Truyện dịch
Người dịch bệnh
16:51 | 20/05/2008
LTS: Jhumpa Lahiri, sinh ở London trong một gia đình người Belgali (Ấn Độ), lớn lên ở đảo Rhode, hiện sống tại New York . Truyện “Người dịch bệnh” được rút từ tập truyện ngắn Interpreter of Maladies là tác phẩm đầu tay của cô, đã được giải Pulitzer 2000 cho thể loại truyện hư cấu, giải của báo New Yorker cho sách đầu tay hay nhất. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu.
Người dịch bệnh


Ngồi bên bàn trà ông bà Das cãi nhau xem ai phải đưa con bé Tina đi vệ sinh. Cuối cùng bà Das mủi lòng khi ông Das nói rằng đêm trước ông đã đưa con bé đi tắm. Qua gương chiếu hậu ông Kapasi thấy bà Das chầm chạp đứng lên, kéo lê đôi cẳng chân trần trơn tru qua hàng ghế sau. Bà ta không cầm tay cô bé khi cả hai mẹ con đi vào phòng vệ sinh.
Họ đang trên đường tới thăm đền Mặt Trời ở Konarak. Hôm nay là thứ Bảy, trời khô ráo, cái nóng giữa tháng Bảy dịu bớt nhờ có cơn gió đều đặn thổi từ biển vào, thời tiết này quả là lý tưởng để đi tham quan. Bình thường ông Kapasi không dừng xe nghỉ dọc đường sớm như thế này, nhưng chưa đầy năm phút sau khi ông vớ được gia đình này sáng nay trước cửa khách sạn Sandy Villa, cô con gái đã kêu ca. Điều đầu tiên ông Kapasi để ý khi nhìn thấy ông bà Das đứng cùng lũ con trước cổng khách sạn là họ còn rất trẻ, có lẽ còn chưa quá tuổi ba mươi. Ngoài Tina còn có hai cậu bé, Ronny và Bobby, chúng suýt soát tuổi nhau, răng mạ bạc sáng choé. Cả gia đình có vẻ người ấn nhưng lại bận đồ như khách ngoại quốc, bọn trẻ mặc quần áo là cứng, màu sáng và đội mũ có lưỡi trai bằng nhựa mờ. Ông Kapasi đã quen với các khách du lịch nước ngoài; ông đều đặn đi với họ vì ông nói được tiếng Anh. Hôm qua ông mới chở một cặp vợ chồng già từ đến, cả hai vẻ mặt đều đã lốm đốm, mái tóc bạc mịn mỏng không che kín được mảng da đầu rám nắng. So với họ, hai khuôn mặt trẻ trung, nâu vàng của ông bà Das gây ấn tượng hơn. Khi tự giới thiệu, ông Kapasi chập hai lòng bàn tay lại với nhau để chào, nhưng ông Das lại xiết chặt tay như kiểu người Mỹ, thành ra ông Kapasi phải chìa khuỷu tay của mình ra bắt. Bà Das thì nhếch mép, cười nghiêm túc với ông Kapasi, không bày tỏ chút để ý nào tới ông.
Khi họ đang đợi ở bàn trà thì Ronny, đứa có vẻ lớn tuổi hơn trong hai cậu bé, chợt leo qua hàng ghế sau vì bị hấp dẫn bởi một con dê bị buộc vào cọc trên đất.
“Đừng động vào nó”, ông Das cất tiếng. Ông rời mắt khỏi cuốn sách hướng dẫn du lịch bìa mềm có đề chữ “ ” màu vàng trông như xuất bản ở nước ngoài. Giọng ông có vẻ thiếu dứt khoát và hơi the thé, nghe chừng như chưa trưởng thành lắm.
“Con muốn cho nó một cái kẹo cao su”, cậu bé gọi với lại khi chạy lên trước.
Ông Das bước ra khỏi xe và duỗi cẳng chân bằng cách ngồi xổm trên đất. Trông ông sạch sẽ, tươm tất, và như cái khuôn đúc tuyệt vời của Ronny. Ông đội một cái mũ lưỡi trai màu xanh ngọc bích, mặc quần ngắn, áo sơ mi, đi giày đế mềm. Chiếc camera với ống kính to khác thường và vô số các nút bấm cùng nhãn hiệu là đồ vật lỉnh kỉnh duy nhất mà ông mang trên mình. Ông ngồi cau mày trông chừng Ronny đang chạy về phía con dê nhưng không có ý định can thiệp vào. “Bobby, để ý anh con đừng làm điều gì ngu ngốc”.
“Con không thích thế”, Bobby nói thờ ơ. Cậu vẫn ngồi ở băng ghế trước bên cạnh ông Kapasi và dán mắt vào bức tranh thần voi dán trên ngăn chứa đồ của ô tô.
“Chẳng phải lo đâu”, ông Kapasi nói. “Bọn dê này đã thuần rồi”. Ông Kapasi đã bốn mươi sáu tuổi, mái tóc hớt ra sau trán đã bạc trắng, nhưng trông nước da bánh mật và cái trán chưa hề có nếp nhăn mà những lúc rỗi ông thường hay xoa lên chút dầu sen cũng dễ hình dung lúc trẻ ông thế nào. Ông mặc chiếc quần xám và áo sơ mi kiểu jacket thể thao quấn quanh bụng, tay áo ngắn, cổ nhọn, may bằng loại vải tổng hợp mỏng nhưng bền. Đây là bộ đồng phục ưa thích để đi tua mà ông đặt riêng người thợ may chọn vải và may cắt vì nó không bị nhàu nát khi ngồi bên tay lái dài ngày. Qua gương chiếu hậu ông quan sát Ronny chạy quanh con dê, đưa tay sờ nhanh vào mình nó rồi chạy trở lại chỗ xe.
“Ông rời ấn Độ lúc nhỏ?”, ông Kapasi hỏi khi ông Das đã lại chui vào xe ngồi.
“ồ không, Mina và tôi đều sinh ở Mỹ”, ông Das đáp với vẻ tin cậy bất ngờ. “Sinh ra và lớn lên. Bố mẹ chúng tôi hiện vẫn sống ở Assasol này. Họ đã về hưu. Cứ vài năm chúng tôi lại về thăm các cụ”. Ông quay sang để ý cô con gái đang chạy về xe, cặp nơ bướm to màu tía nhún nhảy trên đôi vai nâu hẹp của nó. Cô bé ôm trước ngực một con búp bê tóc vàng như bị một cái kéo cùn cắt nham nhở, dáng chừng là để trừng phạt. “Đây là chuyến về ấn Độ đầu tiên của Tina, đúng không con?”
