Cuối năm 1927, Ba tôi bị chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp bắt “hồi hương” vì đất Sài Gòn là đất thuộc địa. Vậy là cả đoàn thê tử của Ba Má tôi phải về làng Di Luân, Tổng Thuận Hoà lúc ấy Quảng Trạch còn là phủ. Bà Nội tôi đã mất, căn nhà bằng gỗ lợp tranh được coi như là một từ đường của một vị quan là ông Nội tôi, bị biếm và bị tù đày, đã bị một gia đình chi 2 dòng họ, tạm giữ. Bà o Bùi Thị Cẩm một thân một mình cũng ở chung căn nhà đó. Từ đường chính dòng họ ở ngay sát vườn. Nhưng o Cẩm hoạt động cứu nước rồi hi sinh nên Ba Má tôi chọn nơi cư trú mới là thành phố Vinh. Đây là thành phố trung tâm được chính quyền bảo hộ cơ giới hoá đầu tiên sau khi mở đường “thuộc địa” (Route Coloniale) qua đèo Ngang năm 1918 và đường sắt thông suốt từ Huế qua Vinh và Hà Nội cũng đã được mở. Vinh được gọi là thành phố vì có Nhà máy Diêm ở Bến Thuỷ và Nhà máy Trường Thi ở khu vực xưa là trường thi thời Nho học. Vì vậy Vinh trở thành đô thị buôn bán tương đối lớn sau Hà Nội và Huế. Ba Má tôi chọn nơi cư trú mới này, ra Vinh là vì vậy. Song có chi tiết chủ yếu là gia đình chị Cả Má tôi - quen gọi là Dì Thượng - vợ Tiến sĩ Hoàng Kiêm (1904), nguyên Tổng đốc Nam-Ngãi năm 1930, đã nghỉ hưu dưỡng về Vinh thăng hàm Hiệp tá đại học sĩ, nhất phẩm, như Thượng thư. Gia đình cụ Hoàng Kiêm thời gian đó đã ở Vinh. Ba Má tôi ra Vinh cư trú là vì thế, song không phải dựa vào họ để sống. Ba tôi có thể mở tiệm thuốc Bắc hoặc kê đơn bốc thuốc cho những người nghèo lân cận. Việc dạy học thì coi như không thực hiện được.
Lúc này ở Vinh đã có cơ sở xe khách, người chủ tên là Ngạch, nên quen gọi là xe ông Ngạch, thường mở tuyến đường xuyên Hà Tĩnh, Kỳ Anh qua đèo Ngang vào Ròn (tức Di Luân) là chính, có thể lên Ba Đồn. Lúc đầu Ba Má tôi ở Bến Thuỷ có nhà máy Diêm nên dễ mở tiệm “thuốc Bắc, kê đơn”, cùng xóm với bà con làm “thợ ở nhà máy Diêm”. Một thời gian sau, Ba tôi lại quen một số “thợ Trường Thi” gốc Bắc, nên mua được một căn nhà gỗ - giá 11 đ Đông Dương lúc ấy, còn một căn nhà ngói ba gian thì chỉ khoảng 100 đ Đông Dương. Từ ngôi nhà mới này, gia đình tôi chuyển lên ở gần ngoại ô Thành phố Vinh, nói là ngoại ô vì không có điện, chỉ thắp đèn dầu và gánh nước giếng. Thời gian này, tôi học trung học, Ba tôi chọn trường tư thục Thuận An (Iustitution Thuận An), vì trường do đa số thầy giáo dạy là đảng viên Đảng Tân Việt đã giải thể và một số đảng viên Đảng CS (bí mật), chứ không chọn trường Lễ Văn con nhà giàu học, học phí lại cao; còn trường Quốc Học lại xa. Hơn nữa trường Thuận An có mấy thầy Ba tôi quen thân như thầy Đắc, thầy Trần Hậu Toàn và nhất là thầy Hoàng Đức Thi, có bà con bên ngoại với Má tôi, Thầy Hoàng Đức Thi (thân gọi là Lý Cổn) nguyên là một trong những người thành lập Đảng Tân Việt với thầy Đào Duy Anh, trước đã dạy học ở Đồng Hới.
