Truyện dịch
Tiểu đội D
15:46 | 24/08/2015

Stephen King (1947, Maine, Mỹ), nhà văn được xem là có công phục hồi thể loại truyện kinh dị trong thế kỷ 20.

Tiểu đội D
Nhà văn Mỹ Stephen King - Ảnh: internet

King tốt nghiệp Đại học Main năm 1970. Tiểu thuyết đầu tay của ông, Carrie (1974), viết về một phụ nữ đau khổ được phú cho khả năng di dời đồ vật ở xa, đạt thành công tức thì. Trong Carrie cũng như nhiều cuốn sau đó, ông pha trộn chất kinh dị, rùng rợn, huyễn tưởng và khoa học giả tưởng lại với nhau. Tính đến 2013, ông đã viết được 53 tiểu thuyết và khoảng 300 truyện ngắn (nhiều truyện rất ngắn, chưa tới 1 trang). Ông còn viết tiểu thuyết với bút hiệu Robert Bachman và John Swithen sau khi đã thành danh để chứng tỏ rằng việc nổi tiếng chỉ là chuyện may rủi. Ngoài truyện, ông còn viết kịch bản phim và tạp bút.  


STEPHEN KING    

Billy Clewson chết ngay lập tức, cùng chín trong số mười thằng lính của Tiểu đội D vào ngày 8 tháng Tư 1974. Mẹ cậu phải hai năm nữa mới chết, nhưng bà đã khởi sự ngay từ buổi chiều nhận được điện tín về cái chết của con trai. Dale Clewson chỉ ngồi trên băng ghế ở hiên trước trong năm phút, mấy ngón tay cầm hờ hững tấm điện tín màu vàng mỏng manh, không rõ mình sắp ngất hay ói hay gào la hay gì khác. Khi đứng dậy được, ông vào phòng khách, vừa kịp lúc để thấy Andrea, vợ ông, nốc hớp cuối cùng của ly rượu đầu tiên và rót ly thứ nhì của thời kỳ hậu-Billy. Tiếp theo đó là rất nhiều ly nữa - thật đáng ngạc nhiên trước số ly rượu mà một phụ nữ nhỏ thó và trông rất mỏng manh có thể uống cạn trong vòng hai năm. Nguyên nhân chính thức - được ghi trên giấy chứng tử của bà - là mất chức năng gan và thận. Cả Dale và bác sĩ của gia đình đều biết đó chỉ là lớp phủ ngoài của thứ bánh nướng tẩm đầy rượu mạnh, có lẽ như bánh baba au rhum vậy. Chỉ riêng Dale biết rằng còn có một nguyên nhân thứ ba nữa: Cái chết của Billy đã giết chết mẹ nó.

Đã ba năm - ba năm tính tới sát ngày giỗ - sau khi Billy chết trên cây cầu ấy thì Dale Clewson mới bắt đầu nghĩ chắc mình sắp điên.

Chín, ông nghĩ. Có chín đứa. Luôn luôn là chín. Tới bữa nay.

Phải vậy không? Trí óc ông trả lời cho chính nó. Chắc không? Có thể mày đã đếm - lá thư của trung úy cũng nói có chín, và thư của Bortman cũng nói có chín đứa. Vậy làm sao mày dám chắc chắn như thế? Có lẽ mày chỉ tưởng như thế.

Nhưng ông không hề tưởng như thế, và ông có thể chắc chắn vì ông biết chín nghĩa là bao nhiêu mà, và có chín đứa trong bức ảnh chụp Tiểu đội D được gởi tới nhà ông qua bưu điện, cùng với bức thư của trung úy Anderson.

Mày có thể lầm đấy, trí óc của ông nhấn mạnh với vẻ trấn an hơi hoảng loạn. Mày đã bị rất nhiều khủng hoảng trong mấy năm qua, với việc đầu tiên là mất Billy rồi tới mất Andrea. Có thể mày đã lầm đấy.

Ông nghĩ, thật là đáng ngạc nhiên với việc tâm trí con người phải vượt biết bao đoạn đường điên loạn để giữ được sự tỉnh táo lành mạnh.

