Truyện dịch
Zaabalawi
15:05 | 25/09/2019

NAGUIB MAHFOUZ  

Naguib Mahfouz là nhà văn lớn của văn học Arab. Ông sinh năm 1911 tại Cairo (Aicập) và mất năm 2006 cũng tại thành phố này. Mahfouz đã viết tới 34 cuốn tiểu thuyết và hơn 350 truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết lớn nhất của ông là Bộ ba tiểu thuyết (The trilogy) (1956 - 1957).
Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.

Zaabalawi
Nhà văn Naguib Mahfouz

Cuối cùng, tôi tin rằng, tôi phải tìm cho ra giáo sĩ Zaabalawi. Tôi được nghe nói đến tên ông trong một bài hát:

Ô, chuyện gì đang xảy ra trên đời này, hỡi Zaabalawi?
Người ta đã lật trái nó lên và đem đi mất hương đời


Đây là bài hát quen thuộc của tuổi thơ tôi. Một ngày kia, tôi nảy ra trong đầu một ý nghĩ, muốn hỏi cha tôi về ông ấy, theo cách trẻ con khi chúng hay hỏi liên tiếp về một điều gì đó.

- Zaabalawi là ai hả ba?

Ông ngập ngừng nhìn tôi, như thể nghi ngờ rằng tôi sẽ không hiểu câu trả lời. Tuy nhiên, ông đáp: “Cầu cho ân huệ của ông ấy đổ tràn lên con. Ông ấy là thiên sứ đích thực của thượng đế có khả năng mang đi sự lo âu và rắc rối. Nếu không có ông ấy, ba đã chết một cách khốn khổ...”.

Những năm sau đó, tôi nhiều lần nghe ba tôi hát những bài hát ca ngợi vị thánh tuyệt vời này và nói về những điều kỳ diệu mà ông ấy làm. Thời gian trôi qua và tôi nhiều lần bị bệnh. Mỗi lần bệnh tôi không mất mấy chi phí và không lo lắng gì nhiều trong việc điều trị. Nhưng cho đến một lần kia, tôi trở nên khổ sở với một chứng bệnh không phương cứu chữa. Sau khi đã bất lực tìm đủ mọi cách và đang tuyệt vọng thì tôi tình cờ nhớ ra những gì tôi nghe thời ấu thơ. “Sao không thử tìm giáo sĩ Zaabalawi?”, tôi nói với tôi. Tôi nhớ cha tôi có nói ông ấy quen biết giáo sĩ Qamar, người đang sống ở Khan Gaafar và là một trong các giáo sĩ đang hành nghề luật ở các tòa án tôn giáo. Tôi đi đến gặp giáo sĩ Qamar. Chắc rằng ông ấy còn sống ở đó, tôi hỏi thăm một người bán đậu dạo tôi gặp ở phía dưới ngôi nhà của ông ấy.

“Giáo sĩ Qamar à?!”, ông ta ngạc nhiên nhìn tôi nói. “Ông ấy đã rời khu phố này nhiều năm rồi. Người ta nói giờ ông ấy đang sống ở Garden City và có văn phòng ở al-Azhar Square”.

Tôi tra trong danh bạ điện thoại và lập tức đi tới tòa nhà Chamber of Commerce, nơi ông ấy đặt văn phòng. Tôi hỏi thăm để gặp giáo sĩ Qamar và được đưa vào một căn phòng có mùi thơm như thể là mùi thơm do một phụ nữ đẹp xức nước hoa lạ để lại. Một người đàn ông cười đón tôi và chỉ cho tôi chiếc ghế có bọc da. Mặc dù giày tôi mang có đế cao nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự sang trọng của tấm thảm trải phòng đắt tiền. Người đàn ông mặc bộ vest và hút thuốc lá. Tư thế ngồi của ông cho thấy ông hài lòng với chính mình, với những thứ ông có trên đời. Việc đón tiếp nồng hậu làm tôi không chút nghi ngờ cho rằng ông ấy nghĩ tôi là một khách hàng hạng sang nhưng tôi rất bối rối khi thấy mình đang làm mất thời gian của ông ấy.

