi chính các anh là người thầy dạy đầu tiên cho tôi trong cuộc đời người lính. Hà Nội 7/2002 Đ.K.C (nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)
|