FRANÇOIS CHENG
(Trích từ tác phẩm Khi những linh hồn lang thang trở về)
Dưới gầm trời này, dưới cái gầm trời rất thấp này, tất cả đều có thăng có trầm, tất cả đều bị biến đổi. Tác phẩm về Những đột biến đã chỉ rõ điều đó, tổ tiên chúng ta đã nói: “Cứ năm năm thì có chuyển biến nhỏ, cứ năm trăm năm thì có đại đột biến”.
Trật tự cổ đại cuối cùng đã bị suy sụp, triều đại lâu đời nhà Chu đã trút hơi thở cuối cùng. Giờ là lúc đất nước Trung Hoa rộng lớn bị xé thành vô vàn những hoàng triều kình địch. Đúng ra thì chúng được gọi là những “Hoàng triều tham chiến”. Trên thực tế, những quy tắc danh dự không còn thịnh hành nữa, tất cả mọi trò thượng vàng hạ cám đều được phép sử dụng! Khắp nơi đâu đâu cũng sặc mùi bạo động, bất ổn, hỗn mang, đâu đâu cũng xuất hiện võ đoán tùy tiện và bất công. Sự ham muốn chiến tranh quả không còn biết điểm dừng, những kẻ mạnh ăn sống nuốt tươi kẻ yếu. Chỗ nào có chiến tranh bùng nổ thì nạn cướp bóc và thảm sát trở nên thường nhật.
Khổ thay dân tộc bé nhỏ, khốn thay kẻ bần hàn! Bị thuế khóa nặng nề, bị lao dịch, bị bóc lột tới tận xương tủy, kẻ bần hàn chầy chật để sống sót. Thêm cơn hạn hán, thêm trận lũ lụt, và thế là họ chẳng còn gì bỏ miệng, bụng rỗng, di tản lang thang khắp vùng nông thôn đã bị tàn phá. Họ rách rưới, thảng thốt, bán con bán cháu để đổi lấy khẩu ăn, trước khi ngã gục, chết cứng bên rệ đường.
Dẫu bất hạnh, cuộc sống vẫn tiếp tục. Những thời khắc nghỉ ngơi dẫu sao vẫn dành cho loài người. Đây đó những báu vật của tâm hồn vẫn được bảo tồn: tình bạn keo sơn, tình yêu bất diệt. Ba nhân vật sẽ gắn bó với chúng ta trong câu chuyện này là nhân chứng cho điều ấy. Ba nhân vật khác nhau được tạo nên để hội ngộ. Ba nhân vật bị cuốn vào một thảm cảnh mà nó sẽ kết liền họ mãi mãi. Chúng ta thoạt đầu chú ý đến một khuôn mặt nữ giới. Nàng tên là Chun-niang, “Xuân Phu nhân”.
Chào đời vào một ngày mùa xuân, thì hoàn toàn tự nhiên mà chẳng phải tìm kiếm đâu xa, cha mẹ nàng đặt tên con gái là Chun-mei, “bé Xuân”. Nàng sẽ còn giữ cái tên này cho đến tận năm hai mươi hai tuổi, năm nàng được chọn vào cung điện hoàng gia. Trong suốt những năm sống ở Cung điện, nàng mang cái tên danh dự là Chun-fei, “Xuân Quý phi”. Trở về cuộc sống dân gian sau khi hoàng triều sụp đổ, nhờ tuổi tác, nàng trở thành Chun-niang, “Xuân Phu nhân”. Tất cả đều gọi nàng như thế, cho đến tận lúc nàng về già. Mọi người nghe những gì chúng tôi vừa nói hẳn sẽ nghĩ rằng đó là một cuộc đời đơn giản, bình an, thập chí còn được ưu đãi. Ấy thế mà hoàn toàn ngược lại. Chúng ta khó mà hình dung ra một cuộc đời nhiều xáo động đến thế. Toàn những thử thách tàn độc ngay từ khi mới sáu tuổi, toàn những thảm cảnh dữ dằn mà chính nàng là nhân chứng, toàn những giằng xé đớn đau mà nhiều lần đã nhấn chìm nàng vào vô vọng. Tuy nhiên, làm sao có thể không kể đến chuyện nàng cũng đã từng được nếm trải những thời khắc được chúc tụng, những lúc mà chỉ có niềm đam mê cực độ mới có thể mang lại chứ?
