Truyện dịch
Ông trẻ Axelbrod vào đại học
16:24 | 08/03/2008
Một truyện ngắn của nhà văn Mỹ, đoạt giải Nobel đầu tiên của nền văn học này vào năm 1930, nhà văn Sinclair Lewis, với truyện “Ông trẻ Axelbrod vào Đại học” do dịch giả và nhà nghiên cứu văn học Phan Quang Định dịch. Các bạn sẽ thưởng thức tài năng viết truyện ngắn của nhà văn này, bên cạnh tài năng viết tiểu thuyết của ông.
Ông trẻ Axelbrod vào đại học
Nhà văn Sinclair Lewis

Trong ngôi làng nhỏ Joralemon ở bang Dakota Bắc, chúng tôi vẫn thường gọi Knut Axelbod là “cây gòn rừng cổ thụ”

 

Chưa từng có ai biết tại sao và bằng cách nào ông ta lại được gán cho biệt danh đó. Có lẽ bởi vì cây gòn rừng là một loại cây lớn và cứng cáp, chịu đựng được nắng bụi gió mưa và bất chấp mọi tai ương biến động, vẫn kiên cường đứng vững như muốn thi gan với đời.

 

Cũng có lẽ bởi vì chính ông đã trồng hai hàng cây này dọc theo con đường dẫn đến nông trang của mình, khiến cho một con người bình thường khi lái xe tải dưới hai hàng cây đó có thể nghĩ rằng mình là một lãnh chúa trên đường đi đến thái ấp riêng của mình.

 

Vào độ tuổi sáu mươi lăm, Knute trông giống như một cây gòn rừng cổ thụ với rễ cắm sâu trong đất, thân dạn dày với gió táp mưa sa, với cái nóng thiêu đốt của những ngày tháng tám.

 

Kẻ di dân này đã trở thành người Mỹ ngay trong giọng nói. Từ khi còn ở quê hương Scandinavia quanh năm buốt giá sương mù, ông đã mơ về nước Mỹ như một vùng tràn đầy ánh sáng.

 

Ngay cả những lúc mệt mỏi và tuyệt vọng, ông vẫn luôn luôn nghĩ về nước Mỹ như một nơi trên thế giới này người ta có thể tìm thấy công lý, những thành phố rộng rãi, đẹp đẽ và những cuộc nói chuyện vồn  vã ân cần và ông vẫn giữ được một tâm hồn trẻ trung dám khát khao cái đẹp.

 

Khi còn trai trẻ, Knute Axlbrod đã mong muốn trở nên một học giả danh tiếng, chàng muốn học nhiều ngoại ngữ, muốn thông hiểu toàn bộ lịch sử nhân loại, muốn đắm mình trong kho tàng minh trí của những pho sách vĩ đại. Khi đặt chân lên đất Mỹ, đầu tiên chàng làm việc trong một xưởng gỗ súc, suốt ngày nhưng hằng đêm chàng vẫn miệt mài học hành. Chàng thu thập đủ sách học để có thể trở thành một thầy giáo. Thế rồi, lúc vào tuổi mười tám, cô bé Lenna Wesslius đã làm động mối từ tâm trắc ẩn của chàng khiến chàng thấy dứt khoát phải cưới nàng làm vợ. Không có gì đáng ngờ là cuộc hành trình của họ đến vùng nông trang mới khá là vui vẻ hứng thú nhưng Knute ngay lúc đó đã phải đảm nhiệm trọng trách gia đình và vướng vào nợ nần.Từ lúc đó cho đến tuổi 58, ông hầu như thường xuyên phải lo lắng sao cho con cái khỏi chết hoặc trang trại mình khỏi rơi vào tay các chủ nợ. 

 

Ông chỉ còn biết vui với vinh quang gián tiếp từ sự thành đạt của con cái và riêng cho bản thân - Với những giờ đọc sách, đọc những quyển sách dầy cộm, bụi bám đầy, về lịch sử và kinh tế mà con người cô đơn đó dường như luôn luôn chọn cho mình. Vẫn không hề đánh mất khát vọng về những thành phố lạ với sự đường bệ của những tòa nhà cao sừng sững như những ngọn tháp của các lãnh chúa phong kiến, ông vẫn bám trụ nơi nông trang của mình. Cuối cùng ông cũng sở hữu được một nông trang không bị nợ nần, với đất đai màu mỡ và gia súc tràn đầy. Ông đã có được cuộc sống thoải mái, an toàn, song lúc đó hình như ông cũng đã sẵn sàng để.... cưỡi hạc qui tiên. Bởi vì ở tuổi 63, khi mọi việc đã lo tròn, ông trở nên không còn cần thiết cho ai nữa và rất cô đơn.

