SƯƠNG NGUYỆT MINH
Trích tiểu thuyết
Mãi mãi không bao giờ Miên quên được cây gạo gai cổ thụ bên đầu hồi lán thương binh.
Trên nền trời cuối năm là chi chít cành cây khẳng khiu, xương xẩu đập vào mắt rất khó nhìn. Nhưng đến tháng Ba, hoa nở rộ đỏ rực. Từng bông gạo bung ra thành vô vàn đốm lửa cháy sáng một vùng trời. Quá thì rực cháy, hoa gạo rụng tơi bời dưới gốc, trôi vô tình dưới suối Không Tên.
Có những lúc Miên mơ màng ở trong trạng thái khỏa thân, vai vắt hờ áo blouse trắng. Chị thầm thích thú nhìn tấm thân nõn nà trắng mịn của mình. Chậm rãi, nhẹ nhàng, có phần thướt tha, chị đi trong một khu rừng già lá đỏ rực. Chân trời cũng rực hồng. Vô vàn chiếc lá đỏ năm thùy viền răng cưa nuối tiếc, dùng dằng rời cành.
Rạo rực. Xao xuyến. Một chút bâng khuâng xen lẫn. Miên ước ao tình cảnh này cứ kéo dài không dứt. Chị sung sướng đắm mình ngụp lặn trong không gian đỏ hồng huyền ảo. Có một thoáng tỉnh táo, chị còn ý thức được mình đang chìm trong giấc chiêm bao màu hồng; chỉ có trong mơ chứ cõi trần không hề có cánh rừng già lá đỏ. Nhưng rồi lại bị cơn mơ cuốn đi, nhấn chìm trong một trường đoạn sợ hãi. Như cuốn phim chiếu trên màn ảnh trước mắt, Miên thấy mình hiển hiện bằng da bằng thịt trần truồng ôm đống quần áo hốt hoảng chạy thoát thân. Đằng sau Miên, một lũ lính rằn ri hồng hộc cầm súng rượt theo. Miên chạy ngoằn ngoèo, lách qua các thân cây cổ thụ.
Hành trình giấc mơ bao giờ bước chân chị cũng dừng lại dưới dòng suối Không Tên giữa cánh rừng già lá đỏ. Lạ kỳ! Cơn mưa màu máu biến mất. Chỉ có dòng suối trong lành rì rào cất bài ca cô độc than thở oán trách người đời lãng quên. Nhởn nhơ vài ba cái lá đỏ năm thùy viền răng cưa trôi chậm rãi, nhàn tản. Những hòn cuội trắng dưới đáy nước cũng thôi bắt nắng cuối ngày. Chị nhào xuống dòng suối sạch sẽ tinh khôi. Ngụp lặn. Tẩy rửa. Kỳ cọ.
Không còn cơn mưa màu máu nữa. Không còn cánh rừng già lá đỏ rụng tơi bời, xao xác… Miên trở lại với những hình ảnh quen thuộc ngày thường trong giấc mơ. Lúc tỉnh lại, Miên không thể không ưu tư, lo âu. Giấc mơ vừa thơ mộng, huyền ảo vừa rùng rợn báo hiệu một điều gì? Dự báo điều dữ có mùi tanh của máu hay đã xuất hiện sự biến đổi tư tưởng tình cảm do tổn thương tinh thần?
*
Sau ba mươi năm chia cắt, đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ, các cuộc hành hương bất tận tìm gia đình, người thân, họ hàng cũng đồng nghĩa đi tìm những người thất lạc trong chiến tranh. Không dễ! Những cuộc tìm kiếm triền miên khó như mò kim dưới đáy bể. Người mất tích, có thể bị đạn bom chết rập rạ ở một quả đồi, mảnh ruộng vô danh nào đó; có thể lạc trong rừng và ở lại mãi mãi với rừng, hoặc còn sống mà không nhớ đường về, hoặc mất ý thức lang thang đầu đường xó chợ…
Không ít người bị tâm thần cũng tham gia vào đội quân mất tích. Có vô số nẻo đường phiêu bạt bất hạnh, nẻo đường nào cũng xa xôi mờ mịt.
