Truyện dịch
Những đứa trẻ bị bỏ quên
09:49 | 28/02/2020

Chitra Banerjee Divakaruni sinh năm 1957 tại Calcutta, Ấn Độ. Bà học đại học tại Đại học Calcutta. Năm 1976, bà đến Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ, sau đó dạy văn chương tại các đại học ở đó. Bà làm thơ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn, được trao nhiều giải thưởng văn học. Ngoài ra bà còn sáng lập tổ chức Maitri chuyên trợ giúp phụ nữ Nam Á bị xúc phạm.

Những đứa trẻ bị bỏ quên
Ảnh: internet

CHITRA BANERJEE DIVAKARUNI    

Mặc dù tuổi thơ tôi không có nhiều thứ để nhớ, nhưng tôi có một câu chuyện hư cấu. Vào những buổi chiều tối trời đó, khi ba tôi say xỉn và trở về nhà, nói lầm bầm, lấy chân đá vào vách tre, tôi sẽ trốn sau ghế sofa hoặc dưới gầm giường, mắt nhắm nghiền. Thi thoảng em trai tôi cũng cùng trốn với tôi. Nó nằm cong queo, miệng ngậm ngón tay cái, dù má tôi nói rằng nó đã lớn, không nên làm như vậy. Các mắt xương sống của nó chạm vào ngực tôi, tim nó đập thình thịch như móng ngựa chạm vào đất khi ngựa chạy. Nằm trốn như vậy một lát tôi mới có thể kêu nó giãn ra. Có lẽ do có những kỷ niệm như thế nên nó trở thành một phần trong câu chuyện hư cấu của tôi.

Gia đình tôi chuyển chỗ liên tục, từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, do ba tôi mất việc triền miên. Ông luôn xoay xở để có một việc làm mới vì ông là thợ máy lành nghề. Ông cho rằng, đó là một phần đáng nói của năng lực của ông. Nhưng việc làm sau thường là xấu hơn việc làm trước. Do đó, cuộc sống của chúng tôi cứ đi xuống. Chúng tôi không bàn về điều đó vì chúng tôi không được phép bàn bạc nhưng tôi biết mẹ buồn. Thi thoảng bà nói chỉ nửa câu sau đó trỏng trơ nhìn ra cửa sổ, quên là tôi và em trai tôi đang muốn nghe.

Chúng tôi học được nhiều kỹ năng khi di chuyển đến các thị trấn nóng, hôi mùi dầu, bụi bặm và có nhà máy ở Bắc Ấn Độ. Chúng tôi biết làm cho mình trở nên tàng hình ra sao khi ngồi ở dãy ghế cuối cùng trong lớp học và không biết trả lời câu hỏi của thầy do vắng mặt vào các ngày trước và do không có sách giáo khoa. Chúng tôi cũng ngồi ở một góc xa trong canteen vào giờ ăn trưa vì không muốn cho ai thấy món rutis đạm bạc mà má tôi gói cho chúng tôi. Chúng tôi nhìn những bộ đồng phục tinh tươm của người khác và những hộp thức ăn ngon lành với bánh mỳ sandwich mua ở tiệm của họ một cách khao khát và lén lút để không ai đoán được cảm xúc của chúng tôi. Mỗi lần các học sinh khác cười, chúng tôi thấy ái ngại, kéo vạt áo che đùi bị bầm và kéo ống tay áo phủ kín những ngón tay vàng bủn. Chúng nó hỏi chúng tôi là mẹ tôi vay tiền của người cho vay như thế nào và ba tôi đã trả tiền mua chịu rượu ở các quán ra sao vào ngày ông lãnh lương. Chúng nó biết là thi thoảng có tiếng ầm ầm vang ra từ nhà chúng tôi vào ban tối và muốn biết là điều đó xảy ra đã bao lần rồi. Chúng tôi tìm cách lấy tóc che những vết sẹo trên trán của chúng tôi và nhìn lơ đễnh vào không trung để tránh những đôi mắt tò mò. Chúng tôi không dám nghĩ về những thứ rời rạc, vô ích mà chúng tôi bỏ lại sau lưng. Đó là một quyển truyện cổ tích, một con chó đi lạc mà chúng tôi cho ăn, một cây xoài dễ leo và những tình bạn mới có.

Đó là những gì tôi nhớ khi nghĩ về em trai tôi trong những ngày ấy. Nó như thể là tay, chân của tôi. Bản năng bảo vệ chính mình là không thể thiếu được. Chẳng hạn như người ta đưa tay ra che mặt khi bị đấm, nhưng đó là điều không phải ai cũng có. Khi em trai tôi đi với tôi, nó luôn im lặng (nó không phải là cậu bé nói nhiều). Có lẽ nó cũng nghĩ như tôi nghĩ về cuộc đời của chúng tôi. Đó là những cuộc đời méo mó, đáng ghét, như một vết thương không chịu lành nhưng tôi phải chấp nhận bởi chúng vốn dĩ là như thế. Có lẽ suy nghĩ này là điều lầm lẫn đầu tiên của tôi.

