Tiểu thuyết
Đêm thánh nhân
08:39 | 22/04/2010
NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH                   (Trích chương 17)... Trong khi cô Kim Thoa và cha Tạc đấu khẩu lời qua tiếng lại đôi co như vậy và số phận ông bác sĩ già hiền lành dở người cũng chưa biết dạt về bên nào đi theo bên nào thì vào đêm ngày thứ tư sau cái đêm rửa nồi Săchgo huyền bí vui nhộn trong lễ bỏ mả của tộc người Gia Rai M' thur bác sĩ Trương Vĩnh Cần nằm mơ gặp lại hồn ma ông Phạm Văn Cổn.
Đêm thánh nhân
Nhà văn Nguyễn Đình Chính - Ảnh: thethaovanhoa.vn
Vào khoảng nửa đêm đang nằm co ro trên tấm phản góc nhà ngáy gừ rừ gừ rừ ngủ ngon lành như một con chó già thì bác sĩ Trương Vĩnh Cần bỗng nấc khặc lên một cái rồi vẫn nhắm tịt hai mắt chống hai tay lồm cồm bò dậy. Đầu ông nhức như búa bổ hai vai đau như dần người choáng váng nôn nao trong cổ họng lại có con giun to tướng trơn tuột tanh tưởi bò lên bò xuống ngoe nguẩy rất khó chịu. Chống hai tay xuống phản ngồi thừ ra một lúc cố hít vào thở ra vài hơi thật sâu một lúc lâu bác sĩ Cần mới từ từ mở mắt ra và bỗng nhiên ông bác sĩ già lại thấy mình đang đứng lọt thỏm giữa ngôi nhà mồ lủng củng những chum cùng choé bát đĩa dây nhợ bê bết những bẹ chuối nhưng mâm lá chuối ướt nhoét chỏng trơ quăng quật những máng gỗ đầy phè thịt tươi tiết tươi lòng ruột đỏ hon hỏn. Có một điều lạ lùng là ngôi nhà mồ mới hôm qua hôm kia còn ngay ngắn đẹp đẽ tươi tốt sặc sỡ vui mắt thế bây giờ đã hóa ra một ngôi nhà mồ mục nát tiêu điều dúm dó hoang phế hàng cột róc vỏ bôi dầu thẳng tắp sừng sững như cột chống trời giờ đây đã bị mối đục tơi bời nham nhở đổ rụi xuống cong queo như mấy bộ xương khô cháy đen sắp sửa tan biến vào lòng đất chỉ còn duy nhất cây cột cái cất nóc là không bị mục nát mà lại còn nẩy ra hàng chục cành lá non mơn mởn bóng nhẫy đang phe phẩy đong đưa tỏa ra mùi nhựa cây thơm lừng. Nhoáng một cái bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại thấy ông đang đứng trơ vơ giữa một khoảnh đất rộng mênh mông xanh rì cỏ cây hoa lá lao xao um tùm tươi tốt. Ông bác sĩ già ngước nhìn lên bầu trời âm âm u u rồi lại cúi xuống ngó nhìn cảnh vật cây cỏ mơn mởn xa gần xung quanh đang xào xạc chập chờn mung lung chìm trong một thứ ánh sáng đùng đục bảng lảng như không có thật thứ ánh sáng chỉ có thể nhìn thấy trong một thế giới khác đó là thế giới của những giấc mộng ma my . 

Lẽ nào ta đang thức dậy trong một giấc mơ. Ông bác sĩ già phân vân hoang mang ngơ ngác tự hỏi như vậy rồi ông cấu nhẹ vào mũi chẳng thấy đau gì cả ông lại cấu nhưng lần này cấu thật mạnh vào mông đít cũng chẳng có cảm giác gì. Như vậy là ta lại đang lạc vào thế giới ảo giác của giấc ngủ hoặc của những cơn đau bệnh lên cơn tâm thần phân lập rồi. Buồn thay nản thay, chán đời và xấu hổi cho cái thân phận của ta biết chừng nào.  

