Tiểu thuyết
Vượt cạn
15:42 | 11/08/2008
NGUYỄN THỊ THU SƯƠNGLTS:“VƯỢT CẠN” là nhan đề bộ tiểu thuyết 2 tập của nữ tác giả Nguyễn Thị Thu Sương.Cuốn sách đề cập một đề tài muôn thuở nhưng luôn luôn mới mẻ hấp dẫn của con người: tình yêu và lao động.

Hai người phụ nữ cùng đau khổ vì tình yêu. Người mẹ có chồng ngoại tình, người con gái yêu một người đàn ông đã có vợ. Hai tình trường đó diễn ra trong bối cảnh cuộc sống thời chiến tranh ở mảnh đất dầu dãi miền Trung với bao nhiêu điều bất ngờ, mới lạ, rất trầm tư nhưng cũng rất khốc liệt. Người mẹ, do cuộc đời đưa đẩy, trở nên nghi ngờ tất cả, bà vo tròn lại, thủ thế để bảo vệ con gái, hi sinh tất cả vì con gái, nhưng danh dự thì không. Người con gái thông minh, mạnh mẽ nhưng rành rõi, đầy tính toán, cô dám vứt bỏ tất cả để đến với người mình yêu, nhưng cô cũng lại là một tấm gương trong lao động nghề nghiệp, luôn luôn đấu tranh chống tiêu cực để vươn lên, sẵn sàng hi sinh vì nghề nghiệp. Do vậy, rành rõi tính toán nhưng cô đã phạm nhiều sai lầm, có khi là tội lỗi... Vì lòng yêu nghề, vì tình mẫu tử bao la, cô đã tìm lại được chính mình, tìm thấy niềm tin cuộc sống sau bao thất bại đau đớn... Điều thú vị là cô làm ở một ngành mà mọi người đều coi là không được sai lầm và trong sạch: khí tượng thuỷ văn. Sự dự báo của ngành làm cho ta liên tưởng đến sự “dự báo con người” của con người. Đó cũng chính là ý tưởng bao trùm của tác giả nhằm hướng tới sự hoàn thiện của con người, làm cho con người sống tốt hơn, hữu ích hơn.
“VƯỢT CẠN” được viết khá kỹ, tác giả có xu hướng vươn tới sự tận cùng của mỗi tính cách, mỗi một tình tiết, sự việc. Thiển nghĩ đây là thế mạnh của thể loại tiểu thuyết trong văn học.
Nguyễn Thị Thu Sương sinh 1957 quê ở Hương Tra - Huế, hiện làm việc ở Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ. “VƯỢT CẠN” là tiểu thuyết đầu tay của chị, đã được UBND Đà Nẵng tặng giải ba.
Tạp chí Sông Hương xin trân trọng giới thiệu trích đoạn trong chương VII của cuốn tiểu thuyết này.

 



Vượt cạn
...
Tiếng lách cách đều đều từ chiếc bàn tính vang lên. Dáng cao, khuôn ngực rộng, đặc biệt tiếng nói đầy âm tượng của người trạm trưởng hoàn toàn không phù hợp với những con số và những hạt tròn nhỏ trên bàn tính kia. Thủy ghi thêm cột số nữa rồi buông bút:
- Chưa tìm ra cột nào sai sao anh Đức?
- Sai mười đơn vị nên rất khó tìm, phải cộng lại toàn bộ.
Không biết thanh quản của anh ta thế nào mà giọng nói ấm thật.
Thuỷ đứng dậy khép cánh cửa sổ tránh cơn gió khô khốc lùa vào. Đức ngẩng lên:
- Đừng đóng cánh cửa ấy để theo dõi gió Fx.
- Fx, hướng và tốc độ ngày lớn nhất trong hai giây - Thuỷ cao giọng như học trò trả bài rồi nhún vai - Một sự chọn lựa đắt giá! Để em cộng giúp cho.
- Chỉ hàng nữa là xong. Cứ nghĩ cộng nhiều thường cuống tay hay sai hàng cuối, nãy giờ đi từ dưới lên hoá ra lại ở hàng đầu. Đúng rồi.
Đức viết con số vừa tìm được rồi duỗi tay tựa vào ghế:
- Cô chép xong chưa?
- Một nửa, nhưng sẽ xong ngay thôi. Khi nào anh về đài?
- Ngày mai, qui định ngày 10 nộp báo cáo mà!
- Và nhận lương luôn chứ?
- Thường thì được nhận kỳ 1, còn kỳ 2 cuối tháng. Nhưng dạo này lương chậm trễ lắm, có khi đi rồi về không. Khó khăn nhất là anh em các trạm miền núi, hai ba đoạn đường tốn kém lắm, tiền tàu xe không được thanh toán ngay trong khi lương đâu đủ ăn. Nói chung ai cũng ngại đi công tác.
- Sao mình không đề nghị cho nộp báo cáo trễ một chút khi nào có lương rồi về một lần luôn thể?
Đức nhìn Thuỷ:
- Quy định nộp vào ngày 10 để tổ kiểm soát đài kiểm soát xong rồi gửi đi Hà Nội cho đúng thời gian qui định, chậm trễ sẽ bị Tổng cục trừ điểm. Mình phải dò từng con số để tránh sai sót mà mất điểm như thế thật vô lý.
Thuỷ ngẫm nghĩ:
- Theo em hiểu thì Tổng cục gửi hạng mức vào, đài làm thủ tục nhận tiền ở ngân hàng. Nếu được giải trình đầy đủ thì họ sẽ không chặt điểm của mình.
Đức cười:
- Người ta làm việc theo nguyên tắc chứ không phải như hai nhà hàng xóm đâu. Phòng kỹ thuật ở Tổng cục không thể sang phòng tài vụ hỏi thời gian gửi lương. Mấy chục Đài, mấy trăm trạm chứ ít đâu. Nói chung phải tự thân vận động thôi. Vay mượn, ăn trước trả sau cũng thế.
Thuỷ bực vì chính anh ta chấp nhận chuyện lòng vòng tốm kém kia mà không có một đề nghị:
- Mấy ngàn người của ngành này vay mượn, trong khi chỉ cần ông trưởng phòng kỹ thuật gật đầu dời ngày nộp báo cáo là đỡ cho bao người mang niềm hi vọng đi rồi đem thất vọng về. Em cam đoan là ông trưởng phòng kỹ thuật biết rõ chuyện lương hướng như thế. Chỉ có điều thấy ai cũng bằng lòng đi vay mượn thì việc gì ông ta phải xưng. Con khóc mẹ mới cho bú chớ.