“Hân hạnh được đón tiếp”, ông ấy nói nhanh.

“Tôi là con trai của ông Ali al-Tatawi, bạn cũ của ông ạ”, tôi nói như để chấm dứt tình trạng mập mờ của mình.

Vẻ mệt mỏi hiện ra trong ánh nhìn khi ông ấy liếc tôi nhưng tôi không hoàn toàn mất hết hy vọng.

“Thượng đế ban bình an cho ông ấy”, ông ấy nói. “Ông ấy là người tốt”.

Nỗi khát khao đưa tôi tới đó khiến tôi nói tiếp.

“Bố tôi nói”, tôi tiếp, “Ông ấy gặp một vị thánh tận hiến tên là Zaabalawi ở văn phòng của ông. Tôi cần gặp ông ấy, nếu ông ấy vẫn còn sống ở đây”.

Vẻ mệt mỏi hiện lên rõ ràng trong mắt ông ấy và sẽ không mấy ngạc nhiên nếu như ông ấy muốn tôi đi ra và muốn ký ức về bố tôi biến mất khỏi đầu ông ấy.

“Chuyện đó kết thúc đã lâu và tôi thi thoảng mới nhớ tới ông ấy”, ông ấy nói bằng giọng của một người có ý định chấm dứt cuộc trò chuyện.

Tôi nhỏm dậy để cho ông ấy thấy nhẹ nhõm khi biết là tôi sắp sửa đi và hỏi, “Ông ấy thực sự có phải là thánh không?”

“Tôi từng cho rằng ông ấy có thể làm được những điều kỳ lạ”.

“Giờ ông ấy đang sống ở đâu?”, tôi vừa hỏi vừa di chuyển về phía cửa ra vào.

“Theo chỗ tôi biết, ông ấy đang sống trong khu nhà Birgawi ở al-Azhar”, nói rồi ông ấy cắm cúi xuống đống hồ sơ trên bàn, ra dấu rằng ông ấy sẽ không mở miệng ra nữa. Tôi cúi đầu cảm ơn, xin lỗi nhiều lần vì đã quấy rầy ông ấy và rời văn phòng, đầu óc bối rối đến mức quên hết những âm thanh xung quanh.

Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG


Tôi đi tới khu nhà Birgawi nằm trên một khu phố đông đúc. Tôi thấy một khu nhà cũ kỹ đến mức chẳng có gì đáng nói ngoại trừ mặt tiền xám mờ và một cái sân dù có lao công quét dọn nhưng nhìn chẳng khác gì một nơi chứa rác. Có một người đàn ông nhỏ thó, tầm thường (là ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn ông ta) đang bán sách cũ về thần học và những điều huyền bí trên lối vào của khu nhà.

Khi tôi hỏi ông ta về Zaabalawi, ông ta đưa cặp mắt ti hí, đỏ tấy nhòm tôi và ngạc nhiên nói, “Zaabalawi! Ông ấy đã đi từ lâu rồi trời ạ! Ông ấy từng sống ở khu nhà này khi nó còn có thể cư trú được. Ông ấy nhiều lần ngồi nói chuyện với tôi về quá khứ và sự hiện diện đầy thánh thiêng của ông ấy đã ban phép lành cho tôi. Giờ Zaabalawi đang ở đâu nhỉ?”

Ông ta buồn bã nhún vai và bỏ tôi chạy tới một khách hàng đang đi tới. Tôi lại đi hỏi thăm nhiều chủ cửa hiệu khác trong quận. Trong khi có nhiều người cho biết họ chưa bao giờ nghe nói tới tên Zaabalawi thì vẫn có một số người hồi tưởng lại trong sự nuối tiếc những lần họ được vui thú với ông nhưng nói giờ không biết ông ấy đang ở đâu. Trong khi đó, một số khác giễu ông ấy, gọi ông ấy là lang băm và khuyên tôi đi gặp bác sĩ dù tôi không làm theo. Do vậy tôi không biết làm gì khác hơn là buồn bã trở về nhà.

