George Saunders - Franz Kafka
GEORGE SAUNDERS
Mấy cọc sắt trước nhà
Năm nào cũng vậy, cứ vào đêm Lễ Tạ ơn, lũ chúng tôi lại lục tục kéo nhau theo chân cha, tò mò coi cha ôm bộ đồ ông già Noel đỏ viền trắng ra đường, phủ lên cái trụ sắt ráp theo hình cây thánh giá mà cha đóng sẵn nơi mé đường.
Vào tuần lễ Super Bowl, trụ sắt được “mặc” áo thi đấu, đồng thời “đội” mũ bảo hiểm của Rod; cha dặn thằng Rod muốn lấy mũ xuống, phải thưa với cha. Vào ngày 4 tháng Bảy, trụ sắt ấy là chú Sam; vào Ngày Cựu chiến binh, nó là chú lính; còn vào ngày Lễ Halloween, nó mang mặt nạ quỷ.
Dường như sự chăm chút cái trụ sắt ấy là niềm hạnh phúc duy nhất của cha.
Cha kỹ tính đến mức, cứ mỗi lần cần vẽ gì, mỗi đứa chúng tôi chỉ được phép rút ra một cây từ cái hộp bút màu sáp của cha. Vào một đêm Giáng sinh nọ, cha thậm chí hét vào tai con bé Kimmie chỉ vì nó lãng phí một lát táo. Cha đảo qua đảo lại trước mặt chúng tôi khi chúng tôi rót xốt cà chua và nhắc đi nhắc lại: Đủ rồi, đủ rồi, đủ rồi. Tiệc sinh nhật của lũ chúng tôi thường chỉ có một chiếc bánh mì nướng, chả phết kem.
Khi lần đầu hẹn người yêu tới nhà chơi, cô ấy thắc mắc hỏi tôi: “Ba anh và cây trụ sắt trước nhà có chuyện gì vậy?” và tôi cứ ngồi đó mà chớp mắt.
Lũ chúng tôi rời nhà, lập gia đình, sinh con đẻ cái, tự nhận thấy những hạt giống của lòng keo kiệt cứ nảy nở đâu đó trong tính cách của chúng tôi. Cha bắt đầu điểm tô cho trụ sắt trước nhà thêm rườm rà với những lí do ít rõ ràng hơn. Cha phủ một số loại lông thú lên đó vào Ngày Groundhog hằng năm và không quên kéo đèn pha chiếu vào để nó tỏa bóng xuống mặt cỏ(*). Dường như cha thích mùa đông kéo dài. Khi động đất xảy ra ở Chi Lê, cha đặt trụ sắt nằm nghiêng xuống và phun sơn lên một vết nứt trên mặt đất. Mẹ mất; cha trang trí đỉnh trụ sắt thành bóng hình Thần chết, đoạn treo lên hai thanh ngang mấy bức ảnh mẹ thời bé. Lũ chúng tôi tạt qua nhà, thấy những lá bùa kỳ quặc từ thời trẻ của cha được bố trí quanh chân trụ: nào huy chương quân đội, nào vé xem kịch, nào áo nỉ bạc màu, nào tuýp trang điểm của mẹ.
Một mùa thu nọ, cha sơn trụ sắt màu vàng ánh. Cũng vào mùa đông năm đó, cha phủ đỉnh trụ bằng những nhúm bông gòn để giữ cho ấm và đóng thêm sáu chiếc cọc khác bắt chéo quanh sân như thể tạo thêm bầy con. Cha chạy nhiều đoạn dây dài giữa trụ sắt và mấy cây cọc, rồi đính vào mấy sợi dây ấy những bức thư xin lỗi, nhận lỗi, cầu xin sự thông cảm, tất cả được viết bằng nét bút nguệch ngoạc trên bìa cứng. Cha lúi húi kẻ một tấm biển to ghi YÊU và treo nó lên trụ sắt, rồi một tấm biển khác ghi THA THỨ? Và sau đó, cha chết ở tiền sảnh, cạnh cha có cái radio đang mở oang oang. Chúng tôi bán nhà cho một cặp vợ chồng trẻ; họ hạ cây trụ sắt và mấy cây cọc xuống, đoạn quăng chúng ra lề đường để người ta đưa đi đổ rác.
------------------
(*) Theo truyền thống xa xưa của người Mỹ, Ngày Groundhog (ngày 2 tháng Hai) là ngày để tiên đoán liệu mùa đông có sớm kết thúc hay không. Người ta tin rằng nếu một con nhím đất nhìn thấy bóng của nó (vì mặt trời chiếu sáng vào ngày 2 tháng Hai), mùa đông sẽ kéo dài thêm sáu tuần; nhưng nếu nó không nhìn thấy bóng của nó (vì trời nhiều mây), mùa đông sẽ kết thúc sớm.
FRANZ KAFKA
“Vậy thì dẹp quách, đừng đi!”
Tảng sáng. Phố xá sạch sẽ, vắng tanh. Tôi đi bộ ra ga.
Ngước mắt nhìn đồng hồ tháp chuông, cúi mình ngó lại đồng hồ đeo tay, tôi đâm hoảng: hóa ra tôi trễ giờ rồi! Phải nhanh chân lên mới được!
Cú sốc do phát hiện điều này khiến tôi băn khoăn về hướng đi. Thực tình tôi chưa biết rõ đường đi lối lại trong cái thị trấn này.
May phước, một gã cảnh sát ở cạnh đó. Tôi lon ton đến gần, nín thở hỏi đường. Gã cười:
“Cậu muốn hỏi tôi về đường đi chứ gì?”
“Đúng vậy,” tôi đáp lẹ, “vì tôi không thể tự mình tìm đường được.”
“Vậy thì dẹp quách, đừng đi! Từ bỏ chuyện đi đứng của cậu đi,” gã nói, rồi quay mặt đi; vai gã giật thót từng hồi, cứ y như là gã đang đùa.
Trần Như Luận dịch
(TCSH382/12-2020)