“Con sẽ không đi tắm lần nào nữa”, Tina nói.
“Mina đâu rồi?”, ông Das hỏi.
Ông Kapasi ngạc nhiên khi nghe ông Das nói trống không tên vợ với con gái. Tina chỉ chỗ bà Das đang mua bán cái gì đấy với một thanh niên không mặc áo sơ mi chỗ quầy trà. Kapasi nghe tiếng một người trong bọn họ hát một câu trong bài dân ca tình yêu Hindi vọng theo bước chân bà Das quay về xe, nhưng chắc là bà không hiểu lời bài ca vì không thấy bà bực tức, lúng túng hay phản ứng gì với câu hát đó của người thanh niên.
Ông nhìn theo bà ta. Bà mặc một chiếc váy kẻ ô vuông màu trắng đỏ phủ tới đầu gối, đi một đôi giày sục gót vuông bằng gỗ, khoác một chiếc áo cánh vừa khít người may theo kiểu áo lót đàn ông. Chiếc áo cánh có đính mảnh vải hoa hình cây dâu ở ngang ngực. Đó là một phụ nữ thấp nhỏ, tay như chân mèo, các ngón tay sơn màu hồng nhạt giống như cặp môi, thân hình hơi phục phịch. Tóc bà ta cắt chỉ dài hơn tóc chồng một chút, để xõa sang một bên. Bà đeo một cái kính dâm to màu nâu đen phủ hồng nhạt, mang một cái túi rơm to bằng thân mình, hình cái bát, có chai nước thò ra. Bà bước chậm chạp, khó nhọc bê theo một cái túi giấy báo đựng bọc xôi có rắc lạc, ớt và hạt tiêu. Ông Kapasi quay sang ông Das.
“Ông bà sống ở đâu tại Mỹ?”
New Brunswick, New Jersey
“Gần New York ?”
“Chính xác. Tôi dạy trung học ở đấy”.
“Ông dạy môn gì?”
“Môn khoa học. Thực tế, hàng năm tôi đều dẫn học sinh đi thăm Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên ở New York City . Thế là tôi và bác, chúng ta có nhiều điểm chung đấy. Bác làm nghề hướng dẫn du lịch này đã lâu chưa, bác Kapasi?”
“Năm năm”
Bà Das đã về tới chỗ xe. “Đường còn xa không?”, bà khép cửa xe và hỏi.
“Khoảng hai tiếng rưỡi nữa”, ông Kapasi đáp.
Nghe thế, bà Das buông một tiếng thở dài sốt ruột, cứ như suốt đời bà phải đi đây đi đó liên tục, không nghỉ. Rồi bà lấy cuốn tạp chí phim Bombay viết bằng tiếng Anh ra đọc.
“Tôi nghĩ Đền Mặt Trời nằm ở phía bắc Puri chỉ mười tám dặm thôi chứ”, ông Das nói, đập tay vào cuốn sách du lịch.
“Đường tới Konarak rất xấu. Hiện nay khoảng cách là năm mươi hai dặm”, ông Kapasi giải thích.
Ông Das gật đầu, lấy tay sửa lại cái chỗ dây đeo camera chà vào phía sau cổ ông.
Trước khi nổ máy, ông Kapasi ngó lại sau xem tay khóa cửa hai bên đã đóng chặt chưa. Khi xe vừa chạy được một chút, cô bé bắt đầu nghịch khóa cửa, cứ giật qua giật lại, nhưng bà Das bảo cứ mặc nó chơi. Bà ta ngồi hơi rũ rượi ở góc chiếc ghế sau, không chia bọc xôi cho ai cả. Ronny và Tina ngồi hai bên bà, nhai kẹo cao su màu xanh sáng.
“Nhìn kìa”, Bobby kêu lên khi chiếc xe tăng tốc độ. Nó chỉ tay vào hàng cây mọc ven đường. “Nhìn kìa”.
“Khỉ, nhiều khỉ quá!”, Ronny hét váng lên.
Chúng tụ thành từng đám trên các cành cây, đó là loài khỉ mặt đen bóng, thân ánh bạc, lông mày ngang, đầu có mào. Những cái đuôi dài xám của chúng đung đưa giữa tán lá giống như những cuộn dây chão. Một số con đưa những cánh tay lông lá đen đủi lên gãi mình, hoặc lắc lư chân, giương mắt nhìn chiếc xe chạy qua.
“Đây là loài khỉ hanuman”, ông Kapasi nói. “ Chúng có nhiều ở vùng này”.
Ông vừa nói xong, một con khỉ đã buông mình xuống giữa đường khiến ông phải đạp phanh gấp. Một con khác nhảy xuống nóc xe rồi lại phóc đi. Ông Kapasi bóp còi. Bọn trẻ bắt đầu hồi hộp, ngậm miệng, lấy tay che mặt từng phần. Chúng chưa bao giờ thấy khỉ ngoài vườn thú cả, ông Das giải thích. Ông bảo ông Kapasi dừng xe để chụp ảnh.
Trong khi ông Das lắp ống kính máy ảnh, bà Das thò tay vào cái túi rơm lôi ra một chai nước không màu dùng để đánh móng tay và bắt đầu mài đầu ngón tay trỏ.
Cô con gái cũng chìa tay ra. “Mẹ, mẹ đánh cho cả con nữa”.
“Để mẹ yên nào”, bà Das nói, thổi thổi ngón tay và khẽ quay người đi. “Con quấy rầy mẹ đấy”.
Cô bé quay sang chơi một mình, hết gài lại mở cúc áo của con búp bê nhựa.
“Xong”, ông Das nói và đóng nắp kính máy ảnh.
Chiếc xe lắc khá mạnh khi chạy trên con đường bụi, khiến mọi người đôi lúc bị bật ra khỏi chỗ, nhưng bà Das vẫn tiếp tục mài các ngón tay. Ông Kapasi nới lỏng chân ga để xe chạy êm hơn. Khi ông đặt tay vào cần số, cậu bé ngồi phía trước khẽ nhích cái đầu gối nhẵn thín lui ra. Ông Kapasi thấy cậu bé này hơi xanh hơn hai đứa trẻ kia. “Bố ơi, sao trong chiếc xe này người lái lại ngồi trái chỗ hả bố?”, cậu bé hỏi.
“ở đây họ đều ngồi thế cả, anh ngốc ạ”, Ronny nói.