Vài ngày trôi qua và như hạt bụi bay trong không khí, bệnh đau của tôi gia tăng dữ dội đến nỗi tôi không chắc là mình có chịu đựng được nổi nữa không. Một lần nữa, tôi lại nghĩ về Zaabalawi và cái tên đáng kính đó vẫn luẩn quẩn trong tôi, do đó tôi vẫn hy vọng sẽ được gặp ông. Sau đó tôi chợt nghĩ tới việc nhờ ông giáo sĩ ở địa phương tôi giúp đỡ. Sự thật, tôi ngạc nhiên là sao mình không nghĩ tới điều này ngay từ đầu. Văn phòng của vị giáo sĩ này nhỏ thôi, có một cái bàn, một điện thoại. Tôi đến và thấy ông ấy đang ngồi ở bàn, mặc áo vest, bên ngoài khoác áo galabeya. Do ông ấy vẫn mải mê nói chuyện với một người đàn ông ngồi bên cạnh nên tôi phải đứng chờ cho tới khi người đàn ông kia đi. Vị giáo sĩ sau đó lạnh nhạt nhìn tôi. Tôi tự nhủ cần dùng các biện pháp thông thường để thuyết phục ông ấy và chẳng bao lâu sau, ông ấy vui vẻ mời tôi ngồi.

“Tôi cần gặp giáo sĩ Zaabalawi”, tôi đáp khi ông ấy hỏi mục đích tôi đến văn phòng ông ấy.

Ông ấy ngạc nhiên nhìn tôi, như cái nhìn của nhiều người tôi đã gặp trước đây.

“Ít ra là ông ấy vẫn còn sống”, ông nói và cười, để lộ ra một chiếc răng bằng vàng. “Vấn đề là ông ấy không ở cố định một nơi nào cả. Có khi anh sẽ tình cờ gặp ông ấy khi anh vừa ra khỏi nơi đây hoặc có khi anh phải mất nhiều ngày, nhiều tháng vô vọng tìm ông ấy”.

“Ngay cả ông cũng không thể tìm được ông ấy à?”

“Đúng vậy! Ông ấy là người khó hiểu nhưng tôi phải tạ ơn thượng đế là ông ấy vẫn còn sống”.

Ông giáo sĩ chăm chăm nhìn tôi và thì thào, “Hình như tình trạng của anh là nghiêm trọng”.

“Dạ, rất nghiêm trọng”.

“Thượng đế giúp anh nhưng tại sao anh không tìm kiếm ông ấy một cách có hệ thống?” Vị giáo sĩ trải một tờ giấy ra bàn và điệu nghệ, nhanh nhẹn vẽ bản đồ quận, với nhiều khu phố, con hẻm, quảng trường khác nhau. Ông chăm chú nhìn vào bản đồ và nói, “Đây là khu nhà ở, đây là khu phố Perfumer, đây là khu phố Coppersmith, đây là khu Mouski, đây là đồn cảnh sát và sở cứu hỏa. Bản đồ này là chỉ dẫn tốt nhất cho anh. Tìm kỹ ở các quán cà phê, các nơi mà tín hữu hành lễ, các thánh đường, các nơi cầu nguyện và khu Green Gate, vì ông ấy thường lẩn trong đám những kẻ ăn mày và khó mà nhận ra ông ấy giữa đám đó. Thực sự là đã nhiều năm rồi tôi chưa được gặp lại ông ấy, phần nào là do những mối bận tâm trong đời. Nhờ anh hỏi mà tôi nhớ lại quãng thời gian tuyệt vời thời trai trẻ mà tôi có với ông ấy”.

Tôi lúng túng nhìn bản đồ. Điện thoại reo và vị giáo sĩ cầm ống nghe.

“Hãy cầm lấy nó”, ông nói vui vẻ. “Chúng tôi đã sẵn sàng giúp đỡ anh”.