 

Vợ ông đã mất. Các con trai ông đã đi xa. Một người là bác sĩ Fargo, bang Dakota Bắc, một người là trại chủ ở Golden Valley . Ông trao trang trại cho con gái và con rể. Họ nài nỉ ông sống chung với họ nhưng Knute từ chối.

 

“Không”, ông nói “Các con phải học cách sống độc lập. Bố không cho không các con trang trại này đâu. Các con phải trả cho bố hàng năm 400 đôla tiền sử dụng đất đai, nhà ở và ta sẽ sống bằng tiền đó và sẽ trông chừng các con, từ ngọn đồi trên kia”

 

Trên một ngọn đồi nhỏ cách trang trại không xa, Knute tự xây một căn nhà nhỏ đơn sơ. Ở đó, ông tự nấu ăn, tự lo lấy mọi việc, nhiều khi ngồi dưới ánh nắng, đọc bao nhiêu sách vở mượn từ thư viện Joralemon và bắt đầu thấy rằng ông tự do hơn bất kỳ thời gian nào khác trong đời mình. Nhiều khi ông ngồi hàng giờ liền trên ghế nhà bếp không có tựa lưng, trước căn nhà nhỏ của mình, một con người lưng dài vai rộng, bất động.

 

Lúc đầu ông không thể xa lìa những thói quen bình thường trong cuộc sống quá khứ của mình. Ông thức dậy lúc 5 giờ sáng, tìm việc để làm bằng cách quét dọn căn phòng và sân vườn của mình, ăn trưa vào đúng 12 giờ và đi ngủ vào lúc chạng vạng tối. Nhưng dần dà ông khám phá ra rằng ông có thể làm việc theo thời điểm nào tùy ý và ngay cả chẳng cần làm gì cũng được. Ông có thể nằm nướng trên giường từ 7 giờ hoặc 8 giờ sáng. Ông có thể cố ý quên đánh răng. Có nhiều cơ hội quên quét dọn nhà cửa hay quên rửa chén bát sau mỗi bữa ăn. Bước cuối cùng trong việc đào thoát để hướng đến một đời sống mới mẻ hơn, tự do hơn, là khi ông bắt đầu những cuộc đi dạo khá xa vào ban đêm.

 

Suốt đời ông đã phải làm việc vất vả trọn ngày nên đến đêm ông chẳng thể nào tỉnh thức nổi. Mệt lử, ông thường rơi ngay vào giấc ngủ nặng nề trong phòng ngủ kín muốn ngột thở.

 

Giờ đây ông khám phá ra được huyền nhiệm của bóng đêm. Ông thấy những cánh đồng cỏ bao la dưới ánh trăng và nghe được bao âm thanh của cỏ và những cây gòn rừng hắt hiu trong gió và tiếng ca của những con chim còn ngái ngủ. Ông muốn dừng lại ở đỉnh đồi, giang rộng đôi tay và thành kính tôn vinh vùng đất hoang sơ đang yên ngủ kia.

 

Chẳng bao lâu sau, lời đồn loan truyền khắp cộng đồng là lão già Knute Axelbrod có lẽ đang hóa điên và đã điên. Dân chúng bắt đầu dò xét từng hành động của ông, hỏi ông những câu hỏi chừng để xem ông còn tỉnh trí không và họ thường đứng bên đường nhìn trừng trừng vào nhà ông. Ông biết mọi  người xung quanh đang nghĩ gì về ông và điều đó khiến ông cảm thấy cay đắng và giận dữ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là điểm khởi đầu của những ý tưởng sẽ dẫn dắt ông đến cuộc phiêu lưu lớn trong đời.