Năm tôi 11 tuổi và em trai tôi 8 tuổi, chúng tôi chuyển đến sống ở thị trấn Duligarh, một thị trấn dầu lửa, cũ mục và xỉn vàng, như một cái thùng carton bị bỏ ngoài nước. Thị trấn này cũng có nhiều quán rượu mà ba tôi đã sớm biết hết. Ở đó, người ta không có tình cảm. Những kẻ đầu tiên mà chúng tôi gặp là những kẻ đã nhìn vào chúng tôi một cách nham nhở. Tôi không trách họ. Gia đình chúng tôi khác hẳn những gia đình kiểu mẫu trên các áp phích mà chính quyền cho treo khắp nơi.

Một trong các áp phích đó được treo ở bức tường phía sau trường học của chúng tôi. Tôi nhớ rất rõ vì cứ vào mỗi chiều, tôi ra đứng đó và nhìn ngắm nó cho đến khi mỏi cổ. Trong những chiều nóng nực như thế, bức áp phích đó đã làm cho câu chuyện hư cấu của tôi lớn mạnh, đâm chồi nảy lộc và đưa tôi đến với những lầm lẫn khác.

Trong bức áp phích, một đôi vợ chồng trẻ nắm tay nhau và nhìn vào mắt nhau cười tươi, trong khi đó một cậu bé và một cô bé đang chơi trò đuổi bắt xung quanh họ. Người đàn ông đang xách một chiếc vali nhỏ làm bằng da. Dây chuyền trên cổ người phụ nữ lấp lánh trong ánh nắng mặt trời còn vạt áo sari của chị thì phất phơ trong gió. Hai đứa trẻ mang giày Bata làm bằng da là loại giày mà tôi thấy ở chợ Lal Bahadur khi nhìn qua cửa sổ của một cửa hiệu bán giày. Bức áp phích có dòng chữ: Chúng ta tuy hai mà một. Nó như thể là câu thần chú cho những cuộc đời hạnh phúc.

Thi thoảng tôi đứng nhìn tấm áp phích cho đến khi trời chiều trở nên vàng đục còn em trai tôi thì bực tức nắm tay tôi lôi tôi về. “Về đi, chị Didi, em đang đói. Sao chị cứ nhìn mãi vào bức tranh ngốc nghếch này miết vậy?” Nó muốn tới hái ổi chín ở rìa của vườn cây bên kia trường. “Người ta không nên trồng cây ăn trái ven đường nếu không muốn bị người khác hái”, nó vểnh cằm nói khi tôi phản đối.

Thi thoảng vì tấm áp phích mà chúng tôi trễ xe buýt và phải cuốc bộ về nhà trên những con đường nóng rực, sách vở trở nên nặng hơn, quần áo thì dính chặt vào người. Khi đi qua chợ, chúng tôi thấy những cặp mắt kém thân thiện của các ông bà chủ sạp nhìn ngó chúng tôi; thấy một cô bé gầy, cao, có hai bím tóc, đi trước em trai của nó là một cậu bé bẩn thỉu, mặc chiếc áo sơ mi quá rộng nên cổ tay áo phủ hết cả bàn tay. Có một người đàn bà đang đi chợ, mua cá và đậu. Khuôn mặt bà ấy đẹp như hoa trúc đào. Có một người đàn ông đang bước, vẻ hung hăng như một võ sĩ quyền Anh. Ông ta biết rằng chìa khóa để tồn tại là không nên tin ai cả. Họ có quan hệ gì với ba má chúng tôi không? Họ có so sánh gia đình chúng tôi với gia đình trong tấm áp phích không?

Ở Assam, chúng tôi sống trong một ngôi nhà cũ, kiểu Anh mà chúng tôi rất thích. Đó thật sự là một ngôi nhà lần đầu tiên chúng tôi được ở. Nó dài và thấp, nằm ngoài thị trấn, được xây vì một mục đích nào đó chúng tôi không biết. Nó tiện lợi vì nằm xa cách mọi thứ (ba tôi phải đạp xe một tiếng đồng hồ mới đến được nhà máy nơi ông là nhân viên kiểm tra máy khoan). Tiền thuê nhà lại rẻ và đặc biệt, quanh nhà không có những người hàng xóm tọc mạch. Mẹ chẳng bao giờ phàn nàn khi phải ở nhà một mình vì chúng tôi đã đi đâu đó. Mẹ chắc vui vì có thời gian dành cho chính bà. Thi thoảng mẹ sợ nhà sụp.

