Bút ký - Tản văn
Viết từ Hà Nội
08:57 | 17/10/2008
PHONG LÊTrong dằng dặc của giòng đời, có những thời điểm (hoặc thời đoạn) thật ấn tượng. Với tôi, cuộc chuyển giao từ 2006 (năm có rất nhiều sự kiện lớn của đất nước) sang 2007, và rộng ra, cuộc chuyển giao thế kỷ XX sang thế kỷ XXI là một trong những thời điểm như thế. Thời điểm gợi nghĩ rất nhiều về sự tiếp nối, sự xen cài, và cả sự dồn tụ của hiện tại với quá khứ, và với tương lai.

Tháng 9 năm 1998, khi vợ chồng tôi ở Bắc Kinh thì cô con dâu ở Hà Nội đẻ đứa cháu trai đầu lòng. Cuộc đi Bắc Kinh không hoãn được nên rất nóng lòng muốn biết không chỉ cháu sinh ra có được mẹ tròn con vuông không mà còn muốn biết cháu sinh ra vào tháng nào, ngày nào, giờ nào. Sau cú điện thoại về nhà với con trai, vợ chồng tôi quá hạnh phúc khi được biết cháu trai nặng ba ký rưỡi và sinh vào chiều mồng Một tháng Tám, tức tháng Dậu, tháng con Gà, năm Mậu Dần, năm con Hổ, theo lịch Âm; nghĩa là tránh được cái tháng Bảy, tức tháng Thân, tháng con Khỉ là tháng sung. Trai mồng một, gái ngày rằm, để nói đó là những ngày tháng đẹp, mà theo sự tính toán thì nó sẽ là đứa trẻ thông minh, giỏi giang hơn bố nó là một kiến trúc sư, và có thể cả ông nội nó là một người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội.

Vợ chồng tôi trong đêm, ở khách sạn Kim An Hoàng Đô - Bắc Kinh mở một chai rượu nho tự chúc cho niềm vui lớn của mình; và nôn nóng đợi sáng hôm sau điện thoại cho các bạn bè thân quen ở Bắc Kinh.
Sau này về Hà Nội, tôi được biết cuộc đón mừng cháu về nhà đã được cả đại gia đình thực hiện rất đúng thủ tục. Do ông bà nội đi vắng nên cả gia đình bên ngoại - phía mẹ cháu và đại gia đình các cô cậu chú bác bên nội đã mỗi người mỗi việc làm đúng các thủ tục và rất trọn vẹn việc đón cháu về nhà. Bà cô đã thực hiện đầy đủ việc đốt vía, sắm đủ các đồ cúng lễ, bế cháu từ ngoài cửa lớn vào gian thờ, thắp hương, trình diện gia tiên.

Đứa cháu được đón về nhà với đầy đủ các thủ tục truyền thống ấy lại cũng được hưởng một sự chuẩn bị thật chu đáo hàng tháng trước khi ra đời với bao nhiêu là công phu trong mua sắm, cái thì ở các siêu thị Hà Nội, cái được gửi từ Sài Gòn ra, gồm biết bao là tã lót, chai lọ, thuốc men, đồ ăn thức uống, đồ dùng cho trẻ sơ sinh, tính ra có đến mấy chục loại chứa đầy cả mặt giường. Tôi sửng sốt trước đống hàng hóa ấy và rất thú vị trước một cái hộp cực đẹp đựng một loại giấy mềm rất thơm để dùng cho cháu lúc... ị. Về phương diện  này, có thể nói nó vượt hẳn bố mẹ nó và ông bà nó hàng chục, hàng trăm lần. Riêng việc tắm cho nó trước khi rụng rốn phải mời riêng một cô đỡ với tay nghề thông thạo...

