Truyện dịch
Mặc niệm Susan
09:05 | 14/08/2023


CORMAC MCCARTHY

Mặc niệm Susan
Ảnh: internet

Cormac McCarthy là nhà văn người Mỹ, ông chuyên viết tiểu thuyết và được giới hàn lâm đánh giá cao ở ngay tiểu thuyết đầu tiên, The Orchard Keeper (1965), nhưng ông chưa thành công với độc giả đại chúng. Mãi đến năm 1992, sự ra mắt của tiểu thuyết All the Pretty Horses mới mang về cho ông nhiều giải thưởng từ giới chuyên môn và sự đón nhận của số đông đại chúng. McCarthy được nhà phê bình Harold Bloom đánh giá là một trong bốn nhà văn lớn còn sống của nước Mỹ, bên cạnh Don DeLillo, Thomas Pynchon, và Philip Roth. Tác phẩm thành công nhất của ông là tiểu thuyết The Road (2006) đã được chuyển thể thành phim.

Mặc niệm Susan là một trong số truyện ngắn hiếm hoi mà McCarthy từng viết, truyện ngắn này ra mắt năm 1959 trong tạp chí The Phoenix. Các truyện ngắn đều được ra đời vào thời kì đầu trong sự nghiệp viết lách của ông, vậy nên chúng không thể tránh khỏi sự non nớt nếu ta so sánh với tiểu thuyết của McCarthy sau này. Ở truyện ngắn này chúng ta sẽ ít thấy một McCarthy đặc sệt phong cách viết dùng ngôn từ đơn giản, miêu tả trực diện, và polysyndeton (hành động dùng rất ít dấu phẩy và thay vào đó bằng các liên từ), mà sẽ thấy một McCarthy “bình thường” hơn, thậm chí đôi chỗ còn có các câu văn bay bướm đầy hoa mĩ.

Dường như nội dung của Mặc niệm Susan đã được McCarthy báo trước qua phần đề từ, bằng việc trích dẫn bài thơ Proud Maisie của Walter Scott - bài thơ kể về một thiếu nữ đang háo hức hỏi về đám cưới tương lai của mình với một chú chim, nhưng chú chim chỉ trả lời bằng những tiên báo đầy hung gở. Trong Mặc niệm Susan tác giả đã chỉ ra sự ngắn ngủi và bất định của cuộc sống con người, và trước những điều không thể tránh khỏi ấy, nhân vật chính của chúng ta chỉ biết bù đắp phần nào cho những người quá vãng bằng việc ghé thăm, khóc thương, và mặc niệm.

Nguyễn Tuấn Linh giới thiệu và dịch

 

Mặc niệm Susan

 

Ai là người sẽ sửa soạn giường cưới,
Chim nhỏ, hãy nói ta nghe.” -
“Là ông lão trông nhà thờ đầu bạc,
Một tay đào huyệt lành nghề
.”
                    Tước sĩ Walter Scott

 

Bấy giờ là chín giờ vào một buổi sáng thứ Bảy nắng rạng của tháng Mười. Đám sóc có vẻ đã lui về hết để đánh giấc ngủ sáng, và Wes dứt khoát vùng dậy khỏi chỗ mai phục bên dưới một cây mại châu gỗ trắng cao chót vót. Vầng mặt trời màu cam đang hối hả trèo lên tầng trời phía Đông và phả xuống khu rừng sũng nước một thứ hơi ấm trái mùa. Wes tựa khẩu súng săn vào gốc cây và cởi khuy áo khoác. Anh thoáng bực mình vì đã bắn trượt con sóc. Anh đã thấy nó bốn năm lần, nhưng phát bắn tốt duy nhất anh có là phát đạn hụt xuống cái cây ngay trước mặt anh đây. Bị bắn, con sóc liền nhảy từ thân cây xuống và Wes thoáng nghĩ nó đã trúng đạn. Nhưng rồi anh nghe tiếng con sóc chạy lướt qua đám lá khô.