 

Kunte chẳng những đã tự giải phóng mình khỏi những thói quen thường lệ và khỏi những ý tưởng rằng con người được sinh ra để chịu thân phận nô lệ cho đến khi chết đi. Ông đã tự giải phóng mình khỏi cảm thức là bất kì cuốn sách nào nếu đáng đọc, phải là loại sách “nặng ký”, khô khan, phải tích cực động não mới hiểu nổi. Ông bắt đầu đọc sách truyện mượn từ thư viện Joralemon - qua con đường đó ông tự khám phá trở lại những miền đất của khiêu vũ và rượu vang mà suốt quãng đời trước kia mà ông đã từng ao ước. Ông vẫn còn đọc sách kinh tế và lịch sử nhưng mỗi chiều ông thích ngồi trên ghế, gác chân lên giường và đọc vài truyện ngắn mới.

 

Trong số các truyện ngắn ông đã đọc, có một câu chuyện về một chàng trai trẻ tự lực làm việc kiếm tiền để trang trải cho những năm học hành ở Đại học Yale và chẳng những đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và trong các môn thể thao, mà còn có một đời sống xã hội đầy sôi động, hào hứng. Câu chuyện này đã gây cho ông niềm hưng phấn đến nỗi ông không ngủ được và vào lúc ba giờ sáng, ở độ tuổi 64, Knute Axelbor đã quyết định xin nhập học ở trường đại học. Suốt cuộc đời ông từng ao ước được học đến bậc đại học. Sao không thực hiện được?

 

Khi thức giấc, ông không còn chắc lắm về kế hoạch mới của mình trước khi đi ngủ. Ông dự tưởng một hình ảnh rõ ràng về chính mình khi ở trường đại học - Một ông già chậm chạp cố tỏ ra mình trẻ với đám trẻ quanh mình. Nhưng ít ra có một điều mà ông cảm thấy chắc chắn mình sẽ hòa đồng với tuổi trẻ, đó là ước muốn thâu thái kiến thức mọi ngành, kiến thức vô vị lợi, kiến thức vị kiến thức, và chiêm ngưỡng, tôn vinh Cái Đẹp trong mọi hình thức. Chính với tư tưởng đó trong đầu mà ông đã quyết định đẩy lùi tuổi già đang tiến lại gần và chuẩn bị sẵn sàng để theo học đại học

 

Trong số những môn học mà ông phải ôn luyện, dùi mài để qua được kỳ thi nhập học vào trường đại học có hai môn ông thấy khó nhớ nhất vì chẳng có liên quan gì đến đời sống thực tiễn mà ông từng trải, đó là môn tiếng La tinh và môn toán. Thế nhưng ông vẫn nắm vững được. Ông học mỗi ngày mười hai tiếng như xưa kia ông vẫn làm việc mỗi ngày mười tám tiếng trên cánh đồng. Với môn lịch sử và môn văn chương Anh, ông không gặp trở ngại nào. Ông đã từng biết nhiều về các môn học này vì ông từng thích thú đọc sách về những đề tài đó. Từ các nhà láng giềng người Đức ông đã học khá đủ về ngôn ngữ này để lấy đó làm một ngoại ngữ. Học thuật bắt đầu trở lại với ông từ những kinh nghiệm của một thầy giáo làng bốn mươi năm trước. Cuối cùng, sau những tuần lễ và những tháng sống trong nghi ngờ, bất an. Ông đã tự buộc mình có khả năng thi đậu, và sau khi đưa số đồ đạc ít ỏi về cất ở nhà cho con rể, mua sắm ít bộ quần áo mới, ông lên chuyến tàu hỏa hướng về Đại học Yale.

 

Ông đậu kì thi nhập học, dầu chỉ vừa đủ điểm, và trở thành sinh viên của Đại học Yale.

 

Knute Axlbrod có lẽ là một kẻ mơ mộng vu vơ, nhưng ông không hề loạn trí. Chỉ cần vài tuần sau đủ để ông nhận ra sai lầm của mình. Và như ông nhanh chóng nhận ra, đó là một sai lầm đến hai lần.