“Không được gọi anh con là ngốc”, bà Das lên tiếng. Bà quay sang ông Kapasi. “ở Mỹ, ông biết không... chúng lẫn lộn hết”.
“Vâng, tôi hiểu”, ông Kapasi nói. Ông cố thật tế nhị, lại gạt cần số, tăng ga khi đi tới gần một quả đồi nằm trên đường. “Tôi đã thấy điều đó trên Dallass, tay lái ở bên trái”.
Dallass là gì?”, Tina hỏi, lấy con búp bê trần đập vào lưng ghế ông Kapasi.
“Nó ở ngoài trời”, ông Das giải thích. “Đó là một chương trình tivi”.
Họ cứ như là anh chị em ruột, ông Kapasi nghĩ khi xe chạy qua một hàng cây chà là. Ông bà Das xử sự như là ông anh và cô em gái chứ không phải là cặp bố mẹ. Dường như họ trông nom bọn trẻ mới chỉ một ngày; thật khó mà tin là họ thường xuyên lo lắng cho một ai khác ngoài bản thân mình. Ông Das gõ tay nhè nhẹ lên nắp ống kính máy ảnh và cuốn sách du lịch, thỉnh thoảng ông kéo ngón tay cái qua mấy trang khiến chúng phát ra tiếng kêu sột soạt. Bà Das vẫn mài các ngón tay. Bà ta vẫn không tháo chiếc kính dâm ra. Đôi lúc Tina lại nài nỉ mẹ mài cả móng tay cho nó, đến một lúc bà Das buộc phải nhỏ một giọt nước vào ngón tay của cô bé trước khi bỏ lại chai nước vào túi rơm.
“Xe này không có điều hòa nhiệt độ à?”, bà Das hỏi trong khi vẫn thổi tay. Cửa sổ phía Tina ngồi bị hỏng, không thể hạ xuống được.
“Thôi kêu ca đi”, ông Das nói. “Trời có nóng đâu”.
“Tôi đã bảo anh thuê chiếc xe có điều hòa”, bà Das nói tiếp. “Vậy mà anh lại làm thế này đây, chỉ để tiết kiệm mấy đồng rupi ngu ngốc. Anh tằn tiện mẹ con tôi được cái gì, năm mươi xu ư?”
Giọng họ nói có trọng âm giống như ông Kapasi đã nghe được trên chương trình tivi Mỹ, dù không như trên chương trình Dallass.
“Ông Kapasi này, ngày nào cũng đưa khách đi xem một chỗ thế này, ông có thấy chán không?”, ông Das hỏi khi hạ cửa sổ bên phía ông xuống hết. “Chà, ông làm ơn dừng xe giúp. Tôi muốn chụp anh chàng này một cái”.
Ông Kapasi cho xe chạy sang vệ đường trong khi ông Das giơ máy chụp một người đàn ông chân trần, đầu vấn chiếc khăn bẩn, ngồi trên nóc chiếc xe chở các bao tải lúa do hai con bò kéo. Cả người và vật đều hốc hác. Ngồi ở ghế sau bà Das nhìn lên trời qua cửa sổ phía bên kia, ngắm một đám mây gần như trong suốt trôi nhanh ở trước một đám mây khác.
“Thật ra là tôi kiếm việc đó”, ông Kapasi nói khi xe lại chạy tiếp. “Đền Mặt Trời là một trong những nơi yêu thích của tôi. Đó gần như là một thứ phần thưởng đối với tôi vậy. Tôi đi tua chỉ vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Trong tuần tôi có việc khác”.
“Ô? ở đâu?”, ông Das hỏi.
“Tôi làm ở một phòng mạch”.
“Ông là bác sĩ?”
“Tôi không phải là bác sĩ. Tôi làm việc cho một bác sĩ khác. Làm phiên dịch”.
“Bác sĩ thì cần phiên dịch làm gì?”
“Ông ấy có một số bệnh nhân người Gujarati.Cha tôi là người Gujarrati, nhưng nhiều người vùng này không nói được tiếng Gujarati, kể cả bác sĩ. Vì vậy bác sĩ đề nghị tôi làm việc tại phòng mạch của ông ấy, dịch những điều bệnh nhân nói”
“Hay đấy. Tôi chưa bao giờ nghe thấy một chuyện như thế”, ông Das nói.
Ông Kapasi nhún vai. “Đó là một việc như các việc khác thôi”.
“Nhưng rất lãng mạn”, bà Das đột ngột phá tan sự im lặng nãy giờ, nói một cách mơ màng. Bà đẩy chiếc kính dâm màu nâu phớt hồng lên đỉnh đầu trông giống như kiểu mũ tiara. Đây là lần đầu mắt bà gặp mắt ông Kapasi trong kính hậu: một đôi mắt tái xám, hơi nhỏ, cái nhìn bất động nhưng thờ thẫn.
Ông Das vươn cổ nhìn vợ. “Việc đó có gì là lãng mạn?”.
“Em không biết. Đại loại thế”. Bà nhún vai, nhíu lông mày một thoáng. “Ông có thích kẹo gum không, ông Kapasi?”, bà hỏi vẻ tươi tỉnh. Bà sục tay vào túi rơm và trao cho ông một thỏi vuông nhỏ bọc giấy sọc xanh trắng. Ông Kapasi vừa bỏ chiếc kẹo gum vào miệng, một chất nước ngọt đậm thấm ngay vào lưỡi.
“Ông kể chúng tôi nghe công việc của mình đi”, bà Das nói.
“Bà muốn biết điều gì, thưa bà?”
“Tôi không biết”, bà ta nhún vai, nhai nhóp nhép một miếng xôi và đưa lưỡi liếm dầu mù tạt ở hai góc miệng. “Kể một trường hợp điển hình chẳng hạn”. Bà ngồi lại vào ghế, đầu lấp loáng nắng, mắt nhắm. “Tôi muốn hình dung sự việc xảy ra”.
“Được thôi. Một hôm có một người đàn ông đến khám đau họng”.
“Ông ta hút thuốc à?”
“Không. Chuyện rất ly kỳ. Ông ta khai bệnh là cảm thấy như có những cọng rơm dài mắc trong cổ họng. Nghe tôi dịch lại, bác sĩ có thể kê được đơn thuốc phù hợp”.
“Chỉ vậy thôi?”.
“Vâng”, ông Kapasi đồng ý ngay không do dự.
“Vậy là các bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào ông”, bà Das nói. Bà nói chậm rãi, như là suy nghĩ thành lời. “Dẫu sao đi nữa, phụ thuộc vào ông hơn là vào bác sĩ”.