Trước đây hơn 60 năm, mẹ của tôi, tức cụ nội của cháu, đẻ sáu đứa con, tự mình “vượt cạn”, cắt rốn và chôn rau cho con, ăn uống kiêng khem đủ thứ, với nước uống là một thứ cỏ rất đắng cùng nước giải trẻ con; và với món ăn duy nhất là muối rang và cá khô.
Vậy là chỉ mới hơn nửa thế kỷ qua mà việc chăm sóc cho sự ra đời một con người đã đạt một trình độ hiện đại đến mức chỉ mới dăm năm trước đây tôi vẫn chưa thể hình dung nổi.
Tôi tìm thấy trong sự kiện đứa cháu nội ra đời vào thời điểm 1998 một gia tốc lịch sử thật đáng kinh ngạc từ cổ truyền đến hiện đại, có cổ truyền trong hiện đại. Tôi cũng tìm thấy trong sự kiện đó, không chỉ hình ảnh tương lai thế kỷ XXI mà cả diện mạo của thế kỷ XX sắp trọn vẹn trở thành quá khứ.
Vợ chồng tôi bỏ ra cả buổi sáng đi mấy siêu thị ở Bắc Kinh tìm mua quà cho đứa cháu đích tôn - niềm vui không chỉ của riêng chúng tôi mà là của cả đại gia đình, với bao là bồi hồi. Biết rằng ở Hà Nội lúc ấy cũng không thiếu gì hàng hóa, kể cả hàng ngoại; nhưng vẫn cứ lễ mễ đưa về những chú hổ bông, những yếm áo thêu hình hổ - cháu sinh năm hổ mà; và những đồ chơi lớn nhỏ, chất đầy một va ly.

Trên các chuyến tàu xuyên Việt, từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh tôi thường xiết bao bồi hồi khi qua mảnh đất miền Trung quê tôi - xứ nghèo Nghệ Tĩnh, khô khát nắng hạn và gió Lào. Hơn 40 năm ở Hà Nội, đã thành một công dân Hà Nội thế mà mỗi lần về quê, hoặc đi qua đất quê, tôi vẫn chẳng bao giờ hết bùi ngùi vì cảnh quan quen thuộc của một dải đất nghèo lướt qua bên ngoài cửa sổ con tàu. Đó là những lũy tre, những hàng dương xơ xác, vàng vọt vì nắng gió. Là những cánh đồng nứt nẻ chân chim. Là những cồn cát chói chang đến lóa mắt. Một bên là núi xanh mờ, một bên là biển trải dài, con người vật lộn với đất đai vẫn chỉ bằng con trâu và cái cày như hàng ngàn năm cha ông vẫn thế. Nhịp sống chậm chạp và manh mún sau bước đi nhọc nhằn của con trâu. Thời gian như ngưng lại không phải hàng chục, hàng trăm năm, mà hàng ngàn năm, có lẽ!

Sự liên tưởng đưa tôi về những kỷ niệm đầy ấn tượng hơn 25 năm về trước, khi tôi được đón sang Berlin - nơi xa nhất, và được xem là có mức sống cao nhất trong phe xã hội chủ nghĩa cũ. Từ Berlin tôi đã có dịp hành trình ngược lên Binz và xuôi về Sonnerberg, không còn nhận ra đâu là làng quê, đâu là thành thị, vì hình như đâu cũng là thành thị, với ánh điện sáng trưng; với ô tô nhộn nhịp trên khắp các mặt đường dọc ngang rộng rãi, bóng loáng; với các loại máy cày bừa tưới tiêu trên những cánh đồng lúa mì, khoai tây nhìn đến hút mắt và rất vắng bóng người. Còn ở quê tôi, biết đến bao giờ mới hết hình ảnh về con trâu và cái cày? Thế nhưng, lạ lùng sao, Việt Nam kể từ thập niên cuối thế kỷ XX lại đang trở thành nước xuất khẩu gạo vào những hàng đầu ở Đông Nam á; sau cái đói hai triệu người chết năm 1945, bây giờ thật sự đã được biết đến cái no; và sau các lũy tre xanh âm thầm ở phía xa kia dường như tất cả đều đã có điện; nông dân đã được nghe radio, xem tivi; trên các đường làng không chỉ có xe đạp mà đã có xe máy cho con người đi nhanh và đi xa hơn trên các mục tiêu của sự mưu sinh và mở rộng các giới hạn của giao lưu và hiểu biết.