Mà thật vậy. Họa vô đơn chí! Những mảng vữa bong tróc khắp nhà, trông như những đám gầu khổng lồ. Các cửa thì không thể đóng khít vào được, do đó, bọn côn trùng ác độc có vòi bóng loáng tràn vào. Mái nhà thì bị dột và khi trời mưa, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm xô hứng nước.

Nhưng với chúng tôi, đó là một ngôi nhà hoàn hảo. Hành lang làm bằng gỗ là nơi chúng tôi ngồi chơi bi, bồn tắm có các chân hình móng là nơi mẹ đổ nước ấm vào cho chúng tôi tắm còn các tấm lưới hình ngọn giáo ở các cửa sổ làm cho chúng tôi thấy mình như đang ở trong một pháo đài trung cổ.

Nhưng cái mà chúng tôi thích nhất là ngôi nhà bỏ hoang của một người đầy tớ. Đó là một căn nhà tranh nhỏ nằm trong khu rừng tre phía sau nhà chúng tôi. Mẹ và tôi là những người đầu tiên phát hiện ra nó. Khi tôi nói về nó với mẹ, mẹ cười cay đắng. Chúng ta có thêm một cái nhà!, mẹ bĩu môi cười. Mẹ có lúc liên tục nói với ba là ông nên cho người bảo vệ ở nhà máy của ông thuê cái nhà đó. Nhưng chuyện ấy không xảy ra. Có lẽ do nhà ở quá xa nhà máy và có lẽ do ba tôi là người ít thích giao tiếp nên ông không muốn đề cập đến chuyện thuê mướn với ai. Em trai tôi thì nói rằng, nhà ấy vẫn được để trống là nhờ tôi và nó đã cầu nguyện.

Ngôi nhà tối lờ mờ và mát mẻ ngay cả trong những chiều nóng rực ở Assam do nó nằm dưới một cái cây lớn có lá tròn, rộng như bàn tay để ngửa mà tôi chưa thấy bao giờ. Nhện giăng mạng khắp trần nhà và chộp lấy ngay những kẻ xâm nhập bị dính vào đó một cách thông minh. Và ở một căn phòng, chúng tôi thấy có một cái cửa sập bằng gỗ, hòa làm một với sàn phòng cũng bằng gỗ. Phía dưới cái cửa sập này là một không gian nhỏ, như một hang động ngầm, đủ để nhốt một người tù và chứa đủ thứ dơ bẩn. Chúng tôi không nói với ai về nó và cũng chưa bước xuống đó. Biết có một không gian ở dưới đó là đủ. Chúng tôi lau bụi chiếc giường cũi nằm trong góc và kéo nó đến đặt lên trên cái cửa sập. Sau đó chúng tôi lén lấy một tấm dra trải giường trong nhà chúng tôi ra. Những buổi chiều khi đi học về, chúng tôi đến nằm trên chiếc giường cũi trong ánh sáng lờ mờ và tôi kể cho em trai tôi nghe câu chuyện hư cấu của tôi.

Từ lâu, tôi giữ kín câu chuyện, không muốn chia sẻ với ai. Nhưng có cái gì đó của ngôi nhà đã làm cho tôi trở nên lơ lửng, như thể tôi là một hạt bụi bay trong ánh sáng yếu ớt. Khi tôi nằm trên chiếc giường cũi và nhìn lên, tôi thấy lá của cái cây nằm bên ngôi nhà kết bện lại thành một cái trướng hình bàn tay che chở đời tôi. Tôi nghĩ đứa em trai thực dụng của tôi sẽ cười khi tôi kể. Nhưng tôi vừa kể ra thì nó đã thích. Tôi kể cho hết trước khi chúng tôi phải quay trở về nhà tôi để giúp mẹ việc nhà.

Đây là câu chuyện của tôi: “Ba mẹ lại chuyển nhà. Họ leo lên chiếc xe ba bánh chất đầy các gói, các thùng nhưng chúng tôi không đi với họ vì họ đã bỏ quên chúng tôi. Từ khu rừng tre, chúng tôi nhìn chiếc xe rời đi, nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút. Từ vùng cây lá lược, chúng tôi chăm chú nhìn ra. Đúng, họ thật sự đã đi. Trong thoáng chốc, chúng tôi giật mình. Sau đó họ ôm nhau cho đến lúc đời trở nên sung sướng ngất ngây”.