Có trường để học, nhà nghèo muốn con an tâm khi anh cả tôi đang học lớp Đệ tam niên trường Quốc Học, Má tôi dẫn tôi đến nhà một người quen thân là ông tham tá kỹ sư cao cấp ngành cầu đường, người Công giáo làm gia sư dạy con nhỏ của ông. Ông được chính quyền Pháp cho phụ trách về Giao thông công chính (Travaux Publics) suốt mấy tỉnh phía bắc miền Trung từ Thừa Thiên - Huế ra đến Thanh Hoá (Arrondissement du Nord ). Ông bà thương tôi và quí tôi như con đẻ, nên khi tôi vào Huế học chuyên khoa sau ngày mồng 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, tôi cũng đến ở nhà ông, số nhà 71 trên kè An Định, bờ sông An Cựu. Tại đây được gần cung An Định, nơi ở của mẹ Bảo Đại, lại được gần cầu An Cựu. Mỗi lần đến gần cầu An Cựu hướng phía Nam, tôi thường thấy một tấm biển ghi rất rõ: Villa des Roses - Biệt thự Hoa Hồng cũng còn gọi là biệt thự Hoa Đường. Đó là biển chỉ đường vào biệt thự lớn của cụ Thượng Phạm Quỳnh (xem Những uẩn khúc trong cuộc đời ông Chủ báo Nam Phong đăng báo Tiền Phong Chủ Nhật cuối năm 2005).
Những tháng sau ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, tôi vẫn ở Huế nên khi CMT8 - 1945 bùng nổ và thành công tôi được may mắn vừa tham dự ở Huế lại được tham gia cả ở Vinh mà tôi có nói trong bài “Những uẩn khúc...” ở trên. Đây là thời gian nạn đói năm Ất Dậu 1945 vẫn còn lan tràn. Nghĩa là khi ngày 23-8-1945, Huế đang còn mit-tinh rộng lớn đón Tổng khởi nghĩa thì tôi đang trên đường ra Vinh. Ra đến Vinh là ngày 24-8, cả trời Vinh ngợp cờ đỏ sao vàng và từng dòng người đang reo hò mừng thắng lợi CMT8. Tôi về đến nhà, rất ngạc nhiên thấy không có ai, song đi vào mới gặp Ba Má tôi. Vui mừng thì có trong gặp gỡ nhưng một nỗi buồn ập ngay đến với tôi khi tôi biết chị và 2 em tôi (chú Ngọc và cô Dung) đang nằm cấp cứu ở nhà thương Vinh, vì ngộ độc sắn (củ sắn trồng bên cây “sầu đâu” (xoan) rất độc). Anh Cả tôi làm bên công chính đang ở trong Nha Trang chưa về, nên một hạt gạo ở nhà cũng không có. Tình trạng đó kéo dài mấy ngày tôi ở Vinh, cũng vừa lúc anh tôi về. Song, khó khăn cũng qua đi khi Cách mạng tháng Tám thành công. Gia đình tôi và bà con đều vui mừng hưởng ứng cách mạng, nhất là khi biết vua Bảo Đại đã thoái vị, chấm dứt triều Nguyễn. Nhưng càng vui hơn khi đến ngày mồng 2 tháng 9 tin dậy lên sóng thần cách mạng. Tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hoà... dân làm chủ.
Những ngày vừa nói trên thì ai cũng đều đã biết, nhưng có dư luận không thành tiếng là không ai biết tên Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh là ai. Sự thắc mắc đó không phải riêng ai mà hầu hết người Việt ngay sau cái ngày mồng 2 tháng 9 đó: Hồ Chí Minh là ai? Chính trong ngày hôm ấy, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 đó, Ba tôi nói thì thầm gì đó với Má tôi rồi thấy hai người cùng gật đầu nét mặt rất vui mừng: Má tôi dọn dẹp bàn thờ còn ba tôi thì mặc lễ phục (áo dài) và thắp cả một bó hương trên bàn thờ Tổ quốc rồi khấn thầm. Chúng tôi ngồi gần đấy nghe rất rõ mấy tiếng: Hồ Chí Minh... Nguyễn Ái Quốc. Cả nhà đều yên lặng, tôn kính, nhìn lên bàn thờ. Lát sau khi thấy chúng tôi đã tề tựu đông đủ và mặt đứa nào cũng không dấu nổi sự tò mò, Ba tôi mới nhẹ nhàng ngồi xuống ghế trước bàn thờ, với giọng kính cẩn nói cho các con rõ: “Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Cụ Nguyễn Ái Quốc”. Phải chăng trong thời điểm thiêng liêng đó, Ba Má tôi đã hồi tưởng nhớ lại những năm từ 1916-1920, Ba tôi thuộc gia đình “cừu gia tử đệ” nên khi có trát đòi bắt của công sứ Đồng Hới, Ba tôi đưa Má tôi trốn vào Sài Gòn rồi lên Thủ Dầu Một: “Ông thì dạy học và bốc thuốc kê đơn, còn bà thì mỗi buổi sáng tinh mơ đi bỏ sữa tươi của chủ Chà-và cho từng nhà trong vùng”. Chính cũng từ đó, khi đã an cư ở Thủ Dầu Một mới có chuyện thật may là gặp cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (xem bài Hồi ức viết về quê hương và dòng họ, T.V). Song, cũng ngày hôm ấy, tôi thấy thân sinh tôi thường ngồi suy nghĩ và luôn thắp hương trên bàn thờ, tôi cố lắm chỉ nghe được hai tiếng “nô lệ... nô lệ...”.