“Bà nói thế nghĩa là sao? Sao lại có thể vậy được?”
“Chẳng hạn, ông có thể dịch cho bác sĩ là bệnh nhân cảm thấy như bị thiêu đốt, chứ không phải rơm đâm họng, mà bác sĩ không biết là ông đã dịch sai. Đây là một trách nhiệm lớn”.
“Phải, ông có một trách nhiệm lớn, ông Kapasi ạ”, ông Das tán đồng.
Ông Kapasi không bao giờ nghĩ công việc của mình lại được khen ngợi như thế. Đối với ông đó là một công việc bạc bẽo. Ông chẳng thấy gì là cao quý khi làm cái việc diễn giải bệnh của mọi người, cần mẫn dịch các triệu chứng của vô số các khớp xương bị sưng phồng, các dạ dày đường ruột bị co rút, các lòng bàn tay bị vết đốm làm thay đổi màu sắc, hình dạng, kích thước. Bác sĩ gần bằng nửa tuổi ông, ham thích quần loe, hay nói những chuyện đùa nghiêm túc về đảng Quốc đại. Họ làm việc cùng nhau trong một bệnh xá nhỏ cũ kỹ, ở đó bộ quần áo được may cắt lịch sự của ông Kapasi cứ bám dính vào người ông nóng hầm hập bất chấp những cánh quạt trần ố đen quay tít trên đầu.
Công việc đó là dấu hiệu sự thất bại của ông. Hồi trẻ ông là một giáo viên ngoại ngữ tận tụy, có trong tay cả một bộ sưu tập từ điển lớn. Ông mơ ước trở thành người phiên dịch cho các chính khách và nhà ngoại giao, giải quyết những xung đột giữa các quốc gia và dân tộc, dàn xếp các bất đồng mà ông là người duy nhất hiểu được cả hai bên. Ông là người tự học. Trong những buổi chiều hồi trước khi bố mẹ xếp đặt cuộc hôn nhân cho mình, ông đã ghi vào các sổ tay hàng loạt từ nguyên phổ biến của các từ, đến một lúc ông tin nếu có cơ hội ông có thể trò chuyện được bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha và Italia, không kể các thứ tiếng Hindi, Belgali, Orissi và Gujarati. Bây giờ trong đầu ông chỉ còn lại một nhúm câu của các thứ tiếng châu Âu, những từ rời rạc chỉ chén đĩa, bàn ghế. Tiếng Anh là ngoại ngữ duy nhất ông thường dùng. Ông Kapasi biết nó cũng không phải tốt lắm. Đôi lúc ông còn sợ là các con ông giỏi tiếng Anh hơn ông nhờ xem tivi. Tuy nhiên, nó cũng đủ cho ông đi tua.
Ông làm việc phiên dịch sau khi đứa con trai đầu lên bảy của ông bị bệnh thương hàn - đấy là lần đầu ông quen với bác sĩ. Hồi ấy ông đang dạy tiếng Anh tại một trường ngữ pháp, và ông đành bán rẻ kỹ năng của mình làm phiên dịch để có tiền trả cho các hóa đơn thuốc giá ngày một cao thêm. Cuối cùng vào một buổi chiều thằng bé chết trên tay mẹ nó, chân tay nó sốt nóng hầm hập, tiếp đến là lo cho đám ma, đẻ thêm một đứa khác ít lâu sau đó, kiếm một căn nhà khác to hơn, mới hơn, chọn trường và gia sư tốt cho con, mua những đôi giày đẹp và chiếc ti vi, và nhiều cách khác nữa ông cố làm để an ủi vợ, để vợ khỏi khóc lóc trong giấc ngủ, vì vậy khi anh bác sĩ đề nghị trả gấp đôi số tiền ông kiếm được ở trường ngữ pháp, ông chấp nhận. Ông Kapasi biết là vợ không thích ông làm cái việc phiên dịch này. Ông biết nó gợi cho bà nhớ lại đứa con đã mất, biết bà bực với những người đã được ông cứu giúp nhờ chút việc cỏn con này của mình. Nếu có khi nào nói đến vị thế của ông, bà dùng câu “trợ lý bác sĩ”, coi như việc phiên dịch ngang việc cặp nhiệt độ hay đi đổ bô. Bà không bao giờ hỏi ông về các bệnh nhân đến khám hay nói công việc của ông có trách nhiệm lớn.
Do đó ông Kapasi cảm thấy sung sướng khi bà Das quan tâm đến công việc của ông. Khác với vợ ông, bà khách này nhắc ông nhớ đến thử thách trí tuệ của công việc đó. Bà ta lại còn dùng cái từ “lãng mạn”. Bà ta không hề xử sự lãng mạn với chồng, nhưng dùng cái từ đó mô tả ông. Ông tự hỏi không biết ông bà Das này có xích mích nhau như vợ chồng ông không. Chắc là họ ít có điểm chung ngoài ba đứa con và mấy mươi năm sống của họ. Những dấu hiệu ông ghi nhận từ cuộc hôn nhân của mình đều thấy có ở đây – cãi nhau vặt, thờ ơ, im lặng kéo dài. Thái độ quan tâm đột ngột của bà ta đối với ông, sự quan tâm mà chồng con bà ta cũng không được hưởng, gây cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng. Khi ông Kapasi nghĩ lại lần nữa cái cách bà ta nói cái từ “lãng mạn”, cảm giác lâng lâng càng tăng.
Ông bắt đầu kiểm tra suy nghĩ của mình qua kính chiếu hậu trong khi lái xe, cảm thấy hài lòng là sáng nay đã mặc bộ comlê xám thay cho bộ nâu hơi chùng ở gối. Từng lúc ông lại đưa mắt nhìn bà Das qua kính. Ngoài nhìn mặt, ông còn để ý đến cành dâu nằm giữa chỗ hai bầu vú và vết rám vàng trên chỗ cổ họng của bà. Ông quyết định kể thêm cho bà Das nghe về một số bệnh nhân khác: một phụ nữ trẻ có cảm giác lạnh dọc sống lưng, một quý ông thấy vết chàm bắt đầu mọc lông. Bà Das nghe chăm chú, vừa chải tóc bằng chiếc lược trông giống như cái cắt móng tay hình bầu dục, hỏi thêm mấy câu rồi đề nghị kể tiếp. Bọn trẻ ngồi yên, chăm chú phát hiện thêm đám khỉ trên cây, còn ông Das mải mê vào cuốn sách du lịch, dường như coi câu chuyện là việc riêng của ông Kapasi và bà Das. Cứ thế gần nửa giờ trôi qua, và khi họ dừng lại ăn trưa tại một nhà hàng bên đường có bán các món rán và các loại bánh xăng-uýt trứng tráng, điều thông thường ông Kapasi mong đợi cho những chuyến đi tua là được ngồi thanh thản nhấm nháp tách trà nóng, ông đã bị thất vọng. Khi gia đình Das ngồi lại với nhau dưới một chiếc ô đỏ có đính những núm tua màu trắng và da cam, rồi gọi món ăn với một người hầu bàn đội chiếc mũ ba góc đang bước lại, ông Kapasi đành phải đi sang bàn bên.
