Truyện dịch
Cỏ dại
09:12 | 24/10/2011
Lỗ Tấn là nhà văn hiện đại Trung Quốc rất đỗi quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Ông quê ở Thiệu Hưng, Triết Giang, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881, mất ngày 19 tháng 10 năm 1936. Năm nay là năm kỉ niệm 130 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của ông.
Cỏ dại
Văn hào Lỗ Tấn - Ảnh: TL
[if !mso]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Qua phiên dịch, nghiên cứu, giới thiệu của các tác giả Đặng Thai Mai, Trương Chính, Phan Văn Các, Lương Duy Thứ bạn đọc Việt Nam đã có dịp thưởng thức các tập truyện ngắn nổi tiếng như Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại, tạp văn cùng với thơ ca cổ điển và truyện Lỗ Tấn nữa. Thơ văn xuôi và hồi kí như Cỏ dại, Nhặt cánh hoa tàn cũng được giới thiệu một phần, nhưng chưa được chú ý đứng mức.

Tập
Cỏ dại thể hiện một phương diện còn được ít biết tới về tâm hồn Lỗ Tấn. Đây là một tập thơ văn xuôi đặc sắc viết vào những năm 1924 – 1925, phản ánh những mâu thuẫn, bế tắc trong tư tưởng nhà văn trước thực trạng xã hội đen tối, nhưng thường không được xem xét kĩ. Văn học sử hiện đại Trung Quốc thời trước viết theo lối cũ thường xem đây là những mâu thuẫn trên con đường phát triển “từ tiến hóa luận tư sản đến giai cấp luận Macxit”. Với quan niệm xem Lỗ Tấn như một thần tượng trọn vẹn, người ta không muốn nói tới những gì là bi quan, hư vô trong tư tưởng nhà văn. Với quan niệm phản ánh luận thô thiển, những phản ánh về tâm hồn không đựơc đánh giá đúng mức. Mỗi lần nói tới Cỏ dại là người ta nói tới một cái gì nhất thời, tạm thời trên bước đường qui về một cái gì đó cuối cùng to lớn hơn, vĩnh cửu hơn, tức là đánh giá theo quan điểm tương lai. Trong tiểu luận Di sản đã mất giá của Xecvantex, nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói một ý đáng suy nghĩ: “Trước đây tôi cũng tin rằng tương lai là kẻ duy nhất có tư cách đánh giá tác phẩm và hành vi của chúng ta, về sau tôi hiểu rằng chạy theo tương lai là kẻ nịnh bợ đê tiện nhất trong những kẻ nịnh bợ, là sự xun xoe khiếp nhược trước cường quyền”; “Nhưng nếu tương lai không còn là một giá trị đối với tôi, thì đâu là điểm qui về của tôi? Thượng đế? Quốc gia? Nhân dân? Cá nhân? Câu trả lời của tôi tuy rất phi lý nhưng cũng rất thành thực - Tôi không lấy cái gì làm điểm qui về cả”. Có lẽ chỉ nhìn về tương lai đã làm giảm đi ý nghĩa của hiện tại. Nhưng chính hiện tại mở đường cho tương lai. Tất cả các

 
nhà văn đi tìm cứu cánh sau khi tan vỡ đều rút ra kết luận như Kundera. Chỉ có cuộc đi tìm vô tận vì cái đẹp, chỉ có tâm hồn mãi mãi không thoả mãn mới dẫn dắt con người ta đi tới.

