Truyện dịch
Tấm lụa cẩm sa
14:51 | 28/10/2022


INUTA SHIGERU

Tấm lụa cẩm sa
Inuta Shigeru - Ảnh do Hội đồng Giáo dục Thành phố Ushiku cung cấp - Ảnh: suginamigaku.org

Inuta Shigeru (1891 - 1957), nhà văn nông dân, sinh ngày 23 tháng 8 năm 1891, con trai cả của một gia đình nông dân làng Jochu (nay thành phố Ushiku), quận Inashiki, tỉnh Ibaraki. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm nông nghiệp nhưng chuyển đến Tokyo lúc 25 tuổi và làm việc ở Viện Văn học. Sau đó ông bắt đầu xuất bản tiểu thuyết và phê bình, thành lập nhóm nghiên cứu văn học nông dân (sau này trở thành Hội Văn học Nông dân) và xuất bản tạp chí “Nông Dân” nhằm giải phóng nông dân bằng văn học, phân biệt rõ với phong trào văn học sản.

Các tác phẩm đã xuất bản như (tạm dịch): Ẩn trong đất, Xung đột ở làng, Văn nghệ nông dân ba bài giảng, v.v. Năm 1935 ông trở về quê hương và xuất bản các bộ tiểu thuyết như (tạm dịch): Nhật ký chiến tranh ở làng, Đất, Lúa, v.v. Ông qua đời tuổi 67 vào năm 1957.

Nguyễn Thống Nhất dịch và giới thiệu

Tấm lụa cẩm sa

 

1.

Ra khỏi làng, khi rẽ lên quốc lộ, trông thấy một chiếc xe bus màu trắng bạc từ sau phóng đến nhưng Otsu đột nhiên thay đổi ý định, quyết định không đi xe. Giá vé đến thị trấn chỉ 10 xu nhưng đi bộ đến mất không quá một giờ. Cho dù có đến sớm 40 hay 50 phút thì cũng phải mất 10 xu. “Nếu không đủ 10 xu, có lẽ không mua được thứ muốn mua, và cũng có lẽ nếu trả hơn 10 xu thì không phải có thể mua được thứ có chất lượng tốt hơn sao, thật chán…”. Trong khi đang một mình thầm nghĩ, cô cảm thấy tiếng gầm rú của chiếc xe đến gần và sắp vượt qua nên vội vàng tránh sang một bên đường, đoán là sẽ có bụi thổi bùng lên liền rút chiếc khăn từ trên ngực áo ra bịt mũi.

“Này Otsu, đi không?”

Người thò đầu ra cửa chiếc xe đang phóng quá nhanh cuốn theo bụi mù mịt, ném ra tiếng gọi đó là người bạn xóm bên. Khi cô ngước mặt lên định trả lời thì thoáng thấy một khuôn mặt quen thuộc khác trên đó như đang chồng lên nhau, chuyện gì thế nhỉ?! À, quả nhiên bọn họ cũng đang đến cửa hàng quần áo ở thị trấn mua sắm. Otsu chỉ đáp lại bằng cách đưa tay trái lên vẫy chào qua đám bụi xoáy nhưng đột nhiên chợt nghĩ nếu trước khi mình đến mà ai đó trong số họ mua mất cái ấy… cái tấm tơ cẩm sa mình đã nhắm sẵn hôm trước ấy thì sao. Chà, biết vậy thì đi xe là tốt rồi. Chỉ vì để tiết kiệm 10 xu mà cái đó bị người khác mua mất thì là sai lầm không thể cứu vãn.

Cô gấp gáp rảo bước trên đường. Không thể là không rút ngắn được từ một giờ xuống còn 40 phút. Trước đây, vào một buổi chiều tối, lúc đi học may dưới thị trấn trên con đường này, có lần bị một tên trong trang phục đáng nghi, vô lại trước đây chưa từng thấy đuổi theo, cô đã vượt qua bờ đầm vắng vẻ về đến trước ngôi nhà đầu tiên đầu làng trong chưa đầy 20 phút. Tuy nhiên, để không tỏ ra hấp tấp, cô quyết không chạy, cố giữ bình thản nhưng trong thâm tâm cứ muốn đôi chân bước càng nhanh càng tốt.

“Nếu cứ thế này thì 40 phút là đủ rồi. Trong khi mấy người kia đang lựa chọn cái này cái kia thì mình vừa kịp đến”.

Con đường quốc lộ chạy thẳng dọc theo bờ đầm với những cột đèn nhỏ dần hướng vào bờ về một phía, rồi khuất dần vào đường chân trời bất định của ngôi làng được bao phủ bởi cánh rừng và những lùm cây thưa thớt. Hàng liễu hai bên đường đã bung nụ vàng, bay rụng lả tả và thoảng hương thơm trong nắng đầu Xuân ấm áp.

