NGUYỄN THỤY KHA
Tiểu Thuyết Tư Liệu (Trích)
XII TINH HUYẾT
Có thể nào quên được
Câu thơ buồn vương cây ngô đồng...
N.T.K
Bích Khê lội bộ từ núi Ấn về tới nhà thì nhận được thư Trí và bài tựa cho tập "Tinh huyết". Chàng mừng quá, xé ngay thư xem. Và cứ thế, nước mắt ứa ra làm nhòe những con chữ thân thuộc của Trí.
Lần rồi ghé Quy Nhơn thăm Trí, Bích Khê thấy Trí sa sút quá. Mình đau khổ có kém gì Trí, nhưng hình như ở bên nhau, an ủi nhau cũng làm vơi được chút ít sự xót xa trong nhau. Ba bài thơ "Thi tứ", "Anh ấy" và "Thời gian" của Bích Khê được Trí khen là tài và tình hòa hợp một cách song toàn, rung cảm người đọc đến da diết, tê mê. Bữa ấy, thương Trí, dù biết Trí đã từng yêu Mộng Cầm - là bậc cháu, Bích Khê vẫn tặng Trí tấm ảnh chàng chụp chung với chị Ngọc Sương. Ý ngầm của Bích Khê là muốn hình ảnh chị Ngọc Sương sẽ gây mộng cho Trí nguôi ngoai bớt u sầu. Quả nhiên, Trí đã làm thơ gửi cho Bích Khê.
Ta đề chữ Ngọc trên tàu chuối
Sương ở cung Thiềm nhỏ chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Nư giận đòi phen cắn phải môi.
Bích Khê xem xong vui mừng nhưng giấu chị. Chàng đã thành công trong một kế "bá đạo" thuộc tình cảm. Chắc chắn Trí lại hồi hộp, lại mong chờ, lại mộng mị. Và vì thế mà có thể, quên bớt tật nguyền.
Khoái chí vì được Trí khen thơ, Bích Khê đã tập hợp thành một tập gửi cho Trí thì Trí gởi trả lại và chê quá kém, nhiều lời phê bình rất nặng nề. Bích Khê giận run người, xé nát tập thơ và viết cho Trí một câu thề: "Trong sáu tháng tới sẽ trở thành một thi sĩ phi thường. Bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa". Cú huých của Trí thật công hiệu. Chỉ ba tháng sau, Trí đã nhận được tập thơ "viết bằng máu huyết tinh túy và châu lệ và tất cả say sưa đắm đuối của một hồn thi sĩ”. Đấy! Trong thư Trí viết cho Bích Khê là Trí đã mừng ứa nước mắt, nằm ôn tập thơ suốt một buổi chiều sau khi đọc xong. Trí gọi tập "Tinh huyết" của Bích Khê là "một bóng lạ nở hương, một thứ hương quý trọng thơm đủ mọi mùi phước lộc! Một đóa hoa thần dị. Lòng Bích Khê như tê dại đi trước những con chữ của Trí: "Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu...". Trời ơi! Bích Khê chỉ muốn băng ngay khoảng cách xa giữa đất Thu Xà cô quạnh này tới túp lều tranh bên bờ biển của Trí để cùng được sẻ chia những gì Trí dành cho Bích Khê. Những con chữ của Trí như có thần linh đang xô chạy vào mắt Bích Khê.
"... Ở Sọ người cũng như ở Tranh lõa thể, sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ, của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết. Quả nhiên là một sự không khen thanh tao quá đến ngọt lịm cả người và cả thơ.
Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ
Ô tiên nương, nàng lại ngự nơi này
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm?
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương, hay nhan sắc lên hương
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Trực giác của thi sĩ mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đường nao nao gợn và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc. Và thấy mái tóc y huyền xinh như một mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là đêm đang ngủ mơ.
Nếu chẳng phải là một nghệ thuật siêu thần, thi nhân làm sao đưa đến một nguồn sống phong tình mà thanh khiết cho giai nhân? Để có cái ma lực huyền diệu cám dỗ được ngũ quan của người trần...
Sự say mê, tìm kiếm những nguồn hoan lạc vô biên, đã dần dần đẩy thi nhân vào bờ bến của huyền diệu. Ở đây, sự mường tượng của thi nhân lại dồi dào hơn nữa, người ta chỉ gặp toàn âm thanh đương ngã ngớn, với muôn thứ xạ hương bay lẳng lơ trong lồng nhạc, trong khi đó hàng hà sa số là ánh hào quang va vào hồn hoa, chạm nhằm không khí lạ. Không có sự say đắm nào ở phương xa, hay sự mong nhớ nào cách biệt mà không đến đây để xum vầy, gây nên cảnh tượng đoàn viên của một mùa thơ, mùa trăng bát ngát.