Những tháng ngày qua kể từ ngày rời khỏi nhà xác đi giang hồ lang thang vô định đã có không biết bao lần bác sĩ Cần rơi vào hoàn cảnh như thế này. Ông nằm ngủ như chết ngáy khò khò và bỗng nhiên nhìn thấy mình chống hai tay lồm cồm bò dậy. Mỗi lần như thế bác sĩ Cần lại tự cấu véo thật đau vào mũi vào mông đít có khi còn cấu vào rốn. Ông véo thật lực nghiến răng véo thật lực như dứt thịt da ra cho đến lúc cái đau bất ngờ ập đến và lôi thốc ông ra khỏi giấc mộng hoặc ra khỏi cơn mê bệnh mung lung đang hành hạ ông. Nhưng lần này không hiểu tại sao ông bác sĩ già lại chẳng muốn tự mình làm mình tỉnh dậy nữa. Ông không nghiến răng tiếp tục cấu véo mũi cấu véo mông đít và rốn của ông nữa. Ông ngồi bệt xuống đám cỏ chống hai tay đỡ cằm dỏng hai tai nghe ngóng, mở thật to hai con mắt nhìn đăm đăm vào cái khoảng không mờ đục mung lung chập chờn trước mặt. Ông bác sĩ già cứ ngồi như thế im phắc cứng đờ ngay đơ y hệt một pho tượng nhà mồ. Có lẽ nếu ông bác sĩ già cứ ngồi mãi như thế thì cuối cùng ông cũng hóa thành một pho tượng gỗ thực sự. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần cứ ngồi như thế mãi ngồi mãi ngồi mãi cho đến khi có tiếng bước chân người đạp xào xạo trên lá khô trên cuội sỏi, rồi từ trong đám khói sương đùng đục bảng lảng chập chờn phía trước mặt nhô ra cái thân hình trắng lốp mỏng dính trong suốt tiều tuy như nắm rẻ rách của ông Phạm Văn Cổn. Vừa trông thấy bác sĩ Cần ông Phạm Văn Cổn hú lên mừng rỡ rồi nhào ngay tới trợn ngược hai con mắt tam giác trắng dã: 

- Ối ông ơi là ông ơi! Thật khốn khổ cho cái xác ma của tôi. Bà Jung bà Jai cứ nhất định không chịu đăng ký hộ khẩu cho cái xác ma của tôi. Bà Jung bà Jai đuổi cái xác ma của tôi ra khỏi thế giới ma Khu - Lâu ở dưới lòng đất tối đen của hai bà rồi. 

Bác sĩ Trương Vĩnh Cần ngơ ngác ngây mặt chẳng hiểu gì cả. Ông bác sĩ già hơi sợ hơi cuống khi thấy cái mặt ma của ông Phạm Văn Cổn uốn cong như miếng da trâu thuộc dối hôi thối cứ áp sát vào lưng vào cổ vào mặt ông làm ông nghẹt thở chỉ muốn hắt xì hơi thật mạnh. Cái mặt ma da trâu thuộc dối đó rỏ xuống mấy giọt nước trong vắt và phào ra một điệu cười nhạt lạnh buốt: 

- Thật là trời cao đất dày chẳng thể hiểu được tại sao đời tôi lại khốn nạn như vậy. Gần hết cả đời ngồi trong tù làm bạn với con dế con cóc. Có một đứa con gái thì hóa điên hóa dại, cởi trần truồng ngồi hít bã mía cạnh đống rác thối khắm ở cổng chợ. Bây giờ đã chết rồi hóa thành xác ma, rồi lại bị bà Jung và Jai xua đuổi quầy quậy. Ơ! Ơ hay thật! Tôi biết xoay sở thế nào bây giờ hả ông bác? Nếu còn sống thì cầu mong quỉ thần vật chết tôi đi. Nhưng bây giờ tôi đã chết rồi hóa thành con ma rồi thì làm sao chết được nữa hả ông. 

Bây giờ tôi là con ma hoang không nhà không cửa không đền chùa miếu mạo chỉ còn biết bay vật vờ lang thang trong rừng thẳm. Ối ông bác ơi ! Ông bác dón tay làm phúc giúp tôi một việc có được không. Ông bác làm phúc đưa hồn ma tôi về lại dưới xuôi. Lang thang vật vờ nơi rừng thiêng nước độc lạ lẫm này tôi mỏi lắm tôi sợ lắm tôi buồn bã cô đơn lắm. Mấy đêm nay tôi đã tính nát nước ra rồi, dù sao về dưới đó vẫn còn quen cảnh quen người ban đêm hồn ma tôi sẽ nương náu vật vờ trong mấy bụi dú bụi gai ngoài cánh đồng, ban ngày hồn ma tôi sẽ lủi vào trong mấy cái miếu hoang dưới gốc đa rình ăn trạc chút hương tàn oản nguội vậy. ..

