Tiểu thuyết
Chiến tranh và sau chiến tranh
16:48 | 24/02/2009
HÀ KHÁNH LINH(Trích tiểu thuyết)

CHƯƠNG VIII

Lúc này, mỗi hạt gạo từ đồng bằng chuyển lên hậu cứ, hoặc từ ngoài Bắc đưa vào... tất cả đều được đổi bằng máu của người vận chuyển, nên gạo ấy chỉ dành để ưu tiên cho số đang trực tiếp chiến đấu. Gần đây những rẫy sắn tự túc đã quyết định được phần ăn của các cơ quan Dân Chính Đảng. Khối Dân vận  Mặt trận - bị thất thu vì sắn đang lên xanh tốt thì máy bay Mỹ đến rải chất độc hoá học phá huỷ toàn bộ. Mùa vừa rồi, một cơ quan bạn đóng trong vùng có sáng kiến khi chất độc vừa rải xuống là họ lập tức dùng rựa chặt sát gốc những cây sắn đang lên, sau một tuần, sắn đâm chồi mới, và củ sắn dưới lòng đất sẽ tiếp tục lớn. Hai giờ chiều hôm qua khi thấy bốn chiếc AD6 rạt qua đầu, lượn trên những vùng đồi phủ kín rau màu, trút xuống một khối mưa bụi khổng lồ màu da cam, ai nấy còn ở lại cơ quan lập tức đi chặt hết các gốc sắn. Sáng hôm sau cả cơ quan dắt díu nhau lên đồi khi sương mù còn dày đặc, sương dâng đầy ắp trong các thung lũng gần và xa, nông và trũng như những hồ sữa đặc quện được nặn ra từ vú của người mẹ rừng hòng xoa dịu những vết cháy bỏng rát và để gột bớt một phần chất độc màu da cam đang cắn sâu vào từng thớ da thịt của đất rừng, cây cỏ... Làm xong thì mặt trời gác núi. Sau đó mọi người còn kéo nhau đến làm cỏ cho sắn, cho bắp ở một tấm rẫy cách đấy chừng ba mươi phút đường. Riêng ba người phải về cơ quan: một là Thủ trưởng cơ quan để trực, hai là Diệu Phương phải chuẩn bị để khuya nay đi công tác, ba là Tiểu Kiều làm văn thư. Thực ra các anh muốn kiếm cớ để đẩy hai cô về sớm, có điều kiện nghỉ ngơi chút đỉnh chứ công việc chuẩn bị cho chuyến đi và công văn giấy tờ chẳng nhiều nhặn gì...

Mùa thu Trường Sơn. Mới bốn giờ chiều sương đã phủ trắng xoá các thung lũng, trông xa như những hồ sữa đặc. Vào giờ này trở đi, có ai đó nổi lửa nhóm bếp, lỡ có làm nên đám khói cũng sẽ điệp với màu sương kia và máy bay địch khó phát hiện. Tuy vậy, trạm trưởng giao liên theo thói quen cứ chốc chốc lại tạt qua chỗ các lán, nghiêng ngó dưới các lùm cây, xem khách có ai vi phạm nội quy của trạm không. Việc vi phạm này bị coi như phạm kỷ luật nghiêm ngặt của chiến trường. Thường là cánh lính trẻ hay tranh thủ bẻ măng, hái nấm, bắt cá, bắn chim dọc đường, khi đến chỗ nghỉ vội đùng đùng nổi lửa. Còn cánh già đến nơi chỉ lo kiếm chỗ mắc võng nghỉ, để lấy sức đi tiếp. Ngang qua chỗ cây chua me phủ lên trên tảng đá rộng và bằng phẳng, phía dưới là dòng suối nhỏ róc rách, đồng chí trưởng trạm đảo mắt nhìn hai cánh võng treo cạnh đấy xem thử là ai, mà hồi nãy “đặc chiếm” vị trí hữu tình này, nhưng chịu tha cho tảng đá kia không lấy nó làm chỗ đun nấu bày biện ăn uống như làm cá, mổ chim, luộc rau, nướng cua đá v.v... Nhác trông thấy một trong hai người nằm trên cánh võng đung đưa là bí thư khu uỷ, trưởng trạm mỉm cười tự nhủ: Ra thế. Thủ trưởng đến một cách lặng lẽ và rồi cũng sẽ đi một cách lặng lẽ, không thông báo cho trạm biết, không nhập trạm, không đòi tiếp rước phục vụ gì sất!... Trưởng trạm định đến chào bí thư, nhưng anh chợt dừng lại và bước chếch sang lối khác. Anh sẽ về chuẩn bị chút nước nóng để pha trà, hoặc một mái lán tương đối kín gió để đêm nay trời có đổ mưa, các đồng chí đã có chỗ mắc võng.

