Truyện dịch
Người đàn bà đánh cá
10:34 | 18/06/2024


PHILIP CHARTER

Người đàn bà đánh cá
Nhà văn Philip Charter - Ảnh tư liệu từ Amazon

Philip Charter là nhà văn trẻ người Anh từng đạt nhiều giải thưởng. “Người đàn bà đánh cá” (The Fisherwoman) sáng tác năm 2021, là tác phẩm được chọn để đặt tên cho tuyển tập truyện ngắn thứ hai của anh. Nhận xét về tuyển tập này, biên tập viên Neil Clark của Janus Literary, viết: “Phạm vi của những truyện này rất đáng chú ý, bao gồm nhiều chủ đề, nhóm tuổi, thời đại, đưa bạn đi khắp thế giới và thậm chí xa hơn nữa”. “Người đàn bà đánh cá” đã thắng cuộc thi truyện ngắn của Loft Books và được đề cử giải Pushcart.

Đỗ Hồng Nhung giới thiệu và dịch từ The Fisherwoman



Người đàn bà đánh cá

 

Cô đã thăm vườn sinh quyển đến lần thứ tư. Luôn có điều gì đó thôi thúc cô quay lại đây, dù chỉ có một giờ rảnh rỗi. Cô scan mã trên vòng đeo tay rồi bước vào mái vòm kính.

Vườn sinh quyển ngập tràn cỏ cây hoa lá khỏe khoắn. Những chú ong máy đang bay lượn giữa những khóm hoa rực rỡ. Hôm nay, cô đến xem triển lãm rừng mưa nhiệt đới, nhưng trước tiên, cô qua thăm vườn Nhật Bản đã.

Một bà lão đang ngồi trên băng ghế, nhìn ra hồ cá koi cô yêu thích. Những chú cá màu trắng pha cam cứ lượn vòng vòng như đang trong giấc mơ ngoan, hầu như không để lại gợn sóng nào. Bà luôn ngồi đúng chỗ đó mỗi khi cô đến. Tiếng chuyện trò của du khách được lọc qua những bụi cây ngăn cách hồ và lối đi chính.

Cô tằng hắng: “Con chào dì”.

Bà lão nhìn lên với ánh mắt ân cần, như thể đang trông chờ ai đó. “Có gì không, cô gái?”

“Con thấy dì hay đến đây để ngắm…”.

“Bầy cá? Tuyệt đẹp” - bà nói. “Có phước lắm mới chẳng biết chuyện gì xảy ra xung quanh chúng”. Bà ho vào chiếc khăn tay, và mỉm cười cáo lỗi.

Bà nói đúng. Những con cá kia chỉ tồn tại trong phạm vi giới hạn của hồ cá, giống như đại đa số người dân sống trọn đời ở đúng một nơi, mọi sự dịch chuyển của họ đều được theo dõi và kiểm soát. Cô là một trong những người may mắn được đi đó đi đây.

“Thuốc của ta đó, thấy không?” - bà nói, khoát tay ra dấu. “Ba giờ mỗi ngày để điều trị bệnh phổi xám”.

Ngày nào đó, tới phiên cô sẽ ngồi trên băng ghế kia, với toa thuốc ghi “khí trời” để cải thiện hô hấp. Khi cô xin phép ngồi cùng, bà nhích người rồi vỗ nhẹ vào chỗ trống bên cạnh. Cô tự hỏi liệu bà có nhớ gì về đời sống thời tiền Liên Bang không, và bà có thuộc lực lượng lao động du mục giống như cô không. Bà ấy quen thuộc một cách bí ẩn. Câu chuyện gốc của bà có chút gì giống chuyện của cô không?

Khi cô ra đời, một đoạn mã độc bản được thêm vào chip căn cước của cô. Ai cũng có một cái. Đoạn mã do The Scribe, siêu máy tính sáng tạo câu chuyện dựa trên DNA của từng cá nhân, viết nên. Đoạn mã này là câu chuyện gốc của bạn. Chuyện không ghi âm được mà chỉ có thể kể trực tiếp giữa người với người, chia sẻ khi kết nối đôi bên đủ mạnh. Khi ngồi xuống, cô quyết định chia sẻ câu chuyện gốc của mình với người đàn bà trong khu vườn Nhật Bản. Bà trông như phiên bản lão niên của cô: cũng chiếc mũi to đó, mái tóc dày đó, nhưng quanh bà tỏa ra làn sương tĩnh tại.

