Truyện dịch
Hoa tặng Ka-lum-ba
15:15 | 21/09/2010
LTS: Nhà văn Xô-viết Alêchxây Marinat là tác giả nổi tiếng của một số tiểu thuyết và kịch. Nhưng những tác phẩm làm cho ông nổi tiếng trước hết đối với tất cả các độc giả là những truyện ngắn hài hước. Tính hài hước trong các truyện ngắn của ông rất nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. “Hoa tặng Ka-lum-ba” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Alêchxây Marinat.
Hoa tặng Ka-lum-ba
Minh họa: Bửu Chỉ
ALÊCHXÂY MARINAT


Hoa tặng Ka-lum-ba


Trong cửa hiệu “Lu-mi-nhit-xa” tối om…

Thế là đã 8 ngày rồi cô bán hàng không bật đèn. Sang ngày thứ 9 thì Phê-nhic mò tới đây và dùng cái khoan nậy ổ khóa ra. Đôi bàn tay hắn mới tài tình làm sao! Tuy nhiên, chẳng vô cớ chút nào khi nói rằng không có chìa khóa vẫn mở được những cánh cửa thánh đường. Nhưng ở mỗi chiếc chìa khóa - thậm chí nếu như cái đó không đơn thuần là chiếc chìa khóa mà là một dụng cụ thay cho chiếc chìa khóa đó - nhất định phải có một lai lịch đó chỉ trông chờ ở nhà văn - người mà sớm hay muộn cũng phải sáng tác ra và mô tả nó với cái tên gọi đầy khêu gợi trí tò mò, chẳng hạn “chiếc chìa khóa thần kỳ của Phê-nhic-ka-ra Be-xa” - truyện viết cho học sinh trường ban đêm.

Phê-nhic lẽn vào cửa hiệu lúc nửa đêm về sáng, khi mà ánh trăng mờ mờ ảo ảo chiếu vào những gáy sách màu đỏ làm lóa thành màu xanh phơn phớt và ngược lại. Nhưng bỗng nhiên, điều này thường xảy ra trong tất cả những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, có một tiếng gõ vào cửa sổ! Phê-nhic tắt phụt đèn đi và chui tọt xuống quày hàng nấp. Khi yên tĩnh trở lại, hắn lại “khai hóa” tiếp. Hắn đọc lại tất cả những dòng chữ trên gáy sách: I-on Me-gu-re “Tuyển tập thơ”, E.Tru-ku-re “Tuyển tập truyện ngắn”, An-Pê-ki-kan “Mưa và gió…”

Hắn chất sách thành một đống, sau đó hắn bắt đầu chọn ra những cuốn sách hay nhất trong số sách bị thải ra. Hắn nhặt nhạnh cả những quyển sách bị hạ giá một nửa. Thế nhưng hắn lại nghe thấy tiếng gõ cửa. Phê-nhic vác mấy tập sách nặng chịch lên rồi co ba chân bốn cẳng chạy. Hắn lao vùn vụt trên phố đến nỗi tia lửa tóe ra từ đế dày của hắn làm cho xóm làng bừng sáng hẳn. Cuối cùng hắn dừng lại, tụt xuống một cái rãnh và dí sát mắt vào “Tuyển tập thơ” của I-on Me-gu-re. Đọc lướt cái nhan đề đó xong, hắn cầm đọc “Tuyển tập truyện ngắn” của E-phim-ma Tru-ku-re, rồi chuyển sang đọc “Mưa và gió” một cách qua loa đại khái.

Đúng lúc Phê-nhic lật đến trang thứ 70 thì ngài thanh tra khu vực khẽ đập vào gáy hắn và lôi hắn từ rãnh lên. Sự việc đã hai năm rõ mười, đầu tiên ngài thanh tra lập biên bản, rồi sáng hôm sau ông ta chuyển tên tội phạm lên ngài dự thẩm viên của huyện.


