Tiểu thuyết
Kho báu
10:05 | 13/10/2009
LTS: KHO BÁU là tiểu thuyết tâm lí xã hội, viết về những người lính sau chiến tranh và thời kỳ đầu đổi mới. Nội dung tư tưởng đề cao phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của những người lính “bộ đội cụ Hồ” cả trong quá khứ của chiến tranh khốc liệt cũng như trong xây dựng hoà bình với không ít khó khăn, thách thức của cạm bẫy và cám dỗ đời thường. Cốt truyện tập trung vào việc phản ánh và giải quyết mâu thuẫn giữa các mối quan hệ phức tạp của các nhân vật trong và ngoài hai gia đình ông Thanh - một đại tá QĐNDVN, và gia đình ông Trường - một trung tá ngụy quân Sài Gòn cũ. Sông Hương trích đăng giới thiệu với bạn đọc chương V trong tiểu thuyết này.-TCSH -
Kho báu
Minh họa: Đặng Mậu Tựu


NGUYỄN VIỆT

Kho báu

(Trích)

CHƯƠNG V

Sau gần cả một ngày trời tiệc tùng rôm rả tiếp bạn bè khách khứa, ông Thanh mệt bã người. Đến những người khách cuối cùng là bạn bè bên cơ quan bà Lan, ông đã muốn kiếu, nhưng rồi vì nể vợ và cũng vì giữ phép lịch sự nên ông phải ráng ngồi tiếp. Bởi vậy, khi đám khách lục tục đứng dậy, người mặt đỏ như gà chọi, kẻ tái xám như người chết trôi, vịn vai nhau lè nhè chào ông ra về thì ông thở phào như vừa trút được một gánh nặng. Cuộc sống này quá mới mẻ đối với ông. Không biết rồi đây liệu ông có hoà nhập được vào nó không? Quả thực là ông không thể tưởng tượng cuộc sống đời thường lại dư dật và sang trọng làm vậy. Rõ ràng qua hai bữa trong ngày hôm nay, ông thừa đủ tinh tế để nhận ra rằng hầu hết các vị khách đều quá sành điệu trong ăn uống kiểu tiệc tùng thịnh soạn. Điều đó chứng tỏ không phải năm thì mười hoạ họ mới được dự một bữa tiệc kiểu sang trọng như thế này.

Khi nhận ra điều đó, ông có phần thất vọng. Một sự thất vọng đầy mâu thuẫn. Hôm qua nghe bà Lan tuyên bố trước mặt các con - lúc cả nhà ăn cơm tối xong, ngồi quây quần quanh bàn nước, uống trà, hút thuốc, ăn bánh kẹo và hỏi chuyện về đủ thứ - là “ngày mai - tức hôm nay - bạn bè của ba và của mẹ sẽ đến chơi và ở lại dùng cơm với gia đình mừng cho ba của các con được... về nghỉ... Vì vậy, các con phải giúp mẹ, mỗi người một tay để tiếp các bác, các cô, các chú cho đàng hoàng. Mọi chi phí mẹ lo cả rồi, chỉ cần các con góp công sức với mẹ thôi”. Tất cả nghe bà Lan nói vậy đều vỗ tay hoan hô rồi nhao nhao tranh nhau nói. Thằng Khánh ngửa cổ phun khói thuốc mù mù, hỏi “Băm ba (bia lon ba số ba) chứ mẹ”? “Không, Heineken”! - Bà Lan đáp. “Hoan hô bà bô chịu chơi”! - Khánh cười. Đạo chen vào: “Hết sảy! Thế là nhất ba đấy”! Cẩm toe toét: “Ba mới về có hai ngày mà con thấy mẹ trẻ ra đến năm, bảy tuổi”! Huế phản đối ngây thơ: “Không, em thấy ba trẻ ra thì đúng hơn”! Hoà bĩu môi: “Cô này thật chẳng biết cái gì... - rồi như biết mình nhỡ lời, Hoà quay qua bà Lan - Ngày mai mẹ đưa tiền con mua bia cho nhé”. “Tôi đã đặt mua rồi”. “Mẹ không nói để con mua cho tận gốc”. “Tôi mua tận rễ chứ gốc của cô đã ăn nhằm gì”!...

Ông Thanh nghe kiểu cách mấy mẹ con nói chuyện với nhau như vậy thì cảm thấy khó chịu. Nhưng vì thấy vợ con bàn tính chuyện ăn mừng cho mình nên ông cũng cố dẹp cái sự khó chịu đó đi. Ông chỉ can một cách chân tình: “Thôi thôi, ba về hưu thì có cái gì để đáng ăn mừng đâu. Đừng bày vẽ tốn kém mà người ta cười cho đấy. Ngày mai các bác các chú đến chơi thăm ba thì uống trà, hút điếu thuốc cho vui là được rồi. Như vậy mới thân tình”. Ông Thanh can vì thực chất là ông nghĩ vậy chứ không phải là chỉ can cho có. Tuy nhiên ông cũng có phần cảm thấy xúc động vì sự quan tâm của vợ con đối với ông. Vì vậy, khi can không được, ông cũng vui vẻ nghe lời bà thắng bộ lễ phục mùa hè đẹp nhất của ông để tiếp khách. Khi bắt tay khách và mời họ vào mâm ông cũng có cảm thấy đôi chút hãnh diện và tự hào với khách về vẻ lịch sự, sang trọng của bàn tiệc - gần như kiểu tiệc cưới! Thế nhưng sau những tiếng lốp bốp mở bia lon thì đám thực khách bắt đầu sa đà ăn, uống và chuyện trò rôm rả. Những bộ mặt trịnh trọng ban đầu như đã được họ gỡ ra, nhét vào túi quần cho nó khỏi rây đồ ăn, thức uống! Ông Thanh thất vọng. Ông có cảm tưởng không phải họ đến thăm ông mà đến để nhậu và bàn  chuyện làm ăn.

Dù rất lờ mờ nhưng ông đoán cũng có đến ba bốn hợp đồng kinh tế được “kí tắt” trên bàn tiệc. Khi mọi người chào ông ra về, nhiều kẻ cảm thấy quá thoả mãn vì sự “thành công” của bữa tiệc, họ đã quên lửng bộ mặt trịnh trọng trong túi quần - mà nhẽ ra họ phải móc ra, đeo vào cho phải phép trước khi chào gia chủ ra về - cứ để nguyên bộ mặt thật, chẳng kể tuổi tác, chẳng kể xã giao, sàm sỡ vỗ vai ông “good bye”! Một điều cũng làm ông Thanh áy náy là bữa ăn sang trọng ngoài sức tưởng tượng của ông. Ông không biết bà Lan đã phải chi ra bao nhiêu tiền, nhưng chỉ nghe loáng thoáng đám thực khách nói đến giá cả một số mặt hàng ông cũng thấy rùng mình. Chỉ riêng cái giá bia Heineken cũng ngoài sức tưởng tượng của ông: Hơn bốn ngàn đồng một lon! Khi nghe nói giá bia như vậy, ông nhớ sáng nay bà Lan thuê xích lô chở về nhà năm thùng. Như vậy, chỉ riêng tiền bia cho bữa nhậu cũng bằng tiền lương nửa năm trời của một sĩ quan cao cấp như ông! Có cần thiết bỏ ra một số tiền quá lớn như vậy để ăn mừng ngày ông về hưu không nhỉ? Ở đây quả thực có cái gì đó không bình thường. Ấy thế mà có người còn chê bia Heineken!