Bằng linh cảm người đã từng ra trận, mẫn cảm nghề nghiệp, Miên đã nhận ra hầu hết đồng đội dù quen biết hay không trên những nẻo đường lang thang biệt xứ ấy; họ không thể lẫn được với người bệnh dân sự. Gương mặt có bị thời gian băm vằm bao nhiêu nhát cũng vẫn hằn in ký ức máu lửa và nỗi niềm khắc khoải giày vò. Lặng câm và đôi mắt có hoang dại, vô hồn bao nhiêu cũng vẫn lưu đọng hình ảnh trận mạc xa mờ. Nước da có bị nắng mưa tàn phá bao nhiêu cũng vẫn có chỗ sạm đen bởi khói thuốc đạn bom. Điều dễ nhận biết nhất là ngôn ngữ của các chiến thương tâm thần, tiếng la hét, kêu gào, lảm nhảm có thất thường, lộn xộn, vô nghĩa bao nhiêu cũng gạn lọc ra những thuật ngữ quân sự, tiếng lóng nhà binh, lời nói tếu táo của lính.
Miên rối mù với ý nghĩ: Ngày xưa ấy, anh ta ở chiến trường, ở cánh rừng, ở cao điểm nào? Rất có thể Miên đã gặp trên đường hành quân, ở trạm khách; chỉ thoáng qua, chưa đủ để chào hỏi, để quen biết. Rất có thể ở cùng một mặt trận nhưng chưa hề gặp nhau…
Không ai bỏ rơi đồng đội mình. Miên biết họ là những thương binh xổng trại điều dưỡng, trốn bệnh viện hoặc căn bệnh tái phát đột ngột bỏ nhà ra đi. Thu gom, tìm kiếm họ không hẳn là việc làm nhân đạo mà còn là tình nghĩa và trách nhiệm. Chiến tranh là vậy, chỉ một góc nhỏ hậu quả tồn đọng cũng đã đau lòng xót ruột rồi. Thương thì thương vô cùng, có lúc tê tái, ái ngại. Đất nước mình như một bà mẹ nghèo, gầy guộc, quá đông con bị chiến tranh giày vò, quăng quật, thân thể đầy thương tích, thương xót vô cùng nhưng lực bất tòng tâm. Bà mẹ nghèo Việt Nam còng lưng chật vật chất trên vai gánh nặng sau chiến tranh. Bởi vậy, có chỗ này thiếu ăn, chỗ kia thất nghiệp, chỗ kia nữa từng đoàn người lang thang mưu sinh, hoặc chỗ này nữa thêm những thân phận bất hạnh vật vờ cũng là điều dễ hiểu.
Mỗi khi bắt gặp “một nẻo đường lang thang”, Miên lại trào nước mắt tê tái. Chị vô tình hành hạ mình bởi ý nghĩ mình đang bỏ rơi đồng đội, rồi xót xa. Cũng là một con người, nhưng không được sống cuộc đời công dân bình thường; cũng là một chiến binh nhưng không được hưởng một giây hào quang chiến thắng. “Một nẻo đường lang thang” mất lý trí, tình cảm; liệu hồn vía có còn cư trú trong căn nhà thân xác tàn tạ ấy không hay đã biến thành cô hồn phiêu bạt lang thang? Hoặc giả “một nẻo đường lang thang” đang tồn tại chứ không phải sống, thân xác ấy chỉ là một quan tài di động cho cô hồn trú ngụ. Đôi khi Miên thảng thốt âu lo, hay mình cũng đã mắc bệnh tâm thần nặng mà không hề biết, hay mình cũng là cô hồn rồi? Rõ ràng thân thể mình không thương tích, nhưng tâm hồn, tình cảm thì không thể như xưa, không giống trước ngày vào chiến trường. Dường như tâm hồn Miên cũng bị què quặt, thương tật?
Nhưng không phải chỉ đến khi trở ra đất Bắc, Miên mới bị những âu lo biến thành cô hồn giày vò. Ngày ở bệnh xá dã chiến, đã có lúc chị hoảng hốt thấy mình giống một chiến binh tâm thần. Suốt ngày anh hô xung phong, bắn; miệng há ra, đầu lưỡi đánh tới tấp vào hai hàm răng sít lại: tặc tặc… tặc. Trông vừa thương vừa buồn cười, anh em gọi anh ta là "Chiến Binh tâm thần". Chiến Binh tâm thần ôm đoạn lồ ô tươi, lăn lê, bò xoài như lính trận công đồn. Chiến Binh tâm thần ôm “súng” truy kích “địch” từ lán nọ sang lán kia, nhảy chồm chồm trên sạp nứa, chui gầm giường, nấp thành giếng. Chiến Binh tâm thần đi rón rén tập kích vào “đám quân địch” là thương binh đang tắm dưới suối Không Tên. Tặc tặc… tặc kêu suốt ngày làm náo động bệnh xá. Nhóc đã không ít lần túm áo Chiến Binh tâm thần giữ lại, chỉ sợ anh ta truy kích “địch” nhanh quá, mất đà nhảy xuống giếng nước.