Có hai ba hàng quán gần con đập tràn trên bờ đầm, khi đến phía trước đó, định thả xuống vạt áo đang được xắn lên, Otsu dừng lại, đưa tay vào dây thắt lưng. Định nhét lại cho chắc chiếc ví lẽ ra đang được kẹp ở đó thì, bất ngờ, nó không còn nữa!

“Ối!” Cô thốt lên. Tim đập một nhịp mạnh. Rồi sau đó, bắt đầu đập thình thịch nhanh hơn. Chắc chắn trước khi ra khỏi nhà cô đã nhét nó ở đó thật chặt và đã vỗ bồm bộp lên hai lần. Cô thọc tay vào sâu hơn, đồng thời tìm kiếm cả hai bên nhưng quả nhiên không có ở đâu cả. Dù thế nào cũng không nghĩ là thắt lưng bị tuột nên rơi mất bởi vì cô đã buộc rất chắc chắn. Chắc là do đi quá nhanh, chiếc ví trồi lên rồi văng ra trong lúc không chú ý.

Tuy nhiên Otsu nghĩ cho dù có mải miết đi đến đâu, cô cũng không bất cẩn đến nỗi không chú ý đến nó, vì vậy cô tìm kiếm lại trong túi áo, tay áo, mở luôn cả gói đồ đang cầm trên tay tìm kiếm. Nhưng, quả thật, không tìm thấy nó ở đâu cả. Trong chiếc ví có một tờ 10 yên, một tờ 5 yên, và mười mấy đồng xu loại 50 xu, 10 xu, 1 xu… 10 yên là số tiền mẹ gửi để mua vải cotton may áo quần lao động cho anh trai và cô, 5 yên và số còn lại chính là số tiền kiếm được trong hai tuần lại đây làm việc quần quật như trâu để mua tấm tơ lụa cẩm sa đã nói mà lần trước chưa mua được, chỉ dặn lại với chủ tiệm rằng “Lần sau tôi sẽ mua, đừng bán cho ai cả nhé…”. Thật sự là vì đồng 5 yên đó mà cô đã không quan tâm đến cả ngoại hình hay danh tiếng của mình. Đẩy xe giúp anh trai kéo lợn lên thị trấn bán, nhận một nửa số trứng gà của mẹ để ấp nuôi, lục tìm những thứ linh tinh phế phẩm bị dồn đống trong tủ từ thời bố mẹ để mặc cả từng xu bán cho người đồng nát Triều Tiên, cô đã làm những việc như thế để cuối cùng mới có được khoản tiết kiệm ấy.

Bên trên mặt nước cuộn xoáy lớp bùn đen, những cánh hoa rơi trôi bồng bềnh cùng bóng mây lờ lững, nhuộm vàng những chiếc lá cỏ lớn và lũ chim, hình ảnh ấy cứ chập chờn như tỉnh như thức. Đừng bán cho ai, hãy để đấy cho tôi… dù đã có dặn lại như vậy nhưng họ là người buôn bán. Và đó là món hàng. Nếu không đến càng sớm càng tốt thì chẳng biết sẽ có người mua lúc nào… Đừng bán nó, được không, đừng để ai trông thấy nó… cứ thế, cô đã mòn mỏi đợi gom được 5 yên biết bao nhiêu!
 

Minh họa: NHÍM

2.

Biết rằng có tìm kiếm khắp người cũng chẳng có, cô đứng sững sờ một chốc, cuối cùng bắt đầu quay lại đường cũ. Chắc chắn là đánh rơi đâu đó trên đường rồi. Mặc dù có người qua lại nhưng hầu hết họ đều bay bằng xe đạp. Không thì cũng là xe tải. Nếu không chú ý thì những thứ nhỏ như chiếc ví chắc chắn sẽ không lọt vào mắt. Một vật bị đánh rơi trên đường quốc lộ, nó có nằm nguyên ở đấy chờ người đánh rơi đến tìm không nhỉ?! Số tiền mà người thương buôn kiếm được khi vẫn ngồi trong phòng khách, cho dù cũng là 5 yên nhưng chắc chắn là phải khác với đồng 5 yên này. Hơn thế, ở góc ví còn có hai ba tấm chân dung, có thể những tấm hình đó sẽ giữ chặt tiền giùm mình. Cô tập trung toàn bộ thần kinh vào con đường, một mảnh cây hay viên đá nhỏ cũng không bỏ qua, tìm suốt lại trên đoạn đường đã đi. Thế nhưng, đến tận ngã rẽ vào làng, rốt cục vẫn không rơi ở đấy… Có lẽ là trên đoạn đường từ nhà đến đây… Có thể đánh rơi từ đoạn ra khỏi nhà, đi qua 5, 6 ngôi nhà nông dân, ra đồng, đi xuống con dốc ven đầm. Nghĩ lại như thế nên lần này cô cẩn thận chú ý tìm kiếm trên đường làng trong khi leo lên dốc, vào làng và cuối cùng đã về đến ngõ nhà mình.