Cái mặt ma da trâu thuộc của ông Phạm Văn Cổn lại dí sát vào mặt bác sĩ Cần hà hơi thối hoăng tanh đến lộn mửa. Rồi tự dưng có một bàn tay vô hình nào đó túm lấy tóc ông bác sĩ già lôi ông đứng bật dậy. Bốp! một bàn chân vô hình nào đó đá thốc vào mông đít ông bác sĩ. A lê hấp! Thế là như một kẻ mộng du bác sĩ Trương Vĩnh Cần hú lên một tiếng cắm đầu lao bổ về phía trước ù té chạy. Tất nhiên là ông bác sĩ già ù té chạy thẳng vào rừng thẳm. Không giống những lần trước ù té chạy dưới đồng bằng, ông bác sĩ già cứ nhảy đại qua mương qua ngòi lội bì bõm qua ruộng rồi vắt chân lên cổ tế lên như con trâu đứt mũi phóng ràn rạt trên đường đất đường cấp phối đường nhựa lần này bác sĩ Cần ù té chạy trong cánh rừng thẳm chằng chịt cây cối dây nhợ bụi rậm tren miền thượng ngàn. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần ù té chạy. Ông chạy như phát điên phát rồ lúc nào cũng có một bàn tay vô hình ở đằng trước túm chặt lấy tóc lôi đi và thỉnh thoảng lại có bàn chân vô hình khỏe ghê gớm đá bốp vào đít ông bắn vọt về phía trước. Có một điều lạ là rừng thẳm đại ngàn thiên la địa võng rậm rạp chằng chịt cây cối như vậy mà ông bác sĩ già cứ chạy phăng phăng cái kiểu ù té chạy như vậy thì chỉ có bị ma đuổi. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần cứ chạy như thế ba ngày ba đêm thì vọt ra khỏi rừng già và lao xuống một cánh đồng bằng mênh mông rào rào sóng lúa. Tới đây thì bàn tay vô hình tóm tóc ông bác sĩ tự dưng biến mất và ông bác sĩ già cũng không thấy bị đá bôm bốp vào đít nữa như vậy là bàn chân vô hình khỏe ghê gớm ở phía sau cũng biến mất. Có thể hiểu là về đến đồng bằng rồi thì hồn ma ông Phạm Văn Cổn đã buông tha ông bác sĩ già và tạt vào trú ngụ nương tựa trong một cái miếu bỏ hoang nào đó cạnh bến sông bến đò rồi. Đáng nhẽ ra thì bác sĩ Trương Vĩnh Cần ngã quay lơ ra nhưng chẳng hiểu tại sao ông bác sĩ già vẫn cứ cuồng lên như một con chó già nổi cơn điên ù té chạy bán sống bán chết thêm hai đêm một ngày nữa tới ngày thứ ba đang phăng phăng phóng trên đường cái quan thi gan cùng một con trâu đứt mũi thì bỗng nhiên có một trận cuồng phong nổi lên đùng đùng cát chạy đá bay mù mịt rồi một cái vòi rồng xoáy tròn đen xì nhấc bổng ông bác sĩ già lên như nhấc một cái lông gà ném tung ông lên cao cuốn vút ông đi mười cây số rồi ném ùm ông xuống một cái hồ nước mênh mông. Đúng lúc đó trời lại xầm ập xuống trận mưa dữ dội. Mặt hồ nổi giận cuộn sóng ngoạm lấy ông bác sĩ già như ngoạm một con mồi dìm ông xuống tận đáy hồ rồi lại nâng ông lên và ném ông văng vào một hòn đảo xanh rợp cây mắt bão có hàng đàn vượn lông vàng đuôi dài đang đuổi nhau chí choé mà dân quanh vùng vẫn quen gọi hòn đảo này là đảo vượn vàng.

