Truyện dịch
Tã lót
09:53 | 25/06/2009
MISHIMA YUKIO (Nhật Bản)Nhà văn Nhật Bản Mishima Yukio (1925 - 1970) bắt đầu in các tác phẩm của mình từ những năm 20 tuổi. Ông được tặng nhiều giải thưởng văn học và ba lần được đề cử vào giải Nobel văn chương.
Tã lót
Nhà văn Mishima Yukio

Chồng Toshiko luôn bận rộn. Ngay tối nay anh ta phải lao vào một cuộc hẹn, để chị một mình đi taxi về nhà. Nhưng người phụ nữ có thể trông đợi gì nữa khi lấy một người diễn viên - một nhân vật hấp dẫn - làm chồng? Rất có thể chị sẽ là ngốc nghếch khi hy vọng rằng sẽ có anh ta ở bên cạnh vào những chiều tối. Nhưng anh ta phải biết chị sợ hãi khi phải trở về nhà, căn nhà xa lạ với những tiện nghi kiểu Tây, với những yên tĩnh nhuốm máu phô trên sàn nhà.

Tính Toshiko mẫn cảm, từ thời con gái. Như là kết quả của những lo âu triền miên, chị chẳng bao giờ tăng cân và giờ đây, khi đã là người phụ nữ trưởng thành rồi mà chị trông như một bức vẽ trong suốt hơn là một sinh vật với máu, với thịt. Sự tinh tế trong tâm hồn của chị là dễ thấy đối với cả một người quen biết hờ hững nhất.

Chiều tối ấy, khi cùng chồng trong hộp đêm, chị ngỡ ngàng khi biết anh ta đùa cợt với bạn bè bằng hàng loạt những "chuyện phiếm". Anh ta ngồi trên cái ghế kiểu Mỹ, phì phào thuốc lá, dường là một người xa lạ với chị.

"Chuyện thú vị", anh ta nói, kiểu cách khoa trương như thể cố làm tăng thêm sự hấp dẫn của vũ đoàn, "đây là bảo mẫu mới cho đưa bé của chúng mình, cô ta đến từ trung tâm dịch vụ việc làm. Điều đầu tiên làm mình chú ý đến cô ta là cái dạ dày của cô ta. Nó khổng lồ, tưởng như có một cái gối mắc kẹt dưới kimono. Không sai, bởi mình thấy ngay là cô ta ăn nhiều còn hơn hai đứa chúng mình cộng lại. Cô ta vét sạch hũ gạo của chúng mình như thế này...". Anh ta bẻ ngón tay kêu rắc rắc. "Dạ dày thì giãn nở", đó là cách cô ta giải thích cái số đo eo và sự ngon miệng của mình. Và rồi, hôm kia chúng mình nghe có tiếng rên rỉ trong phòng bảo mẫu. Chúng mình chạy tới, thấy cô ta đang ngồi chồm hổm trên sàn nhà, hai tay giữ cái dạ dày và rên rỉ như một con bò. Em bé chúng mình nằm trên võng cạnh cô ta, sợ điếng rồi khóc ré lên. Có thể nói cảnh thiệt thảm!".

"Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra?", một người bạn cũng là diễn viên điện ảnh như chồng Toshiko nói.

"Đúng vậy! Nó làm mình bị sốc. Thử hỏi, mình hoàn toàn tin vào chuyện "dạ dày thì giãn nở". Sau đó, mình đã không mất thêm thời giờ. Mình giải cứu cho tấm thảm trên sàn nhà và lấy một cái mền trải ra cho cô ta nằm. Cô ta la hét như một con heo bị mắc kẹt. Lúc bác sĩ từ phòng khám sản khoa tới, đứa bé đã được sinh ra. Phòng khách chúng mình trở nên hỗn độn!".

"Ôi, mình chắc vậy mà!", một người bạn khác nói và cả nhóm cười phá lên.

Chị Toshiko chết điếng khi nghe chồng mình bàn tán về chuyện hãi hùng ấy mà chẳng khác nào đang tán gẫu về một chuyện buồn cười mà họ tình cờ chứng kiến. Chị thoáng mở to mắt và bỗng thấy đứa bé sơ sinh nằm trước mặt, trên sàn gỗ, thân thể yếu ớt được gói bằng những tờ báo dính đầy máu.