Đằng, phó giám đốc công ty - thủ trưởng của bà Lan và là lính cũ của ông, khi đến đã mang theo một thùng San Migel. Đặt thùng bia lên cái ghế bên cạnh mình, ông Đằng chỉ các lon bia Heineken trên bàn: “Chị Lan vui lòng cất thứ này đi. Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại thủ trưởng của tôi. Vì vậy, hôm nay phải để tôi mời anh. Heineken nhức đầu lắm, mời anh dùng San Migel cho êm”! Câu nói và điệu bộ tự nhiên của Đằng đã tạo nên một không khí khá thân mật, làm cho ông Thanh cũng cảm thấy đỡ xa lạ và lạc lõng giữa những con người mà từ bộ mặt cho đến quần áo đều bóng bẩy như loại “hàng mẫu không bán” bày trong tủ kính - một “kiểu giới thiệu hàng” ngày xưa ở ngoài Bắc trong thời tem phiếu, phân phối. Tuy nhiên, càng uống, càng thân mật, nên từ đó cái thật của mọi người càng hiện ra rõ nét hơn. Nói cho đúng thì càng ngấm bia, cái vỏ của mọi người càng đổi màu, cái hình hài thật của mỗi người hiện dần ra như cảnh vật trong sương mù hiện lên lúc sương tan dần! Vẻ đạo mạo của Đằng chuyển sang thân thiện, rồi từng bước chuyển sang bỗ bã, thậm chí đùa cợt một cách suồng sã với cả bà Lan. Theo những bước thay đổi trong cách cư xử của Đằng, ông Thanh cũng chuyển qua nhiều trạng thái tình cảm. Ban đầu là giữ ý với phép lịch sự xã giao - mặc dù Đằng là lính cũ của ông. Cũng phải thôi, vì dầu sao thì bây giờ Đằng cũng là thủ trưởng của vợ ông.

Tiếp theo, ông thấy thoải mái hơn trong không khí có vẻ thân mật, gia đình do tài dẫn chuyện và đưa đẩy của Đằng. Nhưng sau đấy ông Thanh cảm thấy khó chịu vì cái sự quá thân mật của Đằng. Mặc dù khi vừa nhìn thấy Đằng ngồi trên chiếc xe máy màu ghi sáng láng bóng (mãi sau này ông mới biết đó là xe Vespa 150 - model thời thượng của dân chơi và những ông giám đốc ưa xài xịn!) đi từ ngoài cổng vào, ông Thanh đã bụng bảo dạ: “Hôm nay là ngày vui. Đừng để bụng chấp nê những việc vớ vẩn. Miệng lưỡi thiên hạ biết đâu là chân, giả”? Rõ ràng nếu có chuyện gì thì Đằng đâu dám vác mặt đến đây gặp ông? Nghĩ thì nghĩ vậy, và thực tế ông cũng đã làm như vậy. Nhưng đến khi Đằng có những lời lẽ và cử chỉ hơi sỗ sàng không những với ông mà với cả bà Lan thì tự nhiên những lời ong tiếng ve về quan hệ giữa Đằng và bà Lan lại nổi lên âm âm trong đầu ông, làm cho ông cảm thấy ngứa ngáy khó chịu ở trên đầu, cứ như thể trên đầu ông vừa nhú lên một... cặp sừng! (?). Đã mấy lần ông bất giác đưa tay lên vuốt tóc và trong cái khoảnh khắc bàn tay ông chạy miết từ trán ra sau gáy, ông có cảm giác ơn ớn ở sống lưng với một nỗi lo lắng kì quặc: “Không khéo đụng thật”! Từ lúc đó, hình ảnh của Đằng cứ ám ảnh trong tâm trí ông Thanh.

Ông Thanh và Đằng đã có một thời gắn bó trên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Hồi đó ông Thanh còn là đại đội trưởng một đại đội xung kích bộ binh. Đằng là trung đội phó một trung đội trong đại đội của ông. Trong một trận đánh, trung đội trưởng của Đằng hy sinh. Chính ông Thanh đã cất nhắc Đằng lên làm trung đội trưởng. Tiểu đoàn của hai người bám chốt ở vùng giáp ranh, mà đại đội của ông Thanh là đại đội xung kích nên luôn phải gánh vác trách nhiệm ở những nơi xung yếu, trọng điểm. Từ khi được ông Thanh cất nhắc lên chức trung đội trưởng, thái độ của Đằng thay đổi hẳn. Đằng chiều luỵ ông Thanh rất nhiều nhưng rất khôn khéo, tế nhị để được hưởng sự phân công chiếu cố, ưu đãi mà ở cương vị đại đội trưởng như ông lúc đó có thể thực hiện được. Ông Thanh đã từng khổ sở không ít vì sự dằn vặt giữa việc cần phải thực hiện cương vị của mình một cách nghiêm túc, công minh trong phân công công tác để đạt được hiệu quả tốt nhất yêu cầu của nhiệm vụ, với việc trả ơn nghĩa cho Đằng bởi những quan tâm, săn sóc đặc biệt của Đằng đối với ông.

Thực tình, với tính cách vốn thật thà, trung thực và không ưa những kẻ cơ hội, bợ đỡ, xiểm nịnh, ông Thanh không mấy ưa Đằng. Đằng cũng rất biết điều đó qua một vài lần cư xử của ông Thanh đối với Đằng lúc Đằng còn là trung đội phó. Khi ông Thanh cất nhắc Đằng lên trung đội trưởng, không phải ông có cảm tình với  Đằng, mà thực ra ông muốn rèn luyện Đằng, bởi ông nhận ra Đằng có thể trở thành một cán bộ tốt, có năng lực nếu biết phấn đấu và rèn luyện. Đằng đã hiểu nhầm ý cất nhắc của ông và tấn công ông theo hướng suy nghĩ của Đằng. Bởi vậy, mặc cái vẻ nghiêm nghị của ông Thanh, Đằng vẫn luôn đến với ông, kiên nhẫn qua từng cử chỉ quan tâm, săn sóc của một cấp dưới cần mẫn đối với cấp trên. Điều đặc biệt, Đằng luôn biết có mặt vào những lúc khó khăn nhất của ông Thanh, từ những điếu thuốc khi công việc căng thẳng, cần một chút thư giãn, hoặc ngược lại, kích thích sự tỉnh táo và tập trung suy nghĩ; đến những viên thuốc thuộc loại hiếm ở chiến trường khi ốm đau. Không chỉ Đằng mà anh em trong đơn vị đều biết mỗi lần bị đau ốm, phải nằm một góc hầm là ông Thanh khổ sở như người bị tra tấn. Ông lo lắng và không yên tâm với công việc của đơn vị khi không có mặt ông. Chẳng phải vì ông không tin ở anh em, cũng chẳng phải ông bao biện. Tất cả chỉ vì ông quá gắn bó với đơn vị và các chiến sĩ của ông. Ông coi đó là lẽ sống của mình. Cũng chính vì vậy mà các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn coi ông như người anh lớn trong gia đình. Nhiều chiến sĩ trẻ con gọi ông là bố.

Nắm rõ điều này, mỗi lần ông Thanh đau ốm, Đằng đều xuất hiện kịp thời với một ít thuốc bệnh trong số dự trữ phòng xa của mình. Ông Thanh có thể từ chối những điếu thuốc lá nhưng không thể từ chối những viên thuốc bệnh. Những viên thuốc ấy giúp ông chóng bình phục hơn để ông trở lại với công việc, với anh em. Nhưng mỗi viên thuốc trôi qua họng ông, tan ra trong dạ dạy rồi ngấm đến lục phủ ngũ tạng để đẩy cái bệnh này, đau nọ ra khỏi cơ thể ông thì đồng thời nó lại gieo vào lòng ông một căn bệnh khác. Những cử chỉ lo lắng, những lời lẽ xu nịnh ngọt ngào, cùng những viên thuốc ấy luôn luôn hiện lên trong tâm trí ông Thanh mỗi khi ông cần phải suy nghĩ để cắt cử phân công công việc cho từng trung đội. Và thường thì ông không thể không dành cho trung đội của Đằng một phần việc ít nặng nề hơn hoặc ít nguy hiểm hơn. Làm sao khác được, Đằng cần như thế - ông thừa hiểu như vậy. Ông không nỡ... phân cho Đằng những nơi khó khăn, nguy hiểm, vì như vậy ông có vẻ như là kẻ vô ơn! (?). Chính những điều đó đã dằn vặt ông không ít. Và để cho lương tâm được thanh thản, bù lại việc làm không mấy công minh của mình, ông thường trực tiếp đi với những trung đội phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm nhất trong đơn vị. Số phận như có sự an bài cho mỗi con người, mỗi cuộc đời.

