Dazai Osamu (1909 - 1948) tác gia kiệt xuất, đại diện cho “trường phái vô lại”, đó là một nhóm các nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy, trong nền văn học cận - hiện đại Nhật Bản. Phần lớn những tác phẩm của ông đều mang tính chất tự thuật với văn phong u mặc, diễn tả tâm trạng bế tắc trong thời kỳ hậu chiến và bi kịch cá nhân, đồng thời cũng dí dỏm, hài hước một cách cay đắng.
Tác phẩm dưới đây được tác giả dùng ngôi thứ nhất để nói lên tâm trạng của một phụ nữ bị chồng phụ bạc khi liên tưởng bản thân với nàng Osan, nhân vật người vợ trong vở tuồng cổ có hoàn cảnh tương tự. Trên tinh thần tôn trọng nguyên tác, người dịch đã cố tình giữ lại những câu văn khá dài, đặc điểm thường thấy trong sáng tác của ông. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Nguyễn Thống Nhất giới thiệu và dịch từ tiếng Nhật
DAZAI OSAMU
Nàng Osan
1.
Bước ra khỏi cửa nhà không cả tiếng bước chân, như một người đã trút bỏ linh hồn. Đang thu dọn bữa tối trong nhà bếp, tôi dõi theo suốt những dấu hiệu đó từ đằng sau, buồn đến chừng đánh rơi cả đĩa, tôi bất giác thở dài, khẽ rướn người nhìn qua ô cửa sổ trông theo bóng chồng bước đi thiểu não trên con đường nhỏ chạy dọc hàng rào dây bí leo xoắn xít trong chiếc áo yukata trắng đã sờn với thắt lưng mỏng quấn quanh, chập chờn dưới hoàng hôn mùa hạ, gần như một bóng ma, chẳng có vẻ gì giống một sinh vật đang sống trong cõi đời này.
“Bố đâu rồi mẹ?”
Bé gái đầu lên bảy chơi ngoài vườn vào, vừa rửa chân ở chiếc chậu cạnh cửa bếp vừa hồn nhiên hỏi. Đứa con này quấn bố hơn mẹ, mỗi đêm đều trải nệm ngủ chung màn với bố trong căn phòng sáu chiếu1.
“Đi chùa rồi!”
Tôi buột miệng đáp bừa, rồi sau đó chợt có cảm giác như vừa nói điều gì đó chẳng lành, rùng mình ớn lạnh.
“Đi chùa? Để làm gì thế ạ?”
“Đang lễ Obon2 mà. Bố đi dâng hương”.
Lời nói dối bật ra trơn tru đến lạ. Mà thật sự hôm ấy là ngày mười ba của lễ Vu Lan. Những bé gái khác đều diện kimono tuyệt đẹp, kiêu hãnh phất phơ tay áo dài chơi đùa vui vẻ trước cửa nhà, trong khi lũ con của chúng tôi, dù trong dịp lễ nhưng cũng chỉ có bộ áo quần tây tồi tàn như ngày thường, bởi những đồ tốt đẹp đã bị cháy rụi trong chiến tranh cả rồi.
“Vậy ạ, bố có về sớm không nhỉ?!”
“Ôi dào, mẹ cũng chẳng biết. Nếu Masako ngoan thì có thể bố sẽ về sớm đấy!”
Tôi bảo bé vậy nhưng với bộ dạng đó thì chắc hẳn đêm nay anh cũng ngủ lại bên ngoài thôi.
Masako bước lên bếp, đi vào căn phòng ba chiếu, ngồi xuống bên bậu cửa sổ buồn bã nhìn ra ngoài.
“Mẹ ơi, đậu của Masako ra hoa rồi kìa!”
Nghe nó lẩm bẩm mà tôi chợt rưng rưng nước mắt trước vẻ ngây thơ ấy.
“Đâu nào, ồ, đúng thế. Chẳng mấy chốc nữa mà sẽ có nhiều quả lắm đấy!”
