Bút ký - Tản văn
Lửa từ bóng tối
15:40 | 11/09/2008
HỒ ĐĂNG THANH NGỌCCâu chuyện tôi sắp kể với các bạn dưới đây không phải là một câu chuyện thuộc huyền sử về lửa cỡ như ngọn lửa Prométe hay biểu tượng lửa trong đạo Hinđu, hay lửa trong Kinh Dịch tương ứng với phương nam, màu đỏ, mùa hè...

Rất đơn giản, lửa ở đây cháy lên từ khát vọng sống và yêu thương của những người không thể nhìn thấy ánh sáng trên thế gian - những người khiếm thị, những người mù. Như một cứu cánh mãnh liệt của số phận, những người mù đã thắp ngọn lửa trong trái tim yêu đời từ bóng tối, đi song hành cùng chúng ta, bình đẳng và an nhiên, và cho chúng ta một triết lý về giá trị của cuộc sống...
Cũng phải về sau này, tôi mới nhận ra điều đó, còn ban đầu khi nhìn thấy Quyên, tôi đã không kìm nén được nỗi đau lòng trào dâng. Lúc đó em mới mười một tuổi và lao về phía tôi như di chuyển cả một vùng bóng tối sắc nhọn một cách hồn nhiên. Bạn có cảm tưởng gì khi người nói chuyện không hề nhìn thấy bạn? Còn tôi, tôi đã rưng rưng bất động để cho cô bé trèo lên người và khẽ giật mình khi cô bé hỏi “Chú là người tốt à?”. “Nếu là người tốt thì để Quyên sờ xem xem gương mặt ra răng”. Bàn tay nhỏ xíu rờ rẫm tôi, tóc này, lông mày này, mắt này, má này, môi này, ngón tay này, ngực này... “Ui cha, răng người tốt ốm rứa? Người tốt thì ốm như ri à?”. Thấy Quyên thắc mắc, bạn tôi là Trương Công Định - bấy giờ là chủ tịch Hội Người mù Thừa Thiên Huế - bật cười mắng yêu:  “Cha cô bà mi, cái chi cũng hỏi nhăng nhít nhặng xị lên”. Hôm đó là một chiều đông cuối năm 1993, Hội Người mù vừa mới thành lập, thu nhận được mười hai trẻ em mù như Quyên về nuôi dạy. Và thuở ấy, tôi còn tang bồng như lá, theo gió bay đi muôn phương.
Chính một khoảnh khắc tang bồng trước đó đã đẩy tôi đến với Định. Với Định, cái tên đã là một số phận. Khi còn niên thiếu, Định tham gia du kích quân chống Mỹ ở trảng cát Phong Chương và trong một trận càn, khói lựu đạn đã xộc vào làm mắt cậu bé Định mờ dần cho đến khi trưởng thành thì không còn thấy gì nữa. Đau đớn, cay đắng, quằn quại, không thiết gì nữa hết, Định đập tan tành tất cả những gì với đuợc trong tầm tay, rồi bất lực nằm liệt giường một thời gian dài... Nhưng rồi Định kịp tĩnh tâm lại, kịp nhận ra những người mù xung quanh mình vẫn đang sống, anh quyết tâm đi học đại học. Cái chuyện một người mù đi học đại học hồi đó làm nhiều người Huế rúng động, cả Trường đại học Tổng hợp Huế xôn xao bàn tán và nhiều nữ sinh viên rủ nhau đi rình xem xem cái anh chàng sinh viên mù đó như thế nào. Té ra anh chàng cũng cao ráo, nụ cười có duyên ra phết, và không loại trừ trong số đó, vài cô gái bỗng thầm yêu và đã tìm cách để đến được với Định, như thể để được chở che cho cái dáng dong dỏng mảnh mai sương khói, nhưng đó là một câu chuyện khác.