Wes xách khẩu súng lên và bắt đầu chậm rãi về nhà. Anh vẫn còn cả cái sân chờ cắt cỏ. Một con đường mòn dẫn xuyên qua bóng râm của đám cây gỗ cứng mọc thứ sinh - sồi với mại châu. Nền rừng trải thảm lá ẩm ướt được điểm xuyết đây đó những viên đá vôi xám phủ rêu. Con đường này đi qua tàn tích của một mỏ đá hoang phế. Wes dừng lại để ném một hòn đá vào vùng nước phủ đầy tảo xanh của hố khai thác đá. Rồi anh rẽ vào đường ray xe goòng. Đường này xa nhà hơn và khó đi hơn vì đống thanh giằng mục nát và kim ngân mọc lang bạt. Các thanh ray võng lún màu nâu xỉn và gỉ sét vì không được sử dụng. Wes đi dọc theo chúng, thận trọng đặt chân này phía trước chân kia, cứ vài bước lại vấp. Anh men theo lòng đường của con đường sắt cũ cho đến khi rẽ về hướng Đông ngang qua những cánh đồng đã gặt màu nâu. Rồi anh lại rẽ vào rừng.

Trong một cái rãnh đất sét đỏ được mưa rửa sạch anh cúi xuống nhặt lên một viên đạn cầu đã bẹp rúm của súng săn heo. Anh cạo lớp bùn khỏi viên chì đã bị ô-xi hóa và săm soi nó. Hừm. Wes tự hỏi nó được bắn khi nào, ai bắn, và bắn gì, hoặc ai? Có thể một lính thực dân hoặc nhà thám hiểm thời kì đầu nào đó đã nhắm nó vào một người da đỏ đang khiêu chiến. Nhiều khả năng hơn là nó được dành cho thú vui săn bắn vào thời kì sau, lúc những người da đỏ đã đi hết. Có lẽ nó chỉ được bắn cách đây ba hoặc bốn mươi năm. Loại súng nạp đạn bằng đầu nòng kiểu cũ được sử dụng ở khu vực này tương đối gần đây, anh biết.

Khi Wes săm soi viên đạn, cả khu rừng ngập tràn bóng ma của những người lính biên phòng gầy gò, mảnh khảnh với tù và đựng thuốc súng cùng túi đựng đạn đeo trên vai và xách theo những khẩu súng nòng dài, ốp đồng thau với báng súng bằng gỗ thích màu nâu và vàng.

Wes đút thánh tích vào túi và lặng lẽ đi xuyên qua khu rừng bị thời gian ám ảnh.

Có lẽ việc phát hiện viên đạn súng trường đã thôi thúc anh tìm kiếm khu chôn cất. Trước đây anh đã đến đó một lần với thằng bé Ford rồi và anh nghĩ mình sẽ tìm được chỗ đó lần nữa.

Anh bước vội hơn cho đến khi ra đường cái. Sang bên kia đường, anh trèo qua cái hàng rào thép gai trông đầy hăm dọa, và hướng thẳng đến chỗ mai táng. Đám cây chằng chịt mạng nhện lấp lánh như đính sương mà thi thoảng Wes tình cờ thấy, và mặt trời đang ấm lên đôi chút trước bộ đồ nặng trĩu của anh.

Nghĩa trang không ở đúng chỗ mà anh nhớ, và anh gần như chỉ tình cờ bắt gặp nó. Khi anh bước vào nơi an nghỉ bị lãng quên này, cảm giác ám ảnh mãnh liệt và cô đơn kết đặc lại trong bầu không khí.

Trong nghĩa địa này, mấy cây thông còi cọc bạo dạn mọc trong khu vực của sồi và mại châu. Mấy bia đá bí mật náu mình bên dưới đám kim ngân rối nùi. Chúng ngấm vị rêu phong và nhuốm màu thời tiết theo cách mộc mạc mà sẽ rất thu hút người yêu đồ cổ.

Wes đi loanh quanh giữa mấy tấm đá, gạt sang một bên đám dây leo cùng cỏ dại và đọc mấy dòng văn bia. Chúng xưa cũ quá đỗi. Bị lãng quên quá đỗi; đặc biệt là bị lãng quên. Chỉ cách vài bộ bên dưới lớp đất này là những khúc xương trắng hếu của những người mà, có thể lắm chứ, từng dạo bước ở đây giống như anh lúc này. Những bia đá rậm rêu dường như bị giữ lại trong trạng thái mục nát tạm thời, thứ vẫn gợi nhớ về sự quen thuộc, thứ tạm dừng trong quá trình trở thành những cổ vật không thể nhận ra và rất khó đoán định nguồn gốc.

1834, chẳng hạn, là một năm người ta ghi nhớ được. Trong năm này, bia đá nói, Nguồn Sống đã đòi lại tạo tác của Ngài - một Susan Ledbetter. Susan đã tại thế mười bảy năm tròn.

Từ một tấm đá được chạm khắc đơn giản, phiến đá hóa thành một đài tưởng niệm; từ một bia mộ, thành mối ràng buộc mật thiết còn sót lại của dòng nhiệt huyết xưa từng, một con người. Wes mường tượng ra Susan:

Nàng có đôi mắt xanh và mái tóc vàng, mềm mại và bừng sáng trong bộ váy tự may. (1834 là một năm người ta ghi nhớ được; không như 1215, hay 1066, mà là một năm có thực.) Susan ngồi bên bàn cùng bố mẹ với các anh và nhìn bằng vẻ tự hào chính đáng vào bữa ăn mà nàng và mẹ đã sửa soạn.

Có hàng chồng bánh ngô vàng ươm bốc hơi nghi ngút đang háo hức được chấm bơ mới đánh. Một bát rau cải và một bát đậu đốm, mỗi món được điểm tô một cách tinh tế bằng hương vị của thịt lợn băm. Một đĩa gỗ thơm nức mùi thăn heo chiên giòn. Những quả táo hầm chen chúc trong một bát sứ xanh mẻ miệng, và một vại đất đựng sữa bơ mát lịm hứa hẹn sẽ xua tan cái nóng nực ban ngày. Lúc Susan nhìn các anh ăn uống nàng tràn ngập niềm kiêu hãnh của đàn bà.

Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Susan hẳn phải có người yêu, và người yêu nàng giống Wes đến lạ. Chàng đến tán tỉnh nàng, một thanh niên mười tám tuổi cao nghều, với đôi mắt đen nghiêm nghị và nụ cười thoắt hiện.

Vào những tối mùa hè ấm áp họ ngồi trước hiên nhà và nói đủ thứ chuyện mình biết: hàng xóm và người dân và mùa màng và tuổi thơ và cha mẹ. Chàng trai cố kể cho nàng mấy mẩu chuyện hài mà chàng nghe người ta nói ngoài cửa tiệm của Josh Moore, nhưng chúng chưa bao giờ mang cùng phong vị như người ta kể. Nàng cười phá, hoặc cười mỉm, nhưng chàng thấy việc nhại chuyện sao nhàn nhạt và rỗng ruột quá. Vậy nên chàng kể nàng nghe những điều mình mơ ước, ban đầu thì rụt rè, nhưng lúc nào đôi mắt cũng đen nhánh và nghiêm nghị. Chàng nói chuyện nhẹ nhàng và từ tốn, thi thoảng ánh mắt đang dán xuống nền đất lại liếc nhìn lên nàng, hoặc vô tình khiến tim nàng lỡ nhịp vì nụ cười thoắt hiện của mình.

Họ trò chuyện về cái chết và câu cá vược và khiêu vũ quảng trường, và bản trường ca của cuộc đời quanh họ dường như hé lộ. Họ trao đổi với nhau rất nhiều sự thấu hiểu.

Và thế là họ yêu nhau; với chàng trước là nhờ đôi mắt và bàn tay, sau là đôi vai và đường hông tròn trịa của nàng; với nàng là nhờ cánh tay và chiếc cổ và mái tóc nâu rối bời của chàng.

Họ không nói với nhau những điều ấy. Không có lời yêu đương nào cất lên giữa họ, và buổi đêm khi chàng hôn nàng lúc đứng nơi thềm nhà và khi chàng quay đầu hướng về phía cổng, chàng thấy như cần phải nói nàng hay cảm xúc của mình. Chàng sẽ ngoái lại nhìn về cổng để thấy nàng đang đứng tỏa sáng dưới trời sao mùa thu và chàng những muốn chạy tới ôm chầm nàng vào lòng để thì thầm những lời mãnh liệt bên tai người yêu. Nhưng chàng chỉ đơn giản là giơ tay lên và nàng cũng thế, rồi chàng lững thững về nhà dưới những tán cây bị gió giày vò đang cất tiếng thay cho những vì sao câm lặng.