Ông đặt ngón tay vào hình ảnh mới xuất hiện - một chàng trai bằng cỡ tuổi Billy nhưng có tóc vàng húi cua, trông chưa quá mười sáu tuổi, chắc chắn là quá trẻ để đi vào chốn giết chóc. Nó ngồi xếp bằng phía trước Gibson, thằng biết chơi guitar theo như thư của Billy nói, và Kimberley, đứa có cả kho chuyện cười tiếu lâm. Thằng nhóc tóc vàng hơi nheo mắt nhìn nắng - nhiều đứa khác cũng vậy, nhưng bọn kia thì lâu nay vẫn có mặt ở đó. Cái áo tạp dịch của thằng nhóc mới thì phanh ngực, cặp thẻ bài của nó nằm áp vào khuôn ngực chưa mọc lông.

Dale vào bếp, lục trong chỗ mà ông và Andrea luôn gọi là “ngăn hầm bà lằn” và tìm được một cái kính lúp cũ, trầy trụa. Ông đem kính và bức ảnh ra cửa sổ phòng khách, đặt tấm ảnh cho nó đừng gây chói và soi kính vào cặp thẻ bài của thằng nhóc mới. Ông không đọc được gì cả. Ông nghĩ chắc là cả hai tấm thẻ bài đều lật sấp và úp mặt vào ngực thằng nhóc.

Thế nhưng, óc ông vẫn nảy nghi ngờ - nó kêu tích tắc ở đó như cái đồng hồ trên bệ lò sưởi. Ông đang định lên giây cái đồng hồ đó thì nhận ra thay đổi trong tấm ảnh chụp. Bây giờ ông đặt bức ảnh ấy vào nơi quen thuộc của nó, giữa bức chụp Andrea và ảnh chụp Billy ngày tốt nghiệp, tìm ra cái chìa khóa và lên giây cót đồng hồ.

Lá thư của trung úy Anderson cũng khá đơn giản. Dale tìm lại được nó trong ngăn kéo bàn giấy và đọc lại. Những dòng chữ đánh máy trên giấy quân đội. Thủ tục kế tiếp tờ điện tín theo yêu cầu, Dale nghĩ thế. Thứ nhất: tờ điện tín. Thứ nhì: Thư chia buồn của Trung úy. Thứ ba: quan tài, một chàng trong đó. Hồi đó ông đã thấy và bây giờ lại thấy rằng máy đánh chữ của Anderson có chữ “o” bị lệch lên trên khiến Clewson cứ biến thành Clewson.

Andrea từng muốn xé lá thư. Dale lại nhất quyết giữ lại. Bây giờ ông mừng vì điều đó.

Tiểu đội của Billy và hai tiểu đội khác tham gia một trận càn quét khu rừng với Kỳ Độ là ngôi làng duy nhất trong đó. Họ đã dự trù sẽ có chạm súng, thư của Anderson nói thế, nhưng chẳng có đụng độ gì cả. Đối phương được báo là đã có mặt trong khu vực nhưng đã mất hút vào rừng rậm - đây là tình cảnh mà lính Mỹ đã quá quen thuộc từ mười mấy năm qua.

Dale mường tượng được cảnh toán quân trở về căn cứ ở Hố Man vui sướng và nhẹ nhõm. Tiểu đội A và C lội qua sông Kỳ lúc đó gần như khô cạn. Tiểu đội D băng qua cầu. Được nửa đường, nó nổ tung. Có lẽ nó bị kích nổ từ hạ lưu. Hay rất có thể một ai đó - không chừng chính Billy - đã bước trúng tấm ván bẫy. Trọn chín đứa trong đội thiệt mạng. Không một ai sống sót.

Thượng đế - nếu có một đấng như thế - thường tử tế hơn mức đó, Dale thầm nghĩ. Ông đặt lá thư của Trung úy Anderson xuống và cầm thư của Josh Bortman lên. Nó được viết trên giấy có kẻ hàng màu xanh trông như giấy tập viết. Nét chữ của Bortman gần như không đọc được, nét chữ cua bò còn tệ thêm vì công cụ viết - một cây bút chì nhạt màu. Rõ ràng đã quá mòn, chắc nó chẳng khác gì cục than chì khi Bortman ký tên nó vào cuối lá thư. Ở nhiều chỗ Bortman còn đè mạnh thiếu điều đâm toạc tờ giấy.

Chắc là chính Bortman, đứa thứ mười, đã gởi cho Dale và Andrea bức ảnh chụp tiểu đội, lồng khung sẵn. Tấm kiếng trên khung như có phép lạ đã không vỡ trong suốt hành trình dài từ Hố Man tới Saigon qua San Francisco và cuối cùng tới Binghamton ở New York.