Hai người đàn ông đã bước vào đời nàng, hai nhân vật xuất chúng mà các sự kiện đã biến họ thành những con người huyền thoại. Hành động cao thượng vinh quang và sự hy sinh của họ đã lay động tâm can sâu thẳm của loài người. Chắc chắn họ sẽ ám ảnh trí tưởng tượng của hậu thế, và điều ấy sẽ chẳng có điểm kết. Bằng chứng: hơn ba mươi năm sau những sự kiện đã diễn ra, rất nhiều người từ khắp nơi đổ đến ngôi làng hẻo lánh đó, không ngừng đề nghị Xuân Phu nhân kể cho họ nghe chuyện đã diễn ra như thế nào. Họ nghe câu chuyện bà kể và chỉ xen vào những tiếng thở dài hoặc những lời cảm thán. Liệu bà có thể kể hết được không? Chắc là không đâu! Nếu như bà đã không khó khăn gì để định vị những mối quan hệ bề ngoài của mình với hai vị anh hùng kia, thì làm sao khiến họ cảm nhận được thực tế nóng bỏng của một niềm đam mê đặc biệt chứ? Bà, một phụ nữ, bà không được phép chỉ nói bóng nói gió về chuyện ấy được. Và nhất là, làm thế nào để hé lộ cho họ biết một bí mật còn đặc biệt hơn nữa: Những người đàn ông của bà đã quay về với bà. Sau ba mươi năm lưu lạc bốn phương - điều tưởng chừng là bất tận đối với dương gian, nhưng lại chẳng là gì trên trời cao kia -, nơi linh hồn họ sẽ tìm thấy bà và sẽ đến với bà thôi. Tất cả những đêm trăng tròn, những linh hồn ấy đều ở đây, hiện diện bên bà. Lúc đầu, những tiếng nói tràn đến, va chạm vào nhau, một lát sau, xuất hiện sự trao qua đổi lại có phần trật tự hơn, nhưng vẫn luôn luôn mãnh liệt, luôn luôn dữ dội.
Đặc ân khác thường này từ đâu mà đến với bà vậy? Liệu có phải là một ý nguyện của Trời mà Người hẳn đã rủ lòng đến những thân phận bi thương đã bị chiến tranh loạn lạc giày xéo quá sớm? Hay trừ phi đó là nhờ sự chung thủy của bà, con tim bà luôn bốc cháy tựa ánh nến không bao giờ tắt trước gió đêm, đủ để rọi đường cho khách lữ hành lạc lối tìm về? Sự huyền bí ấy thật khó đoán! Vậy thì trên trần gian, vào một ngày nào đó, ai sẽ giải thích cho chúng ta hiểu cuộc đời của con người này đây? Tại sao lại có quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều trìu mến lẫn vào chừng ấy những cơn thịnh nộ, những đớn đau chứ? Tất cả những gì mà loài người có khả năng thể hiện, chẳng phải chỉ để nói rằng ta đã từng mơ mộng và ta đã từng trải qua đó sao? Thật ra mà nói, nên chăng không phải bằng những mẩu, không phải bằng những đoạn mà bằng toàn bộ những gì đã xảy đến, nên kể theo tiến trình của chúng?
Đêm nay lại là đêm trăng tròn vành vạnh. Trăng quá sáng để chẳng ai có thể nghĩ đến giấc ngủ. Các vị thánh thần trên cao kia cũng cảm động trước điều ấy. Họ mời ba nhân vật của chúng ta giãi bày, nói về thời hiện tại khi họ sẽ thuật lại tất cả những màn đáng nhớ về niềm đam mê và hành động của họ, như thể họ đang sống những cảnh đó. Còn chúng ta, những nhân chứng, họ mời chúng ta đi theo để giúp họ nhớ lại toàn bộ phần nền cho câu chuyện. Giờ thì hãy để họ kể thôi. Hãy để mỗi người trong số họ nói về cội nguồn của mình và làm sao mà họ lại gặp được hai người kia nhé.
