Truyện dịch
Người con trai
09:56 | 18/08/2022

IVAN BUNIN

Ivan Bunin (1870 - 1953), nhà văn Nga đầu tiên được trao giải Nobel, năm 1933. Ông nổi tiếng với ‘một nghệ thuật nghiêm cẩn’, mà với nó ông ‘tiếp tục những truyền thống cổ điển Nga trong sáng tác văn thơ’.

Người con trai

Sáng tác của ông, đôi khi được gọi là ‘gấm thêu Bunin’, được coi nằm trong số ‘những tác phẩm giàu có nhất về mặt ngôn ngữ’. Bunin được những nhà phê bình Phương Tây và nhiều nhà văn bạn bè, xem như ‘người thừa kế chân chính truyền thống của chủ nghĩa hiện thực trong văn chương Nga, sáng lập bởi Tolstoy và Chekhov.’

Truyện ngắn Người con trai (The Son), in trong cuốn The Dreams of Chang and Other Stories, Ivan Bunin, Bernard Guilbert Guerney chuyển dịch sang Anh ngữ, copyright 1923 by Alfred A Knopf, Inc., New York, (pg.91-109).

                          Anh Nhi dịch và giới thiệu

 

Người con trai


Mme. Marot sinh ra và lớn lên ở Lausanne, trong một gia đình cần cù, thật thà, nghiêm khắc. Cô không kết hôn sớm, nhưng khi kết hôn, người phối ngẫu của cô thật xứng đôi.

Tháng ba năm 1876, giữa những hành khách của con tàu Pháp cũ Auvergne, chạy từ Marseilles tới Italy, có một cặp mới cưới. Những ngày hôm ấy trời mát mẻ, lặng gió; biển, chiếc gương tráng bạc, biến mất trong những con nước mù sương, đôi mới cưới gần như không bao giờ rời boong tàu. Và người ta ngưỡng mộ họ, người ta chiêm ngưỡng hạnh phúc của họ bằng nụ cười nhã nhặn: người chồng thể hiện sự hạnh phúc trong cái nhìn sắc sảo, lanh lợi, trong sự di chuyển lúc cần, trong sự tử tế giàu sức sống với mọi người xung quanh; người vợ, bằng sự thích thú hân hoan hòa hợp với mọi chuyện tầm thường vặt vãnh… Đôi mới cưới ấy là vợ chồng nhà Marots.

Anh hơn cô khoảng mười tuổi; anh thấp, mặt ngăm đen, tóc xoăn, bàn tay gầy guộc, giọng vang. Nhưng ở cô người ta cảm thấy có sự trộn lẫn của dòng máu nào đó ngoài dòng máu Latin. Cô hình như hơi quá cao một chút, mặc dầu vòng eo tuyệt đẹp; dù tóc cô đen, mắt xanh xám. Họ du lịch qua thành phố Naples, Palermo và Tunis tới Constantine của Algeria, nơi anh được bổ nhiệm một vị trí khá quan trọng. Và cuộc sống ở Constantine mười bốn năm trôi đi từ mùa xuân hạnh phúc ấy đã cho họ mọi thứ thường làm người ta toại nguyện: Một thu nhập đủ cho cuộc sống sung túc, gia đình hòa thuận, sức khỏe và những đứa con xinh đẹp.

Trong mười bốn năm này vợ chồng nhà Marot ngoại hình đã thay đổi rất nhiều: Gương mặt anh đen giống như mặt người Arab, anh tóc đã bạc và nhăn nheo vì công việc, vì phải di chuyển đi lại nhiều, vì thuốc lá, và vì ánh nắng, - nhiều người đã nhầm anh với người Algeria bản xứ; cũng không ai nhận ra được cô là người phụ nữ từng là hành khách trên con tàu Auvergne ấy: Hồi ấy, cả chiếc giày cô đặt ngoài cửa ban đêm cũng có sự mê hoặc của tuổi trẻ; bây giờ tóc cô đã có nhiều ánh bạc; da cô mịn hơn và rạng rỡ hơn, bàn tay gầy hơn, và trong sự chăm sóc đôi tay, làn da, trong cách làm tóc, trong sự phục sức của mình, cô đã để lộ ra sự tế nhị hơi thừa thãi. Mối quan hệ của họ cũng thay đổi, tất nhiên, mặc dù không ai nói là nó xấu đi. Và mỗi người họ sống một cuộc sống cá nhân riêng: thời gian của anh choán hết bởi công việc, - anh vẫn đam mê, và đồng thời, một người đàn ông nghiêm trang như trước: cô phải chăm sóc anh, chăm sóc bọn trẻ - hai cô con gái rất xinh đẹp, mà cô chị giờ đây gần như đã là một thiếu nữ, - và mọi người nhất trí tuyên bố rằng cả Constantine không có một bà quản gia nào, một người mẹ nào đảm đang, hoặc một người duyên dáng để nói chuyện trong phòng khách, hơn cô Mme. Marot.

