Đầu năm, vào tháng Ba hoa ngô đồng chuẩn bị ấp ủ nụ tím trên mái ngói Tả Vu, nụ cười đã kịp nở trên môi di sản khi điện Long Đức được khởi công trùng tu với cái đích tìm kiếm một mô hình cho trùng tu di tích. Và cuối năm, đó là dấu ấn của những chiêm nghiệm khi các nhà khoa học ngồi lại với nhau bên trong Hội nghị về phát triển di sản bền vững tổ chức vào ngay giữa tháng mười hai trong không gian Hoàng cung của Duyệt Thị Đường. Còn giữa hai đầu điểm nối của chiếc cầu vồng một năm ấy, là khá nhiều những nụ cười ấm áp mà dấu ấn quan trọng nhất là tấm lòng của hàng triệu công nhân ngành than cả nước dành cho di sản Huế.
Điện thờ, trong một góc nhìn khác thuộc về tâm linh, là nơi của những bí mật, bí pháp, theo đó, bước vào điện thờ là thâm nhập vào những bí ẩn của thần linh, và do đó điện thờ cũng được xem là nơi cất giữ một báu vật vô cùng trọng yếu. Điện Long Đức ở trong khu vực Thái Miếu, Hoàng Thành Huế so với các điện thờ khác, không là nơi cất giữ báu vật gì ghê gớm và qua thời gian, nó làm nhiều công năng khác nhau, song đây chính là nơi cất giữ một báu vật khác-báu vật tâm linh-nơi thờ các thần linh trong Kinh thành Huế. Điện Long Đức được xây dựng dưới thời Gia Long (1804), còn mang đầy đủ các đặc trưng của công trình kiến trúc cung đình Huế tuy nhiên nó đã xuống cấp trầm trọng. Tháng Ba năm 2007, điện Long Đức được khởi công trùng tu từ sự hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới UNESCO thuộc Đại học Waseda - Nhật Bản. Các nhà trùng tu đã nhắm đến một cái đích xa hơn. Chọn điện Long Đức là nơi trùng tu ứng dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ ứng dụng gỗ công nghiệp, từ đó làm mô hình để trùng tu các công trình còn lại của Kinh đô Huế xưa, mà trước mắt là đại công trường trùng tu Điện Cần Chánh sẽ được mở mang vào những năm trong tương lai không xa.... Công nghệ gỗ nhân tạo, đó chính là nỗi khát khao lâu nay của trùng tu di tích Huế nói riêng, Việt nói chung. Trên hàng trăm di tích rêu phong, hàng ngàn cây cột gỗ qua hàng thế kỷ đã bị mối mọt mục ruỗng từ bên trong, nhất là các đầu chân cột tiếp xúc với đá tảng hay đầu nối các vi kèo. Không thể đốn trụi hàng ngàn cây rừng nguyên sinh xanh thẳm ít ỏi còn sót lại để phục vụ cho trùng tu, giải pháp sử dụng gỗ nhân tạo tỏ ra quá lợi hại trong trường hợp này. Với kinh nghiệm sử dụng gỗ nhân tạo trên 50 năm, phía Nhật Bản muốn chuyển giao công nghệ này cho những người thợ trùng tu xứ Huế. Để ứng dụng gỗ nhân tạo, công đoạn “vẽ bộ vì điện Long Đức theo tỷ lệ 1/1” đóng vai trò quan trọng. Giáo sư Shirai Hiroyasu - người dẫn đầu các chuyên gia Waseda giải thích rằng, lối vẽ 1/1 là nhằm tìm lại thiết kế nguyên gốc của điện Long Đức. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu sẽ có được các số liệu nguyên gốc của phần cấu kiện gỗ và tiến hành sửa chữa cấu kiện gỗ, đây lại là một phương pháp luận về bảo tồn trùng tu mà phía Nhật Bản muốn chuyển giao cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, hỗn hợp hợp chất tạo nên gỗ nhân tạo là Resin XNR6105 và Hardener XNH6105 rất đắt nên chỉ được áp dụng đối với những cấu kiện gỗ có giá trị quan trọng cần được bảo lưu. Một sáng đẹp trời của một ngày tháng Chín, khi nhìn thấy phần đầu cột gỗ sau khi được phục hồi bằng gỗ nhân tạo để bảo lưu phần cấu kiện nguyên gốc còn ký hiệu đánh dấu của thợ mộc thời xưa, tôi thấy một cái vết thương hàng trăm năm của di tích Huế như đã lành lặn và đầy đặn, như thể bao nhiêu năm mục ruỗng đã biến đi đâu mất, lùi vào quá vãng xa xăm nào đó, và mơ hồ đọng lại vẹn nguyên bây giờ một nét son cười tươi trong nắng...