“Con kể dì nghe câu chuyện của mình được không?”

Bà nhìn thẳng ra hồ cá koi, mỉm cười: “Tất nhiên rồi”.

Minh họa: Ngô Lan Hương


Biết bao lần cô đã nghĩ đến việc viết câu chuyện gốc của mình lên mảnh giấy xếp và đặt bên hồ cá, nhưng nếu ai đó phát hiện, nó sẽ bị hủy bỏ. Có lần cô tìm thấy một câu chuyện gốcviết bằng mã Morse ngay trong ống dẫn khí cô đang nâng cấp. Thật thú vị khi mỗi ngày giải mã một vài câu. Có lẽ giờ nó bị xóa mất rồi.

Có những người gặp ai cũng kể chuyện, buột miệng thốt ra mà chẳng để tâm kẻ đối diện phản ứng thế nào. Nhưng cô thì hiếm khi kể chuyện của mình. Cô đối diện với người đàn bà và bắt đầu. “Chuyện của con kể về người đàn bà đánh cá, sinh ra hàng trăm năm trước, trên một hòn đảo hoang”.

Người phụ nữ ngồi thẳng lên một chút. Có lẽ bà hồi tưởng lại một thời đất đai còn được biển cả bao bọc. Khi hòn đảo cuối cùng cũng được kết nối bằng những cây cầu đất do hạm đội robot xây nên, Liên Bang đã công bố sự kiện ấy thật rầm rộ.

“Khi người chồng lên đường tìm kiếm những miền đất mới” - cô kể tiếp -“người đàn bà thường bắt cá tại vùng vịnh của đại dương bát ngát, hay những rãnh nước sâu trong rạn san hô xanh lộng lẫy. Người làng gọi hòn đảo là Trang Sức Người Khổng Lồ, tựa như góc nhỏ địa cầu của bà được xâu lại với nhau thành chiếc vòng ngọc lam trên cổ sinh vật to lớn nào đó”.

Người đàn bà ngồi chống tay lên gối, nghiêng đầu gặng hỏi từng câu. Hệ thống tưới tiêu gần đó phun ra một làn sương nhẹ.

“Bà mang lên xuồng một tấm lưới, một bình nước, một chiếc nón để đội khi mặt trời thiêu đốt và một chiếc xô đựng cá” - cô tiếp tục.

Trong thế giới của cô, không tồn tại tài sản cá nhân nào, kể cả một bình nước.

“Mỗi ngày bà đánh cá ở một nơi, tung tấm lưới tròn lên cao và nhìn nó trôi xuống biển. Khi thu lưới, bà ngân nga một giai điệu học từ mẹ, âm lượng đủ để bà hòa mình vào, nhưng không quá lớn khiến lũ cá sợ bỏ chạy. Khi xô cá đã đầy, bà trở về làng”.

Cô chưa từng nếm mùi vị của cá. Tiêu thụ động vật bị đặt ra ngoài vòng pháp luật từ thế kỷ trước. Những con vật hoang dã cuối cùng cũng biến mất, giờ chỉ còn từng đàn côn trùng khổng lồ lang thang trên trái đất. Các loại ngũ cốc hiện đại đã miễn dịch với chúng, không như những loài cây khác. Vùng đất nào không canh tác được thì chuyên dụng trồng cây bụi sản xuất oxy, “dàn trận” đầu độc côn trùng. Liên Bang tồn tại trong cuộc chiến tranh hóa học vĩnh viễn với chính mảnh đất của mình.

“Rồi khi nào thì những người khổng lồ đến?” - người đàn bà hỏi.

Cô ngạc nhiên khi bà ngắt lời. “Dì từng nghe ai kể chuyện này trước đây sao?”

“Ta biết từ một góc nhìn khác” - bà đáp.

Trái tim cô đập tưng bừng. Nếu câu chuyện của họ kết nối với nhau, rất có thể bà là họ hàng máu mủ của cô - dì cháu, hay chị em cô cậu, chú bác gì đó. Cô chưa từng gặp người bà con nào, mặc dù đã thao thức bao đêm thắc mắc về họ.

“Xin lỗi” - bà nói. “Ta giữ chân con lâu quá”.