Bạn dạo bước ở đây, như rất nhiều người đã dạo bước. Những cây sồi cổ thụ đã thấy họ. Dòng nhựa sống chảy qua các nhành cây ngoằn ngoèo ấy cũng như nó chảy qua huyết quản của bạn - trong thoáng chốc. Cây bông gòn đâm nhánh tua tủa mang bộ rễ bắt xuống con lạch không quan tâm đến số cây cối đã hút chất đất ẩm ở đây trước khi nó chào đời, nó chỉ quan tâm đến đất, hơi ấm mặt trời, và hạt giống. Bạn dạo bước ở đây. Được trăng ủ ấm và gió mơn man, bạn dạo bước ở đây… trong thoáng chốc.

Và chàng trai lững thững về nhà và mệt nhoài thả người xuống giường và lăn qua lăn lại đến nỗi chiếc nệm dây cần được thắt chặt lại hai lần trong hai tuần.

Vào tháng Mười đợt sương giá đầu tiên bao phủ lấy vùng thung lũng hẻo lánh này. Việc thu hoạch đã xong và việc chuẩn bị cho mùa đông đang được tiến hành. Những kho lương thực lớn đang được cất trữ trong các căn hầm bằng đất và các căn nhà hun khói luôn ám mùi mốc meo. Mùi khói củi nồng đượm lan khắp thung lũng, hứa hẹn sự bình yên và ấm cúng của những đêm đông trước ngọn lửa thân tình. Hương thơm xiêu lòng của thịt heo được nấu ngoài trời trong những chiếc ấm đen khổng lồ báo hiệu những bàn ăn và bữa tiệc thịnh soạn trong mái nhà ấm áp giữa mùa đông. Đó là quãng thời gian tuyệt đẹp trong năm. Quãng thời gian khi mà người ta mãn nguyện nhớ lại một công việc đã hoàn thành suôn sẻ hồi mùa hè.

Đối với Susan đó là quãng thời gian tuyệt đẹp. Nàng luôn tay luôn chân với đống việc nhà bất tận mà không mảy may thấy phiền. Thực tế, nàng gần như không để tâm vào chúng và đã hơn một lần nàng ngạc nhiên khi chuyển từ việc này sang việc kia và nhận ra đã làm xong việc kia trước đó rồi.

Nếu mê tín hẳn nàng sẽ quả quyết rằng có cô tiên tốt bụng nào đó đã rửa giúp số cà chua nàng để trên chạn bát.

Có vẻ nàng đã để tâm hơi nhiều vào một chàng trai cao gầy mang đôi mắt đen (với nàng chàng rất đàn ông, và có vẻ đúng thế thật). Tuy nhiên giữa họ vẫn chưa có sự mở lời nghiêm túc nào, nhưng nàng hiểu, và nàng bằng lòng cho chàng thêm thời gian. Vấn đề tương lai của nàng đã được ấn định hết sức đẹp lòng và tuổi trẻ của nàng nói rằng thảy đều tốt đẹp. Hãy cho chàng thời gian; thảy rồi sẽ tốt đẹp.

Bản thân chàng trai cũng bận bịu với việc nhà. Đó là quãng thời gian bận rộn, quãng thời gian tươi đẹp trong năm. Những buổi sáng mát lạnh khiến người ta gần như phải đánh vật mới chịu ra khỏi giường. Trứng và xúc xích chiên ngon gấp nhiều lần khi có sương giá trong bầu không khí. Lúc chàng vung vẩy xách xô đựng sữa ra cửa, luồng không khí nhồn nhột tràn vào mũi cùng những lời hứa hẹn mê lòng.

Đàn gà chạy tán loạn lúc chàng lại gần, bồn chồn kêu cục tác. Chàng vung xô sữa về phía chúng và cả cười khi thấy chúng tản mác trong hốt hoảng. Lúc đi qua đụn gỗ chàng hài lòng nhận thấy gần như mọi cây gỗ đều đã được chẻ và xếp chồng ngay ngắn giữa những cây sào đóng chặt xuống đất. Có một bó củi đốt ba cạnh sáng bóng được chẻ ra từ gỗ thông vàng. Không khí dường như dính đặc lại trong sự dồi dào sung túc này. Lúc đến chuồng bò (đó là một cái lán nhỏ dựng từ một tấm ván lớn phong sương), chàng nới sợi dây da trên chiếc đinh rồi bước vào với lời chào ồn ào và thân mật dành cho con bò sữa đang ngạc nhiên.

