Bút ký - Tản văn
Người bạn gái nhà văn nước ngoài ấy
08:37 | 06/12/2011
XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.
Người bạn gái nhà văn nước ngoài ấy
Nhà thơ Xuân Hoàng - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Sau ba tuần lễ làm việc với các cơ quan văn hóa, tôi được Hội Nhà văn Ru-ma-ni mời ở lại thêm một tuần lễ nữa để nghỉ ngơi tại nhà sáng tác của Hội ở Mô-gô-sô-i-a, cách Bu-ca-rét chừng 14 ki-Iô-mét về phía Nam.

Ở đây tôi đã có dịp làm quen với chị.

Thực ra không phải khi về nghỉ ở nhà sáng tác tôi mới quen chị. Tôi đã biết chị hôm Hội Nhà văn Ru-ma-ni tổ chức cuộc tiếp xúc thân mật giữa nhà văn Việt Nam với một số nhà văn Ru-ma-ni.

Hôm đó, nhà văn lão thành Giê-lê-bê-a-nu, tác giả trường ca nổi tiếng "Nụ cười Hi-rô-si-ma" đã hỏi tôi về quá trình xâm nhập của các thứ chủ nghĩa văn học suy đồi ở phương Tây vào Việt Nam, và tôi đã tập trung tư tưởng vào việc trả lời, đến nỗi một nhà văn nữ ngồi cạnh tôi phải thân mật lên tiếng "can thiệp":

- Thì gớm, anh cũng phải để cho anh ấy có thì giờ ăn một múi cam đã chứ!

Và như một người bạn, chị thoải mái, nhanh nhẹn chọn một quả cam ngon trên đĩa, khéo léo bóc vỏ rồi nâng cả đĩa cam vàng, trên đó có một quả đỏ hồng, mọng những nước, đưa về phía tôi.

Tôi ngẩng lên, đưa tay nhón mấy múi cam khẽ gật đầu, cám ơn. Lúc này tôi mới có thì giờ quan sát chị. Đó là một phụ nữ không còn trẻ nữa, nhưng cũng rất khó đoán tuổi, có một khuôn mặt đẹp với những búp xoăn trên mái tóc được cuốn vén công phu, với một đôi mắt đen xanh chan chứa chất mơ mộng nhân hậu.

Như được tiếp sức, từ vòng vây của những thứ "ism" quái quỷ kia, tôi linh hoạt đi thẳng vào "Nụ cười Hi-rô-si-ma" qua những nỗi đau chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã phải chịu đựng trước bao âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ.

Sau đó, chính chị là người phát biểu ý kiến đầu tiêu trong buổi họp. Chị sôi nổi, nhấn mạnh vào những chiến thắng to lớn đầu xuân của quân và dân miền Nam Việt Nam, gay gắt lên án chủ nghĩa thực dân mới mà chị gọi là "nỗi sĩ nhục của thời đại" và tiên đoán về sự thất bại chắc chắn của "chính những kẻ đã ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki", điều làm cho Giê-lê-bô-a-nu tỏ ra rất đỗi hài lòng.

Tôi có cảm tình với chị từ hôm ấy.

Nhưng phải đợi đến đêm thơ ở Bu-ca-rét tổ chức hai tuần lễ sau đó tôi mới thực sự quen chị.

Hôm đó sau khi nghe tôi đọc thơ - những bài thơ viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và những bài thơ viết trong khi đi thăm Ru-ma-ni bằng một thứ tiếng Pháp cổ lổ sĩ mà tôi buộc phải tự dịch lấy - chị đã xúc động, len đến, nồng nhiệt bắt tay tôi:

- Hoan hô anh bạn đồng nghiệp! Bây giờ tôi càng hiểu Việt Nam hơn, càng hiểu anh hơn. Cảm ơn đêm thơ, cảm ơn anh nhiều, rất nhiều.

Ngừng một lát, chị nói tiếp, vẻ lưu luyến:

- Bao giờ thì anh về nước? Không biết tôi còn có dịp gặp anh nữa không?

Tôi nói nhanh giữa tiếng ồn ào xung quanh:

- Tôi còn ở lại Ru-ma-ni thêm một tuần lễ. Tại nhà sáng tác của Hội, ở Mô-gô-sô-i-a. Mong còn có dịp được gặp chị.