Ngôi nhà của họ nằm trên con phố sạch sẽ và yên tĩnh. Từ tầng hai, ngoài phòng khách, luôn tối mờ mờ bởi những cửa chớp đóng kín, có thể nhìn thấy Constantine, nổi tiếng cả thế giới bởi vẻ đẹp như tranh vẽ của mình: Pháo đài cổ của người Arab này đã trở thành một thành phố Pháp, nằm trên những vách đá dốc. Những cửa sổ của phòng khách, tối và lạnh, nhìn xuống khu vườn, - ở đó, trong ánh nắng chói chang triền miên, cây khuynh diệp già, những cây tiêu huyền, và những cây cọ ngủ gà gật, đằng sau những bức tường bao cao lớn. Ông chủ thường xuyên vắng nhà vì chuyện công vụ. Bà chủ nhà thì sống cuộc sống chật hẹp mà, ở những thuộc địa, các bà vợ của người châu Âu nào cũng buộc phải sống. Vào các ngày Chủ nhật cô luôn đi nhà thờ. Vào những ngày cuối tuần cô hiếm khi ra ngoài và tự giới hạn trong một giới nhỏ, chọn lọc. Cô đọc sách, bận rộn với việc thêu thùa, chuyện phiếm với bọn trẻ hoặc tham gia vào các bài học của chúng; thi thoảng, đặt cô bé Marie mắt đen, con gái út của mình, lên đầu gối, và chơi dương cầm bằng một tay, cô sẽ hát những bài hát Pháp xưa cũ, để làm những ngày châu Phi dài đằng đẵng ngắn lại, trong khi một trận gió nóng tràn vào từ vườn qua những cửa sổ mở rộng… Constantine, dưới ánh nắng khắc nghiệt và với tất cả những cửa chớp đóng kín của nó, dường như, vào những giờ này, một thành phố chết: Chỉ những con chim sẻ kêu vang đằng sau những bức tường của khu vườn, và nghe ra thê lương, với nỗi hoài niệm của những vùng đất thuộc địa, âm vang tiếng trumpet của người lính kèn ở những gò đồi phía trên thành phố, nơi thi thoảng súng đại bác làm mặt đất rung chuyển bằng một tiếng rền vang tẻ ngắt, và người ta nhìn thấy chiếc mũ trắng của những người lính nhấp nháy.

Những ngày tháng ấy ở Constantine trôi qua đơn điệu, nhưng không ai từng để ý thấy Mme. Marot phiền muộn vì nỗi đơn điệu ấy. Trong tính cách của cô, tao nhã và trinh trắng, chưa bao giờ xuất hiện bất cứ sự nhạy cảm cao độ nào, cũng không có bất cứ sự căng thẳng dư thừa nào. Cô không thể nói là khỏe mạnh được, nhưng sức khỏe của cô chưa bao giờ làm Monsieur Marot hoảng sợ cả. Duy một lần tình cờ làm anh phải chú ý: Một lần, ở Tunis, một pháp sư Arab đã nhanh chóng đưa cô vào một giấc ngủ sâu, mà cô rất khó khăn để tỉnh lại. Nhưng chuyện này dù vậy xảy ra vào cuộc hành trình từ Pháp của họ; từ đó cô ấy không trải nghiệm bất cứ sự suy sụp đột ngột về sức khỏe tinh thần như thế, không có bất cứ xu hướng dễ tổn thương có hại như thế nữa. Và Monsieur Marot hạnh phúc, thư thái, và bị thuyết phục rằng tâm hồn cô bình lặng và như một cuốn sách mở với anh. Và nó thực sự là thế, thậm chí suốt năm cuối cùng - năm thứ mười bốn của cuộc sống gia đình anh… Nhưng giờ đây xuất hiện ở Constantine một chàng Emile du Buys nào đó.

Emile du Buys, con trai của Mme. Bonnet, một người bạn cũ và thân thiết của gia đình Marot, mới mười chín tuổi. Mme. Bonnet, bà góa của một kĩ sư, cũng có một cô con gái, Eliza, ngoài Emile, người sinh ra trước cuộc hôn nhân. Cậu lớn lên ở Pháp và đang học luật; nhưng hơn cả, cậu dành hết thời gian làm những bài thơ mình cậu hiểu, và tự gắn mình với một trường phái thi ca tưởng tượng, “Những kẻ tìm kiếm”. Vào tháng năm 1889, Eliza chuẩn bị kết hôn thì lâm bệnh và vài ngày sau thì mất. Emile, người cho đến nay chưa bao giờ đến Constantine, đã tới dự tang lễ. Dễ hiểu cô Mme. Marot xúc động thế nào bởi cái chết này, - cái chết của một cô gái đang thử mạng che mặt cô dâu; mọi người cũng biết ở hoàn cảnh như thế sự thân mật sẽ hình thành, thậm chí giữa những người gần như không biết nhau. Hơn nữa, Emile trong thực tế chỉ là một cậu bé với cô Mme. Marot. Ngay sau đám tang, Mme. Bonnet tới Pháp, với những người họ hàng của mình. Emile ở lại Constantine, ở ngôi nhà ngoại ô của người cha dượng đã mất của cậu, - ở Villa Hassim, như nó được gọi thế trong thành phố, - và bắt đầu tới thăm nhà Marot gần như hàng ngày. Cho dù cậu sẽ trở thành một gã trai thế nào, hoặc cậu có thể giả bộ là bất cứ thứ gì, cậu, cho dù vậy, rất trẻ, rất nhạy cảm, và cần những người cậu có thể tìm nơi nương tựa một thời gian. “Và không lạ sao,” vài người nói, “cô Mme. Marot trở nên không thể nhận ra được! Cô ấy sôi nổi làm sao; cô ấy đẹp ra biết bao!”