Cạnh cửa chính có một mảnh đất nhỏ rộng chừng mười tsubo3, trước đây tôi trồng nhiều loại hoa màu khác nhau nhưng từ khi có ba đứa con, quá bận bịu không còn thời gian đụng tay đến nữa, hơn thế lúc trước thỉnh thoảng chồng cũng phụ giúp nhưng gần đây anh bỏ bê việc nhà, nhìn những khu vườn nhà bên được các ông chồng chăm sóc cẩn thận với nhiều loại rau quả trông rất đẹp mắt còn vườn nhà thì khá xấu xí vì chỉ toàn cỏ dại nên Masako lấy những hạt đậu trong khẩu phần được trợ cấp rải lên, phủ lại một lớp đất mỏng và tưới nước, chúng bất ngờ nảy mầm, với một đứa bé không có gì để chơi, đó là tài sản đáng tự hào duy nhất của nó nên cả những lúc sang nhà hàng xóm chơi, bé cũng luôn mồm khoe, đậu của cháu thế này, đậu của cháu thế kia.
Khốn đốn. Hoang tàn. Không, điều đó ở Nhật Bản giờ đây không chỉ riêng chúng tôi, đặc biệt là những người đang sống ở Tokyo này, nhìn đâu cũng thấy một vẻ khốn cùng không chút sức sống, vật vờ suy sụp, tất cả những gì chúng tôi có đều cháy mất cả, dù cảm nhận được bản thân thiếu thốn mọi thứ nhưng nỗi khổ hiện thời, bức bách hơn thế, là nỗi niềm không gì sánh được của người làm vợ trong cuộc sống này.
Chồng tôi đã làm việc gần mười năm tại một tòa soạn tạp chí khá có tiếng ở Kanda. Tám năm trước, chúng tôi kết hôn thông qua mai mối thông thường, từ thời điểm đó, nhà cho thuê ở Tokyo đã trở nên khan hiếm, mãi mới tìm được một ngôi nhà nhỏ bé nằm ở ngoại ô, hơn thế còn giữa đồng không mông quạnh, dọc theo tuyến đường sắt Chuo này và chúng tôi đã sống suốt ở đây cho đến khi đại chiến xảy ra.
Vì thể chất chồng tôi ốm yếu nên tránh được cả việc nhập ngũ và đi dân công, hằng ngày vô sự đến làm việc ở tòa soạn, nhưng chiến tranh trở nên khốc liệt hơn, khu phố ngoại ô nơi chúng tôi đang sống có xưởng chế tạo máy bay nên bom đạn rơi ầm ầm ngay gần nhà, cuối cùng vào một đêm, bụi tre sau hè trúng bom, thế là nhà bếp, nhà vệ sinh và căn phòng ba chiếu tan hoang, gia đình bốn người gồm cha mẹ con cái (lúc ấy, ngoài Masako, chúng tôi đã có thêm một bé trai là Yoshitaro) không thể nào sống tiếp trong ngôi nhà đã mất một nửa nên tôi cùng hai con tản cư về Aomori, thành phố quê hương mình, còn chồng thì quyết định ở lại trong căn phòng sáu chiếu của ngôi nhà đổ nát ấy để tiếp tục công việc tại tòa soạn.
![]() |
Minh họa: HIỀN LÊ |
Thế nhưng, về Aomori chưa được bốn tháng thì ở đó cũng bị không kích, thiêu rụi hoàn toàn, tất cả hành lý chúng tôi đã rất vất vả mang về đều bị cháy cả, với bộ dạng khốn khổ chỉ còn độc bộ áo quần trên người, chúng tôi tìm đến nhà người quen còn sót lại, sau chừng mười ngày ăn nhờ ở đậu, hoang mang như mơ thấy địa ngục thì Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nhớ chồng vẫn đang ở Tokyo nên tôi lại dắt díu hai con trở lên, tơi tả như những kẻ ăn xin, vì chẳng còn nơi nào khác để chuyển đến, chúng tôi đành nhờ thợ mộc sửa chữa sơ qua căn nhà chỉ còn một nửa rồi xoay xở thế nào đó cũng quay lại được với cuộc sống gia đình bốn người như trước mà thiếu cả nước sinh hoạt, nhưng khi đã ổn định được một chút thì tình cảnh chồng tôi thay đổi.