Toshiko chắc rằng bác sĩ đã làm mọi thứ vì ác ý. Như để nhấn mạnh sự khinh miệt đối với người mẹ sinh con hoang trong tình trạng nhớp nhúa ấy, anh ta đã bảo người giúp việc gói đứa bé bằng vài tờ báo sơ sài, thay vì phải quấn bằng tã lót. Sự đối xử nhẫn tâm đó đối với đứa bé sơ sinh đã xúc phạm chị Toshiko. Chị đi lấy một mảnh vải flannel trong tủ quần áo cho đứa bé và cẩn thận đặt bé lên ghế bành.

Chuyện chị quấn tã cho đứa bé diễn ra chiều tối ấy khi chồng chị đã rời nhà. Chị không nói gì với chồng về chuyện ấy vì sợ anh ta sẽ nghĩ chị mềm yếu, đa cảm; nhưng tình cảnh đó đã ghi sâu vào tâm trí chị. Đêm nay, chị lặng lẽ nghĩ về chuyện ấy trong tiếng kêu be be của dàn nhạc jazz, trong lúc chồng chị đang vui vẻ tán gẫu với bạn bè. Chị biết là chị sẽ không bao giờ quên được cảnh đứa bé bị gói trong vài tờ báo sơ sài để nằm trên sàn gỗ như cảnh tượng ở một lò mổ. Chị cả đời sống trông êm ấm vỗ về, đau xót cảm nhận sự khốn khó của đứa bé đẻ hoang.

Mình là người duy nhất chứng kiến nỗi thẹn của nó, ý nghĩ ấy chợt đến với chị. Người mẹ chẳng bao giờ thấy đứa con gói trong giấy báo nằm đó và đứa trẻ tất nhiên cũng chẳng biết. Mình sẽ phải một mình giữ gìn cảnh tượng ấy trong kí ức. Khi đứa bé lớn lên và muốn tìm biết sự sinh nở ra mình, sẽ chẳng có ai nói cho nó biết nếu mình giữ im lặng. Kì lạ sao, mình nên cảm thấy có tội! Sau cùng mình là người bế nó lên, kỹ lưỡng quấn cho nó tấm vải flannel và đặt nó xuống ngủ trên ghế bành.

Họ rời hộp đêm. Chị bước ra chiếc taxi chồng đã gọi cho. "Chở cô ấy về Ushigomé", anh ta nói với tài xế và từ phía ngoài đóng cửa lại. Chị liếc qua cửa xe nhìn khuôn mặt cười của chồng và ghi dấu hàm răng trắng khoẻ của anh ta. Rồi chị ngả người ra ghế, chìm đắm nhận biết rằng cuộc đời chị và chồng dù sao cũng quá dễ dàng, không chút trắc trở. Thật khó cho chị để làm cho những ý nghĩ phát thành lời. Qua cửa sau, chị nhìn chồng lần cuối. Anh ta đang sải bước dọc theo con đường, hướng về phía chiếc Nash. Lưng chiếc áo khoác vải tuýt khá sặc sỡ của anh ta dần nhoà trong những hình ảnh những người qua đường.

Chiếc taxi vù chạy, qua một con đường lấm chấm những quán bar rồi qua một nhà hát. Trước nhà hát, đám đông người đang chen lấn nhau trên vỉa hè. Mặc dù buổi biểu diễn chỉ vừa mới kết thúc mà đèn đã được bật lên và trong nửa tối bên ngoài, rõ mồn một cách đáng buồn là hoa anh đào dùng trang điểm tiền sảnh nhà hát chỉ là những mẩu giấy trắng.

