HÁCH XUYÊN THỨ LANG
(Nhật)
Phải dấu việc này không cho anh ấy biết. Lãng Tử nghĩ vậy và nắm chặt bao nhỏ trong tay, tần ngần rảo bước trên cầu. Đêm tối không người với dòng sông lặng lẽ trôi giữa một màn đen kịt, và rồi nó sẽ mang đi điều bí mật của ta.
Bao nhỏ trôi xuống dòng sông một cách lẹ làng.
Về thôi. Ngày mai anh ấy đi viện, chắc phải dậy sớm lắm.
Lãng Tử vội vàng trở gót, nhẹ nhàng mở cửa, đi qua nhà bếp, bước vào phòng ngủ và chồng bà đã đứng đợi ở đấy.
"Đi đâu?" ông tức giận.
"Dạ... "
"Đã vứt cái gì xấu xa xuống sông phải không?"
Người chồng càng hùng hổ, còn Lãng Tử thì mặt cắt không ra máu.
"Vứt cái gì? nói mau!"
"Ông muốn nghi gì cho tôi?"
"Thư tình từ Bắc Sơn?"
Lãng Tử im lặng, mở to đôi mắt rồi từ từ nhìn xuống chân mình.
"Đã thông đồng với thằng khốn nạn ấy những gì rồi?". Bốp, một cái tát nảy lửa, Lãng Tử loạng choạng rồi ngã lăn xuống đất, quằn quại đau đớn.
Đứa con gái tên là Hữu Kỷ Tử đã chứng kiến toàn cảnh, trong mắt nó bao nỗi sợ hãi và nghi ngờ.
"Mẹ! Con là con của ai?" Nó hỏi Lãng Tử "là cha hay là người nào trên Bắc Sơn ấy?
"Sao con lại hỏi điều này?"
"Con muốn biết".
Lãng Tử im lặng, gió thổi tung mớ tóc của người đàn bà gần như đã bạc trắng.
"Thôi được", cuối cùng thì Lãng Tử phải nói, "mẹ sẽ kể cho con nghe".
"Trước khi cưới mẹ, cha con đã yêu một người, cô ta tên là..."
* * *
Tinh Mỹ không mấy xuất chúng, ở trường trung học, cô ta học dưới cha con một lớp. Và lúc ấy cô học sinh Lãng Tử rất mực yêu mến cha con lại là bạn thân của Tinh Mỹ. Nhưng hai thiếu nữ ấy đều chưa đến tuổi biết thổ lộ ái tình với bạn trai, nên chưa xẩy ra cái gì gọi là cuộc chiến "tranh chồng". Xét về gia cảnh thì Lãng Tử trội hơn. Cha của Tinh Mỹ chết sớm, hai mẹ con sống với nhau vô cùng gian khổ và tất nhiên cô không có quần áo đẹp để diện như Lãng Tử, vì vậy mà ít đi chơi với đám đông. Nhưng Lãng Tử biết được rằng vẻ đẹp nhu mì, thuần khiết, dễ thương của Tinh Mỹ thì không ai có thể bắt chước được.
Đó là một ngày hè.
Tinh Mỹ vội vã chạy đến nhà Lãng Tử, hôm ấy cha con cũng ở đấy. Tinh Mỹ bị đám gia bộc của chủ nhà, nơi mẹ cô làm công, rượt đuổi.
"Hãy đưa con bé ra đây!"
Đám gia bộc nhiếc móc, tiểu thư của họ vừa để chiếc nhẫn quý trên bàn trang điểm, thoắt cái đã biến mất, đúng cái lúc con bé vào phủ đường tìm mẹ nó, nó đã đánh cắp chiếc nhẫn chứ còn ai nữa.
Cha con tức giận, bảo Tinh Mỹ núp vào phòng trong, rồi quay ra một mình sống mái với đám gia bộc đang làm ầm ngoài cửa, cuối cùng chúng bỏ chạy vì không đủ chứng cớ gì rõ ràng.
Cha con bước tới Tinh Mỹ, mặt không còn giọt máu, người run bắn, âu yếm nắm tay cô.
Sự việc chưa phải đã xong, những ngày hè năm ấy, tin đồn Tinh Mỹ ăn trộm nhẫn quý đã truyền khắp thị trấn. Năm học mới khai giảng và không bạn học nào dám nói chuyện với cô ta. Tiếp đến mẹ Tinh Mỹ mất việc, cuộc sống của họ càng leo lắt và cũng từ đó cha con đem lòng yêu thương Tinh Mỹ, một mối tình trong trắng trinh nguyên không hề vởn màu thương hại. Lãng Tử là bạn thân của Tinh Mỹ đã tự thề với mình rằng vì họ, vì hai người mà cắn răng chịu đựng. Nhưng chỉ với mối tình học trò chân thực của cha con thì Tinh Mỹ và mẹ cô ta làm sao sống nổi và cuối cùng hai mẹ con họ đã nhảy xuống sông tự vận...
* * *
"Sau đó, cha con đến nhà này, rồi lại sau đó nữa, có con hôm nay". Lãng Tử ngừng giây lát, "Nhưng cha con không bao giờ quên Tinh Mỹ, mẹ chỉ là vợ, còn Tinh Mỹ mới là người yêu của cha con, chỉ có cô ấy mà thôi."
Hữu Kỷ Tử thở dài.
"Câu chuyện mẹ vừa kể và bao nhỏ mà mẹ vứt xuống sông có liên quan gì với nhau?."
"Khi quét dọn mẹ đã nhìn thấy bao nhỏ gói chiếc nhẫn quý dắt trên mái nhà, và hôm nay mẹ mới vứt xuống sông."
"Thế sao?"
Tinh Mỹ bị đám gia bộc chủ nhà rượt đuổi, phải chạy đến đây cầu cứu, nhân lúc cha con dẹp loạn, cô ấy đã kịp dấu bọc nhỏ ấy".
"Sao mẹ không nói cho cha biết?"
Lãng Tử cười: "Mẹ biết Tinh Mỹ bất hạnh ra đi đã làm cha con đau đớn lắm rồi. Tinh Mỹ là hình tượng toàn bích của cha con, mẹ không muốn hình tượng ấy sụp đổ con ạ".
"Mẹ".
Hữu Kỷ Tử ôm chầm lấy mẹ.
"Mẹ mới là người yêu cha con nhất".
Đôi má Lãng Tử ửng hồng: "Đàn ông, những tín đồ của thần lãng mạn, họ chỉ thích sống trong mộng".
Thái Nguyễn Bạch Liên dịch
(Theo bản Trung văn của Hiểu văn đăng trong Độc giả văn trích số 2-1992)
(TCSH54/03&4-1993)
-----------------------------
(*) Nguyên văn: “Bí mật của mẹ”