Câu chuyện kể không phải không có vấn đề. Nhân vật quan trọng nhất là mẹ chúng tôi. “Trước khi bước lên xe ba bánh, bà bất giác nhìn quanh, như một con vật đang ngửi cái gì đó khó chịu trong không khí. (Tôi không so sánh nhưng có lẽ em trai tôi hiểu)”. Tôi muốn kể về mẹ trong câu chuyện. “Bà thấy màu trắng của chiếc áo của em trai tôi trong khu rừng tre. Bà bước vào khu rừng và không bao giờ trở lại với ba tôi nữa. Nhưng tôi biết điều đó là không thể. Đời họ đã gắn chặt vào nhau. Do đó tôi rất buồn và để mẹ đi”.

“Chúng tôi sống trong ngôi nhà bỏ hoang của người đầy tớ. Rừng tre giờ mọc dày nên không ai còn có thể nhớ đến sự tồn tại của ngôi nhà. Tôi nấu ăn, giặt giũ và dạy lại cho em trai tôi mọi thứ tôi học được ở trường. Nó câu được rất nhiều cá ở con suối sau ngôi nhà và chúng tôi mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo, muối, giày dép. Chúng tôi nhìn giống với những đứa trẻ trong áp phích tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình.

“Chị nghĩ là em có thể câu được nhiều cá như vậy à?”, em trai tôi luôn hỏi, không tin vào kỹ năng câu cá của nó.

“Tất nhiên là em có thể”, tôi đáp”.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu


Trong câu chuyện của chúng tôi, không có ai kéo lê chúng tôi ra đường cái. Làm trầy rách lưng chúng tôi. Trong nhà để xe tối tăm, không có ai quẹt quẹt diêm và dí sát vào mặt chúng tôi, sát đến mức tôi thấy mi mắt mình nóng ran. Trong câu chuyện của chúng tôi, không có những từ: sợ hãi, gãy nứt, dữ dằn, chí mạng, cha.

“Cứ vậy, chúng tôi sống.

“Khi chị em mình già thì sao?”, em trai tôi hỏi.

“Chúng ta không bị già”. Nhưng em trai tôi không hài lòng, do đó tôi phải nghĩ ra phần kết thúc của câu chuyện.

“Vào một mùa đông, tuyết rơi dày.

“Tuyết rơi hả chị?”, em trai tôi hỏi. Nó chưa thấy tuyết rơi bao giờ”. Tôi cũng chưa thấy trong thực tế. Nhưng tôi thấy tuyết rơi trên các đỉnh núi dãy Himalaya trong các bức tranh trong sách địa lý. Tôi giảng giải cho nó biết.

“Tuyết rơi vào các cửa sổ và cửa ra vào. Tuyết bay vào chiếc giường cũi chị em chúng tôi đang nằm bên nhau.

“Nằm như vầy được không chị?” Em trai tôi nắm lấy tay tôi, ngả đầu vào vai tôi. Có một vết sẹo nhỏ trên gò má nó mà tôi không rõ nguồn gốc.

“Được”, tôi nói.

Tuyết phủ dày trên cái mền chị em tôi đang đắp. Nhưng không sao. Chúng tôi không thức dậy. Chúng tôi nằm như thế mãi mãi.

“Nằm như thế này mãi mãi nghe chị”, em trai tôi trầm tư nói khi chúng tôi trở về nhà trong một chiều ẩm ướt”.

Nhiều thứ biến mất khỏi nhà ba mẹ thuê. Đầu tiên là thức ăn và các thứ lặt vặt mà chúng tôi lấy từ nhà nhưng mẹ không để ý, nếu chúng không quá đắt. Chúng là hộp bánh biscuit, gói đường còn một nửa. Sau đó là quần áo, như chiếc áo sơmi cũ của em trai tôi, áo kameec xanh, cổ áo bị sờn của tôi. Có một cái mền rách mẹ định vứt đi ngay khi bà có thể mua được cái mới cũng bị mất.

“Tụi con lấy các thứ đó để chơi à?”, mẹ hỏi khi tôi vô nhà bếp kiếm cái gì đó ăn sau khi từ trường trở về nhà.

“Dạ không”, tôi nói và vui vì đã không nói dối. Tôi sợ mẹ hỏi tiếp những câu hỏi mà tôi khó tránh né. Nhưng mẹ lắc đầu làm lơ và tiếp tục nhào bột để làm bánh rutis.

“Mẹ nghĩ không ra”, mẹ nói. “Làm như thể chúng ta có một người đày tớ và anh ta đã ăn cắp những thứ đó. Và giờ, gạo trong vò cũng bị cạn đi”.

“Chắc là có ma”, dì Lakshmi, người bán gia vị ở chợ nói với mẹ khi mẹ đề cập chuyện đó với dì ngày hôm sau. Ma!, người ta nói ông chủ cũ của ngôi nhà chúng tôi đang ở là một kẻ buôn lậu và đã kết thúc đời ông ta một cách thảm hại. Ông ta đã treo cổ chết ở phòng khách. Người ta mách với mẹ là cần lấy hạt mù tạc rang trong nồi sắt, vừa rang vừa hát để xua đuổi hồn ma đi.

