Truyện dịch
Kẻ hách dịch
14:48 | 31/08/2022

ROGER DEAN KISER (Hoa Kỳ)

Tôi bước vào nhà hàng Huddle House ở Brunswick, Georgia và ngồi ngay quầy vì hết sạch chỗ. Tôi cầm thực đơn lên và bắt đầu xem những món ăn khác nhau và cố quyết định sẽ ăn sáng hay nhịn tới trưa luôn.

Kẻ hách dịch
Ảnh: internet

“Xin lỗi.” Ai đó nói khi chạm vào vai tôi.

Tôi nhìn lên và nghiêng sang bên thấy một phụ nữ khá xinh đang đứng trước mặt.

“Roger là tên của bạn thì phải?” Cô ấy hỏi tôi.

“Vâng.” Tôi trả lời, khá bối rối vì tôi chưa từng thấy người phụ nữ này trước đây.

“Tên tôi là Barbara, còn chồng tôi là Tony,” cô nói, chỉ cái bàn phía xa gần cánh cửa vào phòng vệ sinh.

Tôi nhìn theo hướng cô chỉ nhưng tôi không nhận ra người đàn ông đang ngồi một mình ở bàn ăn.

“Tôi xin lỗi, tôi… a… tôi… ờ, không rõ. Tôi không nghĩ rằng tôi biết các bạn, anh chàng... Nhưng tôi tên là Roger. Roger Kiser.” Tôi nói với cô ấy.

“Tony Claxton. Tony, trường trung học Landon, Jacksonville, Florida?” Cô ấy hỏi tôi.

“Tôi thực sự lấy làm tiếc. Cái tên ấy không gợi nhớ được gì.” Tôi nói.

Cô quay lưng, trở lại bàn của mình và ngồi xuống. Cô và chồng cô bắt đầu nói chuyện liền và lâu lâu tôi thấy cô ngồi quay lại nhìn thẳng vào tôi.

Tôi cuối cùng đã quyết định dùng điểm tâm và một tách cà-phê-lọc-sạch- chất-ca-phê-in. Tôi ngồi đó, vắt óc cố nhớ cái tay Tony này là ai.

“Chắc mình biết hắn,” tôi tự nhủ. “Hắn hẳn vì lý do nào đó mới nhận ra mình chứ.” Tôi nâng tách cà phê lên nhấp một ngụm. Đột nhiên nó lóe trong tôi như một tia chớp.

“Tony. Tony Bò Đực.” Tôi lẩm bẩm, đu đưa qua lại trên chiếc ghế cao ở quầy và hướng mặt về phía hắn.

“Kẻ hách dịch trong khối lớp Địa 7 của tôi,” tôi nghĩ.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Bao nhiêu lần thằng cha tội lỗi đó chế nhạo đôi tai quá khổ của tôi trước mặt các bạn nữ trong lớp? Bao nhiêu lần thằng cha đáng khinh tội lỗi đầy mình này đã cười đểu tôi vì tôi không có cha mẹ và phải sống trong cô nhi viện? Bao nhiêu lần thằng cha  to xác hách dịch này chặn đường ra oai, nắm cổ tôi đẩy vào dãy tủ khóa ở hành lang chỉ để chứng tỏ hắn đích thị là ông lớn trong trường?

Hắn giơ tay và vẫy tôi. Tôi mỉm cười, vẫy trả rồi xoay ghế lại và bắt đầu dùng điểm tâm.

“Chúa ơi. Giờ hắn quá ốm. Không phải cái gã lực lưỡng mà tôi nhớ vào năm 1957.” Tôi nhủ thầm.

Thình lình tôi nghe thấy tiếng tách đĩa vỡ vì vậy tôi nhìn quanh xem có chuyện gì xảy ra. Tony đã vô tình đụng phải tách đĩa khiến chúng văng khỏi bàn, rớt xuống nền khi hắn đang cố leo lên xe lăn - chiếc xe đã để ở hành lang dẫn vào phòng vệ sinh khi họ ăn. Cô phục vụ chạy đến và bắt đầu nhặt những mảnh vỡ lên. Tôi nghe thấy Tony và vợ hắn xin lỗi rối rít.

Khi Tony ngồi xe lăn, được vợ đẩy, đi ngang qua chỗ tôi, tôi nhìn lên, thân thiện cười.

“Roger”, hắn gục đầu về phía trước, chào.

“Tony”, tôi đáp, gật đầu chào lại.

Tôi nhìn theo khi họ ra khỏi cửa và chậm chạp tiến về phía chiếc xe tải cỡ trung. Chiếc xe van này bên hông có cửa trượt, thanh ngang tự hạ xuống nâng lên để tiện cho xe lăn.

Tôi ngồi xem vợ hắn ráng sức, hết lần này đến lần khác, kéo cái thang nghiêng, nhưng nó vẫn kẹt cứng. Cuối cùng tôi đứng dậy, trả tiền cho bữa ăn của tôi, và tôi bước tới chiếc xe tải.

“Có chuyện gì vậy?” Tôi hỏi.

“Cái thứ chết tiệt thỉnh thoảng bị mắc thế.” Tony nói. “Anh có thể giúp tôi đưa anh ấy vào trong xe chứ?” Người vợ nhờ.

“Tôi nghĩ mình làm được.” Tôi nói và nắm chiếc xe có Tony ngồi trên, lăn đến cửa hành khách.

Tôi mở cửa và khóa phanh xe lăn.

“Ô-kê. Ôm chặt cổ nha, công tử bột.” Tôi nói, cúi xuống và nắm quanh thắt lưng, cẩn thận nâng hắn, đặt vào ghế hành khách trong xe tải.

Khi Tony buông cổ tôi ra, tôi vươn tay xoay sửa đôi chân mềm uột quặt quẹo của hắn, từng chân một, cho ngay lại.

“Cậu nhớ. Phải không?” Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, nói.

“Mình nhớ, Tony,” tôi nói.

“Tớ đoán cậu đang nghĩ cười người hôm trước hôm sau người cười”, hắn hạ giọng.

“Mình chả bao giờ nghĩ thế, Tony,” tôi nói, với cái nhìn lạnh lùng trên gương mặt.

Hắn vươn người nắm lấy cả hai tay tôi, siết chặt.

“Có phải cảm giác của tôi khi ngồi trên xe lăn chính là tâm trạng của cậu hồi trước khi cậu sống trong cô nhi viện?” Hắn hỏi tôi.

“Gần như thế, Tony. Ông rất may mắn. Ông có người đẩy ông đi đây đi đó, người yêu thương ông. Tôi đã không có ai cả.” Tôi trả lời.

Tôi lục túi lấy cái card có số điện thoại nhà của tôi trên đó và tôi đưa cho hắn.

“Lâu lâu gọi cho mình nha. Chúng ta sẽ ăn trưa,” tôi nói với hắn. Cả hai chúng tôi đều cười.

Tôi đứng đó nhìn họ đã lái xe về phía tiểu bang và cuối cùng biến mất vào đoạn đường dốc chạy về phía nam. Tôi hy vọng một lúc nào đó hắn sẽ gọi cho tôi. Hắn sẽ là người bạn duy nhất mà tôi có từ thời trung học.

Hồ Nghĩa dịch
từ nguyên bản tiếng Anh (The Bully)
Nguồn: eastoftheweb.com

(TCSH402/08-2022)

 

 

Các bài mới
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Người con trai (18/08/2022)
Những bức hình (16/06/2022)
Hai mươi năm sau (20/01/2022)