Ở lưng chừng dốc trước cửa lán của mình, trạm trưởng gặp khách quen biết, đó là Diệu Phương và Thục Quyên. Bằng động tác thân thương, trạm trưởng xốc lấy ba lô ra khỏi lưng của hai phụ nữ, xong anh chạy thẳng vào lán của mình đặt ba lô xuống bảo Thục Quyên ngồi nghỉ, rồi nói:
- Cứ ngồi nghỉ cho khoẻ, sau đó đi rửa mặt xong vào ăn cơm. Hôm nay có món thịt nai xào măng khá lắm đó nghe! Sau ăn cơm tôi sẽ thông báo một tin quan trọng.
- Tin gì nói phắt nghe coi anh Điền! (Điền là tên của đồng chí trạm trưởng) cả Diệu Phương và Thục Quyên cùng thốt lên.
- Ồ, sẽ nói, nhưng cứ nghỉ cho khỏe đã!
Trưởng trạm nói và nhìn những giọt mồ hôi lăn trên đôi gò má đỏ hây hây của các cô, nhìn lưng áo ai nấy còn in ngấn ba lô, và những vệt trắng nhàn nhạt đóng quầng trên màu vải xanh đậm lá cây. Đó là muối vắt ra từ mồ hôi trong quá trình vượt dốc, lội suối, trèo đèo...

Thục Quyên dùng khăn tay lau quanh chiếc cổ gầy và trắng mai mái của Diệu Phương, đoạn cầm chéo khăn luồn qua mái tóc dày mịn của mình rồi buộc túm hai chéo khăn lại, những món tóc con phất phơ bay. Thục Quyên nói:
- Tụi em đi công tác gần năm tháng, giờ mới quay trở lại. Chưa chi anh đã làm mặt lạ. Còn kiểu cách nữa chứ! Có tin gì cứ  nói ngay.
- Nhưng mà nghe xong đừng có mà vấp ngã... Cô Thục Quyên ấy!
- Vâng... anh cứ nói. Việc gì mà tụi em phải vấp ngã?
- Ông cụ đang nghỉ ở đằng kia kìa.
- Sao? Sao? Ba em đang nghỉ ở trạm này à?
Theo hướng tay trỏ của trạm trưởng, Thục Quyên và Diệu Phương cùng đứng phắt dậy định chạy xô về phía ấy.
- Tôi đã bảo mà! Đã bảo thở cho đã đi, xong rửa ráy rồi hãy đến với cụ cũng chả muộn.
-  Nhưng em muốn gặp ba em ngay.
-  Cũng được, tôi sẽ dẫn đi.