Chiều hôm sau khi chúng tôi đi học về, chúng tôi thấy mẹ làm như lời dì Lakshmi mách. Chúng tôi giúp mẹ bằng cách làm hình nộm thầy phù thủy, hát và khịt mũi khi hơi khói bốc lên từ nồi rang còn hạt mù tạc thì bắt đầu nở lốp bốp. Chúng tôi không nói gì với ba.

Sau đó một thời gian, không còn chuyện mất mát đồ đạc. Khi chuyện này lại xảy ra, mẹ có nhiều điều để lo lắng.

Ba đối đầu với ông đốc công. Đây là điều không trông đợi. Ở mỗi nơi ông làm việc, ông đều ghét ai đó và tin rằng có ai đó đang tìm cách hại ông. (“Tại sao ba luôn đối đầu với mọi người?”, em trai tôi có lúc hỏi như vậy. Mẹ thở dài và nói ông ấy muốn tự do, không muốn bị ai sai khiến). Việc đấm đá nhau chỉ còn là vấn đề của thời gian. Ở thị trấn trước, ông đã lấy chai vỡ đâm vào cánh tay của một đốc công và bị cảnh sát giải đi. Sau đó, chúng tôi lại gói đồ đạc, xem giờ tàu chạy và quyết định phải bỏ lại cái gì.

Vào bữa ăn tối, ba lầm lịt ăn, lầm bầm chưởi ông đốc công, không để ý tới thức ăn mẹ đặt trước mặt ông. Ông cầm chặt cổ chai rượu và uống ồng ộc. Mẹ phải vuốt ve ông bằng những cử chỉ thi thoảng có thể làm ông dịu lại. Từ cái bàn nằm trong góc nhà nơi chúng tôi ngồi làm bài tập, chúng tôi có thể thấy xương và gân trên lưng mẹ căng thẳng nổi lên vì mẹ mặc áo mỏng. Mẹ thì thào là “Anh hãy tránh ông ta đi”, “Sao anh không đổi ca?”, “Anh hãy nghĩ đến các con. Chúng chỉ vừa tạm ổn, cần phải theo học ở trường. Sẽ khó khăn nếu anh không tìm được việc khác. Anh sẽ không trẻ lại nữa...”.

Nhiều đêm ba chỉ lắc đầu và nói, “Em nói đúng. Bọn đó không xứng để anh nhổ nước bọt vào mặt”. Có khi ông hất tay mẹ ra và rống lên, “Hãy để tôi một mình, đừng có xen vào những chuyện cô không biết gì”. Nhưng có nhiều đêm tồi tệ hơn. Chúng tôi nghe ông thét lên nên chạy biến vào hành lang tối mờ. “Đồ chó! Tao giết chết tao để có cái cho tụi mày ăn nhưng tụi mày luôn làm tao bực bội!” Sau đó có âm thanh của những cái tát tai, tiếng của cái chảo bị ném xuống sàn nhà và nước dal được làm cho bữa trưa hôm sau bị hắt đổ tung tóe. Sau đó là tiếng lầm bầm, hậm hực. Chúng tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đầu tiên là cú đấm vào đầu, làm tối đen, xây xẩm mặt mày, sau đó là cú đá vào mạn sườn làm bạn cong người lại và nằm thở hổn hển trên nền nhà. Và đau đớn. Chúng tôi biết rõ sự đau đớn. Nó dâng cao như một bức tường nước và đổ ập vào bạn. Chúng tôi nắm lấy tay nhau, sợ không dám thở và ghét chính mình vì đã không cản được ông ấy. Chúng tôi nín thở và chìm đắm trong một câu chuyện hư cấu khác. Đó là câu chuyện chúng tôi đều biết, dù không được kể, ở đó ba tôi đã chết.

Tôi không bao giờ hỏi mẹ tại sao mẹ không bỏ nhà đi. Tại sao mẹ không mang chúng tôi bỏ đi về làng của ông bà ngoại? Thi thoảng, mẹ tả đó là một ngôi làng yên ả nằm dưới những rặng dừa đầy tiếng chim ca. (Tôi không hiểu tại sao mẹ đã bỏ nhà trốn đi với ba và theo truyền thống Ấn Độ, cửa nhà ông bà ngoại sẽ đóng lại vĩnh viễn, không cho mẹ bước vào một lần nữa). Hay tại mẹ sợ là ba quyền uy, có thể đánh hơi được chúng tôi dù chúng tôi có đi đâu, như yêu quái trong truyện cổ tích?