Tôi không dám hỏi nhưng hai chữ đó luôn ám ảnh tôi. Tôi cũng muốn hỏi cho rõ, nhưng thân sinh tôi là người vốn ít nói lại rất kín chuyện, nên chính Má tôi mới là người kể chuyện cho tôi rõ: Hồ Chí Minh là ai? Chuyện vui không thể nói hết về ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 đó, những điều gì song thân tôi dặn dò, tôi luôn nhớ và để trong lòng. Chỉ mãi đến 1951 khi tôi từ bộ đội, chiến trường LK5 ra LK4 gặp lại song thân tôi. Ở gần các Người vừa chữa bệnh, lại vừa được nghe kể biết bao nhiêu chuyện của gia đình dòng họ, nội và ngoại: những vị khoá bảng nổi danh một thời là những người đã bị chính quyền thời phong kiến, cũng như thời thực dân đế quốc, tù đày. Nhưng hai tiếng “nô lệ” luôn ám ảnh trong ý nghĩ của tôi, dù khi tôi đã trưởng thành, vâng hai chữ “nô lệ... nô lệ” thật khó quên! Tôi tâm niệm như thế, nó như một bóng ma ám ảnh tuổi trẻ của tôi. Tôi “sợ” nó không chỉ khi quyết tâm chống Pháp, khi quân đội Mỹ ồ ạt đánh giữ miền Nam Việt Nam cùng bè lũ bù nhìn và tay sai mà ngay cả trong sinh hoạt cơ quan, đoàn thể khi có kẻ nhân danh này nọ, lấy “đa số” áp đảo, làm “thế” vinh thăng. Tôi mong muốn... tự do tất nhiên là trong pháp luật và sáng tạo, không ai áp đặt lên tư duy của tôi. Vì đó cũng là “nô lệ”, tôi căm ghét hai từ đó, dù bất cứ ở đâu: “nô lệ cả trong tư duy!”. Có lẽ vì thế nên tôi đi bộ đội rất sớm, chỉ ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945: ngày mồng 4 tháng 10 năm đó, sau ngày 23 tháng 9, giặc Pháp núp bóng quân Anh gây hấn ở Nam Bộ chiếm Sài Gòn Chợ Lớn. Phải chăng chính hai chữ “nô lệ” ấy, thân sinh tôi chợt nghĩ đến cái câu trước đây ở Huế, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Bác Hồ, đã chợt nói trong một cuộc bình văn ở giảng đường Di Luân trường Quốc Tự Giám, có nhiều vị đại khoa cùng dự: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”. Vâng, hai chữ nô lệ đó, thân sinh tôi nhắc lại cái kiếp người bị đô hộ gần một thế kỷ, phải đâu chỉ thân sinh tôi mà cả dân tộc người dân Việt đã chịu đựng: “nô lệ... nô lệ”:
Cu li quốc hề cu-li quân Cu-li quân hề cu-li thần Cu-li thần hề cu-li dân Tút cu-li... hề tất cả cu-li nô lệ. (Tiếng Pháp “Coolie” nghĩa là đầy tớ, phu. Tất cả đều là... nô lệ) Nay chính Cách mạng tháng Tám đã giải thoát cho mọi người dân. Và chính thân sinh tôi đã đau khổ chịu đựng từ năm mới sinh ra với kiếp nô lệ, từ cái năm Đinh Hợi 1887 đó cho đến nay: Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Vì tháng 9 là ngày phải nhập học lớp Chuyên khoa ở Huế, tôi xin phép song thân theo chuyến tàu đi vào. Hai chữ “nô lệ” kia luôn ám ảnh, có thể cả trong giấc ngủ của tôi, vì chính tôi sinh ra cũng trong kiếp... nô lệ. Hôm tạm biệt, thường Má tôi hay dặn dò với một gói thức ăn đi đường, Ba tôi vẫn ngồi yên lặng rồi dặn cái câu thường vẫn dặn những năm học phổ thông: “Học nhi bất tư tất võng (học mà không chịu suy nghĩ tất dễ sai lệch). Tư nhi bất học tất đãi (suy nghĩ mà không học kỹ tất dễ suy diễn)”. Lời dặn này tôi thường tự nhắc nếu sẽ làm nghề... dạy học.