Trong những chuyến đi hay trận đánh đầy nguy hiểm ấy, đồng đội của ông cứ hy sinh dần. Nhiều người chết ngay bên cạnh ông hoặc sau lưng ông. Vậy mà, cứ như có bùa hộ mệnh, ông lại chẳng hề sây sứt gì. Còn Đằng luôn được phân công ở một vị trí khá an toàn trong mọi trận đánh thì lại hai lần bị dính mảnh bom, suýt chết. Tuy nhiên, những xui xẻo đó với Đằng lại là may mắn. Sau lần bị thương thứ hai, nằm ở trạm quân y tiền phương, bằng tài ngoại giao khéo léo của mình, Đằng đã chinh phục được con số giám định y khoa của bác sĩ. Từ thương tật chính thức là mười lăm phần trăm, Đằng đã xoay xở thành thương tật hai mươi lăm phần trăm! Thế là Đằng được xếp loại thương binh chuyển về tuyến sau. Từ tuyến sau, Đằng lại được chuyển về hậu phương. Ở hậu phương không lâu, với những thành tích và cống hiến trong chiến trường (?) mà bằng chứng sinh động nhất là cái thẻ thương binh, Đằng được chuyển ngành theo nguyện vọng sang một cơ quan thương nghiệp.

Sau ba năm công tác, Đằng đã là một trưởng phòng kế hoạch có tiếng tháo vát, nhanh nhậy, giao dịch rộng rãi. Ở cương vị trưởng phòng kế hoạch ba năm, Đằng đã xây được một ngôi nhà khá lớn với các tiện nghi trong nhà đều thuộc loại phân phối đặc biệt mới có. Ngay sau đó, khi xây xong nhà, Đằng chuyển sang một cơ quan ngoại thương. Đến bây giờ, Đằng là một phó giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu lớn của miền Trung này. Ngôi nhà của Đằng bây giờ ở đây nghe nói lớn lắm, ít ra thì cũng rộng rãi và sang trọng hơn ngôi biệt thự mà cả nhà ông, gồm ba hộ, đang ở. Điều chênh lệch đáng nói là: Nhà của ông là nhà của nhà nước, còn nhà của Đằng là nhà riêng. Đằng vẫn ở một mình với đứa con gái đầu và một người giúp việc. Nghe nói vợ Đằng ở ngoài Bắc vẫn dùng dằng, không muốn bán nhà và cũng không muốn rời “đất thánh” - Hà Nội. Hình như Đằng cũng chẳng thiết tha lắm trong chuyện giục vợ chuyển vào. Vào hay không, tuỳ ý!...

Thế đấy, một người đàn ông khoẻ mạnh, hào hoa, sang trọng, ở một ngôi nhà lớn với một đứa con gái và bà giúp việc, lại chẳng thiết tha gì với việc vợ ở xa có muốn vào hay không, rõ ràng phải là người chẳng thiếu thốn gì về tình cảm và quan hệ  với đàn bà. Bà Lan vợ ông hình như cũng có hoàn cảnh tương tự. Từ khi bà chuyển vào trong này công tác ở cơ quan ông Đằng, bà cũng chẳng mấy quan tâm đến ông. Điều rõ nhất là hồi còn ở ngoài Bắc, đều đều hàng tháng, dù ở chiến trường nào, ông cũng nhận được ít nhất là một lá thư của bà. Từ ngày bà chuyển vào, ông chỉ nhận được ba bốn cái thư trong năm đầu. Cho đến tận năm ngoái ông mới nhận được liên tiếp hai là thư nhưng không phải thư hỏi thăm sức khoẻ và công tác của ông mà là thư nhiếc móc ông về chuyện ông yêu cầu trả nhà. Những năm tháng bà im hơi lặng tiếng ấy, nếu không có thư khá thường xuyên của con Huế thay mặt cả nhà hỏi thăm ông, và đặc biệt là thư của Thương thì chắc ông buồn đến chết được.

Nghĩ đến những lá thư của một số người thân, đặc biệt là thư của Huế, gửi cho ông hồi ông ở xa, ông Thanh mới chợt nhớ ra những lời nói bóng gió của Huế khuyên ông phải thường xuyên viết thư cho bà Lan và khi có điều kiện phải hết sức tranh thủ về thăm nhà, “nếu không mẹ sẽ rất buồn và có thể sẽ tìm người khác thay ba đấy”. Ông cứ nghĩ Huế đùa cho vui để ông cố gắng sắp xếp công việc về nhà nhiều hơn. Nhưng bây giờ thì ông hiểu là không phải Huế nói đùa. Có lẽ nó cũng đã nhận ra những biểu hiện không được bình thường giữa mẹ nó với ông Đằng. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cảm thấy khó hiểu là trong bữa tiệc hôm nay, Huế đã mấy lần cầm ly bia đến xin cụng ly với ông Đằng với một dáng vẻ theo ông là hơi lả lơi. Nó còn đứng bên cạnh ông Đằng, cúi xuống nói thì thầm gì đó vào tai ông Đằng làm ông Đằng cười có vẻ thích thú lắm. Mà sao nó vô ý thế. Mặc cái áo cổ rộng quá nên khi nó cúi xuống nói chuyện với ông Đằng thì cả bộ ngực của nó cứ lộ ra hơn hớn trước mắt ông Đằng. Dẫu là chú cháu đi nữa thì cái đó cũng thật chướng mắt. Đúng là ít nhiều con Huế đã ảnh hưởng cái nếp sống có vẻ không được bình thường trong cái nhà này rồi. Không, không thể như thế được. Nếu thật sự bà Lan có tình ý gì với ông Đằng thì khả dĩ ông còn hiểu được. Còn con Huế thì không thể...

Ông Thanh càng nghĩ càng thấy nhức đầu và bế tắc. Ông lắc đầu rồi lấy bộ quần áo pizama bà Lan để sẵn trên bàn đi vào nhà tắm. Tắm rửa xong, ông Thanh có cảm giác tất cả thứ “bụi bặm hỗn tạp” của một ngày tiếp xúc với khá nhiều đại diện của cuộc sống đời thường cũng được gột rửa trôi theo dòng nước tắm. Ông như thấy người nhẹ hẳn đi. Ấy vậy nhưng những suy nghĩ luẩn quẩn về Đằng vẫn bám chặt vào tâm trí ông như những con đỉa đói. Những liên tưởng như những mắt xích bắt chặt vào nhau, đụng vào cái này lại tòi ra cái kia. Các suy luận cứ nảy sinh, chờn vờn trong tâm trí vốn thường thanh thản của ông, làm ông thấy thái dương như căng phồng lên. Bức bối và khó chịu đến độ muốn đặt lưng xuống làm ngay một giấc ngủ mà không tài nào làm chủ được ý định đó. Ông không muốn nghĩ đến Đằng nữa, nhưng hình ảnh phương phi, béo tốt của Đằng với cái mặt hồng hào, láng lẩy vẫn cứ hiện ra rõ mồn một trong trí óc ông.