Trạm trưởng đứng lên đưa hai người phụ nữ trở lại con đường lúc nãy anh vừa đi qua. Thục Quyên vọt lên phía trước, chạy thình thịch đến bên cánh võng vừa reo lên sung sướng:
- Ba! Ba ơi! Ba!...
Đồng chí bí thư khu uỷ bất ngờ nhận ra tiếng con, mừng rỡ ngồi dậy và kêu khẽ:
- Con! Thục Quyên con gái của ba!
Nói đoạn bí thư đưa bàn tay gầy lên xoa đầu con gái. Cùng lúc Diệu Phương bước tới, và cũng mừng rỡ không kém:
- Dạ thưa bác! Bác vừa đi công tác ở đâu về hay trên đường đi ạ?
Đồng chí bí thư khu uỷ ngắm con, ngắm bạn của con bằng ánh mắt trìu mến:
- Bác đang trên đường đi cháu ạ. Trước lúc đi bác đã đoán rằng có thể sẽ được gặp Thục Quyên, vì ngành y tế toàn khu đang vào đợt chỉnh huấn. Bác không ngờ được gặp cả cháu Diệu Phương như thế này thật là quý hoá quá! Còn cháu, sao? Cháu đi công tác vào miệt trong này hay cũng về chỉnh huấn cơ quan?
- Thưa bác, sau giải phóng Quảng Trị, do yêu cầu tăng cường cán bộ cho cơ sở, nên trên biệt phái cháu ra công tác ở đấy một thời gian. Nay đã xong cháu về lại cơ quan ạ.
- Giỏi quá! Bí thư khu uỷ giọng âu yếm như đang nói với cô út Tiểu Kiều - Nghe các đồng chí kể về cháu nhiều, lại nghe cả Thục Quyên và Tiểu Kiều nhắc nhở cháu luôn trong các bức thư, nên thời gian sau này tuy ít được gặp cháu, nhưng bác rất hiểu tình hình sức khỏe, công tác, và cả việc của Phụng... Bí thư khu uỷ ngừng một lát, đợi cơn xúc động đi qua, giọng trở nên nhỏ hơn. Cháu đã biến đau thương thành hành động, thật là một nghị lực phi thường! Em Tiểu Kiều được ở công tác cạnh cháu, là một điều may mắn...

Đồng chí bí thư khu uỷ định nói: “Tiểu Kiều sẽ học tập được ở cháu rất nhiều...”nhưng bí thư đã không nói. Điều đó hẳn nhiên là vậy. Nói ra sẽ trở nên sáo.
Thục Quyên nói xen vào:
- Thưa ba, kỳ này Tiểu Kiều sẽ được gặp Diệu Phương. Trong khi đó con vào đến nơi là lao ngay vô công việc. Con sợ không kịp ba ạ...
- Tùy con định liệu lấy. Cố gắng sắp xếp ghé thăm em. Ba biết con đang bận với công trình nghiên cứu khoa học. Bây giờ các con hãy tranh thủ tắm rửa cơm nước nghỉ ngơi.
Cả Diệu Phương và Thục Quyên “dạ” rồi tung tăng bước vội về phía lán của trạm trưởng. Thấy anh đang tự tay nhóm bếp Hoàng Cầm để hâm thức ăn cho nóng, Diệu Phương nói:
- Tụi em hết mệt rồi, lại vui nữa và đang đói rã ruột ra đây, cứ gì phải hâm thức ăn cho nóng lên mới mong chúng em ngốn sạch? Chỉ cần có tí muối ớt cũng đủ. À cơm hay sắn? Sắn hả?
- Yên chí, cơm hẳn hoi. Gạo miền Bắc trắng tinh, chỉ có điều không nhiều. Tiêu chuẩn ba lạng một ngày. Sắn bây giờ đang hiếm. Các rẫy quanh đây bị bom và chất độc hoá học thiêu cháy rụi hết! Chịu khó ăn cơm lưng lửng dạ dày vậy!

