ALBERTO MORAVIA
Lời người dịch: |
Khi người phụ nữ ở Sở Cứu tế thành phố Rome mang tiền cứu trợ đến cho chúng tôi, bà hỏi tại sao chúng tôi lại đẻ nhiều đến thế, và vợ tôi, hôm đó đang cáu gắt, nói huỵch toẹt: “Nếu chúng tôi có tiền, tối tối chúng tôi sẽ đi xem phim… vì không có nên chúng tôi chỉ việc đi ngủ và cứ thế những đứa con ra đời.” Nghe vậy bà ta tỏ vẻ bất bình và bỏ đi không nói một lời. Tôi trách vợ tôi bởi sự thật không phải bao giờ cũng nên nói ra, và cũng phải biết mình đang nói với ai nữa chứ.
Hồi còn trẻ, chưa lập gia đình, tôi thường giải trí bằng cách đọc tin tức trong báo chí Rome, thường đầy rẫy chuyện kể về những bất hạnh xảy đến cho nhiều người: trộm cắp, giết người, tự tử, tai nạn giao thông... Trong số những chuyện đó, duy nhất một điều tôi nghĩ là sẽ không xảy đến cho mình, đấy là trở thành cái mà báo chí gọi là “một trường hợp thương tâm”, tức là hoàn cảnh một người gợi lên lòng thương hại không vì một sự bất hạnh nào đặc biệt, mà chỉ vì lý do là đang hiện hữu. Như vừa nói, tôi còn trẻ, và tôi không hình dung ra việc nuôi nấng một gia đình đông đúc ra làm sao cả. Nhưng giờ này đây, tôi kinh hoàng nhận ra rằng dần dần mình đang trở thành một trong những “trường hợp thương tâm” đó. Dạo đó, tôi đọc thấy, chẳng hạn: “Họ sống trong cùng cực đói khổ…”. Vậy mà, bây giờ đây, tôi cũng đang sống trong cùng cực đói khổ. Hoặc là: “Họ ở trong cái nhà thực ra chỉ có tên gọi là nhà.” Và, bây giờ tôi đang sống ở Tormarancio, cùng vợ và sáu đứa con, trong một căn phòng chỉ bằng diện tích một tấm nệm, và, mỗi khi trời mưa, nước đổ xuống như trên bến sông Ripetto. Tôi còn đọc thấy: “Khi người phụ nữ khốn khổ biết mình đã có thai, bà ta đã quyết định một việc tội lỗi là hủy diệt kết quả của tình yêu của mình.” Vậy mà cái quyết định đó, vợ chồng tôi cũng đồng lòng khi khám phá ra rằng vợ tôi đang mang thai đứa con thứ bảy. Tóm lại, vợ chồng tôi quyết định là, ngay khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ mang bỏ đứa bé trong một nhà thờ, trông chờ lòng từ thiện của người nào đầu tiên bắt gặp nó.
Cũng nhờ sự giúp đỡ của những phụ nữ tốt bụng ở Sở Cứu tế, vợ tôi đi sinh ở bệnh viện, và ngay khi mới khỏe trở lại, bà mang con về Tormarancio. Vừa mới tới căn phòng của chúng tôi, bà nói ngay: “Tuy bệnh viện vẫn chỉ là bệnh viện, tui vẫn thích ở lại đó hơn là về lại chỗ này.” Sau câu nói đó, đứa bé chừng như nghe hiểu khóc ré lên nhức nhối đến thủng màng nhĩ. Thằng nhóc sáng sủa, khỏe mạnh và tốt giọng đến nỗi đêm đêm thức giấc khóc thét lên là không ai ngủ được.