Tòa soạn bị hư hại, hơn thế, nghe đâu còn xảy ra tranh chấp về vốn giữa các cổ đông nên giải thể, chồng tôi lập tức trở thành người thất nghiệp, tuy nhiên, nhờ đã làm lâu năm, có nhiều mối quan hệ với người trong ngành, anh cùng góp vốn với một số người có thực lực, thành lập công ty xuất bản mới, hình như ra được hai ba loại sách. Thế nhưng công việc xuất bản ấy, vì sai lầm trong khâu nhập giấy nên bị tổn thất khá nặng, chồng tôi cũng gánh một khoản nợ lớn và để giải quyết nó, ngày nào anh cũng thẫn thờ ra khỏi nhà, đến tối thì quay về trong dáng vẻ kiệt quệ, vốn đã là một người ít nói, từ lúc ấy anh càng trở nên lầm lì câm nín hơn, rồi bằng cách nào đó tổn thất cũng được xử lý nhưng kể từ đó dường như anh mất đi động lực làm bất cứ chuyện gì, tuy nhiên, không phải là nằm suốt ngày trong nhà, anh ra đứng trước hiên trầm ngâm hút thuốc, mắt dõi mãi về phía chân trời, suy tính điều gì đó và khi tôi bồn chồn lo lắng nghĩ, lại thế nữa rồi, thì anh búng điếu thuốc đang hút dở xuống sân, thở dài như gạt đi những suy tư, kéo ngăn kéo lấy ví đút vào túi, sau đó thì với kiểu đi không tiếng bước chân, như người đã trút bỏ linh hồn ấy, rón rén bước ra khỏi cửa và thường thì đêm ấy không quay trở về.
Là một người chồng tốt, hiền lành. Rượu sake thì chỉ một cốc, bia chừng một chai, có hút thuốc nhưng cũng chỉ trong số lượng được cấp phát, cưới nhau được gần mười năm nhưng trong khoảng thời gian đó anh chưa từng một lần đánh đập hay chửi mắng tôi. Chỉ một lần khi có khách đến, hình như lúc Masako lên ba, anh pha trà mời khách và làm tràn ra nên gọi, tôi đang quạt lò phành phạch trong bếp không nghe thấy, chỉ lúc ấy thôi, với vẻ mặt kinh khủng, anh bế Masako đi vào, đặt bé lên phản, trừng mắt nhìn tôi với ánh mắt đầy đe dọa, đứng chôn chân một lúc, chẳng nói lời nào rồi quay ngoắt đi trở về phòng, kéo sầm cửa làm rít lên âm thanh thật sự nhói buốt như dội vào tận xương tủy khiến tôi run lên trước sự đáng sợ của đàn ông. Ký ức bị chồng nổi giận, thật tình, chỉ duy nhất lần đó nên dù tôi cũng khổ cực như hầu hết mọi người vì cuộc chiến này nhưng hễ nghĩ đến sự hiền lành của chồng thì tôi vẫn muốn nói rằng, trong tám năm này, tôi là người hạnh phúc.
(Giờ anh ấy đã trở thành con người khác. Rốt cục thì chuyện ấy bắt đầu từ lúc nào vậy nhỉ. Trở về từ nơi sơ tán ở Aomori, lúc lần đầu gặp lại chồng sau bốn tháng, nhìn cái vẻ cười mà xuê xoa sao đó và thái độ thì lúng ta lúng túng như cố tránh ánh mắt của tôi, tôi chỉ nghĩ vì anh đã phải sống thiếu thốn một mình nên mới tiều tụy ra thế và lấy làm thương xót, hay là trong bốn tháng đó… mà thôi, không suy nghĩ nữa, nghĩ thì chỉ càng thêm lún sâu vào vũng bùn đau khổ mà thôi!)
Trải tấm nệm cho chồng mà hẳn đêm nay sẽ không về bên cạnh nệm của Masako, trong khi mắc màn tôi cảm thấy thật buồn bã và đau khổ.
2.
Hôm sau, trước bữa trưa một chút, lúc tôi đang giặt tã cho bé gái thứ hai ra đời vào mùa xuân năm nay Toshiko bên giếng cạnh cửa chính thì anh rón rén đi về với bộ mặt đầy vẻ mờ ám như một tên trộm, im lặng đưa mắt nhìn tôi rồi bất ngờ cúi đầu, lúi húi bước qua cửa. Bất giác cúi đầu trước người vợ là tôi, ôi, chắc chồng cũng khổ tâm lắm, nghĩ thế, một cảm giác thương xót tràn ngập cõi lòng, tôi không thể tiếp tục công việc được nữa bèn đứng dậy theo anh vào nhà.