Ngôi nhà cao tầng đầu tiên làm tôi choáng ngợp - đó là Hotel Stad Berlin, vào năm 1972, trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi, dự một Hội nghị có tên “Thế giới trong thơ trữ tình”. Quen với tầm nhìn những ngôi nhà cấp Bốn, và các chung cư có tầm cao tột đỉnh và phổ biến là năm tầng - mãi đến đầu những năm 60 mới có, lần đầu tiên tôi phải ngẩng cao đầu và ngửa hẳn mặt lên mới thấy được cái biển đề tên khách sạn. Lần đầu tiên tôi được đi thang máy và biết đến cái thăm thẳm của các hành lang khách sạn. Tôi bỡ ngỡ trước các khoảng rộng và độ cao mà Hà Nội của tôi lúc bấy giờ còn chưa có: khoảng rộng của Quảng trường Alexander Platz nêm chật người qua lại, và độ cao của Hotel Stad Berlin cùng tháp truyền hình kề cạnh. Ở phía bên này quê hương còn trong khói lửa chiến tranh và sự nghèo nàn, tôi đang đi đến sự bình yên và no đủ. Nhưng trong tấp nập của người và các loại tàu xe ở Berlin lúc ấy tôi cảm thấy vẫn chưa thể có bình yên trong no đủ. Bởi biết thế nào là no đủ khi sự chạy đuổi theo các mục tiêu của đời sống vật chất ở con người dường như là vô cùng, khi sự so sánh Đông Tây (Đông Đức - Tây Đức, Đông Berlin - Tây Berlin ) luôn luôn là câu chuyện ở đầu cửa miệng. Và bình yên cũng làm sao có được trong tình thế phân cách và chiến tranh lạnh giữa hai phe trên thế giới - được biểu trưng và trong ám ảnh bởi bức tường Berlin, trong đấu tranh ý thức hệ và trên sự phân cách Đông - Tây.

Kể từ đầu năm 1972, khi Hà Nội sắp phải chịu đựng những cuộc rải thảm của B52 Mỹ, tôi đã được làm quen với các khoảng rộng và độ cao ở Berlin để rồi vào cuối những năm 80 và đầu 90, hết dần sự bỡ ngỡ khi đến Matxcơva, Bangkok, Séoul, Washington, Bắc Kinh, Thượng Hải... Những khách sạn và trụ sở các công ty xen với các chung cư trên 20 tầng san sát ở Bắc Kinh và Séoul; khu xây dựng mới ở Phủ Đông Thượng Hải với ngôi nhà 88 tầng; những nhà chọc trời nhấp nhô ở Nữu Ước mà tôi đã được nhìn dưới cánh bay trên đường đến Washington D.C vào tháng 4-1997, không còn làm tôi ngạc nhiên nữa.

Hành trình đi tới các khoảng rộng và độ cao từ nhiều năm nay cũng đang khẩn trương diễn ra ở Hà Nội. Chỉ dăm bảy năm thôi mà liên tiếp nhiều khách sạn lớn ra đời, trên đường Hai Bà Trưng, Ngọc Khánh, Cát Linh, Láng Hạ, Giảng Võ..., không kể các khu chung cư mới ở Trung Hòa Nhân Chính. Đại sứ quán Mỹ trên đường Láng Hạ không còn ngất ngưởng trong cô đơn như trước vì xung quanh đã san sát những khách sạn vượt hơn về độ cao với các biển hiệu Tổng công ty hoặc để cho thuê. Nơi ngót mười lăm năm trước là đồng ruộng và bãi rác, vào ban đêm hoặc mỗi lúc mưa xuống ếch nhái kêu râm ran, gợi thức bao kỷ niệm về những làng quê xa xưa trong ký vãng nay đang thành những khu ở mới với đường sá quang rộng, tấp nập người - xe và san sát các nhà cao tầng.