Nhưng, cũng có lúc Chiến Binh tâm thần lặng lẽ, trầm ngâm ngồi sưởi nắng. Lúc ấy, Chiến Binh như một ông già khọm đến một trăm tuổi, lành hiền, không quấy phá. Đôi mắt u buồn và thảng thốt sợ hãi một điều gì đó không cắt nghĩa thành lời. Miên cho rằng: căn bệnh này do chấn thương tâm thần. Khám toàn thân không hề xây xát, chẳng có viên đạn cuối tầm cũng không có một mảnh vụn vỏ bom bằng hạt tấm chui vào não. Rất có thể, anh bị ám ảnh bởi một cảnh tượng thương tâm, hay rùng rợn nào đó trong chiến đấu.
Miên thường có sự liên tưởng đến Chiến Binh tâm thần. Một ngày nào đó, chị cũng sẽ bị loại bệnh tương tự như anh ta. Giấc mơ đi qua cánh rừng lá đỏ sẽ không còn nữa và sẽ chỉ còn cơn mưa máu cùng xương thịt rơi vung vãi…
*
Miên đã kể về giấc mơ của mình cho Nhóc nghe.
Nhóc sững sờ ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ. Thông thường, con người ta gặp những chuyện chấn động tâm can, ám ảnh lúc ban ngày sẽ mang theo vào giấc mơ lúc ban đêm. Chuỗi hình ảnh xảy ra trong giấc mơ Miên vừa kể không giống những chuyện đã từng xảy ra với chị mà Nhóc có một phần can dự. Sẽ có điều gì đó sắp xảy ra với Miên? Và sự kiện, giấc mơ mới chôn vùi, đè lấp sự kiện, giấc mơ cũ.
Lẽ nào Miên đã quên buổi hoàng hôn màu máu ấy. Những ký ức lộn xộn của Miên bị rối tung và chị không nhớ nữa. Cần phải đánh thức và ghi nhớ một khúc đời, một biến cố dữ dội, một buổi hoàng hôn ám ảnh ấy. Nhóc kể, kể không giấu giếm. Có gì đáng phải giấu giếm khi số phận Nhóc và Miên đã bị chìm nghỉm, bị nuốt chửng vào buổi hoàng hôn màu máu ấy. Chân thành, dào dạt, Nhóc kể chẳng chút ngượng ngùng, e thẹn: về những giọt nước li ti bắn vung theo vòng quay đuôi tóc dài của Miên; về dáng hình kiều diễm khỏa trần tạc vào hoàng hôn của chị; về phút giây bấn loạn khi suối máu từ thượng nguồn đổ về. Nhóc chắp cánh trí tưởng tượng của Miên dài ra, xa mãi.
Miên bị cuốn hút vào câu chuyện; cũng có thể chị đã tìm lại bóng dáng của mình lưu lại trong nước suối giữa rừng hoang vắng. Và Miên đã hình dung ra những tia nắng hình rẻ quạt hồng rực xòe ra như bức tường ngăn che giấu thân thể mình. Miên bị tiếng nước réo và hình ảnh thác máu đổ cuồn cuộn từ phía thượng nguồn khuấy đảo vùng tăm tối tâm thức… Miên giật mình lăn từ hòn đá mồ côi xuống suối. Miên hoảng sợ đứng lên rồi lại ngụp xuống. Nước máu đỏ vỗ oằm oặp vào mảng ngực trần trắng vừa nhô lên lại chìm ngập. Quạt nước mấy sải, Nhóc giơ tay ôm được Miên. Sóng máu đỏ vờn trên vai, đánh ập vào mặt chị. Miên hoảng hồn ôm chặt cứng lấy Nhóc. Và cũng đúng lúc ấy cơ man là mũ sắt lính trận từ phía thượng nguồn trôi về. Điều lạ kì này đã xảy ra hay câu chuyện của Nhóc chắp cánh giấc mơ Miên những điều không có thật. Trong lúc tâm trí nhập nhằng, rối bời bởi câu chuyện Nhóc kể, Miên chợt nhớ lại được: có mũ sắt thật. Rất nhiều mũ sắt nổi trôi lập lềnh. Cái vẹn nguyên, cái sứt mẻ, cái bị xuyên thủng lỗ ở vành, cái méo… Mũ sắt va vào nhau cạch… cạch. Âm thanh khô khốc, lạnh lùng, ghê rợn như tiếng gõ đếm cô hồn qua sông Nại Hà của tiểu ngạ quỷ. Mũ sắt vướng vào gành đá. Mũ sắt vây bọc quanh hòn đá mồ côi. Mũ sắt vây quanh Nhóc và Miên. Hàng đàn mũ lính trận âm thầm trôi dạt, mặc cho lũ thác máu gầm gào. Đàn mũ sắt đã và sẽ bị sóng suối máu nhấn chìm, vơi dần đi trong cuộc hành trình bất tận, vô phương.