Con đường Trần Phú ở Huế những năm từ 1997 - 2001 thường chứng kiến một người thanh niên mù chống gậy dò dẫm đến trường. Về sau, những người bạn cùng lớp đã đưa Định đi. Rồi một chiều nắng hoe hoe vàng nọ tôi tình cờ gặp Định trên đường và đưa anh về nhà. Tôi thường đi đó đi đây rồi thỉnh thoảng tạt lên thăm cái không gian riêng của Định mà tôi nhớ trong đó, ngoài cái máy chữ để anh mò mẫm viết; còn có cái radio bắt sóng rất tốt mà nhờ nó, Định biết đang có một hội của những người mù đang hoạt động. Cho đến năm 1992, cái ước muốn thành lập một hội người mù ở Huế đã đầy lên trong người Định, dâng trào sang cả tôi. Tôi xin nghỉ phép đưa Định ra Hà Nội và ngay lập tức, tôi lạc vào thế giới sôi động của người mù.
Chúng tôi ở nhờ tại nhà hoạ sỹ Lê Duy Ứng - một người mù nổi tiếng từng vẽ tranh Bác Hồ bằng máu. Vợ anh, một cô gái đẹp từng từ chối nhiều chàng trai trẻ trung, giàu có để chấp nhận cưới một thương binh mù, là một phụ nữ đảm đang và dịu dàng. Hàng ngày, chị chăm lo cho chồng từ bữa cơm đến những chiếc pan-xô, còn anh lặng lẽ vẽ và làm tượng bằng đôi bàn tay tài hoa lạ lùng như biết nhìn thấy. Khắp nhà người họa sỹ mù đầy tranh và tượng, ghi đậm dấu ấn của những chuyến đi sáng tác của anh từ Bắc, Trung, và cả Tây Nguyên xa xôi. Những bức tranh như có lửa bên trong ấy cho tôi biết rằng không phải người ta khi bị mù hay bị khuyết tật là đã hết. Phía trước họ vẫn là một cuộc sống mới, trong họ vẫn luôn có nguồn năng lượng mới, với những ánh lửa mới, miễn là lửa vẫn được thắp lên, làm cho cháy bùng lên trong trái tim của họ.
Và từ ngôi nhà nghệ sỹ đặc biệt ấy, chúng tôi lần tìm ra trụ sở Hội Người mù Việt . Tôi nhớ gần như ông Trần Công Nhuận - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt lúc bấy giờ đã chồm cả người về phía Định khi nghe Định giới thiệu mình là một cử nhân văn chương từ Huế ra Hà Nội để xin tạo điều kiện cho Huế thành lập hội người mù. Lý do khiến ông vui và quý khách bởi lúc bấy giờ Hội Người mù Việt Nam vừa mới thành lập, chưa có nhiều hội địa phương bởi quá hiếm cán bộ khiếm thị có trình độ, nhất là đã qua đại học, lại tha thiết với vấn đề chăm lo cho người mù như Định. Ông Nhuận bị mù khi tham gia trận đánh quyết định trên đồi A1 chiến trận Điện Biên Phủ. Vợ ông, một nữ thanh niên xung phong cũng bị mù trong đợt bom đánh phá đường Trường Sơn của Mỹ. Ông Nhuận làm tôi nhớ bởi phong cách làm việc của ông, công tư hết sức minh bạch. Ông mời chúng tôi ăn cơm tối tại nhà và đưa khách về nhà riêng bằng ô tô của Hội, song vợ ông, dù cũng bị mù và làm cùng cơ quan vẫn phải tự tìm phương tiện