Chưa thể so với Bắc Kinh hoặc Séoul, càng chưa thể so với các thành phố phương Tây, nhưng Hà Nội, trong thập niên cuối thế kỷ XX, đã thay hình đổi dạng đến mức khó mà nhận lại gương mặt cũ. Hà Nội rõ ràng đang hướng tới một mô hình chung của quá trình đô thị hóa.
Nhưng đó là chuyện Hà Nội ở vòng ngoài. Còn vòng trong, nơi trung tâm, nơi tập trung 36 phố phường, nơi của các phố cổ, thì vẫn là những con đường chật với các ngõ, các hẻm, và chen chúc các chung cư cũ kỹ có tuổi thọ hàng trăm năm. Nơi phải cấm các loại xe cộ mới đủ lối cho con người ra vào. Nơi các hành lang, các lối đi giữa ban ngày, có nơi vẫn còn phải thắp đèn. Nơi mỗi bước đi cũng phải vịn tay nhau và rón rén để không gây tiếng động trên các cầu thang gỗ ọp ẹp. Phải cải tạo các phố cũ, hoặc giữ nguyên các phố cũ như một chứng tích của thời xưa, của quá khứ nghìn năm - còn 3 năm nữa thì Hà Nội có chẵn 1000 năm tuổi - là cả một câu chuyện dài còn đương trong tranh luận.

Cũng chỉ dăm bảy năm nay mới thấy xuất hiện khá đông những chợ lao động, chợ người ở khu Giảng Võ và các ngoại ô. Chợ người - nghe như chuyện của thời nô lệ! Chợ người - chuyện thật xa lạ trong mấy chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội! Đời sống đô thị cần rất nhiều dịch vụ nên dòng người di chuyển từ các vùng nông thôn lân cận và các tỉnh xa ra Hà Nội kiếm việc làm vẫn đang theo thời gian mà tăng lên. Dẫu với bất cứ việc làm nào ở Hà Nội, dẫu là thứ lao động nặng nhọc đến mấy, là bốc vác hoặc bơm xe, vẫn cứ là hơn ở quê, đất chật người đông, ngay giữa mùa màng mà vẫn không có đủ việc làm. Cũng thấy đông dần lên lớp trẻ con bán báo, bán vé số, đánh giầy. Vậy là sau mấy chục năm cả dân tộc đi chân trần hoặc đi dép cao su nay đã có nhiều người đi giầy ngoại sang trọng cần đến sự bóng loáng, khiến cho đám trẻ con từ khắp các vùng quê có đứa đã có thể kiếm đủ sống, có đứa còn khoe là còn gửi được ít tiền về giúp gia đình vào những dịp tết nhất, giỗ chạp. Cố nhiên đó chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong số trẻ có may mắn, và tuyệt không đáng kể trong số trẻ lang thang cơ nhỡ ở khắp các thành thị. Sự phân biệt, rồi cách bức và đối lập giữa nông thôn và thành thị tưởng là đã xóa được trong và sau chiến tranh bỗng lại đang diễn ra, đi kèm với sự phân tầng giàu nghèo, một số người đang giàu ú lên, do giỏi kinh doanh tính toán, hoặc giỏi đục khoét, gian lận, và người nghèo thì nghèo đến khốn khổ. Có người ăn tiêu bạc triệu cho mỗi bữa tiệc, mỗi cuộc chơi; có người kiếm mỗi ngày không đến dăm nghìn đồng. Tình thương, lòng trắc ẩn, nỗi đau đồng loại dường như có sút đi bên cạnh các tổ chức từ thiện của xã hội và tư nhân lại mọc lên đủ loại.