Cũng trong ánh nắng tươi ngời trên di tích Hiển Đức Môn, lăng Minh Mạng vào một ngày đầu tháng Tám có một câu chuyện cực kỳ cảm động diễn ra tại đây. Đó là một câu chuyện dài, bắt đầu từ bức chỉ dụ của vua Minh Mạng cách đây một trăm sáu mươi bảy năm. Vào cái ngày xa xưa đó, một võ quan danh tiếng triều Nguyễn là Tôn Thất Bật - Tổng đốc Hải Yên (Quảng Ninh ngày nay), một trong những vị “Tam triều nguyên lão” hiếm hoi, đã dâng sớ xin vua cho phép khai thác than ở vùng núi An Lãnh (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều). Đọc xong tờ sớ, vua Minh Mạng có ngay chỉ dụ, được dịch ra như sau: “Tháng này Tổng đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi An Lãnh, xã Đông Triều thuộc hạt đó. Trước đây Bộ (Hộ) đã tư cho hạt đó đào lấy mười vạn cân than đúng kỳ chở về Kinh đô giao nạp. Trẫm nghĩ nhân dân hạt đó vừa mới lại được hơi an ổn, sao nỡ đem việc không gấp gáp mà làm họ vất vả. Bọn Bật lại tâu hạt đó sau biến cố (mới dẹp giặc xong) vụ mùa vừa mất, thu hoạch kém, đời sống rất khó khăn, dân đều tình nguyện làm thuê để lấy tiền nuôi thân. Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng chớ sơ suất để an úy lòng Trẫm muốn ra ân cho dân. Khâm thử. Minh Mệnh năm thứ 20 ngày mồng 6 tháng 12”. Ngày vua ban chỉ dụ đó tức là ngày 29 tháng 12 năm 1840. Bản dụ là rất đặc biệt quan trọng và quý giá đối với ngành than - khoáng sản. Nó cho phép xác định mốc ra đời, chính thức mở ra ngành khai thác than - khoáng sản trên đất nước Việt . Lâu nay, nhiều người cho rằng ngành than Việt Nam ra đời bắt đầu từ việc do người Pháp khai thác thuộc địa, rằng người Pháp đã dạy cho người Việt Nam cách khai thác than. Thế nhưng với bức chỉ dụ này, đã chứng thực rằng ngành than Việt do chính người Việt sáng lập. Theo ông Đoàn Văn Kiển- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam, từ nay ngành sẽ lấy ngày 29-12 được ghi trong bản chỉ dụ làm ngày chính thức khai sinh và vua Minh Mạng được tôn thờ là người có công khai sáng của ngành than -khoáng sản Việt Nam. Tôi nhớ hôm đó bằng một giọng rất xúc động, ông Kiển nói rằng ông đã cùng đồng nghiệp tốn không biết bao nhiêu công sức và thời gian đi tìm cội rễ cho ngành, bởi từ thẳm sâu của lòng tự hào dân tộc, ông không tin rằng người xưa đất Việt không biết đến giá trị của những viên vàng đen lấp lánh chất thành núi thành đồi ngạo nghễ soi bóng xuống Vịnh Hạ Long - kỳ quan thế giới. Hôm nhận được chỉ dụ do các nhà nghiên cứu Huế cung cấp, ông đã khóc ròng vì niềm tin sắt đá của ông đã được chứng thực. Để tưởng nhớ công lao của vị vua triều Nguyễn, ngành than Việt Nam đã quyết định kêu gọi toàn thể thợ mỏ đóng góp một ngày lương để trùng tu di tích Hiển Đức Môn trong lăng Minh Mạng. Số tiền mà những người thợ mỏ cả nước đóng góp cho việc trùng tu công trình Hiển Đức Môn là 3,2 tỷ đồng. Số tiền này cộng thêm khoản tài trợ từ Quỹ Di tích