Truyện dịch
Vũ nữ*
09:21 | 22/10/2008
OLGA TOKARCZUKLGT: Trong số tháng 3 – 2007 (217), Sông Hương đã giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” của OLGA TOKARCZUK, một nữ văn sĩ thuộc dòng văn học nữ “hậu hiện đại Ba Lan”. Số báo này, Sông Hương xin giới thiệu tiếp truyện ngắn “Vũ nữ”. Đây là một truyện ngắn độc đáo dựa trên một leimotic “cuộc đối thoại vô hình” giữa người con gái và người cha, láy đi láy lại đến 6 lần, thể hiện cuộc chiến đấu âm thầm dữ dội, tự khẳng định mình trong nghệ thuật, chống lại sức mạnh ám ảnh của mặc cảm “bất tài”.
Vũ nữ*

Truyện được xây dựng dựa trên một tình huống kỳ dị, khác thường, phi lý và một cuộc chiến đấu kiểu Đôn Ki-sốt của một phụ nữ lớn tuổi để tự khẳng định mình về tài năng nghệ thuật một cách muộn màng, để chống lại và giải toả sức mạnh siêu ngã của người cha, của cái nhìn “phụ quyền” và “nam quyền” đối với người phụ nữ.
Sự đặc sắc của thiên truyện còn ở nghệ thuật kết hợp tài tình giữa cách kể ngôi thứ 3 và 6 lời độc thoại ngôi thứ nhất, với giọng điệu vừa xót xa, vừa thủ thỉ tâm sự, một giọng điệu
có hiệu quả hết sức nghịch lý và một cái kết bi đát một cách mỉa mai.

Hình như họ mua được ngôi nhà cũ này là do một sự tình cờ. Người ta bảo rằng, họ đi đâu đó, bị hết xăng, và rằng lúc đó đã chiều tối, họ trọ đêm trong cái làng có tên gọi vừa lạ lùng vừa khó chịu này - làng Dusznica. Có thời nơi đây từng là một trại an dưỡng với trạm cấp nước, công viên có bồn phun nước và hai ký túc xá. Ngôi nhà thứ nhất không còn nữa; chỉ còn lại nhà thứ hai, chính là cái họ đã mua của xã bằng số tiền rẻ mạt và hứa sẽ dựng ở đó một nhà hát. Nhà hát Múa ở Dusznica.
Nàng mừng vì ngôi nhà cũ sẽ thành sàn diễn.
Đó là một ngôi nhà không lớn, làm toàn bằng gỗ và gạch đỏ - tường xây kiểu Phổ. Hồi trước ở tầng trệt có phòng trực, nhà bếp và một phòng ăn nhỏ ngoài hiên. Phần phía bắc là phòng khiêu vũ, như tại mọi quán trọ hiếu khách ở làng quê. Phòng khiêu vũ ốp gỗ trang trí đến giữa tường, giờ đây đã hư hỏng, gỗ mục rơi tơi tả. Và cái sân khấu này - cũng bằng gỗ, không lớn, nhưng vẫn là sân khấu. Lối ra sân khấu từ hai phía của căn buồng giả làm cánh gà.

Trên tầng một có vài căn phòng và hai nhà tắm. Đó là tất cả.
Nàng mảnh khảnh, thậm chí còn hơn thế - người gầy như một que củi, khô khốc. Mọi thứ trên người nàng đều thẳng đứng, mảnh mai - mặt đuồn đuỗn, mũi dài, bộ tóc bạc nàng đội thả lỏng khiến nàng có phần giống mụ phù thủy. Đàn bà ở tuổi nàng phải đội trên đầu những mớ tóc quăn tử tế hoặc tóc búi khiêm nhường. Hai tay nàng mảnh dẻ, các ngón tay dài ngoẵng, chân gầy, lúc nào cũng chỉ mặc quần - khi nhìn nàng từ đàng sau thì cứ ngỡ là một cô gái trẻ, tuy nhiên mặt nàng lại để lộ dấu hiệu của tuổi tác - mạng lưới những nếp nhăn khiến cho vẻ mặt không đổi, nếu không thì đã bị xoa mờ. Chắc có thời nàng từng là một cô gái đẹp.