Tuy nhiên, những lời bóng gió này là vô căn cứ. Lúc đầu nó hoàn toàn có nghĩa rằng con người cô ấy trở nên vui tươi hơn chút xíu, và những cô con gái của cô trở nên tinh nghịch và đỏm dáng, với Emile, từng phút một quên đi nỗi u buồn của mình và ảnh hưởng độc hại mà, như cậu nghĩ, cuộc giao thời của thế kỷ1 đã đầu độc mình, đã ầm ĩ om sòm lên hàng giờ khi ở cùng chúng, giống hệt đám trẻ con ấy. Tất nhiên cậu, sau cùng, vẫn là một người đàn ông, một người Paris, và bản tính hoàn toàn không tầm thường; cậu can dự vào cuộc sống mà những nhà văn Paris sống, khó hiểu với đám người tầm thường; thường thì, với một cách diễn cảm hơi mộng du, cậu sẽ đọc những câu thơ lạ lùng nhưng gây ấn tượng mạnh; và, có thể chính nhờ cậu mà bước chân của Mme. Marot trở nên nhẹ nhàng và nhanh nhẹn hơn, nhà cửa trang hoàng sáng sủa hơn, và âm sắc giọng nói của cô ân cần và giễu cợt hơn; sau hết, là chút ít niềm vui hoàn toàn nữ tính trong tâm hồn cô bởi ở đây có một chàng trai, người có thể ra oai một chút, người có thể phần nào nói với giọng kẻ cả đùa cợt bằng sự tự do được cho phép một cách hết sức tự nhiên bởi khoảng cách tuổi tác giữa họ. Và cũng vì ở đây có người hết sức tận tâm với cả nhà cô, - nơi, tuy nhiên, người quan trọng nhất với cậu (điều này, tất nhiên được phơi bày rất mau) không ai khác ngoài cô. Sau rốt, mọi chuyện mới thường tình làm sao! Nhưng phần lớn câu chuyện cậu chỉ xót thương cô.

Cậu, người thành thật nghĩ rằng mình là một nhà thơ bẩm sinh, cũng muốn có vẻ ngoài giống một nhà thơ; cậu để tóc dài, và hất ngược ra sau; cậu ăn mặc với sự trang nhã nghệ sĩ; cậu có mái tóc nâu đẹp, hợp với gương mặt xanh xao, cả bộ y phục màu đen cũng hợp với gương mặt; nhưng sự xanh xao này quá thiếu máu, mang vẻ vàng vọt; đôi mắt cậu luôn lấp lánh, nhưng, bởi vì gương mặt kiệt quệ, chúng như là đang lên cơn sốt; và ngực cậu quá mỏng và phẳng, đôi chân quá gầy, hai bàn tay quá xương xẩu, đến mức cậu dễ dàng trở nên hơi ốm yếu khi sôi nổi thái quá và chạy khắp con phố hoặc khu vườn, hơi cúi về phía trước, như thể cậu đang trượt, để giấu đi khuyết điểm, - cậu có một chân ngắn hơn chân còn lại. Trong xã hội cậu cau có, kiêu ngạo; cậu cố tỏ ra bí ẩn, ơ thờ; hoặc, đôi lúc, xấc xược, không lễ phép một cách tao nhã, lúc khác đãng trí một cách khinh khỉnh và vô tư trong mọi chuyện; nhưng chỉ là quá thường xuyên cậu không đóng vai của mình cho đến hết vở, - cậu sẽ quên vai diễn vủa mình và bắt đầu nói năng bằng một sự bốc đồng và chút ngay thẳng khờ khạo. Và, tất nhiên, cậu không sao giấu tình cảm của mình được lâu, không sao giả bộ như một kẻ không tin vào tình yêu và hạnh phúc ở thế gian này: cả nhà nhanh chóng biết cậu đang yêu. Cậu đã bắt đầu làm ông chủ nhà phát chán với những cuộc viếng thăm của mình; cậu bắt đầu mang đến hàng ngày, những bó hoa quý hiếm nhất từ biệt thự của mình, ngồi ở nhà Marot từ sáng đến tối, đọc thuộc những câu thơ càng ngày càng khó hiểu, - bọn trẻ lắng nghe cậu, hơn một lần, khẩn nài người nào đó chết cùng cậu; trong khi đó ban đêm cậu bắt đầu có thói quen biến mất trong những khu phố của người bản xứ, trong những quán rượu nhếch nhác nơi người Arab, trùm những chiếc áo choàng2 trắng bẩn thỉu của họ, hau háu xem những màn múa bụng và uống thứ rượu cay nhất trần đời… Nói ngắn gọn, thậm chí không phải một tháng rưỡi đã trôi qua trước khi người yêu của cậu bước vào chỉ Chúa mới biết là chuyện gì.

Thần kinh của cậu ngừng phục vụ cậu. Có lần cậu ngồi im lặng gần một ngày; rồi đứng dậy, lấy mũ, và ra ngoài, - và nửa giờ sau được mang vào từ ngoài đường trong tình trạng khủng khiếp: cậu quằn quại trong cơn kích động; cậu đang nức nở quá thảm thiết đến mức làm cả bọn trẻ lẫn người giúp việc hoảng sợ. Nhưng Mme. Marot, dường như, không gắn bất cứ ý nghĩa đặc biệt nào ngay cả với cơn kịch phát cảm xúc này. Chính cô hồi phục ý thức của cậu, chính cô vội vàng thoát cà vạt của cậu và thuyết phục cậu cư xử cho ra một người đàn ông, và cô chỉ mỉm cười khi cậu, không chút kiềm chế bất kể trước mặt chồng cô, chộp lấy tay cô, phủ lên chúng những cái hôn và thề thốt sự hiến dâng vô tư của cậu. Nhưng, cần phải chấm dứt mọi chuyện này. Và bởi vậy khi Emile, người những đứa trẻ sớm nhớ nhung, lại xuất hiện vài ngày sau cơn kịch phát đó, đã bình tĩnh lại, mặc dù trông cậu giống người vừa trải qua một trận ốm nặng, Mme. Marot dịu dàng bảo cậu những lời mà người ta thường nói trong những hoàn cảnh thế này.