Chị reo lên, hồn nhiên như trẻ con:

- Ôi, anh sẽ xuống đúng chỗ tôi rồi! Tôi hiện đang viết ở đây. Hẹn gặp nhé. Chắc chắn là như thế!

***

Và tôi đã gặp chị ở Mô-gô-sô-i-a thật.

Từ phòng viết xuống, thấy tôi ngồi một mình ở bàn ăn và đang chờ người phục vụ, chị mừng rỡ chạy đến chỗ tôi:

- Thế là chúng la lại gặp nhau! Sáng nay, ghé sang chỗ Hội Nhà văn, tôi được biết anh đã xuống đây. Từ dạo đến Bu-ca-rét tới nay, anh đi về các tỉnh mất khá nhiều thời gian, chưa có dịp nói chuyện được nhiều với anh.

Và chị cười cởi mở:

- Từ một đất nước có chiến tranh sang đây, anh đang là một cái tủ của biết bao chuyện đau thương và anh hùng.

Hôm đó, chị cùng ăn với tôi. Chúng tôi nói lan man về thời tiết ở Ru-ma-ni và ở Việt Nam, về địa lý và kiến trúc, về ngôn ngữ và chữ viết của hai nước. Chị ngạc nhiên một cách thích thú khi biết tiếng Việt cũng được ghi lại bằng những chữ cái la tinh như tiếng Ru. Chúng tôi lại bàn về những nước có ngôn ngữ ghi bằng mẫu tự sla-vơ và những nước có ngôn ngữ ghi bằng mẫu tự la tinh... Và bỗng nhiên, chị bùi ngùi tâm sự:

- Tôi là người gốc sla-vơ kia đấy anh ạ. Gia đình tôi di cư sang Ru-ma-ni đã ba đời nay. Bắt đầu từ ông nội tôi. Trong cơn lốc của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất! Bây giờ tôi đã là công dân Ru-ma-ni nhưng những kỷ niệm về tuổi thơ của cha tôi ở đâu đó, trên một thành phố biển ở Bun-ga-ri, được nghe người nhắc nhở khi còn sống, mãi đến bây giờ còn lay động trong tôi.

Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên của mình trước những thông báo có tính chất tâm sự ấy:

- Tôi cũng sẽ sang Bun-ga-ri nay mai. Thế quê chị ở vùng nào bên ấy.

Đôi mắt chị trở nên xa xôi:

- Ở Nét-xơ-bơ, một thành phố cổ trên bờ biển Đen với nhiều di tích của nên văn minh Hy Lạp; một bãi tắm tuyệt vời!

- Từ trước đến nay chị có về bên ấy không?

- Một lần, trước giải phóng, thời kỳ còn con gái, với cha tôi.

- Tôi hy vọng, khi sang Bun-ga-ri tôi sẽ có dịp ghé thăm thành phố tuổi thơ của ông thân chị, thành phố trong ký ức gia đình của chị. Tôi chắc chị sẽ vui lòng khi biết tôi đã đi trên những con đường một lần chị từng đi. Tôi cũng sinh ra và lớn lên trên một thành phố biển. Ôi trên trái đất nầy, thành phố biển nào mà không đáng yêu hở chị.

Chị cảm động mỉm cười:

- Cảm ơn những ý nghĩ tốt đẹp của anh. Như thế là chúng ta đã trở nên đôi bạn rồi đấy!

Và chị ngẩng lên, nhìn tôi bằng cặp mắt xanh đen, long lanh:

- Tôi rất thích nói chuyện với anh và không giấu anh điều này: tôi mến anh!

Trước khi chia tay trở về phòng mình, chị hỏi số phòng của tôi và cho tôi biết số phòng của chị.

- Ôi, thì ra chúng ta đều là láng giềng với nhau cả mà không biết! Chị lại reo lên khi thấy hai con số 14 và 18 rõ ràng là rất gần nhau.

Đó là câu chuyện hôm đầu tiên tôi đến Mô-gô-sô-i-a.

Những hôm sau chúng tôi đã trở thành đôi bạn thực sự. Chị thường sang thăm tôi, vào buổi sáng, mang cho tôi cà-phê và trái cây, khi thì một quả cam hiếm vùng Địa trung hải, khi thì vài quả táo, khi thì một bọc nho khô, thứ trái cây mà tôi không giấu chị lòng yêu chuộng của mình. Có đôi lúc, tôi có cảm tưởng là chính mình đang được chiều chuộng quá đáng và đâm ra thấy khó xử.