Chồng của  nàng, bạn tình hay một gã nào đó, vì sau đó,  ba tháng sau khi làm cái nhà hát này gã đã biến mất, rõ ràng là trẻ hơn nàng - mà cũng có thể khi nhìn thì thấy vậy. Ria mép của gã có lẽ nhuộm và những chiếc áo sơ mi màu đỏ hoặc màu xanh gã mặc khiến cho gã nổi trội hẳn so với màu hung và màu xanh nhạt chung quanh đã đánh lừa mắt người ta. Gã nói với nàng: “Nhắm mắt đi nào, em yêu”, khi nàng thình lình mất vui, bực tức vô cớ. Nàng bực với cả thế gian. Hoặc lúc đêm thâu khi nàng rên rỉ vì đau lưng mà hầu như không biết làm gì được. Gã lật nghiêng người và nói trong bóng đêm: “Nhắm mắt đi nào, em yêu”.
Chẳng biết, trong tình huống nào gã đã bỏ nàng mà đi - có lẽ họ cãi nhau, song lần này thì trầm trọng và dứt khoát. Mà cũng có khi gã đã chán ngấy cái ngôi nhà cũ nát này, nó đã bị nghiêng hẳn, mái dột và cửa sổ ngoài hiên thì bị vỡ lung tung. Tóm lại là gã đã biến mất tăm.

Nàng bình thản như không để tâm tới chuyện đó. Chỉ thỉnh thoảng nhờ ông chủ ở trong làng, người duy nhất có xe ô tô, mua về cho nàng thứ gì đó trong thị trấn, hoặc nhờ ông đi gửi thư, hay đi thanh toán tiền điện. Tiền nong nàng nhận được đều đặn - lương hưu hoặc tiền phụ cấp. Đôi khi nàng thân chinh vào phố, tới hiệu thuốc mua kem, thuốc viên và dầu bôi. Tất cả đều là của các hãng phương tây nổi tiếng.
Khô da làm người ta rất khó chịu. Phải bôi các loại kem mỡ, tốt nhất là mỡ kakao, cái mùi tanh của nó làm nhức đầu sau khi bôi. Cần phải làm cho da ẩm, cần bôi mỡ, làm cho mỡ thẩm thấu vào trong da. Có khi dùng những loại kem tốt nhất, đắt nhất mà không ăn thua gì, còn loại dầu bôi bình thường thì lại có tác dụng. Da nàng vốn dĩ là vậy từ lúc sinh ra. Nàng thường có động tác thế này: miết và kéo các đầu ngón tay trên mặt mình, dọc theo những phần da để hở, dọc theo bờ vai. Da khô chừng như kêu răng rắc dưới các ngón tay nàng. Nàng cực kì căng thẳng. Con người mà cháy được như cánh rừng gặp tiết trời khô hanh thì chắc nàng phải bùng cháy như một bó đuốc. Da nàng khô, người nàng nóng - hiếm khi nàng thấy lạnh. Nàng đứng trên các ngón chân - đó là phản xạ của vũ công - nàng giương cao hai tay hít không khí vào phổi và chậm rãi, bằng bước đi nhẹ nhàng của vũ nữ tiến về phía trước, như người đang múa.

Nàng không sửa sang gì nhiều ngôi nhà cũ này. Thỉnh thoảng thuê một người trong làng ra quét dọn, thường là cô gái có đứa con ngoài giá thú, không đi làm ở đâu cả. Nàng trả công cho cô gái khá tử tế và cô ta có nhiệm vụ quét dọn nhà cửa, mà thực ra cũng chẳng có gì nhiều để mà quét dọn, bởi chủ nhà đi lại rất nhẹ nhàng và lặng lẽ như một hồn ma. Nàng ăn chẳng bao nhiêu - nếu có ăn gì đó - và không hề làm bừa bộn. Nàng ở một trong những căn phòng trên tầng, không vào các phòng khác. Cho nên nàng chỉ trải giường và thỉnh thoảng giặt nhẹ. Nàng chẳng nấu nướng gì - nàng sống bằng hoa quả, cà rốt, bánh mì đen và sữa. Sữa thì nàng mua trong làng. Nàng uống luôn từ vú bò cái, điều khiến bà chủ đang vắt sữa con bò thấy ghê cả người. Ở tuổi này cần chú ý tới xương cốt. Các bệnh xương khớp và các thứ bất ổn khác. Con người có thể bị gẫy gục như một cành cây khô, rỗng bên trong.

