Tiểu thuyết
Ngày mẹ mong chờ
15:17 | 03/08/2015

LTS: Theo lời tâm sự của tác giả với các bạn đồng nghiệp ở Huế, tiểu thuyết "Ngày Mẹ Mong Chờ" là tác phẩm mà anh đã ấp ủ từ lâu. Cuốn sách viết về những số phận khác nhau trên con đường tìm chân lý, tìm lẽ sống cho cuộc đời - những con đường không một chút dễ dãi bằng phẳng mà đầy những khúc ngoặt, những biến cố khắc nghiệt... Sông Hương xin giới thiệu cùng bạn đọc phần "dẫn nhập" của tiểu thuyết mang tên: Trước khi vào chuyện...
SH

Ngày mẹ mong chờ
Minh họa: Phạm Đại

NGUYỄN KHẮC PHÊ

TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN
CÁC NHÂN VẬT CỦA TIỂU THUYẾT BÀN CHUYỆN "THỜI SỰ"


Gia đình chị Thanh ở tầng 2 trong một tòa nhà 5 tầng. Được ở tầng 2, căn hộ lại có ba buồng; từng ấy đủ biết đó là một gia đình cán bộ có cỡ, được ưu tiên. Ông Hóa - chồng chị giữ chức Thứ trưởng trước khi về hưu. Chị là chuyên viên bậc cao thuộc ban nghiên cứu của Trung ương. (Gọi "chị" và "ông" quả là không cân xứng, nhưng ngay khi còn đương chức, đã mấy ai dám gọi là "anh Thứ trưởng"). Cậu con trai tên là Linh, học ở Liên Xô về, làm việc ở một nhà máy cơ khí.

Từ ngày về hưu, công việc thích thú trong ngày của ông Hóa là đọc báo và đàm đạo với các bạn già. Việc nội trợ đỡ gánh nặng cho vợ chỉ là bổn phận bất đắc dĩ. Buổi chiều, ông đong gạo nhặt thóc, thổi cơm, luộc rau trước, chờ chị Thanh đi làm về, ghé cái chợ xép vừa mọc lên đầu khu tập thể mua ít thịt cá hoặc quả trứng bổ sung thêm nguồn chất đạm cho bữa ăn.

Hôm nay, chiều thứ bảy, lại có thêm khoản tiền công đoàn "hoạt động kinh tế" chia cho, chị Thanh mua hẳn nửa ký thịt bò, năm quả trứng và nải chuối tiêu. Bữa ăn sang hơn ngày thường mà không vui. Có phần vì thiếu mặt cậu con trai. "Thằng Linh lại đi nhậu với bạn bè rồi! Đi đứt nửa tháng lương là ít". Chị Thanh thầm nhủ vậy và lặng lẽ xới cơm ra bát.

Lâu nay, bữa ăn gia đình chị Thanh cũng không mấy khi có được không khí đầm ấm vui vẻ vì giữa ba người, hầu như ngày nào cũng có chuyện bất đồng. Có khi vì những chuyện liên quan đến quốc gia đại sự; cũng có khi chỉ vì một kiểu ăn mặc theo "mốt" của cậu con trai. Hôm nay thì sự bất đồng xoay quanh vị bí thư tỉnh Thanh Hóa. Ông Hóa vừa nhận được thông tin từ các bạn già, hào hứng truyền lại cho vợ:

- Cụ Biền vừa ở Thanh Hóa ra. Tay Hòa còn lắm tội, báo chí chưa dám nói hết đâu.

Chị Thanh giọng mực thước:

- Bây giờ nhiều tin đồn thất thiệt lắm. Trung ương đã cho kiểm tra. Rồi sẽ rõ trắng đen, vội gì.

Chị dừng lại vì có tiếng gõ cửa. Linh về, cùng với một người bạn. "Con vào ăn cơm luôn". Chị Thanh bảo nhỏ, khi Linh vừa bước vào cửa. Linh vừa đưa bạn vào phòng trong, vừa đáp lời mẹ, miệng nồng hơi bia:

- Chúng con ăn rồi... Chà! Sang quá! Thế là mẹ đã chịu "đổi mới tư duy".

Chỉ lát sau, tiếng cát sét từ phòng trong đã vọng ra. Một khúc nhạc Rốc đang thịnh hành.

Ngày Linh mới về, nhiều lần ông Hóa đã hét lên buộc phải cắt ngay cái điệu nhạc "Tây" nhặng xị ấy. Nay thì ông đã dần quen. Cũng nhờ sự điều chỉnh cân bằng của vợ. Một mặt, chị Thanh bảo con phải cố nín nhịn, chờ khi bố đi vắng hãy mở nhạc; mặt khác, chị rủ rỉ với chồng: "Thôi, chúng nó là một thế hệ khác, có nhu cầu khác mình..."

Hôm nay ông Hóa đang "cay cú" với những thủ đoạn bênh che cho người cầm đầu tỉnh Thanh. Mặc vợ ra dấu hiệu nhà đang có khách, cần giữ ý, ông Hóa vẫn cao giọng:

- Phải! Các bà thì có vội gì. Lương đến tháng cứ lĩnh, gạo cứ đong, thỉnh thoảng công đoàn làm chuyến buôn miền Nam kiếm chênh lệch giá chia nhau vui vẻ. Chứ bí thư tỉnh hư hỏng, khác gì nhà dột tận nóc, thượng bất chính hạ tác loạn, cả triệu dân tỉnh Thanh Hóa rồi điêu đứng.

Chị Thanh lại đưa mắt nhìn sang phòng trong, cặp môi mỏng chỉ hé mở:

- Thôi thôi! Bây giờ thì anh đứng ngoài cuộc, muốn nói sao chả được, chứ thực tế rối lắm. Cùng một sự việc, người nói phải, kẻ nói trái, chứng cớ thì thật giả khôn lường, rút dây thì động rừng.

- Nói rút dây động rừng thì đúng, nhưng cái chính là sợ đụng ô dù. Không có ô ở Trung ương, sức mấy Hà Trọng Hòa dám chống lại công luận quyết liệt như thế. Cả vụ Tổng cục cao su nữa. Phải truy tận gốc, đánh sụp ô là đen trắng rõ ngay. Mà tay Hòa bị công luận chỉ trích từ trước Đại hội VI, vậy mà từ ủy viên dự khuyết lên chính thức. Phải trị cả những kẻ đã chọn lựa tiến cử những người như tay Hòa. Thời nhà Nguyễn, Phan Đình Bình, ông ngoại vua Thành Thái mà cũng bị Đồng Khánh chém đầu vì tiến cử một vị quan sau theo Cần vương nữa là nhà nước chuyên chính vô sản thời nay.

Ông Hóa càng nói càng hăng, khuôn mặt vuông đầy đặn, thường ngày đã hồng hào nay đỏ ong dưới ánh điện.

Ở phòng trong, hai chàng thanh niên quên cả việc thay băng nhạc, lắng nghe hai ông bà già đối thoại. Khi biết hai ông bà chẳng đem lại lượng thông tin nào mới lạ, cơ mật, chàng trai trẻ tuổi châm điếu thuốc, mượn Linh cuốn sách rồi nói nhỏ:

- Xvi-da-nhia!(1)

Ra tới hành lang, anh bạn mới buông lời bình phẩm:

- Ông bố cậu dạo này đổi mối tư duy ghê thật. Nghe nói nhiều cụ về hưu còn gửi kiến nghị lên Bộ chính trị.

- Các cụ về vườn mới thấm thía tình cảnh người dân. Con người ta khi không nắm quyền lực nữa thì thay đổi nhiều lắm. À, cậu đọc bài "Hiện tượng Xtalin" chưa?

- Chưa. Mà đọc làm gì cho mệt. Với mình, ông nào lãnh đạo cũng được hết. Cứ một bề vâng dạ là yên.

- Thế thì hèn!

- Cậu thì ngốc! Vâng dạ trước mặt, còn sau lưng cứ ý mình mà làm...

Linh không ngờ bài nghiên cứu về nhân vật lịch sử có ảnh hưởng không nhỏ đến cả thế giới ấy cũng đã thu hút tâm trí chị Thanh suốt cả buổi tối thứ bảy ấy. Sau bữa cơm, ông Hóa và Linh xem ti vi cùng với mấy đứa nhỏ hàng xóm. Chị Thanh thì chăm chú đọc tờ báo "Văn Nghệ" có đăng bài "Hiện tượng Xtalin". Nghe anh chị em trong cơ quan bàn tán nhiều về bài báo ấy, chị mượn về để ông Hóa cùng được xem.