“Ông Kapasi, gượm đã. Chỗ của ông ở đây”, bà Das gọi to. Bà bế Tina vào lòng và bắt ông ngồi cạnh. Thế là cả hội cùng nhau uống nước xoài, ăn bánh xăng-uýt và các đĩa hành, cà chua rán chín trộn trong bột bánh. Sau khi ăn hết hai cái bánh xăng-uýt trứng tráng, ông Das chụp thêm mấy bức ảnh cả hội đang ngồi ăn.
“Còn xa nữa không?”, ông hỏi ông Kapasi khi dừng lại lắp cuộn phim mới vào máy.
“Khoảng nửa tiếng nữa”.
Lúc này bọn trẻ đã rời khỏi bàn ăn đi xem bầy khỉ bu đầy cái cây kề bên, thành ra bà Das và ông Kapasi ngồi cách nhau một khoảng rộng. Ông Das đưa máy lên, nheo mắt ngắm, lưỡi thè ra một bên miệng. “Ngồi thế này buồn cười lắm, Mina, em phải xích lại gần ông Kapasi”.
Bà xích lại. Ông ngửi thấy mùi thơm da thịt bà, như là một hỗn hợp của rượu uýtki và nước hoa hoa hồng. Đột nhiên ông nghĩ bà ta có thể hít thấy mùi mồ hôi mà ông biết đã tích lại dưới chiếc áo may bằng sợi tổng hợp của mình. Ông lịch sự nuốt hết ngụm nước xoài rồi đưa tay vuốt lại mái tóc bạc. Một giọt nước vương ra cằm ông. Không biết bà Das có nhận thấy không.
Bà ta không nhận thấy. “Địa chỉ của ông thế nào, ông Kapasi?”, bà hỏi và moi tìm cái gì đó ở trong chiếc túi rơm.
“Bà muốn biết địa chỉ của tôi?”
“Để chúng tôi còn gửi ảnh cho ông”, bà nói và trao cho ông mảnh báo xé vội từ cuốn tạp chí phim ra. Khoảng trống để viết rất hẹp, bị vây giữa các dòng bài viết và một bức ảnh nhỏ chụp đôi nam nữ diễn viên đang ôm nhau dưới một cây bạch đàn.
Trang báo quăn lên khi ông Kapasi viết địa chỉ mình bằng nét chữ rõ ràng, cẩn thận. Nàng sẽ viết thư cho ông, hỏi ông chuyện đi dịch ở phòng mạch, và ông sẽ trả lời thật hùng hồn, chỉ chọn những chuyện nào vui nhất, những chuyện khiến nàng bật cười to khi đọc chúng tại nhà nàng ở New Jersey. Khi đó nàng sẽ thoát khỏi nỗi thất vọng về cuộc hôn nhân của nàng, còn ông – về cuộc hôn nhân của ông. Theo cách này tình bạn của họ sẽ phát triển và đơm hoa. Ông sẽ có được tấm ảnh của hai người đang cùng ngồi ăn hành rán dưới một chiếc ô đỏ, tấm ảnh đó ông sẽ giữ kín bằng cách kẹp vào cuốn sách ngữ pháp tiếng Nga. Nghĩ thế, ông Kapasi cảm thấy ngất ngây khoan khoái. Cảm giác này trước đây ông đã từng có, khi sau nhiều tháng mày mò dùng từ điển tập dịch, cuối cùng ông đã có thể đọc được một đoạn tiểu thuyết Pháp, hay một bài sonnet Italia, và hiểu được hết các từ, không phải lúng túng, gắng sức. Những lúc đó ông Kapasi thường tin rằng thế giới là tốt đẹp, mọi nỗ lực đều được đền đáp, mọi sai lầm của cuộc sống rốt cuộc đều có ý nghĩa. Lời hứa ông nghe được từ miệng bà Das bây giờ cũng gây cho ông niềm tin như thế.
Khi viết xong địa chỉ, ông Kapasi trao lại mảnh báo cho bà Das, nhưng vừa đưa xong ông lại thấy lo không biết mình có đề sai tên hay ghi ngược số mã bưu điện không. Ông kinh hãi khi hình dung khả năng bức thư bị mất, tấm ảnh không bao giờ đến được tay ông, nó trôi nổi đâu đó ở Orissa, rất gần nhưng không tài nào đến tay người nhận. Nghĩ thế ông định xin lại tờ giấy xem chắc là đã viết đúng địa chỉ, nhưng bà Das đã bỏ nó vào túi xách.

Họ đến Konarak vào lúc hai rưỡi. Ngôi đền làm bằng sa thạch là một khối kim tự tháp hình cỗ xe ngựa. Nó thờ thần Mặt Trời với ba mặt tượng trưng cho hành trình xuyên qua bầu trời mỗi ngày. Hai mươi tư bánh xe lớn được chạm khắc vào mặt bắc và mặt nam chân tường. Toàn bộ khối này được kéo bằng bảy con ngựa như đang phi ngang trời. Khi tới gần, ông Kapasi cho biết ngôi đền được xây vào khoảng 1243 – 1255 với công sức của một nghìn hai trăm người thợ dưới thời vua Narasimhadeva Đệ Nhất đời Ganga để kỷ niệm chiến thắng quân Hồi giáo.
“Diện tích ngôi đền khoảng một trăm bảy mươi mẫu đất”, ông Das đọc từ sách.
“Nó trông như sa mạc”, Ronny nói, mắt đảo nhìn dải cát trải dài khắp bốn phía sau ngôi đền.
“Hồi trước có con sông Chandrabhaga chảy cách đây một dặm về phía bắc, nhưng nay nó bị cạn rồi”, ông Kapasi nói và tắt máy xe.