Đức nhìn cô, mãi sau anh mới nói:
- Có thể cô nói đúng, nếu tình trạng này kéo dài nữa chắc phải có ý kiến, đỡ cực cho anh em và cũng tiết kiệm được tiền công tác phí cho đài.
- Chứ sao! - Thuỷ cướp lời - Em thấy có nhiều cái vô lý, lãng phí không phải ở Tổng cục mà ngay tại đài. Ví dụ trạm thường chỉ vài ba người, nhiều nhất là bốn nhưng hành chính cấp cho mấy cái nồi quá to, chục người ăn cũng không hết. Em tưởng trạm mình thôi nhưng chị Lan nói trạm chị cũng vậy, dùng cho cả đại đội. Tại sao họ không mua cho vừa với số người, cái kho cá còn phải nhỏ nữa vừa hợp lý vừa tiết kiệm tiền?
Chuông điện thoại vang lên, Đức cầm ống nghe rồi cười nhẹ:
- Có người muốn gặp cô.
Thuỷ cầm ống nghe, một giọng nói nghèn nghẹt vang lên:
- Thủy phải không? Vĩnh đây, chóng quên vậy. Hôm qua gặp Thuỷ đi chợ với anh Hải đó.
- Xin lỗi, tôi nhớ rồi, anh làm ở Bưu điện phải không?
- Đúng! Công việc ra sao Thuỷ?
- Mọi điều đang mới.
Anh ta cười, có lẽ không chờ đợi điều đó. Lẽ ra cô sẽ than đồi cao vắng lặng, lạ lẫm và tiếp đến cần có người chia sẻ... Thuỷ biết không? Bưu điện và khí tượng như chân với tay. Đêm hôm người ta ngon giấc chỉ có mình thức.
- Tôi biết điều đó cách đây ba năm.
- Thủy hóm thật, anh còn biết câu thơ này nữa cơ:
Trên trời có sao tua rua
Lấy vợ khí tượng làm vua một đời.
- Anh làm bưu điện ở đây mấy năm rồi?
- Năm năm.
- Tôi là nữ thứ hai đến trạm, có phải đồ hâm lại không?
- Ây! Tội anh chớ. Anh chỉ muốn chia sẻ với em...
Có tiếng cười và tiếng nói chen vào. Thủy cúp máy nhìn Đức thở dài:
- Rồi sẽ mệt vì mối quan hệ chân với tay này thôi. Anh ta ca mùi mẫn lại qua cái máy nghèn nghẹt như đang khóc.
Đức cười:
- Cậu ấy tốt bụng, thỉnh thoảng vẫn lên đây chơi. Đó là khách chung thuỷ của trạm chứ ở thị xã phải đi một quãng dài, leo núi như vậy chỉ vài lần là người ta ớn. Thật rõ là...
- Anh ta quê đâu vậy?
- Nghệ Tĩnh nhưng vợ Quảng .
- Có vợ rồi ư? Thuỷ kêu lên.
- Sao cô ngạc nhiên đến vậy?
- Sở Khanh! Có vợ rồi mà còn tán hươu tán vượn!
Đức nhìn cô, ngạc nhiên:
- Đơn giản thế ư?
Thuỷ thấy máu dừng trên mặt, anh ta cười mình hời hợt. Đúng. Tại sao lại nói ra điều chẳng cần để tâm, khác chi dựng bức rào rồi phải đi lòng vòng cho mệt.
- Xin lỗi... em xin lỗi... Thuỷ nói lí nhí.
Đức quẩy đôi thùng nước đi. Thuỷ nhặt rau xong rồi giâm mấy cành ngót, tưới đẫm gốc cho nó. Nhác thấy bóng người trong nhà, cô đi lên. Một anh chàng đội chiếc nón cời đã cắt mấy vành, ngắn như nón lính ngày xưa, tay cầm chiếc roi chắp sau lưng, anh ta chăm chú nhìn vào bảng tiêu điểm tầm nhìn xa.
- Sao anh tự tiện vào cơ quan người ta vậy?
Anh ta quay lại, chiếc nón cời, bộ đồ cũ làm nổi bật nước da trắng mịn. Thuỷ ngạc nhiên bởi một người đàn ông lại có nước da đẹp thế.
- Cơ quang? Cô nói đây là cơ quang? Giọng Huế kéo dài như mỉa mai - Tui có thấy biểng đề mô?
- Không thấy thì anh cũng biết là nó không phải nhà riêng, hoặc ít nhất, không là bãi cỏ.
Anh ta cười:
- Cô biếc xứ ni có chi là không cầng không? Không có chi cả. Họ cầng cả tờ giấy lộông nữa kia. Cơ quang mà giấy tờ để hớ hênh vậy mà cơ quang cái chi?
Thuỷ tức sôi, chăn bò còn lên mặt dạy đời.
- Chẳng qua tôi không nghĩ có thứ người thiếu hiểu, bất lịch sự như anh mà thôi. Mời anh ra khỏi phòng làm việc.
Anh ta kéo ghế ngồi tỉnh bơ, nhịp nhịp chiếc roi, nhìn Thuỷ.
- Tui ngồi đây, cô làm chi nà? Cô giữ được căng phòng ni chớ giữ ngoài vường kia không? Mà tui cá rằng ngoài kia mới có thứ đáng giá.
- Anh thật là... Thủy nhìn ra con dốc, chẳng thấy Đức đâu. Cô hậm hực. Thật là...
- Không phải dễ được mộôc tồi danh. Nhưng tui biếccơ quang thì người cáng bộ phải làm tốôc công tác dâng vậng. Cô gây gổ với tui thì cô thiệc trước. Dâng chăng bấc cầng lắm, cùng lắm là làm bò chớ chi. Tui thăm dò rồi, cái vường kia không có khoá, hoặc có thì tui ngồi lưng bò phi mộôc cái là hàng rào kia đổ liềng, xẹo xẹo vì mục rồi tề. Đệ tử tui ngoang ngoãng lắm chớ không cứng đầu như đệ tử người khác, chỉ cầng vỗ mông mộôc cái hắng dương sừng ra trước vì chủ. Cô đủ sức ngồi thâu đêm suốc sáng ôm cửa vường không?