Khi những người làng đi qua hỏi “Đi đâu về đấy?” “À, chẳng đi đâu cả!” - Cô đáp như thể chán nản… Bỗng nhiên, cô nghĩ hay là quên cầm theo chăng… Cô đi vào sân rồi vào nhà… Mong rằng đừng có ai… Thế nhưng, người mẹ đang nghỉ việc do bệnh hen, từ phòng trong phát hiện ra ngay, cất tiếng hỏi:

“Gì thế… Sao vậy?” Bà ngỡ ngàng trước vẻ mặt xanh xao của con gái. “Ôi, bị gì sao. Đau bụng à?”

“Không ạ” - Cô trả lời - “Mà mẹ này, hồi nãy con đi ra có đem theo ví không ấy nhỉ?”

“Mất ví à?”

“Không thấy đâu cả, tìm mãi. Con nghĩ có lẽ rơi đâu đó trên đường rồi…”.

“Ủa, hay là quên đem theo?”

Và thế là cả hai tìm kiếm khắp nhà. Tiếp theo từ sân ra đến đường, rồi đến lối ra đồng, lên đến nửa chừng con dốc, cuối cùng bà mẹ thở không ra hơi bèn ngồi bệt xuống bên vệ cỏ ven đường.

“Gì thế, bị làm sao thế?” - Mấy người làng đi lại hỏi, bà thật thà nói:

“Otsu, hồi nãy đánh mất ví tiền…”.

“Hả, có bao nhiêu trong đó?”

“Nói ít thì cũng chỉ một ít thôi”.

“Cho dù vậy… Nó bảo đánh rơi ở đâu?”

Otsu để mặc mẹ ở đấy, tìm thêm ra một đoạn ngoài quốc lộ nhưng quả nhiên không thấy gì. Khi cô buồn rầu quay lại thì mẹ cô đang níu lấy 5, 6 đứa trẻ đang nô đùa ở cổng làng, hỏi han. Thế nhưng bọn trẻ bảo chẳng có ai nhặt được thứ như thế cả. Nhưng chúng cũng sẽ đi tìm giúp cho, rồi từ đường đồng vào đường làng, thậm chí đến tận chân dốc, chúng vạch cỏ, đánh vào những bụi cây héo úa ven đường.

“Hây dà, chắc bị ai đó nhặt mất rồi Otsu à!” Cuối cùng, bà mẹ nói như muốn bỏ cuộc trong khi cô con gái đang bồn chồn tìm kiếm cùng với lũ trẻ.

“Nhưng mà, khả năng là, bị rơi không chỉ ở đây.”

Otsu dùng đầu ngón chân đá qua lại những bụi cỏ đã bị rẽ ra tìm kiếm đến hai ba lần.

3.

Đêm đó, một mình nằm trên giường, Otsu khóc đến tờ mờ sáng. “Vì cái tướng đi đứng ngu ngốc đểnh đoảng ấy mà, đồ con gái hậu đậu!” - Tối qua, cô bị người anh trai trở về từ Nora chửi rủa suốt. Gần đây, anh ta tập uống rượu, nói năng cũng trở nên độc địa. “Từ nay tao không cho một đồng, muốn tiền thì đi ở đợ đi, đã hai ba tuổi rồi, định ăn bám tao đến bao giờ nữa!”, thay vì an ủi, cô còn bị anh mắng nhiều hơn.

Nếu như bình thường, “Ông thì sao, đã hai bảy tuổi rồi, vợ nó chờ cho đấy…” - Cô sẽ trả đũa ngay, nhưng giờ cũng chẳng còn sức vì trong lòng đầy cảm giác hối lỗi. Và cảm giác tự trách mình thật sự là một đứa lơ ngơ hậu đậu làm cô đau khổ hơn là những tổn thương do anh trai gây ra. Nếu không phải là kẻ vô tâm đểnh đoảng thì làm sao mà đánh mất đi khoản tiền tiết kiệm trong cả nửa tháng trời như thế chứ, đúng như anh nói, mình có lẽ đã đi tơi tớp trên đường quốc lộ như một con điên. Cho dù bản thân không định thế nhưng thiên hạ có lẽ đã cho mình là một đứa vô tâm lơ đễnh rồi. Chắc vì vậy mà mãi đến bây giờ đã 23 tuổi rồi - phong tục ở nông thôn, phụ nữ quá hai mươi được coi là ế chồng - vẫn chưa có ai thèm hỏi cưới. Những bạn đồng trang lứa có người đã có con cái, còn một nửa trong số đó không có ai là chưa từng có người dạm hỏi. Cả Oume người gọi cô từ trên xe bus và Omi người ló mặt ra sau đó, thì chuyện đó không biết đã có bao nhiêu lần rồi. Chỉ là vì “như đôi đũa lệch” mà chưa quyết định thôi. Có khả năng, biết đâu ngay ngày mai cả hai sẽ quyết định về đâu đó, à không, có lẽ họ đã âm thầm quyết định về đâu rồi. Thế nhưng mình thì… rốt cục vẫn là “hàng tồn”, có lẽ sẽ bị vận mệnh đưa đẩy, trôi đến tận Mãn Châu hay Hoa Bắc cũng nên.