Cuộn bản đồ lại, tôi rời văn phòng và đi qua các khu phố, các đường phố, con hẻm, hỏi từng người mà tôi nghĩ họ rành rọt những khu vực đó. Cuối cùng chủ một doanh nghiệp nhỏ - một tiệm giặt ủi nói với tôi, “Đến gặp nhà thư pháp Hassanein ở Umm al-Ghulam, họ là bạn của nhau”.

Tôi đi tới Umm al-Ghulam và thấy ông Hassanein đang ngồi trong một cửa hiệu hẹp, sâu, chứa đầy giấy các-tông và các hũ màu. Một mùi hương lạ là hỗn hợp của hồ và nước hoa bay khắp mọi góc phòng. Lão Hassanein đang ngồi chồm hổm trên tấm da cừu, trước một tấm giấy các-tông đặt dựa vào tường, ở giữa có viết dòng chữ “Allah” màu bạc. Lão đang mải mê, chăm chú tô điểm cho các chữ viết. Tôi đứng phía sau lão, sợ rằng tôi đang quấy rầy hoặc làm mất cảm hứng đang ngự trên bàn tay điệu nghệ của lão.

Nhận thấy lão đã biết có sự hiện diện của tôi, tôi nói, “Người ta nói với cháu bác là bạn của giáo sĩ Zaabalawi, cháu đang tìm ông ấy”.

Lão dừng tay lại và dò dẫm, ngạc nhiên nhìn tôi. “Zaabalawi! Ngợi ca thượng đế!”, lão thở dài nói.

“Ông ấy là bạn của bác, đúng không ạ?”, tôi hăm hở hỏi.

“Đúng vậy, nhưng đã lâu lắm rồi. Ông ấy là kẻ kỳ lạ! Ông ấy đến thăm bạn thường xuyên đến mức người ta nghĩ ông ấy là người gần gũi nhất của anh rồi ông ấy biến mất như thể chưa từng tồn tại. Vâng, không ai trách cứ các vị thánh cả!”

Hy vọng tắt ngúm như đèn tắt khi bị cúp điện.

“Ông ấy thường xuyên đến với tôi, đến nỗi tôi nghĩ ông ấy là một phần của đời tôi. Nhưng giờ ông ấy ở đâu?”

“Có lẽ ông ấy vẫn còn sống chứ bác?”

“Vâng, không chút nghi ngờ là ông ấy vẫn còn sống... Ông ấy có cảm xúc thẩm mỹ không chê vào đâu được nhờ đó tôi đã có những bức thư pháp đẹp”.

“Thượng đế biết rằng cháu cần ông ấy biết bao nhiêu và không ai hiểu rõ hơn bác là ông ấy có khả năng đặc biệt trong việc chữa bệnh”.

“Vâng, vâng. Thượng đế giữ gìn sức khỏe cho anh. Thực tế, như người ta nói, ông ấy là con người nhưng còn hơn thế nữa”.

Lão cười to và nói thêm, “Khuôn mặt ông ấy rất sáng. Nhưng giờ ông ấy đang ở đâu?”

Tôi ngập ngừng đứng dậy, bắt tay và đi ra. Tôi tiếp tục đi lang thang qua hướng đông rồi hướng tây, hỏi thăm nhiều người, đặc biệt là người già và trải đời - những người tôi nghĩ có thể giúp được tôi. Cuối cùng, tôi được một người bán đậu trắng dạo báo cho biết là ông vừa gặp ông ấy ở nhà giáo sĩ Gad, một nhạc sĩ nổi tiếng. Tôi đi tới nhà nhạc sĩ đó ở Tabakshiyya và thấy ông đang ở trong một căn phòng trang trí theo kiểu cổ, các bức tường đầy ắp lịch sử. Ông ngồi trên đi-văng, cây đàn luýt nổi tiếng của ông đặt bên cạnh. Đó là cây đàn mang trong nó những giai điệu hay nhất trong thời của chúng ta. Đâu đó trong nhà có tiếng chày giã trong cối và tiếng ầm ĩ của trẻ con. Tôi chào ông ấy ngay và tự giới thiệu. Tôi thấy dễ chịu bởi sự đón tiếp chân thành của ông ấy. Ông không hỏi tôi bằng lời hay bằng cử chỉ lý do tôi đến và tôi thấy ông không phải là kẻ hay tò mò. Ngạc nhiên trước sự ung dung và lòng chân thành báo điềm tốt của ông, tôi nói, “Ô, giáo sĩ Gad, tôi là người ngưỡng mộ ông, từ lâu đã bị những bài hát của ông cuốn hút!”