Sáng hôm sau, ông Hóa dậy pha ấm trà uống rồi đọc ngay bài báo, trong khi chị Thanh dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa ăn sáng. Gọi là bữa ăn, thực ra chỉ có một chảo cơm rang. Có chút khác ngày thường là chị đập thêm quả trứng vào chảo cơm. Ông Hóa bưng bát cơm rang thơm phức, chậm rãi và từng tí một, không một lời bình phẩm. Nhìn cái miệng rộng cử động một cách bất đắc dĩ, tưởng như ông đang mum một vị thuốc đắng, chứ không phải ông đang nhai những hạt cơm vàng ngon lành. Chị Thanh thì vẫn có ý chờ chồng khen một tiếng cho cảnh nhà vui vẻ đầm ấm. Nhưng ông Hóa cứ ngồi thừ mặt nhẫn nha nhai, đôi mắt hùm hụp chẳng nhìn ai. Mãi tới khi ăn hết bát cơm, ông đứng dậy bước sát cạnh vợ nói nhỏ:

- Mẹ nó cất tờ báo đi. Không nên để thằng Linh xem.

Linh chưa dậy, ông Hóa nghĩ là mình nói nhỏ vậy hẳn là con không nghe được. Chị Thanh thì giật thột trước lời căn dặn của chồng, vội ngước bộ mặt trái xoan thanh mảnh nhìn ông Hóa. Trước đôi mắt mở to đầy vẻ băn khoăn của chị chỉ còn đôi vai và cái gáy tròn mập ú câm lặng. Ông Hóa đã quay người sang ngồi bên xa lông xỉa răng, uống nước, đưa mắt nhìn tận đâu.

Chị Thanh chỉ ăn lưng bát, dành phần nhiều cho con. Chắc cậu chàng chiều qua chưa có hột cơm nào vào bụng. Chị ém gọn phần cơm còn lại trong chảo cho con trai rồi cũng sang ngồi xa lông uống nước. Chị như vội muốn được tâm sự cùng chồng trước lúc Linh trở dậy.

Không quen ngồi lâu bên bàn trà, chén nước trên tay đã cạn mà không thấy ông Hóa nói gì, chị đành lên tiếng trước, giọng vừa đủ chồng nghe:

- Thế anh không tán thành quan điểm bài báo đó à?

- Không phải vấn đề tán thành hay phản đối. Tôi thấy không nên lưu truyền loại bài báo đó. Cũng như phim "Sám hối" vậy. Đem ông cha ra mổ xẻ chửi bới thóa mạ thì có hay ho gì. Mà với cả thế giới, nhất là với Việt Nam mình, công lao Xtalin là điều không bác bỏ được.

- Đúng là trong việc chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Xtalin là người có công đã giúp tạo thời cơ cho Cách mạng Tháng Tám. Kể ra, nói cho xác thực thì công lao đó thuộc về nhân dân Liên Xô. Nhưng em nghĩ đây không phải là chuyện công lao và ơn huệ. Vấn đề là từ hiện tượng Xtalin, cả thế giới, nhất là các Đảng cầm quyền rút ra được bài học về nguy cơ quan liêu hóa bộ máy của mình. Anh không thấy là ở Việt Nam mình, ngay bây giờ, cái thói độc đoán, nghi kỵ đàn áp thô bạo theo kiểu Xtalin vẫn đang xảy ra ở nơi này nơi kia.

- À, điều ấy thì phải nghiên cứu, mà Trung ương chưa có nhận định chính thức nào...

Tiếng gõ cửa đã gỡ cho ông Hóa thoát khỏi tình thế lúng túng. Khách là Việt, cậu con trai cả của Hưng - em trai chị Thanh. Chàng thanh niên cao khòng, tóc trùm tai, khuôn mặt khắc khổ, già trước tuổi. Việt đứng bên cửa, chân trong chân ngoài, giọng lễ phép:

- Bố cháu bảo mời o bác 4 giờ chiều đến...

- Thì cháu vào nhà đã.

- Thôi, cháu còn phải đến tin lại cho o Hải. Bố cháu nói là nhà cháu lo thổi xôi rồi, còn ai có gì thì mang đến. Cháu về ạ.

Chị Thanh đang tính hỏi xem cậu Tâm có ra không thì Việt đã biến mất ngay sau cánh cửa, như là bị ai đuổi vậy.

Chị không biết, chính là Linh, với đôi mắt gườm gườm đầy cảnh giác từ trong buồng nhìn xéo ra, đã đẩy Việt tháo chạy. Chị Thanh bảo chồng:

- Chiều nay, mấy anh chị em tổ chức giỗ bà ngoại. Đúng là ngày mai, nhưng con cái cán bộ cả, xin phép bà làm trước vào ngày chủ nhật.

- Mẹ nó đi với thằng Linh. Tôi lỡ hẹn với mấy ông bạn.

Ông Hóa nói vậy rồi dắt xe ra khỏi phòng.

Chị Thanh dõi theo chồng giây lát, quay lại đã thấy Linh đứng giữa phòng. Linh cũng đang hướng đôi mắt ra phía cửa dõi bước chân của Việt.

- Thằng Việt đến nhà là mẹ phải cẩn thận. Cái đồng hồ của con chính là nó lấy chứ không ai khác. Đi cải tạo mấy năm rồi mà chứng nào tật ấy.

- Con có bằng cớ gì không mà kết tội em nó như thế?

Chị Thanh hơi nhăn mặt, giọng thoáng vẻ khó chịu. Linh vừa dạo bước giữa gian phòng, vừa đáp lời mẹ, giọng ngang tàng, gần như là hỗn xược:

- Bằng cớ là nó vừa trông thấy con là vội lẩn như chuột nghe tiếng mèo. Mù mờ như mẹ có ngày nó khuân hết nhà ra chợ trời mới biết. Anh em với ai, chứ nó là con cấm cửa!

Chị Thanh nhìn con, những thớ thịt quanh má và nơi cổ chuyển dịch một cách khó nhọc. Tưởng như là chị đang phải ngậm một vị đắng chính từ cơ thể mình tạo ra. "Sao nó lại có thể đối xử tàn nhẫn với thằng Việt như thế? Chẳng lẽ nó không có một chút thương. Ôi! Thanh niên thời bây giờ..." Tiếng kêu thầm ấy làm chị đắng họng. Không chỉ có thế. Chị vừa có ý phán xét con thì từ nơi sâu thẳm trong lòng mình, chợt vọng lên lời chất vấn: "Thế thời thanh niên của chị hẳn sống đầy tình nhân ái chắc?"

Lặng giây lát, chị buông nhẹ tiếng thở dài và nhỏ giọng bảo con:

- Linh ạ, mẹ muốn con nghĩ đến tình cảnh của nó, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình cậu Hưng.

- À, đó là chuyện khác…

Linh cũng đã nhận ra sự quá lời của mình, tìm cớ lãng chuyện bằng cách bước sang phòng tắm đánh răng rửa mặt. Trong khi tự mình gột rửa những dấu vết không lấy gì làm sạch sẽ qua một đêm ngủ đầy mộng mị, Linh thấy đầu óc bỗng trở nên sáng suốt, sẵn sàng tiếp tục đối thoại với mẹ, đi tới tận cùng sự thật. Vừa trở lại phòng, Linh nhìn thẳng mẹ, nói ngay:

- Con phải nói để mẹ biết là với cậu Hưng, con rất mực kính trọng, dù cậu đã phải ngồi tù và vẫn bị công an theo dõi...

Chi Thanh vội bước lại khép chặt cánh cửa ra vào vẫn hé mở từ khi ông Hóa đi. Trở lại gần bên Linh, chị hạ giọng gần như là nói thầm vậy:

- Những chuyện ấy xảy ra lúc con còn bé tẹo, biết gì mà nói. Vấn đề phức tạp lắm, đừng có bô bô cái miệng.

- Mẹ chủ quan rồi! Con không biết, nhưng con nghe bác Kiên, cậu Hưng kể lại. Mà con cũng có cách xét đoán của mình chứ. Chỉ vì không dám nhìn thẳng sự thật, không dám công khai mọi chuyện nên vấn đề mới phức tạp. Con cũng lạ, Nghị quyết Đại hội Đảng thì bảo là phải công khai...

