Truyện dịch
Tanoo
14:21 | 05/01/2024

SRI DAORUANG

Nhà văn Sri Daoruang tên thật là Wanna Sawasdsri, sinh năm 1943, quê quán ở Phitsanulok, Bắc Bangkok, Thái Lan. Bà là tác giả của tuyển tập Quỷ truyện Dân gian (Tales of the Demon Folk, 1984).

Tanoo
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Tanoo


Khi một đứa trẻ biếng ăn và không tăng cân trong vài tháng, cha mẹ nó sẽ tìm mọi cách khắc phục tình trạng. Nếu nó lại ăn ngon, ngủ ngoan, lớn lên từng ngày, họ sẽ rất vui và thôi lo lắng. Tôi cũng là mẹ nhưng tôi không được như những bậc sinh thành khác…

Vợ chồng tôi khó mang thai. Sau khi bị trễ kinh nguyệt đến ba tuần, tôi tính đi khám. Chồng tôi nhất định đưa tôi đi gặp bác sĩ khoa sản uy tín đang là giáo sư. Ông ấy làm việc ở bệnh viện nhà nước và mở phòng khám tư ngoài giờ hành chính.

Mọi điều bác sĩ dặn dò, tôi đều thực hiện hết. Tôi uống thuốc ốm nghén và thuốc bổ, đi khám thai hàng tuần và tiêm hormone mà bác sĩ bảo tốt cho em bé. Chi phí khám thai và tiền thuốc men không rẻ, nhưng tôi không tiếc. Dưới sự chăm sóc và theo dõi của bác sĩ, tôi cảm thấy yên lòng, vô cùng biết ơn.

Bạn bè biết tôi khó khăn lắm mới hoài thai, tích cực tư vấn, đặc biệt cho nhiều lời khuyên về việc nên ăn gì, uống gì để cả mẹ lẫn thai nhi đều khỏe mạnh. Chồng tôi không để tôi làm bất cứ việc gì nặng nhọc. Mỗi chuyện đi lên cầu thang, anh cũng chỉ đồng ý nếu tôi có lý do chính đáng. Nhà tôi không thuê người giúp việc, bao chuyện nội trợ đều do anh cáng đáng.

Bụng tôi to lên rất nhiều. Tôi nghĩ em bé phải là đứa trẻ to nặng hoặc sinh đôi. Sẽ là một ca sinh khó đây, nhưng tôi không ngại.

Cuối cùng, Tanoo - em bé của chúng tôi cũng chào đời. Nó chỉ nặng có 1,8kg, trong lồng ngực là trái tim không khỏe mạnh. Môi nó màu xanh còn những móng tay vừa tròn vừa dày.

Mấy tháng đầu, ai nhìn thấy Tanoo cũng ái ngại. Người lạ xì xào, “Xem kìa, đứa bé đó nhợt nhạt quá, như là màu xanh ấy”, hoặc “Sao da của nó lại có màu như thế nhỉ?”, hay “Liệu nó có thể nhấc nổi đầu lên không?”. Những lần bế Tanoo xuống phố dạo chơi, tôi thường phải dừng lại và trả lời các câu hỏi đó. Người qua người lại thản nhiên thắc mắc về Tanoo như thể đang hỏi “Hôm nay thời tiết thế nào?” hay “Chị đã ăn cơm chưa?”, rồi tiếp tục công việc của mình.

Vợ chồng tôi sống trong khu phố ngoại ô Bangkok. Hàng xóm quan ngại tình trạng của Tanoo, thường xuyên giới thiệu và khuyên chúng tôi nên đi gặp bác sĩ này, tới bệnh viện kia. Họ cũng mách các mẹo hay, đề xuất biện pháp lạ, thậm chí cả cách thức nuôi dạy Tanoo.

“Thử cho thằng bé vầy đất và cát xem sao. Không chừng, nghịch bẩn lại khiến nó khỏe hơn”.