“Cảm ơn anh”, ông cười nói.

“Xin lỗi đã quấy rầy ông”, tôi bẽn lẽn nói, “Nhưng tôi được biết ông là bạn của giáo sĩ Zaabalawi và tôi rất cần ông ấy”.

“Zaabalawi?!”, ông cau mày suy tư nói, “Anh cần ông ấy? Thượng đế ở trong anh nhưng Zaabalawi ơi, ai biết giờ anh đang ở đâu?”.

“Ông ấy không tới thăm ông à?”, tôi hăm hở hỏi.

“Ông ấy tới thăm tôi đã lâu. Ông ấy sẽ đến ngay hoặc có khi cho tới chết, tôi sẽ không còn được gặp ông ấy”.

Tôi thoáng thở dài và hỏi, “Sao ông ấy lại như vậy?”

Vị nhạc sĩ cầm đàn luýt lên. “Những người như thế là thánh hoặc không phải là thánh”, ông cười lớn nói.

“Những người cần ông ấy có bệnh tật nặng nề như tôi không?”

“Bệnh tật là một phần của phương thuốc!”

Ông cầm phím và bắt đầu khảy đàn. Chìm trong miên man, lòng tôi dìu dặt theo tiếng đàn. Sau đó, tôi như nói với mình, “Vậy là lần đi này lại thất bại”.

Ông ấy cười, áp má vào đàn. “Thượng đế lòng lành với anh”, ông ấy nói, “Vì ngài đã nói cuộc đi này giúp anh biết tôi và tôi biết anh”.

Tôi vô cùng bối rối và hối tiếc nói, “Xin bỏ qua cho tôi bởi tâm thế thất bại làm tôi không giữ được cá tính của mình”.

“Đừng mang tâm thế thất bại. Người đàn ông kỳ lạ này luôn làm cho những ai đi tìm ông ấy mệt mỏi. Trước đây đi tìm ông ấy thì dễ vì ai cũng biết chỗ ở của ông ấy. Giờ đời đã khác và sau khi đã có được hạnh phúc nhờ có uy quyền tuyệt đối, ông ấy bị cảnh sát truy đuổi với cáo buộc đã hành động bất chính. Vì thế, không dễ mà tìm thấy ông ấy nhưng hãy kiên nhẫn và nhờ đó, chắc chắn anh sẽ tìm thấy ông ấy”.

Ông ngẩng đầu lên và điệu nghệ dạo đàn, sau đó hát:

Tôi mãi nói về người tôi yêu dấu, dù tôi không xứng
Bởi chuyện tình của kẻ đang yêu là rượu của tôi


Với con tim mệt mỏi, bơ phờ, tôi lắng theo lời hát và giai điệu đầy tiêu tao.

“Tôi phổ nhạc bài thơ này trong một đêm”, ông nói sau khi hát xong. “Tôi nhớ đó là đêm lễ Lesser Bairam. Zaabalawi là khách đến chơi cả đêm hôm đó và ông đã chọn bài thơ này. Ông ấy ngồi một lát chỗ anh đang ngồi rồi sau đó đứng dậy, lại chơi với đám trẻ, như thể ông ấy là một đứa trẻ. Khi tôi quá mệt mỏi và khi cảm hứng lụi tàn, ông ấy vui vẻ vỗ vỗ vào ngực tôi, đùa giỡn và âm điệu lại bập bồng trong tôi, nhờ đó tôi lại tiếp tục làm việc cho tới khi tôi hoàn thành bản nhạc hay nhất này trong sự nghiệp của mình”.