“Bạn tôi, cháu thực sự giống như một đứa con trai với tôi,” cô nói với cậu, lần đầu tiên nói ra từ, “con trai,” và thực sự cảm thấy gần như một sự ân cần của người mẹ dành cho cậu. “Đừng, bởi vậy, đặt tôi vào tình thế đau khổ và lố bịch.”

“Nhưng tôi thề với cô là cô nhầm rồi!” Cậu la lên, với sự mãnh liệt nghiêm chỉnh và tha thiết. “Tôi chỉ hiến dâng cho em; tôi chỉ muốn gặp em, chỉ thế thôi!”

Và cậu đột nhiên quỳ xuống, - họ đứng trong vườn trong buổi tối nhập nhoạng, ngột ngạt, lặng gió, - một cách bốc đồng chộp lấy hai bên hông cô, gần như ngất đi vì cơn bộc phát tình cảm nồng nhiệt… Và nhìn lên tóc, lên chiếc cổ mảnh khảnh của cậu, cô, với sự thống khổ tận cùng và vui sướng ngất trời, nghĩ ngợi:

“À, - đúng, đúng, mình có thể đã có một đứa con trai gần bằng cậu ấy!”

Nhưng, từ lúc đó cho tới chuyến đi Pháp của mình, cậu cam kết không hành động điên rồ thêm nữa. Về bản chất điều này là xấu; nó có thể cho thấy đam mê của cậu càng mãnh liệt hơn. Nhưng từ đó trở đi mọi chuyện chuyển biến tốt đẹp hơn, - chỉ duy có một lần khác cậu không kiềm chế nổi mình. Sau bữa tối một ngày Chủ nhật, trong sự có mặt của vài người lạ, cậu nói với cô, mà không nghĩ ngợi chút gì rằng chuyện này có thể gây chú ý:

“Tôi tha thiết xin cô ban cho một phút…”.

Cô đứng dậy và đi với cậu vào phòng khách không người và mờ tối. Cậu bước tới cửa sổ, ánh sáng buổi tối lọt vào từ bên ngoài thành những vệt dài mảnh, và, nhìn thẳng vào mặt cô, nói:

“Hôm nay là ngày giỗ bố tôi. Tôi yêu em!”

Cô quay người bỏ đi. Sợ hãi, cậu vội vàng nói thêm khi cô đang bỏ đi:

“Tha thứ cho tôi, - đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng!”

Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Và thực sự, cô không nghe thêm một lời thú nhận nào từ cậu nữa. “Mình bị mê hoặc bởi sự bối rối của cô ấy,” cậu viết trong nhật ký vào tối đó, bằng một văn phong khoa trương và chọn lọc. “Mình thề không phá rối sự yên bình của cô ấy nữa: vì mình, cho dù thế này, chẳng phải được ban phước rồi sao?” Cậu vẫn vào thành phố, - cậu chỉ ngủ ở biệt thự Villa Hassim; và cách cư xử của cậu bất nhất, nhưng cậu vẫn chú ý đến sự lịch thiệp ít nhiều. Đôi lúc cậu, như trước đây, tinh nghịch một cách thái quá, khờ khạo, nô đùa với lũ trẻ trong vườn; thường xuyên hơn cả, tuy nhiên, cậu ngồi cạnh cô và “say sưa ngắm nhìn sự hiện diện của cô,” đọc báo và tiểu thuyết cho cô, và “hạnh phúc bởi vì cô lắng nghe cậu.” “Bọn trẻ không làm phiền bọn mình,” cậu viết về những ngày này, “giọng nói, tiếng cười, sự lăng xăng của chúng, chính sự tồn tại của chúng, dường như đóng vai trò như chất xúc tác đẹp đẽ nhất cho những cảm xúc của chúng mình; nhờ chúng những cảm xúc này cho dù thế còn say mê hơn; chúng mình nói những điều thông thường nhất của những cuộc trò chuyện hàng ngày, nhưng điều gì đó khác có thể được nghe thấy trong chúng, - niềm hạnh phúc của bọn mình; đúng, - đúng; cô ấy, cũng hạnh phúc, mình xác nhận điều này. Cô ấy thích nghe mình đọc thơ, vào những buổi tối, từ ban công, chúng mình thưởng ngoạn Constantine nằm dưới chân tụi mình trong ánh trăng xanh…”. Cuối cùng, vào tháng tám, Mme. Marot nhất định đòi cậu ra đi, trở lại việc học hành, - và đạt được mục đích; và trên đường đi3 cậu viết vào nhật ký: “Mình ra đi! Ra đi, bị đầu độc bởi niềm khoái cảm cay đắng của chia ly! Cô ấy ban tặng mình, khi chia tay, mẩu ruy băng nhung cô ấy quàng trên cổ hồi con gái. Phút cuối, cô ấy chúc phúc mình, và mình nhìn thấy ánh lấp lánh ẩm ướt trong mắt cô ấy khi cô nói: ‘Tạm biệt, con trai yêu quý của tôi!…’”