Nàng không thay đổi gì trong nhà này. Đàng sau mặt bàn trong phòng thường trực vẫn treo một cái bảng với mấy chiếc chìa khoá được buộc vào những khúc gỗ tròn thô thiển có ghi số phòng. Mùa thu, gió thổi đẩy lá khô ùa vào nhà ăn cũ. Cho nên nàng đã khoá cửa thông ra ngoài hiên và không bao giờ bước ra đó nữa.
Dĩ nhiên phần lớn thời gian nàng ở trong căn phòng có sân khấu. Tại đó nàng quét dọn, treo những chiếc đèn giấy xinh xắn dưới trần nhà, nàng sơn tường màu xanh da trời. Nàng cho đánh sạch ván lát sân khấu rồi dùng gót giầy thử sức chịu lực của sàn. Hoặc nhẩy nện chân theo nhịp phách - khi đó tiếng nện chân theo nhịp vui lan toả khắp nhà. Púc, pu-rúch púc, púc pu-rúch-púc púc. Tiếng nhạc giao hưởng phát ra từ máy ghi âm toả ra vườn, lan vào làng, giống như mùi thơm của nước hoa. Tối tối nàng ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong phòng ngủ của mình viết thư và tất cả các lá thư đều bắt đầu bằng câu “Bố yêu quý!”. Không bao giờ nàng kết thúc các bức thư đó. Nàng xếp chúng vào chiếc va li da đã cũ. Trong đó chứa khá nhiều thư, có lẽ phải tới hàng ngàn - tất cả viết bằng nét chữ tròn của nàng và tất cả đều giống hệt nhau - không đầy một trang viết. Hàng ngàn cái bắt đầu của một lá thư. Bị đóng kín trong va li mực tím đã nhạt màu.

Nàng viết, tỷ như: Bố yêu quý, bố hãy hình dung, con có tin gì mới cho bố đây: con đã mua một nhà hát! Đó là một ngôi nhà cũ, đẹp, xây dựng từ đầu thế kỉ với các phòng khách, một nhà ăn rộng, tường toàn bằng kính và - cái quan trọng nhất - một sân khấu. Bố có mường tượng nổi hay không Bố? Bây giờ thì con có thể làm việc cho chính mình và múa bất kì vai nào con thích. Đúng là, ở tuổi con, đường công danh của một vũ nữ đã chấm dứt, con hoàn toàn ý thức được điều này, tuy nhiên tâm hồn của người vũ nữ thì vẫn trẻ trung! Con có rất nhiều dự định. Thỉnh thoảng con vẫn múa một mình. Con không thể không lấy làm tiếc vì hai bố con mình đã cãi nhau và con nghĩ rằng, thưa Bố yêu quý, trước tuổi già chúng ta cần hoà giải. Lúc này đây con rất buồn vì không bao giờ bố tha thứ cho việc con làm vũ nữ. Có thể tại vì đó không phải là những vai chính và vì lý do bị đau cột sống con đã không trở thành vũ nữ thứ nhất, tuy vậy con hoàn toàn nổi danh và tại nhiều cuộc biểu diễn người xem đã vỗ tay hoan hô con cùng cả đoàn. Bố đã không đúng, khi lần cuối cùng gặp nhau bố giận giữ nói với con, là con không có tài năng. Nói thế quả là không công bằng chút nào...
(…)
Hai, ba tháng sau khi nàng dọn đến, lần đầu tiên dân làng Dusznica nhận được lời mời tới xem cuộc biểu diễn của nàng. Lúc đó người chồng này vẫn còn ở với nàng. Trên tấm bìa xanh nhạt viết bằng mực tím: Cuộc biểu diễn bắt đầu lúc 19.00 giờ, một số trích đoạn của vở balê “Hồ thiên nga” của Piotr Traikốpxki, người múa là vũ nữ thứ nhất... Người chồng thân chinh đem giấy mời đến từng nhà, kèm theo một hộp sô-cô-la hình trái tim. Cả làng đến xem, kể cả cô gái có con sơ sinh nọ. Căn phòng, nơi có sân khấu thay đổi đến không nhận ra. Hai chiếc đèn pha chiếu sáng toàn phòng - một chiếc bịt giấy xanh cho thứ ánh sáng tựa nước và sương mờ, chiếc thứ hai dọi chiếu từ trên cao, tạo một hình bầu dục sáng trên sân khấu. Nền sân khấu trải nilon óng ánh xanh, những mảng rêu và cỏ được đem từ vườn vào để làm giả bờ hồ. Người đàn bả trẻ bế con trên tay thét lên vì thích thú.
Khi người xem ngồi chật các hàng ghế, từ sau sân khấu lan toả điệu nhạc mượt mà, dịu êm và sau chốc lát xuất hiện một nhân vật mảnh mai, chân dài, trong bộ tuyn trắng, chân đi giầy vải lanh óng ánh.