Nghe đến “chất độc hoá học” nét mặt đang vui tươi hồ hởi của Thục Quyên trở nên ưu tư và hơi sầm tối. Đó là vấn đề mà Thục Quyên đang hết sức quan tâm, là đề tài chị đang nghiên cứu, là mục đích chính của lần trở về hậu cứ kỳ này. Thục Quyên ngồi xuống bên bếp lửa nói:
- Diệu Phương, em biết không, trong chúng ta và tất cả loài thực vật chung quanh ta ít nhiều đều đã bị nhiễm độc, dù nơi này nơi kia, người này người khác chưa bị tưới trực tiếp lên đầu như những rẫy sắn mà lúc nãy anh trạm trưởng vừa nói. Chất độc màu da cam tên khoa học gọi là Diocine. Trước tiên nói về thực vật, là một cơ thể sống, là sinh khối của vi sinh và siêu vi sinh. Nó sống và phát triển là nhờ vai trò của vi sinh, và siêu vi sinh. Mọi thay đổi trạng thái môi trường sống, kể cả các diễn biến chung quanh, đều có giao động điện trường. Nguyên nhân của sự biến đổi - đó là từ trường của điện trường trái đất, và những thành phần bức xạ mặt trời, luôn luôn giao động, liên quan với những biến đổi của sinh động thực vật trên mặt đất. Muốn tiêu diệt một loài động hoặc thực vật, người ta dùng một dung dịch hóa chất làm thay đổi môi trường sinh thái, làm mất cân bằng “động” trong không gian, thì liên quan biến đổi của năng lượng mặt trời làm tiêu diệt tức khắc! Chất màu da cam của Mỹ khi ném vào khí quyển nó dễ kết hợp với azoté và Oxygene cho ra một tia cực tím do bức xạ của mặt trời tạo thành rồi làm khô các tuyến dịch vị của cây, dẫn đến cây bị mất diệp lục tố, và các tế bào thân cây bị tắc nghẽn nhựa sống hoàn toàn. Khi qua năng lượng bức xạ mặt trời khí CO2 sẽ đốt cháy lá cây và các tế bào thân cây. Vì thế chúng ta có những đỉnh đồi trọc lóc, lá cây bị thiêu rụi sạch. Từng rừng cây bị chết đứng trơ, và hẳn nhiên đất đai cũng đã bị nhiễm độc. Con người bị  nhiễm độc. Nếu giặc Mỹ phun Diocine pha đậm đặc một trăm phần trăm xuống sẽ tiêu diệt hoàn toàn môi trường sống. Nếu chúng pha loãng có tác dụng phát quang và trừ sâu bọ. Nhưng cây cối ở trong vùng nhất định đã bị nhiễm, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau, sau đó sẽ dẫn đến rối loạn phát triển, sẽ tạo thành các sinh khối của siêu vi khuẩn, mà gây nên quái dị, dị tướng, dị hình, có thể gốc cây nhỏ mà đọt cây lại to, lá quăn, u nận, phung đọt... Đối với động vật còn nghiêm trọng hơn, sẽ gây nên ghẻ lở, dịch trùng, ung thư, quái thai, viêm tụy, chai gan, viêm màng não, suy tim... Và, có điều nghiêm trọng hơn cả là dù pha loãng hay đậm đặc đều mang tính độc hại toàn diện. Bởi nó không bao giờ tiêu tan! Vì nó là một thể khí đã được kết hợp, em biết không? Diệu Phương! Rồi ra mỗi chúng ta, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, khi Mỹ cút ngụy nhào rồi, nếu chúng ta thoát chết vì bom đạn, thì cũng đã mang trong người mình mầm mống của cái chết bất thần như một lưỡi gươm treo thòng lọng. Có thể rơi thụp xuống bất kỳ lúc nào! Đó là tội ác tột cùng của đế quốc Mỹ! Theo tính toán đầu tiên của những tên tài phiệt và của những nhà khoa học Mỹ, tác hại trực tiếp này sẽ kéo dài trong ngót hai mươi năm sau! Theo chị không phải chỉ thời gian ấy, mà có thể nhiều hơn, có thể phải mất năm mươi năm sau đất mới phục sinh, những di hại trong con người may ra mới được chấm dứt...

Nghe Thục Quyên nói Diệu Phương càng cảm thấy căm thù quân cướp nước vô hạn, nhưng vẫn gượng cười nói vui:
- Chúng ta chỉ cần sống cho đến ngày toàn thắng, được nhìn đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà là vui lắm rồi, chị Thục Quyên nhỉ?
Diệu Phương và Thục Quyên dắt nhau ra suối. Định tìm một chỗ nào tương đối kín đáo để tắm, hai chị em cứ lội ngược dòng suối mãi, nhưng đến đâu cũng bắt gặp một vài cánh võng đang đung đưa. Cả hai lại tiếp tục lội bì bõm trong làn nước mát rượi và trong vắt. Có mấy anh lính trẻ nhấp nhô trên những cánh võng thả lời trêu ghẹo:
- Cần gì mà thấy cứ loay hoay mãi đấy các em ơi! Lại đây cho các anh hỏi chuyện với nào! Con gái miền xinh thế!...
Thục Quyên bấm Diệu Phương vừa cười khúc khích:
- Lính mới có khác!
- Sao chị biết là lính mới? Diệu Phương hỏi khe khẽ.
- Không mới thì gì nữa đấy? Bộ lính cũ của các đơn vị thuộc quân khu này, thuộc đoàn 559 mà lại không biết mặt chúng mình, lại ra điều giở giọng em... em!...
Diệu Phương cười giòn:
- Bộ chị tưởng lính mới không có ai đáng mặt để gọi chúng ta bằng “em” ư?
- Tiếng “em” trong mối quan hệ riêng tư giữa một người con trai và một người con gái là một chuyện khác!