Có lẽ không đủ thời gian để ghé thăm quần thể sinh vật Amazon, nhưng với cô, truyền tải câu chuyện gốc mạch lạc nhất còn quan trọng hơn nhiều. Cô trấn tĩnh lại và tiếp tục. “Sau nhiều tháng xa nhà, chồng bà trở về và họ sinh một bé gái. Bà đưa con lên xuồng, hy vọng những bài hát bà ngân nga sẽ truyền lại cho con, hòa cùng niềm vui làm người đàn bà đánh cá. Hai mẹ con sống hạnh phúc cho đến ngày những kẻ đi thuyền lớn đổ bộ lên hoang đảo”.

Khi còn nhỏ, cô sống dưới hầm của một trại mồ côi. Ngày lại ngày trôi qua theo đúng lịch trình, không có thời gian để khám phá hay mơ ước. Họ bảo rằng cô thật may mắn khi được học nghề và phục vụ cho nguồn nhân lực du mục của Liên Bang.

Công việc trong ngành lọc không khí đưa cô đi khắp hành tinh. Những năm qua, cô đã thấy biết bao nơi mình chưa từng hình dung, nghe câu chuyện gốc của vô số người - Nữ Hoàng Chiến Binh, Kẻ Trộm Trang Sức Vĩ Đại, và Nhạc Trưởng Điếc. Do tiếp xúc quá nhiều với không khí chưa lọc, phổi cô sẽ hư sớm.

“Đó là những người khổng lồ, bàn tay chai sạn vì chèo thuyền vượt biển” - cô kể.

Như để tham gia vào câu chuyện, một con cá ngoi lên thở, bắn nước tung tóe ra khỏi hồ.

“Chúng to lớn hơn mọi thứ mà người đàn bà đánh cá từng thấy, cơ thể phủ đầy hình xăm đen, tai xỏ khuyên gỗ. Chúng tàn phá ngôi làng của bà. Chỉ trong giây lát, những mái nhà cháy đen, mùi khói làm ô uế không khí muôn đời. Chúng giết chồng và cướp con bà. Trước khi chúng kịp đâm mũi giáo vào bụng bà, bà giơ tay lên và hét lớn: “Đợi đã!” Bọn chúng dừng lại. “Ta sẽ chỉ cho các người chỗ nào có cá”, bà nói. “Hòn đảo này có nguồn cung dồi dào, nhưng chỉ ta biết ở đâu”.

Cô cố gắng hình dung loài cá nhiệt đới trông thế nào. Dẹp lép, nhẵn nhụi như những tia sáng trong vườn thực vật vĩ đại của Singapore, hay lấp lánh ánh bạc, nhanh nhạy như đàn cá thu ở Thủy cung Bắc Âu? Cô từng đến thăm vô số hệ sinh thái công cộng, nhưng mê đắm nhất vẫn là những khu vườn Nhật Bản. Dáng vẻ dịu dàng của nó thu hút cô, cứ như thể nó định sẵn trong DNA của cô vậy. Cô cảm thấy gần gũi người đàn bà đánh cá thêm một chút.

Bà lão cúi đầu, như nhận ra bi kịch sắp đến. Nhưng dù câu chuyện của bà có liên quan đến cô thế nào đi nữa, nó cũng không thể làm gián đoạn phần kết.

“Bà chỉ cho chúng những điểm đánh cá của mình. Chúng mang theo những tấm lưới lớn lấy từ đội thuyền to tướng. Lưới xé toạc san hô khỏi đáy biển và kéo lên đủ loại sinh vật biển lớn nhỏ. Trong khi chúng làm việc, bà ngân nga khúc ca quen thuộc, nhưng chỉ thầm trong đầu. Bọn chúng vui thích trước kích cỡ những con cá lớn và cười cợt lũ cá nhỏ. Chúng ăn tới khi chẳng còn con nào.”

Chiếc vòng trên tay cô rung lên, báo hiệu vé tham quan chỉ còn hiệu lực 5 phút nữa. Cô đẩy nhanh nhịp độ câu chuyện. “Ít lâu sau, tất cả ngư trường đều cạn kiệt, bọn chúng bỏ đi tìm kiếm lãnh thổ mới. Biển cả trống trơn, không loài cây nào mọc nổi trên mặt đất cháy sém. Những dân làng còn lại nương tựa lẫn nhau, sống qua ngày nhờ dừa và rễ cây khô. Đó là hình phạt dành cho người đàn bà đánh cá vì tội tự cứu mình”.

