Bút ký - Tản văn
Hắn…
15:34 | 09/01/2012
THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.
Hắn…
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Tôi còn nhớ rất rõ, sau cơn mưa như trút nước đêm ấy, khi nhà tắt đèn đi ngủ, thì ngoài hành lang Hắn cất tiếng kêu lên khe khẽ, rụt rè… Tiếng kêu ngập ngừng như một sự ra mắt, như một sự thăm dò phản ứng của chủ nhà, tiếng kêu trong run sợ. Có lẽ tự Hắn đã biết thời gian ấy thân phận của đồng loại Hắn quá mong manh: Ở khắp mọi nơi, từ miền quê đến đồng bằng, từ rừng sâu đến núi đá, ai cũng muốn tìm dòng giống Hắn. Người ta săn tìm Hắn như báu vật: Người
nghèo tìm Hắn mong cải thiện cuộc sống, người giàu, các đại gia, các đấng nam nhi tìm Hắn để hòng thỏa mãn những đòi hỏi đời thường, người đang mang trọng bệnh tìm Hắn như một vị cứu tinh mong giữ lấy mạng sống đời mình… Hằng ngày nhan nhản trên báo chí khá nhiều giấy mực viết về họ hàng nhà Hắn… Hắn là báu vật.

Từ những nguồn tin hư hư thật thật về giá trị ấy, mọi người trong nhà tôi có một sự quan tâm ưu ái đặc biệt đến Hắn, nhất là bà nội. Có lẽ trực giác Hắn cũng cảm nhận được điều ấy, nên cứ “lấn sân” từ từ, mấy tháng đầu ở ngoài hành lang, rồi vào dần đến mặt ngoài phòng khách, bây giờ đã “định cư” mãi trong phòng tôi. Ngày đầu Hắn mới vào phòng tôi bà nội vui mừng thấy rõ. Nội phỏng định theo cách suy nghĩ của riêng mình: Tiền kiếp Hắn là bạn bè, là người thân của tôi, nên hôm nay Hắn đang quay lại để được sống gần và bảo vệ tôi. Có mặt hắn tôi sẽ an toàn và gặp nhiều may mắn.

Hắn cũng là đứa rất khôn ngoan biết “nịnh” bà lắm: Mỗi tối đều đặn, cứ khi bà gõ tiếng chuông đầu tiên để vào giờ tụng kinh tối là Hắn lại tiếp liền cất cao tiếng kêu, kêu thật to, thật rõ, như muốn đua chen cùng tiếng chuông, như báo cho bà nội biết rằng “Thưa nội con đang có mặt. Con cũng đang cùng nội cầu mong Đức Phật ban sự bình an đến khắp mọi người, và con cũng đang mong cầu cho giống nòi con được tồn tại trên cõi đời này”… Thái độ “biết ăn biết ở” của Hắn khiến cho mọi người trong nhà càng thương mến hơn, nên có đôi lúc quên khuấy đi vài hôm, nội lại hỏi thăm từng người xem mấy hôm rày có nghe Hắn kêu đều không? Lo Hắn đi chơi xa bị người ta bắt cóc, lo Hắn bị chó, bị mèo ăn thịt. Nội thường theo dõi từng tiếng kêu của Hắn để biết Hắn đã trưởng thành tới đâu rồi, và để phỏng đoán xem Hắn là trai hay gái?

Việc Hắn là trai hay gái cũng là một điều mà tôi và các em trong gia đình thắc mắc. Ngày đầu hè vừa rồi các em về nghỉ hè, tuy chúng nó cũng đã quen với sự có mặt của Hắn, vậy mà các em cứ tò mò, rình rập để xem cho được mặt mày của Hắn, theo dõi nay Hắn lớn được bao nhiêu? Lúc nào thì hắn đi tìm mồi? Hôm nay Hắn đang mặc áo màu gì? v.v. Chúng cố lắng nghe tiếng kêu của Hắn để phân biệt giới tính? Suốt mấy ngày nghỉ hè, cả bầy em nhỏ cứ lấy đề tài về Hắn thi nhau bàn chuyện. Đêm về cả bọn vây quanh bắt bà nội kể chuyện đời xưa trước khi ngủ, và nội cũng chọn Hắn làm chủ đề. nội đã hư cấu khá nhiều chuyện phiêu lưu thú vị về Hắn để ru dần giấc ngủ của bầy cháu, nhưng trong câu chuyện có một chi tiết nội kể là thật:

Đó là khoảng từ năm 1969 đến năm 1972, thời gian ấy chiến tranh rất khốc liệt, bà nội lúc đó còn rất trẻ, một mình mang theo ba đứa con dại lên làm việc ở Đà Lạt, thuê một căn nhà gỗ nằm lọt thỏm đơn độc trong một vườn hồng bát ngát. Khí hậu Đà Lạt ngày thì nắng, đêm về rất lạnh, nên cứ về đêm, sự co dãn của gỗ tạo nên những âm thanh răng rắc, răng rắc trong đêm vắng, lúc to lúc nhỏ. Đêm nào âm thanh đó cũng lập đi lập lại, khiến bà nội một thân một mình co ro ôm trong tay ba đứa con nhỏ sợ đến rợn người. Ngày phải đi làm, đêm khó ngủ vì sợ, sức khỏe của nội suy sụp rất nhanh…

 Thế rồi sau một cơn mưa, có một chú (cô) tắc kè từ đâu đến, Hắn bám ở vách gỗ ngay dưới gầm giường của nội, đêm nào cũng kêu vài ba lần, có lúc kêu nhiều lần… Tuy chỉ là một con vật, nhưng từ ngày có mặt của Hắn, tự nhiên nội có cảm giác thật bình an. Tiếng kêu của Hắn không hề làm đánh thức giấc ngủ của bà, mà ngược lại, giúp cho không gian bớt thanh vắng. Ba mẹ con bớt cô quạnh trong ngôi nhà, trong khuôn viên vườn hoa hồng bát ngát hương thơm bí ẩn và liêu trai. Biết Hắn đang nằm gần cạnh mình, nội có cảm giác như đang có người bảo vệ nên giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng, sức khỏe từ từ hồi phục.

Tuy nghe tiếng kêu của Hắn từ lúc hắn còn là một chú (cô) bé, cho đến qua một thời gian tiếng kêu đã thay đổi nghe cứ ồm ồm như một cậu thanh niên trưởng thành bể tiếng, vậy mà nội vẫn chưa một lần được nhìn rõ ràng mặt Hắn, không biết Hắn to bao nhiêu, khoác áo màu gì?! Tuy thế, hình ảnh Hắn rất gần gũi, thân quen, và bà vẫn tin rằng tắc kè là con vật đem đến cho ta nhiều may mắn, bình an.

Có lẽ tôi cũng đã và đang nghĩ nội mình nói đúng: Sau một cơn bạo bệnh, qua một thời gian dài điều trị, tuy đã thoát khỏi hiểm nghèo, nhưng trong lòng tôi luôn luôn có một chút bất an, thiếu tự tin, ít nhiều mặc cảm trong cuộc sống. Vậy mà từ khi Hắn đến, kèm theo câu chuyện kể ngày xưa, về sự có mặt của Hắn ở Đà Lạt trong thời tuổi trẻ của Nội, đã giúp tôi đuổi dần những tư tưởng bi quan tiêu cực mà tôi đã tự buộc vào mình. Hằng đêm, tiếng “Tắc kè… Tắc kè… Tắc kè… dưới chân giường đã đem đến một cảm giác bình an, một niềm tin, một sự lạc quan khiến tôi nhìn cuộc sống xung quanh tươi sáng hơn. Tôi cầu mong Hắn được sống yên ổn, đừng bị ai săn bắt và cũng mong Hắn còn ở chung với tôi dài ngày.

Đã nhiều lần tôi nghĩ vẩn vơ: “Có lẽ nào thật sự từ ngàn xưa Hắn đã là bạn của tôi? Hay Hắn là chính lại là cô tắc kè năm nào ở Đà Lạt nay lại trở về giúp nội để củng cố niềm tin và đem sự may mắn đến cho tôi?... Thôi! Hắn là ai cũng không sao! Hiện tại Hắn vẫn là bạn, một cô bạn ở bên cạnh tôi mỗi ngày, nhưng không muốn cho ai nhìn thấy mặt… Một cô bạn dễ thương đầy “Bí ẩn”.

T.H

(SH275/1-12)









Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Ký ức tím (16/12/2011)