Các yếu tố tự nhiên trải thảm lên nền rừng bằng những lớp dày đặc lá cây màu nâu giòn được xé khỏi tán cây đã trụi phân nửa. Đã đủ lâu rồi số lá này che mát những dãy đồi và triền dốc rợp bóng cây. Bây giờ chúng về với đất để phân hủy và do đó cung cấp sự sống cùng dinh dưỡng cho lớp hậu duệ chưa thành hình của chúng. Đã đủ lâu rồi, hỡi lá.

Năm ấy là 1834, một năm tốt lành. Bấy giờ là mùa thu, thời điểm đẹp trong năm.

Trong một thung lũng đá nhỏ của miền rừng, một bi kịch nhỏ đã diễn ra. Một con cáo, hơi gầy (trên đám lá giòn ngay cả cáo bước đi cũng gây tiếng ồn), đang cố gắng lôi một con sóc chuột lông vằn đầy sợ hãi ra khỏi căn nhà giữa đụn đá của nó. Con cáo nhảy bổ vào con sóc chuột, nhưng trước khi nó kịp găm hàm răng nhỏ sắc nhọn vào phần thưởng lông lá của mình, con sóc chuột lẩn trốn qua háng nó. Con cáo điên cuồng lộn người lại và vồ thêm cú nữa, lần này nó kẹp được con sóc chuột vào giữa hai chân trước. Thận trọng nó cúi đầu xuống để kết thúc cảnh ghìm giữ. Nó há miệng và nơi lỏng bàn chân, nhưng con sóc chuột nhanh hơn nó. Hai hàm răng nó chạm nhau đánh tách nghe đầy dứt khoát và trong trẻo giữa bầu không khí sương giá.

Con sóc chuột là một vệt sáng màu nâu vàng lóe lên nơi khe hở của đống đá. Ngay khi nó đến được chỗ trú ẩn này, con cáo, nhờ sự kết hợp của nhanh nhẹn và may mắn, đã ghim chặt nó xuống bằng một chân. Nhưng con sóc chuột ở dưới khe hở còn con cáo không thò được cái mõm nhọn hoắt của mình xuống khe hở đủ xa để bắt nó. Hơn nữa con sóc chuột vẫn đang bò về phía trước bất chấp bàn chân con cáo đang ghim chặt, cho đến khi nó bị lèn vào giữa đống đá nơi con cáo không thể nào đào lên nổi. Con cáo thò mặt xuống khe đá đến mức sâu nhất có thể, chỗ đó vẫn còn mùi hương ấm áp của con sóc chuột đang ở trước mũi nó vài inches, và rên ư ử như một con chó con. Nó cào và cấu cho đến khi con sóc chuột đầm máu và bất động, hít khụt khịt, và với tiếng rên rỉ tuyệt vọng cuối cùng nó chạy lóc cóc qua đám lá xào xạc, bỏ lại con sóc chuột cho những loài ăn thịt nhỏ hơn.

Tiết trời đã trở nên quá lạnh đối với cảnh tượng lung linh bên ngoài. (Bấy giờ là tháng Mười và thung lũng bừng sáng với sương trắng lấp lánh bên dưới tia nắng xiên dài của mặt trời mới mọc.) Thời tiết đẹp cho săn bắn và khu rừng cứ đều đặn vọng lên tiếng nổ sắc lạnh của súng trường hoặc âm thanh trầm đục của súng săn chim. Nhưng tiết trời đã trở nên quá lạnh đối với cảnh tượng lung linh bên ngoài. Susan và chàng trai thỉnh thoảng ngồi trong tiền buồng của nhà nàng vào những buổi tối se lạnh để trò chuyện với cha mẹ và các anh nàng. Các anh nàng hiếu khách nhưng hơi tinh quái và họ khiến chàng trai ngượng nghịu.

Đôi lúc mọi người về phòng ngủ hết để hai người họ được riêng tư một lúc trước khi chàng trai phải ra về. Vào những dịp này chàng còn bối rối hơn cả khi cả nhà còn ở trong phòng.