Bây giờ quay lại chuyện bà Mẫn là người đã cho bác sĩ Cần ăn nhờ ở đậu trên đảo vượn vàng bà Mẫn nói tiếng Nam Bộ leo lẻo dẻo quẹo đã ngoài bảy mươi tuổi trạc tuổi ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần nhưng tóc vẫn còn đen nhánh chưa hề có một sợi bạc, da bụng căng da trống, mông nhọn đùi săn hai vú chắc mẩy như hai nắm cơm trông người ngượm tôi thế này ai cũng ngỡ tôi là gái chưa chồng hoặc quá lắm thì nhầm gái một con trông mòn con mắt chứ có ngờ đâu tôi đã là bà mẹ của mười ba đứa con mặc dù cho đến hôm nay cả mười ba đứa đều đã xanh cỏ cả rồi và cũng giống như những người đàn bà cuộc đời quá nhiều nỗi đau khổ éo le về già thui thủi cô đơn bà Mẫn cũng sa đà vướng vào nghiện ngập người ta nghiện trầu nghiện thuốc lá thuốc lào thuốc phiện ma túy cần sa nhưng bà Mẫn thì lại nghiện kể chuyện. Đêm nào cũng vậy vào khoảng canh ba canh tư là bà Mẫn thức dậy lần đến đầu giường ông bác sĩ Cần lảm nhảm kể chuyện. Có đêm bà châm ngọn đèn măng xông ánh sáng phun phì phì chói lòa có đêm bà đốt ngọn nến bé tí xíu ngắn thun lủn có đêm bà ngồi âm thầm co ro trong bóng tối đen thui. Bà Mẫn kể chuyện cứ kể chuyện chẳng cần biết ông bác sĩ Cần có thức nghe hay là đang ngáy khò khò. Bác sĩ Cần cũng chẳng nhớ là ông đã ngủ bao nhiêu đêm đã chong mắt thức bao nhiêu đêm nằm nghe bà Mẫn kể chuyện. Đêm nào cũng vậy bà Mẫn ngồi kể chuyện lảm nhảm từ canh ba canh tư kể một mạch liên tù tì cho đến khi ngoài trời rạng lên thì bà mới ngừng kể mới chịu vác cái vó lưới kềnh càng lùng bùng đi ra ngoài sườn đảo cởi bỏ quần áo cứ thế tồng ngồng nhông nhông chạy dọc mép nước sáng lóa nắng gió săn bắt những con tép bé tí riu đỏ quạch mà người ta vẫn quen gọi là những con ruốc hồ đem về làm mắm ruốc trộn ăn với cơm với bún. Ngày tháng dần trôi những câu chuyện của bà Mẫn giống như những cơn sóng hồ đều đều kiên nhẫn táp vào hộp sọ rỗng tuếch ốm yếu mung lung của bác sĩ Trương Vĩnh Cần để rồi mắc lại trong đám mây trí nhớ hỗn độn ẩm ướt đang khô dần, hồi lại dần của ông những cảnh đời đậm nhạt chẳng khác gì những mảng phù sa đục ngầu hôm loãng hôm đặc bám rõ chặt vào từng kẽ đá trên đảo vượn vàng. Tôi nhớ là hồi tôi còn bé ở nhà quê tôi nghèo rớt mồng tơi lại rất đông người anh em chú bác cô dì, cậu mợ, ông bà đằng ngoại đằng nội cứ rối tinh cả lên như canh hẹ. Có thể vì đông đúc hỗn loạn quá hay là vì có chuyện thù oán gì bí ẩn sâu xa từ đời cụ kỵ ngày xửa ngày xưa truyền lại nhất định không chịu tan đi cho nên cái đám đông chú bác con cháu cô dì họ hàng đông đúc nhà tôi suốt ngày máy móc rủa xả đấm đá cào cấu cắn xé lẫn nhau mặc dù cả họ nhà tôi từ ông già bà cả đến lũ trẻ lên ba lúc nào cũng leo lẻo khôn ngoan đối đáp người người, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Ấy! tôi còn rất nhớ trận xô xát hung dữ nhất hai vợ chồng ông bác ruột tôi kéo năm anh am con trai cởi trần trùng trục múa đại long đao xông qua hàng rào chém què hai cẳng con nghé hoa của vợ chồng con cái ông chú họ tôi vì tội để con nghé dẫm nát sào ruộng mới cấy của gia đình ông bác tôi. Tất nhiên vợ chồng con cái ông chú họ của tôi cũng tay thước tay đao choảng lại đấm đá đâm chém sứt đầu mẻ tai máu chảy ròng ròng cũng may chưa đến nỗi xảy ra án mạng. Làng quê của tôi ở cuối một cánh đồng bằng chằng chịt kênh rạch bốn mùa trắng xóa mênh mông trên trời dưới nước đi mãi về phía đằng trước độ một ngày đường thì gặp bể đông mênh mông vỗ sóng đi giật lùi về phía sau lưng độ nửa ngày đường là thấy núi rừng âm u trùng trùng điệp điệp quanh năm vần vũ mây trắng mây đen. Mười một tuổi đầu tôi đã chèo xuồng vun vút đưa ngoại đi chợ mười hai tuổi tròn đầu đội thúng lúa đầy phè đứng chéo chân ở đầu mũi xuồng theo cậu ra đồng ném lúa cả ngày từ sáng tới chiều mà chẳng mỏi tay. Tôi thất thân sớm lắm. Năm mười ba tuổi vú tôi mông tôi đã trồi lên nần nẫn những thịt là thịt. Ngoại tôi một lần đi tắm ngoài rạch đã phát bôm bốp vào mông tôi kêu lên: giời ơi! mày nở nang sớm thế này thì phải gả chồng cho mày thôi. Đúng là thằng bố Chàm tóc xoăn mũi tẹt hai mắt trắng dã đã truyền cho mày cái giống mau sớm tốt nái thế này đây vì tộc người Chàm lấy vợ lấy chồng sớm lắm con ạ. Rồi ngoại tôi kể cho tôi nghe rằng hồi mạ tôi mười ba tuổi vào rừng kiếm củi đã bị một thằng cha người Chàm tóc xoăn mũi tẹt lôi vào bụi rậm dầy vò hãm hiếp suốt từ trưa cho tới tối mịt mới chịu thả cho chạy về, mẹ tôi đã chết ngay sau khi đẻ tôi vì thế ngoại phải nuôi bộ tôi và tôi là đứa trẻ không có bố là như vậy.