“Nhìn gan bàn chân phẳng lỳ của nó kìa, nom y như gan bàn chân tượng Đức Phật ấy. Điều này có nghĩa là thằng bé nhiều phúc phần. Tôi nghĩ mình biết tại sao nó vẫn chưa biết đi đấy. Thử đỡ thằng bé dẫm lên cỏ khi vẫn còn sương hoặc là thả nó vào bãi cỏ đẫm sương, chân nó sẽ cứng cáp ngay. Sương có tác dụng làm xương chắc khỏe mà”.

“Sữa đặc, đấy mới là thứ thằng bé cần. Sữa đặc là nhất. Tôi chưa bao giờ thấy đứa trẻ nào uống sữa đặc mà không khỏe mạnh hay không tăng cân cả”.

Tôi không dám làm theo lời người nào, nhưng hiểu là họ có lòng tốt, dù họ nhìn Tanoo như thể sinh vật lạ.

“Thằng bé được mấy tháng rồi? Chị cho nó ăn thế nào thế?”

“Con tôi nhỏ hơn cả ba tháng tuổi, nhưng cân nặng thì chắc phải gấp đôi…”.

Tôi cố gắng kìm nén. Tôi sẽ phải tiếp tục kìm nén. Vì Tanoo, mà cũng có thể là vì chính tôi. Về phần chồng tôi, anh không nhẫn nhịn trước bất cứ lời lẽ nào về Tanoo. Đối với anh ấy, những góp ý này không chỉ vô dụng mà còn ác khẩu. Trước sự ác ý thì không cần phải tỏ ra tử tế.

Bác sĩ tư vấn rất nhiều lời khuyên khó thực hiện. Ông ấy bảo, điều quan trọng nhất trong những năm đầu đời củaTanoo làphải được nuôi dạy như bao trẻ em bình thường khác. Có thế thì sau này, khi trưởng thành, nó mới không mặc cảm. Họ cũng dặn, chúng tôi không được để Tanoo đau ốm, phải chú ý ngăn ngừa bệnh cảm lạnh và các bệnh khác, vì thằng bé rất dễ mắc phải các dạng viêm nhiễm.

Tanoo đổ mồ hôi rất nhiều trong lúc ngủ. Sáng ra, gối và nệm của nó luôn ẩm ướt. Tay và chân Tanoo rất ấm, thằng bé ghét đắp chăn. Tôi luôn lau mồ hôi cho nó bằng khăn mềm. Mùa nóng, tôi bật quạt nhỏ để Tanoo không bị ướt khi ngủ. Riêng buổi ngủ trưa thì bất cứ ngày nào, tôi cũng phải bật quạt cho thằng bé. Tôi mua những bộ quần áo trẻ em mềm nhẹ nhất. Dù vậy, thỉnh thoảng thằng bé vẫn từ chối mặc áo đi ngủ. Khi bị cảm, nó đổ mồ hôi như tắm. Nếu tôi không giữ đầu thằng bé khô ráo, trên trán nó sẽ xuất hiện vết phồng rộp.

Như mọi bậc sinh thành, với chúng tôi, Tanoo là trái tim. Nó là em bé đáng yêu nhất thế giới. Tôi luôn thấy Tanoo rất xinh, dù biết rõ trong mắt người khác, nó nhỏ thó, đầu quá khổ, tai vểnh và người rất gầy. Chỉ tại mọi người luôn nhìn Tanoo từ xa. Nếu đến gần, họ đã thấy đôi mắt trong veo, lấp lánh, tròn xoe, hàng mi dài, hàm răng trắng sạch sẽ…

Gần ba tuổi, Tanoo mới tập đi nhưng đã biết hát. Thằng bé còn nhớ toàn bộ nội dung của bài thơ mà cha đọc cho nghe.

Tính khí Tanoo khá cáu bẳn, dễ nổi giận nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào. Cái nết này chắc chắn di truyền từ cha nó. Thằng bé hay khóc, nhưng cũng không khó để dỗ cười. Chỉ cần được cha mẹ cưng nựng, nó hạnh phúc ôm chúng tôi, mặc nước mắt vẫn ướt đầm trên má.