Đến tháng năm, thời tiết bắt đầu ấm, có thể ra ngoài không cần áo khoác, chúng tôi rời Tormarancio để đi Rome. Vợ tôi ôm chặt đứa bé vào lòng, quấn đầy quần áo nhàu nát như thể sẽ đem bỏ nó giữa cánh đồng tuyết; khi ra đến thành phố, để khỏi để lộ sự đau lòng, bà nói luôn miệng, hổn hển, đứt hơi, tóc bay rối, mắt trợn ngược. Khi thì bà nói đến những ngôi nhà thờ, nơi chúng tôi có thể đến bỏ đứa bé, bà giải thích rằng đấy phải là nhà thờ nào mà những người giàu có thường hay lui tới, bởi nếu những người nghèo nhặt đứa bé thì thà cứ giữ nó còn hơn; khi thì bà bảo tôi phải tìm được nhà thờ cống hiến cho nữ Thánh Madone, bởi Thánh Madone cũng có đứa con trai và như thế có thể thông cảm mọi chuyện mà chấp thuận ý nguyện của bà. Sự liến thoắng này khiến tôi mỏi mệt và bị kích động, hơn nữa tôi cũng chẳng hãnh diện gì, chẳng thích việc mình đang làm; nhưng tôi cứ tự nhủ là phải giữ cái đầu lạnh, phải tỏ ra bình tĩnh và giúp vợ can đảm.
Tôi đưa ra vài ý kiến bác bỏ, chủ yếu là để ngắt bớt những lời lẽ huyên thuyên kia: “Tui có ý này… hay là mình đem bỏ nó ở nhà thờ Thánh Pierre?” Bà hơi do dự một lát rồi nói: “Cái nhà thờ đó như là một trụ sở quân sự… có thể chẳng ai trông thấy nó… không, tôi phải thử đến nhà thờ nhỏ ở đường Condotti, chỗ đó có nhiều cửa tiệm đẹp đẽ… nhiều người giàu có thường đến đó… đấy mới là địa điểm tốt…”.
Minh họa: Nguyễn Duy Linh |
Chúng tôi lên xe buýt và, ngồi giữa đám hành khách, vợ tôi lặng thinh. Thỉnh thoảng bà lại quấn đứa bé trong chăn chặt hơn, hoặc cẩn thận hé mặt nó ra nhìn. Thằng bé đang ngủ, khuôn mặt trắng hồng vùi trong đống tã lót. Quần áo nó cũng tồi tàn như chúng tôi vậy, chỉ có vẻ tươm tất với đôi găng tay màu xanh nhạt, hai bàn tay xinh xắn thò ra ngoài như thể muốn khoe. Chúng tôi xuống xe ở đại lộ Goldoni, vợ tôi lại tiếp tục dài dòng nhiều chuyện. Bà dừng chân trước một tiệm kim hoàn và chỉ tôi xem những món nữ trang bày trong tủ, trên tấm nhung đỏ và nói: “Ông nhìn mấy món đẹp quá đây này… người ta đến khu này chỉ để mua nữ trang và các thứ đẹp đẽ… người nghèo như chúng ta không ai mạo hiểm tới đây…, họ khi thì đi giữa cửa tiệm này và cửa tiệm khác, khi lại đi vào nhà thờ cầu nguyện một lát… họ đầy thiện tâm… có người sẽ nhìn thấy đứa bé và ẵm nó đi.” Bà nói như thế trong khi vẫn ngắm nghía mấy món nữ trang, ôm đứa bé vào lòng, mày nhíu lại, như thể đang nói với chính mình, còn tôi không dám nói gì ngược lại. Chúng tôi vào bên trong nhà thờ: nó nhỏ xíu, tường lát đá hoa giả màu vàng, ngoài bàn thờ lớn còn có nhiều nhà nguyện. Vợ tôi tuyên bố ngay là hình ảnh bà nhớ về nó khác hẳn, giờ nhìn lại bà chẳng hài lòng chút nào. Tuy thế bà cũng nhúng tay vào nước phép và làm dấu thánh giá. Sau đó, tay ôm con, vợ tôi chậm rãi đi vòng quanh nhà thờ, săm soi với vẻ bất bình và nghi ngờ. Từ vòm nóc, xuyên qua những lớp kính màu, một luồng ánh sáng lạnh lẽo mà sống động đổ xuống; vợ tôi đi từ nhà nguyện này đến nhà nguyện khác, kiểm tra mọi thứ, ghế ngồi, bàn thờ, tranh ảnh, xem thử có thể bỏ đứa bé lại không; còn tôi thì nhìn theo bà từ xa và không hề rời mắt khỏi cánh cửa ra vào. Chúng tôi nhìn thấy có một cô gái cao lớn đi vào, cô ăn mặc toàn màu đỏ, tóc vàng óng. Lúng túng trong chiếc áo chật bó, cô quỳ xuống và sau vài giây cầu nguyện, cô làm dấu và bỏ đi ra, không thèm nhìn chúng tôi. Vợ tôi theo dõi cảnh này và nói ngay: “Không, không thể được… những người vào đây cũng như cô gái hồi nãy thôi, cứ vội vàng bỏ đi vui vẻ, rong chơi nơi mấy cửa tiệm…, chúng ta đi thôi.” Miệng nói, chân bà bước ra khỏi nhà thờ.