Xuất hiện những khái niệm mới cho môn địa lý: đó là các vùng xa, vùng sâu; xasâu tính theo khoảng cách với thành thị. Lấy đô thị làm trung tâm thì bán kính càng xa, sự nghèo khổ càng tăng lên. Xa sâu gắn với định danh heo hút, nghèo khổ, thất học đang là nơi cần biết bao sự quan tâm và giúp đỡ. Một thời dài trong các chủ trương kinh tế và xã hội, tưởng đã xua đuổi được sự nghèo khổ, nhưng đuổi được nó ra cửa trước lại rước nó vào cửa sau. Cùng với sự nghèo khổ là bao tệ nạn xã hội: mãi dâm, buôn bán ma túy, trộm cắp, giết người... dường như dồn dập hơn vào cuối thế kỷ. Tôi hiểu: đó không hề là bóng đen của quá khứ, mà là vết nhơ của chính hiện tại, là cái sinh ra từ hiện tại. Vậy là cuộc sống chẳng bao giờ hết các vấn đề cho con người đối mặt; cuộc sống luôn luôn hướng theo hai cực: ánh sáng và bóng tối, no đủ và thiếu thốn, bình yên và hiểm họa, hạnh phúc và âu lo... Sự phân cách giữa hai vế đó tuyệt không phải là sự phân cách giữa tương lai và quá khứ. Cái cũ, cái xấu không phải tất cả đều là sản phẩm của quá khứ, có cái cũ mà không xấu; và cái mới, cái hay không phải là độc quyền của tương lai, có cái mới mà lại không hay - nếu như hiện tại không có một chuẩn bị tích cực cho nó.

Hà Nội quanh năm đều đẹp. Nhưng mùa thu bao giờ cũng có một sức hấp dẫn riêng trong giao chuyển giữa rực rỡ và thất thường của mùa hè sang trầm lặng và hiu quạnh của mùa đông. Mùa thu thường là mùa của hạnh phúc lứa đôi, mùa của hồi nhớ và kỷ niệm. Những bản nhạc và bài thơ hay nhất về quê hương ở Việt thường chọn mùa thu làm bối cảnh. Mùa thu càng thêm đẹp vì có thêm những kỷ niệm về Cách mạng tháng Tám 1945. Tôi thường đem theo cảm xúc thu Hà Nội trong các chuyến đi xa, những tưởng chỉ mùa thu quê hương mới là đẹp.

Nhưng tôi đã xiết bao ngây ngất và ngẩn ngơ trước mùa thu vàng ở Matxcơva. Cũng màu vàng ấy, tôi lại được gặp vào tháng 10 năm 1995 ở chùa Long Môn ngoại ô Séoul. Tôi lại đã được hưởng cái thời tiết dịu dàng mùa thu Bắc Kinh và những khoảng trời cao trong của Thượng Hải vào cuối tháng 9 năm 1998.
Tháng Tư năm 1997, tôi bất ngờ được hưởng một sắc xuân tràn ngập màu xanh trong ánh vàng nơi vườn hoa ArlingtơnWashington . Còn ở Đức thì dẫu có câu phương ngôn “Tháng Tư - không biết ngươi muốn gì?”, tôi vẫn rất vui thích với tuyết trắng và ánh vàng rực rỡ thất thường của mưa nắng trong chuyển mùa của tháng Tư 1978 Berlin .
Thiên nhiên, trên đất nước trải dài nhiều ngàn cây số của quê hương tôi và trên thế giới, những nơi tôi được ghé qua, nơi đâu tôi thấy cũng đẹp. Quả đất là cả một vườn hoa và hoa nào cũng đẹp. Cái đẹp đi với sắc hoa và mùi hương. Thế nhưng cùng với thời gian, có nhạt đi mùi hương và sắc hoa. Năm 1978, dạo chơi trên bờ sông Prê ở Berlin , tôi thẫn thờ một nỗi nhớ nhà khi nhìn ven bờ và trên sông hàng đàn ngỗng lớn chen chúc bơi hoặc chậm chạp đi, không chút sợ người. Không biết bây giờ trở lại Berlin có còn được thấy những đàn ngỗng không sợ người ấy trên sông Prê nữa không? Nhiều chục năm trước đây trên các cánh đồng quê tôi, còn rợp cánh cò trắng. Bây giờ thì những cánh cò trắng quê tôi đã vào sâu trong thế giới kỷ niệm, và chỉ còn lưu luyến trong ca dao. Tháng 9 năm 1998, thấy ven bờ con sông nhỏ gần Di Hòa Viên ở Bắc Kinh có người ngồi câu cá mà mừng. Hà Nội có hai con sông nhỏ có cái tên rất đẹp là Tô Lịch và Kim Ngưu, chảy ven ngoài thành phố, cả hai từ lâu đã trở thành những con sông chết, nước đen ngòm, mỗi lúc đến gần đều phải nín thở hoặc bịt mũi thật chặt. Ai đến Thượng Hải mà không biết đến ban đêm Thượng Hải thì coi như chưa đến Thượng Hải. Tôi đã đi trên cầu và đứng trên bờ sông Hoàng Phố ban đêm mà nhìn Thượng Hải rực rỡ như cả một trời sao. Nhưng nhìn xuống mặt sông lấp lánh ánh điện phản chiếu, lại thấy trôi dạt không ít rác rưởi, và dẫu với độ sâu, mùi xú uế vẫn không ngừng len lỏi đến với từng người. Giá như không có nó thì cuộc dạo ban đêm sẽ trọn vẹn biết bao, và câu nói về Thượng Hải càng hấp dẫn thêm biết bao!