Cho dù là vậy nhưng bản thân mình bị khiếm khuyết ở đâu chứ. Vẫn có suy nghĩ như mọi người, người ta nói gì cũng hiểu được. Hay là một cô gái thô kệch quê mùa, hay đâu đó bị cong vẹo như ở chân chẳng hạn, hay có khiếm khuyết cơ thể gì đó?! Không, ví như nếu cùng vào bồn tắm, so sánh với bạn bè thì cũng chẳng thiếu điểm nào, cũng không có nơi nào thừa. Cho dù da có đen trắng thì đó cũng không phải là thứ làm cản trở đường vào làm dâu, và nói về dung mạo, nếu đem so với Oume hay Omi, cô tự tin không hề thua kém họ.

Vậy mà… Không thể không nghĩ rằng mình thuộc loại người đểnh đoảng vô tâm. Đúng rồi. Chính vì vậy mà đánh mất đi khoản tiền đã suy nghĩ như đổ máu để kiếm được ấy và cả chuyện chẳng có ai thèm dạm hỏi nữa.

Khi cô mơ màng định ngủ thì bị mẹ đánh thức. Bảo mẹ lại lên cơn hen, không thể chuẩn bị bữa sáng được. Otsu dụi mắt ngồi dậy, rồi nhóm lửa bếp lò như thường lệ.

Sau bữa sáng, khi anh trai đã vác cuốc ra đồng làm lúa mì, mẹ cô rút chiếc ví giấu dưới tấm đệm đang nằm lấy ra hai đồng 50 xu, xếp trên chiếu, rồi bảo hay là đi xem bói đi.

“Vô dụng thôi, việc ấy…”.

Cô gạt đi nhưng dĩ nhiên không phải là từ bỏ việc tìm kiếm. Không được. Càng nghĩ cô càng không thể buông bỏ được, vì đang định đi tìm thêm lần nữa nên cô nói thêm: “Dù sao cũng không đúng đâu!”

“Đúng hay không không biết nhưng cũng có thể đúng chứ, bói mà!”

“Nếu không đúng thì mất thêm mấy xu nữa à?!”

“Cố gắng hết cách thôi. Thế nhưng, không làm được gì nếu chẳng có xu nào, thôi thì xem như dùng vào việc gì đó, lấy mấy đồng này đi đi!”

“Hay là đến trình báo với đồn cảnh sát trước đã nhỉ?!”

Cô vừa nói vừa đứng dậy, nhặt lấy hai đồng 50 xu trên chiếu cho vào lòng bàn tay.

Đồn cảnh sát của làng ở xóm bên, gần nhà của Oume và Omi. Sau khi tìm kiếm lại cẩn thận hơn đoạn đường hôm qua, cô vội vàng đến đồn cảnh sát. Đúng lúc ấy, cô bắt gặp một viên tuần cảnh đang đạp xe tiến lại từ phía trước như đang định đi đâu đó, cô gọi lại trình bày sự việc. Viên tuần cảnh mỉm cười:

“Tìm kiếm kỹ rồi à? Có thể để quên đâu đó trong nhà.” - Ông ta tiếp nhận một cách lơ là. Nhìn vẻ tàn tạ của Otsu, ông ta nói tiếp: “Không chắc lắm nhưng nếu có ai đó nhặt được chuyển đến tôi sẽ thông báo ngay… Nhưng, sao nhỉ, hãy tìm kiếm khắp nơi thêm thử xem!”

Sau đó, ông ta nhảy lên xe, đạp đi mất.