Chàng sẽ nói, “Ừm, Susan, chắc là anh cũng nên về thôi.” Và nàng sẽ nói, “Ôi đừng về vội, chưa muộn lắm mà.” Và chàng sẽ nói, “Đằng nào thì anh cũng sắp phải về rồi,” và đen láy nhìn nàng cho đến khi nàng cúi đầu với một nụ cười e thẹn và rồi chàng sẽ hơi ngượng nghịu vươn tới để hôn lên má nàng. Nàng sẽ nhìn lên, một thoáng thôi, và chàng sẽ ôm vai nàng mà hôn lên môi nàng. Không gì mềm mại và ấm áp và thơm ngọt đến thế. Chàng sẽ ôm nàng một lúc, không nói gì, nhưng hơi thở chàng hơi nghẹn lại trong cổ, hoàn toàn không tin vào lời nói của mình. Một lát sau nàng sẽ ngước nhìn chàng, khá bạo dạn, chàng nghĩ, và hỏi liệu mình có được gặp chàng vào ngày mai, hoặc chàng có đến Artwood vào tối thứ Bảy, hoặc gì khác, và chàng sẽ đáp lại một cách tốt nhất có thể, thơm má nàng và nói tốt hơn chàng nên về và dứt khoát vùng dậy, đứng đó đầy khắc khổ, hoặc thậm chí có thể vươn vai, và rồi đi ngang phòng, bộ dạng ngượng nghịu, lấy lại áo khoác.

Nụ hôn ở ngưỡng cửa của nàng sẽ chứa đầy ý nghĩa và chàng sẽ lao ra ngoài trời đêm rét ngọt và chạy gần hết quãng đường về nhà. Sao trời hứa hẹn sẽ quay lại vào đêm mai.

Susan sẽ đứng ở cửa đến khi chàng khuất dạng, thở rất khẽ và tưởng tượng chàng vẫn ở đó với vòng tay ôm lấy mình.

Rồi nàng sẽ mang đèn vào buồng riêng và tự nhìn mình để xem có điều gì ở nàng khiến chàng nghĩ rằng nàng là một món đồ sứ tinh xảo.

Mau mắn trút bỏ bộ đồ trong căn buồng nhỏ lạnh giá, nàng sẽ ngã nhào lên giường. Nàng sẽ gặp lại chàng vào tối mai.

Sao trời đã quay lại; nếu ánh sáng của chúng nhạt đi, đó là bởi một phần của cái đẹp không còn ở đây để đón chúng nữa. Trong mắt chàng chúng nhòe ướt và méo xệch trong một biển muối. Năm ấy là 1834, và đó là tháng Mười.

Nàng chết ra sao? Phiến đá câm không để lại lời khai. Có rất nhiều kịch bản.

Một biển yêu thương và xót xa trào dâng trong Wes. Những giọt lệ lớn đẩy nhau lăn dài dọc gò má. Anh vung tay ôm choàng lấy phiến đá cứng cỏi và khóc cho Susan đã mất, cho tất thảy Susan đã mất, cho tất thảy mọi người; đẹp đẽ thay, đáng thương thay, lạc lõng và hoang phế và cô quạnh thay.

Lát sau Wes đứng dậy khỏi nấm mộ, kiệt sức và trống trải. Anh nhặt khẩu súng săn và bắt đầu về nhà. Gió nổi. Một đám lá khô nhảy nhót dưới chân anh và nô đùa và nhào lộn trước mặt anh, rồi chúng nhốn nháo chạy xiên về bên phải và cuống cuồng chạy xuống một hành lang miền rừng tràn nắng, nhảy và múa trước gió trong một vở kịch giễu nhại cuộc đời.

Wes mỉm cười. Những chiếc lá mệt mỏi và thở dài rụng xuống khỏi cành.

Đã đủ lâu rồi, hỡi lá.

Anh mỉm cười, đi về nhà, trông sừng sững ngay giữa rừng cây khẳng khiu.

C.M
(TCSH413/07-2023)

 

 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Nhóm lửa (21/04/2023)
Bức tranh thêu (16/03/2023)
Tuyết (18/01/2023)
Chị Linda (25/11/2022)