“Ông ấy có biết gì về âm nhạc không ạ?”

“Ông ấy rất rành nhạc và có giọng nói rất hay. Nghe ông ấy nói là anh đã như muốn hát và được truyền cảm hứng sáng tạo”.

“Ông ấy đã chữa bệnh cho những kẻ bị bạo bệnh như thế nào?”

“Đó là bí mật của ông ấy. Anh sẽ biết được khi anh gặp ông ấy”.

Nhưng khi nào gặp được ông ấy đây? Chúng tôi chìm vào im lặng và tiếng ầm ĩ của bọn trẻ lại tràn ngập căn phòng của chúng.

Vị giáo sĩ lại hát. Ông lặp đi lặp lại lời hát, “Tôi có kỷ niệm về cô ấy” bằng giọng hát hay, nhiều cung bậc, cho đến khi các bức tường như cuồng dại rung vang lên. Tôi nói rằng tôi rất thán phục và ông ấy cười cảm ơn. Sau đó tôi đứng dậy, xin phép đi và ông ấy tiễn tôi ra tới cửa trước. Tôi bắt tay vị giáo sĩ và ông ấy nói, “Tôi nghe nói hiện nay ông ấy thường tới nhà ông Hagg Wanas al-Damanhouri. Anh có biết ông ấy không?”

Tôi lắc đầu nhưng một tia hy vọng lại lóe lên trong tim.

“Ông ấy như một chiếc xe cá nhân”, vị giáo sĩ nói, “Thi thoảng ông ấy đến Cairo, ở tại một số khách sạn, mỗi đêm thường đến quán bar Negma trên đường Alfi”.

Tôi đợi đêm xuống và đi tới quán bar Negma. Tôi hỏi thăm người bồi bàn về Hagg Wanas và anh ta chỉ vào một góc bị che khuất một nửa do nằm sau một cây cột lớn có gắn kính bốn bên. Tôi thấy một người đàn ông ngồi một mình, trên bàn có hai cái chai, một chai đã cạn, chai kia còn một phần ba. Không có bánh snack hay thức ăn trên bàn và tôi chắc rằng tôi đang đối diện với một bợm nhậu. Ông ấy mặc một chiếc áo galabeya vải silk rộng và đội khăn xếp ngay ngắn. Hai chân ông duỗi thẳng về phía chân cột và khi ông say sưa nhìn vào gương, người ta có thể thấy khuôn mặt ông ửng đỏ vì rượu, điển trai và tròn trịa, dù thực tế ông đã khá già. Tôi lặng lẽ đi tới, đứng cách ông vài bước. Ông không quay lại về hướng tôi và không cho thấy rằng ông biết có sự hiện diện của tôi.

“Xin chào ông Wanas!”, tôi lịch lãm nói.

Ông đột ngột quay mặt về phía tôi, làm như thể giọng nói của tôi đã làm ông tỉnh rượu và ông khá khó chịu nhìn tôi. Tôi định giải thích lý do vì sao tôi đến thì ông ngăn lại và bằng giọng gần như ra lệnh và không có gì là lịch thiệp, ông nói, “Đầu tiên, ngồi xuống và thứ hai, uống!”

Tôi định mở miệng biện hộ thì ông đã lấy tay che hai tai lại và nói, “Đừng nói gì trước khi anh làm theo những gì tôi nói”.

Tôi thấy rằng mình đang đứng trước một bợm rượu tính khí thất thường và nói với mình rằng cần làm ông ấy vui lên một chút. “Ông có thể cho phép tôi hỏi một câu hỏi được không?”, tôi cười nói và ngồi xuống.

Tay không rời hai tai, ông hất hàm chỉ chai rượu. “Khi đang uống rượu thế này, tôi không đối thoại với bất cứ ai, trừ khi anh ta cũng phải say như tôi, nếu không mọi phép lịch sự coi như không có và sự hiểu biết lẫn nhau là không thể”.

Tôi ra dấu là tôi không uống rượu được.

“Mặc anh”, ông nói lấc cấc, “Nhưng phải tuân theo các điều kiện của tôi”.