Chị như bị chìm nghỉm trong dòng suối máu và hoàng hôn cháy đỏ rực màu máu.
“Thế mà chị không hề nhớ. Cảm ơn Nhóc đã đánh thức vùng tối tăm của chị” - Miên buông một tiếng thở dài bất lực.
“Nhưng, Miên đã giặt quần áo suốt đêm, giặt như cái máy, Miên cũng không nhớ nốt?”
“Lại có điều kì diệu ấy à? Chị hoàn toàn không nhớ, Nhóc ạ. Chẳng lẽ chị lại làm cái công việc của người mất ý thức đến mức bền bỉ, kiên nhẫn như thế?”
“Và chẳng lẽ Miên cũng không nhớ một chút gì về con suối Không Tên, về hòn đá mồ côi?”
Thoáng một nụ cười e thẹn, ngập ngừng đậu trên môi. Miên hiểu rằng Nhóc đang nhắc đến những buổi hoàng hôn chị khỏa trần dưới nước. Chuỗi hình ảnh lãng mạn hiếm hoi trong chiến tranh còn sót lại ở rừng vắng ấy thì chị nhớ. Miên quên sao được con suối Không Tên trong lành thanh sạch ôm ấp mơn man da thịt chị. Đến với nước mỗi buổi chiều vãn như một dịp xả stress, Miên lấy lại cân bằng tâm sinh lý sau một ngày vày vò máu, chọc ngoáy vết thương mưng mủ và chạm trán, quyết chiến cái chết. Chị chưa gục ngã, nhưng có lúc muốn buông xuôi vì tâm thần đã tổn thương, thân thể quá mệt mỏi, rã rời. Cái điệp khúc mổ, cắt, cưa, rịt, buộc, băng… thân thể chiến thương lúc mau lúc lâu hết ngày này qua tháng khác đã làm chị sợ hãi. Cứ thương tật, cứ chết chóc triền miên thế này đến bao giờ mới đến hồi kết? Những chàng trai trẻ như Nhóc đã nối tiếp nhau ra trận; làng quê phố phường đang rỗng đàn ông từng ngày từng tháng. Miên xót xa và bất lực mỗi lần buộc phải cắt một khúc chân, một đoạn tay chiến binh trẻ mà thậm chí chị chưa kịp nhớ tên. Miên tê tái, tuyệt vọng mỗi lần chiến bại cái chết trên bàn mổ dã chiến. Chiến binh mở mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà, bàn tay nhỏ nhắn của chị vuốt mãi không chịu khép mi. Oan uổng, mang cả khối nuối tiếc chưa sống hết đời trai trẻ hay oán hận chị chuyên môn thấp không cầm chân nổi thần chết? Chiến tranh dữ dội, nghiệt ngã; còn chị thì thân gái nhỏ bé, yếu đuối, mong manh. Những lúc như vậy, nước suối lạnh như bà mẹ che chở, hàn gắn vết thương trong lòng Miên đang âm ỉ rỉ máu.
Buông xuôi! Buông xuôi và chán nản có lúc làm mất cả cảm giác nữ tính e thẹn, giữ gìn, che đậy. Rừng hoang. Suối vắng. Có gì phải che đậy với cỏ cây đại ngàn. Tắm. Dầm mình trong nước thanh sạch. Tỉnh táo, khoan khoái vô cùng.