đi. Tôi can thiệp bằng cách nói rằng xe vẫn còn rộng, có thể chở bác gái cùng về, song ông Nhuận lý giải rằng: Thứ nhất, để bà đi cùng chúng ta, người khác nhìn thấy sẽ có cái nhìn khác về lãnh đạo Hội. Thứ hai, xe không thể chở bà ấy cả đời được, nên tốt nhất bà ấy cứ hãy như bao người mù khác, tự tìm đường đi đến công sở và tự tìm cách để về nhà. Khi xe chạy vượt qua bóng dáng gầy guộc mảnh mai của người vợ ông Nhuận với mái tóc điểm sương đang dò dẫm khua gậy trong bóng chiều đông lạnh trên đê Yên Phụ, Tôi chợt nao lòng, cứ băn khoăn không biết chiếc gậy ấy bao lâu mới có thể về đến nhà giữa phố xá đông đúc, xe cộ nườm nượp. Ấy thế rồi tôi biết mình đã đánh giá quá thấp người phụ nữ mù ấy. Lúc tôi vừa rửa ráy xong, bà Nhuận cũng vừa về đến, trên tay còn xách một túi ni lông đầy thức ăn bà vừa mua ở chợ. Rồi tự tay bà vào bếp làm cơm, tôi muốn giúp nhưng bà khoát tay, rằng tôi nên lên cùng ông Nhuận và anh Định bàn chuyện thành lập Hội ở Huế. Xin mở ngoặc một chút về thế hệ lãnh đạo Hội Người mù trước đây, ngoài ông Nhuận từng là học sinh giỏi toàn Đông Dương, được mời vào Quốc Học để trao giải thưởng; còn có ông Lê Hồng Thủy gốc ở Hương Trà, trước đó là một thiếu sinh quân nổi tiếng, sau này là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Người mù Việt Nam. Ông Thủy giỏi sáu, bảy thứ tiếng, và hiện nay ngoài 80 tuổi, mỗi sáng ông vẫn ngồi vào bàn từ bảy giờ sáng để dịch sách từ chữ braille cho các nhà xuất bản. Ông Cao Văn Thành hiện là Phó chủ tịch Hội trung ương cũng từng tham gia trận Mỏ Tàu (Hương Thủy), bị mù trong trận chiến đó ngay trước ngày Huế giải phóng 26.3.1975. Đó là một thế hệ lãnh đạo của người mù có trình độ tuyệt vời và tư chất không chê vào đâu được. Trong tôi từ sau hôm ở nhà ông Nhuận, cảm nhận thêm một thứ lửa khác ngoài ánh lửa khát vọng sống của người mù, đó là khát vọng làm người với lòng tự trọng sâu sắc, không muốn phụ thuộc bất kỳ ai, và không muốn vong thân vì bất cứ một cái gì... Điều đó, nhiều người sáng hãy còn lâu mới đạt đến trong mưa bụi cuộc đời.
Chuyến tàu đưa tôi và Định trở lại Huế đầy niềm vui và hy vọng. Không đủ tiền, tôi mua hai vé tàu về ga Ninh Bình để cả hai có thể lên tàu. Cánh lái tàu sau khi biết chuyện, đã không những cho chúng tôi đi miễn phí về đến Huế mà dọc đường còn thỉnh thoảng xuống tìm rủ lên căn-tin đãi cốc bia. Cuối năm, hoa sầu đông thỉnh thoảng bắt gặp ven đường bay hương ngào ngạt vào toa tàu một mùi hương tím lịm. Mùa xuân tiếp đó, Hội Người mù Thừa Thiên Huế ra đời. Định làm chủ tịch vài năm, sau đó ra Hà Nội làm công tác đào tạo cán bộ người mù...