Để dứt hẳn những hình ảnh ám ảnh của Đằng, ông Thanh lững thững bước xuống nhà dưới. Ông muốn vào phòng mấy đứa con ngồi chơi nói chuyện vui cho khuây khoả. Ngang qua gian nhà cầu, ông thấy chị Gái đang rửa chén bát. Một núi chén bát, xếp từng chồng, từng chồng chỗ bể rửa. Trong phòng tắm, tiếng nước chảy ào ào. Chợt tiếng bà Lan vọng ra nhí nhéo: “Gái! Tại sao cái khăn tắm của tao dính cả cái lông gà vào đây, hả? Mày giặt giũ, phơi phóng thế này à? Hay khi chiều vừa làm gà xong, không rửa tay mà đi lấy đồ cho tao”? Chị Gái lúng túng, ngừng tay rửa bát khúm núm nhìn vào phía nhà tắm: “Dạ, thưa bà... răng mà có lông gà vô đó được... Con cất đồ cho bà từ khi trưa lận...”. Bà Lan hét ra: “Răng với rứa! Rửa tay đi lên nhà lấy cho tao cái khăn tắm khác, nhanh lên”! Chị Gái vội cúi xuống xoa xà bông rửa tay. Nghe bà Lan mắng chị Gái và thấy chị Gái khúm núm một cách tội nghiệp, ông Thanh hiểu là lâu nay bà Lan đã quen quát tháo, la mắng chị giúp việc này rồi.

Cái bực bội trong ông vừa lắng xuống lại ùn dâng lên. Chị Gái quay ra để đi lên nhà trên, trông thấy ông Thanh, chị cúi gằm mặt xuống ngượng ngùng, lí nhí chào ông rồi líu ríu bước lên. Ông Thanh nhìn theo sau lưng chị Gái mà thấy mặt mình nóng bừng lên như dính ớt. Ông cảm thấy xấu hổ như chính mình có lỗi. Tiếng nước xối ào ào trong nhà tắm mà ông nghe như tiếng lũ réo sùng sục trong đầu. Phải cố gắng lắm ông Thanh mới không nổi nóng. Ông lắc đầu, bước quá tới cửa phòng của vợ chồng Khánh. Đẩy cửa bước vào phòng, một mùi chua nồng khăm khẳm đập vào khứu giác làm ông Thanh phải chun mũi. Khánh mặc bộ đồ pyzama đang nằm sấp trên giường, vươn đầu ra ngoài thành giường, nôn oẹ "ọ...ọ..." vào một cái chậu nhôm đặt dưới giường. Hoà đang ngồi đan bên cạnh bàn học của thằng Khôi, vẻ mặt dửng dưng, miệng đang càm ràm gì đó - chắc với Khánh. Thằng Khôi đang hý hoáy làm toán, thỉnh thoảng dừng lại gãi đầu, gãi tai và ngoảnh đầu nhìn sang phía ba nó.

Thấy ông Thanh bước vào phòng, Hoà đứng dậy nhấc một cái ghế tới đặt giữa nhà mời ông ngồi rồi lại ngồi vào chỗ cũ, vừa đan vừa nói:

- Đó, ba coi, nốc lấy được để rồi “cho chó ăn chè”! Chẳng có lần nhậu nào là anh ấy không xỉn. Nói mãi mà có nghe đâu? Con phát ngấy đến tận cổ ...

- Hừm...ừm... - Khánh ngẩng đầu lên, dãi dớt ròng ròng quanh miệng, nói lè nhè - Mẹ mày nói năng cho cẩn thận... Hôm nay vui quá ba hả?... Con uống hơi nhiều nhưng đã say đâu... Hình như con bị trúng gió... ọ... ọ... - Khánh lại nôn tiếp.

- Gió máy quái gì ... gớm!

- Này... ày... Trước mặt ba, ăn nói cho đàng hoàng.

- Anh thử đứng dậy soi gương xem mình có đàng hoàng không? - Hoà bỗng quay qua thằng Khôi, giơ tay cốc một cái như gà mổ lên đầu nó, hét - Học đi! Biết cái gì mà cũng dỏng tai lên?

- Ấy đừng có đánh lên đầu cháu như thế... - Ông Thanh nói và lắc dầu đứng dậy - Thôi, cho thằng Khôi đi ngủ đi, mắt nó díp vào rồi, có bắt nó thức nó cũng không làm bài được đâu. Sáng mai gọi nó dậy sớm một chút tốt hơn. Bây giờ con pha ly nước chanh cho thằng Khánh rồi xức ít dầu cho nó.

- Ôi dào, chanh với dầu gì ba. Cứ để thế cho anh ấy biết thân. Ráng làm, ráng chịu!

Ông Thanh thở dài, bước ra. Tưởng đi xuống ngồi với con, cháu cho nó khuây khoả, không ngờ ông thấy nặng nề thêm. Ông Thanh đã định đi lên nhà nhưng chợt nghe có tiếng nói lớn ở trong phòng của vợ chồng Cẩm vọng ra, ông liền dừng lại.

Tiếng qua, tiếng lại giữa vợ chồng Cẩm cãi nhau:

- Để đấy cho anh!

- Thôi đi ông ạ, con nhà lính mà cứ tính nhà quan!

- Thế cũng hơn là con nhà quan mà tính nhà lính!

- Này này, anh có biết cơm anh ăn, áo quần anh mặc, thuốc trà anh hút, uống là nhờ đâu mà có không? Không có cái tính nhà lính của tôi thì suốt đời anh cũng chỉ có một bộ đồ thủng đít, vá vai thôi nhé! Móc túi bảy ngày không ra một xu mà lúc nào cũng ra vẻ ta đây.

- Thôi, cô im đi. Cô tưởng cô hay ho lắm đấy?

- Chẳng hay ho thì cũng ăn đứt anh là cái chắc!

- Ờ, nhân lúc mọi người say sưa đánh chén, cô thủ được sáu lon bia liền. Cái món đó thì đúng là hơn tôi rồi đấy.

- Này, nếu tôi để sáu lon bia này cho anh uống thì anh đã khen tôi rồi phải không? Tôi nói cho anh biết, cứ cho là tôi ăn cắp đi. Nhưng đó là ăn cắp của nhà. Còn anh, anh ăn cắp của cơ quan, ăn cắp của các cơ sở mà anh đến kiếm chuyện viết bài cho họ...

- Này này, cô ăn nói cho cẩn thẩn!

- Thời buổi nói thẳng, nói thật mà... Nhà báo như anh mà cũng dị ứng với sự thật à?

- Sự thật nào? Cô đừng có mà...

- Còn sự thật nào nữa, anh có biết người ta gọi anh là Đạo gì không? Đạo chích! Hừ, tôi ít học nhưng cũng đủ chữ để hiểu “đạo chích” là phường trộm cắp!

- Hỗn vừa chứ. Có câm cái miệng lại không?

- Tôi không câm! Muốn đánh vợ hả? Giỏi thì đánh đi!

- Thật đúng là cái đồ...

- Đồ gì?

- Đồ vô văn hoá!

- Này, tôi mà vô văn hoá thì anh là cái gì văn hoá? Ờ, chắc anh phải thuộc loại... ra văn hoá! Đó, ra đầy chậu rồi đó.

- Chẳng gì thì tôi cũng hơn cô một cái đầu!