Trong rừng vắng, Miên còn niềm thích thú đứng trên hòn đá mồ côi ngắm nhìn thân thể trần truồng in hình xuống mặt suối trong vắt. Có lẽ niềm hứng khởi ngắm mình lõa thể này là thói quen chị mang theo từ ngày còn ở nhà khỏa trần dầm mình trong khúc sông vắng và tự ngắm những đường cong mềm mại đang tuổi lớn dần. Dù ở sông quê hương hay suối nhỏ trong rừng vắng, Miên luôn mang khoái cảm, xao động nữ tính bị đánh thức bởi sức mạnh và quyến rũ của nước. Niềm hứng khởi rất con người này có căn nguyên từ thời tuổi dậy thì đi xem phim Nàng tiên cá ở bãi cỏ xanh trước sân đình làng. Nàng Tiên Cá ngực trần căng đầy, eo thắt đằm mình dưới nước biển xanh trong veo quyến rũ kích thích bao nhiêu thằng trai làng mới lớn run rẩy rạo rực. Khỏa trần, đứng trên hòn đá mồ côi, Miên còn thích thú với ý nghĩ: cỏ cây cũng có sức sống, chúng cũng biết thẹn thùng, khao khát. Hàng trăm vạn mắt lá đang đắm say nhìn ngắm cơ thể chị ngời ngời phơi bày những đường cong. Và biết đâu, một con nai vàng thấp thoáng trên bờ, một chàng thương binh trẻ nào đó đang vụng trộm qua kẽ lá mê mẩn nhìn Miên khỏa trần.
“Nhớ. Con suối Không Tên nơi Miên tắm, có nhiều người nhìn trộm. Miên biết, nhưng mặc kệ. Miên nhớ nhiều hơn là cái cảnh mình đi trong cơn mưa máu xối xả…”
“Miên đang trong tình trạng hư thực, lẫn lộn giữa giấc mơ và cuộc sống. Chẳng biết đâu là thực đâu là mơ.”
“Thật đấy! Miên còn nhớ cái áo blouse trắng vắt vai cũng đẫm nước mưa máu. Miên vắt áo, nước máu chảy tong tỏng.”
Nhóc thở dài ngao ngán.
Miên đã quên sạch. Có nghĩa là, ngay cả những va chạm da thịt lúc đó ở suối Không Tên, chị cũng chẳng nhớ nữa. Ôi trời ơi! Lại còn cái đêm ấy, cái đêm nước óc ách, nước oang oãng, nước suồm suồm và tiếng vò áo quần xa xả cũng ám ảnh không kém buổi hoàng hôn màu máu.
“Cô Miên giặt gì mà ngồi như mọc rễ thế?”
“Vâng. Quần áo đẫm máu. Vò. Rũ mãi mà không sạch.”
“Nước trong vắt rồi. Cô còn giặt làm gì nữa?”
“Chưa đâu anh ạ. Toàn là máu đỏ. Mùi rất tanh. Lợm giọng lắm.”
“Cái thằng Nhóc sướng thật. Được bà chị chăm sóc giặt quần áo đến sờn vai tã đũng.”
“Thì cũng như anh thôi, hôm trước anh chả cám ơn tôi giặt giúp cái áo còn gì.”
Một vài câu hỏi xã giao, vài lời buông lơi trêu chọc cũng qua đi.
Lúc đầu, không ai để ý. Để ý làm gì với cái sự giặt giũ bình thường của người con gái bên giếng nước. Nhưng, nó dần dần trở thành bất bình thường khi tối mịt, người con gái cứ lặng câm vày vò quần áo ngập trong chậu nước. Mấy chị em y tế ra nói thế nào Miên cũng không nghe, chị bảo giặt chưa sạch máu thì chị chưa thể về. Họ xúm vào ôm quần áo ướt, lấy thau chậu, lôi ù ù Miên về lán. Chị miễn cưỡng đi theo, chiều lòng mấy chị em. Nhưng về lán nghỉ một lát, Miên lại đến dây phơi lấy quần áo ra giếng đào bên bờ suối âm thầm giặt lại.
Thôi thì “trời không chịu đất, đất phải chịu trời.” Dường như, tất cả thương binh, tất cả nhân viên trạm xá cứ lặng lẽ đưa đôi mắt thầm kín nhìn từ xa. Vài ba người kiếm cớ ra giếng múc nước, rửa chân, giặt cái khăn mặt hoặc làm việc gì đó để mục kích sở thị việc làm kỳ dị của cô bác sĩ. Họ muốn thỏa chí tò mò.
Ông Trạm xá trưởng gợi ý như một phương án tối ưu giải quyết tình huống thụ động này rất phù hợp ý muốn của Nhóc. Túc trực bên thành giếng canh chừng và múc nước cho Miên giặt, Nhóc đã làm một việc mà cả Trạm xá cho là hợp lý. Chẳng hiểu sao Nhóc tỉnh như sáo. Thảng hoặc, Nhóc láu cá một cách ranh mãnh giành phần giặt đỡ cho Miên.