Tôi đã có hơn 40 năm nghề nghiệp với cái vui thú đến đam mê là được đọc, và viết. Nhất là viết. Ban đầu là viết bằng bút mực, với các loại ngòi khác nhau, rồi là bút máy. Rồi đến bút bi. Năm 1972 ghé Bách hóa Đại Lâu ở Bắc Kinh, tôi sung sướng trước các loại bút bi. Trong ba lần sang Matxcơva vào cuối 80, một trong các thứ quà phổ biến tôi hào phóng mang về là ruột bút bi. Cho bạn dăm ruột bút bi, bạn hãy lấy giấy cuộn lại thành bút mà viết. Ruột bi ở xứ lạnh đem về dùng ở xứ nóng, mực chảy ra nhòe bẩn cả giấy và cả tay.
Bây giờ thì bút bi các loại, với các kiểu dạng khác nhau ở Việt đã có đủ cho sự dùng của toàn dân và không thiếu trên bàn viết của tôi.

Vẫn viết bằng bút bi trong khi nhiều đồng nghiệp đã viết bằng máy tính, đó lại là sự lạc hậu của tôi, là quá khứ trong tôi, biết đến tương lai nào tôi mới khắc phục được?
Tôi đã quá quen nhìn các ý tưởng và cảm xúc của mình hiện hình lên các trang viết ngoằn ngoèo, đầy dập xóa, chứ chưa quen với sự sáng sủa, sạch sẽ của các trang chữ in.
Chưa dùng máy tính nên tôi rất cảm ơn ông chủ một hiệu photocopy ở cùng chung cư. Xong được bài nào tôi cho phôtô ngay, cái để gửi đi các nơi, cái để chữa tiếp, cái để lưu. Ngót 30 năm về trước, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, người do chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây khá sớm mà đóng được vai trò khai mạc nền tiểu thuyết mới và nền văn xuôi lãng mạn Việt Nam, ở tuổi ngoài 70, cùng cả đàn cháu nội ngoại chia nhau từng trang cuốn tiểu thuyết Tố Tâm rất nổi tiếng của ông, được một người bạn ở Pháp mang về biếu, để chép lại bằng bút mực. Cuốn sách gây sôi nổi một thời ở Hà Nội vào năm 1925, nhưng do viết theo xu hướng lãng mạn mà không thể là hiện thực xã hội chủ nghĩa nên ngót nửa sau thế kỷ bị quên lãng; và tác giả của nó may mắn có được một bản, nên chỉ có thể nhân bản lên bằng cách viết tay. Bởi ngay cả đánh máy cũng phải đi thuê và tốn kém. Bây giờ với cái máy phôtô ai cũng có thể nhân lên trong nháy mắt, với số lượng tùy ý, các loại tài liệu, bản thảo.