Một hôm, vào xế chiều, tôi đang mải viết, bỗng nghe có tiếng gõ cửa.

- Xin mời vào!

Tôi lịch sự lên tiếng, không đứng lên mở cửa, nghĩ rằng đó là cô nhân viên phục vụ cần vào phòng theo công việc vén dọn hàng ngày.

Cửa mở, chị hối hả bước vào như chạy, nét mặt lộ vẻ xúc động, một tập bản thảo đánh máy cầm ở tay. Không đợi mời, chị ngồi ngay xuống chiếc ghế trước mặt tôi:

- Hôm nay, tôi quyết định quấy rầy anh. Tôi vừa xong chương cuối của tập hai. Tôi viết với nhiều cảm xúc. Tiếc là anh không đọc được tiếng Ru. Vậy anh hãy chịu khó đọc giúp tôi phần một của tập hai đã được dịch ra tiếng Pháp. Đây là bản dịch khá tốt mà tôi đã nhờ một người bạn dịch. Khi viết xong tập hai cùng với nguyên bản in ở Ru-ma-ni, tôi có ý định sẽ gởi toàn bản dịch, cũng do người bạn đó dịch, sang Pháp cho một nhà xuất bản ở bên ấy. Bên ấy đã xuất bản tập một tập tiểu thuyết hồi ức bộ ba của tôi. Tập một kể về đời thanh niên, tập hai nói về thời trung niên. Phần một của tập hai tôi đang cầm đây là những chương mở đầu về giai đoạn thứ hai của một đời người. Những trang viết này sẽ nói đầy đủ với anh về tôi hơn, bổ sung những mẩu chuyện tôi đã kể tản mạn từ trước đến nay cho anh nghe. Rồi anh phải góp ý kiến với tôi mới được. Tôi tin vào nhiệt tình và tôn trọng ý kiến của bạn bè.

Nói xong, chị trao luôn tập bản thảo đánh máy cho tôi.

Thực tình mà nói, tôi cũng thấy ngại: chỉ còn mấy ngày nữa tôi đã phải lên đường, đi Bun-ga-ri. Còn bao nhiêu việc lặt vặt khác cần làm, bao nhiêu thư từ cần viết cho bạn bè ở quê hương. Tôi đang phân vân thì chị đã đặt tập bản thảo xuống bàn rồi cầm lấy tay tôi, dắt tôi ra khỏi phòng, nói một thôi dồn dập, giọng có phần trách móc:

- Sang đây! Anh phải sang đây mới được. Anh sẽ thấy tôi đã làm việc như thế nào. Chính anh, anh đã giúp tôi đi vào đoạn kết ở chương cuối quyển sách một cách thỏa đáng.

Tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy ngượng với mình. Chị tự nhiên và nhiệt tình còn tôi thì phong kiến, hay giữ kẽ theo thói quen tỉnh lẻ ở các nước phương Đông. Đáng lẽ tôi phải sang thăm chị từ mấy hôm trước, không nên để chị mời và trách mới phải. Tôi theo chị sang phòng số 18. Gian phòng giống hệt phòng tôi về kiến trúc, chỉ duy việc bày biện bên trong có khác đôi chút. Làm chủ phòng này từ hơn tháng nay, chị có một "cơ ngơi" đàng hoàng hơn tôi nhiều. Cơ ngơi đó được chứng minh ở cái bàn viết dày cộm các chồng bản thảo, ở cái kệ kê sát tường xếp đầy sách tiếng Pháp tiếng Anh và tiếng Ru-ma-ni mà phòng tôi không thể nào có được. Bức rèm vải thưa màu hồng, rua bằng chỉ đỏ ở phía dưới đã được kéo sang một bên: khung cửa kính sáng sủa mở ra khu vườn yên tĩnh, nguyên là nơi dạo chơi của các vua chúa Ru-ma-ni ngày trước. Đang còn ở tiết đông, những cây bạch dương đều rụng lá, chỉ duy các thân cây cứ sáng ngời lên trong thớ vỏ loang lổ từng mảng xám ngà xen trắng rỡ trông đến ngon mắt. Tuyết thôi rơi từ mấy đêm trước, bầu trời dường như im lặng thêm làm những pho tượng cẩm thạch càng nổi bật lên trong những đường nét mềm mại và thanh tú.