Làm báo nhiều năm, tham gia công tác xã hội cũng nhiều năm, nhưng thú thật là cho đến năm 1993, tôi vẫn chưa hình dung hết những nỗi khó khăn mà người mù gánh chịu, chưa thể hình dung hết những cảnh ngộ mà người mù phải trải qua. Trong tôi cho đến lúc đó, người mù chỉ đơn thuần là những người hát xẩm dắt díu nhau đi lang thang trên các hè phố và hát những bài ca não lòng để cầu xin đồng loại rủ lòng thương xót, có thêm chăng nữa là hình ảnh những ông thầy bói toán ngồi trong những căn nhà đầy khói hương bí hiểm. Cho đến khi đi về những vùng quê nghèo khó khảo sát những đối tượng người mù, chứng kiến những cảnh tượng đau lòng về những người không nhìn thấy ánh sáng sinh sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tất cả những éo le, khốn đốn của kiếp người mới vỡ òa trí tưởng của tôi ra, bắt tôi phải sững sờ đến thắt nghẹn. Như một lẽ đương nhiên, những gia đình có người mù thường nghèo, họ sống chung chạ và cam chịu trong những mái nhà thấp lè tè, tăm tối. Và những đứa trẻ mù thường tha thẩn trong góc nhà, im vắng và bẩn thỉu bởi người lớn không có thời gian để chăm sóc chúng. Ngày này qua ngày khác chúng lớn lên, lặng lẽ, câm nín và khép mình như những con ốc sên rêu mốc, cố gắng thu nhận thế giới bên ngoài qua đôi tai gióng giả. Cho đến khi trưởng thành, những người mù vẫn chỉ loanh quanh trong bốn góc nhà tối, không gian bó hẹp từ góc nhà tới chiếc giường ra đến cái mái hiên bên ngoài thi thoảng có tiếng con gà con kêu lích rích hay con chó sủa bâng quơ. Và cái mà cuộc sống vốn chẳng vui vẻ gì của họ thường xuyên bị ám ảnh nữa, đó là họ bị xem như cái gánh nặng của những người sáng trong gia đình. Bởi đúng là cho đến khi hội người mù chưa ra đời, không ai nghĩ là chính người mù cũng có thể tự chăm sóc lấy bản thân, làm ra đồng tiền để tự nuôi sống họ.
Trong một buổi chiều ngày xưa đó, hai chị em cô gái cán bộ mù huyện Phú Vang có hai cái tên khá lạ Khởi Nghĩa, Thắng Lợi dò dẫm dẫn tôi ghé vào ngôi nhà có đến bốn đứa trẻ mù ở ven cái đầm Chuồn nổi tiếng. Bà Thảo, vợ của ông Khoẻ, chủ mái tranh nghèo nhìn cái nhìn ướt nhòe nước mắt ra mảnh sân đầy bùn kể: “Tui đau lắm chú ơi, đẻ năm đứa thì hết bốn đứa bị mù. Nhiều khi tui nghĩ hay là vợ chồng mình đã ăn ở thất đức, phạm thượng gì hay không mà trời quở phạt, nhưng thấy xưa nay làm ăn lương thiện kiếm cơm qua ngày có làm cái chi mô. Nhiều khi nghĩ hay chết quách đi cho rồi, song lại nghĩ mình chết thì lấy ai nuôi mấy đứa nhỏ. Vì vậy bọn tui phải sống. Đó, bốn đứa mù ngồi co ro góc nhà đó: thằng Duy, thằng Tố, thằng Mạnh...”. Bà Thảo nói một thôi một hồi như thể chưa bao giờ được nói, như muốn trút hết nỗi nhọc nhằn, cơ cực đã đầy lên từng chân tóc ra khỏi vóc dáng gầy guộc của mình. Một thời gian sau đó, cả Duy, cả Tố đều được đưa lên trung tâm nuôi dạy trẻ em mù cùng với hàng chục và sau đó là hàng trăm trẻ em mù khác...
Câu hát đầu tiên tôi bày cho những trẻ em mù ở trong một căn nhà cũ bên đường Yết Kiêu được hội mượn làm văn phòng và là nơi nuôi dưỡng trẻ những ngày đầu, là mấy câu tôi học được từ Đội Công tác xã hội Thanh niên Huế: “Chớ thấy áo rách mà cười -Những giống gà nòi lông nó lơ thơ -Chớ thấy áo dài mà sang - Bởi không áo ngắn nên phải mang áo dài”. Hồi đó, những đứa trẻ lần đầu tiên được người lớn bày cho câu hát đã hét vống lên, như chú gà trống choai vừa mới cất tiếng gáy đầu tiên muốn gáy cho tan cả màn đêm. Tôi nhìn những gương mặt có hai hố mắt nhắm nghiền và cái miệng nghêu ngao say sưa hát, không khỏi bật cười. Cũng như tôi đã không nhịn được cười khi có lần các em vừa đi vừa hát thật lớn câu hát nghịch ngợm, tự trào mà ai đó đổi lời “Nhìn mặt trời mà không chói loá, là cái Hội Người mù Việt ”. Sau này, khi chuyển về trung tâm trẻ em mù ở số nhà 100 D đường Phan Bội Châu, các em được dạy âm nhạc bài bản hơn, có cả âm nhạc truyền thống cung đình Huế, song tôi không bao giờ quên được những đứa trẻ thơ ngày đó, này Kim Chuân, này Đỗ Quyên... với bao nhiêu say mê, bỡ ngỡ ban đầu.