Đêm cứ về khuya, đêm cứ sâu dần, hừng đông thì đôi bàn tay Miên có những ngón búp măng trắng hồng đã biến dạng nhăn nheo và nhợt nhạt, mười đầu ngón đỏ máu tươi. Còn Nhóc thì cũng kiệt sức, bởi những tưởng tượng va chạm khác giới rung động gần như suốt đêm.
Miên cảm thấy trống vắng như mất mát một cái gì đó vô hình rất to lớn. Nếu không có chiến tranh, hơn hai chục con người trong bệnh xá này ở tận đẩu đâu, làm sao biết nhau để mà giận dỗi, oán ghét, mà yêu thương. Nếu không có chiến tranh Miên và các cô gái trẻ đến đây làm gì để hoài phí tuổi xuân xanh? Họ sẽ được ở nhà làm vợ, đẻ những đứa con trai con gái và làm phận sự người mẹ. Họ sẽ bình yên, thanh thản cắp sách đến giảng đường học đại học, nũng nịu người yêu trong công viên chiều thứ Bảy hay học trung cấp, hoặc trường dạy nghề; chí ít cũng làm thợ cấy, làm cô giáo làng. Ở cái bệnh xá này có bốn, năm chị trên dưới ba mươi tuổi rồi mà chưa có chồng con, thậm chí chưa người yêu.
*
Nhóc trốn Trạm xá. Ba lô bỏ lại, chỉ đi người không. Một quyển nhật ký. Một lá thư để lại cho Miên.
Thư Nhóc viết rất dài. “Miên!
Miên không hề biết rằng Nhóc đã yêu. Yêu ai? Yêu Miên! Một tình yêu đơn phương dụt dè, trong trắng. Không gợn đục. Miên đã vô tình đi qua cuộc đời Nhóc. Miên đã thờ ơ tình cảm của Nhóc. Miên ơi! Đừng cười cợt tình yêu đơn phương của Nhóc. Một chàng trai còi cọc, đen đủi lại có thể yêu người con gái hấp dẫn, xinh đẹp hơn mình đến 5 tuổi. Song, đó lại là sự thật, Miên ạ.
Nhóc không hề giấu giếm Miên rằng: Nhóc đã nhiều lần lặng lẽ ngồi mọc rễ bên bờ suối Không Tên. Âm thầm. Mê mẩn. Ngắm nhìn không chán mắt thân thể ngọc ngà của Miên mơn man, đùa nghịch dưới nước, phô bày chơi giỡn trên hòn đá mồ côi...
Miên!
Cái đẹp tinh khôi trong trắng của Miên khác với trần tục thú vui xác thịt của cô nàng Bạch Nga trong ngõ phố nhà Nhóc, cũng khác với khát khao kìm nén, bưng giữ của các đôi trai gái trong vườn cây đêm đêm Nhóc đi nhìn trộm. Cái đẹp của người con gái thanh tân không thuộc về Nhóc. Cho đến lúc này, lạy trời, Nhóc không hề giận tức, oán trách Miên. Và nỗi tiếc nuối tê tái tràn ngập lòng thằng trai mười tám tuổi khát khao cháy bỏng tình cảm yêu thương và muốn được yêu mà không thành. Nhóc chạy trốn một tình yêu đơn phương bị vô tình, thờ ơ, lạnh nhạt là điều có thật. Nhưng, Miên ơi! Còn một lý do nữa không đừng. Hẳn Miên sẽ không bao giờ quên người thương binh tâm thần. Câu chuyện có liên quan đến anh ta là thế này đây:
Mặt trận đang nóng bỏng rẫy và nồng nặc mùi tử khí thì đám thương binh như Nhóc ăn không ngồi rồi chờ xuất viện. Nhàn nhã quá đâm ra buồn tẻ, bứt dứt. Lại thêm cái cảnh hàng ngày hàng giờ chứng kiến các thương binh bị nỗi đau đớn giày vò, Nhóc vừa thương tâm, vừa sốt ruột vừa chán nản chỉ muốn rời bỏ nơi này càng sớm càng nhẹ lòng. Cho đến một buổi chiều thu khuất nắng, vẫn những con quạ đen quạt cánh hối hả bay về phía thượng nguồn. Nhóc và đám cụt què, lành bệnh chờ xuất viện đang ngồi trong lán chuẩn bị sinh hoạt thương bệnh binh. Anh ta ngồi ở đằng sau bước lên. Rồi anh ta lấy trong túi ngực áo một tờ giấy đọc trịnh trọng. Câu đọc hoàn chỉnh, câu đọc nửa chừng, nhưng Nhóc cùng mọi người cũng hình dung ra một trận đánh đẫm máu, dữ dội và thắng lợi ở thượng nguồn suối Không Tên. Những tên lính địch và cố vấn Mỹ trần truồng đỏ như gà chọi dưới suối Không Tên tránh cái nắng nóng rừng già nhiệt đới bị trúng đạn liên thanh…
Chiến tranh thật khủng khiếp phải không Miên?