“Trời nóng quá nhỉ, anh cởi áo ra cho mát. Sáng nay, nhân lễ Obon, được phát cho hai chai bia đấy. Em đã ướp lạnh rồi, anh uống không?”
Chồng tôi bối rối với nụ cười yếu ớt, “Có thế nữa sao, tốt quá nhỉ!”, giọng nói thậm chí không nghe rõ, lộ cả vẻ nịnh nọt vụng về.
“Mẹ cùng uống một chai đi!”
“Được, em sẽ tiếp anh!”
Người bố quá cố của tôi uống rất khỏe nên có lẽ vì thế mà tửu lượng tôi cao hơn chồng. Hồi mới lấy nhau, đôi khi chúng tôi đi chơi ở Shinjuku, vào những nơi như quán oden4 để uống rượu, anh rất nhanh đỏ mặt rồi không uống được nữa trong khi tôi chẳng sao cả, chỉ cảm thấy trong tai lùng bùng sao đó mà thôi.
Trong căn phòng ba chiếu, con cái ăn cơm, chồng thì cởi trần, vắt chiếc khăn đẫm ướt trên vai, uống bia, e sẽ lãng phí nên tôi chỉ uống cùng một cốc rồi ẵm bé Toshiko lên cho bú, nhìn bề ngoài trông như một gia đình đang quây quần đầm ấm nhưng thật ra không khí rất gượng gạo, anh cứ lảng tránh ánh mắt của tôi còn tôi thì phải cẩn thận lựa chọn đề tài, tránh chạm vào nỗi đau của chồng nên mãi không biết nói gì. Cả Masako lẫn Yoshitaro dường như cũng nhạy cảm nhận ra giữa bố và mẹ có khúc mắc gì đó nên chúng ngoan ngoãn cắm cúi ăn thứ thức ăn thay cơm là bánh mì hấp chấm với nước trà gói pha đường hóa học.
“Uống buổi trưa dễ say quá!”
“Ờ ha, toàn thân anh đỏ lên rồi kìa!”
Lúc ấy, tôi đưa mắt nhìn qua và chợt trông thấy. Dưới cằm của chồng, một con sâu màu tím, mà không, không phải con sâu, tôi cũng có ký ức về nó hồi mới lấy nhau, ngạc nhiên, tôi liếc nhìn lại dấu vết hình con sâu ấy, cùng lúc đó dường như biết bị chú ý, anh luống cuống lấy mép chiếc khăn ướt đang vắt ở vai vụng về che vết răng cắn, tôi hiểu ra để che đậy hình con sâu ấy mà ngay từ đầu anh đã khoác chiếc khăn lên vai nhưng giả vờ như không nhận thấy.
“Được ngồi cùng bố, Masako ăn bánh mì cũng ngon ha”.
Tôi cố gắng pha trò nhưng những lời ấy đập vào anh như lời mỉa mai khiến mặt chồng tôi tái đi, khi nỗi khổ tâm của tôi cũng lên đến cùng cực thì đột nhiên radio nhà bên phát ra bài quốc ca Pháp, chồng tôi lắng tai nghe. “À, đúng rồi, hôm nay là ngày lễ của Paris”, anh lẩm bẩm như nói một mình, nhếch miệng cười, sau đó thì nói như để tôi và Masako cùng nghe.
“Ngày 14 tháng 7, ngày này đây, cách mạng…” đang nói nửa chừng, bất chợt anh dừng lại, tôi ngước nhìn thì thấy miệng chồng méo xệch đi, nước mắt sóng sánh, nét mặt như đang kìm nén cảm giác muốn òa khóc, sau đó nghẹn ngào nói.
“Nhà ngục Bastille ấy, bị tấn công, dân chúng khắp nơi nổi dậy, kể từ đó bữa tiệc hoa mùa xuân của nước Pháp, vĩnh viễn, vĩnh viễn đấy, vĩnh viễn lụi tàn, nhưng phải phá nó đi, dù biết vĩnh viễn chẳng thể nào xây dựng lại được một trật tự mới, một nền đạo đức mới, nhưng cũng phải phá đi, Tôn Văn5 nói vậy rồi chết mất khi cách mạng vẫn chưa thành, nhưng có lẽ cách mạng vĩnh viễn không thể thành công, tuy vậy, cũng phải làm cách mạng, bản chất của cách mạng là thứ đẹp và buồn theo cách ấy, dù có nói là làm như thế để đạt được gì đó thì cũng là cái đẹp và buồn ấy, và tình yêu thì…”.