Sau cái máy photocopy tôi cảm ơn một ân nhân thứ hai - đó là cái máy điện thoại. Hà Nội chỉ khoảng mười năm nay mới có số lượng máy điện thoại gần như phổ cập trong các tư gia. Và con số điện thoại cầm tay cũng không là ít cho các loại quan chức, các ông chủ doanh nghiệp, và thanh niên trai trẻ đã có hoặc đang tìm việc làm. Cái hình ảnh mang tính biểu trưng cho vận tốc của Hà Nội thời điểm hôm nay là hình ảnh con người ngồi trong các công sở, các cuộc họp, trong ô tô và nhất là trên xe máy - một tay cầm ghi đông, một tay cầm máy điện thoại di động áp vào tai. Không hiểu các tai nạn xe cộ đang tăng lên ở Việt hôm nay có nhiều người thuộc trong số vừa đi vừa nghe ấy không? Cái máy điện thoại cho tôi rút ngắn được bất cứ độ xa nào của các khoảng cách không gian. Từ Cực mũi Cà Mau của đất nước, trong khoảng cách ngót hai ngàn cây số tôi thường xuyên biết tình hình ở nhà. ở Bắc Kinh hoặc Séoul, và cả Washington tôi đã có thể phôn về nhà khi bắt đầu rời khách sạn ra sân bay. Sự tiết kiệm thời gian và dẹp bỏ mọi khoảng cách không gian - để thuận tiện và nhanh chóng cho công việc - đó là hạnh phúc lớn của nghề nghiệp mà các thế hệ cha anh tôi dường như chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Bây giờ chỉ còn sự ngổn ngang của sách vở, hồ sơ, tài liệu trong gian phòng chật khoảng 20 mét vuông của tôi. Mỗi lần thay đổi đề tài viết là một lần xáo trộn, thay đổi vị trí sách báo, tài liệu. Mấy chục năm trước là phiếu (fiches) và bây giờ là sách báo, hồ sơ. Phiếu tôi làm trong hai chục năm qua đã đến con số vạn, đành bỏ, vì quá bộn, và dường như do bộn quá nên cũng chẳng mấy khi dùng đến. Tôi nhớ hình  như có câu chuyện một học giả bị chìm ngập giữa đống phiếu trong một truyện của Anatole - đó cũng chính là hình ảnh của tôi hôm qua. Cái khao khát đưa sách báo, hồ sơ, tài liệu vào đĩa mềm cho gọn và dễ dàng sử dụng đối với tôi có lẽ không thực hiện được, dẫu trong nhà đã có một máy tính của đứa con. Đó là sự bất lực, và cũng là nỗi bất hạnh của tôi trong kỷ nguyên vi tính và cách mạng thông tin này. Thói quen cũ như một bản tính thứ hai và sự lạc hậu, không theo kịp kỹ thuật hiện đại - đó vẫn là quá khứ trong tôi, cái quá khứ không dứt bỏ được, do tương lai đến quá nhanh mà sự kém năng động của bản thân đã không cho phép mình thích ứng.

Tôi viết bài này, ở thời điểm mở đầu 2007, trong nhận thức và cảm xúc về sự ngổn ngang, bề bộn không phân biệt được thật rành rõ quá khứ và tương lai trong hiện tại - nơi con người tôi và trên đất nước tôi. Dường như nói hiện tại là nói chính sự pha trộn và xen cài đó, đến mức khó tách bạch ra được.
Giải phóng tương lai khỏi quá khứ? Libérer l’avenir du passé? Giải phóng quá khứ khỏi tương lai? Libérer le passé de l’avenir? Có ai đó nêu một cương lĩnh như thế; còn tôi, tôi lại muốn chứng minh cả tương lai và quá khứ không những không loại trừ nhau mà đều có mặt trong hiện tại, và đều cùng cần thiết cho hiện tại. Cuộc sống nhân loại nói chung là tiến lên, nhưng vẫn có những gấp khúc hoặc bước lùi. Lại có lúc sự tiến lên gần như là theo gia tốc: cái mới vụt đến, trong khi cái cũ chưa kịp gửi lời chào từ biệt, hoặc có cái cũng chưa cần từ biệt. Lại có cái vẫn nên có mặt trong tương lai.