Chun-niang
Tôi là Chun-niang. Cha mẹ tôi là những người nông dân nghèo khó, cấy cày trên một mảnh đất cằn. Những gì chúng tôi thu hoạch được chỉ tạm đủ nuôi sống cái gia đình nhỏ bé này mà thôi. Dẫu sao, kỷ niệm những năm đầu đời của tôi cũng vui vẻ. Thế giới trải bày ra trước mắt tôi tựa như một màu xanh thẳm trải dài bất tận, trong hương vị của mùi bùn và rong rêu. Vào mỗi sáng, tiếng gà gáy chói tai lôi tôi ra khỏi giấc ngủ trong căn nhà tối mờ, và buổi tối, tôi lại chìm vào giấc ngủ trong những bài hát ru của lũ dế mèn. Ban ngày, khi mẹ không địu tôi trên lưng để ra đồng làm việc, thì họ để mặc tôi một mình. Mãi hai năm sau đó, em trai tôi mới chào đời. Khi ấy thì tôi mới có những con vật để chơi cùng, đàn gà, lũ chó, những con rùa, cua, và cả những con côn trùng bé ti bé tẹo như bọ rùa, sâu, và giun đất. Bên bờ ao, tôi không bao giờ chán xem cảnh tượng diễn ra liên tục của những con chuồn chuồn bay chợp chờn trên những tàu lá sen, những con chim bói cá thoắt nhào sâu xuống nước để rồi ngay tức thì lại phóng vọt lên, mỏ cắp một con cá. Tôi cũng còn nhớ vào một hôm, người hàng xóm cho chúng tôi một con thỏ bụ bẫm có hai tai dựng đứng và cặp mắt đỏ. Lớp lông trắng tinh của nó rung động khiến tôi muốn vuốt ve và nó đánh thức trong tôi một sự trìu mến thân thiện mà lứa tuổi thơ thường có. Thế là giữa chúng tôi bắt đầu xuất hiện một sự đồng lõa mà không gì có thể khiến thứ tình cảm ấy tổn thương được.
Ấy thế mà chính nó, con thỏ trắng ấy, đã gây cho tôi nỗi buồn đầu đời. Không phải là nó đâu, con vật vô tội đáng thương, mà là con cáo đã cắp nó đi, chỉ để lại một vết máu loang dài bên ngoài chiếc lồng gỗ dành cho thỏ. Tôi đã khóc cay khóc đắng sự ra đi của nó. Chất thêm vào nỗi muộn phiền của tôi là sự hối hận vì đã không bảo vệ nó được chu đáo hơn. Khi ấy mới ngoài bốn tuổi, thì tôi đã ý thức được rằng thế giới này có vẻ ngoài hình như hài hòa, hoạch định bằng bốn mùa thì thực ra đã bị tội ác và bạo động gặp nhấm mất rồi. Sự trong trắng đã bị vấy bẩn và sự dịu êm đã bị xáo tung. Chỉ có sức mạnh bạo tàn ngự trị, luôn gây tao loạn và bất công.