Ở địa hạt huyền diệu, ta thấy thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc. Trong khi nói đến nhạc, thi nhân nghĩ ngay đến những cung cầm chơi vơi, âm điệu rung động cả không gian. Vì bởi mê man với sự "nhẹ nhàng, nhịp nhàng thơ đều trong sương", thi nhân đã sáng tạo được rất nhiều bản ca thần tình, diễm ảo. Và nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi, run rẫy hay âm thầm nức nở, lanh lảnh như giọng cười, mơn man như ân tình dò hỏi:
... Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi! thu mênh mông!
Đây là cả một trời yêu thương da diết, một trời tương tư, một trời âm hưởng, buồn não, buồn nề:
Vàng rơi! Vàng rơi! thu mênh mông!
Thi nhân kéo ta đi lướt thướt trong cõi u hoài, đằm thắm từ những bản đàn xôn xao hồi hộp như Tỳ Bà, Mộng Cầm Ca, Hoàng Hoa, sang qua thế giới hào quang, gãy cho ta nghe một điệu nhạc hiền hòa và ngọt ngào vô cùng đến tê cả lưỡi và hàm răng:
Ô nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc
Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương
Màu trăng không gian như gờn gọn sóng
Từ ở phương mô nhạn mang thơ về
Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu
Đây dây trinh bạch khóc mướt trong mơ
Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ
Ô cõi lầu mây ánh gì kim cương
Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường
Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà
Thơ ngà ngà say thơ ngà ngà say
Nàng ơi đừng động có nhạc trong dây
Nhạc gây hoa mộng nhạc ngát trời mây
Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động
Ô nàng tiên nương hớp nhạc đầy hương
Đây là một lối sáng tạo, bỏ vần ở chữ thứ tư (vần giữa) ta đọc đến những câu:
... Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương
... Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ
... Thơ ngà ngà say thơ ngà ngà say
... Ô nàng tiên nương - hớp nhạc đầy hương
Phải chăng ta nhận thấy sóng âm thanh xao gợn, nổi trôi, lên xuống như muôn hoa lá bị cơn gió lùa. Lời thơ rất thanh: ngào ngạt những tình ý say sưa, mát mẻ, phổi ta, tim ta, hồn ta nở nang ra, háo hức một lương duyên kỳ ngộ.
Tác giả khéo dùng hơi và hạ vận ở chữ thứ tư làm cho câu thơ nửa như riêng tây, nửa như thuận hòa...
Chưa hết đâu, thi sĩ Bích Khê vốn là tay sành âm nhạc, đã nghe quen tai những bản nhạc tây như Valse, Menuet, Sérénade, Marahe... đã từng lĩnh hội và thiệp liệp đến thể cách của văn thơ Thái tây, nên am hiểu một cách thông minh những lối sáng kiến từ điệu. Và đây là một đoạn thu phảng phất như âm điệu bài "Reversibilité" và "Harmonie du soir" của Baudelaire hay bài "Féerie" của Valéry:
Trăng gây vàng vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ
Chân nhịp nhàng lắng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ
Trăng gây vàng vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ
Âm thanh là một nửa tinh thần, anh hoa của thế giới huyền diệu. Còn một nửa khác phải là màu sắc phương phi của khí thiêng hun đúc, rạng rỡ cả một trời lưu ly, mã nảo, trân châu. Hình như, đã lâu lắm chàng thi nhân có cái ý niệm bao quát, tân kỳ, đem mình ví với một thiên tượng luôn ấp ủ những khói mây huyền ảo.
Màu sắc như ta đã thấy trong các thi phẩm đông tây đều gồm có hai tính cách:
- Màu sắc cụ tượng
- Màu sắc trừu tượng.
Màu sắc cụ tượng thì lộ nguyên hình bằng bản chất của nó, như gấm, như hoa, mà ta sờ được, nắm được với đôi tay, còn màu sắc trừu tượng là thứ gì nửa thực, nửa hư, nghe, thấy, biết mà không làm chủ được nó. Ví dụ: Ánh sáng, hương thơm, nhạc vui, không gian, thanh khí...
Màu sắc cụ tượng rất dễ tìm, dễ kiếm, trái lại màu sắc trừu tượng rất khó sáng tạo, vì đây là cái đẹp của thơ, và phải có con mắt của thi nhân, của một kẻ siêu phàm, thoát tục mới nhận thấy cái đẹp thiêng liêng, phép tắc ấy, và mới thấu triệt hết tinh hoa của nó. Với màu sắc trừu tượng, thi nhân có cái công phu làm cho trở nên cụ tượng? Nghĩa là có thể nắm được một nạm hào quang, lùa không gian vào vạt áo, dồn kinh cầu nguyện về phương Nam, cho hai tiếng sáo đuổi nhau là là.
Bắt cái vô hình trở thành hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật câm không còn là câm nữa.
Đây là nghệ thuật và trí tưởng tượng phi thường của thi nhân, nếu thi nhân là một thiên tài.