Thư của Bortman đầy đau khổ. Nó gọi chín đứa kia là “những đứa bạn tốt nhất trong đời cháu, cháu yêu tụi nó cứ như anh em ruột.”

Dale cầm tờ giấy kẻ dòng xanh và nhìn mông lung ra cửa, về phía âm thanh đồng hồ tích tắc trên bệ lò sưởi. Khi thư này tới, vào đầu tháng Năm 1974, ông đã ngập tràn đau khổ đến mức không buồn nghĩ tới đau khổ của Bortman. Bây giờ ông nghĩ mình có thể hiểu được nó - dù chỉ một chút. Bortman có mặc cảm tội lỗi sâu xa và không giãi bày được. Chín lá thư từ giường bệnh của nó tại căn cứ Hố Man, đều bằng nét lổn ngổn đau đớn đó, có lẽ đều viết bằng cây bút chì nhạt màu đó. Chi phí phóng lớn chín bức ảnh chụp Tiểu đội D, lồng khung, rồi gởi đi. Những nghi thức chuộc tội với cây bút chì nhạt màu, Dale nghĩ, gấp lá thư lại và cất đi. Trong cùng ngăn kéo với thư của Anderson. Cứ như nó đã giết chúng bằng việc chụp hình chúng. Nó muốn nói thế giữa những dòng chữ, phải không? “Xin đừng ghét cháu, bác Clewson, xin đừng nghĩ cháu giết con bác và mấy bạn kia bằng việc…”.

Trong phòng bên chiếc đồng hồ trên bệ lò sưởi điểm năm giờ.

Dale trở qua phòng khách và lại lấy bức ảnh xuống.

Điều mà mày đang nói tới chính là điên loạn.

Lại nhìn vào thằng bé có tóc vàng húi cua.

Cháu yêu tụi nó cứ như anh em ruột.

Lật bức ảnh lại.

Xin đừng nghĩ cháu giết con bác - tất cả các con bác - bằng việc chụp ảnh tụi nó. Xin đừng ghét cháu vì cháu nằm trong bệnh viện căn cứ Hố Man với búi trĩ xuất huyết thay vì đi trên cầu Kỳ Độ với những đứa bạn tốt nhất trong đời. Xin đừng ghét cháu, vì sau cùng cháu cũng bắt kịp, cháu phải mất mười năm cố gắng, nhưng sau cùng cháu đã bắt kịp.

Viết ở mặt lưng tấm ảnh, cũng bằng cây bút chì nhạt màu ấy, là ghi chú sau:

Jack Bradley Omaha, Nebraska
Billy Clewson Binghamton, New York
Rider Dotson Oneonta, New York
Charlie Gibson Payson, North Dakota
Bobby Kale Henderson, Iowa
Jack Kimberley Truth of Consequences, New Mexico
Andy Moulton Faraday, Louisiana
Jimmy Oliphant Beson, Delaware
Asley St. Thomas Anderson, Indiana
* Josh Bortman Castle Rock, Maine

Nó đặt tên của nó dưới cùng. Dale thấy thế - dĩ nhiên ông đã thấy tất cả chuyện này từ trước và đã ghi nhận - nhưng có lẽ chưa bao giờ thực sự hiểu ra cho tới lúc này. Nó đã viết tên nó cuối cùng không theo thứ tự chữ cái, và kèm dấu hoa thị.

Dấu hoa thị nghĩa là “còn sống”. Dấu hoa thị nghĩa là “đừng ghét cháu”.

Nhưng điều mày đang nghĩ tới chính là điên loạn, và mày hiểu rõ như thế.

Tuy nhiên, ông vẫn đi tới điện thoại, quay số 0, và xác định được rằng mã vùng của Maine là 207. Ông quay số tổng đài Maine, và xác định được chỉ có một gia đình Bortman ở Castle Rock.

Ông cảm ơn tổng đài, ghi lại số đó và nhìn cái điện thoại.

Mày đâu thực tình muốn gọi họ, phải không?

Không ai trả lời - chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc. Ông đã để tấm ảnh ở trường kỷ và bây giờ đang nhìn nó - đầu tiên là nhìn thằng con của ông, tóc nó vuốt ra sau, một hàng ria mỏng đang cố mọc ở môi trên của nó, bị dừng lại vĩnh viễn ở tuổi hăm mốt, rồi nhìn vào thằng nhóc mới xuất hiện trong bức ảnh cũ đó, thằng nhóc với mái tóc vàng cắt ngắn, thằng nhóc có thẻ bài lật úp vào ngực và không đọc được. Ông nghĩ đến cách thức thằng Josh Bortman cẩn thận tách mình ra khỏi mấy đứa kia, nghĩ tới dấu hoa thị, và đột nhiên mắt ông đầy lệ ấm.