Thủy thấy mình bị bóc trần trước giọng Huế tưng tửng kia. Thằng cha chăn bò này liều nhưng có vẻ trí thức. Hắn đang nắm quyền, chẳng nhìn cô, cứ đưa mắt khắp phòng, tay vung vung cái roi bò.
- Sao cô không ngồi xuống ghế tiếp khách? À. Không, hạ cố cho tui có âng sủng được cáng bộ nói chuyện.
Thủy ngần ngừ, con dốc vẫn vắng bóng. Rõ ràng cô không có quyền lựa chọn. Ngồi xuống ghế cô nói:
- Trông anh có vẻ có học đấy, chắc là cán bộ thoái hoá bị đuổi về địa phương phải không?
- Loại người như thế thậc đáng sợ phải không?
- Và đáng khinh nữa. Với người bình thường, chỉ cần biết người ta không muốn tiếp xúc là tự rút lui. Còn thứ người bị đuổi về địa phương thì chẳng biết chạy đi đâu. Cho nên tôi không thấy phí lời nữa khi anh không chịu ra khỏi phòng.
Anh ta cười với vẻ khoái chí hết cỡ:
- Tui đang tưởng tượng đây không phải là phòng làm việc mà phòng riêng của cô kia. Cô làm chi nà?
Hắn lột chiếc nón cời ra, hất mái tóc suôn sang một bên trông rõ khuôn mặt rất thư sinh, nghiêng người tới phía Thuỷ:
- Cô không thấy tui đẹp trai sao? Thực lòng cô không thấy tui đẹp trai sao?
Tim Thuỷ nhảy lên. Vẻ bất cần và căn nhà nhỏ trên đồi làm cô yếu thế. Nhưng nếu kêu toáng lên hắn sẽ chồm tới, mẹ nói đàn ông hay bị kích thích vì vẻ yếu mềm của con gái. Nếu sợ hắn sẽ tấn tới và làm tiếp vào những obs đêm. Muốn yên thì đừng sợ, việc quái gì phải sợ. Không né người đi, nhìn vào khuôn mặt đang rất gần của hắn, cô nói:
- Quả thiệt, anh không xấu, nói chung là... đẹp. Nhưng vẻ đẹp được gắn với thứ xấu xa như anh thì nó là thứ nấm độc - Thuỷ thấy khuôn mặt dịch xa ra một chút, cô nói tiếp - Hay anh nhờ vào cái vỏ ấy mà bịp người để chừ phải đi sau đ.. đuôi bò?
Hắn ngồi thẳng người lên cười nhưng không khả ố như trước:
- Thế là cô đã thấy một gã hào hoa phong nhã, lừa gái nhà lành, đánh gục mấy ông lãnh đạo pêđê, kiếm lợi bất chính và lẽ phải luôn chiến thắng - Hắn quơ cái roi bò trong khoảng không. Xem ra cô cũng hiểu đời gớm đấy.
- Anh tưởng mọi cô gái đều dễ bị lừa lắm sao? Quặp vòi ấy lại đi nhé, biết tôi rồi thì đừng lảng vảng ở đây nữa, tôi không cho anh ân sủng lần thứ hai đâu.
Hắn cười, ánh mắt dịu lại.
- Ủa Hào hả! Đến lâu chưa?
- Khá lâu, bị đuổi về nhưng cố ngồi lì đây.
Thủy tròn mắt nhìn từ Đức sang anh chàng tên Hào. Đức chìa tay giới thiệu:
- Anh Hào, kỹ sư nông nghiệp, trưởng phòng kỹ thuật nông trường dứa Sáng Xuân. Còn đây là Thủy, quan trắc viên mới của trạm.
- Chúng tôi đã nói chuyện và khá hiểu nhau rồi. Hôm nay dạo một vòng quanh vùng dứa mới trồng gần đây rồi ghé lại hỏi anh việc xin số liệu thế nào?
- Tôi đã báo cáo, đài trả lời rằng phải về lấy dưới đó, sau khi tài liệu được kiểm soát bước hai vừa đảm bảo nguyên tắc và chính xác hơn.
Anh ta gật đầu:
- Thế cũng được.
- Giống dứa mới thế nào? Đức hỏi.
- Ngật ngưỡng, có lẽ khí hậu không phù hợp lắm. Hi vọng nó trụ được, đó là loại dứa có năng suất và chất lượng cao. Thôi tui về đây - Quay sang Thuỷ, anh ta nói - Hôm nào rảnh mời cô sang “địa phương” tui chơi.
- Sao anh lâu thế? Thuỷ hỏi khi còn lại hai người.
- Đứt gàu, mò mãi mới được.
- Trời ạ!...

Mưa tầm tã. Màn mây xám, đục mờ trong mưa. Cánh đồng trước mặt làng trắng xoá.
- C3 gọi C1, C1 trả lời.
Âm thanh từ chiếc máy bộ đàm cũ kỹ tróc hết sơn lại sôi ào ào. Thủy buông ống nói, giọng khàn đi:
- Điện thoại hỏng chẳng chữa rồi cấp cho cái máy chỉ phát tiếng gió thế này đây.
- C1, C1 nghe rõ C2 không trả lời?
Tiếng gọi dạt đi bởi màn tạp âm của mưa và gió ào đến.
- C1, C1 trả lời? Tiếng gọi kiên nhẫn.
Thuỷ nói:
- Bà Nên trạm chị Lan không ngán nhỉ.
- C1 đây, C2 chuyển đi.
- C2 chuyển - Giọng nói hoạt bát hẳn lên - 1019 74129 - C1 nhận đủ trả lời?
- C2 chuyển lại chứ nhiễu lắm, nghe không rõ.
- C2 chuyển lại 1019 74129...
Từng nhóm số được đọc chậm và nhắc lại lần nữa. Thuỷ cầm ống nói lắng nghe trạm láng giềng chuyển.
- C1 nhận đủ trả lời?
- Chưa nhận được, C2 chuyển lại.
- C2 chuyển lại 1019 74129... Bỗng bà ta dừng lại một lát rồi nói - Thôi tội tau quá đi bay ơi, tau tra rồi.
Tiếng cười khoái trá vang lên trong máy.
Đức cười:
- Chắc là cậu Xiêng rồi, cậu ta chưa chơi vào obs 1 giờ đêm là may đấy.
- Dọn mâm ra rồi ngồi nhìn mặt nhau mà không đùa thì biết làm gì. Thế mà em định nhờ chuyển giúp nữa chớ.