Tanoo thích chơi với vòng hột me mà cô bé nhà bên cạnh làm cho. Nó bắt chước một nhà sư đang cầu nguyện nhìn thấy trên truyền hình, ngồi xếp bằng, cầm vòng hột me và lần từng hạt. Thằng bé cũng mê dải băng gạc tôi đã mua dùng khi bị bong gân mắt cá chân. Nó kiên trì quấn dải gạc khắp người rồi cởi ra, sau đó lại quấn vào.

Trong mớ đồ chơi chất đầy nhà, Tanoo yêu nhất là đoàn tàu. Đường từ nhà tôi tới bệnh viện khá xa, mỗi lần đi là phải ngồi tàu. Tiếng còi tàu chói gắt khiến Tanoo kinh hoàng, xanh lét hơn bao giờ hết. Nó sợ hãi bịt tai rồi buông tay, nhào lên ôm cứng cổ mẹ, nhưng vừa về đến nhà là lại luôn miệng “Tàu hỏa, xe lửa ơi”. Cả ngày, Tanoo hăm hở cầm dây buộc đầu tàu hỏa đồ chơi, kéo khắp nhà. Chán tàu hỏa, thằng bé lôi mọi thứ, từ viên gạch đến cái rổ, khúc cây, bông hoa… xếp thành một hàng rồi kéo cha mẹ tới xem. “Xình xịch xình xịch tu tu tu…! Mẹ ơi, đó là đoàn tàu của con đấy. Bố ơi, bố thấy chưa. Đoàn tàu này số 555, là tàu tên lửa”. Tôi và chồng tôi phải tỏ ra thích thú và trầm trồ.

Đôi khi, Tanoo chơi một mình rất lâu hoặc ngồi yên, nhìn đăm đăm chiếc lá đang rung rinh trong gió hay đám mây lơ lửng trên bầu trời hàng giờ liền. Một buổi chiều, vợ chồng tôi để ý thấy nó ngắm nghía chú chim nhỏ đậu trên cành cây ngoài cửa sổ và thân thiện hỏi, “Đa đa, mày muốn đem trứng ốp la cho ta không?”. Trời ơi, nhóc con biết chơi từ đồng âm luôn cơ đấy! Lần khác, Tanoo vẫy con rắn cỏ, rủ vào chơi và cho kẹo. Một đêm oi bức, nó nhìn lên trời qua cửa sổ, gọi “Trăng ơi, ở trên đó có nóng không?”. Đêm khác, khi cả bầu trời chỉ hiển hiện mỗi một ngôi sao, nó chỉ cho tôi thấy và hỏi, “Mẹ ơi, bạn bè của ngôi sao này đi đâu mất rồi?”.

“À, cả mặt trăng cũng không thấy đâu nhỉ. Chắc là chúng rủ nhau đi mua quà cho Tanoo đấy”, tôi trả lời. Tanoo liền cười vui vẻ.


Minh họa: Nguyễn Duy Linh


Sau khi ngồi thơ thẩn một mình quá lâu hoặc bị tôi mải làm việc, quên mất, Tanoo thường bất ngờ xuất hiện bên cạnh và nũng nịu, “Mẹ ơi, mẹ có nghĩ đến con không?”. Tim tôi như thể bị đốn rụng. Tôi trả lời mà không nhìn sang, “Mẹ có nghĩ chứ”. Tanoo liền hỏi thêm, “Mẹ ơi, mẹ có thương con không?”.

Hình như, với Tanoo, hai câu hỏi này là nghi thức giao tiếp đặc biệt quan trọng. Nếu tôi trả lời “không nghĩ, không thương”, nó liền nhào vào lòng tôi và dang tay ôm thật chặt, ngước mặt nhìn lên với vẻ đáng thương, đôi chân mày nhíu lại gần chạm vào nhau. “Mẹ phải nghĩ về con, yêu con cơ”, Tanoo phụng phịu. Thằng bé luôn là người quyết định đã đến lúc tôi phải ngừng tay khỏi công việc đang làm và chơi với nó. Tôi biết, Tanoo thấy cô đơn. Ở gần nhà tôi không có đứa trẻ nào cùng trang lứa và vợ chồng tôi rất bận bịu. Thường thì, mỗi khi Tanoo mè nheo, tôi liền buông bỏ công việc và chơi với con. Tuy nhiên, cũng có bữa tôi cáu kỉnh và không thể ngừng tay. Tanoo không bận tâm, cứ nhào vào người tôi, đòi hỏi. Không chịu nổi, tôi giơ tay phết khẽ vào mông nó. “Hu hu, mẹ đánh con. Mẹ đánh cái mông tội nghiệp của con. Thổi đi, đúng chỗ mà mẹ đánh. Hu hu, cái mông đáng thương của con. Thổi thổi hết đau cho con đi…”, Tanoo ăn vạ. Cũng có khi, nó chặn tay tôi, “Mẹ đừng đánh con mà! Con giữ tay mẹ này và mẹ sẽ không thể đánh được con”.