Chủ ý viết theo cảm nhận hồn nhiên và theo giòng chảy của ký ức, ở bài này, tôi không có ý định tổng kết hoặc rút ra một quy luật gì về sự tiến bộ xã hội cùng đi kèm với những cái giá phải trả, hoặc về sự hội nhập có tính quốc tế của các quốc gia và khu vực, bỗng trở nên dồn dập và bức xúc vào đầu thế kỷ XXI, khi nhân loại đang bước vào cuộc Toàn cầu hóa lần thứ Ba. Giải phóng tương lai ra khỏi quá khứ để tương lai không còn dấp dính với quá khứ; giải phóng quá khứ ra khỏi tương lai để tương lai được trọn vẹn là nó như cách tôi muốn hiểu - điều ấy giả định là có thể làm được ở nơi này nơi khác trên thế giới, thì ở quê hương tôi, tôi thấy khó. Khó bởi lẽ, sau hàng ngàn năm ngưng đọng trong nền kinh tế nông nghiệp thô sơ, và ngót một trăm năm bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, rồi lại phải trải hơn 30 năm chiến tranh khốc liệt, cùng với biết bao hậu quả của nó, quá trình hiện đại hóa đất nước, quá trình đưa đất nước vào thế giới hiện đại  trong tư thế chủ động mới chỉ được khởi động và tiếp nối trong giới hạn 10 năm mở đầu và 10 năm kết thúc thế kỷ XX. Còn khoảng giữa là sự bóc lột, sự tước đoạt, sự nghèo khổ và những trận đói lớn; là cách mạng và chiến tranh; là những thử nghiệm thành công hoặc chưa thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, và cả sự đình trệ. Tính cho rộng ra thì nhu cầu hướng tới đời sống hiện đại của đất nước cũng chỉ mới diễn ra khoảng vài ba chục năm, trong đối sánh với hơn ba thế kỷ ở phương Tây. Chỉ mới có vài ba chục năm cho việc triển khai gần như đồng thời của cả ba nền văn minh, cả ba cuộc cách mạng: nông nghiệp, công nghiệp và trí tuệ. Sự dồn nén và diễn ra cùng lúc đó, chúng ta quen gọi là gia tốc của lịch sử. Người nông dân trên mênh mông đồng bãi của đất nước đang bị thu hẹp dần theo quá trình đô thị hóa, ban ngày theo sau cái cày, ban đêm xem bóng đá quốc tế trên ti vi; thu nhập 300 đô la/năm vẫn gắng cho con theo học Tin học và tiếng Anh. Hàng triệu con em trong các trường học chưa mấy khang trang, thậm chí rất trống trải, so với các công sở và các trụ sở công ty, nhưng nơi đó vẫn âm thầm cho ra lò các đội tuyển thi Toán và Vật lý Quốc tế, vẫn chuẩn bị cho các thế hệ lập nghiệp và làm chủ mới của thế kỷ XXI, mà tôi tin chúng sẽ ít nghĩ hoặc không nghĩ những điều cha anh hôm nay nghĩ. Như vậy là cả quá khứ - hiện tại và tương lai đều có một mái nhà chung, đều có sự sống chung, không cần phải chia tách nhau, hoặc loại bỏ nhau, trong cách nhìn nhận, và trong cả tầm đón nhận của bản thân tôi. Không biết đó là việc nên buồn hay nên vui?
       
Tháng 9 - 1998 
       
Tháng 3 - 2007
P.L

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến mẹ (15/10/2008)
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)