Chị chỉ vào chồng bản thảo trên bàn:

- Mấy hôm nay tôi viết được nhiều sau mấy ngày không viết được một chữ nào hết. Bây giờ thì có đà rồi. Cái đoạn kết làm tôi xúc động. Tôi đã để cho nhân vật của tôi hành động theo lý tưởng của mình.

Tôi chưa kịp hiểu chị định nói gì thì chị đã với tay rút từ trên kệ xuống một cuốn tiểu thuyết bằng chữ Pháp, đưa cho tôi xem. Tôi cầm lấy, nhẩm đọc cái tên hơi lạ được trình bày trang nhã ở bìa một bằng một kiểu chữ kẻ khá mỹ thuật: MẠNG NHỆN.

- Đây là bản dịch tập một đã xuất bản ở Pháp. Tôi đang viết những trang cuối của tập hai...

Chị bỗng ngừng lại, buồn bã mơ màng:

- Còn tập ba sẽ nói những gì, chính tôi, tôi cũng chưa hình dung ra được. Nói như Sô-lô-khốp: Cuộc sống đang tiếp diễn ấy mà!

Chỉ vào cuốn sách tôi đang cầm trên tay, chị thong thả nói tiếp:

- Tôi đưa để anh xem qua. Chắc anh không có đủ thì giờ đọc toàn bộ tập sách. Hình như ngày kia anh đã lên đường rồi thì phải? Tôi đã tóm tắt nội dung tập đó cho anh nghe để buộc anh phải đọc hết chương đầu đã dịch trong tập hai của tôi.

Giọng chị bỗng hạ xuống nhẹ nhàng như một lời tâm sự:

- Như đã nói với anh hôm nọ, tôi là người gốc sla-vơ di cư sang đây. Ông tôi có mặt trong đội quân Bun-ga-ri tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mọi tai hại bắt đầu từ vụ ám sát viên hoàng tử nước Áo. Liên minh Đức Áo thua trận. Nước Bun-ga-ri bị cuốn vào nỗi nhục nhã chung ấy. Ông tôi xấu hổ không trở về Nét-xơ-bơ nữa, xin cư trú chính trị ở Ru-ma-ni. Ít lâu sau, cả gia đình sang theo ông. Cha tôi lớn lên ở bên này thành công dân Ru-ma-ni. Và lại bị điều đi đánh nhau trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai 39-45, vì quyền lợi của chính phủ phản động thân trục. Ông bỏ mình trên đất Ba Lan không kịp thấy cả đất nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri được giải phóng hầu như vào cùng một thời kỳ. Lớn lên giữa những cơn lốc của châu Âu trong cuộc khủng hoảng đi tìm đường, tôi nhận thức mình một cách vất vả. Biết bao cạm bẫy đã giăng ra trước tôi lúc bấy giờ, một cô gái mồ côi non dại mới vào đời. Tôi lao đao chới với y như một con mồi bị vướng mắc trong một cái mạng nhện. Nhưng tôi đã vùng vẫy đến tột cùng với sức lực còn trẻ trung của tôi. Và tôi đã thoát ra được khỏi cái mạng nhện vô hình đó trước khi con nhện hung ác lao đến vồ mồi. Chiến tranh chấm dứt, gặp người tốt giúp đỡ, tôi đã hoạt động xã hội trong một công đoàn và trở thành nhà văn qua những cố gắng rất gian khổ của mình.

Tôi đã viết như thế, về cuộc đời một nữ sinh viên đứng trước ngã ba của thời đại. Đó là nội dung chính của tập một.

Còn bây giờ là tập hai. Tập hai nói về giai đoạn thứ hai trong đời tôi, cuộc đời một người vợ, một người mẹ với những mớ lục đục luẩn quẩn trong gia đình một khi người cán bộ hoạt động chính trị hôm qua đã từ bỏ con đường mình đi để an phận trở về với cuộc đời một công chức quèn ở thủ đô cùng trăm thứ bà dằn của thói sống thị dân mà trước kia tôi đã hăng hái lên án.