Bác chưa hề ghét cháu, ông nghĩ. Andrea cũng vậy, dù với tất cả đau khổ của bà ấy. Lẽ ra bác phải cầm bút và viết thư nói cho cháu biết điều đó, nhưng nói thật trước mặt Chúa, bác chưa từng nghĩ tới việc đó.

Ông lại cầm điện thoại lên và quay số nhà Bortman ở Castle Rock, Maine.

Máy bận.

Ông gác máy và ngồi yên năm phút, nhìn ra đường nơi Billy từng tập chạy xe đạp, ban đầu với cái xe ba bánh, rồi xe đạp với bánh nhỏ hai bên, rồi tới xe đạp chỉ hai bánh. Năm mười tám nó mang về nhà bước tiến mới nhất - một chiếc Yamaha 500. Trong thoáng chốc ông có thể thấy Billy rõ ràng đến sững người, cứ như nó có thể bước qua cửa và ngồi xuống đây.

Ông lại quay số nhà Bortman. Lần này chuông reng. Giọng nói ở đầu kia cố tình lộ vẻ mệt mỏi rõ rệt chỉ với hai từ “A lô?” Ngay lúc đó mắt Dale nhìn xuống đồng hồ tay và thấy được ngày tháng - chẳng phải lần đầu trong ngày hôm đó nhưng đấy là lần đầu tiên nó hiện rõ ý nghĩa. Đó là ngày 9 tháng Tư. Billy và đám bạn đã chết mười một năm trước cộng một ngày. Chúng nó…

“A lô?” giọng nói lặp lại gắt gỏng. “Trả lời đi, không thì tôi gác máy. Ông là người nào?”

Ông là người nào? Ông đứng trong phòng khách tích tắc tiếng đồng hồ, lạnh lẽo, lắng nghe lời lẽ rền rĩ từ miệng mình.

“Tôi là Dale Crewson. Ông Bortman à. Con trai tôi…”

“Clewson. Cha của Billy Clewson.” Giọng nói nghe bải hoải, lờ đờ.

“Phải, đó là…”

“Ông nói thế.”

Dale không biết trả lời ra sao. Lần đầu tiên trong đời ông đớ lưỡi.

“Và bức ảnh chụp Tiểu đội D của ông cũng biến đổi phải không?”

“Phải.” Ông nói mà như hụt hơi.

Giọng Bortman vẫn lờ đờ nhưng lại tràn đầy hung bạo. “Ông nghe tôi nè, và nói lại với mấy người khác. Ngay chiều nay tôi sẽ cho gắn thiết bị tìm điện thoại gọi đến. Nếu đây là trò đùa thì mấy ông sẽ phải cười suốt con đường tới nhà tù đấy, tôi bảo đảm.”

“Ông Bortman…”

“Thôi đi! Đầu tiên có ông xưng là Paul Moulton gọi đến, nghe đâu từ Louisiana, nói với vợ tôi rằng thằng con tôi bỗng dưng hiện lên trong tấm ảnh chụp Tiểu đội D mà nó gởi cho họ hồi đó. Vợ tôi giờ còn bị hoảng loạn khi có một bà xưng là mẹ của Bobby Kale cũng gọi điện để nói câu chuyện khùng điên y hệt. Kế đó, Oliphant! Mới năm phút trước, em trai của Rider Dotson! Nó bảo vậy. Bây giờ tới ông.”

“Nhưng ông Bortman…”

“Vợ tôi giờ nằm trên lầu, đã được chích an thần, và nếu đây là một trò chọc phá qua điện thoại thì thề có Chúa tôi sẽ…”.

“Ông biết đây không phải trò đùa.” Dale thì thầm. Ông cảm thấy các đầu ngón tay lạnh và tê - những ngón tay bằng kem. Ông nhìn tới bức ảnh đàng kia. Nhìn ngay thằng tóc vàng, mỉm cười, nhìn vào ống kính.

Đầu dây bên kia im bặt.

“Ông biết đây không phải trò đùa, thế thì đã có chuyện gì?”