Chúng tôi đi ngược một đoạn ở khu Corso, chân rảo bước, vợ tôi đi trước, tôi theo sau, và gần đến quảng trường Venise, chúng tôi đi vào một nhà thờ khác. Nó lớn hơn nhà thờ kia nhiều, một phần chìm trong bóng râm, đầy màn trướng, đồ mạ vàng và hòm thánh tích đựng những quả tim bằng bạc lấp lánh trong bóng tối. Có rất đông người và chỉ nhìn thoáng qua tôi nhận thấy rằng những người này thuộc tầng lớp khá giả, phụ nữ đội nón, đàn ông ăn mặc chỉnh tề. Một vị linh mục đang giảng đạo, hai tay vung lên trên bục giảng; mọi người đứng chăm chú nhìn ông và tôi cho rằng điều này rất tốt vì không ai để ý đến chúng tôi… “Mình thử bỏ đứa bé lại đây?”, tôi nói nhỏ vào tai vợ; bà ra dấu đồng ý. Chúng tôi tiến tới nhà nguyện bên cạnh, chỗ tối; không có ai cả và có thể nói là không thấy gì ở đây. Vợ tôi kéo một góc chăn bọc đứa bé che kín mặt nó lại và đặt nó trên một chiếc ghế làm như đặt một gói đồ cồng kềnh cho rảnh tay. Rồi bà quỳ xuống và cầu nguyện khá lâu, tay ôm lấy mặt, trong khi đó, chẳng biết làm gì, tôi đưa mắt nhìn hàng trăm quả tim bạc lớn nhỏ đủ cỡ đính trên tường. Cuối cùng, vợ tôi đứng dậy, vẻ căng thẳng, làm dấu và từ từ rời khỏi nhà nguyện, tôi theo sau cách một quãng. Ngay lúc này vị linh mục la lớn: “Và Chúa Giê-su nói: Pierre, con đi đâu?” tôi rùng mình, có cảm giác như ông đang nói với tôi. Nhưng khi vợ tôi sắp vén bức màn cửa thì một giọng nói làm cả hai chúng tôi giật mình: “Này bà, bà bỏ quên gói gì trên ghế kìa.” Đấy là một phụ nữ ăn mặc toàn đen, một trong những người sùng đạo suốt cả ngày chỉ việc tới lui nơi nhà thờ và kho đồ lễ. “À! Đúng rồi, cảm ơn… tôi quên mất”, vợ tôi nói. Thế là chúng tôi đến lấy lại của nợ và ra khỏi điện thờ, sống dở chết dở.
Ra ngoài, bằng cái giọng của một người bán hàng muốn bán đổ bán tháo món hàng của mình mà không có ai mua, vợ tôi nói: “Không ai muốn nó cả, thằng bé tội nghiệp của tôi!” Nhưng rồi bà cũng bắt đầu chạy lon ton, những bước chân giật giật như không hề chạm đất.