Bất giác, chị thở dài ảo não:

- Cái bi kịch của tôi chính ở chỗ này. Có lẽ tôi là người thua cuộc sau khi đã thắng những trận đầu. Cái mạng nhện hôm qua tôi đã thoát ra được. Còn cái mạng nhện hôm nay đang giam cầm tôi. Tôi đã bắt đầu tập hai bằng những chương thật dễ sợ về cuộc đời mình. Lệ thuộc vào chồng, vào con, tôi không nhìn thấy gì được nữa, ở ngoài cuộc đời ngoài bốn bức tường của gia đình mình, ngoài những bữa tiệc tùng khách bạn (phải nói thêm với anh: chồng tôi là một công chức cao cấp, giao du rộng lên chức khá nhanh và có một thói xấu độc đoán là chỉ muốn vợ tập trung vào công nội vụ của gia đình), ngoài những đêm biểu diễn văn nghệ ở đó, người ta bắt đầu khóc than rầu rĩ, dằn vặt với những lo âu cá nhân, những tính toán vụ lợi, ngoài những bộ phận du thập từ phương Tây ở đó người ta cổ vũ cho thói ngoại tình và lòng nghi hoặc vào bản chất con người. Sự bế tắc của cả châu Âu cũng đè nặng lên tâm hồn tôi! Tôi nhu nhược để những nhu cầu của đời sống vật chất tầm thường lôi cuốn đi trong một nhịp độ đều đặn của những sinh hoạt tầm thường, lặp đi lặp lại một cách đều đặn. Đôi lúc, sực tỉnh, tôi khinh mình, tự xỉ vả mình, nhưng sau đó lại đâu vào đấy: sự rối rắm, vòng luẩn quẩn ấy cứ hành hạ tôi, dày vò tôi. Đã lâu, tôi không viết được một trang sách nào nữa cả! Tôi xa lạ với cuộc sống đến lạ lùng!

Ngừng một lát, như để lấy sức, chị lại buồn bã kể tiếp:

- Gần đây, những tin tức chiến sự từ Việt Nam dội về làm tôi chú ý. Nhưng như một người lì, tôi không xúc động mấy nữa. Thời còn trẻ, tôi có thể bỏ ăn một ngày khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết có tình huống xúc động thậm chí có thể khóc khi nghe tin về một vụ thảm sát người da đỏ ở một bang Cô-lô-ra-đô xa xôi nào đó bên nước Mỹ. Còn bây giờ thì...

Đôi mắt chị tự nhiên sáng lên:

- Nhưng mà kể cũng lạ anh ạ. Không hiểu sao, từ khi được biết thêm cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân Việt Nam do chính anh nói lên, bằng thơ ca, bằng những mẩu chuyện, bằng một cái gì đó mà tôi không diễn tả ra được- với tất cả tâm huyết của mình, tự nhiên tôi thấy mình khác đi, và cảm thấy mình cần sống có trách nhiệm với cuộc đời hơn, với mình hơn. Những năm tháng tuổi trẻ trở về, những khát vọng được thắp cháy trở lại. Nhiều đêm, đang nằm, tôi chợt vùng trở dậy, bật đèn, ghi lấy những ý nghĩ tốt đẹp vụt đến, chỉ sợ để sang đến hôm sau, chúng nó sẽ kéo nhau đi mất! Càng ngẫm, tôi càng hiểu ra là các anh đã chiến đấu vì mục đích. Các anh có một lý tưởng sống cụ thể, biết dũng cảm nhìn thẳng vào chiến tranh với những kẻ thù cụ thể. Trước đây, ông tôi, cha tôi đều cầm súng ra trận. Nhưng để cho ai? Và để làm gì? Con người muốn sống hòa bình. Nhưng đâu có làm chủ được số phận của mình một khi không nhận thức ra được mình không tìm thấy con đường đi của mình.

Nỗi day dứt chân thành của chị cuốn tôi vào cuộc. Tôi thấy cần nói lên một nhận xét:

- Thường thường, trong chiến tranh, con người trở nên bận rộn tới mức không có thì giờ nghĩ đến những nhu cầu riêng trong đời sống. Nhưng khi hòa bình đã về, những vấn đề mới sẽ đặt ra, liệu không biết rồi anh ta có còn giữ được cách sống giản dị trong chiến tranh không? Thú thật với chị, những điều này, chúng tôi chưa có thì giờ nghĩ đến.