Sau một Noel vui nhộn, những đứa trẻ mù có một đêm tranh nhau kể chuyện ăn tết. Tôi nhớ đêm đó lạnh lắm, ngoài trời mưa Huế rả rích, tôi và Định ngồi trên một cái giường quấn chăn, bọn trẻ con cũng quấn chăn ngồi bên chiếc giường đối diện kể chuyện tết. Những cái tết của chúng chao ơi là buồn. Quanh đi quẩn lại cũng bốn góc nhà, chỉ có cái vui là được ăn ngon, ăn no hơn ngày thường. “Có năm con được may bộ quần áo mới”, một đứa nói. “Thỉnh thoảng con được lì xì, dù sau đó mạ con có lấy lại con cũng vui vì mình có tiền đưa cho mạ”, đứa khác kể. “Nghe nói hoa đẹp lắm mà tụi con đâu có nhìn thấy, rồi mùa xuân với các mùa khác nhau ra răng hả chú?”, một đứa hỏi. Lại có đứa thiệt thà, “Có tết con cất tiền lì xì trong gối mà sau mất đâu, con khóc rồi còn bị la”. Rồi có đứa hứng chí lên “Tết á, ăn chè là ngon nhất, con ăn hết một lúc năm chén chè trong đêm giao thừa đó chú”...
Sau ngày Định ra Hà Nội, công việc Chủ tịch Hội giao lại cho anh Lê Văn Lộc. Lộc vốn là kỹ sư hoá học theo tàu viễn dương, trong một chuyến ra trùng khơi, thùng hoá chất độc hại bị vỡ xộc vào mắt làm anh bị mù vĩnh viễn. Lê Văn Lộc giỏi ngoại giao và làm ăn kinh tế nên làm thêm được rất nhiều điều cho hội viên. Trước đó, người mù khắp nơi trong các xóm thôn nghèo đã bắt đầu được tổ chức ghi tên vào hội. Rằng từ đây cuộc sống của họ không chỉ tha thẩn và đơn độc trong bốn góc nhà mà họ đã có một Hội với hàng ngàn con người đồng cảnh ngộ. Người mù đã bắt đầu được tổ chức làm tăm tre, chổi đót, đan lát... Nhiều người bỏ hẳn nghề đi hát rong, bói toán, xoá bỏ mặc cảm tự ti để cùng lo việc phát triển Hội. Ví như anh Đàm ở Huế bỏ nghề hát dạo chuyển qua trồng cây cảnh, anh Vũ ở Hương Trà thôi làm thầy bói để phát triển chăn nuôi và dịch vụ. Ông Đỗ Phương Tuyến ở Hương Hồ, sau ba mươi chín năm đứng trên bục giảng giờ bị mù, tự mình quyên góp từ học trò cũ được hơn 65 triệu đồng và một con bò để giúp đỡ ba người mù phẫu thuật tìm lại ánh sáng, tạo điều kiện sản xuất cho những người mù khó khăn... Bây giờ, anh Lộc chạy ngược chạy xuôi cho đầu ra sản phẩm được nhiều hơn. Anh mở thêm cả cơ sở massage Niềm Tin để phục vụ nhu cầu cộng đồng xã hội, đăng cả quảng cáo trên báo hẳn hoi. Nhiều hội viên nhờ vậy có thêm việc làm. Một việc làm đối với người mù không chỉ giải quyết sinh kế mà cao hơn thế, đó là danh dự của họ, là khát vọng sống. Một việc làm khiến họ thấy cuộc sống còn có ích, việc có thể tự nuôi sống bằng đôi tay của mình làm cho họ tự tin và yêu đời hơn. Ngoạn mục nhất trong việc đi tìm việc làm cho người mù của anh Lộc là ký hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lồng tre. Theo giới thiệu của một người yêu