Nàng múa mạnh dạn - tất cả người xem nắm lấy tay nhau trước đà dịch chuyển của nàng, trước sự táo bạo của các động tác, sự mạnh mẽ của các bước nhẩy - chừng như họ sợ nàng bị mất thăng bằng và ngã khụy xuống sàn. Làn vải tuyn lướt theo bộ đùi mảnh mai của nàng, luôn luôn chậm, luôn luôn một giây lướt theo sau người nàng, lượn sóng quanh nàng thành một vầng mây trắng sáng. Chân nàng trong bộ tất dài nịt trắng dường như không còn là đôi bàn chân bình thường, cứ như nàng là một loại sinh linh không phải để đi lại như người trần mắt thịt. Hai thế phẩm lạ lùng này của đôi bàn chân, những ngón chân nhỏ bé bị bó chặt trong dôi giầy balê óng ánh, chỉ lướt nhẹ trên ván sàn, tiếng chân chừng như không phải chân người, tựa hồ một con mèo đang chạy quanh sân khấu. Tóc nàng búi cao thành bím bạc cắm những bông hoa trắng. Mặt nàng bôi dầy phấn tới mức không nhận ra - nó hợp với bộ tuyn và tiếng nhạc, song nếu chỉ nhìn vào mặt thôi thì có cảm giác đó là mặt nạ. Tất cả là như vậy.

Chín người, trong đó có chồng nàng, vỗ tay hoan hô, còn vũ nữ cúi chào duyên dáng. Buổi diễn kết thúc, mọi người uống nước cam, nước nho và ăn bánh ngọt. Họ hài lòng ra về. Thực ra, có ai dám nói chắc điều gì nào?
Bố yêu quý, Bố mà hình dung được, chuyện gì đã diễn ra hôm nay tại đây, thì chắc hẳn Bố phải vô cùng kinh ngạc. Lần đầu tiên trong gần hai chục năm qua con biễu diễn cho công chúng! Con đã trình diễn tiết mục đặc sắc của con: “Hồ thiên nga”. Thật là tiếc, Bố không bao giờ có dịp được thấy con trong tiết mục này. Con biết, Bố nghĩ gì về chuyện múa may của con. Có điều, có công bằng hay chăng, khi Bố nghĩ xấu về con mà lại không bao giờ nhìn thấy con múa? Con ao ước bố con mình gặp nhau, bố sẽ tới đây, mà thôi, vì đây sẽ phải là một chuyến đi vất vả, dài ngày đối với Bố, song con thích hình dung cảnh tượng một sân khấu thế này - Bố ngồi xem... - con sẽ múa một tiết mục đặc biệt nào đó, nhưng con chưa biết đó là tiết mục gì. Không biết lúc đó Bố sẽ cảm thấy như thế nào. Cái đầu tiên Bố áp đặt cho con khi con còn nhỏ là - nói chung con không có tai âm nhạc. Những bài học chơi đàn dương cầm của con làm Bố sốt ruột. Bố bảo đó là những bài “inh tai nhức óc”. Nếu vậy thì trẻ con phải chơi như thế nào? Bố cho cô giáo dạy đàn nghỉ việc, thế thì con chơi đàn trên bệ cửa sổ, trên mặt bàn. Còn chuyện học múa của con thì Bố diễu cợt. Con và mẹ đã cùng nhau giữ bí mật. Mẹ bảo rằng, con đi học thêm tiếng Pháp, thậm chí con cầm sách giáo khoa đi học hẳn hoi. Bố đâu có để ý! Lắm lúc con cứ vụng nghĩ trong đầu, hay là Bố không yêu con. Nhưng tại sao lại như vậy? Tại vì con là con gái hay chăng? Lý do như vậy thì đã đủ chưa.  Và rằng liệu có chuyện một người bố không yêu con gái ruột của mình hay không? Chắc con đã nhầm; tình yêu của bố nó khác - Bố muốn cho con những điều tốt đẹp nhất, muốn cho con không phải vất vả, có cuộc sống mãn nguyện và cũng có thể bố cho rằng, không một nghệ sĩ nào lại có hạnh phúc cả. Ấy vậy mà thiên hạ người ta vẫn ao ước được trở thành nghệ sĩ, để được mọi người yêu quý. Không cần gì khác. Vì lí do gì mà ai cũng yêu quý các ca sĩ, các vũ nữ, các nhà văn hơn là thợ đóng giầy hoặc thợ đóng sách, cho dù, con cũng không biết nữa, những người này họ tốt...