Liệu cậu có đúng không khi đoán rằng Mme. Marot cũng hạnh phúc trong tháng tám, thì không ai biết. Nhưng cuộc ra đi của cậu được nhận thấy là gây đau đớn cho cô thì không nghi ngờ gì nữa. Từ “con trai” này, thậm chí kích động cô từ trước, bây giờ mang một ấn tượng đối với cô đến nỗi cô không thể nghe thấy nó mà lòng bình yên. Ngay cả trước đây, trên đường tới nhà thờ gặp những người bạn, đùa cợt với cô: “Cô sẽ cầu nguyện gì đây chứ, Mme. Marot; cô chẳng có tội lỗi và hạnh phúc gì!” cô, hơn một lần, đáp lại với nụ cười buồn: “Tôi phàn nàn với Chúa vì ngài tước mất của tôi đứa con trai…”. Giờ ý nghĩ về một người con trai, về hạnh phúc cậu sẽ không ngừng trao tặng cô chỉ với tồn tại của mình trong cuộc đời, không bao giờ rời bỏ cô. Và một lần, không lâu sau khi Emile ra đi, cô nói với chồng mình:

“Bây giờ em hiểu hết rồi! Em giờ biết chắc chắn, rằng mỗi bà mẹ nên có một đứa con trai; rằng người phụ nữ nào không có con trai, thì cô ấy sẽ không làm gì ngoài chuyện suy nghĩ về chính mình, xem xét lại toàn bộ cuộc đời mình, sẽ thấy mình không hạnh phúc. Anh là đàn ông, anh không thể hiểu cảm giác này, nhưng nó là như vậy… Ồ, người ta có thể yêu một đứa con trai mãnh liệt và dịu dàng biết bao!”

Cô đối xử rất tốt với chồng vào mùa thu ấy. Đôi lúc, khi còn lại một mình với anh, cô ngượng nghịu nói với anh:

“Hector, anh nghe này… Em thấy xấu hổ khi giờ hỏi anh điều này, - nhưng dù vậy… Anh có từng nhớ tháng ba của “năm bảy mươi sáu?... À, nếu như anh và em có một đứa con trai!”

Tất cả những chuyện này làm tôi hết sức bối rối,” Monsieur Marot nói sau đó, - “nó làm tôi bối rối thậm chí còn hơn cả trước đây bởi vì cô ấy bắt đầu gầy đi rất nhiều. Cô ấy yếu đi, càng lúc càng cư xử lặng lẽ và dịu dàng. Cô ấy càng ngày càng ít lui tới chỗ bạn bè, - cô ấy tránh phải đi vào thành phố trừ khi không thể không đi… Tôi không ngờ rằng sự đau ốm nghiêm trọng và khó hiểu nào đó đang chiếm lấy tâm hồn và thể xác cô ấy!” Trong khi trông trẻ4 nói thêm rằng, bất cứ khi nào cô Mme. Marot ra khỏi nhà vào mùa thu ấy, cô luôn đeo chiếc mạng trắng dầy, - điều mà cô chưa bao giờ làm trước kia; rằng, về nhà, cô sẽ lập tức vén chiếc mạng trước gương và nhìn chăm chú vào gương mặt mệt mỏi của mình. Giải thích điều gì đang diễn ra trong tâm hồn cô lúc ấy là thừa. Nhưng cô có muốn gặp Emile, cậu có viết cho cô, và cô có trả lời cậu không? Cậu trình ra hai bức thư trước tòa, ngụ ý được gửi cho cậu, để trả lời thư của cậu. Một bức đề ngày mười tháng mười một: “Cậu đang làm tôi phát điên. Hãy trấn tĩnh lại. Cho tôi biết tin tức hiện thời của cậu.” Bức còn lại, ngày hai ba tháng mười hai: “Không, không, đừng tới, tôi xin cậu. Nghĩ về tôi, yêu tôi, như một người mẹ.” Nhưng những bức thư này có chắc được gửi từ cô hay không thì không thể chứng minh được, tất nhiên. Duy nhất có một điều chắc chắn là, - từ tháng chín tới tháng một Mme. Marot đã sống đầy đau khổ, âu lo và muộn phiền.