- Mình nghe anh ta rõ chứ chưa chắc anh ta đã nghe mình. Đức bật nút điều khiển qua băng 2 - C1 đâu? Nghe rõ C3 trả lời?
Máy lại sôi ào ào. Đức bật tiếp băng 3, băng 4 rồi băng 5...
- C5 đây, C3 trả lời.
- Chào C5! Nghe rõ C3 không?
- Nghe được nhưng yếu lắm, C3 đọc điện đi rồi C5 chuyển giùm.
Đức đọc chậm mã điện rồi chuyển ống nghe cho Thuỷ.
- C5, C5 trả lời - Thuỷ gọi khi vừa nghe C5 chào đứt C1.
- Huấn đây, Thuỷ khoẻ không?
- Nhờ trời. Còn bạn, sao tự nhiên gáy vậy?
Huấn cười vang:
- Sao lại tự nhiên được, các ông vừa lắp cho chiếc máy khảo cổ đây. Thôi thì mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Nghe Thuỷ gào trong máy, trên ấy gần trời hơn mà.
- Gần mặt trời chói mắt thì có. Giờ thì quanh trạm trắng một màu nước, nhà dột tứ tung sắp hết, củi đuốc ướt nhẹp chưa biết ăn chi đây. Nhưng thôi ngành mình sống nhờ không khí mà.
Tiếng cười vang lên: - Và bốn chữ tình thương, trách nhiệm, chỉ thừa KTTV.
- Sao lại thừa KTTV?
- Không- Tiền- Tiêu- Vặt. Thôi, chào.
Thuỷ tắt máy nhìn Đức đang kiểm tra lại lượng nước mưa mà ban nãy anh đã đo rất cẩn thận. Chờ cho đến khi anh đo xong, cô mới hỏi:
- Thiếu li nào không anh?
- Sao lại “thiếu”?
Thuỷ cười: - Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường chúng em được rèn nhiều về tính cẩn thận. Đọc chính xác đến phần mười milimét nước, phần mười thang độ chia Xenxiuyts, cân nhắc kỹ chân mây Cu fra cao 400 hay 500m. Các chú chuyên tu nói rằng không sợ gì chỉ sợ bệnh nghề nghiệp, mang tính chi li với trời sang chi li với người rồi dò từng hào trong túi vợ thì khổ. Các chú còn tếu rằng, nửa đêm đọc lượng mưa là mấy chục, mấy trăm li thì bà vợ mơ ngủ kêu lên “có đâu mà nhiều thế, ông mua nước mắm cửa hàng còn thiếu cả khúc mới đủ nửa lít”. Bọn con trai lớp em đem sự khập khiễng giữa túi trời và túi người ra đùa: Ước chi thiên tai bỏ được vào túi người, còn con người sống được trong một trời tiền bạc nhung lụa. Giờ đây lý thuyết đang được kiểm chứng. Em hỏi anh có “thiếu” li nào tức ước chi có thể chuyển được những con số kia thành từng li, từng phân vàng. Được vậy có phải vẹn vẻ đôi đường.
Đức kéo chiếc ghế dịch sang gần Thủy tránh luồng gió thốc từ cánh cửa sổ mở để theo dõi chiếc máy gió trên vườn.
- Khó mà đạt được một lúc hai ước muốn.
Đức như nói với mình và nhìn giản đồ mưa đầy những đường tháo nước.
- Anh giống ông thư ký công đoàn của bệnh viện mẹ em, thuộc nhiều nguyên tắc, thuộc hơn hẳn khu tập thể vậy mà nhiều việc không biết phải làm thế nào vì nó chẳng nằm vào nguyên tắc nào cả - Thủy nhìn ra cửa rồi kêu lên: - Chú Năm, mưa gió mà đi đâu vậy?
- Mưa quá lội chơi chút - Ông Năm quàng cái áo mưa dày cộp lên cửa rồi xách vào hai gốc sắn đầy củ đã rửa sạch đất. Khoai sim còn non, ăn tạm thôi. Mưa vài ngày nữa thì úng mất. Còn mưa nhiều không chú Đức?
- Dạ, chắc còn vài ngày nữa. Lại đang có một cơn bão mới hình thành.
- Gay đây. Nước lên nhanh quá, đường qua thị xã đã ngập ngang bụng rồi. Xứ mình rứa mà kẹt, khô ráo không răng chớ mưa một trận thì như ốc đảo. Xuống thị xã cũng khó, sang mấy xã phía sau cũng cực. Mà dân Chà Là làm chi có ghe, thuyền như dân biển. Hồi năm Thìn nhà tui chặt trụi một hàng chuối, đóng cái bè cắm ở đồi ni, phòng nước lên nữa thì băng vô mấy xã sau, đứng trên ni nhìn xuống thấy nhà mình như lá sen mặt nước. Mưa ào ào, trực thăng, ghe máy cứu trợ vè vè, chẳng khác chi ong vỡ tổ. Có nhà trụ được với nước nhưng không trụ được với cánh quạt trực thăng, tui thấy nhà bà Chín Hậu chao như cánh võng rồi ùm theo nước, người chới với như bèo giữa thác - Ông Năm hít sâu một hơi nhưng không khí đẫm hơi nước làm cho điếu thuốc ông chỉ đỏ lên chút lại lụi đi. May sao lên nửa chừng rồi ổng xuống. Mình nửa núi nửa ruộng còn cô thế huống chi mấy xã dưới thấp.
Đức trùm vải mưa:- Con báo tình hình cho bên huyện họ nắm thêm. Chừ xuống Uy ban huyện đi đường nào đây chú Năm?
- Đi theo con mương ra đường rầy xe lửa lên ga rồi bọc trở lại.
Thủy nhìn màn nước bạc mênh mông:
- Xem ra đội bom còn dễ hơn.
- Tui cũng về soạn chạy lụt đây. Cô chú cho tui gửi mấy bao lúa, bao đậu giống lên đây trước.
- Cứ chất vào phòng con đi. Cả xóm gởi cũng đủ chỗ. Thủy, chuyển mã điện xong xin lượng mưa các nơi khác nghe.
- Lại phải bơi ra đảo Cồn Cỏ nhờ C5 chuyển giùm thôi. Thuỷ nhìn màn mưa đang trút. Nếu có điện thoại thì anh đâu phải đội mưa vậy.