- Chà... đẹp mặt chưa? Hết người để so tài nên đành về so tài với vợ! - Giọng Cẩm cười mỉa mai - Tôi nói thật, nếu anh hơn tôi một cái đầu, mà chẳng cần hơn đến một cái đâu, chỉ cần hơn nửa cái thôi, thì tôi cũng mừng cho anh. Như vậy ít ra trên đời này anh còn hơn được một người, dù người đó chỉ là cô vợ vô văn hoá của anh! Thế nhưng khổ nỗi là ngay con người vô văn hoá này, dù hết sức khiêm tốn, cũng cảm thấy còn khuya anh mới bằng, chứ nói gì đến chuyện hơn!? Con người có hai cái đáng nói: Đức và tài. Anh hơn tôi cái gì? Tôi thấy người ta ăn nhậu quá lãng phí nên tôi giấu đi mấy lon bia. Đem bán lại cũng được hai chục ngàn. Có thêm được ít tiền đi chợ. Mà cái đó là cho ai? Cho anh, cho con của anh! Cứ cho là tôi ăn cắp đi. Nhưng tôi ăn cắp vì anh, vì con. Còn anh thì sao? Anh bảo để đó cho anh và bạn anh uống. Như vậy anh là kẻ đồng loã với ăn cắp. Khi tôi không chịu thì anh chửi tôi là ăn cắp. Như vậy anh là kẻ đạo đức giả. Lấy thứ vợ ăn cắp để tiếp bạn, anh còn là một kẻ cơ hội và sĩ diện hão! Đó là “Đức”. Còn “Tài” thì sao? Nhà báo, phóng viên mà đều một loại trình độ như anh thì... tôi thừa năng lực để làm, mà có khi còn làm tốt hơn anh...

- Câm mồm đi! - Giọng Đạo đầy tức giận.

- Hà... Chạm nọc anh rồi phải không? Nhưng với tôi thì việc quái gì anh phải xấu hổ, tự ái? Còn ai biết anh rõ hơn tôi! Anh là kẻ không biết mình. Người ta có không biết mình cũng đang vớt vát được ở chỗ biết người. Anh đã không biết mình lại thêm không biết người nữa, thành thử anh trở thành một kẻ lố bịch đến nực cười mà anh không nhận ra - hoặc cố tình không nhận ra! Anh có biết người ta nói về anh như thế nào không?

- Cô câm ngay cái mồm lại, không thì đừng trách!

- Tôi bắt trúng tim đen của anh, phải không? Tại vì anh nói anh hơn tôi một cái đầu nên tôi phải nói cho anh biết. Anh mua chuộc được mấy đứa nhóc mới vào nghề rồi nghe chúng nó “ca vọng cổ”, cho anh đi tàu bay giấy, anh tưởng mình tài giỏi thật. Anh có biết sau lưng anh chúng nó nói về anh thế nào không? “Nhà báo, phóng viên gì thằng cha Đạo ấy, viết lách chẳng ra gì mà lúc nào cũng vỗ ngực viết báo mấy chục năm..."

“Bốp”! Ông Thanh nghe tiếng ấy cắt ngang lời Cẩm. Lặng đi vài giây rồi bắt đầu những tiếng luỵch huỵch của một trận ẩu đả. Xen lẫn vào những tiếng luỵch huỵch ấy là tiếng chửi rủa của Cẩm và tiếng khóc thét của hai đứa trẻ. Ông Thanh vội đẩy cửa phòng. Cửa chốt.

- Cẩm mở cửa ra! - Ông Thanh gõ cửa và gọi.

Tiếng luỵch huỵch ngưng lại, chỉ còn tiếng khóc của hai đứa trẻ và Cẩm. Cửa mở. Cẩm khóc nhưng mặt sắt lại, má bên trái đỏ ửng vết mấy ngón tay, đầu tóc rũ rượi. Đạo thì mặt hầm hầm, quần áo xộc xệch. Hai đứa trẻ ngồi trên giường, ở trong màn, đang mếu máo khóc. Đồ đạc trong nhà để luộm thuộm trông thật nhếch nhác. Ông Thanh chau mày:

- Anh chị đều là những người có học, có văn hoá. Sao lại cãi chửi nhau hồ đồ thế? Như vậy làm sao dạy dỗ con cái? Mỗi người phải biết nhường nhịn nhau một chút chứ!

- Nếu ba đã nghe thì ba cũng thấy là cô ấy láo với chồng thế nào. Con đã nhường nhịn quá nhiều rồi mà cô ấy không biết điều.

- Anh mà nhường nhịn ai? Ba coi đó, có người chồng nào gọi là có học mà đánh vợ vũ phu như vậy không? Đánh xong rồi mà mặt còn hầm hầm như muốn xé xác người ta ra nữa kìa...

- Thôi, thôi. Con là vợ, trong hoàn cảnh nào cũng phải biết nhường chồng. “cơm sôi bớt lửa” là vậy. Còn anh, - ông Thanh quay qua Đạo - trước hết là một người chồng, sau đó là một người đàn ông, và cuối cùng là một nhà báo. Chỉ với một trong những tư cách ấy anh cũng không có quyền đánh vợ. Huống hồ...

- Anh ấy làm gì có tư cách mà ba nói...

- Cẩm, con không được nói hỗn!

- Đó, ba coi, cô ấy hỗn như thế, bảo sao con không nổi điên lên?

- Nó hỗn là sai rồi. Nhưng phần anh cũng phải coi lại cách sống và cách nói năng, cư xử của mình. Thôi, khuya rồi, không nói gì nữa hết. Dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp rồi dỗ con cho chúng nó ngủ đi.

Ông Thanh bước lên nhà trên với một tâm trạng buồn bã. Cuộc sống gia đình mà ông hằng ao ước trong những ngày xa nhà không ngờ lại lắm sự khó chịu đến như vậy. Đã tưởng trở về nhà là sẽ được thảnh thơi, sống cuộc đời bình lặng và êm ả của phần đời còn lại. Vậy mà ngay những ngày đầu tiên ông đã đụng chạm đến bao vấn đề phức tạp của cuộc sống đời thường. Đã quen với phong cách của một người chỉ huy, ông thường quyết đoán, giải quyết các vấn đề phức tạp một cách nhanh chóng. Nhưng giờ đây, đứng trước những phức tạp của cuộc sống đời thường này thì ông cảm thấy lúng túng và linh cảm rằng mình sẽ khó mà làm chủ được nó. Chính điều linh cảm đó đã ám ảnh và dằn vặt ông. Trước những thử thách gay go mà mỗi quyết định của ông có thể bảo vệ được, hoặc ngược lại, làm hại sinh mạng của không ít chiến sĩ trên chiến trường, thì ông thấy tự tin ở mình, một niềm tin mà chưa bao giờ ông nghi hoặc. Thế nhưng, trước những việc tưởng như vụn vặt này, ông lại thấy lúng túng và thiếu tự tin. Có thể là do mới trở về, ông không muốn nặng lời với ai, dù đó là vợ con, dâu, rể của mình. Tuy nhiên, thử ngẫm nghĩ, ông vẫn cảm thấy, nếu cần thiết phải giải quyết chuyện đó cho ổn thoả, thì ông cũng chưa biết phải giải quyết như thế nào. Đấy, như chuyện của vợ ông thì nên làm gì? Qua cuộc gặp gỡ hôm nay với Đằng, cái niềm tin của ông đối với vợ xem chừng không còn đứng vững được nữa. Cái cách nói chuyện lả lơi của bà, những cái nhìn đầu mày, đuôi mắt tỏ ra rất tình tứ của bà đối với Đằng; rồi cách nói chuyện hơi suồng sã của Đằng với bà... tất cả như những nhân chứng khá sinh động cho những tiếng đồn về quan hệ của vợ ông với Đằng mà suốt mấy năm gần đây ông đã dứt khoát không tin, và còn thầm nguyền rủa những kẻ độc mồm, độc miệng.

