Tiểu thuyết
Nhịp đập cánh bướm
08:11 | 09/07/2009
DƯƠNG THÀNH VŨ           Trích tiểu thuyếtChương hai

Thằng bé tỉ mẩn đặt cái lồng chim ở chạc ba cây vú sữa, dùng dây buộc chặt. Nó có mặt ở vườn cây sân nhà từ lúc bình minh hắt những tia sáng ngày mới lên chân trời và bây giờ, nắng ban mai phủ lung linh tán lá, thả từng mảng bóng râm lẫn đốm sáng dịu xuống mặt đất. Bên dưới bầu trời trong xanh cao vút, mây vảy cá trắng mỏng lưa thưa, hứa hẹn một ngày nắng gắt. Tuy thế, mấy hôm nay thời tiết rất thất thường, buổi sáng nắng chói chang nhưng vào đầu buổi chiều mây đen lại xuất hiện, sấm chớp liên hồi rồi mưa trút xuống như thác đổ. Những cơn mưa trái mùa với những đợt nắng trái mùa. Theo kinh nghiệm dân gian, đó là điềm xấu.
Đặt xong thức ăn nước uống cho chim, thằng bé mở toang cánh cửa lồng, tuột xuống đất; hài lòng ngắm công trình của mình bằng đôi mắt rạng ngời đầy nắng. Nó không quan tâm tới những trái vú sữa sót lại từ mùa trước đã khô quắt rơi rụng, và trên nhánh cành, những mầm non vừa nhú lộc mới, khởi đầu một chu kỳ sinh trưởng.

Thời bằng tuổi cu cậu, chàng cũng từng lấy cái rá tre thủng đít lót rơm khô vào, đặt trên cây gọi mời đôi chim nào đó đến xây tổ ấm; cũng với đôi mắt rạng rỡ lung linh những đốm nắng. Và, khi học bài thơ ngụ ngôn “Con ve cái kiến” của La Fontaine, in trong sách giáo khoa; chàng còn làm cho lũ ve ngôi nhà trú đông. Lớn lên chàng mới biết, lũ chim chỉ muốn tự làm tổ cho mình, ngoại trừ những chú chim bồ câu đã được thuần hoá; còn đời nghệ sĩ ve sầu cũng ngắn ngủi như mùa hè tuổi thơ của chàng. Và, đoạn trường sinh thành chuyển hóa từ đời ve côn trùng đến kiếp ve nghệ sĩ, cũng nhọc nhằn đau đớn - lặng lẽ cô đơn như cuộc đời của người nghệ sỹ sáng tạo, trước khi dâng hiến cho đời tiếng tơ lòng, biến con chữ thành nghệ thuật ngôn từ, thành văn chương.