Bài quốc ca Pháp vẫn đang tiếp tục, chồng tôi vừa nói vừa khóc, rồi như xấu hổ, anh cố nặn ra nụ cười.
“Chà, hình như bố cứ say vào là khóc hay sao ấy!”
Anh quay mặt đứng dậy, đi vào nhà bếp rửa mặt.
“Không được rồi. Bố say quá. Khóc vì cả cách mạng của Pháp. Đi ngủ chút đây!”
Nói xong, anh đi vào căn phòng sáu chiếu nằm im lặng nhưng chắc chắn là đang khóc thầm.
Không phải chồng tôi khóc vì cuộc cách mạng ấy. Không, có thể cuộc cách mạng ở Pháp cũng giống như tình yêu trong gia đình chúng tôi. Tôi rất hiểu sự ray rứt của chồng, đó là nỗi ray rứt khi phải lật đổ đi cái vương triều lãng mạn của Pháp, cũng như sự yên bình trong gia đình này, vì thứ đẹp và buồn, nhưng tôi yêu chồng mình, dù không phải là nàng Osan của Kamizi thuở xa xưa ấy,
Trong lòng vợ ta
Có con quỷ ư
Í a…
Hay là rắn rết…
Những lời than thở như thế là làm ngơ với bộ mặt như chẳng có liên quan gì, chẳng lý tưởng cách mạng hay tư tưởng lật đổ gì cả, còn người vợ thì bị bỏ mặc lại một mình, mãi mãi cùng một nơi, cùng một dáng vẻ, với toàn những hơi thở dài não nề, rốt cục thì sẽ ra sao chứ, phó mặc cho vận mệnh, chỉ biết cầu mong ngọn gió tình cảm của chồng xoay chiều và phải tuân phục sao? Đã có ba mặt con rồi, vì những đứa con, giờ đây làm sao mà chia tay nhau được.
Ngủ bên ngoài chừng hai đêm thì cũng có một đêm chồng tôi ở nhà. Ăn tối xong là chơi đùa với con ngoài hiên, thậm chí còn cợt nhả với chúng, bồng đứa bé nhỏ nhất mới sinh trong năm nay bằng đôi tay vụng về lên, cưng nựng “Bụ bẫm quá, yêu quá!”
Tôi chẳng nghĩ ngợi gì liền nói “Nó dễ thương phải không? Nhìn con cái thì muốn sống lâu hơn nhỉ?!”
Vẻ mặt chồng tôi lập tức thay đổi kỳ lạ.
“Ừm”.
Câu trả lời có vẻ khó khăn khiến tôi thảng thốt, chừng toát cả mồ hôi lạnh.
Những hôm ngủ ở nhà, chỉ mới chừng tám giờ là anh đã trải nệm của mình và Masako ra, treo màn lên trong căn phòng sáu chiếu, bắt Masako thay đồ đi ngủ trong khi bé dường như muốn chơi cùng bố thêm một chút, bản thân anh cũng tắt đèn, sau đó thì nằm lặng thinh.
Trong căn phòng bốn chiếu bên cạnh, tôi cũng dỗ cho hai đứa con nhỏ ngủ, sau đó thì may vá đến mười một giờ rồi mắc màn, nằm giữa chúng chụm lại theo hình chữ tiểu.
Tôi không ngủ được. Ở phòng bên, dường như chồng tôi cũng trằn trọc, nghe tiếng anh thở dài, bất giác tôi cũng thở dài theo, thế là lại nhớ đến khúc ca than thở của nàng Osan kia.
Trong lòng vợ ta
Có con quỷ ư
Í a
Hay là rắn rết?
Chồng tôi đứng dậy đi sang phòng tôi, cơ thể tôi co cứng lại, nhưng anh hỏi.
“Này, có thuốc ngủ không vậy?”
“Có nhưng đêm qua em uống hết rồi. Chẳng có chút công hiệu nào cả”.
“Uống quá nhiều thì ngược lại chẳng có công hiệu đâu. Chừng 6 viên là đủ rồi”.
Giọng nói đầy vẻ bực bội.
3.