Nhưng chuyện ở Vinh với cảnh nhộn nhịp đón ngày mồng 2 tháng 9 đó kéo dài theo tôi qua các làng quê, thị phường suốt chuyến tàu dọc đường, cả khi vừa bước chân xuống Huế. Ôi, cả Huế bừng lên sáng rực cờ đỏ sao vàng, dậy lên những tiếng hát vang: “Dân ơi, biết ơn cụ Hồ là người... bao năm qua cứu nguy giang sơn”, xen lẫn là những câu “Khoẻ vì nước, kiến thiết quốc gia...”. Rõ ràng trong hứng khởi vừa mới giành được Độc lập, người dân đã nghĩ và lo đến việc xây dựng đất nước..., cả lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc “trai hùng quốc... ra chiến trường” với lại “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, thúc giục tuổi trai mới lớn của tôi. Tất cả, tất cả trong cảnh vừa sôi động, vừa hân hoan khiến tôi muốn chạy thốc lên theo từng đoàn người, hoà nhịp cùng họ reo vang: Cách mạng Tháng Tám muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm...!
Thế là ngày hôm đó tôi gặp mấy người bạn cùng tâm trạng như tôi: muốn đánh Tây thì phải “nhập quân”. Do đó, tôi tìm gặp mấy anh Thanh niên Tiền tuyến và được biết là các anh đã tổ chức thành đội ngũ hiện đóng ở đồn De Courcy của lính Tây cũ, mới đổi thành đồn Phan Đình Phùng... Nhưng mọi việc đâu có đơn giản. Sau mấy ngày ổn định, ý nghĩ về hai tiếng “nô lệ” vẫn tiếp tục chưa dứt trong tôi. Một hôm, chủ gia sư của tôi là Kỹ sư Cầu cống Phan Văn Cơ cho tôi một tấm vé... đi xem kịch, nói là của đoàn kịch “Anh Vũ” từ Hà Nội vào Huế, do nhà thơ Thế Lữ làm trưởng đoàn. Ông là tác giả bài thơ con hổ “Nhớ rừng”. Bài thơ này có người học thuộc lòng cả bài vì cái nghĩa “ẩn dụ” chính là “kẻ nô lệ” dưới ách thống trị của đô hộ Pháp. Đối với tôi cái tên Thế Lữ đâu có xa lạ trong nhóm Tự lực văn đoàn khi đọc báo Ngày Nay. Do vậy tôi càng háo hức mong được đi xem vở diễn có cái tên khá hấp dẫn là Lôi Vũ, tác giả là Tào Ngu. Đây là tấm vé đặc biệt có ý nghĩa “cứu đói” khi nạn đói năm Ất Dậu - 1945 - còn đó. Vậy là “kẻ mê văn chương Pháp” như tôi thời học trung học phổ thông với các vở kịch của Racine và Corneille học hồi Đệ nhị niên lại bỗng nhiên được thưởng thức một vở kịch từ “cái nước Trung Hoa” xa lạ kia khi chỉ được nghe kể truyền miệng những chuyện Trương Phi, Lưu Bị, Quan Công trong Tam quốc chí. Nhưng vở kịch đã cuốn hút tôi với các diễn viên tài ba từ đất Bắc vào, nhất là vai diễn nữ Phồn Y mà các vị lớn tuổi ngồi xem đã rì rầm nói bà là vợ của nhà thơ Lưu Trọng Lư “con nai vàng ngơ ngác”. Quả là thích thú với các tuổi học trò của tôi vốn tò mò về các nhà thơ tên tuổi. Gọi Lưu Trọng Lư như thế, cũng gọi nhà thơ Thanh Tịnh là “em ơi, nhẹ cuốn bức mành tơ”.
Đúng là một đêm kịch hấp dẫn được tổ chức trên đường Gia Hội - nay là đường Huỳnh Thúc Kháng - của Hội Khai trí tiến đức thành phố Huế cũ mà tôi nhớ... suốt đời, mãi đến nay. Nhưng kịch là kịch, Cách mạng tháng Tám vẫn là thế giới tự do, rộng mở đối với tôi, khi chính bài thơ “Nhớ rừng” đó của Thế Lữ lại càng thúc giục tôi nhập quân bảo vệ Tổ quốc, cho hai tiếng “nô lệ” không còn trở lại. Và ngày quyết định đã đến: Tinh mơ sáng sau ngày 23 tháng 9, cả Huế như sôi động hẳn lên khi loa phóng thanh từ bên kia cầu Trường Tiền, đường Paul Bert cũ mới đổi tên là đường Trần Hưng Đạo loan đi cái tin: “Quân Pháp núp bóng quân Anh của phe Đồng Minh đã gây hấn ở Nam Bộ, đánh chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn!”. Cả Huế rào rào như sóng dậy, từng đoàn người đã mau chóng kết lại cầm cờ đỏ sao vàng, cả gậy gộc lẫn gươm giáo mới rèn ngay trong Cách mạng Tháng Tám, cuồn cuộn đi trên các nẻo đường chính hô vang Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm! - Đả đảo đế quốc Pháp - Anh. Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! ... T.V
(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)
|