Khi cô ngước lên, bà lão đang khóc. Những giọt nước mắt lớn lăn dài trên má bà, rơi xuống băng ghế.

“Dì đừng khóc” - cô nói. “Đó chỉ là truyện ngụ ngôn thôi mà”.

Bà lấy tay áo quẹt nước mắt. Lúc này, làn sương tĩnh tại quanh bà đã vỡ. Giọng bà run run. “Ta biết, cô gái. Ta biết truyện kết như thế nào”.

Vé sắp hết giờ, và cô không thể ghé triển lãm rừng mưa nhiệt đới cũng chẳng hề chi. Tất cả những gì cô muốn là người phụ nữ ngồi cạnh được chứng kiến cái kết của câu chuyện, và ngộ ra tại sao nó lại ảnh hưởng đến bà như thế. Có phải định mệnh xui khiến họ gặp nhau? Trẻ mồ côi có thể tìm kiếm suốt đời mà không gặp được câu chuyện nào liên quan đến mình.

Với niềm thấu cảm, cô nhắm mắt, sống trong quá khứ và tương lai của người đàn bà đánh cá. Bài hát của bà mỗi lúc một to và rõ hơn. Cô thở bầu không khí của bà, gồng gánh quyết định của bà.

“Đợi đã”, người đàn bà nói. “Trước khi con kết thúc, ta phải cho con xem cái này”. Bà đứng lên, đặt bàn chân phải lên ghế và xắn ống quần. Khắc trên bắp chân bà là một hình xăm nhỏ, màu sắc tương phản với băng ghế kim loại. Đó là hình một phụ nữ đội nón rộng vành, đang chèo xuồng trong làn nước trong xanh. Hầu như không thể thấy cái xô phía sau xuồng.

Chiếc vòng lại rung lên nhưng cô mặc kệ.

Giờ cô đã hiểu điều gì thu hút mình quay lại khu vườn Nhật Bản. Cổ họng cô nghẹn đắng. Cô muốn sống khoảnh khắc này mãi mãi, và khóc cùng người phụ nữ trong câu chuyện gốc của mình.

Trước khi cô kịp kết thúc câu chuyện, bà lão kể nó theo cách của bà. “Khi cố gắng cứu mạng mình, người đàn bà đánh cá đã tạo nên cái chết không tránh khỏi của một thứ quan trọng hơn. Điều đó làm bà cảm thấy tội lỗi”. Bà kéo ống tay áo lên lau mặt. “Một ngày nọ, bà chèo xuồng ra đại dương xa tít, đến khi không còn nhìn thấy đất liền. Bà không mang theo nón, xô hay chai nước”. Cách bà sắp xếp câu từ giống y như cô.

Người đàn bà bắt đầu ngân nga bài hát, nhưng lại trào lên cơn ho. Thân hình bà héo hon như người 80 tuổi, dù chắc hẳn bà trẻ hơn nhiều.

Cô rút ra miếng khăn giấy và dìu bà trở lại chỗ ngồi. “Giờ dì thư giãn đi nào. Nghỉ ngơi thôi”.

Bà đồng ý và cô kết thúc câu chuyện.

“Du khách đến thăm hòn đảo đó vẫn tin rằng nếu áp tai vào gió trên bờ biển, họ có thể nghe thấy tiếng ngân nga yếu ớt bài hát của người đàn bà đánh cá”.

Lần nào kể lại câu chuyện Người Đàn Bà Đánh Cá, cô cũng như để lại một phần mình trong đó. Nó khiến cô kiệt sức, nhưng hun đúc nên khát khao được nghe kể câu chuyện của người đối diện. Đặc biệt là lần này. Nhích lại gần, cô với lấy bàn tay của mẹ ruột. Không còn thời gian để nghe xem thế lực nào đã đưa bà đi, và câu chuyện gốc của bà liên kết với chuyện của cô như thế nào. Không phải hôm nay.

Cô đỡ bà đứng dậy, ôm lấy người phụ nữ cô đã chờ đợi cả đời để gặp. Cả hai đều là một phần của nơi này, cùng với đàn cá koi và những cây anh đào trong khu vườn Nhật Bản. Nhưng bà phải ở đây và cô phải đi. “Con sẽ quay lại sớm”, cô nói. “Dì có thể kể con nghe chuyện của dì vào lần sau”.

P.C
(TCSH423/05-2024)

 

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Các bài đã đăng
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)