Đặc sắc của
Cỏ dại là một cuộc đi tìm trong cô đơn, một tâm sự hoài nghi đau đớn, và một tinh thần chiến đấu quật cường lặng lẽ, không gì khuất phục được. Đương thời, trong ngọn triều tranh đấu sục sôi của thời đại, Lỗ Tấn thấy Cỏ dại “phần lớn là những đóa hoa nhỏ trắng nhợt mọc bên bờ cái địa ngục đã hoang phế”. Năm 1934, trong một bức thư, Lỗ Tấn nói: “Cỏ dại của tôi, kĩ thuật không tồi, nhưng tâm tình thì suy đồi quá”. Nhưng mặt khác, như trong Đề từ có nói, Cỏ dại chứng tỏ Lỗ Tấn đã từng sống, sống hết mình với thời đại, và ông chưa hề trống không. Nếu văn học là sự vượt lên thực tại, là sự thăng hoa của tâm hồn, thì Cỏ dại là bó hoa của một tâm hồn đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực. Có người nói Lỗ Tấn là tâm hồn đau khổ nhất của Trung Quốc hiện đại. Có người so sánh Cỏ dại với tập Hoa ác của Bôđơle quả là không sai.

Lỗ Tấn là nhà văn dân chủ vĩ đại, triệt để phản phong. Ông chủ trương một thứ văn chương nhìn thẳng vào đời sống, chống lại thứ văn chương che đậy và dối trá. Ông đề cao khẩu hiệu đập vỡ ảo tưởng tinh thần, phơi bày sự bế tắc của sinh tồn. Ông là người nhìn rõ những căn bệnh tinh thần của quốc dân. Ông thấy rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhưng ông cũng thấy rất sâu những căn bệnh của nó. Ông khinh bỉ kẻ thù, nhưng ông cũng thấy chúng giảo hoạt quá. Và ông bước vào một mặt trận có đối thủ mà như không có đối tượng, cô đơn, trơ trọi.
Cỏ dại là nỗi đau của một tâm hồn sâu sắc, đào bới đến tận đáy sâu của tồn tại. Đọc kĩ Cỏ dại, ta sẽ thấy đó không hề là một cái gì tạm thời, mà một mặt nào đó, là trạng thái vĩnh cửu của nhân sinh. Con người phải đấu tranh với tuyệt vọng và hư vô để tồn tại.

Cỏ dại
học tập bút pháp của tập thơ văn xuôi Con đường tình yêu của Tuôcghênhep, viết về những cảnh trong mơ, tạo ra những huyền thoại hiện đại. Nhưng các biểu tượng ở đây kết tinh các biểu tượng đã có trong đời văn của Lỗ Tấn, như những kẻ hiếu kì, nô tài, sự trống không, cánh đồng hoang, đêm thu, mặt trận không đối tượng, che đậy và dối lừa… Những câu văn đầy ấn tượng kiểu Nitsơ, những hình ảnh tượng trưng kiểu Bôđơle…

Dịch
Cỏ dại, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một góc khuất trong tâm hồn của một nhà văn vĩ đại mà tư duy hiện đại không thể bỏ qua, giới thiệu một phương diện siêu hình trong nhà văn hiện thực, để bạn đọc Việt Nam có được một hình ảnh trọn vẹn về Lỗ Tấn, khắc phục bức chân dung được cắt tỉa, ít nhiều công thức đã được biết lâu nay.

Do yêu cầu đó, chúng tôi trích dịch một số bài trong số 24 bài của tập
Cỏ dại. Văn bản rút từ Lỗ Tấn toàn tập, Tập 2, Bắc Kinh, 1957. Một số trong các bài trên đã được dịch ra tiếng Việt. Nhưng văn hay không ngại dịch lại nhiều lần, vì vậy xin bạn đọc lượng thứ và góp ý.

Trần Đình Sử
giới thiệu và dịch



LỖ TẤN


Sự run rẩy trên đường đồi bại


Tôi mơ thấy mình đang nằm mơ. Tự thân không biết đang ở đâu, mà trước mắt thì lại có phía trong của một căn nhà nhỏ đóng kín giữa đêm khuya, nhưng cũng nhìn thấy rừng cây ngoã tùng um tùm trên mái nhà.

Chụp đèn trên bàn làm theo kiểu mới, chiếu rọi căn nhà sáng trưng. Trong ánh sáng, trên chiếc sập cũ nát, dưới tảng thịt mạnh mẽ đầy lông chưa từng quen biết có một tấm thân gầy yếu, nhỏ bé đang run rẩy vì đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục và sung sướng. Làn da đã chùng nhưng cũng còn mỡ màng tỏa ánh lấp lánh; đôi má trắng xanh thoáng hiện chút phớt hồng, như chút phấn son thoa lên mảnh chì.