Chị cười:

- Riêng tôi thì tôi đã nếm đủ các thứ mùi vị đó rồi! Những mùi vị trong chiến tranh. Và những mùi vị trong hòa bình! Rồi anh sẽ thấy cái bi kịch của chúng tôi là rất thật. Hôm qua, tôi đã quyết định như thế này: Thôi thì ở đời thực mình chưa làm nổi cuộc cách mạng nội thân, thì ở tiểu thuyết mình hãy đề cao nhân vật của mình hành động theo lý tưởng của mình đúng vậy. Và tôi đã để cho nhân vật của tôi rời bỏ gia đình, sung vào một đội quân y tế quốc tế, tự nguyện xin đi An-gô-la, đến với những nỗi đau khổ lớn lao hơn của loài người!

Những lời tâm sự của chị làm tôi xúc động. Nhưng tôi không đồng ý với cách giải quyết còn có vẻ không tưởng đó của chị. Tôi mỉm cười lắc đầu:

- Xét cho cùng, chuyện đó vẫn là chủ nghĩa lãng mạn thuần túy thôi, chị à.

Chị rầu rĩ trở lại:

- Chao ôi, biết làm sao được hở anh một khi mình không đủ sức nổi loạn với chính mình? Không biết rồi đây sẽ ra sao chớ hiện nay tôi không đủ sức, đúng thế, không đủ sức như thời còn trẻ nữa!

Từ giã chị, tôi bồi hồi trở về phòng mình với cuốn Mạng Nhện trong tay, lòng dấy lên một nỗi bâng khuâng dịu dàng pha lẫn một nỗi buồn rất thật: nỗi buồn về đời sống thị dân tỉnh lẻ mà chính tôi, tôi cũng đã từng là một thứ mồi không tự giác trong cái mạng nhện vô hình ấy, nếu không có những ngày đánh Mỹ sôi động lạ lùng kia đến khuấy động, làm cháy bùng lên những tiềm năng hết sức to lớn của con người...

***

Sang Bun-ga-ri, trong khi đi thăm một số nơi vùng ven bờ biển Đen, tôi đã có dịp ghé lại Nét-xơ-bơ.

Tôi đã cùng anh cán bộ Hội Nhà văn Bun-ga-ri đi bộ gần một tiếng đồng hồ vòng quanh thành phố biển thơ mộng ấy. Tôi đã ghé vào những khu phố Hy Lạp cổ yên tĩnh nhất để tìm lại hồi âm đậm đà của quá khứ cũng như hồi âm rất mong manh từ những kỷ niệm xa xưa của người bạn gái nhà văn mới quen.

Do địa hình của nó trên bờ biển Đen, Nét-xơ-bơ gợi lên trong tôi hình ảnh một con tàu đang đậu ở cảng. Không biết đến bao giờ mới nhổ neo. Tôi đã đứng lặng trước nhiều biệt thự vắng vẻ, chỉ có hoa ti-gôn nở buồn trên những hành lang có đường nét kiểu cổ khá độc đáo. Tôi có ý tìm, nhưng không biết ngôi nhà cũ của cô bạn tôi, vì những ngôi nhà ở đây đều có vẻ giống nhau. Vả lại, chúng đã thay đổi qua biết bao nhiêu là đời chủ rồi!

Đêm đó, từ một khách sạn ở Vác-na tôi đã viết về Bu-ca-rét cho người bạn gái nhà văn một lá thư dài, kể lại buổi chiều lang thang của tôi trên những đường phố Hy Lạp cổ ở Nét-xơ-bơ. Tôi kết thúc lá thư bằng một lời cầu chúc chân tình: "Thành phố trong ký ức tuổi thơ của chị cũng giống như cuộc đời của chị. Nó đẹp và buồn! Một vẻ buồn có sức sống riêng của nó. Nó cũng đã từng dữ dội và cũng đã từng yên tĩnh. Tôi mong rồi đây sẽ được đọc tập ba của chị trong đó chắc chắn chị sẽ để dành vài trang để viết về thành phố quê hương của chị cũng như người bạn thơ Việt Nam đã vì chị mà ghé đến thăm nó, ở lại với nó gần hết một buổi chiều..."

10-84
X.H
(18/4-86)








Các bài mới
Các bài đã đăng