 

Chẳng hạn nỗi lo ngại của ông là mình có lẽ đã quá già đối với bạn đồng môn. Điều ngược đời là thật ra ông lại quá trẻ đối với họ. Chính đám người trẻ quanh ông mới là những kẻ đã quá già. Bởi tuổi trẻ, theo như ông vẫn thường nghĩ, là thời gian phiêu lưu, khám phá, cho thơ ca, cho những ý tưởng cao đẹp, cho những hình ảnh vĩ đại, cho việc học hành vì lòng ham mê hiểu biết, cho việc tìm kiếm chân lý cho dù chân lý có thể đưa ta đến đâu. Nhưng điều khiến ông trở thành đối tượng của bao lời đùa cợt, không phải là làn tóc trắng hay khuôn mặt đã hằn nếp nhăn của ông khi ngồi vào bàn học lắng nghe lời các thầy giáo còn nhỏ tuổi hơn cả con ông giảng bài. Các sinh viên bạn học cười mục đích của ông khi đến trường đại học bởi vì ông không quan tâm đến những môn học sẽ giúp những người học hiếm được kiếm được nhiều tiền hơn. Ông chỉ muốn học để hiểu đời hơn, để sống trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn, những năm cuối của cuộc đời mình.

 

Chẳng hạn có anh chàng Ray Gribble mà ông cùng sống chung một phòng tại ký túc xá đại học. Gribble đã từng là một thầy giáo tiểu học tại New England và có vẻ theo học đại học chủ yếu là để lên cấp làm thầy giáo trung học, danh giá hơn, và lương bổng khá hơn. Ray Gribble ngay lập tức bắt đầu công việc bán thời gian bằng cách dạy kèm cho một cậu quí tử con một kỹ nghệ gia ngành thép, đồng thời làm việc ở phòng ăn của trường để được phần ăn miễn phí. Khi chàng ta khám phá ra rằng mối quan tâm chính của Knute là văn chương, anh ta nói bằng một giọng khá phũ phàng và không thiếu chất cay độc: “Tôi nghĩ rằng một người ở độ tuổi gần đất xa trời nên để tâm nhiều hơn đến phần hồn của mình hơn là đến những chuyện phù phiếm vô bổ như thi ca, kịch nghệ, tiểu thuyết... Ông nên để ba cái chuyện lơ tơ mơ đó cho bọn nghệ sĩ, bọn sinh viên, trí thức nước ngoài sính văn chương đường xa xứ lạ. Ông nên dành thì giờ học tiếng La tinh và toán nhiều hơn. Tôi nói với ông điều đó bởi vì tôi đã là từng là thầy giáo và từng trải nhiều kinh nghiệm”.

 

Sai lầm thứ nhì của Knute là nghĩ rằng những người như Ray Gribble, những kẻ phải làm việc để tự trang trải chi phí học hành của mình hẳn là có nhân cách tinh tế hơn, cao quý hơn, mạnh mẽ hơn, nói chung là đáng nể phục hơn những sinh viên không phải làm việc nhờ có gia đình lo, nên có thì giờ để nói chuyện thi ca bên lò sưởi, nghe âm nhạc, tản bộ nhẩn nhơ hay mộng mơ suốt ngày. Như thế, mặc dầu ông cảm thấy thuộc về những kẻ làm việc, nhưng ông lại bị lôi cuốn về phía những “tay tài tử”, những sinh viên không phải làm việc để kiếm tiền ăn học, nhiều hơn.

 

Ông âm thầm tìm kiếm nhưng ông chẳng thấy được một kẻ tri âm nào, dầu trẻ hay già, chia sẻ cùng ông niềm tin vào sức mạnh của những giấc mơ mãnh liệt hơn. Ông trở thành trò cười trong lớp học, và ngay cả những người có cảm tình với ông một cách thầm kín và đáng lẽ đã đưa bàn tay bạn bè ra với ông, lại ngại không dám làm điều đó, bởi họ sợ rằng chính họ cũng sẽ bị coi là kỳ cục, lạ lùng.

 

Mái trường đại học nhanh chóng mất đi áng mây huyền ảo mà lần đầu tiên ông đã nhìn nó qua áng mây đó. Trái đất vẫn chỉ là một chốn bụi hồng dù người ta nhìn nó ở Joralemon hay ở khuôn viên Đại học Yale. Các giảng đường hết còn là những thánh đường của học vấn, của văn chương nghệ thuật. Chúng chỉ còn là những căn phòng lớn, với tường vôi mái ngói vô tri, chứa đầy những con người trẻ tuổi vô tâm, đứng hững hờ bên các cửa sổ, cười nhạo ông mỗi khi ông đi ngang qua đó, cố tránh để không bị để ý.