Cả nhà xuống xe, đi về phía đền, chụp những tấm ảnh đầu tiên bên cạnh cặp sư tử ở bậc tam cấp. Ông Kapasi dẫn họ tới bên một chiếc bánh xe của cỗ xe ngựa cao hơn đầu người, có đường kính chín “phít”.
“Những chiếc bánh xe này biểu tượng cho bánh xe cuộc sống”, ông Das đọc sách. “Chúng mô tả vòng sáng tạo, bảo tồn và hoàn tất”. Chán”. Ông lật sang trang: “ Mỗi bánh xe có tám tay quay dày và mỏng, chia ngày thành tám phần đều nhau. Vành bánh xe khắc hình chim thú, trong khi những tấm huy chương treo ở tay quay chạm hình phụ nữ trong cảnh hoan lạc, phồn thực”.
Điều ông vừa đọc là rất nhiều những trụ ngạch chạm cuốn những hình người khỏa thân đang làm tình đủ các tư thế khác nhau, phụ nữ bá cổ đàn ông, đầu gối họ quặp chặt quanh đùi người tình. Thêm vào đó là đủ loại cảnh đời thường, cảnh săn bắn và buôn bán, cảnh con hươu bị giết bằng cung tên và các chiến binh bước đi tay cầm kiếm.
Không thể đi tiếp vào đền được vì bị những đống gạch vỡ từ hàng năm trước chặn lối, họ đành xem bên ngoài, như các du khách ông Kapasi từng đưa đến đây, bước chậm quanh mỗi mặt đền. Bọn trẻ chạy lên trước, chỉ trỏ những hình người ở trần, chúng đặc biệt thích thú Nagamithunas, một cặp nửa người nửa rắn mà theo lời ông Kapasi bảo chúng là sống dưới đáy biển. Ông Kapasi thấy vui vì bọn trẻ thích ngôi đền, ông lại càng vui khi thấy bà Das cũng thích. Bà cứ đi ba, bốn bước lại dừng, lặng lẽ nhìn vào hình các cặp tình nhân giao hoan, đoàn voi đang đi, những nữ nhạc công để ngực trần đánh trống hai mặt.
Mặc dù ông Kapasi đã đến đây nhiều lần, nhưng khi nhìn tượng các phụ nữ ngực trần, ông mới chợt nghĩ là mình chưa bao giờ thấy vợ hoàn toàn khỏa thân. Ngay cả khi họ làm tình bà ấy cũng khép hai vạt áo cánh lại; dây váy lót thắt quanh eo. Ông chưa bao giờ được ngắm bắp chân phía sau của vợ như cách bây giờ ông ngắm bắp chân của bà Das đang bước đi trước mắt như để dành riêng cho ông. Cố nhiên, trước đây ông cũng đã thấy những đôi chân đẹp của các bà các cô Âu Mỹ khi dẫn họ đi tua. Nhưng bà Das thì khác. Không giống những phụ nữ khác chỉ quan tâm tới ngồi đền, hay chúi mũi vào quyển sách du lịch, hay dán mắt vào máy ảnh, bà Das đã để ý tới ông.
Ông Kapasi băn khoăn khi ở một mình với bà, tiếp tục câu chuyện giữa hai người, ông thấy căng thẳng khi đi bên cạnh bà. Bà đeo chiếc kính dâm che kín mắt, bỏ ngoài tai lời chồng bảo chụp thêm ảnh, đi bên cạnh mấy đứa con như một người lạ. Sợ làm phiền bà, ông Kapasi bước vượt lên để lại như mọi lần ngắm nhìn ba hiện thân của Surya, thần Mặt Trời, được tạc bằng đồng cao bằng người thật, mỗi bức từ hốc tượng trên mặt tiền ngôi đền nhô lên đón mặt trời buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Chúng được tạc kỹ lưỡng từ mái tóc quấn, dáng vẻ uể oải, đôi mắt khép kéo dài, đến bộ ngực trần quấn dây và bùa hộ mạng. Những cánh hoa dâm bụt của khách đến thăm trước vương vãi dưới bàn chân xanh xám của chúng. Ông Kapasi thích nhất bức tượng cuối cùng ở tường phía bắc đền. Vị thần Surya này dáng điệu mệt mỏi, rã rời sau một ngày làm việc cật lực, ngồi gấp hai chân hai bên lưng ngựa. Ngay con ngựa của thần mắt cũng đờ đẫn. Quanh mình thần có tạc từng cặp phụ nữ nhỏ, mông họ xô cả về một bên.
“Đây là ai?”, bà Das hỏi. Ông giật mình khi thấy bà đã đứng sát bên.
“Vị thần này là Astachala Surya, thần mặt trời lặn”, ông Kapasi nói.
“Nghĩa là vài giờ nữa mặt trời sẽ lặn đúng chỗ này?”. Bà rút một bàn chân ra khỏi chiếc giày gót vuông, lấy mũi chân gãi gãi vào bắp chân kia.
“Đúng thế”.
Bà đẩy chiếc kính lên một lúc, sau đó lại đeo vào. “Khéo quá”.
Ông Kapasi không biết chắc câu ấy thế nào, nhưng cảm thấy đó là một sự tán thành. Ông hy vọng bà Das hiểu được vẻ đẹp và sức mạnh của thần Surya. Có lẽ họ sẽ còn trao đổi thêm chuyện này trong những bức thư về sau. Ông sẽ kể cho bà những chuyện về ấn Độ, còn bà kể cho ông chuyện nước Mỹ. Những bức thư đó sẽ thực hiện ước mơ của ông làm người phiên dịch giữa các dân tộc. Ông nhìn cái túi rơm của bà, vui mừng thấy địa chỉ của mình đã nằm gọn trong đó. Khi hình dung bà ở cách xa ngàn dặm ông thấy hụt hẫng, thấy trào lên ý muốn ôm ghì lấy bà, siết chặt bà trong vòng tay, hôn bà trước mặt thần Surya yêu thích của mình. Nhưng bà Das đã lại bước đi.
“Khi nào cô quay về Mỹ?”, ông hỏi, cố giữ giọng điềm tĩnh.
“Mười ngày nữa”.
Ông nhẩm tính: một tuần để ổn định lại cuộc sống, một tuần để phóng ảnh, vài ngày để viết thư, hai tuần để thư theo máy bay đến ấn Độ. Theo ước tính của ông, cho là có chậm trễ đi nữa, phải đến khoảng sáu tuần sau ông mới có tin từ bà Das.