Vào buồng ngủ, ông Thanh châm một điếu thuốc rồi thả người xuống chiếc giường nệm, tâm trí vẫn rối bời những suy nghĩ lộn xộn về bà Lan và Đằng. Mùi hương thơm hơi quá đậm của nước hoa phun trên gối và tấm draf hoa sặc sỡ, cùng mùi son phấn của bà Lan để ở ngăn hộp đầu giường làm cho ông Thanh cảm thấy vừa thinh thích lại vừa khó chịu. Ngay cả bộ pijama bằng vải KT Mĩ mới cứng, thơm nức mùi “tây” mà ông đang mặc, cũng đem đến cho ông những cảm giác tương tự. Tác động của cái tâm trạng đối lập ấy trong ông càng làm cho ông thêm rối trí. Dù ông đã tự trấn mình “đừng quá nhỏ nhen, nghi kị” nhưng trong suy nghĩ của ông, những câu hỏi cứ tự bật ra cùng những hình ảnh mà ông không khỏi cảm thấy tự xấu hổ với mình. Xấu hổ bao nhiêu, ông lại cảm thấy ấm ức bấy nhiêu. “Trong những khoảng thời gian mình xa nhà hàng năm trời - lúc ít cũng một năm, có ai thường đến với bà Lan? Ai đã từng vào căn buồng này, từng nằm vào chỗ của mình trên chiếc giường hộp mô đéc Đức có nệm mút dày một tấc rưỡi này? Nếu không có, thì các thứ hương hoa thơm lừng này dành cho ai? Chẳng lẽ chỉ một mình bà Lan đơn chiếc lúc xa chồng cũng cần phải có đủ đầy mọi thứ cần thiết cho cuộc sống chăn gối vậy sao? Phải chăng thời đại bây giờ người ta đều phải sống trong sự đủ đầy hương vị như thế - dù chỉ sống một mình?...”

Gương mặt phương phi, hồng hào của Đằng lại hiện lên trong tâm trí ông Thanh. Lẽ dĩ nhiên, ông vẫn nghĩ rằng ông không phải là một kẻ quá nhỏ nhen. Đúng vậy. Khi đang còn ở chiến trường Campuchia, ở biên giới phía Bắc, và sau này là ở Bộ Tư lệnh Quân khu, ông đã từng nghe những tiếng đồn về quan hệ của bà Lan với người này, người kia, và rồi gần đây nhất là với Đằng. Một vài người bà con còn viết thư cho ông, bóng gió nói rằng ông phải chú ý cuộc sống xa xỉ và những quan hệ phóng túng của bà. Những lúc như vậy, ông có buồn bực, nhưng ông không tin. Miệng lưỡi thế gian ông còn lạ gì. Vả lại, dù xa bà nhiều - vì ông đi liên miên, hết chiến trường này đến chiến trường khác - nhưng gom góp những khoảng thời gian được sống gần bà (dù chẳng nhiều nhặn gì qua những đợt nghỉ phép ngắn ngủi, hoặc những lần tranh thủ tạt về nhà khi đi công tác) ông tin rằng ông đã đủ hiểu tâm tính và tình cảm của bà. Bà không phải là loại người dễ dàng sa vào những chuyện tình cảm linh tinh, vớ vẩn như thế. Niềm tin ấy hình thành trong ông có cơ sở vững vàng chứ không phải ông tự huyễn hoặc, tự lừa dối mình. Một người đàn bà có một quá khứ đau khổ như bà làm sao có thể làm những việc phản lại tấm lòng chân thành và tình cảm nồng hậu yêu thương như của ông được!

Bà Lan xuất thân từ một gia đình bần cố nông ở vùng quê Nông Cống - Thanh Hoá. Năm 1945, sáu trong số chín người của gia đình bà bị chết đói (mẹ của bà cùng năm người anh chị em trong số bảy anh chị em của bà). Chỉ còn lại cha của bà cùng bà và ông anh trên bà. Lúc đó hai anh em bà mới bảy và năm tuổi. Cha bà đã phải bỏ quê, dắt díu hai anh em bà đi tha phương cầu thực. Những ngày tháng vất vưởng đói khổ đó đã ám ảnh cha con bà đến mãi tận sau này. Số phận may mắn đã dun dủi cho cha con bà gặp một người bà con bên ngoại - người cậu họ của mẹ bà. Ông cậu họ ấy đã đưa cha con bà lên Hà Nội và kiếm công ăn việc làm cho cha bà. Dù cuộc sống không mấy đầy đủ của nghề phụ việc mà ông cậu đã tìm chò, nhưng so với những tháng ngày vất vưởng, lang thang xin việc, xin ăn từng bữa, thì cuộc sống khá ổn định của cha con bà dưới mái nhà và sự bảo trợ, giúp đỡ của gia đình ông cậu cùng những người thợ bạn bè của cậu, quả là một sự đổi đời thực sự.

Cho đến sau này, khi gia đình đã đủ ăn, đủ mặc, có nhà riêng cha con bà luôn biết sống tằn tiện, tiết kiệm hết mức. Về cuộc sống tình cảm thì ai cũng chân thành. Họ sống với nhau và với mọi người xung quanh rất chân tình. Biết yêu thương đùm bọc nhau; biết nhường cơm, xẻ áo; biết chia buồn, xẻ vui với mọi người. Những người có cả một quá khứ như vậy làm sao có thể dễ dàng sa ngã vào những chuyện mất cả nhân phẩm, đạo đức được? Cơ sở của niềm tin trong ông đối với bà chính là ở chỗ đó. Và những ngày chung sống với bà - dù rất ít ỏi, ông cũng đã nhận được sự thể hiện xứng đáng của bà đối với niềm tin ấy. Càng ngày ông càng tiến lên trên con đường sự nghiệp, và kèm theo sự tiến lên và thành đạt ấy là sự đủ đầy mỗi ngày một khá hơn của gia đình, mà người hưởng thụ trực tiếp là mấy đứa con và bà. Lẽ nào bà có thể phản bội ông?...

Bà Lan bước vào phòng với một cái váy ngủ hở cổ, cộc tay sát nách và ngang đầu gối. Lấy chân đẩy cánh cửa phòng khép lại, bà vừa liếc mắt nhìn ông Thanh vừa nghiêng nghiêng đầu, lấy hai tay rũ rũ tóc cho chóng khô. Mùi xà bông táo thơm sực cả căn phòng - cái mùi thơm mà với ông Thanh, nó vừa sang trọng, xa lạ, vừa quyến rũ, kích thích sự ham muốn gần gũi, lại vừa tăng thêm mối ác cảm, khó chịu. Từ cảm giác đó, ông Thanh nhìn bà Lan cũng như mũi ông ngửi mùi thơm ấy. Cho đến tận khi bà Lan buông màn, tắt cây đèn tuýp, bật cái đèn ngủ màu hồng ở đầu giường và nằm xuống bên cạnh, ông Thanh vẫn chưa dứt khỏi những ý nghĩ luẩn quẩn đầy nghi hoặc, bức bối và khó chịu. Cái cảm giác thảnh thơi và thanh thoát lúc mới về nhà - như vừa hoàn thành một sứ mạng lịch sử nặng nề - thật quá ngắn ngủi, đó cũng là một sự trớ trêu đối với ông. Dù không muốn so sánh đi chăng nữa, thì cái ý nghĩ có vẻ như thách thức vẫn cứ đến trong ông: Niềm tự hào về việc hoàn thành sứ mạng lịch sử của ông đã không đủ sức mạnh để đánh bạt những suy tư nhỏ nhoi của cuộc sống đời thường. Điều này dẫu còn lờ mờ nhưng cũng đủ trở thành một sự xúc phạm đáng kể đối với tâm hồn và tình cảm chân thành của ông. Nếu như ở một hoàn cảnh khác, chắc ông đã phản ứng mãnh liệt. Vậy mà... ông đã im lặng. Phải chăng, chuyện đời thường mà trong mấy chục năm qua ông chẳng mấy khi có thì giờ để nghĩ đến, bây giờ nó đòi nợ ông? Mới ngày đầu mà nó đã đeo đẳng và bám chặt vào suy nghĩ của ông như đỉa đói.