Thế giới (WMF-Mỹ), việc trùng tu đã được tiến hành từ cuối năm nay và sẽ hoàn thành hai năm sau đó - 2009. Cái điều mà nhiều người muốn nói đến sau sự kiện xúc động này, đó là hiện di tích Huế cần đến 1.400 tỷ đồng để trùng tu tất cả các công trình di tích, đây là con số quá lớn, vậy thì có cách nào? Tôi nhớ một nhà báo đã nêu ý kiến rất thú vị: Triều Nguyễn ở Kinh đô Huế trải dài qua hàng trăm năm trị vì, chừng đó thời gian chắc chắn 9 chúa, 13 vua sẽ là “cha đẻ” của rất nhiều ngành. Nếu ngành nào cũng như ngành than thì trong tương lai sẽ có rất nhiều di tích như Hiển Đức Môn được cứu. Ví như ngành đóng tàu chẳng hạn... Vấn đề là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên rà soát lại xem triều Nguyễn đã “đẻ” ra những ngành nào, sau đó gửi đi một thông điệp mời gọi trùng tu di tích. Đây là cơ hội xã hội hóa trùng tu di tích tuyệt vời cho Huế. Nhà báo trên nhân sự kiện này cũng đã liên tưởng đến những buổi tiệc “sinh nhật” linh đình, lãng phí của một số ngành đã bị dư luận lên tiếng và chép miệng: “Ước chi các ngành cũng như ngành than, cách kỷ niệm như rứa vừa không mang tiếng, vừa được ghi ơn bởi đã góp phần cứu vãn di sản thế giới đang từng ngày xuống cấp vì thiếu tiền”...
Một sự kiện diễn ra khá sôi động trong không gian Kinh thành nữa là những Đêm Hoàng Cung rực sáng giữa tháng Năm. Không rực rỡ, hoành tráng quá mức như lễ hội Đêm Hoàng Cung của Festival Huế 2006, nhưng những Đêm Hoàng Cung vừa qua cũng đủ để thắp lên trong lòng mỗi người dân Huế về những hy vọng đánh thức tiềm năng di sản từ lâu đã ngủ quên cùng rêu cỏ, để hình thành nên một sản phẩm du lịch độc đáo thuộc vào hạng nhất nước Việt Nam. Đối với người yêu thơ, những đêm thơ trong Đêm Hoàng Cung là một sáng kiến tuyệt vời của những nhà tổ chức và nhà thơ xứ Huế. Sân chơi thơ của nhà thơ xứ Huế được tiếp nối biên độ mở rộng ra, thơ được truyền tải đến với công chúng qua một không gian cung đình hết sức đặc biệt, lung linh ánh nến với những miền rung cảm ngập ngời. Nếu bầu chọn một không gian thơ tuyệt vời nhất trên thế gian, chắc chắn không có không gian nào hơn được không gian thơ của những Đêm Hoàng Cung xuất hiện từ mùa hè 2007 ở miền đất cố đô Huế. Rồi cũng từ trong không gian Kinh thành, cung bậc âm thanh hết sức sang trọng - Nhã Nhạc, được giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê chú tâm truyền thụ cách giảng dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho các giáo viên âm nhạc đến từ các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Huế vào những ngày giữa tháng Tám. Đây là một lớp học trong khuôn khổ chương trình đặc biệt nằm trong dự án bảo tồn và phát huy giá trị Nhã Nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam do UNESCO tài trợ, với mục đích nhằm đưa môn nghệ thuật đã được ghi danh vào di sản nhân loại đến với những tâm hồn thơ trẻ trong không gian học đường xứ Huế. Giáo sư Trần Văn Khê nói, đưa Nhã Nhạc vào học đường là một trong những ước nguyện lớn nhất của đời ông và may mắn thay, ông đã làm được. Chính vì vậy tuy ngồi xe lăn và sức khoẻ không được tốt lắm ở ngưỡng tuổi ngoài tám mươi, ông vẫn đều đặn lên lớp hàng ngày với những hò, xự, xàng, xê, cống... Có một nụ cười nào nở trên môi di sản ngoài vùng rêu cỏ Kinh thành trong một năm được xem là bình lặng như năm 2007? Câu trả lời là Có. Và đó là sự kiện hoàn tất việc trùng tu Tháp Mỹ Khánh vào đầu tháng Năm. Công trình kiến trúc Chăm pa cổ này được phát hiện từ năm 2001 với rất nhiều bí ẩn, có những họa tiết sắc sảo, nguyên vẹn nhất trong số các tháp Chăm ở dọc vùng đất trải dài phía Bắc đèo Hải Vân. Một cơn địa chấn nào đó đã chôn vùi ngôi tháp có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII này vào trong lòng đất, và khi xuất hiện trở lại, nó đem lại cho con người đương thời bao nhiêu bối rối. Bởi ngay sau khi lộ diện với vẻ đẹp ngời sáng, nó bắt đầu bị nghiêng và nứt nẻ dưới nắng trời, rồi những viên gạch cũng bị lấy cắp khi sự mê muội đã làm cho nhiều người dân quanh vùng tin rằng chúng sẽ giúp chữa được nhiều thứ bệnh tật trên đời... Mười tám tháng liên tục giữa mưa và nắng, những người thợ trùng tu đã kịp dùng hết trí tuệ và tài năng của mình để làm cho tháp thôi nghiêng, thôi mục mủn, được an toàn trong mái che như một mái hiên đời và dĩ nhiên, cũng nở một nụ cười di sản nhưng không phải trong rêu cỏ mà trong gió biển bời bời giữa mênh mông cát trắng...
Những dấu ấn tương tự như những điều đã viết là những điểm nhấn khó quên dành cho những ai yêu quý miền di sản Huế. Một năm ngắn ngủi mà có những nụ cười tươi như thế, cũng là cái duyên của đất trời. Tất nhiên là còn có rất nhiều sự kiện khác nữa chưa kịp kể đến. Chẳng hạn như là những ngày Huế sôi động và đồng vọng lạ lùng với cổ vật khắp nơi đổ về dự hội Festival Làng nghề Huế 2007 tôn vinh các nghề đúc đồng, kim hoàn, chạm khảm. Đó thật sự là một cuộc biểu dương tài nghệ tuyệt kỹ của cổ nhân đất Việt. Tôi nhớ hồi đó mình đã như lạc vào giữa những miền cổ tích văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Óc Eo, văn hoá Đông Sơn; lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt những cổ vật hàng nghìn năm, hàng trăm năm... Xúc động nhất là khi nhìn thấy hàng chục chiếc trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn nguyên bản to nhỏ lớn bé hội tụ về Huế, đứng giữa gian trưng bày cổ vật như một lễ hội trống đồng nguyên sơ đất Việt. Và tôi đã nghe vọng từ những chiếc trống đồng ấy câu hát thơ trẻ ngày xưa về sự tích huyền thoại dòng giống Tiên Rồng: “Xưa khi xưa, mẹ đẻ ra trăm cái trứng, sinh lũ con, trăm đứa con cùng một dòng...”; nghe như tiếng cười anh linh của hồn dân tộc đang vọng về lẩn khuất từ trong rêu cỏ miền xưa... Huế, 12.2007 H.Đ.T.N
(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)
|