Ngọn đèn cũng vì sợ hãi mà thu nhỏ lại, phương Đông đã hiện màu trắng.

Vậy mà trong không trung vẫn ngập tràn làn sóng run rẩy của đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục và vui sướng…

“Mẹ ơi!” Đứa bé gái chừng hai tuổi thức giấc vì tiếng kẹt của chốt cửa, kêu lên dưới đất, trong góc nhà có vây chiếu cỏ.

“Còn sớm mà, ngủ một lát nữa đi con” - nàng hoảng hốt nói.

“Mẹ, con đói, đau bụng. Hôm nay mình có gì ăn không?”

“Hôm nay mình có cái ăn rồi. Chờ một lát người bán bánh nướng đến, mẹ mua cho con ăn”. Nàng vui sướng nắm chặt hơn mảnh bạc nhỏ trong bàn tay, giọng nói nhỏ yếu đang xót xa run rẩy, bước đến góc nhà nhìn đứa con nhỏ, gạt chiếc chiếu cỏ ra một bên, bế con đặt trên cái đệm nát.

“Còn sớm mà, ngủ thêm một lát nữa đi con” - nàng nói, đồng thời ngước đôi mắt vô hồn nhìn bầu trời trên mái nhà rách nát.

Trong không trung đột nhiên dấy lên một làn sóng khác thật mạnh, va đập với làn sóng trước, cuộn lên thành xoáy, nhấn chìm tất cả, kể cả chính tôi, mũi miệng đều không thở được.

Tôi rên rỉ và tỉnh dậy, ngoài cửa sổ ngập tràn ánh trăng như bạc, còn lâu thì trời mới sáng.


Tôi tự mình không biết ở đâu mà trước mắt thấy bên trong của một căn nhà đóng kín giữa đêm khuya, tôi biết là mình đang tiếp giấc mộng tàn. Nhưng năm tháng đã cách giấc mơ trước nhiều năm rồi. Trong và ngoài căn nhà đã rất ngăn nắp, trong có một đôi vợ chồng trẻ, một đám trẻ con, tất cả đang oán hận và khinh bỉ đối với người đàn bà đã già khụ.

“Chúng tôi chẳng còn mặt mũi nào để nhìn ai, đều chỉ tại bà” - người đàn ông bực dọc nói - “Bà tưởng rằng đã nuôi lớn được cô ta, kì tình bà làm khổ cô ta, thà rằng hồi bé bà để cho cô ấy chết đói còn hơn!”.

“Tôi một đời tủi cực vì bà!” - người đàn bà nói.

“Lại còn làm tôi phải lụy lây!” - người đàn ông nói.

“Lại còn làm khổ lây cả chúng nó nữa!” - người đàn bà nói, chỉ đám trẻ con.

Đứa con bé nhất đang chơi một đoạn lá lan, lúc ấy bèn vung nó vào không trung, tựa hồ như một chiếc dao sắt, lớn tiếng kêu:

“Giết!”

Người đàn bà già khụ trên khóe miệng co giật, bất ngờ giật mình, tiếp theo là bình tĩnh, không bao lâu lại tỉnh táo, đứng thẳng dậy như một tượng đá. Bà mở chiếc chốt cửa, bước ra trong đêm khuya, vứt bỏ lại đằng sau tất cả lời chửi rủa lạnh lùng và nụ cười độc địa.

Bà cứ đi trong đêm khuya, đi mãi đến cánh đồng hoang vô bờ; bốn bề đều là đồng hoang, trên đầu chỉ có trời cao, chẳng có chim chóc nào bay qua. Bà trần trụi loã lồ, đứng giữa đồng hoang như tượng đá, trong khoảnh khắc chiếu sáng tất cả quá khứ: đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục, vui sướng, thế rồi run rẩy; làm khổ, tủi cực, lụy lây, khổ lây, thế rồi co giật, giết, rồi bình tĩnh… trong giây lát tất cả đều hợp lại: lưu luyến và dứt khoát, yêu chiều và thù hận, nuôi nấng và tàn sát, cầu phúc và nguyền rủa… Thế là bà đem hết sức đưa hai tay lên trời, miệng thốt ra những lời của người và của thú, không phải của nhân gian, do đó mà không lời.