Cả nhà Das lặng lẽ khi ông Kapasi chở họ về lại khách sạn Sandy Villa vào lúc hơn bốn rưỡi. Bọn trẻ đã mua kỷ niệm những chiếc bánh xe ngựa nhỏ bằng đá granit, xoay xoay trong tay. Ông Das vẫn đọc sách. Bà Das lấy lược chải tóc cho Tina, rẽ đôi thành hai bím.
Ông Kapasi bắt đầu hoảng hốt khi nghĩ đến lúc trả khách. Ông chưa chuẩn bị được tinh thần cho sáu tuần chờ thư bà Das. Lén nhìn bà trong kính chiếu hậu đang buộc chiếc nơ mềm vào tóc Tina, ông nghĩ cách kéo dài thêm hành trình một chút. Thường thì khi trở lại Puri ông cho xe chạy đường tắt để mau chóng về nhà, rửa ráy chân tay bằng nước đàn hương rồi ngồi đọc tờ báo buổi chiều và uống cốc trà do vợ lặng lẽ pha cho. Bây giờ nghĩ đến cái cảnh lặng lẽ bao lâu nay mình phải cam chịu đó, ông thấy bức bối. Thế là ông gợi ý đến thăm những quả đồi ở Udayagiri và Khandagiri, nơi có nhiều ngôi chùa xây trên lưng chừng đồi, quay mặt vào nhau qua hẻm núi. Chỗ đó cách xa vài dặm nhưng đáng xem, ông Kapasi nói với họ.
“Phải, trong sách có nói đến chỗ đó”, ông Das nói. “Nó được vua Jain hay ai đó xây dựng”.
“Chúng ta tới đó chứ?”, ông Kapasi hỏi khi dừng xe tại chỗ rẽ. “Nó ở bên trái”.
Ông Das đưa mắt nhìn bà Das. Cả hai nhún vai.
“Rẽ trái, rẽ trái”, bọn trẻ kêu lên.
Ông Kapasi sung sướng bẻ tay lái. Ông không biết sẽ phải làm gì hay nói gì với bà Das khi họ tới chỗ những quả đồi. Có thể ông sẽ nói là ông thích nụ cười của bà. Có thể ông sẽ khen chiếc áo có hình cây dâu của bà, nó vừa vặn không chê vào đâu được. Có thể, tranh thủ lúc anh Das bận chụp ảnh, ông sẽ cầm tay bà.
Nhưng ông đã không phải lo lắng. Khi cả nhà đến chỗ những quả đồi bị phân cách bởi lối đi dốc đứng cây mọc đầy thì bà Das không chịu ra khỏi xe. Suốt dọc lối đi, hàng chục con khỉ ngồi trên các phiến đá cũng như vắt vẻo trên cành cây, những cẳng chân sần sùi của chúng giơ ra trước ngang tầm vai, cánh tay ôm đầu gối.
“Chân em mỏi lắm”, bà nói và ngồi sâu vào ghế. “Em ở lại đây thôi”.
“Sao em lại đi đôi giày ngu xuẩn này?”, ông Das nói. “ Em còn chưa chụp ảnh”.
“Em thích ngồi trong xe hơn”.
“Nhưng chúng ta có thể dùng một số ảnh này làm bưu thiếp Noel năm nay. Tại đền Mặt Trời chúng ta chưa chụp bức nào cả nhà cả. Ông Kapasi sẽ chụp giúp”.
“Em không ra đâu. Với nữa, bọn khỉ làm em thấy ghê”.
“Chúng vô hại, có gì đâu”, ông Das nói. Ông quay sang ông Kapasi. “Phải vậy không ông?”.
“Chúng đói hơn là nguy hiểm”, ông Kapasi nói. “Đừng lấy thức ăn trêu chọc chúng thì chúng không làm gì anh cả”.
Ông Das dẫn ba đứa con đi lên hẻm núi, hai cậu bé đi hai bên, cô bé ngồi trên vai bố. Ông Kapasi nhìn theo họ băng qua lối mòn cùng với một đàn ông và một phụ nữ Nhật, hai người khách khác duy nhất ở đây đang dừng lại chụp bức ảnh cuối cùng, rồi bước vào chiếc xe con đậu kề bên và nổ máy chạy đi. Khi chiếc xe biến khỏi tầm nhìn, một lũ khỉ đồng loạt hú lên như tiếng hò reo, rồi chúng dùng cả tay chân đi lên lối mòn. Đến một chỗ, có mấy con tạo thành một cái vòng nhỏ vây quanh bốn bố con Das. Tina hét lên vì sợ. Ronny chạy quanh người bố. Bobby cúi xuống, nhặt một cái que to nằm trên đất. Khi cậu chìa cái que ra, một con khỉ đi lại túm lấy và đập đập xuống đất.
“Tôi lên với họ”, ông Kapasi nói và mở cửa xe phía mình ngồi. “Có nhiều điều phải nói về các hang động”.
“Đừng đi. Xin ông ngồi lại một lát”, bà Das nói. Bà rời khỏi ghế sau, đến ngồi bên cạnh ông Kapasi. “Dầu sao Raj cũng đã có cuốn sách câm lặng của anh ta”. Hai người, bà Das và ông Kapasi, ngồi bên nhau nhìn qua kính chắn gió theo dõi Bobby và con khỉ chuyền qua chuyền lại cái que.
“Một cậu bé dũng cảm”, ông Kapasi nhận xét.
“Điều đó không có gì ngạc nhiên”, bà Das nói.
“Không ư?”
“Nó không phải con anh ta”
“Xin lỗi, con ai kia”.
“Con của Raj. Nó không phải con của Raj”.
Ông Kapasi thấy nổi gai ốc. Ông cho tay vào túi áo lấy hộp dầu sen thường vẫn mang theo mình và nhỏ ba giọt lên trán. Ông biết bà Das đang quan sát ông, nhưng ông không quay mặt lại phía bà. Thay vào đó, ông đưa mắt nhìn bóng dáng mấy bố con Das đang xa dần trên lối mòn dốc, thỉnh thoảng dừng lại chụp ảnh, bầy khỉ vây quanh họ mỗi lúc một đông thêm.
- Ông ngạc nhiên ư?”. Cái cách bà nói khiến ông phải thận trọng lựa lời.
“Đây là điều người ta khó ngờ”, ông Kapasi nói chậm rãi. Ông cho lại lọ dầu vào túi áo.
“Khó ngờ, đúng là khó ngờ. Tất nhiên không một ai biết cả. Không một ai. Tôi đã giữ kín chuyện này suốt tám năm nay”. Bà nhìn ông Kapasi, nghiêng cằm như để nhìn cho rõ hơn. “Nhưng bây giờ tôi sẽ kể ông nghe”.