- Mẹ không muốn con bàn đến chuyện ấy nữa. Con ăn cơm đi kẻo nguội.

Chẳng còn cách nào hơn, chị Thanh đành phải ngắt lời con, dù biết như thế cũng có phần thô bạo, lại chứng tỏ sự bất lực của mình. Chị không giận con mà ngược lại, cái vị đắng hồi nãy như đã tan biến. Một cảm giác thật khó tả vừa có chút hổ thẹn, vừa như vui mừng, khiến chị tuy ngồi lặng mà trong lòng xốn xang. "Nó thực đã là một người lớn... Nó can đảm hơn mình..." Chị thoáng đưa mắt nhìn con và nhẹ bước lại ngồi bên chồng báo trên đầu giường. Ông Hóa đã lấy mấy tờ "Nhân Dân" chồng lên tờ "Văn Nghệ". Chị vừa nghĩ tới việc chồng dặn cất tờ báo đi, nhưng khi thấy tờ "Văn Nghệ" dù đã bị mấy tờ "Nhân Dân" chồng lên vẫn lé cái màu xanh của một đề mục, chị cảm thấy cái việc bưng bít che giấu này thật là trẻ con, vô nghĩa. Hơn thế, chị thấy đó như là một việc làm kém văn hóa, đáng hổ thẹn.

Nghe lời mẹ, Linh ngồi xuống bên chiếc bàn gỗ cũ, xúc cơm ra bát! Bụng đói, bát cơm thật ngon, nhưng miếng cơm như khó nuốt, vì những ý nghĩ chưa thốt nên lời được cứ ứ nghẹn nơi cổ Linh. "Con biết chắc cả bố và mẹ đều hiểu rõ cậu Hưng là người tốt, vô tội. Vậy mà cả bố và mẹ đều nín thinh, mấy năm trước thì còn xa lánh cậu vì sợ liên quan! Chẳng lẽ cách nghĩ đến hoàn cảnh gia đình cậu Hưng như thế là đúng đắn?..." Thật khó nói những lời như thế trước mặt người mẹ mà đã bao năm Linh tôn thờ như một nhân vật lý tưởng. Lại còn nỗi băn khoăn về người bố nữa. Thấy mẹ ngồi bên chồng báo, Linh hơi nhếch mép cười và nói:

- Tờ "Văn Nghệ" ấy mẹ cứ cất vào túi mai trả cơ quan chớ con đọc rồi! Con thật không hiểu bố là người thế nào nữa. Hôm qua thì hăng hái như là lính xung kích trên mặt trận chống tiêu cực; hôm nay thì đích thị là, một ông bảo thủ. Xin lỗi mẹ, con không biết tìm từ nào khác cho lễ độ hơn.

Tiện tay, chị Thanh xốc lại chồng báo cho ngay ngắn rồi bảo con, giọng nói ban đầu có phần nghiêm khắc, về sau thì như lời tâm tình với một người bạn:

- Dù thế nào, con cũng không được nói với bố con lời lẽ như thế. Tuổi con không hiểu được đâu! Con có biết không, bên con đường goòng tiếp vận cho chiến trường Bình Trị Thiên, giữa lúc những cơn sốt rét làm bố con kiệt sức, nghe tin Xtalin mất, bố con và cả mẹ nữa, đã khóc như bố mẹ mình qua đời. Mẹ khẳng định với con đó là một thời kỳ đáng trân trọng và tình cảm tiếc thương người mình mang ơn là một tình cảm đẹp đẽ. Con nên nhớ, lúc ấy, con chưa có mặt trên cõi đời này. Bây giờ, dù biết là mình đã lầm lạc, có thể là bị lừa dối, nhưng thấy con cháu cười cợt, bôi bẩn lên tình cảm một thời trong sáng ấy, không phải ai cũng chịu đựng được. Nó cũng như là một vết thương đã kín miệng, không ai muốn cứa thêm cho đau.

- Nghĩa là mẹ cũng đồng ý với bố?

- Không! Đó là mẹ phân tích một loại tâm trạng. Còn mẹ đánh giá bài báo đó là một tác phẩm nghiên cứu có tính khoa học, tính khái quát cao, lời lẽ thấu lý đạt tình. Mà dù có làm đau lòng người này người khác thì đó không phải là mục đích của nhà nghiên cứu. Ngược lại, chính vì muốn nhân loại bớt những nỗi đau.

Chị Thanh bỗng đứng dậy, bước nhanh lại bên tủ lạnh, tỏ ý muốn cắt đứt mạch chuyện nặng nề này.

- Thôi! Sáng chủ nhật mà mẹ con ta toàn nói những chuyện đau đầu - Chị bẻ nải chuối cùng ăn với con, rồi tiếp - Có chuyện gì vui vẻ nói mẹ nghe nào. Tại sao tối qua con không đi chơi với Cúc?

Linh hơi nghiêng mặt nhìn mẹ, giọng nửa như trách, nửa như đùa:

- Như thế là mẹ ích kỷ. Mẹ không muốn nói chuyện làm mẹ đau đầu, lại bàn chuyện làm đau đầu con. Có "đề tài" này thì cả mẹ, cả con, cả bố nữa cùng được lợi, cùng vui vẻ - Linh đứng dậy bước lại bẻ một quả chuối đưa cho mẹ và bẻ luôn hai quả cho mình rồi cười nói - Mẹ đã "đổi mới tư duy" thì phải ăn thêm quả nữa. Tối qua con chưa có phần, nên phải "đúp lê". Con chỉ mong mẹ cứ tiếp tục "đổi mới tư duy" như chiều qua là con hô mẹ "muôn năm"!

Chị Thanh lấy niềm vui với con, cũng cười xởi lởi:

- Nhưng lương tiền như thế, lấy gì mà "đổi mới tư duy" theo kiểu con?

- Mẹ cứ mở tủ ra. Con thấy còn khối thứ bán được.

- Con tưởng mẹ không phải bán đồ đạc mà ăn tiêu được như lâu nay đấy à? Còn ít trong đó thì cũng để lo cho con sau này.

- Mẹ lại theo gương bà ngoại rồi! Con xin mẹ. Mẹ cứ ngẫm xem, cả đời bà ngoại nhịn ăn nhịn mặc dành dụm tậu ruộng mua bò để thành địa chủ, bị đấu tố nhục nhã đã đành mà đời con đời cháu bị vạ lây khốn khổ trăm đường.

- Như con thì khốn khổ nỗi gì.

- Đó là mẹ sớm giác ngộ từ bỏ giai cấp xuất thân này; rồi nhờ bố hoạt động cách mạng sớm này...

Giọng Linh vẫn như đùa cợt, nhưng nụ cười đã biến mất trên nét mặt chị Thanh. Đứa con đã gợi chị nhớ lại quãng đời đầy những biến cố, không thiếu những chuyện "đau đầu".

Chị cắt đứt được mạch chuyện ấy bằng việc đi chợ lo lễ cúng bà ngoại.

Đến gần bữa ăn trưa, ông Hóa về thì mối bất đồng vừa tạm lắng lại nổi cồm lên. Qua cuộc đàm đạo với mấy ông bạn về hưu - trong đó có người lúc nào cũng sẵn những nguồn thông tin quan trọng, ông Hóa nói riêng với vợ:

- Hồi sáng, tôi nhận định chính xác trăm phần trăm. Đã có ý kiến cấm không được truyền bá rộng thêm bài báo đó.

Linh đang nằm đọc sách trong phòng liền vụt ngồi dậy, bước ra nhìn thẳng vào bố, hỏi:

- Bố bảo ý kiến của ai? Thấy vẻ ngơ ngác của bố, Linh vội nói thêm - Bọn con đọc bài báo ấy từ mấy hôm rồi!

Ông Hóa nghiêm mặt nói rành rọt từng tiếng:

- Ý kiến của Trung ương! Đó là vấn đề nội bộ của bạn...