Chúng tôi đổ ra quảng trường Saints- Apôtres; nhà thờ mở cửa và khi bước vào, thấy nó to lớn, rộng và tối, vợ tôi khẽ nói: “Chỗ này tốt đây.” Bước chân dứt khoát, bà đi vào nhà nguyện phía bên, đặt đứa bé trên ghế băng và, chừng như mặt đất nóng đến bỏng chân, bà không làm dấu, không cầu nguyện, cũng không hôn lên trán đứa bé mà vội vàng tiến ra phía cửa. Nhưng bà chỉ mới chạy được vài bước thì cả nhà thờ vang dội những tiếng khóc tuyệt vọng: lúc này đúng là giờ đứa bé đòi bú, nó đói. Nghe tiếng ré chát chúa đó, vợ tôi đâm ra luống cuống: mới đầu bà chạy ra cửa, rồi chạy trở lui, và không hề suy nghĩ mình đang ở đâu, bà ngồi xuống ghế, ôm con vào lòng và mở cúc áo cho nó bú. Bà chỉ mới vạch ngực ra là thằng bé đưa tay bám riết vào, ngấu nghiến như sói con, nó mới đỡ thèm thì một giọng nói giận dữ thét lên: “Những chuyện đó không được làm trong nhà của Chúa… đi ra… đi ra ngay… ra ngoài đường mà làm!” Đó là ông giữ nhà thờ, một lão thấp bé, râu bạc, có giọng nói to hơn người. Vợ tôi đứng dậy, vội vàng che ngực áo và đầu đứa bé rồi nói với ông lão: “Vậy mà trong tranh lúc nào cũng thấy bà Madone cho con bú.” “Chị muốn so sánh mình với bà Madone à, đồ tự phụ.” Quá chán, chúng tôi bước ra khỏi nhà thờ, đến ngồi trong vườn chỗ quảng trường Venise; vợ tôi tiếp tục cho con bú cho đến khi thằng bé no nê ngủ lại.
Giờ này, màn đêm đã xuống, các nhà thờ đều đóng cửa, chúng tôi mỏi mệt, đờ đẫn, đầu óc không nảy ra ý tưởng nào. Nghĩ là mình đã nhọc lòng để làm một việc mà lẽ ra không nên làm, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi bảo vợ: “Bà nghe đây, muộn rồi, tui không chịu được nữa… phải quyết định đi chứ.” Vợ tôi trả lời chua chát: “Nhưng nó là giọt máu của ông!... ông muốn rứt bỏ nó như thế, trong xó xỉnh, như người ta vứt bỏ gói giấy đựng bộ lòng con mèo!” - “Không, không phải thế, nhưng có những việc ta có thể làm ngay không đắn đo hoặc là không làm được nữa.” “Sự thực là ông sợ tui đổi ý mà mang nó về nhà lại… đàn ông các ông toàn là một lũ hèn!” Tôi nghĩ giờ không phải lúc nói trái ý bà nên thong thả trả lời: “Tui hiểu bà, nhưng bà phải biết rằng dù mọi việc xoay chuyển theo chiều hướng xấu cho nó thì tốt hơn vẫn là cho nó lớn lên ở Tormarancio, trong căn phòng không cầu tiêu, không bếp núc, giữa đám vi trùng mùa đông và bầy ruồi nhặng mùa hè.” Lần này thì bà không trả lời.
Chẳng ý thức mình đang đi đâu, chúng tôi theo đường quốc lộ ngược về hướng Tháp Néron. Xuống dưới một chút, tôi để ý thấy một con đường dốc, hoàn toàn vắng vẻ, chỉ có một chiếc xe hơi màu xám, cửa đóng, đỗ trước cổng nhà. Tôi chợt có một ý, đến gần chiếc xe, thử mở tay nắm, cửa xe bật ra. Tôi nói với vợ: “Mau lên, thời cơ đây rồi… bỏ thằng nhỏ ở băng ghế sau.” Bà nghe lời, mang đặt đứa bé lên ghế và đóng cửa lại. Mọi chuyện xảy ra trong vài giây, không ai nhìn thấy chúng tôi. Tôi nắm cánh tay vợ, chạy tránh xa về phía quảng trường Quirinal.