Chưa đầy hai năm sau thì bất hạnh xảy đến. Màu xanh thiên nhiên chuyển sang màu vàng ểnh. Không có mưa, lại bị cái nóng dữ dội hoành hành, đất bắt đầu nứt nẻ. Hạn hán thâm nhập một cách khắc nghiệt, kéo theo một nạn đói khủng khiếp. Bị đói khát thao túng, chúng tôi buộc phải tìm kiếm bất kỳ quả dại nào, bất kỳ vũng nước nào, bất kỳ một ngọn cỏ, hay cả một con côn trùng. Một đêm, ngực lõm xuống còn bụng thì chướng lên, em trai tôi đã thở hắt ra và chết trên cánh tay của mẹ. Hôm sau, được quấn trong một tấm drap, cái thân thể còm cõi của em được đem đi chôn. Cuộc thiên di khắc nghiệt bắt đầu. Chúng tôi cứ đường lớn, nơi đã chất đầy những xác chết, mà đi. Cha mẹ tôi đã rất mệt nhưng vẫn phải thay nhau bế tôi bởi tôi đã hoàn toàn kiệt sức nên không thể tiến thêm bước nào nữa. Ở thế cùng đường, để tôi được cứu sống, họ đã bỏ tôi lại cho một cặp vợ chồng chủ quán trọ để đổi lấy một món tiền còm. Tôi đã bị bán cho người không quen biết như vậy, trong một khoảnh khắc như thế. Khi mà - làm sao có thể quên cảnh ấy nhỉ? - bị hai cánh tay chắc nịch của bà chủ xa lạ giữ chặt, tôi nhìn cha mẹ ra đi, tôi hét lên, những tiếng thét của loài vật bị chặt chân. Còn họ, nức nở khóc và cứ tiếp tục đi xa dần, không dám ngoảnh lại. Tôi chìa tay về phía trước lần cuối như để tóm lấy cái gì đó. Cả thân hình run lẩy bẩy, tôi ngất đi.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình trong một thế giới khác hẳn, một quán trọ cho khách qua đường. Tiếng ngựa hí, mùi phân, tiếng đóng xe, giọng đàn ông khàn khàn đùng đục. Trong suốt nhiều ngày, tôi nhốt mình trong im lặng. Vậy là tôi đang ở trong tay những con người xa lạ, họ chẳng biết gì về tôi và cũng chẳng thèm tìm hiểu để biết tôi. Họ chỉ ra lệnh cho tôi. Tôi chỉ dám thổ lộ tâm tư với cha mẹ khi chỉ còn lại một mình trong đêm, nằm ngủ trên một tấm ván gỗ. Nói cho họ nghe những cơn đau của tôi, nỗi sợ hãi của tôi, nuôi dưỡng niềm hy vọng điên khùng rằng họ sẽ quay lại để chuộc tôi về. Do điều đó đã chẳng xảy ra, tôi đành phải tin rằng có lẽ họ cũng giống như bao người khác, đã chết dọc đường rồi.
Còn về ông bà chủ quán trọ đã mua và nhận tôi là con nuôi ấy, thì tôi buộc phải gọi họ là cha mẹ. Nhưng thay bằng “bố”, “mẹ”, tôi gọi họ bằng “cậu” “mợ”. Tôi dần dần quen với những con người này, rút cục, họ cũng không ác lắm. Cả hai đều ục ịch, họ có một phong cách cục cằn, làm một nghề cục cằn. Chưa sáng đã thức dậy, họ làm việc thường xuyên đến tận đêm, vào giờ mà những người chở hàng muộn đến nơi, mang theo tiếng ồn ã của ngựa và xe. Do không có con, nên họ có một hai người trợ giúp, tùy theo nhu cầu.
Sau một thời gian thì chúng tôi cũng buộc phải rời khỏi vùng hạn hán ấy. Sau hàng loạt những thang lang vật vờ, chúng tôi mua lại một Nhà trọ - Quán rượu ở thủ đô Vương quốc Yan của chúng tôi, gần Cửa Nam. Công việc không thiếu. Tôi, một bé gái tám chín tuổi, chẳng câu nệ gì mà góp phần mình vào đó ngay: thôi thì thổi lửa, kéo nước, rửa bát, lau phòng, và chẳng mấy chốc thì phục vụ trong quán rượu, sắp đặt bàn ghế và bày bàn...