Như có một vật nặng nào đang rơi xuống người Linh, đôi vai rộng của chàng trai bỗng hếch lên đón đỡ, Linh cướp lời bố, giọng liến láu:

- Bố nói như là chuyện đời xưa. Thời đại bùng nổ thông tin này, vấn đề nội bộ của nước nào, cả thế giới đều biết, đều có quyền bình phẩm. Mình chỉ mới đăng lại, đã ai bình phẩm gì đâu. Nói như bố thì các báo cáo của đồng chí Goócbachốp cũng không nên truyền bá vì là chuyện nội bộ của Liên Xô! Mà chính là hôm kia, bố vừa bảo với con là bây giờ, cả hành tinh chung một số phận. Con không tin Trung ương nghị quyết nào cũng kêu gọi công khai dân chủ mà lại cấm truyền bá bài báo đó. Con nói thật, chỉ những kẻ từng phạm tội theo kiểu Xtalin sợ bị lên án, sợ bị công luận vạch mặt chỉ trán mới bịa ra cái lệnh cấm đó!

Linh nói một mạch, không để ý đến bộ mặt vuông đầy đặn của bố đang căng như một quả bóng bị bơm quá áp lực.

Linh vừa dứt lời, ông Hóa dằn mạnh chén nước trà xuống bàn đánh "cách", và quát lên:

- Linh! Ai dạy mày lối ăn nói ẩu xỉ đó hả? Mới ba tuổi ranh mà cứ muốn làm bố người ta. Tao cấm!

Linh không đáp lời bố, lặng lẽ đi ra khỏi phòng. Chị Thanh từ bếp bước nhanh ra cửa, gọi với theo:

- Linh! Quay lại mẹ bảo.

Linh không quay lại. Đằng sau, bên sa lông, ông Hóa rót chén nước uống đánh "ực", rồi dạy vợ:

- Đó: Bà cứ bảo phải tôn trọng tự do con cái với nào, là chúng nó thế hệ khác mình, nhu cầu khác mình!

Chị Thanh biết chưa phải lúc bàn phải trái với chồng, lặng lẽ trở lại bếp ngồi cuốn nốt những chiếc nem. Chị ngồi cúi mặt, như không muốn ai nhìn thấy vẻ buồn bã đến đau khổ của mình. Chị thì biết rõ vì sao ông Hóa lại sốt sắng truyền cái tin đồn cấm bài báo đó. Chao! Nghĩ lại mà rùng mình! Cũng may là Linh không quay lại. Nếu Linh quay lại, chị cũng chưa biết sẽ bảo con như thế nào. Chị nghĩ là con nói đúng, nhưng lại không thể bênh vực con trước mặt chồng. Lâu nay, chị cứ vấp phải cái tình thế khó xử và thật đáng đau buồn này luôn luôn. Mới tuần trước, ở cơ quan, một vị thủ trưởng trên bục giảng đã nói là ảnh hưởng tư tưởng Mao ở Việt Nam không đáng kể. Loại chuyên viên như chị, những người đã có trên 30 năm tuổi Đảng, từng đọc những trang điều lệ ghi rõ là cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đều thấy là vị thủ trưởng nọ đã không dám nhìn thẳng vào một sự thật đau lòng. Nhưng tất cả đều nín thinh, không một ai dám trình bày quan điểm của mình. Ôi chao! Một thế hệ từng tỏ ra can đảm vô song trước kẻ thù mà nay đã trở nên hèn nhát thế ư? Bây giờ nghĩ lại, bên cạnh nỗi hổ thẹn không sao dứt được, những câu hỏi không dễ trả lời công khai làm chị thắt ruột. Vì sao chị cũng như nhiều đồng chí khác lại trở nên hèn nhát? Chẳng lẽ kiểu đàn áp thô bạo những người dám nói khác ý các thủ trưởng vẫn đang là mối đe dọa buộc những con người trung thực phải lặng câm?

Theo một qui luật mà con người không có cách gì xoay chuyển được, về chiều, ánh mặt trời nhạt dần, bầu trời chuyển sang màu xám rồi màu tím biếc. Cũng có khi, không gian đang dịu lại, bỗng vụt ửng lên, bầu trời nhuốm một màu vàng ủng ma quái, nhưng rút cục thì bóng đêm vẫn dành được quyền ngự trị trên một phần trái đất.

Vào một buổi chiều như thế, cu Nam - cậu út của Hưng, lẩn thẩn hỏi bố về sự xoay vần vĩnh cửu của vũ trụ. Hưng giảng giải cho con là vì quả đất quay chung quanh mặt trời. Cu Nam lặng đưa mắt nhìn giây lát ra phía chân trời đang chuyển dần sang màu tím rồi lại hỏi: "Nhưng tại sao quả đất nó lại quay như thế hả bố?"

Hôm đó, bác Tâm vừa ra chơi đang đứng cạnh. Hưng cười nhỏ, hướng sang phía anh trai và nói: "Cháu nó học bác muốn làm triết gia... Con hỏi bác Tâm, chứ bố thì chịu".

Đôi mắt bác Tâm hơi ngước lên, loé sáng sau cặp kính cận, bàn tay mảnh nhỏ ve vuốt mái tóc rối bù của đứa cháu, giọng uyển chuyển thật dễ nghe: "Thế giới có vô vàn điều kỳ diệu mà con người ta không thể giải thích được cháu ạ. Nói gì trời đất xa xôi, trừu tượng; bác hỏi cháu nhé: Tại sao con người ta lại có đôi mắt cân xứng đẹp đẽ như thế mà không phải là con mắt lệch khó coi?" Tâm hơi quay người, nói riêng với Hưng: "Ấy thế mà không ít người lại tự cho mình là giải thích được tất cả và mỗi điều mình phán truyền là duy nhất đúng. Bi kịch là ở đó".

Chiều nay, cái thời khắc bầu không gian chuyển màu đã qua. Bóng tối đã len lỏi khắp ngõ phố cùng các xó xỉnh trong căn nhà Hưng; lễ tưởng niệm Người - Mẹ - của - các - con, Người - Bà - của - các - cháu đã xong mà Tâm không thấy ra, thằng cu Nam cũng bặt tăm.

Quanh hai chiếc bàn gỗ vừa được ghép lại để bày cỗ, mấy anh chị em ngồi uống nước và trò chuyện. Hải - người con gái út của Mẹ, một cô giáo dạy văn cấp 3, hướng sang Hưng, giọng thanh cao láu táu, rất là trẻ con:

- Đến giờ này anh Tâm không ra, anh đã chịu thua cuộc chưa?

- Cô đừng vội. Anh vẫn tin là anh Tâm sẽ ra. Có điều, cái tính lang thang của anh ấy...

- Cũng tùy lúc, chứ giờ này anh bảo còn lang thang tận đâu?

- Có trời mới biết được! Thật không hiểu là Chúa dẫn dắt hay anh ấy vẫn chưa tìm thấy chúa mà cứ lang thang suốt cuộc đời.

- Hưng cứ hay bày chuyện, chị cũng biết là Hưng nói đùa, nhưng cứ Trời với Chúa luôn miệng, dễ ảnh hưởng đến các cháu lắm. Chẳng có chúa nào dẫn dắt hết. Anh ấy hay lang thang vì không tìm được chỗ đứng, tìm được mục đích trong cuộc sống. Còn việc anh ấy không chỉ vì đường sá xa xôi, tiền tàu xe rồi ăn uống dọc đường cũng tốn. Đơn giản thế thôi.

Chị Thanh, với giọng điệu mực thước và đầy lý tính, tỏ ý muốn kết thúc cuộc luận bàn vô bổ giữa hai anh em. Dù vậy, Hưng vẫn luôn hướng mắt ra cửa. Anh trông chờ Tâm và sốt ruột ngóng tin con. Vợ anh và Việt đang chạy quanh tìm cu Nam. Quái lạ, thằng bé suốt từ sáng không ngớt hỏi han về việc cúng giỗ với vẻ thích thú, lẽ nào lại quên vì mải vui với bạn bè. À, không chừng nó ra ga đón bác Tâm. Hai bác cháu thỉnh thoảng mới gặp mà xem chừng có vẻ "kết" lắm!...

Chính vào giờ khắc ấy, Tâm - người con cả của Mẹ, đang điềm nhiên ngồi nhấm nháp bên cốc rượu cùng bác xích lô trong một căn nhà tranh bên bờ đê ngoại thành.