Ngày qua ngày, cái nóng nực vẫn tiếp diễn. Vì nóng và bất an nên tôi không thể nuốt trôi thức ăn, gò má nhô cao, bầu vú cho con bú lép kẹp, chồng tôi dường như cũng mất vị giác, đôi mắt trũng sâu, lấp lánh những tia nhìn đáng sợ, đôi khi lại bật ra tiếng cười như chế nhạo mình.
“Phát điên lên chắc còn dễ chịu hơn!” - Anh nói.
“Em cũng vậy!”
“Người đường hoàng hẳn sẽ không đau khổ. Anh ngưỡng mộ sâu sắc họ. Sao các người có thể nghiêm túc và trung thực đến thế nhỉ. Hay là ngay từ đầu đã có sự phân biệt rõ ràng giữa những người sinh ra thì đã có một cuộc đời tốt đẹp với những kẻ không có điều đó?”
“Không đâu, là do đần độn thôi, như em ấy mà. Chỉ là…”.
“Chỉ là?”
Anh nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ, như một kẻ điên thật sự. Tôi ngậm miệng, à, không nói được, những điều cụ thể đáng sợ lắm, không thể nói.
“Chỉ là, khi thấy anh khổ thì em cũng cảm thấy khổ theo!”
“Gì cơ, vớ vẩn!”
Chồng tôi mỉm cười như trút bỏ được gánh nặng.
Lúc ấy, bất chợt tôi cảm nhận được một niềm hạnh phúc tươi mát mà đã lâu rồi chưa có được. (Thì ra là thế, nếu làm cho chồng vui vẻ thì mình cũng dễ chịu. Chẳng cần quan tâm đến đạo đức hay gì, miễn cảm thấy dễ chịu là được rồi!)
Khuya hôm đó, tôi chui vào màn của chồng, “Được rồi, không sao đâu, em không nghĩ ngợi gì đâu!”
Khi tôi nằm xuống, chồng tôi cất giọng khàn khàn.
“Excuse me6!”
Anh đùa rồi nhổm dậy, ngồi xếp bằng trên sàn nhà.
“Don’t mind. Don’t mind7”.
Đêm ấy, trăng mùa hè tròn vành vạnh, ánh trăng lọt qua những khe nứt trên cửa chớp rọi đến tận mùng bốn năm tia sáng bạc mong manh, chiếu lên bộ ngực trần gầy gò của chồng.
“Nhưng mà anh gầy đi rồi đấy!”
Tôi cũng cười, nói với giọng trêu đùa và ngồi dậy.
“Em mới gầy ấy. Có lẽ do nghĩ linh tinh nhiều quá mà ra vậy”.
“Không, chẳng phải em đã nói rồi đấy sao. Chẳng nghĩ ngợi gì cả. Được rồi, em là người hiểu chuyện mà. Chỉ là đôi khi anh phải quan tâm đến em với chứ!”
Nói xong tôi bật cười, chồng tôi cũng cười theo, khoe hàm răng trắng bóng lên dưới ánh trăng. Ông bà nội ở quê, những người đã mất khi tôi còn bé, cũng là một cặp vợ chồng hay cãi cọ nhau, mỗi lần như thế thì bà nội lại nói với ông nội tôi rằng, quan tâm đến tôi với chứ, mặc dù còn bé nhưng tôi đã thấy chuyện đó thật buồn cười, sau khi kết hôn, tôi kể lại với anh và cả hai chúng tôi đã ôm bụng cười nghiêng ngả.
Lặp lại câu nói đó lúc ấy, chồng tôi cũng bật cười nhưng ngay lập tức lấy lại vẻ nghiêm túc.
“Quan tâm chứ. Quan tâm bất chấp. Em thật sự là một người rất tốt. Đừng lo lắng những điều không đâu, hãy tự hào và an tâm. Anh luôn nghĩ đến em. Về điểm đó, em có tự tin mấy cũng không thừa.”
Tự nhiên nói ra những điều trịnh trọng đáng ghét, mất hết cả hứng khiến tôi cúi gằm mặt lí nhí nói với dáng vẻ thảm hại.
“Nhưng mà, anh thay đổi rồi đấy!”
(Thà rằng anh đừng đếm xỉa gì đến hay bị anh căm ghét, oán hận thì tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn. Cái hình ảnh anh ôm ấp người khác trong khi nghĩ về tôi khiến tôi như rơi vào địa ngục.