Không. Có những lý do khác làm mẹ không đi mà tôi không thể giải thích được bằng lời. Ba có bờ vai rộng, cơ bắp cuồn cuộn trên cánh tay, nhìn như thể có những con rắn cuốn vào đó. Ba có thể giúp chúng tôi an toàn ngay khi chúng tôi đang bị lơ lửng trong không khí. Ba có thể làm cho chúng tôi quên lãng. Có ánh mặt trời đan cài trên mái tóc đen dày của ba, có mùi thơm của dầu ritha ở đó trong những ngày nghỉ sau khi mẹ xức cho ba. Có lúc ba hát những đoạn ngắn của một bài hát (ba từng đi học hát, mẹ kể). Giọng ông bay bổng, ông hát cho đến khi ông quên mất lời của bài hát. Sau đó, ông quỳ xuống trước mẹ, như nhân vật anh hùng trong phim, hai tay dang rộng, làm mẹ không nhịn được cười. Có ngày, ba mang một bịch quà cột bằng dây mảnh, màu đỏ mà ba mua ở cửa hiệu bán áo sari. Ba kéo mẹ lại và trao bịch quà cho mẹ. Mẹ run run mở bịch quà ra và thấy nghẹn ngào. Ba hôn vào đầu mẹ và lấy tay vung vẩy bím tóc của mẹ.

Có một đêm nọ, khi trời đã khuya, tôi tỉnh giấc và đi vào nhà bếp để uống nước, tôi thấy ba mẹ ngồi ở chiếc bàn, lưng quay về phía tôi. Đó là đêm điện bị cúp do chúng tôi chưa thể trả tiền điện. Có một cây đèn dầu nhỏ đặt trên bàn.

“Shanti”, ba tôi nghẹn lời nói, “Anh chỉ làm cho em đau khổ thôi. Thi thoảng, anh ước gì chúng ta đừng gặp nhau hoặc em đã chết”. Bóng dáng đau khổ, vạm vỡ của ba và bóng dáng gầy gò của mẹ cùng in trên tường. “Em xinh đẹp và em đáng ghét của anh...”. Mẹ lấy tay che miệng ba lại và giọng mẹ cũng nghẹn ngào. “Im đi anh Swapan (đó là lần đầu tiên tôi nghe mẹ gọi tên ba), đừng có nói như vậy. Làm sao em sống mà không có anh?”.

Tôi muốn lẻn đi nhưng ba đã thấy tôi. Tôi thấy khó thở. Ba sẽ giận dữ. Tôi đã phá hỏng mọi thứ. Nhưng ông nắm cánh tay tôi, kéo tôi vào lòng ông và vuốt ve tóc tôi. Bàn tay ông thô ráp và chai sần nhưng tôi không muốn ông dừng lại. Mẹ tựa đầu vào vai ba. Khuôn mặt mẹ gầy và xinh đẹp trong ánh sáng lờ mờ. Mẹ nhắm nghiền hai mắt lại, như đang cầu nguyện. Tôi hít thở một thứ mùi vị được hình thành bởi mùi thuốc lá ba hút và mùi xà bông thơm mẹ dùng. Và ở đó, tôi hiểu rằng, tình yêu là phức tạp, cần phải tin vào nhau mới có.

Chúng tôi từ trường trở về nhà và thấy có một cái rương màu đen nằm trong phòng ngủ của chúng tôi. Rương đã được mở ra và một số quần áo của chúng tôi đã nằm trong đó. Có các miếng xốp nhỏ được đặt ở đáy rương. Khi nhìn vào cái rương, tôi muốn khóc.

Chúng tôi đi tìm mẹ. Mẹ đang dọn sạch các thứ gia vị ra khỏi một cái tủ nhỏ ọp ẹp.

“Chúng ta sẽ đi vào ngày mốt”, mẹ nói. Mẹ không giải thích gì thêm và chúng tôi cũng không hỏi. Có những vết nhăn mới xuất hiện ở các góc mắt và góc miệng của mẹ, như thể có ai đó đã lấy da ở những nơi đó ra, vò nhàu rồi gắn lại vào vị trí cũ một cách bất cẩn. Chúng tôi trở lại phòng ngủ của mình, lấy đồ đạc trong rương ra để sắp xếp chúng lại. Giày dép và sách vở được đặt ở đáy rương, quần áo được gấp gọn lại và đặt ở phía trên, như những lần chuyển đi trước đó.

“Lại giúp chị”, tôi nói với em trai tôi nhưng nó cứ nằm trên nệm và nhìn lên chỗ hở trên mái nhà cho đến khi đêm xuống, ve sầu sắp bắt đầu kêu. Nó chỉ nói một tiếng duy nhất khi tôi cố gói quần áo của nó. “Đừng đụng vào đồ em!” nó nói, giọng xác quyết như giọng của người lớn.