Cuối thu năm đó ở Constantine mưa lạnh. Rồi, giống như mọi khi ở Algeria, một mùa xuân đẹp mê hồn đã tới. Và một sức sống, - niềm phấn khởi thấm thía, vui sướng mà những người đã bỏ tuổi xuân lại đằng sau, cảm thấy vào lúc bung nở của mùa xuân, - một lần nữa trở lại với Mme. Marot. Cô lại bắt đầu ra ngoài; hay ngồi xe ra ngoài với những đứa con, đi với chúng tới vườn của biệt thự Villa Hassim hiu quạnh; cô đã ngẫm nghĩ về một chuyến tới Algiers, - cho bọn trẻ thấy Blidah, gần đấy, trên những dãy núi, có một hẻm um tùm cây cối, chốn yêu thích của đám khỉ… Cứ thế những chuyện ấy tiến thẳng tới ngày mười bảy tháng một năm 1890. Vào ngày mười bảy tháng một, cô thức dậy từ cảm xúc dịu dàng và vui sướng khác thường nào đấy, mà, vì thế dường như với cô, đã kích động cô cả đêm dài. Trong căn phòng lớn nơi cô ngủ một mình, chồng cô đã đi vắng một thời gian dài vì chuyện liên quan đến chức vụ của mình, căn phòng gần như tối bởi những cánh cửa chớp và rèm cửa. Nhưng, nhờ màu xanh nhàn nhạt lọt vào sau chúng, người ta biết trời vẫn sớm. Và, để xác nhận, chiếc đồng hồ nhỏ trên bàn đầu giường chỉ sáu giờ. Với cảm giác thích thú vì sự tươi mát buổi sáng tràn vào từ ngoài vườn, cô cuộn mình trong chiếc chăn mỏng và quay vào tường… “Tại sao mình cảm thấy dễ chịu quá?”, cô nghĩ, lơ mơ ngủ. Và, giống như những ảo ảnh đẹp đẽ, mơ hồ, những hình ảnh Italy, Sicily, bắt đầu hiện ra trước mặt cô, những hình ảnh của mùa xuân xa xôi ấy khi cô đi lại trong căn phòng có những cửa sổ nhìn ra boong tàu, trong ánh bạc lạnh lẽo của mặt biển; một căn phòng với những bức màn lụa đỏ, đã quăn lại và bạc màu bởi thời gian, và với một bậc cửa cao lấp lánh bằng đồng thau đã cũ mòn vì nhiều năm lau chùi… Rồi cô nhìn tất những cái vịnh bao la của biển; những đầm phá, những đồng bằng, một thành phố lớn của người Arab, hoàn toàn trắng, với những mái nhà phẳng, và những gò đồi xanh rì, phủ sương, mấp mô phía trên nó. Đây là Tunis, nơi cô đã đến có một lần thôi, vào mùa xuân ấy lúc cô ở Naples, và ở Palermo… Nhưng một đợt lạnh dường như thổi qua người cô, - và, với cái rùng mình, cô mở mắt. Đã đến chín giờ; người ta có thể nghe thấy giọng nói của bọn trẻ, giọng nói của cô bảo mẫu5. Cô ngồi dậy, choàng áo khoác6, và, ra ban công, bước xuống vườn và ngồi xuống chiếc xích đu, dựng trên cát cạnh cái bàn tròn dưới cây trinh nữ nở hoa, đang trải vòm lá vàng phía trên đầu, tỏa hương ngào ngạt dưới ánh nắng. Người hầu gái mang cho cô cốc cà phê. Cô bắt đầu nghĩ về Tunis, và nhớ đến trải nghiệm lạ lùng mà cô đã trải qua đó, nỗi sợ hãi ngọt ngào và sự chối bỏ lý trí một cách vui sướng đó, giống như trải nghiệm thời khắc trước khi chết, - một trải nghiệm cô đã trải qua trong cái thành phố xanh nhợt ấy trong một buổi chạng vạng ấm áp đó, nằm ngửa trong chiếc xích đu trên mái nhà, mơ hồ nhìn thấy gương mặt ngăm đen của người thôi miên và pháp sư, ngồi xổm trước mặt, đưa cô vào giấc ngủ với giọng ê a đơn điệu, gần như không nghe thấy gì, và bằng những cử động chậm chạp của đôi bàn tay gầy guộc. Và đột nhiên, ngay khi cô đang nghĩ về chuyện đó và một cách máy móc mở to mắt nhìn vào tia sáng bạc lấp lánh của chiếc thìa trong cốc nước, cô thình lình mất hết tỉnh táo. Và khi cô tỉnh táo trở lại với một cái giật mình, Emile đang đứng trước mặt cô. Mọi chuyện xảy ra sau cuộc gặp không trông đợi này được biết đến qua lời của chính Emile, - từ câu chuyện của cậu, từ câu trả lời những câu hỏi điều tra của cậu. “Đúng, tôi ghé vào Constantine như thể từ trên trời rơi xuống!” cậu nói. “Tôi tới bởi vì tôi hiểu rằng sức mạnh của chính thiên đàng cũng không thể ngăn cản nổi tôi. Vào sáng ngày mười bảy tháng một, một mạch từ ga tàu, không một lời báo trước, tôi xuất hiện ở nhà Monsieur Marot và chạy vào vườn. Tôi chết lặng trước những gì mắt tôi bắt gặp; tôi gần như không thể bước đi khi cô tỉnh dậy. Cô ấy, dường như, cũng kinh ngạc, vừa vì không trông đợi sự xuất hiện của tôi, và vì những điều cô ấy vừa trải qua; nhưng cô ấy thậm chí không thốt ra một lời. Nhìn tôi, như một người vừa tỉnh lại sau một giấc ngủ sâu, cô đứng dậy, vuốt tóc cho ngay ngắn.

“Đây chính là điều tôi linh cảm,” cô ấy nói, bằng cách nào đấy không có bất cứ một biểu cảm nào. “Cậu không vâng lời tôi!”

“Và với một cử chỉ quen thuộc, cài cúc trước ngực áo choàng7, cô bưng lấy đầu tôi bằng hai tay và hôn vào trán tôi hai lần.

“Tôi mất trí vì vui sướng và mê say, nhưng cô dịu dàng đẩy tôi sang một bên và nói:

“‘Chúng ta đi, tôi chưa thay quần áo, - Tôi sẽ trở lại ngay, tới với bọn trẻ….’

“‘Nhưng, vì Chúa, chuyện gì với cô vậy?’ Tôi hỏi, đi theo cô tới ban công.