Năm mười bảy tuổi, ngoai gả tôi cho một ông thợ sơn tràng goá vợ khỏe mạnh hiền lành thế là tôi ôm bọc quần áo đeo hai vòng khuyên bạc tòng teng ngoại cho theo chồng về vùng lam nham núi đồi cây cỏ này sinh cơ lập nghiệp. 

Đêm đầu tiên bác sĩ Trương Vĩnh Cần ngủ lại đảo vượn vàng thì bà Mẫn đã mò vào đầu giường ngồi rì rầm lảm nhảm kể chuyện. Nửa đêm về sáng ông bác sĩ già đang nằm lơ mơ chập chờn thì nghe có giọng đàn bà dẻo kẹo líu la líu lô lên bổng xuống trầm đang rót mật vào tai ông. Bác sĩ Cần he hé mắt nhìn thấy bà Mẫn trùm khăn kín mít quấn tấm xà rông ngồi chồm chỗm co chân trên ghế ngay sát cạnh đầu giường ông bác sĩ già chẳng còn nhớ đêm đầu tiên đó là bà Mẫn kể chuyện gì hình như là chuyện hồi bà mới mười tuổi theo ngoại ra đồng lội nước bắt rắn có một con rắn hổ mang bành to bằng cổ tay chui ra từ bụi cỏ bất ngờ phóng ngay vào ống quần cô bé Mẫn rồi cứ thế trườn ngược lên bụng rắn hổ mang bành độc lắm ác lắm mổ một ái thôi là con trâu mộng sừng kềnh càng cong tếu cũng phải lăn ra dãy đành đạch chổng bốn vó lên trời ấy vậy mà con rắn hổ mang bành chẳng hề đớp cô bé Mẫn chỉ bò dọc theo đùi cô bé nhoi qua cạp quần trườn lên bụng lên ngực bò vắt qua vai qua mặt rồi trườn đi mất chỉ để lại một chút rớt rãi đùng đục xanh lè tanh đến lộn mửa ở háng cô bé ở bụng cô bé và ở trong cái hõm gày nhom giữa hai núm vú trắng bợt vì ngâm nước mới bắt đầu nổi lên cồm cộm như hai núm cau căng mẩy nhỏ xíu. Có thể bà Mẫn đã kể một chuyện đại loại như thế ông bác sĩ già chẳng làm sao nhớ được rõ ràng cũng như hàng chục hàng trăm đêm tiếp sau cứ vào lúc nửa đêm về sáng là bà Mẫn lại trùm khăn kín đầu quấn tấm xà rông ngang bụng leo lên ghế ngồi chồm chỗm rì rầm lảm nhảm kể chuyện vớ vẫn lăng nhăng không đầu không đuôi chuyện lần bà đẻ anh con trai đầu lòng tên là Biên trong cái lều cất ở ngoài vườn gào thét vật vã tóc tai rũ rượi mồm xủi đầy bọt như con vượn điên khiến ông chồng sơn tràng sợ đến vãi đái ra quần vừa hú vừa la mếu máo cuống cuồng lội qua kênh rạch trèo thốc lên mái nhà nhảy tùm xuống ao bèo cứt lợn cũng chính anh con trai cả Biên này lớn lên bỏ vào rừng xanh núi đỏ mất tăm mất tính hàng chục năm trời hóa thành một gã áo đỏ áo đen mũi môi thâm xịt đi dép cao su súng đạn đầy người mắt lạnh như tiền đã đạp vợ chồng bà Mẫn ngã dúi vào góc nhà thản nhiên vung cuốc bổ thẳng thừng vào giữa đỉnh đầu thằng em thứ ba của nó đã bị đánh hộc máu mồm gẫy xả canh tay phải bị trói cứng người vào cây cột cái giữa nhà với một tờ giấy nhàu nát nhoè nhoẹt máu dán bẹt giữa trán loằng ngoằng nguệch ngoạc mấy chữ: tử hình nợ máu chó săn ác ôn bán nước. Những câu chuyện rì rầm rời rạc lảm nhảm không đầu không đuôi lẫn