Nói như Hưng, thật chỉ có Chúa mới giải thích được vì sao Tâm lại đến với gia đình người đạp xích lô xa lạ ấy. Khởi đầu chỉ là một sự ngẫu nhiên. Đoàn tàu Thống nhất về cách ga Hà Nội chừng mươi ki lô mét thì phải dừng lại. Đèn đỏ lấp lánh trên cột tín hiệu phía trước. Chắc là một đoàn tàu đi về hướng Nam sắp xuất phát, hoặc nhà ga đang lo dồn đẩy toa. Không chừng chỉ vì tài xế "móc" với con buôn cho tuồn hàng xuống dọc đường để trốn thuế.

Tâm thì có quan tâm gì những chuyện đó. Anh đang lặng dõi theo đoàn người xuôi ngược trên con đường ô tô chạy song song với đường sắt. Những câu hỏi không biết đã bao lần làm bận lòng anh, có khi anh tưởng đã tìm được lời giải, nay lại thu hút hết tâm trí anh. Đoàn người ấy, họ đi đâu về đâu? Đời người rồi ai cũng phải tới chỗ phải tới, việc gì mà họ phải hối hả chen lấn? Cái chị bụng mang dạ chửa đang ì ạch đạp chiếc xe cũ mòn, cũng như đôi trai thanh gái lịch chải chuốt xức màu từ đầu tóc cho tới móng chân đang cưỡi chiếc "cúp" đỏ rực phóng như xé không khí kia...

Tàu bỗng hãm phanh giật cục, rồi tiếng còi huýt. Tâm giật mình, ngơ ngác hỏi các bạn đường:

- Ga nào mà tàu dừng vậy các bác?

- Văn Điển rồi! Bác chuẩn bị hành lý là vừa rồi.

"Văn Điển rồi à? Cái chỗ mà mọi người phải tới... Cũng hay..." Tâm đeo xắc vải bạt, tay quờ cái làn nhựa dưới gầm ghế rồi đứng lên:

- Tôi xuống đây. Các bác các anh làm ơn chuyển cái làn qua cửa sổ dùm.

Chỉ lát sau, đoàn tàu rời ga. Một ít hành khách vừa xuống nhanh nhẩu nhảy lên một xe buýt vừa dừng bánh bên đường hoặc hối hả vẫy đón những chiếc xích lô ngang qua. Đến lúc này Tâm mới để ý đến cái xắc vải bạt đứt khuy chưa cài kim băng và đồ đạc trong cái làn nhựa quá ư là lộn xộn; bên này thòi ra ống tay áo, bên kia cái khăn mặt cáu bẩn chỉ chực rơi xuống đất. Anh đang lúi húi ém gọn lại các thứ trong chiếc làn thì một chiếc xích lô từ từ dừng bánh bên cạnh, rồi tiếng hỏi:

- Nào, bác có về phố không? Giá phải chăng thôi.

- Tôi muốn vào nghĩa trang, bác có giúp cho được không?

Người đạp xích lô ân cần chuyển giúp cái làn khá nặng của Tâm lên xe, khẽ khàng hỏi:

- Thế bác có người nhà làm trong đó hay đi viếng mộ ai?

- Bà cụ tôi mất năm ngoái, ngày mai là kỳ giỗ đầu bác ạ.

- Bác ở xa xôi như thế, nhớ ngày tháng tìm về hương khói cho cụ thật quý hóa quá.

Đến cổng nghĩa trang, Tâm xuống xe mua hương hoa, đeo xắc cốt lên vai và dặn lại:

- Bác chịu khó chờ cho một lúc rồi đưa giúp tôi về phố luôn. Tôi sẽ không phụ ơn bác.

- Bác nói ơn huệ làm gì. Tôi được giúp một người như bác là có phúc rồi. Tâm vừa cất bước, người đạp xích lô đã gọi:

- Này bác, còn chiếc làn.

- Ồ... Thôi gửi tạm bác, chứ xách vào làm gì cho nặng.

Tâm bỏ quên chiếc làn không hẳn vì đãng trí, dù nhiều vụ đãng trí của anh đã thành giai thoại trong bà con bạn bè. Câu chuyện trên chặng đường ngắn vào nghĩa trang đã làm anh tin người đạp xích lô. Lòng tin người, dễ kết bạn với mọi người của anh cũng nổi tiếng như tính đãng trí. Năm ngoái, từ Hà Nội vào, vì lòng tin vào bạn đường trên tàu Thống nhất, anh đã bị nẫng sạch trơn hành lý.


Tâm bước chậm rãi vào Nghĩa trang, mắt nhìn lướt khung cảnh buồn vắng của khu mộ về chiều. Những nấm đất cỏ vừa lên xanh, bên những ngôi mộ còn vương dấu tích các vòng hoa kính viếng, xen giữa là các vũng đất đọng nước sụp lở. Đó là chỗ các cư dân sau ba năm "tạm trú" vừa phải dời đi theo quy luật lưu chuyển ở đây.

Ngôi mộ của mẹ vừa được sửa sang lại. Chỉ mới sáng nay thôi. Tàn hương gió chưa kịp cuốn bay, cỏ nhổ ra vừa mới héo.

Tâm đặt hoa, thắp nén hương cắm trước mộ chí của Mẹ một phần; còn nửa, anh cắm rải lên những ngôi mộ xung quanh, những con người anh chưa từng quen, nhưng nay là láng giềng của Mẹ. Nhìn những nấm mộ ken dày, câm lặng, có cái đã sụt lở, bên các hố cũ bùn nước lẫn cỏ rác nhớp nháp, nghĩ tới cái chốn mà mọi kiếp người đều phải tới, Tâm không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Trên mặt đất cao thấp không đều, những bước chân của anh trông như chệnh choạng. Anh trở lại đứng trước mộ chí của Mẹ, nhẩm đọc những dòng chữ khắc trên đá mà anh đã nhập tâm. Đó là dấu tích cuộc đời trên 80 năm của Mẹ mà anh còn trông thấy được. Cuộc đời chìm nổi dài đằng đẳng gần thế kỷ, mấy hàng chữ ngắn ngủi, câm lặng và lạnh lùng kia nào có nói được gì đâu! Đôi bàn tay chắp lại cung kính, anh thầm thưa với Mẹ: "Đứa con bất hiếu lại về bên Mẹ đây Mẹ ơi! Cầu xin Mẹ tha tội cho con!"...

Anh vái ba vái, đứng lặng một lúc, mái đầu hoa râm hơi nghiêng nghiêng, vầng trán cao nổi rõ những nếp nhăn, khóe miệng nhíu lại vẻ khó nhọc. Bộ mặt anh vốn đã gầy gò, lởm chởm râu, trong giây lát trông già nua khắc khổ hẳn đi.

Ngoài cổng nghĩa trang, người đạp xích lô đã không phụ lòng tin của anh, kiên nhẫn đợi anh. Bác đưa anh về tới công viên Lênin thì trời đã tối hẳn. Anh nhẩm tính, giờ này chắc gia đình Hưng đã cơm nước rồi, mấy cháu bé hẳn đang học bài. Anh bỗng cảm thấy ngại ngùng không muốn làm xáo trộn khung cảnh đã được an bài của chúng, đồng thời chợt nẩy ra ý muốn được thăm gia đình người đạp xích lô. Tấm lòng quý hóa của bác đã tạo ra sức hút kỳ lạ. Mà đời anh, đã từ lâu, anh muốn coi mọi người đều là anh em. Anh chẳng có nhà riêng, nên nhà nào đối với anh cũng là nơi nghỉ tạm. Cả cõi trần này nữa, anh cũng coi như là chốn "tạm trú" mà thôi! Thế là anh nằn nì, viện đủ lý do để bác xích lô không thể chối từ.

Rút cuộc, anh đã đạt tới mục tiêu thám hiểm: một căn nhà tranh ọp ẹp dựng bên bờ đê ngoại thành, 5 đứa bé chân đất quần cộc, nước da đen đủi, tuổi tuồng như xấp xỉ nhau và một bà mẹ còn rất trẻ, so với chồng. Bác xích lô đưa khách vào nhà, lúng túng và bối rối gọi vợ, bảo con, nhấc cái này, đặt lại cái kia, nhưng trong lòng cũng có chút thú vị của người thám hiểm: xem thử người khách kỳ cục này còn bày ra những trò lạ nào nữa. Hơn thế, bác còn niềm vui của người mang chuyện lạ về cho vợ con, xới động bầu không khí tù túng trong căn nhà lá tồi tàn chẳng mấy người đoái hoài tới. Vì thế, khách chưa ngồi yên chỗ, mấy đứa nhỏ còn nhớn nhác trước sự lạ, bác đã nháy vợ ra hàng hiên thầm thì và dúi ngàn bạc vào tay chị.