Gần đây, Tanoo còn dùng chiêu trò mới. Khi thấy tâm trạng tôi không tốt, nó thôi mè nheo và đề nghị, “Để con ôm mẹ nhé, rồi mẹ sẽ thấy dễ chịu ngay”.

Khoa nhi của bệnh viện khám tim mạch vào thứ tư và thứ sáu. Triệu chứng mắc bệnh của trẻ em rất đa dạng, nhưng chung một điều là tất cả đều rất yếu ớt. Chúng không chạy nhảy xung quanh và nghịch ngợm trong phòng chờ. Nhiều bé còn gầy, xanh xao, không đi đứng bình thường được. Có bé dường như ốm liên miên. Có bé răng rất xấu. Có bé nhận thức chậm chạp. Các bậc cha mẹ nhìn nhau, trao đổi sự cảm thông qua ánh mắt. Một số người né tránh ngồi chung nhóm với người khác. Họ đi tới đi lui trên hành lang hoặc quanh quẩn trong phòng chờ của khoa chụp X-quang. Thỉnh thoảng, họ nhìn con rồi ôm chặt hơn, như thể sợ chúng tôi giật mất và bỏ chạy.

Khi Tanoo chưa được một tuổi, bác sĩ nói nó cần chụp X-quang đặc biệt để nhìn rõ vị trí sẽ phẫu thuật. Chồng tôi hỏi, liệu đó có phải thủ thuật y tế nguy hiểm không? Bác sĩ trả lời, không thể đảm bảo bất cứ điều gì. “Dù vậy, đừng quá lo lắng! Tất cả những gì chúng tôi làm chỉ là gây mê, tiêm thuốc nhuộm vào tĩnh mạch và chụp X-quang. Đây là thủ thuật rất phổ biến”, họ nói.

Bác sĩ tiêm thuốc an thần cho Tanoo và tôi bế nó vào căn phòng đề biển “Thông tim”. Tanoo chưa ngủ ngay. Cùng phòng có hai bé gái khoảng chín, mười tuổi cũng đang chờ vì đã tiêm nhưng vẫn tỉnh táo. Y tá xuất hiện, tiêm liều bổ sung cho cả ba. Tanoo chìm vào giấc ngủ đầu tiên. Cô y tá vỗ về tôi, khen Tanoo trông rất thông minh. Thế rồi, chị nói với tôi sẽ không tệ nếu sinh thêm đứa nữa. Tôi phải cố lắm mới kìm được giọt nước mắt giận dữ. Tôi muốn thét vào mặt chị ta rằng, tôi không cần đứa bé thay thế Tanoo. Cho dù tôi có thêm bất cứ đứa con nào, nó cũng không phải người thay thế Tanoo. Không ai có thể thay thế thằng bé hết. Nhưng, tôi câm lặng, vì hai bé gái đang sợ hãi và khóc. “Các cháu nhìn này. Tanoo còn nhỏ hơn các cháu mà không hề sợ hãi gì nè. Chưa kể, nếu việc này mà nguy hiểm, cháu nghĩ cô có dám để em nó vào đó không?”.

Hai bé gái nín khóc nhưng vẫn còn sụt sịt. Chúng không có người thân ở cạnh, vì cha mẹ ở quê xa. Phải mất nhiều ngày, họ mới lên tới Bangkok.

