Vì vậy đọc sách đã trở thành niềm hứng thú và say mê của đông đảo học sinh các trường từ tiểu học đến trung học… Văn học Nga - Xô Viết chính là một trong những nguồn sách được chúng tôi tìm đọc nhiều nhất. Hồi học cấp I, cấp II, 3 cuốn sách viết cho thiếu nhi sau đây là những cuốn sách mà học sinh chúng tôi không mấy người là không biết đến. Đó là các cuốn: “Ti - Mua và đồng đội”, “Vi- chi- a Ma- lê- ép ở nhà và ở trường”, “Chiếc đồng hồ báo thức hai chuông”. Ba cuốn sách này nói về cuộc sống hàng ngày của các em thiếu nhi Liên Xô (cũ) trong thời chiến và trong cả thời bình. Dưới ngòi bút của nhà văn Gai - đa, hình ảnh chú bé Ti - Mua và các bạn của chú hiện lên thực sinh động. Các em đã tích cực tham gia vào cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc bằng những việc làm rất thiết thực của mình. Thời đất nước có chiến tranh là vậy.
Không chỉ biểu dương nhiều tấm gương cao đẹp của thiếu niên, nhi đồng trong thời đất nước có chiến tranh, các nhà văn Xô Viết còn rất tâm huyết khi viết về cuộc sống của các em khi ở trường cũng như khi sinh hoạt ở gia đình. Các nhà văn đã không ngần ngại chỉ ra cái tốt, cái đẹp cũng như các tật xấu, thói hư mà các em còn mắc phải (như lười nhác trong học hành, hoặc thiếu thực thà, dũng cảm…), để góp phần giáo dục cho các em nên người. Cũng vào thời gian học ở trường làng, bước vào tuổi thanh niên, cuốn sách tạo nên sức cuốn hút kỳ lạ đối với thế hệ chúng tôi chính là cuốn “Thép đã tôi thế đấy” (2 tập) của nhà văn Ốtxtơrốpski qua bản dịch của nhà văn Thép Mới. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát 2 tập sách này. Rồi khi đi dạy ở miền núi, khi đi bộ đội, trong ba lô của nhiều anh em chúng tôi bao giờ cũng là cuốn “Thép đã tôi…” Tôi và bạn bè cùng trang lứa có thể kể vanh vách cuộc đời của nhân vật Pa ven không bỏ sót một chi tiết nào, hoặc đọc thuộc lòng nhiều đoạn văn hay của tác phẩm.
Chúng tôi yêu kính nhà văn N.Ốtxtơrốpski bởi nghị lực sống của ông; chúng tôi cảm phục người thanh niên Xô
Viết Pa
ven bởi lý tưởng cao đẹp và sự phấn đấu, sự cống hiến cho quê hương đất nước của anh. Pa ven đã được thử lửa trong những ngày đầu của Cách mạng tháng 10 Nga, trong nội chiến đánh quân bạch vệ, đã được tôi rèn qua cái rét, cái đói trên công trường đường sát Bai - a- rơ- ca… Sự suy nghĩ, những việc làm, những phẩm chất tốt đẹp được trải nghiệm trong thực tiễn khắc nghiệt, trong đấu tranh cách mạng của Pa ven thực sự làm người đọc xúc động. Từ một cậu bé nghèo sống trong một thành phố nhỏ, Pa ven đã trở thành một đoàn viên Comxomon vững vàng, một chiến sỹ Hồng quân dũng cảm, một chiến sỹ Cách mạng trung kiên, một nhà văn giàu nghị lực, tâm huyết và tài năng. Ngay cả khi bị mù lòa và cận kề bên cái chết, anh vẫn tìm ra được cho mình một lẽ sống, một con đường sống cao đẹp. Tôi nhớ mãi câu nói mà Pa ven hằng tâm niệm: “… Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống làm sao cho khỏi phải xót xa, ân hận…”.
Có lẽ nhờ có quan niệm sống đẹp đẽ ấy mà Pa ven đã vượt qua được bao thử thách trong cuộc đời - đặc biệt là vượt qua được chính mình để trở thành một con người hữu ích cho xã hội, cho đất nước… Nói như vậy không có nghĩa Pa ven là con người chỉ biết có chiến đấu, có xả thân. Anh thực sự là một người con với bao điều trăn trở, buồn vui… Anh sống rất chí tình với bè bạn, rất thủy chung với người mà anh yêu mến… Có lẽ khi đọc đến những điều chúng tôi vừa viết chắc sẽ có người cho rằng chúng tôi đã “lên gân”, đã nói quá đi chăng? Hoặc vào thời đó, những năm 60 của thế kỷ 20 thanh niên có phần bị “xơ cứng”, bị “nhồi nhét” bao nhiêu thứ mà họ không hiểu, không thích? Nói như vậy là không thỏa đáng. Quả thực “Thép đã tôi thế đấy” đã chinh phục trái tim và trí tuệ của cả một thế hệ. Nhà văn N.Ốtxtơrốpski đã viết rất thực, rất sinh động về cuộc đời, về số phận của một con người, một thanh niên công nhân, một người thuộc tầng lớp “con nhà nghèo”. Cuộc sống của Pa ven hoàn toàn không có gì xa lạ đối với thanh niên Việt trong chiến tranh cũng như trong xây dựng hòa bình, hôm qua cũng như hôm nay.
Không chỉ được làm quen với tác phẩm của nhà văn Xô Viết Ốtxtơrốpski, thế hệ chúng tôi còn được biết đến nhiều nhà văn Nga và Xô Viết khác, với nhiều tác phẩm nổi tiếng của họ. Ví như L. Tolstoi, Puskin, Gô Gôn, M.Gorki, Đotxtôiepski, Pautopski, Sôlôkhôp, Maiacopski, Aimatôp, Gamzatôp v.v Các tác phẩm nổi tiếng như “Chiến tranh và hòa bình”, “Ainakarêninna”, “Một anh hùng thời đại”, “Con đầm pích”, “Đêm Ai Cập”, “Kiếm sống”, “Sông Đông êm đềm”, “Số phận một con người”, “Con đường đau khổ”, “Bông hồng vàng”, “Cuộc chiến đấu trên đường Vô - cô - lam - scơ”, “Đaghextan của tôi”, “Trường ca Lênin v.v đã cho chúng tôi rất nhiều hiểu biết về đất nước và con người ở tận trời Âu xa xôi. Tình cảm mến yêu, khâm phục đất nước Xô Viết và Cách mạng tháng 10 vĩ đại, một phần được nhen nhúm, được bồi đắp từ việc chúng tôi được đọc các tác phẩm văn học này.
Chúng tôi chưa một lần được đặt chân đến đất nước Nga, và cũng chưa được đọc nhiều các tác phẩm Văn học Nga, nhất là các tác phẩm văn học đương đại. Nhưng chỉ qua một số tác phẩm Văn học mà chúng tôi được đọc hồi những năm học ở bậc phổ thông và đại học, chúng tôi cũng đã hiểu được ít nhiều những thành tựu to lớn, những cống hiến rất đáng ghi nhận của Văn học Nga - Xô Viết cho nền Văn học thế giới. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Mãi mãi trong lòng bạn đọc chúng tôi là những ấn tượng vô cùng tốt đẹp, vô cùng sâu sắc về một nền Văn học Nga - Xô Viết vừa giàu tính nhân văn - nhân bản, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và in rõ dấu ấn của thời đại. T.H
(nguồn: TCSH số 225 - 11 - 2007)
|