“À, chuyện không đáng kể gì đâu - hơi mất tỉnh táo chút thôi. Tôi nhìn quá lâu vào chiếc thìa sáng chói quá,’ cô trả lời, lấy lại bình tĩnh, và bắt đầu nói chuyện sống động hơn. ‘Nhưng cậu đã làm gì đây, cậu đã làm gì đây!’

“Tôi không tìm thấy bọn trẻ ở chỗ nào hết; ngôi nhà vắng lặng; tôi ngồi trong phòng khách. Đột nhiên tôi nghe cô ấy bắt đầu hát ở trong căn phòng đằng xa bằng một giọng mạnh mẽ, vang vọng, nhưng tôi khi đó không hiểu tất cả nỗi kinh hoàng của âm thanh đó, bởi tôi hoàn toàn run rẩy trong sự kích động căng thẳng. Tôi không ngủ cả đêm; tôi đếm từng phút trên chiếc tàu phóng tôi về Constantine; tôi đâm sầm vào chiếc xe ngựa8 đầu tiên tôi gặp khi chạy khỏi nhà ga; tôi không mong đi tới đỉnh của thành phố… Tôi biết, tôi, cũng, có dự cảm rằng, việc tôi đến đây sẽ gây nguy hiểm chí mạng cho chúng tôi; dù vậy tôi không thể trông đợi điều tôi nhìn thấy trong vườn, cuộc gặp gỡ bí ẩn này, và sự thay đổi nhanh chóng như thế trong thái độ của cô ấy với tôi. Sau mười phút, cô bước ra với mái tóc đã chải, trong y phục xám nhạt.

“‘À,’ cô nói, khi tôi hôn bàn tay cô, ‘nhưng tôi quên mất hôm nay là Chủ nhật, và bọn trẻ ở nhà thờ; mặt khác, tôi ngủ quá giấc… Bọn trẻ sẽ tới khu rừng thông sau nhà thờ, - cậu đã từng đến đấy chưa?’

“Và, không đợi tôi trả lời, cô rung chuông, gọi cà phê cho tôi, và, ngồi xuống, bắt đầu nhìn tôi chăm chú, và, không lắng nghe, bắt đầu hỏi tôi sống thế nào, tôi đã làm gì. Cô ấy bắt đầu nói về chính mình, về chuyện rằng sau hai hay ba tháng, mà đã rất tồi tệ với cô, trong thời gian ấy cô già đi khủng khiếp, - những lời này nói ra với một kiểu cười khó hiểu, - cô ấy cảm thấy khỏe, trẻ hơn bao giờ hết… Tôi đáp, tôi lắng nghe, nhưng không hiểu nhiều lắm; cả hai chúng tôi nói mọi chuyện chỉ trừ điều chúng tôi muốn nói; hai bàn tay tôi trở nên lạnh giá vì thời khắc cuối cùng đáng sợ, không tránh được ấy đang tới gần. Tôi không phủ nhận tôi như thể bị sét đánh khi cô ấy nói ‘tôi đã già…’. Tôi đột nhiên nhận ra cô nói đúng: trong sự gầy guộc của hai bàn tay, và của gương mặt héo hon, cho dù thực sự đã trẻ lại, trong sự mảnh khảnh của chút hình dáng cơ thể, tôi bắt được dấu hiệu của điều làm trái tim chúng tôi thắt lại quá đau đớn và thậm chí ngượng ngùng thế nào đó, - nhưng đam mê hơn bao giờ hết, - khi nhìn một phụ nữ già đi. ‘À, đúng rồi, cô ấy thay đổi nhanh chóng và đột ngột làm sao!” Tôi nghĩ ngợi. Nhưng cô ấy thật đẹp, cho dù thế. Tôi say đắm khi nhìn cô. Tôi dần quen với việc mơ về cô ấy không ngừng; tôi không quên thời khắc ấy, vào tối ngày mười một tháng bảy, tôi lần đầu ôm lấy hai đầu gối cô ấy. Bàn tay cô, cũng hơi run rẩy, khi cô vuốt kiểu tóc9 cho ngay ngắn, mỉm cười, và nhìn tôi; và đột nhiên - anh sẽ hiểu tất cả sức mạnh thảm khốc của thời khắc này - đột nhiên, nụ cười méo mó, theo cách nào đó; và, một cách khó khăn, nhưng kiên quyết, cô nói:

“‘Dù vậy, cậu nên về nhà, nghỉ ngơi sau chuyến đi; trông cậu thật kinh khủng; đôi mắt đầy sợ hãi, đau khổ và đôi môi cháy bỏng như thế của cậu, tôi không đủ sức để nhìn nữa… Cậu có muốn tôi tới không? - Tôi sẽ đến đó cùng cậu…’

“Và, không cho tôi trả lời, cô đứng dậy và đi lấy mũ và áo choàng…

“Chúng tôi nhanh chóng tới biệt thự Villa Hassim. Tôi nấn ná ở lối vào, để hái vài bông hoa. Cô ấy không đợi tôi, tự mở cửa. Tôi không có người giúp việc; chỉ có người trông nom, - anh ta không trông thấy chúng tôi. Khi tôi bước vào phòng chờ, nóng và hơi tối bởi những cửa chớp đang đóng, và trao cho cô bó hoa, cô hôn chúng, rồi ôm lấy tôi bằng một tay, cô hôn tôi. Vì mối xúc động của mình mà đôi môi cô nóng ran, nhưng giọng nói rõ ràng.