Đã đến lúc bế Tanoo vào phòng mổ. Trong đó lạnh và đầy máy móc lớn. Các y bác sĩ phụ trách bước vào, đi lại bất tiện vì bộ quần áo bảo hộ dày bằng nhựa màu đỏ và xanh lá cây mặc bên ngoài. Trông họ giống như những diễn viên kịch trong nhà hát La Mã. Mọi thứ đều khổng lồ, từ con người đến quần áo, máy móc, bàn mổ. Chỉ có Tanoo là nhỏ và dường như, trong khung cảnh này, lại càng nhỏ hơn.

Quá trình tiểu thông kết thúc, để lại vết thương nhỏ ở bẹn Tanoo. Trong một tuần tới, ống thông giúp cải thiện lưu lượng máu giữa tim và phổi của thằng bé. Đây mới chỉ là bước đầu, đại phẫu vẫn chờ ở phía trước.

Tôi định để chồng mình bế Tanoo vào phòng phẫu thuật. Anh ấy nên là người giao phó nó cho y bác sĩ. Chồng tôi lắc đầu. Anh không dám và cũng không muốn nhìn thấy con trai trong phòng mổ. Tôi đã cầu nguyện cánh tay của mình gặp chuyện, không bế nổi con. Tôi sợ hãi, nhưng không thể bộc bạch với ai. Nếu tự tay tôi trao Tanoo cho họ, liệu rằng tự tay tôi có được đón nó lại không?

Tôi chờ đợi bên ngoài phòng phẫu thuật. Tanoo nằm trên đùi tôi, ngủ mê man sau khi tiêm thuốc an thần liều mạnh hơn lần trước. Ở nơi nào đó, cách chỗ này không xa, chồng tôi chắc cũng đang đứng ngồi không yên. Tôi mường tượng trong đầu hình ảnh anh ấy đứng lên, ngồi xuống, thấp thỏm.

Nước mắt tôi rơi trên má Tanoo. Tôi ôm nó chặt hơn, hôn lên má, trán và cái miệng thơm mùi sữa. Ghé miệng vào tai con, tôi thì thầm “Phải quay lại với mẹ nhé, Tanoo”.

Y tá xuất hiện. Chân và tay tôi run lẩy bẩy. Tôi cố gượng đứng dậy, bước theo chị. Đầu tôi đầy rẫy câu hỏi, nhưng miệng lại không thốt ra nổi lời nào. Đến cửa phòng mổ, y tá quay lại, giơ hai tay ra. Tôi cũng nâng tay, đặt trái tim của mình vào tay chị.

Tối hôm đó, thời tiết mát mẻ dễ chịu. Khuya, tiếng đồng hồ trong phòng khẽ tích tắc như nhịp tim đập yếu ớt, đều đều. Tanoo vẫn chưa tỉnh. Tôi ngồi im, lặng nhìn thằng bé và nhớ lại mọi khoảnh khắc với con trong đời. “Ở lại với mẹ nhé, Tanoo ơi!”.

Vầng trán Tanoo và tóc mai ướt đẫm mồ hôi, áo mặc ngoài cũng thế. Tôi đã khâu chiếc áo ngủ này cho nó từ những chiếc tã cũ, mềm. Buổi tối, trước khi không khí chuyển sang mát mẻ, tôi lau mồ hôi trên da Tanoo bằng khăn mềm ngâm nước ấm. Vết mổ từ ca phẫu thuật kéo dài từ dưới ngực phải sang sườn, đến tận giữa lưng. Dù trong ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ, nó hiển thị rõ nét.

Cẩn thận, tôi nằm xuống bên cạnh Tanoo. Tôi muốn luồn tay xuống dưới gáy con, ôm nó một chút nhưng không dám. Tanoo ghét bị ôm khi ngủ. Tôi nín thở, áp tai xuống gần ngực nó, nghe thấy nhịp tim đập nhanh và rõ hơn của mình. Trước đây, khi Tanoo ngủ, tim nó đập chậm hơn thế này. Âm thanh của nó khác hẳn tiếng tim tôi đập, khiến tôi không thể ngừng lắng nghe. Nó giống như “thình… thịch, thình… thịch, thình… thịch”, từa tựa tiếng thì thầm triền miên.