Hay đàn ông lầm tưởng rằng, cứ luôn nghĩ về vợ mình mới là người có đạo đức chăng? Hay họ nghĩ rằng, cho dù có người khác nhưng vẫn không quên vợ là điều tốt, là có lương tâm, một người đàn ông thì phải như thế? Và một khi bắt đầu thương người khác thì lại bày ra cái vẻ than vắn thở dài u uất trước mặt vợ, dằn vặt về đạo đức và vì thế mà người vợ cũng bị lây nhiễm, rồi cũng muộn phiền theo, nếu chồng vô lo và vui vẻ thì người vợ cũng không phải trải qua cảnh sống trong địa ngục. Đã yêu thương ai đó thì hãy quên phứt vợ mình đi, hãy hết mình mà yêu đi chứ!)
Chồng tôi mỉm cười yếu ớt.
“Thay đổi à. Thay đổi gì đâu. Chỉ là dạo này nóng quá. Nóng không chịu nổi. Excuse me với cái mùa hè luôn!”
Chẳng biết làm sao, tôi cũng đành mỉm cười.
“Đồ đáng ghét!”
Tôi nói rồi làm như kiểu của chồng, luồn ra khỏi màn về lại phòng mình, len vào giữa hai con, nằm theo lối chữ tiểu.
Nhưng mà chỉ cần được trò chuyện vui vẻ, nũng nịu như thế với chồng là tôi đã thấy vui rồi, khối u trong lòng dường như tan ra được phần nào, đêm ấy, sau một thời gian dài, tôi có được một giấc ngủ ngon mà không trằn trọc cho đến tận sáng.
Từ nay trở đi tôi sẽ thay đổi, bất kể ra sao tôi cũng sẽ làm như thế, nũng nịu, pha trò, vờ vĩnh cũng chẳng sao, không đứng đắn cũng chẳng sao, những thứ đạo đức ấy không có cũng được, tôi chỉ muốn được sống một cách dễ chịu, cho dù chỉ là một chút, chỉ trong chốc lát, chỉ cần vui vẻ một hay hai tiếng là đủ rồi, đúng vào lúc tôi định cấu véo hay làm gì đó chọc anh để làm cho gia đình đầy ắp tiếng cười thì vào một buổi sáng, bất ngờ chồng tôi bảo muốn đi suối nước nóng.
“Đầu đau quá, có lẽ chịu thua cái nóng này rồi. Suối nóng ở Shinshu ấy, anh có người quen gần đó, anh ấy bảo cứ đến lúc nào muốn, không cần phải lo lắng chuyện cơm nước. Anh muốn đến đó tĩnh dưỡng chừng hai ba tuần. Chứ cứ thế này, anh phát điên lên mất. Trước hết là muốn chạy khỏi Tokyo đã.”
Tôi chợt nghĩ, hay anh ấy muốn đi để trốn tránh người đàn bà kia.
“Anh đi vắng, nhỡ cướp có súng vào nhà thì phải làm sao?”
Tôi cười (à, người buồn thì hay cười lắm) và nói.
“Thì em nói với hắn thế này là được, chồng tôi là kẻ điên đấy! Một tên cướp có súng cũng không sánh bằng kẻ điên đâu!”
Chẳng có lý do gì để ngăn cản nên tôi định lấy áo quần đi ra ngoài vào mùa hè bằng vải lanh của chồng ra khỏi tủ thì tìm khắp nơi mà chẳng thấy đâu.
Cảm thấy lo lắng, tôi hỏi.
“Không thấy đâu cả. Sao vậy nhỉ? Hay có kẻ trộm vào nhà rồi?”
“Anh bán rồi!”
Chồng tôi cười như mếu đáp.
Tôi giật thột nhưng cố làm ra vẻ bình thản.
“Nhanh quá vậy!”
“Việc đó còn kinh khủng hơn cả cướp bằng súng nữa.”
Tôi thầm nghĩ, chắc chắn người phụ nữ ấy có nhu cầu bí mật gì đó về tiền bạc.
“Vậy giờ biết mặc thứ gì đây?”
“Một chiếc sơ mi cổ hở là được rồi!”