“‘Nhưng nghe này… làm sao chúng ta sẽ… anh có mang bên mình thứ gì không?’ Cô hỏi.

“Tôi lúc đầu không hiểu cô, - vì nụ hôn đầu ấy, vì từ ‘anh’ thân mật đầu tiên làm tôi choáng ngợp, - và tôi lắp bắp:

“‘Em muốn nói gì?’

“Cô ấy bước lùi lại.

“‘Trời!’ Cô nói trong kinh ngạc, gần như nghiêm nghị. ‘Anh có thể nghĩ là em… là chúng ta có thể sống được sau chuyện này ư? Anh có mang gì mà mình có thể chết được không?’

“Tôi trấn tĩnh lại và vội vàng cho cô xem khẩu súng lục đã nạp năm viên đạn, tôi luôn mang theo.

“Cô ấy nhanh chóng đi tiếp, từ phòng này sang phòng khác. Khắp nơi ánh sáng nhập nhòa. Chỉ nghe thấy tiếng sột soạt chiếc váy lụa của cô, tôi đi theo cô, với sự rối loạn của tất cả các giác quan, mà với chúng một người đàn ông trần truồng trong một ngày oi nóng, bước xuống biển. Cuối cùng, chúng tôi tới cuối cuộc hành trình; cô ném chiếc áo khoác và bắt đầu tháo ruy băng của chiếc mũ. Bàn tay cô vẫn run rẩy, và hơn một lần tôi để ý thấy qua bóng tối mờ mờ, có gì đó đáng thương và mệt mỏi trên gương mặt cô…

“Nhưng cô ấy chết không chút do dự. Trong những giây phút cuối cùng cô ấy hoàn toàn biến đổi. Hôn tôi, và cúi người xuống để nhìn mặt tôi, cô nói với tôi, thì thầm, vài lời quá đỗi dịu dàng và xúc động đến mức tôi không đủ sức để nhắc lại.

“Tôi muốn đi hái mấy bông hoa nữa, để rải lên xe tang. Cô không cho tôi đi, cô ấy vội vã, cô nói: ‘Đừng, đừng, không cần thiết… có nhiều hoa rồi… đây là những bông hoa của anh’ - và cô ấy nhắc đi nhắc lại:

“‘Vậy, em giao cho anh nhiệm vụ, bằng tất cả những gì anh coi là thiêng liêng, anh phải giết em!’

“‘Ừ, sau đó là giết anh,’ tôi nói, không chút nghi ngờ gì quyết tâm của mình.

“‘Ôi, em tin anh, em tin anh!’ Cô trả lời, lúc này như thể đang hôn mê…

“Một phút trước khi chết cô nói, rất thanh thản nhưng giản dị: ‘Chúa tôi, đây là một chiến công không tên!’

“Và lặp lại:

“‘Hoa anh tặng em đâu rồi? Hôn em - lần cuối cùng.’

“Chính cô ấy đặt họng súng lên thái dương. Tôi muốn bắn, nhưng cô ngăn lại:

“‘Không, thế không đúng, - để em chỉ anh đúng cách. Đây, như thế, con trai… Và sau đó hãy làm dấu thánh giá lên em, và đặt những bông hoa lên ngực em….’

‘Khi tôi bắn, đôi môi cô ấy hơi rung động. Tôi bắn một lần nữa…

‘Cô ấy nằm đó, bình thản; trong cái nhìn đã tắt có chút ân phước cay đắng. Tóc cô trải dài; một chiếc lược mai rùa quăng trên sàn. Xoay người, tôi ngồi dậy, để tự kết liễu. Nhưng, mặc những cánh cửa chớp, có ánh sáng trong phòng; và trong ánh sáng ấy, và giữa sự tịch mịch đột nhiên xuất hiện khắp người tôi, tôi nhìn rõ mặt cô, đã chuyển thành vàng vọt… Và một cơn điên bất chợt thống ngự tôi, - tôi lao ra cửa sổ, quăng ném, mở tung cửa sổ, và bắt đầu la hét, và bắn vào không trung… Chuyện còn lại thì như anh biết đấy….’

Vào mùa xuân, cách đây năm năm, du lịch khắp Algeria, người viết những dòng này viếng thăm Constantine. Anh lúc đó thường nhớ về những tối mưa lạnh ấy, nhưng dù thế, lại bỏ qua những tối mùa xuân anh đã trải qua, bên cạnh lò sưởi trong phòng đọc khách sạn của người Pháp, cũ kỹ, ấm cúng không khí gia đình. Trên cái giá10 chất nặng, được làm công phu, có đặt những cuốn nhật ký rách nát, có hình minh họa, - trong đấy người ta có thể tìm thấy vài bức chân dung của Mme. Marot, vào những độ tuổi khác nhau, - ở đó, có một bức chụp ở Lausanne, hồi thiếu nữ… Câu chuyện của cô được kể lại ở đây, với khát khao mãnh liệt là kể lại nó bằng cách của riêng tôi.

1916
(TCSH401/07-2022)

----------------------------------
1 Fin de siècle, tiếng Pháp trong nguyên văn; 2 Bournouses, (như trên); 3 En route,(nt); 4 Bonne, (nt); 5 Bonne, (nt); 6 Peignoir, (nt); 7 Peignoir, (nt); 8 Fiacre, (nt); 9 Coiffure, (nt); 10 Étagères, (nt).

 

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Những bức hình (16/06/2022)
Hai mươi năm sau (20/01/2022)