 

Ông không còn có thể cùng ăn chung với các sinh viên khác bởi vì có hai chàng trẻ mà niềm vui chính trong cuộc đời đối với họ là tìm cách chọc phá ông, cười nhạo ông, về quần áo của ông, về tính “vô cầu” (Lack of Purpose) của ông khi muốn làm sinh viên đại học ở độ tuổi chiều tà bóng xế, trong buổi tàn niên cuộc đời. Thật là khó hiểu, thật là lạ lùng và vì thế, thực là nực cười.

 

Sau đó ông đi ăn một mình ở những quán nhỏ.Vì ông hình dung cả trường cứ chăm chăm nhìn ông, cười nhạo ông, cười nhạo cả nụ cười của ông nữa, ông đâm ra vừa mắc cỡ vừa giận dữ. Ông trở nên cô đơn đối với cả chiếc ghế ngồi, với cái bục cửa tràn đầy ánh nắng của căn nhà nhỏ và với miền đất tri thức.

 

Một ngày nọ, sau khi ông đã vào trường được một tháng, ông trèo lên ngọn núi Thạch Sơn Đông, từ đó ông có thể nhìn những tòa cao ốc của Đại học Yale, trông tựa những ngọn tháp của Đại học Oxford và ngắm dải đất Long Islanh vươn dài trên mặt nước. Ông ngạc nhiên thấy rằng anh chàng Axelbord của miền đất xa xôi với những cây gòn rừng kia, giờ đây lại đứng ngắm nhìn bang NewYork qua một phần của Đại Tây Dương.

 

Bỗng nhiên ông nhận thấy, ở rìa của phiến đá, một chàng sinh viên bạn cùng lớp với ông. Chàng ta cũng là một sinh viên mới.Đó là một chàng sinh viên trẻ tên gọi là Gilbert Washburn, một trong những “chàng tài tử” ăn mặc bảnh bao mà những người như Gay Gribble khó có thể có lời nói tốt đẹp nào khi nói về họ. Đám sinh viên kháo rằng Washburn đã từng sống ở Paris và hiện giờ chàng ta có những căn phòng đầy đủ tiện nghi nhất ở ký túc xá đại học.

 

Khi nhìn thấy Knute, Gil Washburn đứng dậy từ chỗ anh đang ngồi, tiến đến với ông và ngồi xuống cạnh ông

 

- “Thật là một cảnh tượng kỳ thú!” chàng ta nói và niềm nở mỉm cười chào ông.

 

Đối với Knute, nụ cười tượng trưng cho cả một nghệ thuật sống mà ông đã bỏ công đến Đại học để tìm kiếm. Mỗi vết nhăn trên khuôn mặt nhuốm bao phong sương của ông càng hằn sâu hơn khi ông trả lời “Vâng, tôi nghĩ là cảnh tượng nhìn từ ngọn đồi Acroopolis ở kinh đô văn hóa Athena của xứ sở Hy Lạp hẳn cũng giống như thế này đây.”

 

“Tôi vẫn thường nghĩ về ông, ông Axelbrod à”

 

“Sao ạ?”

 

“Tôi nghĩ chúng ta nên biết nhau nhiều hơn. Mọi người khác đều nghĩ về ông cũng như về tôi cùng một cách. Chúng ta đến đây để mơ mộng, và những con ong nhỏ bé bận rộn như cái anh chàng Gilbert bạn cùng phòng của ông đó, nghĩ rằng chúng ta là hai thằng dở hơi, tàng tàng mát mát. Có lẽ ông không nhất trí với tôi đâu nhưng tôi khẳng định rằng ông và tôi giống nhau như đúc!”

 

“Cái gì khiến anh nghĩ rằng tôi đến đây để mơ mộng?” Knute hỏi, hơi giận dỗi.