Trong nhà, chỉ sau mấy phút làm quen, Tâm đã giữ được đứa bé nhất trong đôi tay gầy guộc của mình. Anh vừa đưa quà cho những đứa trẻ những quả chôm chôm và thanh đường phổi, thì chị vợ trở vào nhà, tay cầm cút rượu và một khoanh giò lụa.

Không để chủ nhà nài nỉ lâu, Tâm ngồi ngay xuống bên chiếc chõng tre, vui vẻ nâng cốc rồi cùng ăn cơm với bác đạp xích lô.

Sau bữa ăn, biết là thường ngày, bác đạp xích lô còn tiếp tục đi đón khách cho đến khuya, mục đích thám hiểm đã được, ngó quanh căn nhà thì không có chỗ nào dành cho khách ngủ lại, Tâm nói:

- Phiền gia đình bác thế là quá nhiều rồi. Bây giờ bác cứ tiếp tục công việc đi. Tôi phải xin phép...

- Không! Bác đã có lòng đến đây, mời bác nghỉ lại. Tôi cũng không đi nữa. Nghỉ đêm này thì mai có sức bù lại, chứ chẳng thiệt gì.

- Thú thật với bác, linh tính báo tôi là mấy đứa em đang trông. Mai đã ngày kỵ rồi...

Tâm thiết tha, năn nỉ, nên rút cuộc, bác xích lô phải chiều lòng khách. Thực bụng, vợ chồng bác cũng chưa biết sắp xếp cho khách ngủ vào đâu.

Tâm lại đeo chiếc túi vải bạt lên vai, rút ví lấy ra 5 tờ giấy bạc một ngàn đồng, bước lại bên chị chủ nhà đang than van bên cửa bếp:

- Nhờ chị cất dùm, ngày mai mua thêm giấy bút cho các cháu.

Bác xích lô gần như là chồm tới, kịp gạt bàn tay cầm mấy tờ giấy bạc mới tinh, tưởng đem cạo râu được, giọng thảng thốt:

- Bác làm thế nhà em mất vui. Được đón bác về nhà là phúc rồi. Bác còn nhiều việc phải chi tiêu.

- Bác nghe tôi, đây chỉ là 5 tờ giấy, có nghĩa lý gì so với duyên kỳ ngộ mà Chúa đã sắp đặt cho tôi được gặp bác.

- Không giấu gì bác, nhà em vốn là người có đạo, từ hồi còn ở Nam Định. Từ khi bác ngồi trên xích lô, thấy bác lần cái nhẫn tràng hạt, em đã biết. Cả đời mới giúp bác được một lần.

Bàn tay Tâm đang cầm xấp bạc liền áp chặt bàn tay người đạp xích lô một lúc.

- Vậy thì bác càng không nên từ chối. Đây không phải là của tôi, cũng chẳng phải là của bác. Bác cầm tạm, rồi mai lại trao cho người khác. Đó là việc Chúa đã sắp đặt...

Tâm bước vào cửa phòng nhà Hưng, vẫn khuôn mặt gầy gò, cằm lởm chởm râu, nhưng cặp mắt lấp lánh niềm vui, khoé miệng như đang mỉm cười. Tấm lòng người đạp xích lô và những điều anh vừa được biết thêm qua câu chuyện bác xích lô kể trên chặng đường đưa anh tới đây quả thực là kỳ thú. Thì ra, 5 đứa trẻ không phải đều là con bác. Khi chị vợ sinh đứa thứ tư, một đêm khuya, trên đường trở về nhà, bác bắt gặp một bọc giẻ bên đường, một con người vừa cất tiếng chào đời bị ai đó chối bỏ. Bác đã cầm lên tay, nỡ lòng nào bỏ lại. Đó là đứa thứ 5, bé gái mà Tâm vừa âu yếm choàng đôi tay lên bờ vai gầy còm của nó.

Vậy là cuộc đời vẫn có cái gì đó đáng cho con người ta theo đuổi vui sống. Nỗi bi quan khi nhìn khu mộ vắng lặng trong buổi chiều tà đã tự biến đi lúc nào, Tâm cũng không biết nữa.

Hầu như tất cả những người có mặt trong nhà Hưng đều chạy ồ ra đón Tâm.

- Đó! Cô thấy chưa!

- A! Ông anh lang thang đã tới!

- Bác đưa cháu xách cho. Nặng ơi là nặng. Chuyến này bác cũng đi buôn à?...

Tâm không vội kể chuyện "lưu lạc" của mình. Lúc đó, cả nhà đang tập trung vào nhân vật thứ hai đáng quan tâm hơn.

Vợ Hưng vừa tìm được Nam về. Cậu bé tóc tai rã rượi, mặt thâm tím nhiều chỗ, nhưng ánh mắt không có nét gì là buồn thảm. Cậu vừa được giải thoát khỏi đồn công an.

Nguyên do là hồi chiều, khi vòi nước của khu nhà khô kiệt, mấy đứa bé liền rủ nhau sang lấy nước ở một cơ quan bên cạnh. Cơ quan đã có lệnh cấm, phần vì để giữ trật tự, phần vì các gia đình trong đó sợ cạn nguồn nước của mình. Một trong những kẻ ăn trộm nước bị người bảo vệ cơ quan chộp bắt được. "A! Chuyến này thì chúng mày chạy đằng trời! Này! Cho mày chừa thói ăn trộm. Này!..." Anh chàng bảo vệ người như hạt mít, miệng thét mắng, đôi tay to bậm như cái chày giã gạo hành hạ thằng bé không chút xót thương. Mấy đứa trẻ cùng tốp chạy dạt ra định thoát thân, nhưng rồi rủ nhau quay lại, cùng với một số "viện binh" - trong đó có Nam. Chúng nhặt gạch đá, ngói vỡ, rồi đồng loạt xông vào tấn công người bảo vệ, giải thoát cho bạn. Một viên đá trúng đầu người bảo vệ, máu tứa ra.

Chỉ ít phút sau, khi bọn trẻ đang tụ tập bàn tán bình phẩm về chiến công vừa đạt, mấy chiến sĩ công an bất thần nhào tới, chộp tại trận 5 đứa, truy bắt thêm 4 đứa nữa giải về đồn. Công an muốn tìm ra đứa chủ mưu đầu têu việc ném đá gây thương tích cho người bảo vệ, nhưng 9 đứa bé đứng dồn đống vào góc phòng, thầm đưa mắt giao ước quyết tâm và nhất loạt nín lặng.

- Chúng mày gan lì hả? Không chịu khai ra thì nhịn đói làm mồi cho muỗi đêm nay ở đây. Thế nào? Có khai không? Đứa nào đầu têu?

Người chiến sĩ tra hỏi dọa nạt đủ kiểu, nổi cáu đến mức hầm hè xông tới bẹo tai mấy đứa. Lũ trẻ vẫn không hé răng. Đối với chúng, việc tố cáo phản bội bạn là điều đê hèn không thể chấp nhận được. Đó là "luật chơi" của mọi thế hệ và chính những trang sách về các tấm gương của các nhà cách mạng tiền bối trong ngục tù đế quốc đã dạy chúng như thế. Người chiến sĩ tra hỏi thì cũng được dạy là phải nhất thiết hoàn thành nhiệm vụ, tìm ra kẻ chủ mưu. Biết đâu, kẻ chủ mưu không phải là trẻ con mà là một tên phản động còn giấu mặt trong khu phố?

- Được, tao sẽ có cách!

Người chiến sĩ gằn giọng bảo vậy rồi tách ra hai đứa bé lôi vào phòng riêng. Chúng được chọn chịu đòn trước không phải vô cớ. Một đứa từng bị nhốt ở đồn một ngày vì tội đánh nhau làm mất trật tự công cộng. Đứa thứ hai là Nam. Đồn công an không lạ gì gia đình Hưng. Chẳng ai công bố, nhưng đã nhiều năm, Hưng bị xếp vào loại phải ghi vào sổ đen. "Hừ! Cha nào con nấy! Thằng anh thì ăn cắp có hạng, thằng em khéo rồi thành kẻ cướp".

Hai đứa bé bị đánh đau, không nén được, bật khóc to. Tiếng khóc vọng ra phòng ngoài làm tốp trẻ còn lại xáo động. Chúng đưa mắt nhìn nhau, nghiêng nghé rỉ tai nhau. Bỗng một đứa lách ra, bước sang phòng chỉ huy, tự nhận mình là kẻ chủ mưu.