Ông rót cho tôi một ly rượu và tôi ngoan ngoãn cầm uống. Ngay khi rượu vừa vào dạ dày của tôi, tôi thấy nó dường như bị bốc cháy. Tôi kiên nhẫn chờ cho tới khi tôi quen với vị cay đắng của rượu rồi nói, “Rượu rất mạnh và tôi nghĩ đã đến lúc tôi hỏi ông về...”.

Một lần nữa, ông lấy tay bịt tai lại và nói, “Tôi sẽ không nghe gì cho tới khi anh say”.

Ông rót rượu tiếp cho tôi. Tôi lo lắng nhìn ly rượu và cực chẳng đã, tôi uống cạn một hơi. Ngay khi rượu vừa vào, tôi đã thấy mất hết ý chí. Uống tiếp ly thứ ba, tôi mất trí nhớ, với ly thứ tư tôi chẳng còn biết gì ở phía trước. Xung quanh tôi mọi thứ quay cuồng và tôi quên mất lý do tôi đến đây. Người đàn ông cúi xuống chăm chú nhìn tôi và tôi thấy ông và mọi vật chỉ như một chuỗi các mặt phẳng có màu sắc nhưng không gợi lên điều gì. Tôi không biết là thời gian đã trôi qua bao lâu trước khi tôi gục xuống tay ghế và ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy một giấc mơ đẹp tôi chưa từng mơ. Tôi thấy tôi đang ở trong một khu vườn rất rộng, bốn bề là cây cối xanh tươi, qua các nhành cây, tôi thấy bầu trời đầy sao, không gian như đang vào buổi hoàng hôn hoặc hình như là trời có mây u ám. Tôi đang nằm trên một cái gò đầy những cánh hoa nhài. Hoa rơi trên người tôi như mưa, trong khi đó, một vòi nước không ngớt tung tóe nước trong lên trán và lên thái dương tôi. Tôi thấy thư thả và an bình, sung sướng. Một dàn nhạc với âm thanh líu lo và rù rì vang trong tai tôi. Có sự tương hợp đặc biệt giữa tôi và cái tôi của tôi, giữa hai chúng tôi và mọi thứ đâu vào đó, không có bất hòa. Đời không có lý gì để chuyển động hay vội vã, cả vũ trụ đầy sự sung sướng vô ngần. Nhưng giấc mơ thật ngắn ngủi. Khi mở mắt ra, ý thức chạm vào tôi như cú đấm của cảnh sát. Tôi thấy Wanas al-Damanhouri âu lo nhìn tôi. Chỉ còn vài vị khách say rượu trong quán bar.

“Anh ngủ thật ngon”, ông ấy nói. “Anh rõ ràng là thiếu ngủ”.

Tôi lấy hai lòng bàn tay ôm đầu mình lại. Khi lấy tay ra, tôi kinh ngạc thấy tay tôi lóng lánh những hạt nước.

“Đầu tôi ướt”, tôi nói.

“Vâng, bạn tôi đã cố vực anh dậy”, anh ấy nói ngay.

“Ai đó đã thấy tôi trong tình trạng này à?”

“Đừng lo, ông ấy là người tốt. Anh có bao giờ nghe nói tới giáo sĩ Zaabalawi chưa?”.

“Zaabalawi?”, tôi thốt lên và nhỏm dậy.

“Đúng vậy”, ông ấy ngạc nhiên đáp. “Có gì không anh bạn?”

“Ông ấy đang ở đâu?”

“Tôi không biết. Ông ấy đã đến đây và đã đi”.

Tôi định đuổi theo nhưng thấy mình đã quá mệt mỏi, hơn cả tưởng tượng. Gục xuống bàn, tôi tuyệt vọng khóc, “Lý do duy nhất tôi đến tìm ông là để gặp ông ấy! Giúp tôi đuổi theo hoặc nhờ ai đó đuổi theo ông ấy!”