 

“Ồ, tôi vẫn thường nghe ông nói ở bàn ăn, khi cả đám tranh luận nhặng xị cả lên vì những lí do để vào trường Đại học. Một đề tài cũ rích! Tôi tự hỏi không biết ông có thích xem quyển tập thơ Musset mà tôi đang mang theo đây không. Tôi đã mua quyển này năm rồi khi tôi qua Pháp”

 

Gil rút ra từ túi áo một quyển sách mà Knute trước nay chưa từng thấy, một cuốn sách nhỏ, mỏng, bằng một ngôn ngữ lạ, đóng bằng bìa da tuyệt đẹp. Quyển sách nhỏ trông mảnh mai thanh toát và tuyệt đẹp đến độ làm cho người trại chủ nông trang này hầu như e dè không dám cầm nó vào đôi bàn tay to tướng cục mịch của mình.

 

“Tôi không đọc được vì không biết tiếng Pháp “ông nói, “Nhưng đây là loại sách tôi vẫn thường nghĩ là phải có ở một nơi nào đó”

 

“Này nghe đây!” Gil kêu lên.Ysaye sẽ chơi nhạc ở Harford tối nay. Ông có muốn đi nghe anh ấy không? Chúng ta có thể lên xe buýt ở chỗ kia - Tôi đã cố kéo một vài người bạn cùng đi nhưng họ cứ nghĩ là tôi khùng.”

 

Ysaye là ai, Knute Axelbord chẳng có mảy may ý niệm, thế nhưng ông vẫn trả lời bằng một giọng ấm, vang đầy nhiệt tình “Hẳn rồi”!

 

Khi đến Hartford, họ thấy cả hai gom lại thì vừa đủ tiền để ăn tối, mua vé hạng rẻ nhất để vào nghe Ysaye, và đi xe trở về đến Meriden. Đến Meriden, Gil gợi ý “ Chúng ta có thể đi bộ đến New Haven . Ông đủ sức chứ?”

 

Knute chẳng biết từ đó trở về trường còn bao xa, bốn dặm hay bốn mươi dặm, thế nhưng ông cứ hăng hái gật đầu: “Dư sức qua cầu mà anh bạn!”

 

Và họ cùng đi dung dăng dung dẻ nắm tay nhau vừa đi vừa hát trên con đường tràn ngập ánh trăng tháng mười, đôi khi đứng lại hái trộm vài quả táo từ một vườncây ăn quả và la lên sảng khoái vang vang qua những ngọn đồi lấp lánh ánh trăng bạc, mờ ảo sương đêm, khoái chí một cách trẻ con khi chạy đuổi theo con chó. Thường thì Gil nói nhiều hơn còn Knute chăm chú nghe. Rồi Gil bảo Knute kể chuyện về những ngày ông mới đến nước Mỹ, về chuyện nắng mưa bão táp, về những vụ gặt, về ngọn lửa được đốt lên bằng cỏ dại giữa đồng xanh.

 

Đôi bạn vong niên lững thững về đến trường lúc năm giờ sáng.Cố tìm lời để diễn đạt cảm xúc của mình. Knute nói:

 

“Tuyệt quá, bạn ạ. Bây giờ mình lên giường đây và mình sẽ mơ về....”

 

“Lên giường ngủ bây giờ? Mình không nghĩ là nên kết thúc cuộc vui khi còn hào hứng như thế này. Vả lại, bọn mình đều đang đói bụng cả, phải thế không ? Nào, chờ mình một tí. Mình nhảy lên phòng vớ một ít tiền rồi mình xuống ngay để hai đứa đi kiếm gì ăn. Chờ mình nhé!”

 

Knute sẵn lòng chờ cả thời gian còn lại của đêm nay. Ông đã sống gần bảy mươi năm, đã đi qua quãng đường dài một ngàn năm trăm dặm, và đã phải khốn khổ chịu đựng anh chàng Ray Gilbble thực dụng sát mặt đất kia, là để được đền bù bằng cuộc hạnh ngộ vô tiền khoáng hậu trong đêm nay với người tri âm Gil Washburn.

 

Người ta ngạc nhiên thấy ông già ăn mặc lôi thôi và chàng trẻ ăn mặc bảnh bao cùng cặp kè nhau xuống phố Chpeil vào giờ đó của nửa đêm, đi tìm một quán ăn thích hợp cho những nhà thơ. Nhưng mọi nơi đều đóng cửa.