lộn trước sau chẳng biết xảy ra ở đâu hồi nào của bà Mẫn khiến bác sĩ Trương Vĩnh Cần chẳng hiểu gì cả sợ hãi cứ ngỡ là bà Mẫn bị lẫn trí rồi nếu không thì cũng mắc bệnh mộng du hoang tưởng tâm thần phân lập nhưng rồi dần dà những câu chuyện đó cũng đều đặn táp nên những cảnh đời chập chờn mờ ảo đau đáu nhục nhã cay đắng, khốn nạn chua xót sát ớt vào da chọc kim vào xương số phận bất hạnh của vợ chồng một người dân lương thiện dốt nát hiền lành chăm chỉ làng quê ở xóm núi nghèo khó lẩn khuất dưới bóng rừng cây đại ngàn ngoảnh trông ra cánh đồng mênh mông lúa nước cả đời chỉ biết cắm mặt xuống đất cày ruộng chèo đò chặt cây nuôi gà nuôi lợn sinh hạ được mười hai cậu con trai thêm một cô con gái út thuở nhỏ đứa nào cũng béo tốt hiền lành chăm chỉ ít nói suốt ngày ríu rít nô đùa chọc ghẹo lẫn nhau chạy quanh gấu máy của bà ấy vậy mà khi lớn lên đáng nhẽ phải chăm chỉ làm ăn lấy vợ gả chồng đẻ con đẻ cháu thì lại rủ nhau bỏ quê bỏ quán chạy túa lua tứ tung Đông Tây Nam Bắc chẳng hiểu nghe ai xui dại xui khôn đứa mặc quần vàng áo đỏ khoác áo đen áo tím đứa đội nón dứa đứa đội mũ sắt có đứa lại quấn mảnh khăn rằn ri ngay ngang cổ ngang đầu hùng hổ rượt đuổi nhau chạy lộn ngược trở về cái nơi chôn nhau cắt rốn xóm núi nghèo đói hiền lành vô tội thế rồi chẳng rõ có nghiệp chướng gì u uất bí ẩn vận về từ đời cụ kỵ tổ tiên vẫn chưa chịu tan lũ con mười mấy đứa của bà Mẫn lăn xả vào nhau cấu xé đấm đá đâm chém băm chặt cuốc bổ bắn giết hung dữ tàn ác rùng rợn gấp ngàn lần ông bà chú bác cậu mợ cô dì chúng nó ngày xưa chửi bới xô xát đánh chém nhau ở ngoài hàng rào ở trên bờ ruộng bỏ mặc ngoài tai phớt lờ vợ chồng bà Mẫn chạy ngược chạy xuôi gào thét vật vã mếu máo đập trán đập đầu đập hai bầu vú mà đứa nào cũng đã từng mút chùn chụt xuống đất lạy van xin xỏ anh em chúng nó đừng có đối xử với nhau như thế nhưng cũng không khiến được một đứa nào động lòng dường như chúng chẳng còn coi vợ chồng bà Mẫn là bố mẹ của chúng nữa chúng đã hóa thành con cái nhà ai bố mẹ chúng là ai ở tận đẩu tận đâu hoặc là chúng đã trở thành một lũ đi hoang một lũ người từ đám hạt đậu trong hang ủ mãi nắng mưa sương gió mà hóa thành âm binh ngày tháng dần trôi một năm một vụ ném lúa trên đồng một lần vào rừng chặm củi một lần đỡ đẻ cho con trâu con lợn vợ chồng bà Mẫn lại thêm một công việc ghê rợn một năm một lần bó chiếu đào đất đắp mồ chôn cái xác đẫm máu nát nhừ thủng lỗ chỗ vết đạn vết chém của một đứa con xuống lòng đất sâu tối đen hun hút cho đến lần thứ tám bó chiếu kéo cái xác cụt đầu của thằng con trai thứ chín ấn xuống miếng đất chó ỉa sau ngôi miếu hoang ở chân núi thì ông Mẫn hộc máu tươi gục xuống chết tắc tử tức thì. 