Huế, một đơn vị trồng rừng môi trường ở vùng Campsas (Pháp) - cử người sang Huế tìm đối tác đan lồng tre để che chắn cây trồng. Người của công ty tìm đến một số địa chỉ nhưng tất cả đều đòi hỏi giá cao, khó chấp nhận. Ngày cuối cùng trước khi rời Huế, người đại diện đã tìm đến Tỉnh hội Người mù nằm yên tĩnh bên cạnh một ngôi chùa. Sau khi nghe yêu cầu, anh Lộc nhận lời ngay tức khắc, với giá thấp hơn rất nhiều so với giá cả các nơi đưa ra. Nhiều người nói Hội Người mù hơi... liều, nhưng Lộc cho rằng nếu làm giá rẻ vẫn có lãi bởi Huế rất sẵn nguyên liệu tre nứa. Cái quan trọng là ít ra, người mù sẽ có việc làm. Qua việc làm hàng xuất khẩu này, sản phẩm của người mù xứ Huế sẽ được quảng bá trên thị trường thế giới, đem lại nguồn động viên tinh thần rất lớn cho người mù. Vậy là từ năm 2002 đến nay, năm nào người mù Huế cũng làm hàng xuất khẩu. Đó hoàn toàn không phải chuyện người sáng cũng có thể làm được. Trong dự định của anh Lộc, sắp đến Hội sẽ mở thêm nhiều cơ sở ngành nghề mới, đưa doanh thu của người mù từ vài trăm triệu lên đến hai tỷ đồng.
Theo tôi, có một chuyện mà những người mù sẽ nhớ mãi là sự kiện cậu học trò mù Nguyễn Văn Duy đỗ đại học mùa thi năm 2006. Nghe tin con trai mình đỗ đại học, bà Thảo đã sấp ngửa đạp xe từ đầm Chuồn lên Huế thăm con. Bây giờ thì bà tin gia đình khốn khổ của mình đã được trời ngó lại. Văn Tố bây giờ làm ở cơ sở massage, tay nghề giỏi lắm. Còn Văn Duy con bà bây giờ đã trở nên nổi tiếng, với một tư duy theo tôi, là chứa đầy lửa. Như câu chuyện mà nhà giáo Hà Văn Thịnh đã kể lại trên báo Thanh  Niên.  Mùa  thi  năm  trước, ông được cử chấm thi cho người khiếm thị và có một bài thi ông đã cho điểm 6,5 - một trong số ít bài thi môn lịch sử đạt được điểm như vậy. Khi  đó,  ông  thậm  chí  đã  ước  ao được một lần giảng bài cho sinh viên khiếm thị ấy nghe. Thế rồi trời quả không phụ lòng người, nhà giáo Hà Văn Thịnh không những được dạy mà còn có lần được hỏi thi. Xin trích một đoạn: ...
Theo em, trong các tiêu chuẩn của “nhân”, người quân tử cần cái gì nhất? Duy trả lời ngay: “Theo em nghĩ đó là bổn phận”. Đấy là một cách trả lời làm tôi lúng túng. Một người mù nghĩ đăm nghĩ đắm về bổn phận, trong khi một người mắt sáng như tôi lại thường xuyên “quên” cái lẽ cao nhất làm nên giá trị của con người”...
Thế đó, cái tư duy của một thế hệ người khiếm thị mới khiến chúng ta phải trân trọng và suy nghĩ lại về mình. Và tôi nhận ra trong thẳm sâu tư duy đó có ngọn lửa cháy lên từ bóng tối...
                                     Tháng 1.2008
                                       H.Đ.T.N

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Tình hoa (11/09/2008)