Quảng trường vắng vẻ, tối om, lác đác vài ngọn đèn rọi xuống các cung điện, vượt lên trên các lan can, ánh sáng thành phố Rome lấp lánh trong đêm. Vợ tôi đến gần bể nước, dưới chân tháp, ngồi xuống ghế và bật khóc, quay lưng về phía tôi như thể đang ngồi một mình. “Bà làm sao vậy?” tôi hỏi. “Bây giờ đã bỏ con rồi, tui thấy nhớ nó… tui thấy thiêu thiếu cái gì ở đây, ở chỗ ngực, chỗ nó hay bám víu vào.” Tôi nói không chủ định: “Dễ hiểu thôi mà… nhưng rồi mọi việc sẽ qua.” Bà nhún vai và tiếp tục khóc. Rồi đột ngột nước mắt bà ráo hoảnh, như làn gió làm tạnh cơn mưa. Bà đứng dậy, giận dữ, chỉ cho tôi thấy một trong những cung điện và nói: “Bây giờ tui biết mình sẽ đi đâu rồi, tui đi gặp ông vua và sẽ kể hết mọi chuyện.” - “Bình tĩnh đi, tôi đưa tay giữ bà lại và nói lớn… bà điên rồi, bà biết thời này còn vua chúa nào nữa đâu!” - “Tui không cần, tui sẽ nói chuyện với người nào thay thế vua… phải có ai đó chứ.” Bà sắp chạy về phía cổng vào, có Trời mới biết bà sẽ gây ra chuyện tai tiếng gì nữa nếu tôi không đột ngột lên tiếng ngoài cả dự định: “Bà nghe tui đây, tui nghĩ lại rồi… mình trở lại xe và lấy lại đứa nhỏ… bà còn muốn gì nữa, ta sẽ giữ nó… thôi thì, thêm một đứa hay bớt một đứa…”. Ý kiến này, hẳn cũng là điều bà đang nghĩ, xóa tan đi cái ý đi nói chuyện với ông vua. “Nhưng liệu nó còn đó không?” bà vừa nói vừa chạy nhanh đến con đường nơi chiếc xe màu xám đang đỗ. “Chắc chắn là còn, tôi trả lời, mới năm phút thôi chứ mấy…”.
Quả thật chiếc xe vẫn còn ở đó. Nhưng, đúng lúc vợ tôi sắp mở cửa xe thì một người đàn ông trung niên, béo lùn, vẻ mặt hách dịch, xuất hiện trước cổng và la lớn: “Dừng lại… dừng lại… bà định lấy gì trong xe tôi đó?” Vợ tôi nhoài người vào trong để ẵm lấy đứa bé trên ghế, trả lời mà không quay lại: - “Tui muốn lấy cái gì thuộc về tui.” Người đàn ông vẫn khăng khăng: “Mà bà lấy cái gì?... xe này của tôi… bà hiểu chưa, nó là của tôi…”. Phải nhìn thấy vợ tôi lúc đó. Bà đứng thẳng lên và tấn công kiểu thế này: “Không, ai thèm lấy gì của ông?... Đừng sợ, không ai lấy gì của ông hết… còn chiếc xe, coi này, tui nhổ vào nó đấy, biết chưa?...” Và thực sự bà nhổ ngay vào cửa xe. Ông kia ngơ ngác hỏi: “Nhưng mà này, cái gói gì kia? ” “Không phải cái gói, mà là con trai tui, nhìn đây này…”.
Bà để lộ khuôn mặt đứa bé chìa ra cho ông kia xem và nói tiếp: “Một thằng con trai xinh xắn thế này, bộ ông tưởng có thể tạo ra được một đứa như thế với vợ ông à… và đừng tìm cách đụng vào tui, nếu không tui sẽ la lên, gọi lính gác và báo là ông muốn bắt cóc con trai tui…”. Tóm lại là vợ tôi cứ nói, nói mãi, đến nỗi người đàn ông tội nghiệp kia, mặt đỏ bừng, mồm há hốc, chừng như sắp bị xung huyết.
Cuối cùng, vợ tôi thong thả bỏ đi, tay ôm con, trở lại chỗ tôi đứng ở cuối đường.
Thân Trọng Sơn
(Dịch từ tiếng Pháp - Le bébé - Claude PONCET
trích Nouvelles romaines- nhà xuất bản Flammarion.)
(TCSH379/09-2020)