Những ngày sống nhờ ở đảo vượn vàng bác sĩ Trương Vĩnh Cần chẳng phải làm gì chẳng phải dậy học chẳng phải đãi đất cát đá sỏi chẳng phải thương yêu lo sợ đau đớn tủi hổ cho ai ông dậy rất sớm từ sáng tinh mơ lặng lẽ leo lên sườn đảo vách đá dựng đứng ngồi tựa lưng vào gốc cây Báo Bão xù xì trầm ngâm mặt hồ sớm mai mênh mông tĩnh lặng u trầm phập phồng hư ảo và ông bác sĩ già cứ ngồi như vậy chờ đợi vầng mặt trời tròn xoe từ từ trồi lên từ một sườn núi xa xa bên kia mặt hồ làm thay đổi mặt nước hồ chầm châm sáng dần lên như tấm gương khổng lồ được một tấm vải vô hình lau chùi cọ rửa quét sạch màn sương li ti hư ảo cho đến khi tất cả cảnh vật vòm trời sóng nước trong vắt như lau như ly thì cũng là lúc trên mép nước rực sáng vắng vẻ hoang vu hiện ra một người đàn bà trần truồng tóc dài xỏa sượi đen nhánh da bụng thẳng căng mông nhọn đùi săn vú chắc như nắm cơm tay dơ cao tấm vó lưới lùng nhùng nom như một người tiền sử từ cõi hồng hoang xa xưa hiện về tắm mình trong ánh nắng buổi sớm mai rực rỡ chói lòa như dát vàng dát bạc. Người đàn bà chạy nhông nhông theo mép nước mắt chăm chú nhìn những ngọn sóng lăn tăn sủi bọt trắng lốp đang nối nhau vỗ vào bờ đảo thỉnh thoảng người đàn bà lại lao bổ xuống hồ cuống quít dẫm đạp lên đám bọt sóng nháo nhào dấn người ra xa bất chợt chụp mạnh tấm vó lưới xuống những khoảnh nước đục ngầu quấn quít từng đàn từng vầng từng mảng những con ruốc hồ li ti dày đặc trông xa giống như những vầng rong rêu từ đáy hồ bị dồn đẩy lên mặt nước. Nhớ lại buổi sáng đầu tiên nhìn thấy người đàn bà trần truồng chạy nhông nhông trên mép nước ông bác sĩ già không thể nào tin được đó là người đàn bà đêm qua đầu trùm khăn đen bụng quấn xà rông ngồi chỗm chỗm như mụ phù thủy như thần chết đau khổ rì rầm lảm nhảm rót mật vào tai ông bác sĩ già bao nhiêu câu chuyện lăng nhăng vớ vẫn buồn thảm thương đau oán hận cũng như bác sĩ Cần càng không thể hiểu được vì sao một bà già hơn bảy mươi tuổi đã đẻ mười ba người con lại có thể trẻ trung đẹp đẽ khỏe mạnh đến như vậy ngắm nhìn bà Mẫn trần truồng da dẻ bóng loáng dơ cao cái vó lưới tả tơi có khi ngang lưng còn buộc tòng teng cái dỏ, ông bác sĩ già cứ ngỡ như nhìn thấy nàng công chúa con vua Thủy tề dưới hồ trồi lên. Những ngày sau này khi đã biết ông bác sĩ già chẳng hơn gì lão công công bà Mẫn cũng chẳng cần giữ gìn ý tứ gì nữa chẳng cứ sáng sớm bà cởi trần cởi truồng chạy nhông nhông theo mép nước vớt con ruốc hồ đỏ lòm về làm mắm mà cả ngày vẫn cứ trần truồng đi lại trên đảo bà vui vẻ thản nhiên cù vào nách ông bác sĩ già khi thấy ông quay mặt đi ngượng nghịu: úi dào ơi ông đừng cưa sừng làm nghé nữa cứ như thế này cho mát lại đỡ tốn quần áo, trên đảo còn có ai nữa đâu mà phải che với đậy. Thú thật là mấy ngày đầu tiên ông bác sĩ già cả thẹn lắm nhất là khi cả hai ngồi xồm chỗm hỗm đối diện với nhau qua mâm cơm rưới nước ruốc hồ bày ngay trên mặt đất có một bữa ông bác sĩ suýt chết nghẹn khi đang và cơm bất chợt ngẩng lên thấy ngay cặp vú tròn vo căng mẩy rắn đanh của bà Mẫn nhẩy tâng tâng ngay trên miệng bát cơm đầy phè của ông lại có một lần ông bác sĩ già suýt chết sặc khi ông cúi xuống húp bát canh thì lại thấy ngay một túm lông đen xoăn tít như nắm rong rêu đặc sệt ruốc hồ động đà động đậy ngay trên cái miệng nồi canh bốc hơi nghi ngút. Nhưng rồi trước lạ sau quen dần dà bác sĩ Trương Vĩnh Cần chẳng còn ngạc nhiên chẳng còn hốt hoảng, chẳng còn cả thẹn chẳng còn lạ lẫm sặc nước nghẹn cơm nữa. Rồi đến lượt ngay chính ông cũng cởi trần trùng trục phơi ra bộ xương sườn đức Phật Tuyết Sơn thản nhiên vô tư ngồi bệt xuống đất ăn cơm với bà Mẫn nhưng ông bác sĩ cũng chỉ mới dám cởi trần thôi chưa dám cởi truồng ra và cũng chưa dám mặc quần đùi xi líp phơi ra bộ chân ống đồng trí thức còm nhom trắng bợt. Tuy nhiên cũng cần nói cho hết mỗi khi xách chổi ra quét dọn xối nước và ném bí đỏ cho lũ vượn vàng ở sau nhà thì bà Mẫn lại cẩn thận mặc áo quần gài khuy rõ chặt. Thấy ông bác sĩ già trố mắt tò mò bà Mẫn cười nhạt: 