Khi mười bốn tuổi thì tôi bị người đàn ông được tôi gọi là cha ấy bắt đầu sàm sỡ, rất nhiều lần. Nhơ bẩn, ghê tởm, vấy máu tanh tưởi, nổi loạn, ý định bỏ trốn. Bà chủ, một khi biết chuyện đã ra tay dàn xếp bình ổn câu chuyện khốn kiếp này. Thực ra, chính bà mới là chủ nhân thật sự của quán trọ. Tôi ngạc nhiên, bởi bà tỏ ra ân cần độ lượng với tôi. Nhưng tôi cũng nhận ra rất nhanh rằng bà ta đã nhìn thấy trong tôi một cây “Át chủ bài” cho quán rượu của bà rồi. Khi mới xấp xỉ tuổi mười sáu thì tôi đã trở thành một thiếu nữ gần như hoàn chỉnh, phơi phới, có thể nói là một thân hình kiều diễm và khuôn mặt dễ coi. Một số còn gọi tôi là “Người đẹp”. Thực tế thì ba năm rõ mười, tôi không việc gì phải phủ nhận: tôi mà cứ đều đặn phục vụ tại gian lớn của quán rượu thì số lượng khách hàng cứ tăng lên, khách qua đường cũng như đám khách quen trong thành phố. Trưởng thành trong môi trường này, tôi không quá vô thức để không lường được những nguy hiểm luôn rình rập. Khách hàng hổ lốn, ầm ĩ, sặc sụa, gồm hàng lô những kẻ thô thiển, lưu manh, những kẻ bỡn cợt lỗ mãng luôn phun ra những lời đùa thô tục, một vài kẻ còn dám dùng hành động, coi tôi là “gái bar”. Tôi phải buộc mình giữ khoảng cách đúng mực, không nhất định phải lớn tiếng mà bằng một phẩm cách dứt khoát. May mắn thay, phần đông số khác thì đứng đắn: các quan viên đi công cán cùng gia đình, phú nông đi thưởng ngoạn, người bán hàng rong, công chức nhỏ, tiểu thủ công, bác sĩ hoặc lương y, nhà nho hoặc nghệ sĩ. Một trong số họ, do cảm mến mà đã trở thành người che chở cho tôi: anh Han lực điền, anh ấy là đồ tể, cứ chiều chiều lại đến ngồi im trong một góc quán, vừa như nhu nhược lại vừa chuyên quyền. Chỉ cần anh gầm gừ chất giọng nặng của mình và đảo tròn cặp mắt là khiến cho mọi hành động bất nhã, mọi sự rắp rem cãi vã hay đánh lộn, dừng lại ngay.
Làm sao lại không nói đến Gao Jian-li được chứ, chàng nhạc công mà một hôm đã cặp bến nhà tôi? Râu tóc rậm rì, trang phục lếch thếch, với dáng vẻ ủ rột dữ tợn của mình, anh mang dáng hình của một con lợn rừng bất chợt từ rừng sâu ló ra. Chúng tôi hơi hoảng. Do cảm giác đánh lừa thôi! Sau đó, trong một góc phòng đông cứng người, anh lấy chiếc hộp zhou của mình ra, đặt lên đầu gối và bắt đầu chơi nhạc, khi ấy trước mắt chúng tôi anh tựa như một thầy pháp đang tiến hành một lễ nghi linh thiêng nào đó. Tất cả mọi người có mặt trong phòng đều bất ngờ nín bặt, và ai nấy đều tự hỏi: “Anh ta là ai vậy? Anh ta từ đâu tới thế?” Cả tôi nữa, tim đập liên hồi, hệt như bị mê hoặc. Bằng âm nhạc của mình, khi thì thê lương, đanh thép, lúc lại hiền hòa, bất chợt như xa vắng, anh đưa chúng tôi vào một thế giới đầy xúc động và mê li mà tôi chưa bao giờ hình dung lại có thể tồn tại một nơi như thế. Vẻ mặt anh, còn chăm chú hơn cả chúng tôi, còn mê mẩn hơn cả chúng, là hiện thân của chính sự hùng vĩ, sự cao nhã. Thực ra thì anh là ai? Liệu có phải anh đến từ một thế giới khác để chuyển cho chúng tôi một bức thông điệp chăng? Dẫu bức thông điệp ấy thân thiện đến nhường nào! Về bản chất, những điều mà âm nhạc của anh bày tỏ là tất cả những gì, ngoài những khốn cùng và thiên tai, trần gian tàng trữ được những báu vật tiềm ẩn. Đất sinh, đất dưỡng! Nghe anh chơi bằng cả thể xác và tâm hồn, tôi cứ ngỡ đã tìm lại được thời thơ ấu của mình và cả không gian bao bọc quanh nó thời ấy. Khuôn mặt của cha mẹ tôi, của em trai tôi, tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được thì đều đẹp, đều gây xúc động, tất cả những gì mà cả trẻ em lẫn người lớn, chúng ta vẫn âm thầm mang trong mình mà chưa bao giờ có điều kiện để bày tỏ chúng ra.
Hiệu Constant (chuyển ngữ)
(SH289/03-13)