 

“Cửa hiệu Do Thái sắp mở liền bây giờ” Gil nói. “Bọn mình đến đó coi có gì mua rồi đem về phòng mình. Mình có ít trà ở nhà đấy”

 

Ở cửa hiệu Do Thái, trong khi Gil mua bánh mì, phôma, gà quay và kem, Knute chăm chú nhìn các dấu hiệu và các dòng chữ quảng cáo bằng tiếng Nga, nhìn mọi vật rồi đến mọi người, như ông chưa hề nhìn thấy trước đó. Càng nhìn ông càng thấy mãn nguyện, một niềm mãn nguyện mà ông sẽ không bao giờ đánh mất đi. Đêm nay ông đã làm một cuộc hành trình thật xa.

 

Căn phòng của Gil Washburn đầy những vật dụng xinh xắn dầu không có lợi ích thực dụng nào nhưng trông thật thích mắt. Ngồi vào một chiếc ghế tiện nghi, ông mê ngắm nhìn mọi thứ và biểu lộ niềm vui thích trong khi Gil đốt bếp lên.

 

Trong lúc ăn, đôi bạn nói chuyện về những vĩ nhân, bàn luận những tư tưởng lớn. Cuộc nói chuyện thật sôi nổi, hào hứng. Rồi Gil đọc mấy bài thơ của Louis Stevenson, vài đoạn văn xuôi của Anatole . Cuối cùng chàng đọc vài bài thơ của chính chàng sáng tác.

 

Thơ Gil dở hay thế nào, chuyện ấy nào có hề chi. Với Knute, gặp một người thật sự làm thơ quả là một chuyện diễm phúc khiến cho lòng ông lâng lâng ngất ngây.

 

Cuộc nói chuyện rời rạc dần vì cả hai đều đã thấy buồn ngủ đến nặng trĩu cả hai mí mắt, Knute thấy rằng đã đến lúc nên ra về và ông vội đứng dậy. Khi từ biệt bạn, ông cảm thấy như mình sẽ chỉ đi ngủ một lát thôi rồi trở lại với cái đêm đầy hứng thú bất tận này.

 

“Từ giờ trở đi mình có khối dịp để đến hàn thuyên với Gil. Mình đã tìm được một người bạn đúng nghĩa “Knute tự nói với mình. Ông ôm chặt vào lòng quyển tuyển tập thơ của Musset mà Gil nài ông mang về.

 

Khi bắt đầu bước về lưu xá của mình Knute thấy mệt rã rời. Dưới ánh trăng ban mai, cuộc phiêu lưu đêm rồi hình như trở nên mờ ảo, khó tin.

 

Khi bước chân vào dãy lưu xá của mình, ông thở ra nặng nhọc: “Tuổi già và tuổi trẻ hẳn là khá hợp nhau lâu”

 

Khi trèo lên mấy bậc thang của phòng mình, ông tự nhủ: “Nếu mình còn gặp lại chàng trai chắc chàng ta sẽ phát mệt với mình. Ta đã nói với chàng ta tất cả những gì ta cần nói. Thôi thế là đủ rồi, đừng gây phiền nhiễu cho chàng ta nữa” Và khi mở cửa phòng mình, ông nói thêm: “Đây chính là lí do ta đến trường Đại học - Chỉ vì cái đêm tri ngộ tuyệt vời độc nhất vô nhị này mà thôi. Nhưng người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, như triết gia Heraclite của Hy Lạp đã nói từ thời xa xưa. Bây giờ ta nên ra đi, trước khi ta làm hỏng mất vẻ thuần khiết vô song của đêm rồi”

 

Ông viết một bức thư ngắn cho Gil và bắt đầu thu xếp hành trang. Không đánh thức cả chàng Ray Gribble dậy để nói lời từ biệt, ông lặng lẽ ra đi.

 

Vào lúc năm giờ chiều ngày hôm ấy, một ông già ngồi mỉm cười trên chuyến xe lửa đi về miền Tây. Niềm mãn nguyện bất tuyệt ánh lên trong đôi mắt ông và đôi tay ông vẫn trang trọng nâng niu quyển sách thanh nhã, tuyệt đẹp bằng tiếng Pháp: Poèmes choisis d. Alfred de Musset (Tuyển tập thơ Musset).

 

Phan Quang Định (dịch từ nguyên tác tiếng Anh)

(Nguồn: SH 11.2006)

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)