Khi bà thốt ra một ngôn ngữ không lời thì tấm thân bà vốn vĩ đại như tượng đá, nhưng đã tàn tạ, suy sụp, toàn bộ đều run rẩy. Cái run rẩy đó từng chấm như vẩy cá, mỗi cái vẩy lại dập dờn như nước sôi trong ngọn lửa bốc; không trung cũng có một khắc lay động, tựa hồ như làn sóng biển khơi trong cơn bão tố.

Thế rồi bà ngước cặp mắt lên nhìn trời, và tiếng nói không lời lặng lẽ trút hết, chỉ còn có sự run rẩy toả rộng như ánh thái dương, khiến làn sóng trong không trung lập tức hồi vọng, như thể gặp gió lớn, ào ạt cuồn cuộn nơi đồng hoang vô bờ.

Tôi giật mình trong mơ, tự mình không biết là tại vì gác tay lên ngực; tôi trong mơ còn đem hết sức bình sinh muốn đẩy cánh tay hết sức nặng nề sang một bên.

Ngày 19 tháng 06 năm 1925


Sự giã từ của cái bóng


Người ta ngủ đến lúc không biết là vào lúc nào nữa thì sẽ có cái bóng đến từ biệt, nói những lời như sau:

Trên thiên đường có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn lên; dưới địa ngục cũng có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn xuống; trong thế giới hoàng kim tương lai của các người có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn đến.

Thế mà anh lại chính là điều mà tôi không thích.

Bạn ơi, tôi không muốn theo anh nữa, tôi chẳng muốn ở lại.

Tôi không muốn!

Ô hô chao ôi, tôi không muốn, giá mà tôi được quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

Tôi chẳng qua chỉ là cái bóng, muốn từ biệt anh để đắm chìm trong bóng tối. Thế nhưng bóng tối sẽ nuốt chửng tôi, còn ánh sáng thì lại khiến tôi biến mất.

Nhưng tôi cũng không muốn luẩn quẩn ở giữa bóng tối và ánh sáng, giá mà tôi được đắm chìm vào bóng tối.

Thế mà rốt cuộc tôi đang luẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng, tôi không biết nó là hoàng hôn hay bình minh. Tôi hằng giơ bàn tay đen đúa vờ làm như uống cạn một chén rượu, khi không biết lúc đó là lúc nào mà tôi sẽ một mình đi xa.

Chao ôi! nếu là hoàng hôn thì đêm đen tự nhiên sẽ lại nhấn chìm tôi, nếu không thì tôi sẽ bị ánh sáng ngày làm cho biến mất, nếu đó là bình minh.

Bạn ơi, thời gian sắp đến rồi.

Tôi sẽ hướng về bóng tối để quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

Anh lại còn muốn quà tặng của tôi. Tôi biết dâng tặng anh cái gì? Bất đắc dĩ, chỉ vẫn là bóng tối và trống không mà thôi. Nhưng tôi chỉ mong nó là bóng tối, có thế nó sẽ biến mất trong ánh ngày của anh. Tôi chỉ muốn nó là trống không, quyết không chiếm chỗ trong cõi lòng của anh.

Tôi muốn như thế này, bạn ơi.

Tôi một mình đi xa, chẳng những không có anh, mà cũng không có cái bóng nào khác trong bóng tối. Chỉ có mình tôi bị bóng tối nuốt chửng, thế giới ấy hoàn toàn chỉ thuộc về tôi.

Ngày 24 tháng 09 năm 1924


Sau khi chết


Tôi mơ thấy mình chết trên đường.