*
- Chú thấy thế nào?
- Theo kinh nghiệm của người lớn, muốn bắt được chim thì phải biến cái cửa lồng chim của cháu thành cái bẫy sập.
Gương mặt tươi tắn của thằng bé xịu xuống. Nó cúi mặt dí dí ngón chân xuống đất. Có lẽ nó đợi chờ một lời khen chứ không phải là kinh nghiệm của người lớn. Lát sau nó buồn buồn nói:
- Cháu chỉ muốn rủ các bạn chim đến chơi thôi mà.
- Kinh nghiệm của người đi trước…
- Cháu không muốn làm theo kinh nghiệm của người lớn đâu.
- Mình thật ngu ngốc!
- Chú nói gì thế?           
- À, nếu chỉ kết bạn thôi thì cần gì cái lồng?
- Nhưng chim cũng cần có nhà chứ ạ!
- Với những con chim đã bị thuần hóa thôi.
- Biết đâu các bạn chim lại thích cái nhà cháu dành cho chúng?
- Theo chú, cháu nên mua một cặp chim về mà nuôi.
Thằng bé quả quyết:
- Cháu không mua bán tình bạn đâu!
- Theo kinh nghiệm của chú…
- Cháu nói rồi, cháu chả thích kinh nghiệm của người lớn đâu.
- Cháu bé ạ, rồi cháu cũng thành người lớn thôi. Tuổi thơ của nhân loại ngắn ngủi lắm.
- Cháu được gọi là “ông cụ non” đấy!
- Cháu có thích đọc truyện cổ tích không?
- Cháu đã khóc khi đọc câu chuyện “Cô bé bán diêm”. Cháu cũng đọc thấy niềm hạnh phúc của cô bé trong mỗi đốm lửa sáng lên từ những que diêm trong đêm mùa đông giá lạnh… Sao chú không viết truyện cổ tích?
- Mỗi nghệ sĩ có một cõi sáng tạo riêng. Và, người cầm bút chỉ thực sự trở thành nhà văn khi tìm thấy cõi riêng ấy. Không phải cứ yêu thế giới cổ tích, yêu thế giới trẻ thơ, yêu những khát vọng - ước mơ lộng lẫy là có thể viết được những câu chuyện “cổ tích”trên trang giấy, hay, đáng quí hơn: trong đời sống thường nhật.
Tuy nhiên, những người dẫn đường các cháu cũng viết truyện cổ tích đấy! Họ là thiên tài kiệt xuất mà! Có điều, họ chỉ thích sáng tạo ra những tên phù thủy đội lốt Ông Tiên, chí ít cũng muốn biến các cháu thành những con thú nhồi bông cho dự tưởng siêu hình nào đó. Cho dù “mộng vàng năm cũ/chỉ là mơ qua”
- Sao lại thế?
- Thú thật chú không biết!
- Không biết sao lại nói?
- Ngu thật!
- Chú lại lầm bầm gì thế?

*
Trong giấc chiêm bao chàng mơ thấy đã hoàn tất xong cuốn tiểu thuyết “Con Ngỗng Bay”. Tất nhiên chàng chưa viết dòng nào cho cuốn sách ấy cả, dẫu rằng nó thường xuyên ám ảnh, chờn vờn trong tâm trí-tâm thức-tâm tưởng-tâm cảm của chàng. Chàng bất lực nhìn trang giấy trắng như con ngỗng ao nhà bất lực nhìn đàn ngỗng trời xoãi cánh cùng bao la trên vòm trời cao xanh lồng lộng.

Chàng lang thang trong chiêm bao và trở về ngôi nhà tuổi thơ, nơi có cái rá tre cũ đã biến thành cát bụi và chiếc hộp gỗ dành cho nghệ sĩ ve sầu trú đông mục nát đâu đó trong xó vườn. Mà không, chẳng thấy khu vườn đầy tiếng ve vào mùa hè tuổi thơ thanh bình xa lắc đâu cả; ngôi nhà cũng đã thuộc về chủ khác, được xây mới sau chiến tranh. Chỉ thấy một thằng đểu lạ hoắc đang tiểu tiện trước ngõ. Nhìn kỹ, hóa ra là tay bố dượng, kẻ đã bỏ rơi mẹ chàng. Buồn bã trở về, chàng lại gặp hắn đang làm tình với vợ chàng. Chàng túm cổ hắn, hắn thoi vào mặt chàng. Đàn ngỗng trời bay vụt đi. Nhưng hắn đã chết rồi kia mà! Căn nhà đột ngột ngập lụt. Khi nước rút, chàng chở đứa con trai thứ ba trên chiếc mô tô hai bánh nhãn hiệu Simsơn do Đông Đức sản xuất, thời chiến tranh lạnh. Trong thành phố xa lạ chàng lạc mất lối, đang loay hoay tìm hỏi đường ra thì đâm sầm vào ngõ cụt, bị dòng kênh đen ngòm hôi thối cắt ngang, nước cuồn cuộn tràn bờ, ngập đường sá nhà cửa. Chàng thối lui trước đôi mắt bất lực và cam phận của ông già ngồi bó gối trên chiếc bàn độc đặt trước tủ thờ, trong ngôi nhà trống hoác.