Chồng nàng, hoặc gã nào đó đã ở đấy. Đêm cuối cùng, trước ngày gã nói là gã quay trở về thành phố, nàng đã tìm thấy gã ở nửa thứ hai của chiếc giường đôi. Nàng ôm chặt lấy cái lưng đàn ông, nóng rực, mềm lẳn của gã. Da gã phủ một lớp mỡ mềm như lông thú, chạm vào thấy sướng làm sao. Nàng nóng ran người. Song gã đàn ông miệng làu bàu và lật người nằm sấp bụng. Nàng không ngủ nổi, cho nên nàng nằm nghe bản hoà tấu trong đêm của côn trùng, của lũ chuột, đập vào cửa kính. Nàng nghe thấy cả những tiếng chân nhỏ nhẹ bên ngoài cửa sổ, tiếng kêu đàng xa của chim cú mèo. Nàng không thể ngủ vì hai bàn chân lạnh buốt và xương sống đau nhừ. Đệm thì quá mềm còn thân người khô khốc và gày còm của nàng nằm lọt thỏm vào đó như một khúc gỗ. Sống lưng liên hồi nhức nhối. Sáng sớm nàng nhìn thấy gã đang ngủ khì sát rìa giường bên kia, còn nàng nằm ngay bên cạnh. Trong đêm, đã phải diễn ra chính cuộc hành trình mà sau một ngày nữa sẽ kết cục - gã lùi ra xa, nàng xán lại gần. Rốt cuộc gã đã ra đi. 

Bố yêu quý, bây giờ con phải nói với Bố là từ “Bố” đã khiến con vô cùng xúc động và cho tới ngày hôm nay nó vẫn văng vẳng bên tai con. Cha yêu con là chuyện thường tình, cho nên con biết Bố không muốn mắng mỏ con, mà chỉ có ý cảnh tỉnh trước nỗi gian truân của cuộc đời nghệ sĩ. Trong một chừng mực nào đó con công nhận bố có lý, bởi lẽ hôm nay mà cho con lựa chọn lại, thì không biết sẽ chọn gì. Con cũng không biết nữa.
Sau đó mùa đông đến, song là một mùa đông dễ chịu lạ thường. Chỉ cần vài cái bếp điện để sưởi ấm phòng ngủ và nhà bếp là đủ. Lúc diễn thử chỉ cần bật hai cái quạt nhỏ trong phòng có sân khấu và sau chừng mươi phút là ấm áp. Nàng tập. Nàng tự nhận thấy, âm nhạc vượt trước nàng và rằng, nàng phải giảm bớt đà, hạ thấp bước nhẩy, giả nghiêng người.

Con người ta khi đã ngoài sáu mươi thì khó mong có được cái nhanh nhẹn của ngày xưa, cho dù nàng vẫn không nặng cân hơn thuở trước.
Bố yêu quý, con định mua cho Bố món quà gì đó nhân ngày sinh, song thực tình không biết mua gì. Kể cũng lạ, hai bố con mình không còn trẻ trung gì nữa - hai bố con mình cùng nhau đều bước, theo thời gian, đi về phía trước. Có thể nói hai bố con mình vai kề vai sánh bước. Bố sẽ tròn 90 tuổi, còn con chỉ tháng nữa thôi là đầy 64. Lúc nào con cũng nhớ, hai bố con cách nhau 26 năm và con chỉ mong sao cho mình được khoẻ mạnh như con đang cầu chúc Bố lúc này. Đã lâu lắm rồi bố con mình không gặp nhau. Gần ba mươi lăm năm rồi...
Tất nhiên ngay cả bức thư này nàng cũng viết dở dang. Nàng lặng lẽ quẳng vào đống thư trong chiếc va li da.

Tháng mười hai nàng chuẩn bị biểu diễn nhân lễ Noel. Nàng sẽ diễn vũ điệu “Kẹp hạt dẻ” và nàng tập luyện khẩn trương, mấy tiếng mỗi ngày. Nàng chuẩn bị giấy mời và gửi bằng đường bưu điện - có nghĩa là cho vào thùng thư trong thị trấn. Nàng cũng gửi giấy mời cho ông xã trưởng,  ông thị trưởng, chị bán thuốc mà nàng đã mua kem và các giáo viên trường làng. Và sao, chỉ có bốn người tới dự - ông chủ cùng với vợ và hai bà già, tóc bạc phơ, da nhăn nheo, lưng còng sát đất, nhớ cảnh đông người. Những người khác - có thể họ sợ nàng khi diễn sẽ ngã nhào, kêu đánh rắc như que củi và rồi họ sẽ phải chứng kiến cảnh đau lòng. Thiên hạ chỉ thích dự những cuộc vui.
Tối hôm đó nàng cho phép mình được khóc. Nàng nằm ngửa và những giọt lệ thấm vào lớp da khô khốc như sa mạc của nàng, đến độ không một giọt nào rơi xuống vải trải giường.
Dịp Noel nàng nhận được mấy tờ bưu thiếp chúc mừng, trong đó có bưu thiếp của người chồng, hoặc bạn tình, hay một gã nào đó - cái gã mặc áo sơ mi đỏ.