Otsu buồn bã, lòng đầy thất vọng trước thái độ ấy của viên tuần cảnh. Cảm giác bấu víu vào người xem bói mà trước nay cô khinh miệt chợt bùng lên không kìm nén được. Người xem bói là người ngụ cư, lưu lạc đến làng này chừng 10 năm trước, làm nghề đóng hòm nhưng ông ta còn xem hướng nhà, xem nên thờ cúng gì để trẻ con khỏi đau ốm, từ chuyện tốt xấu cưới hỏi đến cả chuyện vợ chồng cãi vã. Nói cách khác là khi có chuyện gì không thể đánh giá bằng cảm quan thông thường hàng ngày, buộc phải nhờ vào ông ta thì đó trở thành một nguồn thu nhập của ông, hơn cả công việc chính. Khi Otsu rón rén bước vào nhà, ông ta dường như vừa ăn sáng xong, mặc nguyên chiếc áo dotera, đang ngồi bập thuốc lá trước cái lò than dài một cách ngon lành. Với dáng vẻ không có gì khác so với những người nông dân trong vùng, từ cách ăn vận, khuôn mặt, cách tiếp đón… nên có lẽ những điều đó là nguyên nhân làm người làng không ngại ngần đến nhà. Otsu cũng với giọng điệu như nói chuyện với nhà hàng xóm, kể lại cho ông thầy bói nghe chuyện hôm qua.

Ông ta nghe xong liền đặt ống tẩu xuống, nhấp một tách trà, rồi đi ra phòng trước lấy xuống một cuốn sách đầy dấu tay bẩn thỉu từ bàn thờ và bắt đầu hỏi một cách thản nhiên.

“Hôm qua chừng mấy giờ nhỉ? Khi ra khỏi nhà ấy… Đi về hướng Đông rồi lên phía Nam phải không? Và là, 9 giờ sáng?”

Dù thế nào thì Otsu cũng muốn được đoán càng rõ càng tốt nên không ngại phơi bày sự xấu hổ của bản thân, cô định kể hết tất cả những gì nhớ được không để sót điều gì. Thế nhưng ông thợ hòm ngoài những gì đã hỏi, chỉ gật đầu rồi nhìn chăm chú vào cuốn sách và trong khi Otsu chưa nói xong, ông ta liền nói:

“Cái này vẫn chưa quá xa nhà, vẫn đang ở trong làng. À mà có xa thì đến lưng chừng con dốc thôi. Nhưng, à, vật đang tìm đang ở trong tay một đứa bé, chừng 10 đến 12 tuổi, đến từ nơi khác và nhặt được trên đường rồi đem nó đi trong vòng 1 lý. Tiền vẫn còn đủ. Có vẻ như đứa bé là con một gia đình dù muốn tiêu nhưng không thể tự ý tiêu được.”

“Có phải đứa trẻ con nhà giàu không, vậy thì…” - Otsu nhắc lại có vẻ như đã biết.

“Không phải nhưng mà đó là đứa bé được gia đình dạy dỗ nghiêm khắc nên có lẽ nghĩ giữ lại là xấu nên có thể đã đưa đến đồn cảnh sát rồi. Nếu không phải vậy thì cũng có thể là lặng lẽ trả lại chỗ cũ rồi làm như không biết. Hai khả năng đó. Dù sao thì số tiền cũng sẽ có lại, quẻ bói cho thấy thế”.

Lão thợ hòm gấp sách lại, thổi lập bập vào ống điếu và nhồi thuốc vào, cất tiếng chậm rãi:

“Ngày đi chợ xấu quá. Ngày tốc hỷ (ngày buổi sáng xấu nhưng chiều tốt - ND). Xuất hành hướng Đông Nam thì vô sự. Hôm qua,… nếu là buổi chiều thì không có chuyện gì rồi.”

“Có chuyện đó nữa sao?!” Otsu không thể tin được.

“À thì có kiêng có lành” - Lão hào phóng - “Nếu nghĩ có cả chuyện đó sao thì sẽ hành động mà không kiêng dè gì, còn nếu nghĩ, A, hôm nay ngày xấu nhỉ thì làm gì cũng cẩn thận, vậy đấy!”

“Nhưng khi được bảo là ngày xấu thì đâm ra lo sợ rồi không làm được gì, không phải sao?!”

“Người như vậy là bị cửu tinh ám ảnh, ý nghĩa của cát hung cửu tinh không phải như thế. Ngày xấu tức là ngày cần kiêng dè”.

Nghe vậy Otsu hiểu ra. Hơn nữa, cô rất vui mừng vì quẻ bói nói số tiền đã mất nhất định sẽ quay về trong vòng 2, 3 ngày, liền lấy từ thắt lưng mảnh giấy trắng gói 2 đồng 50 xu.

“Xin hỏi, bao nhiêu ạ?”

“À, cái đó thì tùy tâm. Đây không phải chuyện bán mua gì”.

“Vậy chừng này được không ạ?”

“Gì vậy, một nửa thôi được rồi!”