Mặc dù rất khó chịu trong tâm trạng lộn xộn những ý nghĩ luẩn quẩn ấy, ông Thanh vẫn không thể quên cái hiện thực đang chờ đợi ông: Đây là phút giây riêng tư đầu tiên của hai vợ chồng - kể từ lúc ông đặt chân về nhà bởi đêm qua ông thức nói chuyện với các con quá khuya. Ông Thanh muốn dẹp tất cả sang một bên để tâm tình với vợ một chút. Điều đó không phải ông mới nghĩ ra mà thực sự ông đã có nhiều lúc khao khát phút giây nằm bên bà tâm tình những chuyện về cuộc sống, về gia đình, con cái... nghĩa là những chuyện mà những cặp vợ chồng ít có điều kiện gần gũi nhau cần phải nói, phải trao đổi để qua đó họ dễ gần gũi và hoà hợp vào nhau tự nhiên hơn, thắm thiết hơn. Có thể những chuyện đó nhiều khi cũng tầm phào thôi, nhưng nó lại chính là nhịp cầu êm ái nối hai bờ tình cảm, xoá đi cái khoảng cách ngượng ngùng, mặc cảm thường sinh ra giữa hai người mà do hoàn cảnh, luôn phải sống xa nhau - nhất là với những cặp vợ chồng đã đứng tuổi. Ấy thế mà ông Thanh vẫn không dẹp được những ý nghĩ mà ông tự cảm là có phần nhỏ nhen, hẹp hòi.

Cái ánh sáng màu hồng của cây đèn ngủ nhuộm cho da thịt bà Lan thắm lên như thời con gái, đầy quyến rũ, lại làm cho ông cảm thấy khó chịu đến độ... vô lý! Hình như cái ánh sáng này quá sáng (?)! Ông Thanh có cảm giác những ý nghĩ của ông cũng bị phơi bày dưới ánh sáng đó như chính thân thể của bà Lan. Quả thật, chưa bao giờ ông lại có cái ý nghĩ: “Trong bóng tối, mọi sự đều dễ dàng hơn - kể cả suy nghĩ”! - Một ý nghĩ chẳng đẹp đẽ và đàng hoàng gì, nhất là với ông, một người chỉ quen hành động và suy nghĩ thẳng thắn, rạch ròi. Vậy mà ông đã nghĩ như vậy và kì lạ là ông bỗng cảm thấy... có lý! Ông Thanh không thể không nhận ra điều mâu thuẫn đó trong ông. Và quả thật, ông không thể tưởng tượng được những cái tưởng như đã trở thành tính cách bất di, bất dịch ở ông lại có thể bị tác động, ảnh hưởng và bị lái theo hoàn cảnh một cách dễ dàng như vậy. Bằng chứng là ngay sau khi nghĩ về quyền năng của bóng tối, ông đã giơ tay lên ấn cái công - tắc ở đầu giường, tắt cây đèn ngủ có màu hồng vừa quyến rũ lại vừa khó chịu ấy.

- Anh mệt lắm à?

Bà Lan vừa hỏi vừa xoay người nghiêng sang phía ông Thanh và gác cánh tay trần tròn lẳn, mát rượi lên ngực ông. Ông Thanh chưa trả lời, mà đưa tay lên cầm cánh tay bà Lan định nhấc ra. Nhưng khi bàn tay sần sùi đầy những chai của ông đụng vào làn da vừa mát, vừa nóng, vừa nữ tính của bà thì cái ý nghĩ ấy của ông như bị tê liệt. Bàn tay của ông Thanh như bị hút, dính chặt trên cánh tay của bà Lan. Bà Lan lại hiểu ra đó là cách âu yếm của lính! Bà mỉm cười trong bóng tối và luồn bàn tay qua kẽ áo ngực của ông. Ông Thanh rơi vào một tâm trạng đầy mâu thuẫn: Vừa muốn gần gũi với bà Lan lại vừa muốn đẩy bà ra để căn vặn bà cho hả cơn dày vò đang làm đầu óc ông quay cuồng đầy những hoang tưởng về sự bê bối trong quan hệ của bà với Đằng. Nhưng ông chưa kịp quyết định nên ngả theo chiều hành động nào thì hàng cúc áo của ông đã bung ra, bàn tay mềm mại đầy nhục cảm của bà Lan đã chạy khắp trên da thịt ông, vuốt ve, mơn trớn. Với một phản ứng như vô thức, ông Thanh xoay nghiêng người, vòng tay ôm tấm lưng tròn lẳn và nóng hổi như một lò lửa của bà Lan. Sự đòi hỏi gần gũi trong ông bùng lên như đống rơm khô giữa gió Lào, bắt lửa. Ngọn lửa rơm bốc lên dữ dội nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn.

Trong lĩnh vực này, quả thật ông Thanh không có kinh nghiệm. Ông không hiểu rằng sự xa cách lâu ngày làm nỗi khao khát thêm cháy bỏng. Càng cháy bỏng càng sớm đạt đến đỉnh điểm hưng phấn. Lại thêm một ngày đi đường vất vả, một ngày tiếp khách suốt từ chín giờ sáng đến bảy giờ tối, tất cả làm cho thân thể ông rã rời, mệt mỏi... Vì vậy, chỉ sau ít phút, ông Thanh đã rời bà Lan như người bị bội thực, trong khi bà Lan thì “chưa bõ dính răng”! Ông Thanh đã phải trả giá cho hành động thiếu tự chủ của mình, bởi với bà Lan lúc này, ông trở nên một kẻ quá ích kỷ! Khi ngọn lửa ham muốn đã lụi tàn, ông Thanh rã rời nhận ra sự vội vã sai lầm của mình. Mặc dù chẳng mấy trải trong sinh hoạt vợ chồng, nhưng ông cũng hiểu rằng sự thiếu đồng cảm và hoà hợp trong quan hệ vợ chồng là một trong những nguyên nhân đáng kể làm rạn nứt - thậm chí đổ vỡ, hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, dù đang muốn quên đi tất cả để được thả mình vào giấc ngủ đang bám trĩu nặng ở hai mí mắt, ông Thanh cũng cố xoay người nghiêng sang phía bà Lan, quàng cánh tay lên người bà định nói một lời thông cảm. Nhưng ông không khỏi giật mình bởi tấm thân vừa nóng như một lò lửa của bà Lan đã nguội ngắt như một thỏi thép. Bà Lan “hừ” một tiếng rồi xoay ngoắt người làm cho cánh tay ông rơi bộp xuống mặt nệm.

Căn phòng rơi hẫng vào sự tĩnh lặng đến nghẹt thở. Ngoài vườn, tiếng côn trùng, giun, dế nỉ non như bỗng to hơn. Ông Thanh cảm thấy vừa cay đắng vì xấu hổ, vừa bực bội như bị xúc phạm. Cái kết cục này, quả thật ông Thanh không ngờ tới. Sau khi hoàn tất mọi giấy tờ nghỉ hưu, chia tay quyến luyến với anh em trong đơn vị, ngồi trên chiếc xe U-oát của quân khu đưa tiễn về tận nhà, ông đã mường tượng biết bao điều tốt đẹp khi được thảnh thơi sống với tổ ấm gia đình, với vợ con. Nhưng cái viễn cảnh ấy vừa bắt đầu hiện thành sự thực thì sự phũ phàng đã dội xuống đầu ông. Ông đã nhìn thấy, rồi đây muốn hoà nhập được vào cuộc sống này, ông phải vượt qua không ít khó khăn. Và như vậy, tưởng được an nhàn, thảnh thơi trong những ngày của cuộc sống về chiều, không ngờ ông lại phải bắt đầu từ đầu để xây dựng một cuộc đời mới.