Vừa lúc, một số ông bố bà mẹ biết tin, tìm đến thăm con. Lũ trẻ được giải thoát, sau khi các ông bố bà mẹ chịu ký biên bản cam kết răn đe con cái, cùng đóng góp chữa chạy cho người bị thương.

Vợ Hưng lấy khăn mặt ướt lau các vết bẩn cho con, xoa dầu nơi mấy chỗ bị thâm tím, nước mắt lưng tròng, miệng xuýt xoa xụt xịt chỉ chực khóc. Thằng bé thì như khó chịu trước sự săn sóc của mẹ, thỉnh thoảng lại nhăn mặt, đưa tay hất tay mẹ. Nó cứ ngồi lặng. Vết thương trên cơ thể không đau bằng nỗi nhục nhã. Khác hẳn Việt - và cũng có thể là chính vì Nam muốn chứng tỏ mình không chịu ảnh hưởng gì của người anh hư hỏng, từ lớp một, Nam đã cố gắng học giỏi, được thầy yêu, bạn mến. Cậu vừa được đi dự đại hội "cháu ngoan Bác Hồ". Vậy mà... lòng Nam còn day dứt và tiếc nuối một dịp được làm người anh hùng. "Đúng ra, mình phải nhận ngay là kẻ chủ mưu..."

Khi Tâm đã an tọa bên bàn, nhẩn nha vắt xôi cùng ăn với Nam, cuộc bình luận nhân vụ vây ráp tra tấn trẻ con lại tiếp tục, với lời than của Hải:

- Thật là thô bạo! Chừng ấy mà cũng vây ráp bắt bớ rồi đánh con người ta thâm tím cả mặt mày thế này. Kiện đi anh Hưng.

- Thôi, dù sao lũ trẻ ít nhiều cũng có lỗi. Các chú công an ở đây thế là còn nhân đạo. Cô không nhớ vụ tay Nguyễn Công Tuần đánh chết em Thanh ở Vĩnh Phú mà báo "Tuần tin tức" đã tố cáo à?

Vụ án Hưng gợi nhắc đã làm mấy anh em tạm quên điều không may riêng cho Nam. Hải sốt sắng tiếp lời:

- Kể cả vụ nêu trên báo thì còn nhiều. Báo "Tuần tin tức" không biết có bao nhiêu phóng viên mà khui ra lắm vụ thật động trời. Như vụ ở huyện Vị Thanh, Hậu Giang, khi mấy gia đình bị cướp, công an bắt một người có nghi vấn rồi đánh đập, nhốt hầm tối, buộc anh ta nhận tội, khai ra 5 người nữa. Năm người này cũng bị đánh đập, giam hầm tối, buộc phải khai ra 4 người nữa. Cả 9 người bị giam gần hai năm. Đến khi một toán cướp sa lưới, khai ra tội ác của chúng, 9 thanh niên vô tội mới được tha. Cũng ở Vị Thanh, có người bị xử tù 12 năm vì bị đánh quá đau, phải theo mớm cung của công an nhận tội giết em vợ. Nhưng hai năm sau, dân làng phát hiện ra người bị giết đang chăn vịt ở địa phương bên cạnh!

Vợ Hưng nhỏ giọng bình phẩm:

- Thật y như chuyện cải cách!

Hưng không để ý mấy đến lời bàn của vợ, hướng sang phía em gái, thong thả nói:

- Các cô giáo cũng chịu khó đọc báo đây. Có một vụ báo "Tiền Phong" tố cáo thật là độc đáo mà hình như ít người chú ý. Chỉ vì tội tát cá và đào gốc sú vẹt lẫn vào khu vực hồ nuôi tôm của đơn vị mà 8 chiến sĩ bị tay thượng úy đội trưởng bảo vệ hồ bắt, lấy sắt uốn cong nung đỏ dí vào trán cả tám người! Điều đau xót và đáng suy nghĩ là tay thượng úy vốn là con nhà nghèo, từng được bầu là chiến sĩ thi đua lại là đảng viên!

Đến lúc này, chị Thanh mới góp lời:

- Cũng không hiểu sao dạo này các vụ đánh đập tàn nhẫn lại xẩy ra nhiều như thế.

- Không hẳn thế đâu chị ạ. Chỉ vì trước đây, những chuyện như thế đều bị ém nhẹm. Có ai nói ra thì liền bị lên án là "bôi xấu chế độ"! Thật là chuyện ngược đời.

Hưng dừng lời uống ngụm nước, như để làm dịu bớt cơn nóng vừa bốc lên rồi buông một câu đầy vẻ bất lực:

- Con người ta lại có thể đối xử với nhau độc ác như thế, nghĩ cũng kỳ cục thật!

Từ nãy, Tâm chưa góp lời, nhưng câu chuyện đang luận bàn lay động đến những chỗ sâu xa nhất trong lòng anh, vắt xôi trong tay anh đã bóp nhuyễn ra mà anh như đã quên, chẳng buồn đưa lên miệng. Miếng xôi anh vừa cắn ăn cũng chưa nuốt được. Cái trán cao láng bóng của anh nổi những nếp nhăn và khoé miệng lại xô dồn đầy vẻ khó nhọc. Anh cố nuốt gọn miếng xôi, chiêu một ngụm nước, rồi nói, từng tiếng lựa chọn, cân nhắc kỹ càng:

- Con người ta không phải ai cũng đối xử với nhau độc ác như thế. Các cụ ngày xưa thì bảo "nhân chi sơ tính bổn thiện". Điều ấy đúng hay sai chắc là còn phải bàn, nhưng đừng vơ đũa cả nắm. Cứ thử điểm mặt xem những kẻ đã đối xử với đồng loại tàn nhẫn như thế là những ai.

Quanh bàn lặng phắc hình như ai cũng ngại nói to lên một sự thật dù đã hiển nhiên.

Trong gia đình, chị Thanh là người có thế chính trị vững nhất, công việc nghiên cứu hàng ngày cũng liên quan đến vấn đề Tâm vừa nêu, nhưng chị đã quen nếp sống "nói năng phải có tổ chức". Thế là Hưng, con người đang bị nghi ngờ theo dõi đã đảm nhiệm vai trò lính xung kích nói toạc ra một sự thật đáng buồn:

- Thì còn ai nữa! Không là bảo vệ thì cũng công an, xã đội, rồi chủ tịch với lại chủ nhiệm. Phải chịu anh Tâm là người thâm thúy. Em nhớ là cụ Mác đã nói đến nguy cơ con người bị tha hoá bởi quyền lực.

- Le pouvoir corrompt par essence!

Tâm nói bằng tiếng Pháp rồi cắt nghĩa - "Bản chất của quyền lực là làm hư hỏng con người!" Vậy đó!

Tâm ngửa hai bàn tay gầy mảnh trên mặt bàn, như muốn tỏ ý rằng điều anh vừa nói là tất cả cội nguồn của vấn đề.

- Anh Tâm nói thật là chí lý!

Hải nồng nhiệt tán thưởng và liền đưa trưởng phòng giáo dục của mình làm dẫn chứng. Vị trưởng phòng ấy, khi còn là một giáo viên thường, đều được anh em yêu mến; nhưng sau mấy năm giữ chức trưởng phòng, y đã "sáng tạo" ra một thủ đoạn làm tất thảy giáo viên kinh sợ: cứ đến cuối năm học, y cho phao tin sẽ thuyên chuyển hàng loạt giáo viên đi xa nhà; thế là trong mấy tháng hè, những người bị "điểm danh" ấy lục tục kéo đến nhà riêng y với món quà hậu hĩnh để "xin thầy thông cảm..."!

Chị Thanh đã định rút lui khỏi cuộc luận bàn từ nãy. Chẳng phải chị thuộc loại cán bộ nắm quyền lực hư hỏng bị "chạm nọc". Chị cảm thấy với đề tài khá là hóc hiểm này, các "diễn giả" thì chưa quen kiểu ăn nói có tổ chức, rất dễ dẫn tới những ý kiến cực đoan dễ bị hiểu lầm. Sợ mấy anh em đi quá đà, chị góp lời, cố lấy giọng vui vẻ (chị còn mỉm cười nữa kia!) những mong hạ tầm mức quan trọng của vấn đề:

- Anh Tâm nói cũng có phần đúng. Nhưng điều khiển guồng máy xã hội phức tạp, không có bộ máy quyền lực thì làm sao được. Nói gì chuyện to lớn, anh cứ đi ra Cửa Nam vào giờ tan tầm, không có người công an đứng điều khiển, đố ai dám qua đường. Ấy là chưa nói phải đối phó với những phần tử xấu. Mà thực tế, đâu phải những người nắm quyền lực đều hư hỏng và độc ác.