Biết Thục Quyên bắt đầu “triết lý” Diệu Phương định lựa lời “bơm” để Thục Quyên cao hứng cho vui mong xoá tan mối suy tư chất độc màu da cam lúc này đang ngự trị trong cả hai người. Bỗng Diệu Phương nhìn chằm chặp vào một anh bộ đội đeo ba lô, đang xăm xăm bước về phía con đường vắt ngang qua khúc suối chảy trước mặt để vào trạm.
- Ơ kìa anh Thông! Diệu Phương mừng rỡ kêu lên.
Thục Quyên cũng vui mừng không kém. Thông bước nhanh về phía các bạn:
- Chào chị Thục Quyên! Chào Diệu Phương! Sao, các chị đi công tác ở đâu lại gặp nhau thế này?
- Cùng đi một lượt từ ngoài ấy vào cả. Chị Thục Quyên kết hợp công tác về đồi Một ngàn lẻ tám để tiếp tục đề tài nghiên cứu khoa học. Còn Diệu Phương trở lại cơ quan. Nói đoạn cả ba bước vào trạm, Diệu Phương thông báo: Chẳng những tụi mình gặp nhau ở đây mà đằng kia có cả bác, ba của chị Thục Quyên nữa kia! Bác đi công tác ra miệt ngoài.
- Thế ư? Thông reo vui. Dễ chừng kể từ ngày được gặp bác lần cuối đến nay cũng đã ngót ba tháng. Từ khi tôi được bổ sung cho binh trạm Bảy... Hôm nay tôi đang đi công tác trên đường về binh trạm đây chứ ạ. Tôi phải đến chào bác ngay mới được.
- Đúng đấy! Thục Quyên nói. Ba của Thục Quyên vẫn nhắc anh luôn. Nhưng coi chừng ông cụ không kịp nhận ra anh đó nghe! Bởi anh thay đổi nhiều quá!
Thông cười:
- Tôi già đi, phải không chị Thục Quyên?
- Không phải già nua mà là già dặn ra, cao
phổng lên...

Cả ba người cùng cười giòn tan. Thục Quyên, Diệu Phương đi vào bếp chuẩn bị dọn cơm. Thông tất bật đặt ba lô xuống và đòi đi đến chào ba của Thục Quyên trước khi ăn bữa tối. Đồng chí trạm trưởng gửi Thông mang theo ra một bi đông nước trà vừa pha nóng hổi cho đồng chí bí thư khu uỷ. Bên ngoài hoàng hôn bắt đầu nhuộm tím cánh rừng phủ sương trắng xoá. Từng bầy vạc rủ nhau đi ăn, bật ra tiếng kêu “khoát khoát” như tiếng những tà áo lụa chao trong gió. Tiếng đàn vượn hú gọi nhau lẫn trong tiếng của chim ó chim trĩ gọi tìm đôi về tổ.
Đường từ trạm giao liên này đến binh trạm Bảy chỉ cần một giờ đi bộ nữa là tới. Nhưng tình cờ gặp bạn, trời cũng sắp tối, nên Thông quyết định ở lại sáng mai hãy về. Vầng trăng khuyết lờ mờ lạnh lẽo dường như điểm trang cho đêm Trường Sơn thêm vẻ nên thơ và một chút gì huyền bí. Đọc thấy niềm xúc động xao xuyến của Thông khi được gặp lại Diệu Phương, nên sau bữa cơm, lẽ ra Thục Quyên phải rủ cả hai bạn cùng đi đến chỗ ba, nhưng đã không làm như thế. Thục Quyên nói:
- Chị đến chỗ ba chị, có chút việc cần bàn. Em ở nhà nói chuyện với anh Thông anh Điền, một lát chị sẽ về.