Tháng hai, suốt hai tuần liền cả làng ngập trong tuyết trắng, nàng bỏ tập và suốt ngày ngồi xổm trên giường, qua cửa sổ nàng nhìn cảnh tuyết trắng liên hồi. Sau một tuần có người đến chỗ nàng. Đó là ông chủ trong làng, người đã hỏi một câu rất gở, bà có còn sống hay chăng? Chẳng thấy một tín hiệu nào của bà, không thấy có vết chân đàng trước nhà bà. Ống khói nhà bà lạnh ngắt. Sao lại có cái thói như vậy hả? Đừng làm thế. Tôi đi vào thành phố bằng xe trượt tuyết, bà cần mua gì nào? Nàng bảo, mua giùm cho nàng nho, dầu ô liu, xà lách lá to và cà chua. Ông chủ nhún vai và lúc chiều tối mang đến cho nàng túi nilon đựng ổ bánh mì, một túi dưa bắp cải muối, xúc xích cứng và sô-cô-la. Hoá ra nàng đã ăn hết nhẵn mọi thứ đó. Bây giờ hàng ngày ông chủ đến, đốt chiếc bếp lò tráng men cỡ lớn, sưởi ấm toàn bộ tầng trệt. Ông khuyên, mùa đông, hàng ngày cần ăn món dưa chuột muối nấu với xúc xích và nhất thiết phải uống một li rượu. Sau đó thấy nàng luôn luôn làm đúng như vậy.

Bố yêu quý, chắc Bố biết, con người ta cảm thấy thế nào khi không được yêu. Người đó cảm thấy tất cả những gì người đó sẽ làm là xấu, mà ngay cả khi thôi không làm những cái đó nữa, thì cũng xấu. Mọi thứ trong con người này là đồ bỏ đi. Người đó là một nắm giẻ rách, là một mảnh giấy lộn bị quẳng xuống đất. Một người như vậy không bao giờ được bình tâm. Người đó sẽ làm tất cả để xứng đáng được yêu, tuy nhiên lại không bao giờ toại nguyện. Có thể tất cả những người tuyệt hảo đều có nguồn gốc là những người không được yêu như vậy, bởi vì không bao giờ có kết quả nào lại làm vừa lòng họ; họ làm việc như những con trâu không có khả năng mãn nguyện và không được ban thưởng. Đó là xứ sở của Sidíphơ(1) và những người múc nước bằng sàng.
    
Khi tuyết dần tan và đường sá đã có thể đi lại được, nàng cùng ông chủ vào thị trấn mua sơn và chổi quét sơn. Hộp lớn, hộp nhỏ, tuýp to, tuýp bé. Tôi biết là sẽ có sửa sang -  ông chủ cười nói - nhưng tôi nói thật với bà là chớ nên làm, vì chẳng mấy chốc ngôi nhà sẽ đổ, chỉ tổ phí tiền. Nàng bảo rằng Lễ phục sinh nàng sẽ lại diễn tiếp. Lần này sẽ khác, ông chủ chỉ mỉm cười vẻ buồn buồn và không nói gì thêm nữa.
Bây giờ suốt cả ngày nàng ở trong căn phòng có sân khấu và mải miết sơn, vẽ; trong làng nghe thấy tiếng nhạc do nàng mở máy ghi âm - nhạc đài phát thanh, buồn. Hoà vào âm thanh đó là tiếng quạ đen và quạ khoang, những con quạ thích đậu trên những cành cây trong công viên hoang tàn. Buổi chiều nàng đun nước, rửa sạch những vết sơn để rồi ngày mai lại làm bẩn trở lại. Sau đó nàng đun thuốc lá và lại viết thư.