- Biết đâu máy mình không hỏng thì máy Ủy ban hỏng.
- Chỉ có sức người là chưa hỏng mà thôi. Đi nhanh về chớ lỡ cột gió đè em thì không ai làm obs. A, anh Hải lên kìa.
Hải vuốt nước trên mặt: - Chú Năm kiểm tra chống bão lụt hả?
- Coi các cô chú làm ăn ra răng để theo chớ. Được đó, lụt lội ri mà vẫn lo việc công rứa là giỏi. Có điều con vợ không nhăn à?
- Con giỏi việc nước việc nhà, giỏi cả việc cơ quan vợ. Sáng mờ đất đã dọn một lô sách từ tầng dưới lên tầng trên rồi. Vợ hỏi khi nào về. Con hẹn có thể vài ngày hoặc một tuần, cũng có thể là trăm năm.
- Trai trẻ cứ ào ào chớ tuổi già sợ vận mạng trong từng lời nói.
- Thì chú nhìn hai cây cột sắt cao 12m kia, cây nớ mà gãy thì “đã” lắm nghe, nhất là đúng lúc đang làm obs.
- Dễ chi, chằng cáp kỹ rứa mà.
- Ôi, bình sinh vậy chớ có khi cũng oằn như liễu. Như bà vợ con nói, tính ra cái nghề của ông được đưa lên đài nhiều nhất, mấy giờ đồng hồ lại điểm một lần. Rứa mà trong thư viện có mấy ngàn đầu sách ni chẳng có quyển mô nói về khí tượng. Lời nói gió bay, không giấy trắng mực đen không ai tin. Chí ít là phải nhờ nhà văn bịa ra một quyển sách về khí tượng cho tui đỡ tủi thân mỗi khi ai hỏi đến chồng.
- Ca vừa với anh Ba, lên đây bằng đường nào vậy?
- Theo đường rầy xe lửa bọc sang mương, vậy mà cũng ướt cả đây. Thôi, anh mặc quần đùi cho chắc ăn, xuống đến nơi hãy mặc quần dài rồi vào công đường.
Thủy tủm tỉm: - Đó là chuyện thật khó bịa nhất.
Mưa ào ào như trút giận. Hải giao cho cô bọc gạo và cá khô rồi soát lại mấy giản đồ Thủy và Đức vừa qui toán xong. Thuỷ ngồi bóc sắn ở góc phòng làm việc vì bếp dột quá nhiều.
- Hồi nhỏ mà mưa thế này là tụi em trùm áo mưa lội nước chơi rồi. Lại còn trông mưa thiệt to để khỏi đi học.
- Bọn anh cũng chạy quanh coi mấy người câu cá nước bạc. Con nít sướng hơn người lớn là vì không có nỗi lo hoặc có biết thì đó là nỗi lo của người khác.
- Mẹ em nói khi cô đơn lạnh lẽo, cần phải làm nhiều hơn cho con người quên đi ưu tư, làm cho con người phải tự toả nhiệt. Nếu có 100% thì em chẳng thấy có phần nào đúng.
- Nhưng anh Đức thì có thể đấy. Không biết chuyện hai người ấy đã êm xuôi chưa?
- Chuyện gì?
- Gia đình muốn anh ấy về quê, chuyển nghề nào đó cho gần nhà. Vợ anh ấy hiền lắm mà vừa rồi cũng găng. Anh Đức thì em biết đó, từ khí tượng vào bộ đội rồi trở về khí tượng lại. Mấy người ấy nghề có bỏ họ thì bỏ chớ họ không bỏ nghề đâu. Đúng là mỗi người đều chịu sự chi phối của gia đình mà mỗi gia đình có thể là xoáy thuận, xoáy nghịch, một áp thấy hay một cơn bão.
Hải rút thuốc châm lửa rít một hơi dài, hai chân xếp tròn trên ghế.
- Có lẽ ai vào ngành này đều phải tìm cho mình một người bạn đời biết chịu đựng. Anh hay đùa chị Thoa rằng: Lấy chồng khí tượng là khùng. Ăn cơm được nửa bữa, ngủ với chồng có nửa đêm.
Hải nhìn ra cửa, thấp thoáng nụ cười. Căn phòng trở nên im vắng chỉ còn tiếng mưa rào rào trên mái ngói.
Ông Năm vất mấy cây cọc xuống trước sân:
- Tui làm cái cũi nhốt bà heo nái, phải lo cho “bả” trước tiên.
Vừa nói ông vừa xoắn sợi mây rồi buộc thành chiếc cũi.
Hải tắt máy - Ở hạ lưu mưa lớn lại đang triều cường nữa. Anh Đức về rồi để con giúp một tay.
Thủy bước ra: - Vậy để em xuống cùng.
Ba người tắt theo lối nhỏ xuống vườn. Bà Năm đang buộc chùm cuốc cào vào gốc khế. Thấy mọi người xuống bà nói:
- Đưa bà xề đi cực đây.
Con heo nái của bà Năm được Thủy đặt tên Tê giác vì lớp da nhăn dày cộp và trông nó nặng nề mỗi khi di chuyển. Bà Năm nói nó đã sinh được mươi lứa, mát sữa và tốt con nên bà cứ nuôi. Cái chuồng có lẽ không tu bổ gì từ ngày có nó nên trông xập xệ. Phía cửa cho ăn đã mất mấy miếng ván coi như không có cửa thế nhưng con Tê giác chẳng bao giờ bước ra khỏi chỗ ấy. Hình như nó quá vừa ý với khoảng chuồng chật lót đầy lá xanh. Mỗi lần lấy phân, bà Năm rất chật vật vì nó cứ nằm ì ra. Bây giờ nước mưa chảy tong tong từ mái tranh xuống lớp phân lẫn lá mục rồi chảy ra những rảnh nước nhỏ đen kịt.
Hải chọn sợi dây thừng còn mới rồi bước vào chuồng. Con Tê giác vốn hiền lành thế bỗng hộc lên một tiếng. Bà Năm vỗ vỗ vào cái mông nó mấy cái nó mới nằm xuống nhưng vẫn rên rỉ. Hải cùng ông Năm buộc sợi dây thừng vào nách con Tê giác, hai người cầm hai sợi dây kéo trong lúc Thủy và bà Năm đẩy vào mông con Tê giác nhưng nó trì xuống không chịu đi.
- Đưa đây cho em, anh phụ với thím Năm đi.