Ông ta chỉ nói cửa miệng, còn hầu như không muốn đẩy trả lại, Otsu tiếc rẻ, để hai đồng xu ở đấy rồi đi ra cửa.

Nói chuyện quay về nhà. Sau đó cô hỏi những đứa trẻ đang chơi trên đường như thường lệ, rằng hôm qua có ai làng bên sang chơi hay có trông thấy ai lạ không. Lũ trẻ há hốc mồm, chẳng có đứa nào trả lời. “À, hôm qua chừng 9 giờ, có… Yozo, Kikuichi, Sataro”. Thế nhưng, chẳng thấy bóng dáng đứa nào cả. Cô chặn hỏi một nhóm học trò đông đúc đang đi học về nhưng kết quả cũng chỉ như thế. Chắc có lẽ có người đi xe đạp ngang qua lúc không có ai nhặt đi mất rồi. Otsu bỏ việc hỏi han, quyết định dù sao cũng chờ đến ngày mai xem sự thể thế nào. Như lời lão thợ hòm, có thể người nhặt được sẽ không tiêu mà lặng lẽ đem trả lại chỗ cũ cũng nên.

Tuy nhiên, cuối cùng điều đó trôi qua như một hy vọng hão huyền.

Ngày hôm sau nữa trôi qua, đã đến ngày thứ tư nhưng tiền vẫn không quay về.

“Trời Phật không phù hộ rồi!” Mẹ cô bảo. Thương xót cho đứa con gái đang rất tuyệt vọng.

Otsu lại tìm đến ông thầy xem phương vị, người trông như một nhà sư trên núi, trôi dạt từ đâu đó đến cư ngụ dưới ngọn đồi ven đầm mà người làng gọi là “thổ thần” để nhờ xem. Ông già ốm nhom với bộ râu quai nón, đầu tiên lắc lạch cạch mấy thẻ tre, xếp ra các thanh toán mộc rồi vừa so sánh chúng với Kinh Dịch vừa buông tiếng “Ừm… ừm”. Nhưng đại khái cũng như lão thợ hòm, ông giải thích là do hôm đó là ngày xấu.

“Vật bị mất, rơi trong bụi cây khô cách nhà chừng nửa đường, về phía Nam. Hôm nay nó vẫn chưa lọt vào mắt ai, vẫn đang ở đấy nhưng e là bị bọn trẻ nhặt mất sau ngày hôm nay… quẻ xăm cho thấy có thể đứa bé đi cắt cỏ nhặt được”.

Khi cô hỏi tiền xem bao nhiêu, lão bảo 1 yên nên Otsu đặt hai đồng 50 xu thứ hai hôm nay lại nhận từ mẹ xuống, rồi lo nhỡ bọn trẻ nhặt mất thì khổ liền quay lại quốc lộ, một mình tìm quanh cho đến tối mịt. Thế nhưng, cũng vô dụng. Ngày tiếp theo cô lại ra quốc lộ, lật tung từng bụi cỏ khô.

“Nửa lý từ nhà… chắc chắn là quanh đây!”

Hai tay đẫm ướt sương mai, chân cũng lấm lem bùn đất và cây cỏ khô, mắt ngầu đỏ, cô chẳng thèm quan tâm bị ai đó nhìn thấy, vạch tìm tận bên trong những bụi hồng leo dại.

“Sao vậy… sao lại làm thế?” Có người quen còn xuống xe đạp, hỏi.

“Bị mất ví” - Cô trả lời không ngần ngại.

4.

Không dễ gì tập trung vào công việc đồng áng. Cô đã nói công khai với những người hàng xóm rồi tìm đi tìm lại nhiều lần trên lối đã đi qua gần đây nhưng không tìm được. Vì thế lần này cô tìm đến người xem bói ở ngôi làng cách xa đến 2 lý phía bên kia bờ đầm, trả thêm 1 yên. Và người xem bói trẻ tuổi tự nhận là chỉ xem tử vi cho vui này nói rằng: “Cái đó rơi trước sân hay ở cổng, và trong 5 phút sau đó, lọt vào tay một phụ nữ chừng 30 tuổi gần nhà nhất và thường xuyên lui tới”. Nghe vậy Otsu đột nhiên nghĩ ra, nhưng không muốn nghi ngờ dì Osin, người ở bên cạnh thường đến nhà bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, kể từ ngày cô đánh rơi chiếc ví không biết có chuyện gì mà chẳng thấy bóng dáng bà ấy đâu… Mà cho dù có như vậy, làm sao có thể nghi ngờ một người nhà ở sát bên cạnh như mắt và mũi, chỉ hô là ứng như thế được. Lần đầu tiên cô quyết định từ bỏ, thừa nhận mình là kẻ đểnh đoảng. Là một đứa ngốc nghếch. Và đêm đó, một lần nữa cô lại khóc gần đến sáng. Hơn cả việc mất tiền (giờ việc đó không cần thiết nữa) cô không thể chịu đựng nổi sự thất vọng khi tự nhận ra mình thật đần độn.