Và thế là ngày xử án kỳ lạ đã đến. Lần đầu tiên trong lịch sử của cơ quan làm việc nghiêm túc này kẻ vi phạm luật lệ kiểu ấy ra trước vành móng ngựa. Thế mà trên bàn họ lại là một vụ án chẳng đáng để xét xử. Thật ra, hành động của Phê-nhic phức tạp lắm. Bởi lẽ chưa bao giờ và chưa từng có ở nơi đâu lại diễn ra cái trò ăn trộm sách ở cửa hiệu nằm ngay trong làng! Bây giờ cần phải bổ sung và liệt kê thêm hiện tượng kỳ lạ này vào bảng thống kê các vụ án. Dù thế nào đi nữa thì tội lấy cắp các tác phẩm nghệ thuật vẫn bị coi là vi phạm pháp luật. Nhưng để đánh lạc hướng các vị chánh án nhằm làm cho họ không thể đưa ra những hình phạt thích đáng chiếu theo các điều đã ban hành trong bộ hình luật, phạm nhân tự nhận cái tội tham đọc sách để lấp liếm tội tháo chạy của mình.

Trong khi đang hành xử, người ta gọi điện tới Hội nhà văn để xin ý kiến về cách giải quyết ngần ấy tình huống rối ren. Thật là phúc đức: các cố vấn của Hội nhà văn đều có mặt ở đó. Họ đã được thoát khỏi những công việc thường lệ vĩ đại của họ. Tất cả bọn họ tụ tập lại và sau khi hội ý ngay tại chỗ, họ quyết định triệu tập ngay những tác giả có các tác phẩm bị ăn trộm lại… Các tác giả xuất hiện, trèo lên xe và lao như bay đến nơi đã chỉ dẫn để xem mặt tên phát minh ra trò ăn trộm sách.

Đến nơi, công việc đầu tiên là các nhà văn đi dạo chợ và mua mỗi người một bó hoa. Cứ thế họ cầm hoa bước vào phòng xử án, chẳng khác nào như ra ga đón vị khách quí từ Mockva đến. Họ đứng trang nghiêm một phút ở lối vào - Có thể lầm tưởng rằng họ được mời đến để trao giải thưởng văn học gì đó trời mà biết được - rồi họ nín thở tiến lên phía trước và trao hoa… Các bạn đoán xem họ tặng ai nào? Không, không phải tặng cho các vị chánh án mà là tặng cho bị can Phê-nhic đấy!

- Xin tặng ông bạn, Ka-lum-ba của chúng tôi! - Họ cùng thở ra một giọng.

Các vị chánh án ngạc nhiên lắm: các tác giả đã chiếm lĩnh trận địa kiểu gì thế này? Nhưng, ngay tức khắc toàn thể các tác giả đã cắt nghĩa cho tòa rõ.

Họ tuyên bố rằng trong sáng kiến của Phê-nhic họ nhận thấy có sự đột biến kỳ lạ của sự ham mê sách vở, rằng đó là một sự kiện có ý nghĩa xã hội trọng đại. Thật ra, những cuốn sách của họ nằm bẹp mãi nơi cửa hiệu cũng phải 5 đến 8 năm rồi và bỗng nhiên!...

Dù thế nào đi nữa thì chứng cớ cũng đã rành rành: ổ khóa hiệu sách bị nậy ra, sách bị mất trộm. Và đó lại chính là những cuốn sách của I-on Me-gu-re, E.Tru-ku-re, An-Pê-ki-kan. Kẻ trộm đã moi được sách, không khó như ta thường nói, phải đốt đuốc mới mò ra.

Bây giờ nhà xuất bản không có chỗ mà chui xuống nữa - Họ sẽ hết đường phản đối và sẽ phải tái bản những tác phẩm đã ấn định!

Các tác giả đắc chí đưa mắt cho nhau và vô cùng mãn nguyện rút lui khỏi phòng xử án. Họ quyết đi thẳng tới nhà xuất bản và sau đó sẽ xông tới ủy ban trao tặng giải thưởng văn học!

Câu hỏi cuối cùng của tòa: động cơ nào đã dẫn anh đến việc ăn trộm sách của chính các nhà văn nói trên. Bị can đáp:

- Bởi vì những cuốn sách đó nặng hơn cả và có tranh ảnh. Mà “phế liệu” lại mua sách theo cân lạng và bán sách tốt thì được cấp phiếu.

… Song, những tác giả tốt số không nghe được những lời đó - lúc này họ đã đâm bổ cả vào nhà xuất bản rồi.

MAI LAN dịch
(Từ tập truyện ngắn “Một tuần hỗn tạp”)

(5/2-84)



Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Trên bờ sông (15/09/2010)
Một hộp đào (25/06/2010)
Con hổ (16/06/2010)