Vừa kéo vừa đẩy, con Tê giác trượt đi, kéo theo một đường lá phân mục. Hai con heo choai ở chuồng bên réo ầm lên, chẳng biết kêu cứu cho mẹ nó hay đòi đi theo nữa. Nhìn vẻ lì lợm của con Tê giác và con dốc lên trạm, Hải van vỉ:
- Mày sẽ thấy có nhiều chứ không phải chỉ mỗi chỗ này là thiên đường đâu.
Con Tê giác ịt ịt rồi nằm thở, mắt nhắm nghiền vẻ bất cần.
Nước đã xâm xấp mé sân. Thằng Ba băng qua vườn kêu toáng:
- Nước vô cửa nhà ngoại rồi. Anh Hai đang dọn đồ lên xà với cậu Tám.
Bà Năm nói: - Mày tước mấy bẹ chuối, súc cái ảng mà hứng nước. Giếng sắp ngập rồi lấy nước đâu mà ăn.
Ông Năm bước trong bếp ra với tấm ván khá to. Ông đóng thêm hai cái đinh hai đầu rồi buộc dây. Khó nhọc lắm mới đẩy được con Tê giác lên tấm ván. Ông Năm và Hải kéo hai sợi dây, Thủy và bà Năm đẩy con Tê giác mà thực ra là giữ đống thịt lì lợm trên tấm ván. Cuối cùng cũng đưa được con Tê giác vào chỗ của nó.
- Mày không thấy cực nhọc vậy còn rên rỉ chi nữa?
Hải nói khi con Tê giác ịt ịt mấy tiếng rồi nằm xuống thở dài. Ông Năm gác hai cây tre lên cũi rồi gác cái nong lên. Trên cùng ông đặt mấy tấm tranh giật từ mái hiên rồi dằn lên một khúc gỗ.
- Bà cứ nằm đây cho tui. Bà Năm vỗ con Tê giác rồi quay về nhà.
Hai con heo choai được ông Năm và Hải bồng đi nhưng chúng kêu la đến tím miệng rồi chuyển sang rên rỉ như chủ nhân hành hạ nó chớ không phải ông trời. Thủy bưng dọn giùm bà Năm xong cùng Hải sang giúp nhà Bốn Tín.
Khi cô quay lên, Đức vừa từ ngoài vườn vào quần áo vẫn ướt nhẹp. Châm cho Hải điếu thuốc, anh nói:
- Việc dời dân ngó chậm lắm, mấy vùng trũng nước vô trong nhà cả mét rồi mà vẫn lừng khừng chưa chịu đi, có nhà đóng bè xong rồi để đó, hi vọng nước sẽ rút. Dân cứ thấy trời bớt mưa thì họ nghĩ nước sẽ rút, chính vì vậy mới nguy hiểm. Mưa giảm chút ít nhưng nước thượng nguồn đang về nhanh, lại gặp cường triều nữa.
- Huyện chỉ đạo thế nào anh?
- Thông báo từng nơi về nguy cơ nước còn lên do cường triều, nước thượng nguồn về và cơn bão mới hình thành. Những vùng trũng bắt buộc phải di dời. Đoàn thanh niên đang kết hợp với bộ đội, công an đưa dân về trường cấp III và mấy xã trên. Các ban ngành có phương tiện đều được điều động đi hỗ trợ.
Đức giở quyển sổ quan trắc: - Hơn 200 li rồi.
- Một giờ qua mưa 47 li. Mây vẫn kéo về, lại mưa tiếp.
- Các trạm khác thế nào?
- Sáu giờ qua Trà Nóc 262,2 li, Tân Trà 245,6 li. Gió vẫn mạnh. Chỉ muốn quẳng mình ra khỏi vườn thôi.
Thủy xuống bếp, lửa đã tắt ngấm, nồi sắn sượng trân. Cô xé giấy nhóm lại. Rất may là những ngày hè vừa rồi máy cày nông trường đã ủi mấy quả đồi đầu xã. Cô và Đức lấy được nhiều gốc cây về chất đầy hiên nhà và nửa gian bếp. Lửa bừng đỏ, nồi sắn sôi lục sục. Đức đội chiếc nón cời bước xuống bếp, xuýt xoa đưa tay hơ vào bếp:
- Có năm lít dầu huyện cấp anh để ở phòng làm việc. Nếu mưa quá thì dùng bếp dầu nấu ở trên nhà cho đỡ ướt át.
- Để thắp đèn, lụt bão thì họ nhớ đến mình chớ qua rồi có sổ tiêu chuẩn hẳn hoi cũng chịu sầu vì hết hàng.
- Thương nghiệp khác, Uỷ ban huyện khác. Sao em cứ qui kết vào nhau vậy?
- Chỉ vì cái khác ấy mà người ở giữa mới khổ. Khí tượng là ngành dọc, bổ từ Trung ương bổ xuống, công việc cũng tự trên trời giáng xuống nhưng ăn uống lại từ huyện ăn sang. Mỗi lần có hàng gì về phải xin ông Chủ tịch huyện ký duyệt thì cửa hàng mới bán. Dân khí tượng ví xẻ làm đôi được. Ở đài cũng vậy, nếu vừa rồi được sơn sửa vườn thì đã có ít tiền công mua gạo chợ, đỡ xách rá chạy quanh. Thật không hiểu nổi, trưởng đài đã duyệt rồi mà đến ông Thời vẫn bị ách lại với lí do muôn thuở: không tiền. Nhưng thôi, em bực quá mà đổ vào đầu anh những chuyện ấy nào có được gì nhỉ. Sắn chín rồi - Thuỷ bóp thử củ sắn trong nồi đang bốc hơi nghi ngút. Úi ùi, nóng quá.
Thủy nhảy lên tay vẫy vẫy rồi cười: - Em bị nhiều lần rồi mà vẫn không chừa tật ấy.
- Tật thấy nóng mà vẫn bốc?
- Không! Tật nhảy. Ở khu tập thể có cô Lẻn, mỗi lần bỏng tay lại sờ vào dái tai, nói rằng như vậy sẽ không bị bỏng. Em cũng tâm tâm niệm niệm vậy mà chẳng bao giờ nhớ ra, cứ bị bỏng là em lại nhảy.
Đức cười: - Nếu nhảy mà đỡ nóng thì cứ nhảy.