Sáng mai, khi tôi tỉnh giấc, em trai tôi đã đi.

“Nó đi đâu?”, ba tôi thét hỏi. Ông nhổ nước miếng vào má tôi và tôi dù cố gắng nhưng không thể không nao núng.

“Tránh con bé tội nghiệp ra!” Giọng mẹ vọng lên từ phía sau, làm tôi giật mình bởi nó to và giòn khác thường. Tóc mẹ rũ rượi, áo sari dính đầy bùn của con mương phía sau nhà, nơi mẹ đang tìm kiếm em trai tôi bằng cách gọi tên nó. Mắt mẹ thất thần, “Sao con không đạp xe ra bến xe buýt gần chợ mà hỏi xem có ai thấy nó không?”, mẹ nói với tôi.

Tôi hít hơi sâu vào và chuẩn bị đi nhưng ba tôi có lẽ cũng đang sững sờ như tôi nên ông chộp chiếc xe đạp và đạp đi.

Khi chiếc bóng đen nghiêng vẹo trong trời chiều của ba tôi đã biến mất sau khúc đường cong, mẹ nhiều lần bất thình lình ngồi phịch xuống sàn nhà bếp, như thể chuỗi lò xo bên trong mẹ bị bật lên rồi xẹp xuống nhiều lần làm cho mẹ phải như vậy. Mẹ ngồi ôm mặt khóc giữa những cái nồi nhôm rẻ tiền và bát đĩa sứt mẻ là những thứ gắn với đời mẹ. Tiếng mẹ khóc nghe như tiếng tấm vải bị xé toạc ra. Ngay cả khi mẹ đến phòng khám để băng bó cánh tay, mẹ cũng không khóc như vậy. Tôi đến ôm mẹ. Ngực mẹ cũng phập phồng. Tôi muốn nói cho mẹ hiểu.

Mẹ nhìn lên, như thể mẹ hiểu được suy nghĩ của tôi. Mẹ thôi khóc.

“Con biết em trai con ở đâu không?”, mẹ hỏi. Mẹ cầm cánh tay tôi. “Nói cho mẹ biết đi”, mẹ nói. Lời nói của mẹ phải đi xuyên qua cổ họng nghẹn ngào. “Mẹ hứa là không để ba con làm gì với em trai con”, mẹ nói.

Tôi cắn môi vì không muốn làm mẹ tổn thương thêm. Nhưng tôi không thể không nói gì. “Mẹ luôn để ba đánh em trai con”, tôi nói. “Lần này cũng có gì khác đâu!”.

Có cái gì đó hiện lên trên gương mặt mẹ. Đó là sự u sầu, xấu hổ? Mẹ hít sâu vào, như thể mẹ đang chuẩn bị để lặn xuống nước, sau đó lấy hai bàn tay đặt lên hai má tôi. Các móng tay của mẹ dài và bị gãy nhiều chỗ nhưng các ngón tay thì dài và mềm mại. “Mẹ sẽ bảo vệ con trai mẹ. Mẹ thề trước vong linh của bà ngoại con”, mẹ nói.

Tôi tin vào mẹ, dù mẹ không trả lời các câu hỏi của tôi. Tôi tin vì mẹ không phải là một người phụ nữ hay hứa lèo. Tôi tin vì khuôn mặt mẹ giống khuôn mặt của em trai tôi, nhất là lông mày và cả hai đều có vài cái nốt ruồi trên hai má. Sau em trai tôi thì khuôn mặt mẹ là khuôn mặt tôi yêu thương nhất trên đời và cuối cùng, tôi tin bởi trong những đêm mà sự dữ dằn đổ lên đầu chúng tôi, tôi phải chấp nhận một thất bại rõ ràng: Đó là những câu chuyện hư cấu của tôi sẽ không bao giờ trở thành sự thật.

Em trai tôi đang ở nơi tôi nghĩ là nó đang núp. Nó nằm cong queo dưới cái “hang động” nhỏ trong căn nhà của người đày tớ mà do tìm kiếm một cách chiếu lệ nên ba má tôi không thấy. (Họ không nghĩ là nó lại chọn một nơi dễ kiếm, gần nhà để núp). Khi tôi kéo cái giường cũi ra và nhấc cửa sập lên, nó nhìn tôi bằng ánh mắt lóe sáng và hoang dại, như ánh mắt của mẹ tôi. Miệng nó dính đầy các mảnh vụn bánh biscuit mà nó đã ăn, nó quấn trên hai vai một cái mền cũ mà nó bí mật lấy trong nhà ra. Tôi kéo nó lên nhưng nó co cụm người lại, khuôn mặt mang vẻ căm ghét.