Trình bày hết bản báo cáo mừng công, Chiến Binh tâm thần bước ngang ra ba bước, tự tin, đàng hoàng, nghiêm ngắn đứng chờ người chỉ huy cao nhất ra gắn huân chương. Huân chương ở đâu mà gắn? Chiến Binh tâm thần đứng ngây đơ như cây gỗ đợi chờ. Nhóc giải cứu anh ta thoát khỏi ám ảnh hào quang chiến thắng bằng cách: như một vị chỉ huy, Nhóc đĩnh đạc bước lên, bắt tay, ôm hôn. Anh ta chào theo kiểu nhà binh và ôm hôn lại. Vị chỉ huy cao nhất là Nhóc làm động tác gắn huân chương chiến công lên ngực áo người chiến thắng trong tiếng vỗ tay như sấm của thương binh.
Sau đó, Chiến Binh tâm thần đi xuống ngồi khoanh tay ngoan ngoãn như trẻ nhỏ nhìn lên bàn thầy giáo. Hiền lành. Dễ thương. Tội quá! Đúng lúc đó, một trận lốc dữ dội xoáy bụi mù mịt, lá khô cành cây cuốn theo. Tờ giấy anh ta vừa đọc để trên bàn ghép lồ ô tươi cuộn theo gió bay chấp chới. Nhóc kịp lao theo nắm được. Hóa ra, nó là một tờ tin Sư đoàn F tường thuật lại trận đánh đẫm máu ở thượng nguồn suối Không Tên.
Miên!
Nhóc không thể ăn không ngồi rồi ở cái bệnh xá chết chóc và buồn tẻ này. Nhóc đi thôi, đi thật xa con suối Không Tên - con suối máu. Nhóc phải đi thôi, đi để xa Miên, xa mãi mãi.
Vĩnh biệt Miên! Vĩnh biệt tình yêu của Nhóc!”
Mọi dồn nén, căng cứng trong lồng ngực Miên vỡ òa. Chị ngồi bó gối gục mặt xuống, nước mắt tràn ra. Cũng may mà khóc được, lòng dạ Miên mới nhận ra mình đang rơi vào một trạng thái tình cảm lẫn lộn: Vui. Buồn. Giận. Oán trách mình.
Nhóc đã đi, đi thật xa rồi. Miên thật sự hoang vắng.
Sau này, Miên vẫn tự dằn vặt mình đã gây ra sự ra đi đột ngột của Nhóc. Miên luôn tự vấn: Miên có lỗi gì trong chuyện này? Nhóc trốn chạy đi đâu? Tìm về đơn vị cũ? Hay băng rừng vượt suối hướng ra Bắc tìm sự bình an?
Cũng may, tờ tin nội bộ Sư đoàn F in rô-nê-ô bài báo Suối máu - mồ chôn quân địch của một anh phóng viên chiến trường nào đó, Nhóc vô tình để lại cùng đồ đạc đã làm vơi bớt đi nỗi ân hận của Miên. Chị tin rằng, Nhóc rất sốt ruột và đã bỏ trốn tìm về đơn vị để đánh nhau. Đánh nhau chứ không phải đào ngũ. Miên đã đọc đi đọc lại bài báo này đến gần như thuộc lòng.
Thực hiện chiến thuật tìm diệt, địch tổ chức một trận càn lớn định bất ngờ chụp vào hậu cứ của B3. 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3 Bộ binh địch có cố vấn Mỹ đi kèm; một mũi đi theo đường 12, hai mũi đi đường rừng. Đi song song. Cách nhau vài cây số để yểm trợ lẫn nhau. Mùa hạ xứ sở nhiệt đới nóng kinh người làm bọn cố vấn Mỹ mệt mỏi. Không thấy các chiến binh Cộng quân, chỉ gặp: Các con đường nai đi. Các lối mòn lợn lòi kiếm ăn. Mìn, những họng súng vô hình của Cộng quân, muỗi, vắt, rắn độc, bò cạp... luôn là nỗi ám ảnh sợ hãi khủng khiếp dọc đường hành quân tìm diệt.