- Mẹ em nói con gái mà nhảy dựng lên chẳng hay ho gì. Còn thằng Quân bạn em lại nói rằng hệ thần kinh của em quá mạnh nên không nghĩ đến phương án hoà bình hơn. Anh nói nó có đúng không?
Sau bữa chiều, bỏ chén bát vào chậu thau đặt dưới hàng hiên, Thủy về buồng. Thói quen không ngủ được sau bữa ăn giữ Thủy không nằm ngay. Choàng chiếc chăn đơn cho đỡ lạnh lưng, cô tựa vào tường nhìn bóng tối mờ mờ của gian phòng, tiếng mưa rả rích ngoài kia vọng vào. Câu chuyện với Hải lại quay trở về. Anh chàng này vẫn dặm thêm mắm muối vào mỗi câu chuyện nhưng rất đúng khi nói: mỗi nhà một cảnh. Mẹ nói gia đình cô như bão tố, còn khu tập thể người chồng hiền, kẻ vợ vụng... Nhưng câu chuyện của Đức làm cô bất ngờ, anh vốn là con người chịu đựng, chịu đựng đến độ toả ấm cho mọi người.
Có tiếng gõ cửa, Thủy xỏ chân vào dép tự hỏi: Không hiểu ai lại đến lúc đang muốn yên tĩnh thế này? Cô hé cửa, mưa tạt vào phòng và mấy người như bị lùa theo.
- Cô Thủy cho tui gửi bà ở đây với- Vừa nói người đàn ông vừa gỡ cái nón cời đẫm nước. Hoá ra Năm Hiến. Nhà ông Năm ở gần chân mương thủy lợi, có lẽ nước đã lên cao.
- Bà ngồi xuống đi. Thủy cuộn cái chăn lại.
Bà già khẽ khàng nép một bên như sợ bộ đồ ẩm ướt mốc thếch của mình giây ra giường. Năm Hiến là con thứ mười nên tuy ông mới bốn mươi nhưng bà già đã ngoài tám mươi.
Hải nói to vào tai bà cụ:
- Bà đừng lo. Ông trời kiểm tra nhà bà coi có vững không thôi. Nếu được, con bắc thang lên nói một tiếng là xong ngay.
Bà cụ cười lỏn lẻn, không hiểu có nghe được hay không.
Ông Năm Hiến đặt đứa út vào tay bà: - Con về dọn dẹp.
- Chú Năm đưa mấy đứa lên đây đi kẻo nhà cửa ngó yếu ớt à.
Năm Hiến nhìn lên mái nhà đang rào rào vì mưa thở dài mở cửa bước ra. Thủy lấy chổi lông quét chiếc giường lâu nay vẫn để trống, lấy mấy tờ báo cũ trải ra rồi bồng đứa nhỏ từ tay bà già. Thằng nhỏ mọi ngày né tránh người lạ nhưng giờ đây như hiểu có điều đáng sợ hơn đang ở ngoài kia vội nép người vào Thủy, cô kéo chiếc chăn đơn ủ người nó. Mưa lại rào rào.
Ngày còn bé Thủy tưởng tượng ở trên cao từng lớp nước bắt đầu hình thành và thứ tự rơi xuống. Đến khi học nghề, những định nghĩa, những mô tả hiện tượng được đào nhuyễn nhưng sự tưởng tượng về màn nước trên cao kia vẫn chưa quên. Bây giờ cứ như thiên đình đang nghiêng thùng nước khổng lồ mà trút.
- Nắng cả mưa dồn - Bà già ngồi dậy, mở túi áo lấy trầu ra ăn. Mấy tháng rồi nắng cong mái ra chừ cho nát nhà mới thôi. Chu cha, trời mưa đất chịu mô chẳng biết chỉ cực con người thôi. Sắp nhỏ rồi răng cũng đau, cứ nước mưa mà lội.
- Hồi nhỏ con cũng vậy.
- Ai cũng rứa. Khi mô biết thương thân là lúc nớ đã thấm khổ. Bà già im lặng nhai trầu rồi nói tiếp. Mưa lũ sớm cũng có cái hay, mùa tới đỡ bị chuột bọ phá phách.
- Thật vậy sao bà?
- Chớ sao, trời đất công bình lắm, bên cái dở cũng có cái hay. Sắp trẻ bây chừ đi ra, cái đài cái xe biết giỏi chớ mấy chuyện đó không ưa đâu, cháu tui còn cười tui nữa kìa. Mà luật trời đất là năm nay lũ lớn thì năm sau được mùa.
Thủy cười: - Con cũng không biết mấy chuyện đó đâu.
- Có đi mới biết. Có điều đường đi càng đi càng mòn còn đường đời thì khác, mỗi ngày mỗi có chuyện mới lạ. Chuyện hôm ni tưởng đúng nhưng mai mốt lại thấy khác, nhưng càng ngày càng sâu sắc hơn.
Cánh cửa bật mở, mấy đứa trẻ líu ríu bước vào, mặt nhợt nhạt như bã đi vì nước nhưng mắt vẫn loang loáng cười.
- Bà nội, mặc thêm cái áo kẻo lạnh - Con bé rút trong nách ra chiếc áo len dài đã lủng mấy chỗ. Nước lên nhanh dễ sợ chị Thủy, nhà ông Tư què nước lên đến phản rồi. Mấy người cất vó ngay trên đường.
Thủy nhìn xuống chân đồi, một màu trắng bàng bạc trải đến hết tầm mắt. Con đường từ xóm qua huyện xác định được nhờ hai hàng bạch đàn cũng mờ mịt trong màn mưa. Mệt mỏi, Thủy đóng cửa nằm một lát rồi sang phòng làm việc. Hải vẫn ngồi bên chiếc máy.
- Vẫn làm TYPH chớ?
- Ừ, nhưng lượng mưa các nơi đã giảm, ổng xuống nư rồi.
Đức bước lên thềm, treo mảnh vải mưa lên cánh cửa, đưa cánh tay lau dù áo anh cũng trũng nước.
- Mấy nhà bên mương nước lên nửa cột nhà rồi. Họ đi nhưng đồ đạc chỉ đem theo một ít thôi. Con gái nhà Năm Bảng đi học từ sáng đến giờ chưa thấy về. Bà Năm nói rằng hồi sáng thấy mưa lớn nước lên cao không muốn cho nó đi học nhưng con bé quá ham học. Nó nói lỡ nhà trường vẫn dạy mà bỏ mất mấy tiết thì uổng. Mấy người đi tìm từ trưa đến giờ chưa thấy, cả nhà đang lo cuống lên. Bà Năm khóc rầm lên khi nghe tin ở đường ray xã dưới có xác hai nữ sinh tấp vào.