Tôi nhấc đầu lên, định đứng dậy thì Tanoo bỗng gọi, “Mẹ ơi, mẹ ở đâu?”. Bàn tay thằng bé đưa lên, huơ trong không khí. “Mẹ đây! Mẹ ở ngay đây”, tôi nắm lấy tay con. Tanoo có tật nói sảng và dù phát hiện đã lâu, tôi vẫn chưa quen với điều đó. Vừa trấn tĩnh con, tôi vừa nằm xuống lại. Các nhà tâm lý học đã nói gì nhỉ? Người mẹ ngủ trên giường con là người không chịu nổi tiếng khóc của nó trong đêm, là người chỉ nghĩ đến nỗi đau trong đôi mắt nâu sáng ngời, chỉ nghe thấy tiếng trái tim con đập nhanh hơn, nhanh hơn nữa khi nó sợ hãi…

Đôi khi, giữa lúc cả nhà đang say giấc, Tanoo bất chợt hét gọi mẹ hoặc cha. Cũng có lúc, nó lảm nhảm nói bị con chó xấu xa cắn hoặc là cáu gắt giành đồ chơi với bạn trong giấc mơ. Có lần, Tanoo còn ôm gối và khóc nức nở, “Hu hu, mẹ giận con…”.

Trước mặt chồng và hàng xóm, tôi che giấu sự bất an và yếu đuối. Tôi chơi đùa với Tanoo, cười nói, cãi vã như trẻ con. Chồng tôi thường nhìn và lắc đầu ngao ngán, “Y như một cặp con nít”. Có lẽ, trong mắt anh, mẹ con tôi chỉ đang chơi một trò chơi kỳ quặc. “Mọi chuyện sẽ diễn ra như thế này nhé, Tanoo. Mẹ nhấn nút này và sau đó, con sẽ phải ở với bố cho đến khi thành một ông già… bảy mươi hai tuổi… bốn tháng… hai ngày”, tôi nói với Tanoo. Nhấc bổng thằng bé lên, đặt nó vào lòng, tôi tiếp tục, “Tanoo này, con phải trở thành một bác sĩ nhé, giống như ông nội ấy. Con không được trở thành nhà văn giẻ rách giống như bố con đâu nha. Mẹ không cho phép đâu đấy”. Tanoo nghiêm túc nhìn cha rồi gật đầu. Như thường lệ, chồng tôi nhắc nhở, “Đừng có chiều con quá!”. Tôi lờ đi, tiếp tục trò chuyện với Tanoo. Tuy nhiên, cũng có lần, tôi bất mãn với câu nhắc nhở của anh và nổi cáu. “Chúng ta phải sống hết ngày này qua ngày khác như bao nhiêu người. Chúng ta không thể cứ ngồi và lo lắng về con mọi lúc. Chúng ta phải yêu thương con hết mực, khiến nó hạnh phúc hơn tất cả. Chẳng lẽ, với anh, chuyện này lại tệ hơn là cứ mặt cau mày rũ suốt ngày à?”.

Chồng tôi xuống nước ngay lập tức, ôm tôi và nịnh Tanoo, “Con ngoan, các ông bố thường hay yếu đuối hơn các bà mẹ là như thế đó”. Chỉ là, cả chồng tôi và mọi người đều biết, tôi không mạnh mẽ. Những lúc một mình, tôi không thể ngừng lo nghĩ. “Con là đứa con quý báu của mẹ, Tanoo ạ, nhưng các bác sĩ lại từ chối hứa hẹn bất cứ điều gì về tương lai của con. Nếu có chuyện xảy ra…”. Nếu thật sự có chuyện xảy ra, tôi phải sống thế nào? Nhìn chồng của mình, tôi biết, anh cũng lo sợ điều tương tự. Lỡ có chuyện xảy ra thì, bộ quần áo chính tay tôi khâu cho Tanoo, những món đồ chơi thằng bé yêu thích như tàu hỏa, xe ben, súng laser, câu chuyện thằng bé nằng nặc đòi mẹ kể cho nghe trước khi đi ngủ… tôi phải làm sao mới nhìn nổi hay chạm vào chúng? Không, tôi không thể giữ. Tôi cần bỏ đi tất cả.