Cả khi đứa bé lớn lên vì lãng quên đi chuyện sinh nở, nó cũng chẳng bao giờ có thể trở thành một công dân đáng trọng, chị ngẫm nghĩ và đuổi theo dòng chảy những suy tư. Tã lót là những tờ báo dơ bẩn sẽ là biểu tượng cho cả cuộc đời nó. Nhưng tại sao mình phải lo lắng cho nó nhiều như thế? Có phải vì cảm thấy bất an cho tương lai của chính em bé của mình? Giả sử hai mươi năm sau, khi bé trai của mình đã lớn, thành một chàng trai đẹp đẽ, được giáo dục cẩn thận và một ngày nọ, bởi sự tình cờ của số mệnh, nó gặp bé trai kia, khi ấy tuổi cũng đã hai mươi, phạm tội và dã man đâm nó bằng một nhát dao...

Đêm tháng tư trời mù, ấm nhưng những suy nghĩ về ngày mai làm cho chị thấy lạnh lẽo, khốn đốn. Trên ghế sau, chị run lên.

Không, khi thời khắc ấy đến, mình sẽ thế chỗ cho con trai mình, chị bỗng độc thoại. Hai mươi năm nữa, mình sẽ bốn ba. Mình sẽ đến gặp chàng trai trẻ ấy và nói thẳng ra hết về mọi thứ, về tã lót là những tờ báo, về chuyện mình đã đến và quấn tã flannel cho nó như thế nào.

Chiếc taxi chạy dọc theo một con đường tôië, rộng thênh tiếp giáp với công viên và hào Hoàng Thành. Từ xa chị thấy những tia sáng đèn chiếu xuống từ những cao ốc văn phòng.

Hai mươi năm nữa, đứa bé khốn khổ ấy sẽ chìm ngập trong những bất hạnh cùng cực. Nó sẽ sống trong chán chường, tuyệt vọng và nghèo đói. Một con chuột cô độc. Điều gì nữa có thể sẽ đến với một em bé được sinh ra trong hoàn cảnh đó? Nó sẽ lang thang qua những con đường, chửi bới cha nó, nguyền rủa mẹ nó.

Rất có thể chị nhận được sự toại nguyện từ những ý nghĩ đau buồn: Với chúng, chị không thôi hành hạ chính mình. Chiếc taxi đến Hanramon và chạy qua khu sứ quán Anh. Ở nơi đó những hàng cây anh đào vang danh choàng ra trước mặt chị bằng tất cả sự thanh mảnh của chúng. Với những thôi thúc từ bên trong, chị quyết định đi ngắm hoa một mình trong công viên tối. Đó là một quyết định lạ đối với một phụ nữ trẻ hay thẹn thùng và chẳng dám mạo hiểm như chị, nhưng chị đang ở trong một tâm thế lạ kỳ, sợ phải trở về nhà. Chiều nay, tất cả những suy tưởng đã bùng vỡ trong tâm trí chị.

Chị băng qua con đường rộng; bóng dáng gầy guộc, cô độc trong đêm tối. Như một quy tắc khi bước giữa dòng xe cộ, chị thường sợ hãi bám níu vào người đi cùng nhưng đêm nay chị một mình lao đi giữa dòng xe cộ. Lát sau, chị đến được công viên dài hẹp tiếp giáp hào Hoàng Thành. Công viên được gọi là Chidorigafuchi - Vực Ngàn Chim.

Đêm nay cả công viên trở thành một rừng anh đào hoa nở. Dưới bầu trời tĩnh lặng, mây phủ, hoa dồn tụ thành một màu trắng dày. Đèn lồng giấy treo trên các sợi dây giữa các cây anh đào đã tắt; thế chỗ chúng là những bóng đèn điện xanh, vàng, đỏ, mờ đục lấp lánh dưới hoa. Đã quá mười giờ và hầu hết những người đi xem hoa đã về nhà. Thi thoảng có người bước qua công viên, ngẫu hứng dùng chân đá chai rỗng hoặc vứt rác xuống đất.

Giấy báo, chị nghĩ, tâm trí lại bỗng quay về với những gì đã diễn ra. Những tờ giấy báo dính đầy máu. Nếu ai đó nghe được sự ra đời thảm thương ấy và biết rằng người nằm đó là mình, cả cuộc đời sẽ bị tàn huỷ. Nghĩ vậy mà mình, một người xa lạ hoàn toàn, từ đây trở về sau phải giữ lấy bí ẩn ấy, bí ẩn của toàn bộ sự tồn tại của một con người...