Người đàn ông gọi một người bán tôm dạo tới và nhờ anh ta đuổi theo vị giáo sĩ và đưa ông ấy về. Quay sang tôi, người đàn ông nói, “Tôi không nghĩ anh đang quá khổ sở. Tôi rất tiếc...”.

“Ông đã không cho tôi nói”, tôi bực bội nói.

“Thật đáng tiếc! Ông ấy đã ngồi trên ghế cạnh anh, đùa với những cánh hoa nhài đeo quanh cổ. Vòng hoa này là quà của một người ngưỡng mộ ông ấy. Thấy thương anh, ông ấy đã rắc nước lên đầu anh và vực anh dậy”.

“Ông ấy gặp ông ở đây hằng đêm?”, tôi hỏi, mắt không rời cửa ra vào sau khi người bán tôm dạo rời đi.

“Ông ấy đến đây với tôi tối nay, tối hôm qua và hôm kia nhưng trước đó, cả tháng tôi không thấy ông ấy”.

“Có lẽ tối mai ông ấy sẽ đến”, tôi thở dài nói.

“Có lẽ”.

“Tôi muốn tặng ông ấy bất cứ số tiền nào mà ông ấy muốn”.

Wanas đồng cảm nói, “Có điều lạ là ông ấy không bị cám dỗ bởi tiền. Ông ấy sẽ chữa trị cho anh nếu anh gặp được ông ấy”.

“Không tốn tiền?”

“Chỉ cần biết rằng anh yêu mến ông ấy”.

Người bán tôm dạo trở lại, thất bại trong việc tìm kiếm.

Tôi đã tỉnh lại phần nào và rời quán bar, dù còn loạng choạng. Ở mỗi góc đường, tôi kêu to “Zaabalawi!” với hy vọng mơ hồ là tôi sẽ được đáp lại. Bọn trẻ bụi đời đưa mắt khinh khỉnh nhìn tôi và cuối cùng tôi thấy mình đã có chỗ ẩn tránh trong một chiếc taxi còn trống chỗ.

Đêm sau, tôi thức với ông Wanas al-Damanhouri cho tới sáng nhưng không thấy bóng dáng vị giáo sĩ đâu cả. Wanas cho tôi biết ông ấy đã về nông thôn và sẽ không trở lại Cairo cho tới khi bán được hạt bông.

“Tôi sẽ đợi”, tôi tự nhủ. Tôi phải luyện cho tôi biết nhẫn nại. Cứ để tôi bằng lòng với chính mình khi nghĩ rằng chắc chắn có sự tồn tại của Zaabalawi, rằng ông ấy yêu mến tôi và điều này do đó khích lệ tôi là ông ấy sẽ sẵn lòng chữa trị cho tôi khi chúng tôi gặp nhau.

Tuy nhiên, thi thoảng khi việc ngày lại ngày mà tôi chẳng thể gặp ông ấy đã làm tôi mệt lử. Sự thất vọng vây lấy tôi và tôi cố thuyết phục mình là hãy thôi nghĩ tới ông ấy. Đã có biết bao kẻ bệnh tật trên đời này không nghĩ tới ông ấy và không xem ông ấy là huyền thoại! Vậy tại sao tôi cứ hành hạ mình khi cho rằng ông ấy là thánh?

Nhưng ngay khi bệnh đau hành hạ mình, tôi lại nghĩ tới ông ấy, tự hỏi khi nào tôi may mắn được gặp ông. Cái thực tế tôi không còn nghe được tin tức gì về Wanas và nghe đâu rằng ông đã đi nước ngoài không làm chệch hướng mong mỏi của tôi. Sự thật là tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng tôi phải tìm cho ra Zaabalawi.

Vâng, tôi phải tìm cho ra Zaabalawi.

Trần Ngọc Hồ Trường
Dịch từ Naguib Mahfouz, The time and the place and other Stories, DOUBLEDAY, 1992.  
(TCSH366/08-2019)




 

 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Về nhà (06/08/2019)
Thợ săn Gracchus (24/06/2019)
Đôi giày (12/03/2019)
Người đi dạo (31/01/2019)