“Nhảy xuống cái giếng nào đó chết quách cho xong…”.

Rạng sáng, pháo hoa được bắn lên ở thị trấn phía bên kia bờ đầm. Hoa anh đào nở rộ trên bờ đê sông S là tín hiệu mời gọi khách thưởng hoa.

Tối qua, người anh trai, Kazuichi, e rằng trễ nên đã cạo mặt mũi, mày râu nhẵn nhụi. “Chiều nay tao nhất định sẽ đi ngắm hoa…”, anh ta thét lên trêu ngươi như thế rồi kéo chiếc xe bò kiếm bạc lẻ ra đi nhưng điều đó cũng không làm cô bực bội.

“Em cũng đi, bọn em đến từ sáng!” - Cô nói với theo.

“Lại làm mất ví đi, rồi nhờ thầy bói bói cho để mất thêm ba yên nữa!”

“Có mất cũng mất vì cái nhà này, tôi sẽ đi xem khắp nơi cả ngàn yên cho đổ nợ luôn!”

Cô dậm chân thình thịch xuống mặt đất.

Cô chán nản không có cách nào. Cũng nghĩ đến việc ra bờ sông S nhưng cô biết trong ví mẹ chẳng còn bao nhiêu tiền. Nhưng chắc chắn anh trai thì có nhiều. Tiền bán lợn hẳn vẫn đang còn. Sáng nay, khi mẹ bảo “Số tiền bị mất, dù là bao nhiêu, thôi cũng kệ, nhưng nếu mua được cho Kazuichi tấm áo lao động thì…”. Mặc dù anh ta chửi ầm lên: “Khùng, năm nay tui ở trần làm đồng!” nhưng sau đó lại nghe nói mua hai chiếc, hay một chiếc cũng được nhưng rồi chẳng đưa cho Otsu xu nào cả.

“Với một người keo kiệt như thế, ví như… ai đó có xin thì liệu có cho không chứ!”

Otsu đi gặt lúa mì. Trong hai ba ngày cô loay hoay đi tìm kiếm thì hình như các gia đình khác đã gặt xong cả rồi, chẳng thấy bóng dáng ai cả. Cô làm việc đến đổ mồ hôi nên chẳng còn nhớ đến pháo hoa hay áo quần gì nữa. Ánh nắng ấm áp, những chú chim chiền chiện hót líu lo vang trời, bầy sẻ nâu kêu lích chích trong những bụi chè. A! Mùa Xuân sắp đến rồi. Chẳng biết tự lúc nào, cô đắm chìm mơ màng khi làn da được những cơn gió trên cánh đồng mơn man với mùi hương hoa cỏ.

Buổi chiều, lúc cô định ra đồng thì Oume và Omi trong chiếc áo mùa xuân bằng tơ nhân tạo rực rỡ, rộn ràng kéo đến.

“Không đi à?” Họ nói cười ầm ĩ chạy vào sân. “Trời đẹp thế này chỉ có ngốc mới đi gặt!”

Otsu tựa lưng vào hiên nhà vỗ bình bịch đôi ủng lấm bùn vào nhau.

“Đúng rồi, chỉ có một kẻ trên đời thôi!”

“Ai thế? Kẻ ngốc ấy!”

“Tớ!... Đánh mất 15 yên cũng chỉ vì mấy chuyện như đi ngắm hoa ấy!”

“Hả, chưa tìm được à?”

“Có hay chưa thì hôm nay tớ cũng đãi các cậu bất cứ thứ gì các cậu thích cho dù là Sushi hay Katsudon ở quán Hanatengu”.

“Than thở mãi!” - Oume nở nụ cười hết cỡ trên khuôn mặt lớn rạng rỡ nham nhở.

“Càu nhàu như thế chẳng hợp với Otsu chút nào! Thôi nào, hôm nay chúng tớ bao, chuẩn bị nhanh đi!”

“Này, nhìn kìa, ba bà cô ế đến kìa… bị chế giễu thế cho xem. Tớ không thích, hai cậu nhanh đi đi”.

“Hàng mẫu mà. Đồng giá 10 xu. Cho dù giá thị trường có hạ” - Omi nói.