Chẳng phải ông thủ cựu hoặc định kiến gì với cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng cứ nghĩ đến cuộc sống của lính là ông lại thấy có một sự bất bình, khó chịu. Cuộc sống của người lính có biết bao gian khổ, vất vả thiếu thốn. Cái điều mà để cho ông và các đồng đội của ông dễ dàng vượt qua những gian lao, vất vả, thiếu thốn và cả hy sinh tính mạng trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống nơi rừng thiêng, nước độc, là vì luôn nghĩ mình đang làm nhiệm vụ cao cả và vinh quang vì cuộc sống yên lành của nhân dân, của mọi người - trong đó có gia đình, vợ con mình. Còn bây giờ, ông đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả và vinh quang ấy, ông trở về, đương nhiên ông có quyền hưởng cuộc sống bình thường như mọi người chứ? Nào có ai ngăn cấm ông. Thậm chí người ta - ngay từ phút đầu, đã giang tay ra đón ông và kéo ngay ông vào cuộc sống ấy. Vậy mà ông cứ thấy có cái gì đó không ổn. Ông cảm thấy không thoải mái. Và không biết có cực đoan không, khi ông nghĩ những con người đang hả hê trong cuộc sống đời thường này hình như không hề biết đến cuộc sống đầy hy sinh của những người lính?! Có cái gì đó không bình thường trong cuộc sống này chăng? Hay chính ông không bình thường? Ông thủ cựu, thành kiến, đố kị chăng? Không! Ông có thể là gì đi nữa cũng được, chứ dứt khoát không thể là người không bình thường hoặc thành kiến, đố kị, thủ cựu! Nhưng “là gì đi nữa” là cái gì mới được chứ?

Ông Thanh không trả lời được câu hỏi của chính mình. Ông cảm thấy bế tắc và càng bực mình hơn. Nhìn tấm lưng bè bè của bà Lan lờ mờ trong bóng tối, ông vừa thấy thương, vừa thấy giận. Cái thương cứ bị cái giận lấn át dần theo những suy nghĩ của ông. Ừ thì quả là ông có lỗi, ông đã vội vàng và thiếu chủ động, bình tĩnh trong việc gần gũi bà ở cái đêm đầu sau một thời gian dài xa cách. Nhưng bà cũng phải thông cảm cho ông chứ. Bà thừa biết hai ngày qua ông mỏi mệt như thế nào. Đó là chưa kể đến sự không cân sức giữa ông và bà. Bà trẻ hơn ông đến 12 tuổi, bà còn sung sức, nhất là lại đúng độ hồi xuân. Còn ông? Ôi, cái hồi trai tráng thì chẳng nói làm gì, nó bỏ ông mà đi đã quá lâu rồi. Còn cái thời chín chắn nhất của người đàn ông thì nó cũng đã giã biệt ông không dưới mười năm. Kể ra thì cũng đáng tiếc cho ông và đáng thương cho bà. Nhưng không lẽ, cuộc sống vợ chồng, gia đình chỉ có chuyện đó thôi sao? Thật không thể nào hiểu nổi! Đấy, rõ ràng chỉ vì một chút vội vàng của ông mà bà đã làm mặt giận đến... lạnh người!

Sau một tiếng thở dài cố nén, hình ảnh bà Huyền và Thương bỗng hiện lên trong tâm trí ông Thanh. Vẻ đẹp đoan trang, đài các nhưng rất đỗi dịu hiền của bà Huyền làm ông thêm xót xa trong lòng. Nghĩ đến bà Huyền và Thương, cái tâm trạng bất an và mặc cảm là người chiếm đoạt nhà cửa để trả thù riêng lại thức dậy dằn vặt ông. Cách đây năm năm, được tin tỉnh phân cho vợ con một ngôi nhà biệt thự rộng rãi, ông rất mừng. Ông cũng biết, người ta phân nhà cho vợ con của ông chính là vì những chức vụ và công lao của ông. Suy nghĩ đó cũng an ủi ông rất nhiều vì dù sao vợ con ông cũng có những thiệt thòi khi ông cứ đi xa biền biệt. Nhưng đến khi biết ngôi nhà phân cho vợ con ông là ngôi nhà tịch thu của ông Trường - một sự ngẫu nhiên oái oăm, thì ông rất buồn. Ông đã viết thư về cho bà Lan và mấy đứa con, bảo bà nhất quyết là phải trả lại ngôi nhà ấy, xin đổi một nhà khác nhưng bà Lan và mấy đứa con không chịu. Ngược lại, khi biết ngôi nhà là của vợ trước của ông Thanh, bà Lan còn cảm thấy vui vui như người đã thắng trong một cuộc đấu hơn thua vậy. Ông rất giận và viết thư doạ nếu không đổi nhà, ông sẽ không bao giờ về nhà. Ai ngờ bà Lan xúi mấy đứa con cùng viết thư gửi cho quân khu than vãn đủ thứ chuyện, lại nói bóng gió là ông có ý định bỏ mẹ con bà để trở lại với vợ cũ hiện là vợ của một sĩ quan nguỵ đang đi học cải tạo. Tất nhiên Bộ Tư lệnh quân khu đâu dễ dàng nghe những lời ca thán đó, nhưng họ cũng khuyên ông không nên căng thẳng như thế với vợ con - nhất là vợ ông nguyên là vợ liệt sĩ. Mọi chuyện nhà cửa, cứ từ từ rồi cũng giải quyết được. Bộ giúp ông can thiệp với tỉnh để giải quyết đổi nhà cho vợ con ông. Tỉnh hứa sẽ giải quyết nhưng rồi ông cứ chờ mãi, chờ mãi, cho đến lúc này vẫn chưa được đổi nhà. Nghỉ hưu, ra quân, ông không về nhà với vợ con thì đi đâu? Nhà của mẹ ông thì nhỏ mà lại có vợ chồng con cái của ông anh ở rồi. Ông chẳng biết làm thế nào, đành tặc lưỡi: Thôi, cứ về rồi chạy đổi nhà sau.

Và thế là bây giờ ông đang nằm trong cái phòng ngủ chắc chắn là phòng ngủ của bà Huyền và ông Trường. Cuộc đời mới thật trớ trêu làm sao. Không hiểu bà Huyền sẽ nghĩ gì về ông, nhưng ông Trường thì chắc chắn sẽ nghĩ là ông cố tình chiếm đoạt nhà của ông ta. Còn Thương nữa chứ. Nó sẽ nghĩ gì về ông? Liệu nó có còn chịu về sống với ông nữa không nếu ông Trường rót vào tai nó những suy nghĩ của ông ta? Gương mặt thật đẹp và đầy vẻ trong trắng, thánh thiện của Thương hiện rõ mồn một trong tâm trí ông Thanh. Không bao giờ ông có thể quên được ánh mắt vừa ngỡ ngàng , vừa gần gũi, thân thiết của Thương nhìn ông trong buổi đầu gặp mặt hồi mới giải phóng. Nhất là cái cử chỉ gật đầu vừa thơ ngây, vừa tự tin của Thương khi nghe ông hỏi “Con có vui lòng về sống với ba không”? Cứ tưởng chỉ một thời gian ngắn sau đó là cha con sẽ được sống với nhau, ai dè, ông lại phải đi tiếp hai chiến trường nữa, rồi lại về quân khu với bao công tác đặt biệt cho đến ngày nghỉ hưu này. Loáng một cái đã mười hai năm trôi qua. Tội nghiệp con bé, nay đã ngoài ba mươi tuổi rồi mà vẫn chẳng chồng con gì. Sao cuộc đời lại bất công với nó như thế chứ. Không, không thể như thế được. Dứt khoát ông sẽ tạo dựng hạnh phúc cho đứa con gái yêu quý của ông. Thương sẽ về sống với ông. Ông sẽ tìm cho nó một người chồng thật xứng đáng, một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Với những suy nghĩ đó, ông Thanh cảm thấy như được an ủi phần nào. Ông thiếp đi khi nghe xa xa đã có tiếng gà gáy sáng.

...

N.V
(190/12-04)



 

 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Lửa kinh thành (27/11/2008)