Nàng sử dụng những chiếc bàn cũ xếp đầy ngoài hiên để làm giàn giáo. Nàng pha sơn trong mấy chiếc xô nhựa, quấy mầu trong các lọ. Tháng ba, trời đã bắt đầu ấm áp - có những ngày ấm áp như đã là mùa xuân - nàng mở rộng cửa sổ và lúc này thậm chí nghe thấy tiếng nàng lẩm nhẩm hát. Còn khi nàng vào thị trấn đến bưu điện hoặc ngân hàng thì nàng mua một chai rượu vang. Ngày nào cũng giống ngày nào, chỉ có thiên nhiên đã không chịu nổi cái đơn điệu lập đi lập lại này, tại vì trời trở lạnh và một khối không khí ẩm ướt khổng lồ đang treo lửng lơ, bất động trên ngôi làng này. Vỏ cây trở nên long lanh, mềm mại, một màn mây hôi hám vô hình bao quanh những chiếc lá mọc từ năm ngoái. Và rốt cuộc những cơn bão tuyết ập xuống vườn.
Trước ngày Lễ phục sinh vào đầu tháng tư, nàng lại gửi giấy mời  cả làng tới xem biểu diễn, ông chủ thân chinh tới vận động từng nhà trong làng, ông khuyên mọi người nên đến dự thì mới là nhân từ, thực ra hai giờ đồng hồ không cứu rỗi các vị, song lại khiến bà ta vui lòng, bởi vì bà ấy đã chuẩn bị suốt cả mùa đông, rằng đó không phải là người đàn bà xấu, có thể tính cách hơi mạnh mẽ, song mạnh mẽ theo lối dễ thương, bởi vì bà ta có làm hại ai đâu, chỉ múa. Thế là, vào chiều ngày Đại Chúa Nhật, sau bữa trưa no nê, lại có chín người làng và ba khách từ thị trấn đến xem biểu diễn. Họ lẳng lặng bước vào căn phòng tối om theo chỉ dẫn của những mũi tên vẽ trên tường. Trong cảnh chênh tối chênh sáng họ ngồi vào chỗ trong tiếng nhạc nền nhẹ nhàng, tinh tế. Và rồi ánh sáng bừng lên, người xem có cảm giác mình đang ở trong một nhà hát đông người xem thực sự mà người ta đã giới thiệu trong các rạp chiếu phim - với sảnh lớn cho người ngồi xem, với ban công và các hàng ghế lô, mà thậm chí họ còn có cảm giác là họ đang nghe dư âm rì rầm  của hàng ngàn giọng nói. Không còn nữa cái cảnh cả căn phòng buồn tủi, tiêu điều như lần trước. Các bức tường bây giờ vẽ đầy những dãy mặt người ngồi vòng quanh; những bộ mặt người nối nhau từ dưới nền lên tới tận trần nhà. Tại lô ghế bên phải thậm chí thấy mấy mái đầu đội vương miện và có cả người đeo băng  tổng thống màu đỏ vắt chéo qua ngực. Có những chiếc mũ phụ nữ và mũ hình trụ của đàn ông, và cả những gương mặt hoàn toàn bình thường. Những gương mặt trong sảnh phòng thì chỉ vẽ qua loa - tất cả đều giống nhau, song những gương mặt trên ghế lô thì hoàn toàn khác nhau, nếu nhìn kỹ thời có thể nhận ra mái tóc sáng của Marilyn Monroe(2) và mái tóc tự nhiên của Elvis. Và đây, người xem mừng rỡ khi đích mục sở thị gương mặt có bộ râu mép của nguyên soái Pilsudski(3), cũng có thể là của Lech Walesa(4). Có những gương mặt da nâu và rậm râu, tròn và dài. Có người già và trẻ con. Những hàng tiếp theo các gương mặt giống nhau, sau đó chỉ còn vài chấm và hai đường vuông góc - mũi và miệng. Nhưng không sao. Trước cảnh ồn ào này ông chủ cười. Thì ra cái nhà bà khỉ gió này có tài - ông nói. Đứa trẻ sơ sinh cười rồi lại khóc, chắc tại vì trong cái đầu trẻ thơ  bé bỏng này không có chỗ cho ngần ấy gương mặt khác nhau. Cho nên khi nhạc nổi lên, người xem vỗ tay mừng rỡ, còn nàng, người đàn bà trong bộ tuyn trắng, cúi chào họ một cách duyên dáng, không thể nhận ra, nàng bao nhiêu tuổi. Nàng múa trước người xem hết sức nhẹ nhàng và bây giờ họ tin nàng đến nỗi họ biết rằng nàng sẽ không làm họ bị hổ mặt - nàng sẽ không bị ngã, không làm tung bụi, không thình lình bay vào không trung, bị vạt tuyn lôi lên cao như quả bóng. Một điệu nhạc bắt chước tiếng côn trùng và đúng là thứ âm nhạc này đã biến thành tiếng ruồi trâu, tiếng ong mật, nàng múa đôi tay, và cái vòng đội đầu hai lớp, lạ mắt, trên tóc nàng cho cảm giác, nàng đang có ở đó một đôi mắt cỡ bự. Ôi, người xem ai cũng thích thú và thậm chí họ vỗ tay đòi diễn lại.