Khi Thục Quyên đi rồi, Điền trạm trưởng cũng đòi phải ghé qua chỗ bí thư khu uỷ một chút. Còn lại hai người, Diệu Phương cảm thấy lúng túng như thể từ trước nay họ chưa hề có dịp ở cạnh nhau, trong một không gian tương tự như thế. Diệu Phương gặp Thông là gặp cả một chuỗi kỷ niệm sôi nổi nhất của đời thiếu nữ. Thông chứng kiến tình yêu của Diệu Phương đối với Vĩnh Lộc, Thông yêu Diệu Phương nhưng lại cố vun vén cho hạnh phúc thủ trưởng Phụng của mình. Thông quý Phụng, thương Phụng, hết lòng, hết dạ với Phụng từ đó cũng hết lòng hết dạ với Diệu Phương. Nhưng từ ngày Phụng hy sinh Thông cũng vắng bặt không hề tin tức gì với Diệu Phương. Phải chăng đó là một thái độ, mà theo Thông hiểu là đúng đắn nhất. Giờ gặp nhau Thông vừa hồ hởi cởi mở vừa có chút lặng lẽ, khép kín, nửa như muốn nói với Diệu Phương vô vàn điều cần nói, lại vừa không muốn nói gì hết.

Hai người chung một ngọn đèn dầu vặn nhỏ bấc không cho máy bay địch phát hiện. Trên hai cánh võng họ ngồi đối diện nhau. Ánh sáng không đủ để Thông nhìn vào mắt Diệu Phương nhưng Thông hiểu dưới vẻ bề ngoài Diệu Phương luôn tỏ ra cứng rắn sôi nổi vậy, nhưng thực chất càng về sau này Diệu Phương càng thấm thía nỗi đau bất hạnh của đời góa bụa! Phải chi... phải chi Phụng còn sống, những ngày này đôi vợ chồng ấy sẽ hạnh phúc biết bao! Nhưng, hạnh phúc nào lại chẳng phải trả giá. Chẳng lẽ để giải phóng được Quảng Trị chúng ta không phải đánh đổi một cái gì đáng giá hay sao?Sự đánh đổi này rơi vào số phận một lớp người. Sự đánh đổi này rơi vào số phận Diệu Phương. Một Diệu Phương đã gầy rạc đi sau cái chết của Phụng. Một Diệu Phương đôi mắt từ đấy trở nên u ám. Một Diệu Phương chỉ còn biết làm việc, làm việc và làm việc! Một Diệu phương mà từ bấy đến nay Thông không tiện liên lạc, nhưng Thông rất hiểu, bởi tâm hồn ấy, con người ấy Thông đã đơn phương trao gửi trọn vẹn mối tình yêu to lớn nhất của cuộc đời mình! Mối tình đầu bất tử của Thông.

- Ta tìm đến chỗ chị ấy đi thôi!
Diệu Phương lên tiếng phá tan bầu không khí yên lặng đang bao phủ lấy hai người.
- Thì đi vậy! Thông đáp.
Cả hai cùng đứng lên, bước ra khỏi lán, men theo con đường nhỏ ngoằn ngèo dẫn xuống tảng đá bằng phẳng, và làn nước biếc lấp lánh chảy qua... Hai người bước đều cạnh nhau, không ai nói với ai một lời. Lúc đến gần chỗ bụi chua me Thông lên tiếng:
- Chị Diệu Phương có trách tôi không?
- Không. Làm sao tôi lại có thể trách anh được. Tôi vẫn nghĩ đến anh, và quý trọng anh như bao giờ...
H.K.L

(nguồn: TCSH số 194 - 04 - 2005)

 

 

 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Vùng sâu (30/09/2008)
Vượt cạn (11/08/2008)
Miền vĩnh phúc (10/04/2008)