Chìm đắm trong những suy tư ấy, chị xuyên bước qua công viên. Hầu hết những người vẫn còn ở lại là những cặp trai gái lặng lẽ; chẳng ai chú ý đến chị. Chị nhận thấy hai người đang ngồi trên ghế đá cạnh hào, không ngắm hoa nhưng lặng yên liếc nhìn làn nước. Trời tối đen. Họ quấn lấy nhau trong vùng tối dày đặc. Bên kia hào, cánh rừng u buồn trong Hoàng Thành cản tầm nhìn của chị. Anh đào vươn lên, tạo thành những mảng tối dày đặc tựa vào trời đêm. Chị chậm bước dọc theo lối nhỏ dưới những cánh hoa đang treo nặng trịch trên đầu.

Trên một ghế đá nằm tách rời những chiếc khác, chị nhận thấy một vật nhợt nhạt, không phải là những chùm hoa anh đào như chị ngỡ, cũng không phải là áo quần của một vị khách đi chơi công viên bỏ quên. Chỉ khi đến gần hơn chị mới biết đó là một người đang nằm. Có phải, chị tự hỏi, là một ai đó say mèm thường thấy nằm ngủ ở những nơi công cộng? Rõ ràng là không, bởi thân hình được phủ giấy báo kỹ lưỡng và chính màu trắng của tờ báo ấy đã thu hút sự chú ý của chị. Đứng bên cạnh ghế, chị nhìn vào thân hình đang ngủ.

Người nằm đó là một người đàn ông mặc áo len chui cổ màu nâu đang cuộn người trong những lớp giấy báo. Rất có thể nằm ngủ như thế đã trở thành bình thường vì giờ xuân đã đến chị nhìn vào đầu tóc nhếch nhác, dơ bẩn mà đúng ra là rối bời trơ trọi. Quan sát hình người cuộn ngủ trong những tờ báo và không thể tránh khỏi, chị bị nhắc nhớ đến đứa bé nằm trên sàn nhà được gói bằng những tờ báo khốn khổ. Vai chiếc áo len chui cổ của người nằm đó trồi lên trụt xuống theo những hơi thở mạnh.

Với chị, dường như mọi sợ hãi, mọi linh cảm bỗng có hình hài cụ thể. Trong bóng đêm, cái trán nhợt nhạt của người nằm đó nổi trội lên và đó là trán của một người trẻ dù có nhiều nếp nhăn bởi khốn khó và nghèo đói lâu ngày. Chiếc quần kaki trễ nải; trên hai chân không bít tất, nó mang một đôi giày thể thao mòn vẹt. Chị không thể nhìn được mặt nó và chị bỗng có một khát khao không cưỡng lại được là được đắm nhìn khuôn mặt nó.

Chị bước tới đầu ghế và nhìn xuống. Đầu nó bị che một nửa dưới cánh tay nhưng chị có thể thấy rằng nó trẻ một cách không ngờ. Chị nhận thấy đôi lông mày rậm, sống mũi thẳng. Miệng nó mở khẽ, trông trẻ quá.

Nhưng chị đã đến quá gần. Trong đêm tĩnh lặng, giấy báo kêu sột soạt và nó đột ngột mở mắt. Thấy có người phụ nữ trẻ đứng ngay bên cạnh mình, nó đột nhiên bật dậy, mắt ngời lên. Một giây sau, bàn tay mạnh bạo đưa ra vồ lấy cổ tay nhỏ nhắn của chị.

Chị chẳng thấy sợ sệt và chẳng cố giải thoát cho mình. Ý nghĩ kia bỗng chợt đến. A, hai mươi năm đã trôi qua! Rừng Hoàng Thành tối đen như mực và tĩnh lặng vô cùng.

TRẦN NGỌC BIAN dịch
(Từ The International story, Nxb St Martin'Press,
            NewYork, 1994, Tr.132-136)

(178/12-03)

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Vận may (25/05/2009)
Zombie (*) (22/05/2009)
Trọ đêm (27/04/2009)