Ngày hôm sau, cả thị trấn hay tin về cuộc biểu diễn này, tiếp đó là cả vùng, còn dịp nghỉ weekend tháng năm thì có một số người đến để được tận mắt chiêm ngưỡng nàng. Nàng lịch sự song kiên quyết - xin cứ để lại địa chỉ của mình và các vị sẽ nhận được giấy mời tới xem biểu diễn.
Và suốt cả mùa hè cuối cùng nàng diễn đều đặn hằng chủ nhật phục vụ những người ngưỡng mộ nàng và người xem là khách du lịch của nàng, thậm chí người ta còn quay một bộ phim về nàng cho đài truyền hình địa phương. Ống kính lúc thì hướng vào nàng, lúc thì hướng vào các bức tranh vẽ mặt người xem. Và cả những người xem thật ngồi ở mấy hàng ghế. Khi nhận được băng hình này, nàng xem rất nhiều lần, hầu như tối nào cũng xem, xem trong chiếc ti vi mà nàng mua chỉ nhằm mục đích này. Sau đó nàng ngồi viết bức thư trọn vẹn đầu tiên.

Bố yêu quý, con gửi cho Bố băng cat-set về cuộc độc diễn của con. Con rất muốn Bố xem băng hình này mà không được biết trước. Con nghĩ, cuối cùng chúng ta cần hoà giải với nhau. Con lúc nào cũng yêu Bố và - bây giờ con có thể nói - hầu như ngày nào con cũng đã viết thư cho Bố. Con vẫn còn đang giữ những lá thư viết dở đó. Bố mà muốn xem thì con sẽ gói những bức thư này vào hộp các-tông và gửi về cho Bố. Nhiều vô kể. Bố đã không có lý. Con có tài, chỉ có điều Bố đã không biết cách phát hiện. Con đã chịu khó và bây giờ các cuộc biểu diễn của con rất đông người xem. Phòng biểu diễn trong nhà hát của con đến vỡ tung vì những tràng vỗ tay, vì tiếng trầm trồ khi con trình diễn. Con đang thấy Bố nhếch miệng cười - cười mỉa mai, con biết. Lúc nào con cũng sợ nụ cười như vậy. Sự hổ thẹn đã thiêu đốt con,  rằng con là con như hiện giờ, rằng nói chung con vẫn là con. Tuy nhiên, mỗi niềm  xúc cảm có giới hạn của mình - con đã quá già để mà xấu hổ, còn Bố cũng đã quá già để mà coi thường con. Biết đâu bây giờ mọi chuyện giữa hai bố con mình sẽ thuận chèo mát mái và chúng ta sẽ quên đi những ác cảm xưa. Chúng ta sẽ là một người bố và một người con gái đường hoàng. 
Hôm đó, buổi tối, lúc nàng mang phong thư ra bưu điện, nàng nhận được một bức điện. Cha nàng đã qua đời. Nàng vò nhàu lá thư, vứt xuống nền. Lại còn lấy gót giầy nghiền nát. Nàng uất ức. Tối hôm đó nàng thắp tất cả các ngọn đèn, nàng dùng sơn vẽ thêm vào đám người xem một gương mặt nữa - ở hàng thứ tư, tầng trệt. Sau đó nàng chắp tay chữ thập về hướng gương mặt đó và nàng lại múa.
                                              LÊ BÁ THỰ
dịch
                                              (từ nguyên bản tiếng Ba Lan)

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 




--------------------
* Vũ nữ còn có thể dịch “Nữ nghệ sĩ múa Ba Lê”
(1) Nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, thâm độc, xảo quyệt, ngay cả với các thần linh, bị loá mắt bởi ánh chớp của thần Dớt và bị đẩy xuống địa ngục; cố vần lên trên tảng đá lớn, nhưng tảng đá lại trôi về chỗ cũ. Cho nên mới có câu “công sức của Sidíphơ”, tức công toi (Abert Camus đã viết một tiểu luận độc đáo có tên là Huyền thoại sisiphe” nổi tiếng trong văn học hiện sinh).
(2) Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ (1926 - 1962). Elvis Presley (1935 - 1977), ca sĩ huyền thoại Mỹ.
(3) Pilsudski Józef Klemens, nguyên soái Ba Lan 1867 - 1935 (ND).
(4) Cựu Tổng thống Ba Lan (ND).

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Người mẫu (15/10/2008)
Vua cờ (04/09/2008)
Lối trăng (03/09/2008)