Hưng bỗng thoáng mỉm cười. Anh thấy vui vì chị Thanh đã vào cuộc. Hưng xoay người, đối thoại với chị, giọng hăng hái hẳn lên:

- Luận điểm chính thống của chị thì ai mà cãi nổi. Vấn đề là phải chỉ rõ nguy cơ...

Điệu bộ hăng hái của Hưng quả đã lôi chị Thanh vào cuộc. Chị ngắt lời Hưng:

- Không nên nhìn nguy cơ đó từ bản chất của quyền lực. Còn một khía cạnh khác nên chú ý. Vạn vật chuyển động đều có quán tính. Con người ta cũng vậy thôi. Bộ máy chuyên chính của ta suốt mấy chục năm quen đối phó với kẻ thù, chỉ có trấn áp và tiêu diệt; nay tình thế đã khác mà quán tính cũ vẫn còn, nên sinh chuyện.

- Chị để em nói nốt. Cứ cho là vì "quán tính" đi. Vấn để là phải tìm ra cơ chế ngăn chặn và bản thân người nắm quyền lực phải có sức đề kháng chống lại những cám dỗ dẫn đến sự tha hóa.

Tâm xen vào hỏi, giọng nhẹ nhõm, như một quả "bỏ nhỏ" giữa sân bóng chuyền đang hồi sôi động:

- Theo chú thì làm sao để con người có chất đề kháng ấy?

- Thì có cách nào khác là rèn luyện đạo đức. Con người phải có đạo lý theo đuổi. Với người cán bộ bây giờ thì đó là đạo lý của người cộng sản.

Từ khi chị Thanh vào cuộc, Hải chăm chú lắng nghe, nay đứng dậy, lại bíu vai chị, nheo mắt cười, giọng vui nghịch ngợm:

- Chị thấy anh Hưng lập trường ghê không! Thế mà chị cứ...

Hải không nói hết ý, sợ xúc phạm đến người anh. Hưng thì vẫn đang hào hứng tiếp tục đối thoại với Tâm:

- Còn với anh thì tùy, có thể đó là đạo Thiên Chúa!

Xem chừng câu chuyện còn kéo dài, chị Thanh vội đứng lên, vừa nói vừa cười:

- Thôi thôi, tôi xin cáo lui trước. Ở nhà còn lo tí việc. Nói theo ngôn ngữ của Hưng thì xin nhường cho vị triết gia lang thang và mấy anh em đàm đạo.

Trong những cuộc cúng giỗ, gặp gỡ anh em bà con, bao giờ chị Thanh cũng là người xin phép rút lui trước. Chị bảo vì công việc bận rộn. Quả thật, suốt đời chị, lúc nào cũng bận bịu công việc, mà xem chừng đều là công việc quan trọng cả!

Chị Thanh vừa đi thì có tiếng gõ nhẹ vào cánh cửa ra vào, cửa chỉ khép hờ, khách là chỗ quen biết, nên chủ chưa kịp ra đón, khách đã bước vào. Đó là một người đàn ông tóc đã chớm bạc, khuôn mặt quắc thước, thân hình cao lớn đứng chật cả khung cửa. Hưng réo lên:

- A! Anh Kiên! Sao bây giờ anh mới đến?

- Thì cũng để gia đình xong việc đã.

- Kiên vừa đáp vừa bước lại phía Tâm. Tâm cũng đã đứng đậy, kéo bạn lại ngồi cạnh mình. Kiên choàng cánh tay dài qua đôi vai mảnh nhỏ của bạn, nói nhỏ:

- Nghe Hưng bảo cậu có ra. Vẫn khỏe chớ?

- Mình thì có làm gì mà không khỏe. Như cậu mới mệt.

Giọng Tâm nghe thoáng nụ cười. Hưng rót nước mời khách rồi nói, vẻ tiếc rẻ:

- Chị Thanh vừa về xong! Anh đến sớm một lúc có phải hay không...

Như ngại Hưng gợi lại chuyện cũ, Kiên vội nói:

- Cái số bọn mình là không gặp nhau. Thế nào, mấy anh em đang nói chuyện gì đó?

- Anh đừng có lãng chuyện. Bọn em đang trông có dịp anh, anh Tâm và chị Thanh gặp nhau. Đúng là ba mặt một lời, nhất định là rõ mọi chuyện.

- Từ từ Hưng ơi. Đâu còn có đó. Câu chuyện gần nửa thế kỷ chứ ít ỏi gì?

Đã mấy lần, Tâm nói những lời tương tự chẳng phải câu chuyện cũ của cả ba người có gì phải giấu giếm, nhưng mỗi lần gặp gỡ, những câu chuyện của "thì hiện tại" ngổn ngang, nóng hổi cứ lấn át đi. Chao! Đúng là vừa tròn nửa thế kỷ, kể từ ngày Kiên gieo hạt mầm cách mạng đầu tiên trong lòng anh. Năm 1938, hồi đó, anh đang theo học ở Huế...

...Khi trong căn nhà mọi người đã ngủ yên, Tâm thắp một nén hương lên bàn thờ và đứng rất lâu trước di ảnh hai vị song thân. Trong làn hương lan tỏa giữa đêm khuya tĩnh mịch, bao nhiêu là hình ảnh và kỷ niệm, những câu chuyện ngày qua và hôm nay nối nhau hiện ra lay động lòng anh. Trước hết là Mẹ với bàn tay gầy guộc lần nắm tay anh, thầm gọi tên anh trước khi người vĩnh biệt cõi trần. Rồi đám tang trọng thể với hàng mấy chục vòng hoa kính viếng, một vinh hạnh mà anh không ngờ có được. Bố anh, thì lại phải chết đau đớn vì bạo lực. Trớ trêu thay trong con mắt anh thì bố anh tuy có thời nắm quyền lực, nhưng lại là người giàu lòng nhân ái. Có phải do bố anh theo nghiệp khoa cử, thuộc sách thánh hiền, thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh? Thế còn người đạp xích lô thì chắc là nhờ thuộc mười điều răn của Chúa? Anh bạn Kiên tốt bụng thì hẳn là do đạo lý cộng sản đã thấm vào máu thịt con người anh. Ông Huân - bố Kiên, là Đảng viên từ năm 1930. Còn bà ngoại và bao nhiêu là bà già phúc hậu anh từng gặp trên đường đời thì theo đạo nào? Không! Có cái gì đó là chung cho mọi người, vượt lên sự khác biệt về đẳng cấp, về tôn giáo. Chứ lịch sử đạo Thiên chúa từng ghi biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu của những người cùng vác khổ giá tượng hình Đức Giê-su và người thuộc sách "thánh hiền" thì cũng có bao kẻ tàn bạo, coi sinh mạng người dân như cỏ rác, chỉ cốt vinh thân phì gia...

Phải, có cái gì đó là chung cho mọi người, là cội nguồn của tất cả mà bao lâu nay con người ta vì quá nhấn mạnh sự khác biệt và theo đuổi cuộc hơn thua nên đã đánh mất, đã bỏ quên. Một cái gì lờ mờ, trừu tượng, anh muốn nắm bắt mà không được. Cho mãi đến lúc anh lại ngồi bên giường, nơi anh và Kiên vừa ôm vai nhau hồi nãy, trước mắt anh bỗng hiện ra làng quê, dòng sông, ngôi trường tiểu học... cái nôi chung mà từ đó, anh và Kiên đã lớn lên. Bây giờ, sau bao nhiêu chìm nổi của cuộc đời, hai người dù chính kiến khác biệt nhau, lại được ngồi ôm vai nhau như đôi bạn ngày ấu thơ trong cái nôi chung của người Mẹ Việt Nam.

N.K.P
(SH36/03&04-89)


-------------
(1) Tiếng Nga: Tạm biệt.








 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Đêm thánh nhân (22/04/2010)
Kho báu (13/10/2009)