Dù cố trấn an bản thân thế nào, tôi không thể ngừng suy nghĩ đến viễn cảnh xấu. Tâm trí tôi rối ren, bấn loạn, chìm sâu trong những tưởng tượng tiêu cực và ngày một đi xa. Tôi sẽ phải đưa thi thể nhỏ bé của con đi đâu, vào nhà chùa hay nhà hỏa táng? Không, không thể như thế! Tôi sẽ chăm sóc Tanoo thật tốt. Tôi sẽ không để thằng bé rời khỏi mình.

Thời gian trôi đi, Tanoo giờ đã ba tuổi rưỡi. Suốt bảy tháng qua, cân nặng của nó không hề tăng. Ngay cả bác sĩ cũng khổ sở. Sau lần phẫu thuật, màu xanh đã biến mất và móng tay của Tanoo cũng không tròn, dày nữa, nhưng nhịp thở của nó vẫn bất thường, trái tim chưa ổn định. Thằng bé vẫn đổ mồ hôi ngay cả trong tiết trời mát mẻ, thường xuyên bị cảm lạnh và rất khó khỏi bệnh. Bác sĩ chẩn đoán, ca phẫu thuật mới chỉ giúp giảm triệu chứng trẻ xanh. Tanoo cần phải phẫu thuật lần nữa và lần này là đại phẫu tim. Thằng bé chỉ có thể lên bàn mổ khi nặng ít nhất mười bốn cân hoặc tình hình biến chuyển trầm trọng, không thể chờ thêm.

Chúng tôi quyết định đợi Tanoo đạt trọng lượng yêu cầu và trong thời gian giúp nó tăng cân, cả nhà sẽ vui vẻ, yêu thương nhau hết mực. Nếu thành công, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cho Tanoo trước khi nó vào tuổi đến trường. Bệnh viện kê cho Tanoo toa thuốc mới, cải thiện sự thèm ăn. Vừa nếm thử, Tanoo đã tái mặt. Tôi nhấm một ít, thấy quá ngọt. Dù vậy, Tanoo ngoan ngoãn uống thuốc mỗi ngày. Chai thuốc có hiệu quả. Hai ngày trước khi tới buổi khám tiếp theo, Tanoo đã tự chọn món muốn ăn để vào đĩa.

Bây giờ, chai thuốc thứ hai đã vơi đi một nửa. Nếu Tanoo tiếp tục ăn uống tốt, ngủ ngon và cân nặng tăng lên mười bốn cân, bác sĩ có thể xếp lịch phẫu thuật. Thế nhưng, họ vẫn từ chối hứa chắc chắn bất cứ điều gì.

Khi một đứa trẻ biếng ăn và không tăng cân trong nhiều tháng, cha mẹ nó sẽ tìm mọi cách khắc phục tình trạng. Nếu nó lại ăn ngon, ngủ ngoan, lớn lên từng ngày, họ sẽ rất vui và thôi lo lắng. Tôi cũng là mẹ, nhưng tôi không được như những bậc sinh thành khác… Tôi không có sự lựa chọn. Tôi nâng thìa thức ăn, bón cho con và tay tôi run rẩy. Tôi đang tiếp thêm năng lượng, sinh mệnh hay hối hả đẩy con đến ngày tôi mất nó vĩnh viễn?

Tôi không tin số mệnh, nhưng tôi kỳ vọng vào những gì thường nói với con. “Mọi chuyện sẽ diễn ra như thế này, Tanoo nhé… Khi mẹ nhấn nút này, con sẽ ở với bố cho đến khi thành ông già… bảy mươi hai tuổi… bốn tháng…”. Mắt tôi ngập lệ, “…hai ngày”.

S.D
Vũ Thị Huế dịch và giới thiệu
(TCSH51SDB/12-2023)

--------------------------
(Royal Vũ, theo wordswithoutborders
https://wordswithoutborders.org/read/article/2016-11/november-2016-thailand-tanoo-sri-daoruang-susan-f-kepner/)

 

 

Các bài mới
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Các bài đã đăng
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)