- Mấy thằng khỉ đực là đồ mất dậy, nhất là cụ khỉ già đầu đàn lại càng mất dạy ma đầu dâm đãng, một lần thấy tôi tồng ngồng bê sọt bí đỏ ra thế là cụ khỉ rít lên lao từ ngọn cây xuống một tay ôm dái một tay vồ lấy vú tôi bóp lấy bóp để láo thế, thật đúng là đồ khỉ gió. 

Có lẽ nhờ không khí ngoài đảo hồ quá trong lành nhờ những cơn gió hồ thoáng đãng, nhờ cuộc sống tự do bình thản êm đềm thư thái và nhất là nhờ những bát thuốc đùng đục đen xì vừa đắng vừa ngọt vừa cay lại bốc lên mùi khai thối thum thủm như mùi nước đái khỉ mà bà Mẫn vẫn ép uống đều đặn cho nên đã có những ngày bác sĩ Trương Vĩnh Cần hoàn toàn tỉnh táo tỉnh trí như người khỏe mạnh bình thường những buổi trưa oi ả tĩnh mịch mặt trời chính giữa đỉnh đầu chang chang hắt nắng xuống hoang đảo cây cỏ muông thú say nắng lừ đừ uể oải rúc đầu vào bóng râm cũng là những giây phút ông bác sĩ già bỗng thừ mặt ngẩn ngơ nhớ lại một buổi trưa hè ran ran tiếng ve cậu bé Trương Vĩnh Cần trần truồng bò lổm ngổm trên cái hiên nhà lát đá rộng rãi thênh thang lốm đốm ẩn hiện đong đưa vô vàn cánh hoa tigôn bé xíu liu điu tim tím rồi cậu bé Cần vục đầu vào đĩa cơm chó tranh ăn với đàn chó con lũn tũn, rồi cậu bé Cần lại nhoẻn miệng cười ọ ẹ toe toét dơ tay bóp lấy bóp để hai bầu vú căng mọng đầy sữa chảy xệ thỗn thện của con chó mẹ chính dòng bec giê to như con bò đang nằm duỗi chân lim dim đôi mắt thỉnh thoảng thè lưỡi liếm tem tép khắp mặt cậu bé Cần. Ông bác sĩ già cứ bùi ngùi vẩn vơ từ từ nhớ lại như in những chuyện xa vời tận đâu tận đâu nhớ tới những ngày ẩm ướt nóng nực lạnh lẽo hầu như chẳng có buổi sáng buổi trưa buổi chiều tối mà chỉ có thứ ánh ngày nhờn nhợt đùng đục tanh tưởi lạnh lẽo đùn đẩy cái thân xác ông đi vào đi ra đi ra đi vào chui rúc quanh quẩn trong gian nhà xác chẳng khác gì con chuột già rụng răng điếc tai mắt lòa, long móng trốc vẩy thườn thượt thở dài bò quanh quẩn trong hang trong lỗ đất tối đen bẩn thỉu nhớp nhúa. Rồi ông bác sĩ lại chợt nhìn thấy cặp mắt trắng dã trừng trừng của bà Phạm Thị Ngót khi đưa cho ông tờ đơn ly dị: Người ta xử lý kỷ luật ông như vậy là dơ cao đánh khẽ đấy cũng vì họ nể tôi. Mong ông thật tâm ăn năn xám hối tổ chức chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Rồi ông bác sĩ già lại nghe thấy tiếng tàu hỏa chạy xục xịch xục xịch đánh võng đánh nhịp đưa đẩy đời ông kiếp sống lang thang phiêu dạt vật vờ mờ chồng bao gương mặt đàn ông đàn bà già có trẻ có chập chờn nhoè nhoẹt mếu máo khóc cười nhàu nát nghệch ngoạc những bức ký họa. Cơn gió nào đó ào ào trên trời thổi tung cuốn bay những bức ký họa đời ông rắc rơi lả tả như những chiếc lá mắt bão tai trâu chấp chới chao liệng ngay trước mặt ông. Ngồi im lặng cô đơn giữa buổi trưa hè đảo hoang nóng nực càng tỉnh táo tỉnh tâm nhận ra cái đích thực đích danh thân phận của mình bác sĩ Cần càng thấy buồn bã u sầu tủi hổi chua chát ân hận ông gục đầu vào hai bàn tay nghẹn ngào đánh rơi những giọt nước mắt to tướng mặn chát còn đắng hơn chua hơn và khai thối hơn cả mùi nước đái khỉ không hiểu sao mỗi khi ông bác sĩ già ngồi ủ ê cô độc đau đớn khóc thầm như vậy thì bà Mẫn lại ở xó nào đó hiện ra tất nhiên vẫn trần truồng lặng lẽ ôm lấy đầu ông bác sĩ già kiên nhẫn đổ vào mồm ông bát thuốc đen xì nấu bởi những chùm hạt quả li ti đỏ ối của cây dây leo không tên vẫn bám chặt vào cành Báo bão bà âu yếm cà nhẹ đôi vú căng mẩy tròn vo chắc như nắm cơm lên cổ lên gáy lên mũi ông y hệt như người mẹ đang âu yếm dỗ dành đứa hài nhi tội nghiệp mỗi lần như vậy bác sĩ Cần lại càng nức lên rồi từ từ đổ gục xuống chìm vào một giấc ngủ mỏi mệt mê loạn ú ớ. ..

N.Đ.C
(136/06-00)





Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Kho báu (13/10/2009)