Pete Hamill sinh ngày 24 tháng 6 năm 1935, tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Ông là nhà văn, nhà báo. Ông đi nhiều và viết về nhiều đề tài. Ông từng phụ trách chuyên mục và biên tập cho báo New York Post và The New York Daily News.
PETE HAMILL
Họ đang đến thành phố Fort Lauderdale - ba chàng trai và ba cô gái. Khi họ lên xe buýt, họ mang theo nhiều bánh xăng uých và rượu đựng trong những túi giấy, mơ đến những bãi biển cát vàng và thủy triều biển trong khi bầu trời xám lạnh của thành phố New York biến mất sau lưng họ. Khi xe buýt chạy qua bang New Jersey, họ bắt đầu chú ý đến Vingo. Ông ngồi ghế phía trước họ, mặc bộ vét đơn giản, không gọn lắm, không hề cử động, khuôn mặt phong trần của ông làm người ta khó xác định được độ tuổi. Ông bập bập phía trong môi, đóng băng im lặng trong vỏ kén cá nhân. Khi đêm sâu thẳm, đến ngoại ô thành phố Washington, chiếc xe buýt ghé vào một nhà hàng thuộc chuỗi nhà hàng Howard Johnson và mọi người xuống xe ngoại trừ Vingo. Ông ngồi mọc rễ trong ghế, và những bạn trẻ bắt đầu tò mò về ông, thử hình dung tình trạng cuộc đời ông; có thể ông là một thuyền trưởng, hay một người bỏ vợ, hay là một người lính trở về nhà. Khi họ lên xe lại, một trong ba cô gái đến ngồi bên cạnh ông và tự giới thiệu mình.
“Bọn em đang đến Florida,” nàng nói “em nghe nói ở đó tuyệt đẹp vào mùa này trong năm.”
“Ồ, đúng đấy,” ông nói nhỏ, như đang nhớ một chuyện gì mà có thể ông đã cố gắng quên đi.
“Anh uống cola nhé?”
Ông cười và cầm lấy một lon; rồi cảm ơn cô gái và im lặng trở lại. Sau một lúc, cô gái trở lại với các bạn, và Vingo cúi đầu ngủ. Vào buổi sáng, họ thức giấc bên ngoài một nhà hàng Howard Johnson khác và lần này Vingo xuống vào cùng nhóm bạn trẻ. Cũng cô gái đó mời ông ngồi chung với nhóm của nàng. Ông có vẻ rất e ngại, gọi tách cà phê đen và lo âu hút thuốc trong khi các bạn trẻ líu lo về việc ngủ trên bãi biển. Khi họ trở lại xe buýt, cô gái lại ngồi bên Vingo một lần nữa, và sau một lúc ngắn, chầm chậm và đau khổ, ông kể lại chuyện mình. Ông đã ở tù ở New York trong bốn năm qua, và bây giờ ông đang về nhà.
“Anh có gia đình chứ?”
“Tôi không chắc.”
“Anh không chắc à?”
“À, tôi viết thư cho vợ tôi khi tôi ở trong hộp. Tôi nói với nàng rằng tôi sẽ ở xa một thời gian dài, và nếu nàng không thể chịu đựng được tình trạng này, nếu mấy đứa con cứ luôn thắc mắc này nọ - nếu quá tổn thương - à, thì nàng có thể quên tôi đi, tôi rất thông cảm. Hãy tìm một người đàn ông khác và xây dựng lại cuộc đời nàng, và quên tôi đi. Nàng là một thiếu phụ tuyệt vời, thật sự như vậy. Tôi bảo nàng đừng viết thư cho tôi. Nàng đã không viết. Không viết trong suốt ba năm rưỡi.”
“Và bây giờ anh đang về nhà, không biết là…?”
“Phải,” ông e ngại nói. “À, tuần trước, khi tôi chắc chắn sẽ được phóng thích, tôi lại viết thư cho nàng. Chúng tôi sống ở thị trấn Brunswick, kế cận thành phố Jacksonville. Có một cây sồi cổ thụ ngay ngõ vào thị trấn. Tôi bảo nàng nếu nàng chấp nhận cho tôi trở về, nàng nên treo một chiếc khăn tay màu vàng lên trên cây, và tôi sẽ xuống xe và về nhà. Nhưng nếu nàng không muốn tôi trở về nhà, nàng đã quên tôi - thì cây không có khăn tay, và tôi sẽ đi tiếp.”
“Ôi,” cô gái nói, “Ôi!”
Nàng kể lại chuyện cho các bạn, và sau đó cả nhóm sa vào câu chuyện, đoán định này nọ trên đường đến Brunswick, xem những tấm ảnh sờn vì được cầm nhiều, chụp vợ và ba đứa con mà Vingo đưa cho họ - người đàn bà, đẹp một cách giản dị, những đứa trẻ vẫn chưa nhận được thông tin. Giờ thì họ còn 20 dặm nữa là đến Brunswick, những bạn trẻ chiếm những ghế ngồi cạnh cửa sổ phía bên phải, đợi sự xuất hiện của cây sồi. Chuyến xe buýt tự nhiên có không khí im lặng, sự im lặng của nhiều năm vắng mặt và mất mát. Vingo thôi nhìn, mặt người cựu tù căng thẳng như đeo mặt nạ, như tập trung sức lực để chịu đựng một sự thất vọng khác.
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY |
Rồi Brunswick còn cách mười dặm, rồi năm dặm. Rồi, đột ngột, tất cả những người trẻ bật dậy khỏi ghế, hét vang, la to và khóc, thể hiện những động tác nhảy nhót hân hoan. Tất cả như thế ngoại trừ Vingo. Vingo ngồi đó choáng váng, nhìn cây sồi. Cây sồi được treo nhiều khăn tay màu vàng, hai mươi chiếc, ba mươi chiếc, có thể là hàng trăm chiếc - cây sồi đứng như một băng rôn chào mừng phất phới trong gió. Trong khi những bạn trẻ reo mừng, người cựu tù đứng dậy rời ghế đi lên phía trước xe để về nhà.
Võ Hoàng Minh dịch
(TCSH365/07-2019)