Bọn cố vấn Mỹ rất sợ vắt. Cái giống vắt rất khủng khiếp, chúng chui rúc trong những chỗ kín của rừng nhiệt đới ẩm ướt. Đánh hơi người, đàn đàn lũ lũ kéo nhau ra, bật rào rào trên lá như mưa. Chúng co mình búng vào người nhẹ nhàng đến mức không có cảm giác nhận biết vật thể lạ. Vắt là loại động vật háu đói, khát máu, chúng chui vào chỗ kín cơ thể, hút no máu thì lúc đó mới biết.
Tưởng rằng binh hùng tướng mạnh, bọn cố vấn Mỹ và chỉ huy địch có thể đè bẹp ta, nhưng càng hành quân càng vào chỗ không người, với những hiểm họa khó lường ám ảnh. Mệt mỏi và thất vọng, địch đến đèo Tà Sanh, thì C10 Quân Giải phóng và du kích huyện K đang chốt ở đó quyết định không đối đầu, chủ động tránh địch.
Cuộc hành quân thất bại. Chán nản. Âu lo. Bọn cố vấn Mỹ và chỉ huy địch ra lệnh thu quân rút về hậu cứ.
Những người chỉ huy C10 rất thạo đánh tập kích địch, nhận thấy tình hình có lợi liền điều quân bí mật luồn rừng bám theo. Bọn Mỹ không hề biết sáu chục tay súng thiện xạ vòng trở lại đang thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng rậm theo dõi, đeo bám từng bước rút quân.
Đói khát. Chồn chân. Mệt mỏi. Bọn địch tháo nhanh, lui về đến thác Khe Ngo bất chợt gặp dòng suối Không Tên mát mẻ trong lành hiện ra trước mặt. Cảm giác an toàn và niềm sung sướng kết thúc cuộc hành quân; những tên lính địch dừng lại, ào xuống suối tắm rửa, chờ mũi đi theo đường 12 chạy xe ô tô đến sẽ hợp quân rút về đơn vị. Ba lô ngả ra. Quẳng súng trên bờ. Xa xa, tiếng máy bay OV10 vẫn u u. Tiếng xe ô tô vẫn ì ầm vọng vào lòng đất. Cảm giác bình yên trong vùng an toàn làm chúng mất cảnh giác.
Chuồng nồng nỗng. Râu, lông lá xồm xoàm. Da thịt đỏ au. Bọn cố vấn Mỹ và lính ngụy trần truồng, ngụp lặn; rồi tồng ngồng nằm ngửa trên những hòn đá dưới lòng suối phơi nắng.
Nhận thấy thời cơ bất ngờ có một không hai, C10 Quân Giải phóng quyết định đánh trực tiếp, 60 tay súng tự động liên thanh nhằm vào bọn địch đang trần truồng dưới suối. Máy thông tin liên lạc bị phá hủy đầu tiên. Súng đại liên và AK 47 bắn thẳng vào những cái bị thịt. Lựu đạn chày phát nổ. Mìn giật nụ xòe ném cả bánh vào đám lính đang đùa giỡn. Bất ngờ bị tấn công, bọn địch hoảng loạn. Một bên suối là núi đá giăng thành. Phía trên thì thác cao dựng đứng. Quân Giải phóng bao vây hai mặt còn lại.
Đánh nhanh. Diệt gọn. Và rút lẹ. Quân Giải phóng mất hút trong rừng già. Lúc ấy, Sở Chỉ huy địch vẫn mất liên lạc hoàn toàn, nhầm tưởng hai cánh quân đi đường rừng bị bộ đội chủ lực ta tập kích với lực lượng rất lớn, liền lệnh cho phi pháo và máy bay ném bom vùi trận địa, hòng tiêu diệt hoàn toàn lực lượng chủ lực của ta. Còn tên xâm lăng nào sống sót lại bị bom, pháo của chúng diệt nốt. Suối Không Tên thành dòng suối máu.
Trung đoàn 3 của địch đã bị xóa sổ vì bom đạn của chúng. Chỉ còn mỗi 2 lính quân đội Sài Gòn trần truồng sống sót chạy xuôi theo dòng suối Không Tên. Nhân dân các dân tộc và du kích được lệnh truy kích để bắt nốt.
Thắng lợi ngoài sức tưởng tượng, C10 Quân Giải phóng tham gia trận đánh chỉ hy sinh 2 người, bị thương 6 người.
Dòng suối Không Tên từ đây mang danh suối máu.
Phóng viên chiến trường. S.N.M
(TCSH410/04-2023)