Hai người bạn cũng xếp hàng tựa lưng vào vách nhà như thể dù thế nào cũng kéo Otsu đi bằng được. Rồi họ kể chuyện ngày hôm đó… “Ngày xấu” mà Otsu mất ví ấy, họ mua đồ gì ở thị trấn. Oume đã mua một dải thắt lưng lụa nguyên chất, Omi thì nói cũng đã mua một tấm lụa xịn này. Lụa nguyên chất, lụa “Được làm từ gỗ ấy!” cũng làm tiêu tan “độc khí” trong người Otsu, rồi họ cười nắc nẻ không thấy bình minh, châm chọc tình cảnh cho dù có chăm sóc tằm đến thế nào thì trong mơ cũng không thể mặc được Kimono làm từ tơ những con tằm đó.

Otsu cũng bật cười nhưng đột nhiên dừng lại.

“Hả, nó vẫn còn à. Các cậu không thấy à…”.

Khi các cô gái bước vào, những mặt hàng mà nhân viên cửa hàng giới thiệu có lẽ đều được mặc định trước. Chắc chắn hai cô bạn cũng được giới thiệu bao nhiêu cuộn tơ kim sa ấy. À không, chắc chắn cho dù cô có dặn vậy rồi có mua hay không họ cũng sẽ cho các bạn ấy xem.

“Nó có hoa văn gì, cái ấy ấy”.

Sau khi cô vẽ ra cả hoa văn và “giải thích” thì họ bảo nếu là cái đó thì vẫn còn. Tuy nhiên, cho dù có bán đi một hai tấm nhưng có lẽ sản phẩm cùng loại cũng có. Dù thế nào thì gần như chắc rằng những thứ như vậy vẫn còn.

“Vậy là chắc chắn có?!” - Otsu thét lên mặt sáng bừng.

“Có, có…”.

“Dù là có mà chẳng có xu nào. Ngốc thật, cái con người này!”

“Con bé này thật tội nghiệp, nhỉ”.

“Sẽ lột từ ông anh!”

“Hả, nếu làm được chuyện ấy, sao cứ than thở với chúng tớ mãi chuyện mất 10, 15 yên vậy?!”

“Hay là để tớ nói giúp cho” - Oume thè lưỡi, cúi mặt xuống, mặt đỏ bừng.

“Rồi… rồi…” - Omi cười nhạo.

“Nhưng mà ông anh đã có người rồi, bọn mình con nít chưa hết sổ mũi, chịu thôi!”

“Thôi mà…”.

Khi ba người đang trêu đùa thì đúng lúc ấy, Kazuichi kéo xe bò đi vào. Trông thấy mấy cô gái, anh ngượng nghịu lẩm bẩm, như định nói: “Ha, đi ngắm hoa cơ đấy, thật vô lo!” Trong khi chưa bị các cô gái nói gì, vội vàng đi đến dưới cây hồng đằng sau nhà.

“Thấy chưa, chắc chắn không sao mà”. Omi bất chợt nhìn theo, “Haha, rồi… rồi… Ngày kia khi đối mặt nhau, không phải là không thích đâu. Oume sẽ làm tốt thôi, phải không Oume, chắc chắn luôn, sẽ được mua ngay, hàng tồn ấy!”

Ba người lại cất tiếng cười. Otsu nói:

“Được rồi, các cậu thôi đi. Tớ không thích bị gọi là hàng tồn đâu. Nhìn lại mình đi, thật là. Cái cô Omi nhà quê này đôi khi cứ nói kiểu đó.”

“Không phải hàng tồn à, bán mãi chẳng ai mua cả!”

“Nhưng mà, không phải người ta nói hàng tồn là có phước à?!” Oume trả lời.

“Ừ, đợi xem… khi bị mua rồi chắc chắn sẽ có chuyện hay… Tùy thuộc vào suy nghĩ của cậu thôi, tại sao không vớ được ai cả vậy”. Omi nhấn mạnh.

Lúc ấy chẳng suy nghĩ gì, chỉ nói chuyện trêu đùa, nghe qua rồi bỏ để cười thôi nhưng sau đó, khi một mình nghĩ lại, Otsu nhận thấy quả thật vận số của con người là có. Tấm tơ lụa kim sa ấy hẳn sẽ còn… chắc chắn số phận sẽ cho mình có được nó.

Và đồng thời vận mệnh đó có vẻ cũng ứng với cuộc đời của mình. Cho dù có là hàng tồn hay gì đi nữa, thích thì nói là thích. Lúc ấy thì, chắc chắn, đó là… Otsu lại đi gặt lúa. Cô muốn làm nhanh cho xong, đặt biệt là để kiếm ít tiền, và mua tấm lụa kim sa mà mình mong đợi ấy… Nghĩ vậy, trống ngực cô lại rộn ràng lên.

--------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Nhật
Nguồn: https://www.aozora.gr.jp/cards/001289/files/47141_29271.html
(TCSH403/09-2022)

 

 

 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Kẻ hách dịch (31/08/2022)
Người con trai (18/08/2022)
Những bức hình (16/06/2022)