- Ba Mến! Thủy kêu lên và cô bỗng thấy âm thanh đó vang vọng ghê rợn.
Đức nhìn cô, ánh mắt chăm chú: - Thủy ốm rồi, đi nghỉ đi.
Thủy nhắm mắt, cố xua cảm giác khó chịu dang chực trào lên. Cô nằm yên một lát rồi ngồi dậy. Thủy nhớ khuôn mặt bầu bĩnh đầy lông tơ, đôi môi mọng khi cười mang vẻ u buồn của Ba Mến. Mấy ngày trước cùng cô ra thị xã, Ba Mến nói rằng “em theo mấy đứa bạn đi coi thử năm nay em có đậu đại học không, ổng nói không đi thì thôi chớ đi thì đậu, ổng nhắc em xem chừng sông nước, không hay. Chị xem mấy cây bạch đàn ni mà không giữ được em sao?” Ba Mến choàng tay ôm cây bạch đàn, đôi môi mọng như dỗi hờn.
Ba Mến! Cầu trời, không phải vậy.
Mưa đã ngưng hơn một ngày nhưng cây cối vẫn rủ xuống vì nước. Trời đầy mây nhưng những đám mây đã nhẹ hơn. Con Tư nhà ông Năm Quang dùng thau múc nước trong giếng rửa rổ mồng tơi rồi bỏ vào thùng nước vò nhỏ. Chờ một lúc nó vớt rau ra, lọc qua lọc lại mới được thùng nước trong.
- Giống đãi vàng chị Thủy há?
- Thế là mày cũng hiểu được phần nào việc của chị đó.
Nghe xoàn xoạt bên mé vườn, Thủy bước ra. Bà Năm và hai con trai đang dùng thau, gàu múc nước tạt lên mấy luống khoai.
- Còn tưới nữa sao thím Năm?
- Rửa bùn cho mấy ngọn lang, thứ bùn non mà bám vô thì không cách chi lên được. Bà Năm lật ngọn lang vừa ló ra sau lớp bùn rồi múc nước tạt tiếp. Đám lang ni mới vươn ngọn còn được chớ đám khoai sim úng hết, chừ thì non gìa chi cũng nhổ bằm cho heo thôi. Ông ráng cho tháng nữa thì ngon biết mấy. Thiệt đúng người tính không bằng trời tính.
Bà Năm buông thau đưa cánh tay quệt môi hôi trên trán.
- Thím đưa thau cho con.
- Nước lên lo một, nước xuống lo mười. Từ khi nước bắt đầu xuống là tát nước rửa cột nhà, bàn ghế giường chõng. Ngâm miết trong nước bạc, chân lở toét ra, nhức ngứa chịu không nổi. Bà Năm bước sang luống khác chống tay vào lưng - Trời ạ, gãy ngang lưng rồi.
- Gãy đã sướng - Thằng Ba cười - Má thấy ông Tư què không? Ông bê cả hai cái đòn theo để ngồi tát đó. Má mà gãy lưng thì má nằm sấp trên rảnh lang để tát chớ không yên đâu. Chỉ có đi làm nhà nước như chị Thủy mới sướng thôi.
- Thôi đi, làm như chị Thủy thì phải làm cho đúng chớ không phải tự do như ở nhà mình, ưa làm kiểu chi cũng được.
- Chú Năm đâu thím? Thủy vừa nói vừa thở. Mùi bùn đất chua chua hăng hắc sộc vào mũi.
- Ổng lo mấy con bò, heo. Việc đàn ông nặng nhưng có chút ngơi lưng chớ đàn bà mình là vậy đó lặt vặt mà luôn tay.
- Cô Thủy xuống chơi!
Thủy quay lại, ông Bảy Một cầm cây dao rựa trên tay, chiếc áo bạc màu từ hôm lụt đến giờ vẫn chưa thay. Mặt ông như xám hơn vì cái lạnh se se của tiết trời sau mưa.
- Dạ, chú Bảy đi đâu mà dao rựa ghê vậy?
- Tui tính lên hỏi trời đây, mưa chi mà lút đất lút đai. Chừ hết mưa cũng làm lút mặt.
- Một bước tới trời mà chú Bảy - Thuỷ cười - Chú Bảy bắc thang đi, con ké liền đó.
Bảy Một cười:- Nhà bếp của tui đổ, từ sáng đến giờ phải dở ra rửa từng tấm tranh cho đi bùn rồi dựng lại, chừ kiếm tre chẻ lạt. Ông nhắm bụi tre cũng xiêu đổ vì mưa gió. Thím Năm cho tui cây nghe.
- Anh Bảy kiếm đi. Bà Năm Quang đi ra, tay xách ấm nước và cái li. Uống nước đã rồi chặt chi thì chặt.
- Đi cho thẳng thớm, cà nhắc cà nhắc vậy ông Năm coi sao đặng?
Thằng Ba cười:
- Má con không đau chân thì chừ đã tuôn đến đâu rồi chớ.
- Ráng làm chớ chừ mà nằm quẹp luôn không dậy được. Ôi chà! Mưa lụt xong cái chi cũng đến tay. Mình trên cao ni còn đỡ chớ mấy xã dưới kia nghe nói lúa má sắn khoai ướt hết.
- Lúa về đến nhà còn được chớ mấy đám chưa gặt được coi như trả lại cho đất. Ông dập hết công sức mình rồi.
Ông Bảy đưa li cho bà Năm:
- Thôi, tui kiếm cây tre đã, cô Thủy ở lại chơi.
Thủy nhìn theo:
- Có cần kêu công không chú Bảy?
Ông Bảy quay lại cười:
- Chút nữa sang chơi cô Thủy. Bây giờ có công là quý, còn không thì có người động viên cũng ngon quá chớ. Chọi với trời không chỉ có sức mà phải có tình nữa đó cô.
Thủy cười, nếu như ở trong những dãy nhà dài mà nghe nói thế hẳn mình đã cự nự rồi. Thủy bước đến luống khoai tát tiếp.
Bà Năm quay sang Thủy:
- Tội nghiệp Ba Mến, phơi phơi như rứa. Ôi cha! Người sống là đống vàng.
...
N.T.T.S

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Miền vĩnh phúc (10/04/2008)