Chàng trở đầu xe và không thể nào khởi động lại máy. Thằng con bước xuống chạy lon ton và rơi luôn vào cái giếng nằm ngay giữa đường. Trước đây cái giếng nằm trong khu vực dân cư. Khi con đường được nâng cấp và mở rộng, nó lọt vào chính giữa. Cái giếng vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng; cho dù hệ thống nước máy đã băng qua đây, cung cấp cho khu công nhiệp vừa đi vào hoạt động. Chàng định nhảy xuống cứu nó thì nó bảo chỉ cần ném một đầu dây gàu xuống rồi kéo nó lên, nó trượt chân mấy lần vì thành giếng quá trơn. Một bầy ngỗng trời bay qua. Chàng tỉnh giấc.

*
- Có bạn chim nào đến với cháu chưa?
- Có, nhưng chúng không chịu vào lồng nhặt mồi.
- Chắc là chúng còn sợ.
- Chú tin các bạn chim hiểu được tình cảm cháu dành cho các bạn ấy không?
- Chú còn tin các bạn chim còn nghe và hiểu được tiếng nói của cháu nữa kia.
- Trong truyện cổ tích nói xưa kia muông thú và con người đều trò chuyện được với nhau. Về sau do con người gây ra quá nhiều tội lỗi nên ông Trời không cho con người còn nghe được tiếng nói muôn loài.
- Có lẽ đó không chỉ là câu chuyện hoang đường. Bởi hầu như trong kho tàng truyện cổ tích của các dân tộc trên thế giới đều có những câu chuyện con người và loài vật trò chuyện, thông hiểu lẫn nhau.

Chàng không thể nói với chú bé, rằng ngôn ngữ loài vật khác xa với ngôn ngữ loài người. Bởi ngôn ngữ loài người thì luôn đổi mới luôn phát triển, và có sự khác biệt giữa các cộng đồng dân tộc, giọng nói các vùng miền, thậm chí giọng nói còn phần nào nói lên tính cách của con người; còn ngôn ngữ loài vật thì không: con bò ở làng quê Việt Nam tiếng rống cũng giống với con bò ở trang trại nước Mỹ. Chàng nghĩ, không nên dập tắt niềm tin ngây thơ nơi chú bé. Tâm hồn thơ dại cần được nuôi dưỡng bằng những huyền thoại. Hơn thế nữa, biết đâu người lớn lại sai?

- Hồi nhỏ chắc chú mê truyện cổ tích lắm?
- Hồi học lớp ba trường làng, chú còn may mắn được làm học trò một Người Thầy kể chuyện cổ tích rất tuyệt. Thầy còn đọc cho cả lớp nghe truyện Ngàn lẻ một đêm, Vô gia đình, Những tâm hồn cao thượng… Và, để cho học trò của Thầy hiểu rõ cái đẹp của văn chương, đặc biệt là cái đẹp ngôn ngữ đơn âm của tiếng Việt cũng như ngôn ngữ đa âm tiết trong nguyên tác; khi đọc tới những đoạn miêu tả vẻ đẹp đất trời, vẻ đẹp tiết mùa ở miền quê, nơi cậu bé Rê-mi, nhân vật chính trong tiểu thuyết Vô Gia Đình sinh sống, trước khi dấn thân vào gió bụi phong trần; thầy đọc nguyên văn tiếng Pháp với ngữ điệu trầm bổng du dương, rồi đọc bản dịch của Hà Mai Anh, với ngôn từ thơ mộng, văn phong mượt mà. Những tiết học ngoại khóa vào mỗi chiều thứ bảy năm xưa ấy in đậm trong tâm hồn chú, thành bản ngã, thành đời sống tâm linh của chú; nâng chú đứng lên mỗi lần vấp ngã trên đường đời; nhắc nhở chú rằng, trong cuộc đời này vẫn hiện hữu những thế giới cao đẹp, trong lành, thơ mộng… mà chú chưa đủ sức tìm thấy. Và nếu đừng ngã lòng, cứ kiên trì tìm kiếm, chắc chắn ai cũng sẽ tìm thấy: thế giới ấy là có thật. Chú cầu nguyện cho mọi đứa trẻ trên đời này đều có duyên lành gặp được Người Thầy khai tâm lành. Theo chú, đó là toàn bộ sứ mạng của giáo dục.

D.T.V
(244/06-09)

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)