Mẹ dìu nó vào nhà, mặc dù người nó nặng trịch. Bà ép đầu nó vào ngực mình, như người ta thường làm như thế đối với một đứa trẻ. Mẹ nói tôi cầm đèn đi trước, do đó tôi không nghe được mẹ đã thì thầm điều gì với nó. Nhưng khi đã vào nhà bếp, nó thôi không vùng vẫy nữa. Nó thậm chí còn cười nụ khi mẹ cho nó và tôi bánh gạo, chuối, sữa nóng và đường là những thứ mà nó thích từ khi nó còn là em bé.

Chúng tôi đang ăn thì nghe có tiếng ba về. Ông lầm lịt bước trên hành lang. Hình như có lúc người ông va vào vách tường, chúng tôi sợ điếng người. Tôi và em trai tôi đang ngồi ở bàn và đang ăn dở chừng còn mẹ thì đang đứng ở bếp cắt chuối. Sau đó, ba lấy chân đá cánh cửa, làm nó kêu rầm khi chạm vào vách rồi bước vào nhà bếp, bóng người to lực lưỡng của ông đổ xuống bàn, giữa tôi và em trai tôi. Ông chan chát quát tháo. Tôi thấy đầu mình như sắp bị vỡ tung.

Phần còn lại của sự việc tối hôm đó, tôi chỉ nhớ lờ mờ. Những bức ảnh đen trắng của nó giờ đây hiện hình trong tôi mà không tuyên bố, chúng ám ảnh tôi, chi phối hành động của tôi, buộc tôi phải từ bỏ bất cứ nỗ lực nào để kháng cự lại chúng. “Tao sẽ giết mày hôm nay, đồ bò”. Ba hung hăng rút dây nịt ra. Em trai tôi chạy về phía mẹ. Mẹ đẩy nó ra sau lưng bà và lấy hai bàn tay, các ngón tay của mình đẩy vào ngực ba. Mẹ mở to miệng hét điều gì đó và bị ngã xuống sàn nhà. Sợi dây nịt bay vù vù. Nó là một con rắn hổ mang đang ngóc đầu, là một chiếc răng nanh kim loại đang mổ và đánh vào má em trai tôi, làm thịt rớt ra, máu chảy xuống. Tiếng kêu thất thanh nhưng yếu ớt vang ra. “Mẹ mày! Tao hứa là...! Tao hứa...!”. Mẹ đẩy tôi ra, tay nắm gờ quầy bếp và đứng dậy. Mẹ chộp con dao. Tiếng la thét lại vang lên. Tôi lắng nghe. Tôi không thể kiềm hãm được tiếng la thét mà tôi cho đó là tiếng la thét của tôi. Ba quay lại. Ba quất cái khóa nịt vào cổ tay mẹ. Con dao rơi xuống kêu loảng xoảng. Sau đó, có tiếng thở hổn hển và tiếng rít. Cả ba mẹ tôi đều đang nằm trên sàn nhà, ai cũng cố chộp lấy con dao.

Nhưng tôi không thể kể lại những gì xảy ra sau đó vì tôi đã quay qua nhìn theo em trai tôi khi nó bỏ chạy ra khỏi cửa, qua hành lang và biến mất trong rừng tre. Bóng đêm đã che giấu nó: che khuỷu tay, bàn tay, lưng và đầu của nó. Chỉ có ánh trăng loáng sáng trên áo nó, như tuyết sáng trong câu chuyện hư cấu của tôi, sau đó, nó mất hút trong bóng tối, ánh trăng trên áo nó cũng mờ hút. Đâu đó có rất nhiều đom đóm, do vậy, các chấm sáng lập lòe trong bóng tối. Có lẽ, chạy đi là tốt hơn tình trạng bị bỏ quên và bị bạo hành. Tôi nên khóc mừng vì nó đã trốn thoát được? Tiếng thét yếu ớt vọt ra từ miệng tôi như một mũi tên máu có đáng được thương xót không? Có đáng tiếc không khi tôi đã không bỏ chạy cùng em trai tôi? Tôi (con gái của mẹ tôi, đã thừa hưởng gene trung thành vô điều kiện của bà) phải quay về với thực trạng, chỉ để thút thít khóc và qui phục tất cả? Tôi chỉ biết là tôi sẽ nhớ em tôi, một đốm trắng mất dần trong rừng tre, đom đóm lập lòe bay trên đầu nó.

Trần Ngọc Hồ Trường dịch
(từ tiếng Anh trong Passages, Signet Classics, 2009)
(TCSH371/01-2020)



 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Zaabalawi (25/09/2019)
Về nhà (06/08/2019)
Thợ săn Gracchus (24/06/2019)
Đôi giày (12/03/2019)