Ông Kapasi gật đầu. Đột nhiên ông thấy khô miệng, trán nóng lên và hơi tê đi sau khi bôi dầu. Ông định hỏi xin bà Das ngụm nước nhưng rồi thôi.
“Chúng tôi gặp nhau khi hãy còn rất trẻ”, bà Das nói, cho tay vào cái túi rơm lôi ra bọc xôi. “Mời ông ăn”.
“Cám ơn, tôi không ăn”.
Bà bốc một nắm xôi cho vào miệng, ngồi dịch vào ghế một chút, rời mắt khỏi ông Kapasi nhìn ra ngoài cửa sổ bên chỗ mình ngồi. “Chúng tôi cưới nhau khi đang học đại học. Hồi cả hai đang học trung học, anh ta đã ngỏ lời. Tất nhiên, chúng tôi cùng vào một trường đại học. Từ đó trở đi chúng tôi không phút nào có ý nghĩ là rời xa nhau. Hai bên bố mẹ chúng tôi là bạn bè thân của nhau, sống trong cùng một thị trấn. Ngày cuối tuần nào tôi cũng gặp anh ta, khi ở nhà mình, khi ở nhà họ. Hai đứa tôi lên gác chơi với nhau, còn các bậc bố mẹ thì bàn tính chuyện hôn nhân của chúng tôi. Ông hình dung xem! Họ không bao giờ bắt chúng tôi làm gì cả, dù theo tôi nghĩ đây có thể là một mưu mô xếp đặt. Những điều chúng tôi làm vào những đêm thứ Sáu và thứ Bảy ấy, khi các bậc bố mẹ ngồi phía dưới uống trà... tôi có thể kể ông nghe, ông Kapasi ạ”.
Do mọi thời gian là dồn hết cho Raj, bà kể tiếp, nên ở đại học bà không có người bạn thân nào. Không có ai đáng tin cậy để thổ lộ tâm sự về anh ta cuối một ngày khó khăn, để chia sẻ những ý nghĩ thoảng qua hay nỗi lo âu. Bố mẹ bà bây giờ sống ở bên kia thế giới, nhưng bà không bao giờ còn được gần họ. Sau khi lấy chồng rất sớm, bà lại có con ngay, thế là suốt ngày tối tăm mặt mũi lo nuôi con, nào đun sữa, nào đo nhiệt độ, việc nào cũng chỉ một tay bà, trong khi Raj đi làm việc, mặc áo len dài tay, quần nhung kẻ, dạy sinh viên về các khối đá và loài khủng long. Raj không bao giờ phải cáu gắt, bị quấy rầy hay đẫy người ra như bà sau khi sinh đứa con đầu.
Luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, bà đã lảng tránh lời mời mọc của một hai cô bạn thời đại học, không đến ăn trưa hay đi mua sắm ở Manhattan . Từ đấy bạn bè cũng thôi rủ rê bà, thành ra bà cứ suốt ngày ở nhà với con giữa đống đồ chơi vướng víu khi đi lại đứng ngồi trong nhà, gây cho bà cảm giác bực bội và rã rời. Chỉ có một lần họ đi ra ngoài sau khi sinh Ronny, còn những dịp hai vợ chồng vui đùa với nhau thì càng hiếm hơn. Raj là người vô tâm; anh ta chỉ mong đi dạy về để xem tivi và bế thằng Ronny cho nó nhún nhảy trên đầu gối. Do đó bà tức uất lên khi một hôm Raj bảo bà là có một anh bạn người Punjabi mà bà đã gặp một lần nhưng không còn nhớ, sẽ đến ở nhà họ khoảng một tuần để chờ phỏng vấn việc ở khu New Brunswick .
Thằng Bobby thành hình vào một buổi chiều, trên chiếc ghế xôpha vương vãi các thứ đồ chơi có răng cao su, sau khi anh bạn biết được tin một công ty dược phẩm ở London đã nhận anh vào làm, trong lúc Raj kêu lên vì thoát được chiếc xe đẩy con. Bà đã không chống cự lại khi anh bạn vuốt lưng bà lúc bà đang pha cốc cà phê, sau đó kéo bà ép vào bộ comlê hải quân bảnh bao của mình. Anh ta làm tình với bà ngay lập tức, thành thạo đến độ bà không ngờ, chẳng có vẻ mặt tình tứ và những nụ cười mà về sau này Raj cứ cố vật nài. Hôm sau Raj chở anh bạn ra sân bay JFK. Bây giờ anh ta đã có vợ, lấy một cô cũng người Penjabi, và họ vẫn sống ở London, hàng năm họ đều trao đổi thiếp Noel với Raj và Mina, mỗi cặp vợ chồng cho ảnh gia đình mình vào phong bì gửi đi. Anh ta không biết mình là bố của Bobby. Anh ta sẽ không bao giờ biết.
“Tôi xin lỗi bà, bà Das, nhưng sao bà lại kể cho tôi chuyện này?”, ông Kapasi hỏi khi bà đã kể xong và lại quay mặt về phía ông.
“Lạy Chúa, xin đừng gọi tôi là bà Das. Tôi mới hai tám tuổi, chỉ trạc tuổi con ông là cùng”.
“Không hẳn thế”, ông Kapasi cảm thấy khó chịu khi bà coi ông như một người bố. Tình cảm của ông đối với bà, cái xui ông kiểm tra suy nghĩ của mình qua tấm kính chiếu hậu khi lái xe, giảm đi một ít.
“Tôi kể cho ông là vì ông có tài”. Bà cho gói xôi vào túi mà không gói lại.
“Tôi không hiểu”, ông Kapasi nói.
“Ông không thấy sao? Tám năm nay tôi không thể nói điều này cho ai biết, với bạn bè không, với Raj lại càng không. Anh ta thậm chí không nghi ngờ gì. Anh ta nghĩ là tôi vẫn yêu anh ta. Thế ông có ý kiến gì không?”        
“Về chuyện gì?”
“Về chuyện tôi vừa kể cho ông nghe. Về điều bí mật của tôi và cảm giác kinh khủng nó gây ra cho tôi. Tôi thấy kinh khủng khi nhìn các con tôi, và nhìn Raj, luôn kinh khủng. Tôi có một ý muốn kinh khủng, ông Kapasi ạ, là vất bỏ hết mọi thứ. Một hôm tôi rất muốn vất hết mọi thứ qua cử

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Của hồi môn (13/05/2008)