Buổi sáng nói thì trưa anh đã xuất phát. Có vẻ như muốn rời nhà càng sớm càng tốt, thế nhưng thời tiết Tokyo đang nắng liên tục, hôm ấy lại chợt đổ mưa, chồng tôi vai vác ba lô chân mang giày ngồi xuống bên bậc cửa, mặt mũi nhăn nhó ra chiều rất sốt ruột đợi mưa tạnh, rồi bỗng lẩm bẩm.
“Cái loại bằng lăng này nó ra hoa cách năm hay sao ấy nhỉ?”
Cây bằng lăng trước cửa nhà năm nay không nở hoa.
“Chắc là vậy!”
Tôi đáp bâng quơ.
Đó là cuộc trò chuyện thân mật có vẻ vợ chồng cuối cùng giữa hai chúng tôi.
Trời tạnh, chồng tôi vội vã lao ra khỏi nhà như trốn chạy, ba ngày sau, mẩu tin ngắn về một cặp đôi cùng tự vẫn ở hồ Suwa xuất hiện trên báo.
Sau đó, tôi cũng nhận được một bức thư của chồng được gửi từ nhà trọ ở Suwa.
“Anh cùng với người phụ nữ này chết không phải vì tình. Anh là một nhà báo. Nhà báo thì xúi giục người khác làm cách mạng và lật đổ trong khi bản thân thì luôn lẻn ra khỏi đó, đứng lau mồ hôi. Đúng là một sinh vật kỳ quái. Là ác quỷ của thời đại. Anh không thể chịu nổi sự ghê tởm bản thân ấy nên quyết tâm phải chính mình leo lên cây thập giá của nhà cách mạng. Một vụ tai tiếng của nhà báo. Chẳng phải một vụ như thế xưa nay chưa từng có hay sao. Nếu cái chết của anh khiến những con ác quỷ thời nay đỏ mặt lên, tự soi xét lại mình phần nào thì anh sẽ rất vui mừng”…
Bức thư viết toàn những điều vớ vẩn, ngu ngốc như thế. Tôi tự hỏi chả nhẽ đàn ông cứ phải vòng vo, vin vào một ý nghĩa nào đó, dối trá làm ra vẻ hùng hồn như vậy cho đến tận khi đứng trước cái chết sao?!
Theo lời kể từ những người bạn của chồng, người đàn bà đó là một nữ phóng viên 28 tuổi làm chung tòa soạn tạp chí trước đây với anh ấy ở Kanda, hình như trong khoảng thời gian tôi sơ tán về Aomori, cô ta có đến ở lại nhà, rồi có bầu hay gì đó, chuyện chỉ có thế mà chồng tôi đao to búa lớn rằng làm cách mạng này nọ rồi còn tự sát nữa, thật là một con người chẳng ra gì.
Làm cách mạng là để con người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi không tin vào những kẻ hô hào làm cách mạng với bộ mặt bi tráng. Sao anh ta không công khai yêu người phụ nữ đó cho thật vui vẻ, sao không thể yêu mà khiến cho ngay cả người vợ là tôi cũng thấy vui theo được vậy? Cái tình yêu như địa ngục có lẽ làm cho người trong cuộc cũng khổ, mà hơn thế, còn đem lại phiền hà cho cả những người khác.
Chỉ cần có thể thay đổi cách nhìn nhận bằng một cuộc cách mạng chân chính thì ắt hẳn chẳng có vấn đề gì khó giải quyết cả. Trên chuyến tàu đi đến Suwa cùng ba đứa con để nhận xác chồng, tôi cay đắng trước sự ngu ngốc, nực cười hơn là buồn bã hay căm phẫn trước việc anh ta không những không thay đổi được một chút cảm xúc đối với vợ của mình mà còn lố bịch đòi vác cả cây thánh giá cách mạng nữa chứ.
D.O
(TCSH431/01-2024)
----------------
1 Đơn vị ước tính diện tích phòng. Kích thước 1 chiếu thường là 0,88 x 1,76m.
2 Lễ Vu Lan, một trong những dịp lễ lớn của người Nhật.
3 Đơn vị đo diện tích đất, 1 tsubo = 3,3 m2.
4 Một món ăn như lẩu.
5 Tôn Trung Sơn (1866 - 1925), nhà cách mạng của Trung Quốc.
6 Nguyên văn tiếng Anh: Tha lỗi cho anh.
7 Nguyên văn tiếng Anh: Đừng bận tâm.
Nguồn: https://www.aozora.gr.jp/cards/000035/files/305_20174.html