Bích Khê đã tỏ cho chúng ta thấy chàng xứng đáng với hai chữ thiên tài ấy:
Ôi cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
Một bàn chân ve vuốt một bàn chân
Mát làm sao, mát rợn cả châu thân
Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực
Ôi! thớ thịt có đàn lên cung bực
Bên những chữ cụ tượng như cặp mắt, bàn chân, châu thân, ngực, thớ thịt rất tầm thường không gợi cho ta được một sự rung động tân kỳ nào cả mà thi sĩ đã khéo đưa cho chúng ta một nguồn cảm giác tinh thần khiến đôi mắt ngời sắc kiếm, bàn chân được ve vuốt, châu thân mát rợn lên và thớ thịt lại có đàn lên cung bực.
Và đây là những mầu sắc mầu nhiệm mà trí người thường không tạo ra được:
Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ
Không gian xà cừ hay san hô
Bích Khê lững thững đi. Chàng đã tới rặng dừa bên Cổ Lũy Cô Thôn lúc nào không hay. Trong tâm trí chàng còn đang rối bời những con chữ mà Trí đã trao cho tập "Tinh huyết" của chàng. Gió ùa lên. Đồng mía xào xạc như lay gọi. Chiều ở phía cửa sông Trà thật buồn. Phía xa, núi Ấn như một con dấu khổng lồ đóng xuống sông Trà. Cũng phía xa bên này sông, núi Bút như đang viết lên trời mây những câu thơ rớm máu của một thời loạn ly gươm dáo.
Không hiểu sao, Bích Khê chợt nhớ Hà Nội. Cái quán nước ở đầu ngõ Cấm Chỉ và những bóng dáng sĩ phu Bắc Hà. Chắc Trí sẽ chẳng bao giờ biết đến Hà Nội được nữa. Trí có lẽ là một thi sĩ lớn khác nhiều thi sĩ đương thời là ở chỗ đó. Cũng lạ...
XIII RA ĐỜI
... Một ngọn núi vô cùng
Mùa xuân đông chín lại
N.T.K.
Tháng 6 năm 1939. Mùa hạ Quy Nhơn oi nồng. Mãi cuối chiều mới thấy gió mát từ biển tràn vào. Bệnh tật làm Trí gầy hẳn. Chỉ có đôi con mắt còn linh hoạt như chưa đau yếu gì. Lá thư của Trọng Miên từ Sài Gòn gửi ra khiến Trí nghĩ ngợi mấy bữa nay. Thế nào là thơ? đó là câu hỏi ngàn đời nay. Và chắc là còn hỏi mãi không thôi. Nhưng rõ ràng là mỗi người làm thơ đều có một quan niệm của mình. Trí lại nghĩ đến Bô-đờ-le. Dù sao cái ảnh hưởng của "Mặt trời thi ca" này quả là không nhỏ. Nhưng thi ca Pháp không thể làm mất bản sắc Việt Nam. Những mô phỏng kiểu vẹt lập tức bị đào thải. Riêng Trí, Trí cảm thấy mình đã vươn tới một cái gì khác lạ hơn. Một cái gì lấp lánh đằng sau Thánh kinh, Trí quyết định viết thư trả lời Trọng Miên.
Quy Nhơn, Juin 1939
Miên thân mến
Miên có hỏi Trí về quan niệm thơ. Đối với Trí quan niệm rất khác thường không giống Baudelaire làm. Theo Baudelaire thì va lấy passion làm hứng vị cho thơ. Trước kia nếu Miên lật tập Thơ Điên của Trí ra, Miên sẽ thấy nhiều bài thấm thìa những tình cảm rất nồng và rất say sưa... Trí đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc. Chỗ ấy, hơi đồng một quan niệm với Baudelaire. Trí nói hơi đồng thôi vì trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói: "La passion est chose naturelle..." nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy.
Tình cảm - hay cảm hứng (enthousiasme) - với dục tình (passion) khác nhau nhiều. Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không có một chút gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường ngoài điều răn của Đức Chúa Trời. Tất cả trong thế gian này, hay có một cõi xuất thế gian nào nữa, những thứ gì đã trụ trong hai thế gian ấy (cõi hữu tình và cõi vô vị) đều là hình ảnh của thơ cả. Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ (éléments de la poésie) nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là "thiên thần và loài người ta", Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi Sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie). Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.
Không rên siết là thơ vô nghĩa lý
Hay:
Ta hiểu chị trong áng gió nhiệm màu
Những hạt lệ của trích tiên đày đọa
Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngon ngọt mỹ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ... (genèse d’ un poème). Song le - miệng lưỡi của thi sĩ vẫn nóng ran, vẫn còn khát khao thèm thuồng những vật lạ muôn đời (génie créateur, aimant toujours le nouveau) của thế gian nếm mãi, chưa bưa, chưa ớn, chưa hả hê chút nào. Thi sĩ vẫn đi tìm mãi vẫn còn kêu rên thảm thiết, để đi đến cõi ước muốn hoàn toàn. Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc, những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui đặng, vì thi sĩ nhận thấy ở người con trai cũng như ở người con gái, đều có một tâm thuật nhỏ nhoi tầm thường, không hợp với tánh tình thanh cao của thi sĩ. Vì thế, thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự. Đấng ấy là Đức Chúa Trời - Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng của anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian...
N.T.K
(TCSH51/09&10-1992)