“Con tôi tự sát tối qua,” Bortman nói đờ đẫn, “chắc ông chưa biết.”

“Chưa hề. Tôi thề đấy.”

Bortman thở dài. “Và ông đang gọi điện đường dài phải không?”

“Từ Binghamton, New York.”

“Phải. Mình có thể phân biệt cú điện đường dài và nội hạt. Ý tôi là điện thoại đường dài có tiếng u… u…”.

Dale nhận ra, hơi trễ tràng, rằng cảm xúc sau cùng đã len vào giọng nói đó. Ông Bortman đang khóc.

“Nó cứ rầu rĩ suốt, từ cuối 1974.” Bortman nói. “Cứ mùa xuân là tệ hơn, nó luôn đạt đỉnh điểm lúc gần ngày 8 tháng Tư khi mấy đứa kia… với con trai ông…”.

“Phải.” Dale nói.

“Năm nay, nó không… không có cao điểm gì hết.”

Có âm thanh bị bóp nghẹn - Bortman đang dùng khăn tay.

“Nó treo cổ trong nhà xe, ông Clewson à.”

“Chúa ơi,” Dale lầm thầm. Ông nhắm chặt mắt, cố xua đi hình ảnh. Ông thấy một hình ảnh có thể còn tệ hơn - khuôn mặt mỉm cười đó, cái áo tạp dịch phanh ngực, cặp thẻ bài lật sấp. “Tôi rất tiếc.”

“Nó không muốn người ta biết tại sao nó không đi cùng mấy đứa kia vào hôm đó, nhưng dĩ nhiên sự thật cũng lộ ra.” Một lúc im lặng trầm ngâm khá lâu bên đầu dây của Bortman. “Chuyện như vậy luôn xì ra mà.”

“Phải. Tôi cũng nghĩ thế.”

“Joshua không có nhiều bạn khi lớn lên, ông Clewson à. Tôi không nghĩ nó có bạn đích thực cho tới khi ra chiến trường. Nó yêu con ông, và mấy đứa khác nữa.”

Bây giờ chính ông ta lại an ủi mình.

“Tôi rất tiếc về mất mát của ông,” Dale nói. “Và xin lỗi vì đã quấy rầy vào thời điểm thế này. Nhưng ông hiểu cho… tôi phải làm vậy.”

“Phải. Nó có mỉm cười không, ông Clewson? Mấy người kia… họ nói nó mỉm cười.”

Dale nhìn bức ảnh cạnh cái đồng hồ. “Nó mỉm cười.”

“Nó luôn như thế. Sau cùng Josh cũng bắt kịp chúng nó.”

Dale nhìn qua cửa sổ ra con đường chỗ Billy từng cưỡi chiếc xe có bánh nhỏ hai bên. Ông nghĩ mình phải nói gì đó, nhưng có vẻ không nghĩ ra được điều gì. Bụng ông quặn đau. Xương ông lạnh toát.

“Tôi phải đi đây, ông Clewson. Phòng khi vợ tôi thức giấc.” Ông ta ngừng lại. “Chắc tôi sẽ bỏ điện thoại ra khỏi giá quá.”

“Ý đó không dở đâu.”

“Tạm biệt, ông Clewson.”

“Tạm biệt. Một lần nữa, xin gởi lời chia buồn.”

“Tôi cũng vậy.”

Cạch.

Dale bước tới bên kia và cầm tấm ảnh chụp Tiểu đội D lên. Ông nhìn cậu trai tóc vàng mỉm cười, đứa ngồi xếp bằng trước mặt Kimberley và Gibson, ngồi tự nhiên và thoải mái dưới đất cứ như nó chưa từng bị trĩ trong đời, cứ như nó chưa hề đứng trên cái thang xếp trong nhà xe mờ tối và tròng vòng dây vào cổ.

Sau cùng Josh đã bắt kịp chúng bạn.

Ông đứng nhìn chằm chằm vào bức ảnh một hồi lâu rồi mới nhận ra độ im lặng sâu thẳm trong căn phòng đã sâu thẳm hơn. Đồng hồ đã chết.

PHẠM VIÊM PHƯƠNG
dịch từ The Collective, Nxb. Phantom Press, 2000
(SH318/08-15)  






 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Bóng hình xưa (21/04/2015)
Đừng khóc (13/04/2015)
Pháo thủ (05/02/2015)
Đàn bà đêm (30/12/2014)
Tóc David (15/07/2014)
Phòng tối (01/07/2014)