Đây là đâu, làm sao mà tôi đến đây, vì sao chết, những việc đó tôi hoàn toàn không rõ. Tóm lại là cho đến khi tôi biết rằng mình đã chết rồi, thì là chết ở đấy.

Nghe mấy tiếng chim khách kêu, tiếp đến là một hồi quạ kêu. Không khí thật trong mát - tuy rằng cũng còn vương hơi bụi - có lẽ đó là vào lúc bình minh. Tôi muốn mở mắt ra, nhưng mắt không hề động đậy, quả là không giống như mắt của tôi; thế là muốn nhấc tay, kết quả cũng như thế.

Một mũi khoan sắc khủng khiếp xuyên suốt tim tôi. Khi tôi sống từng đùa mà nghĩ rằng, nếu một người bị chết, chỉ là sự hủy hoại hệ thần kinh vận động, mà tri giác vẫn còn, điều đó còn đáng sợ hơn là chết hoàn toàn. Ai ngờ dự đoán của tôi mà lại đúng, chính bản thân tôi đang chứng thực dự cảm của tôi.

Nghe thấy tiếng bước chân, chắc là của người đi đường. Một chiếc xe cút kít đẩy qua bên đầu tôi, có vẻ như chở nặng lắm, tiếng xe rít khiến tim đau nhói, mà răng cũng ê. Cảm thấy đầy mắt ánh hồng, chắc là nắng đã lên. Vậy là mặt tôi đang hướng về đông. Điều đó cũng chẳng sao. Tiếng người nói rào rào, đó là những kẻ thấy ồn ào thì xúm lại xem. Họ dẫm tung đất văng bụi bay vào lỗ mũi của tôi làm tôi muốn hắt hơi, nhưng rốt cuộc không hắt hơi được, chỉ có ý muốn mà thôi.

Lục tục lại có tiếng bước chân, đều đều gần tôi thì dừng lại, lại có nhiều tiếng nói khẽ, người đến xem đã đông. Bỗng nhiên tôi rất muốn nghe họ bàn luận, nhưng đồng thời lại nghĩ, khi tôi sống từng nói rằng, phê bình không đáng một nụ cười, chắc là một lời không thật lòng: vừa mới chết mà đã lộ ra vết che giấu! Thế nhưng tôi vẫn nghe; nghe mà không có được kết luận, đem ghi nạp lại, chẳng qua là thế này:

“Chết rồi à?”

“Ờ… việc này…”

“Hừ!...”

“Chậc… chà!...”

Tôi rất vui mừng bởi vì trước sau đều không nghe thấy những giọng nói quen. Nếu không thì tôi sẽ rất đau lòng; hoặc là làm cho họ sung sướng; hoặc là thêm cho họ một ít tư liệu để chuyện gẫu sau bữa ăn, bỏ phí nhiều thì giờ quí báu; việc đó khiến tôi cảm thấy có lỗi. Bây giờ thì không nhìn thấy ai nữa, ai cũng không bị ảnh hưởng nữa. Thế là tốt, có thể coi là tôi không phụ người.

Nhưng có lẽ là một con kiến bò trên sống lưng tôi, ngứa ngáy quá. Tôi không thể cử động được, không có cách gì để phủi kiến. Nếu là bình thường, tôi chỉ cần vặn mình một cái là đủ khiến nó rút lui. Đã thế trên đùi lại bò một con nữa. Chúng mày định làm gì vậy? Đồ sâu bọ!

Sự thể càng xấu thêm. “Ào” một tiếng, liền có con nhặng xanh đậu xuống trên lưỡng quyền tôi, đi mấy bước lại bay một cái mở miệng liếm vào đỉnh mũi của tôi. Tôi buồn thảm nghĩ: Thưa ngài, tôi không phải là loại người vĩ đại, ngài cần gì phải tìm đến thân tôi để kiếm chút tư liệu mà đàm luận… Nhưng không nói ra được. Con nhặng từ đỉnh mũi bò xuống, lại dùng cái lưỡi lạnh của nó liếm vào môi của tôi. Không biết có phải biểu thị tình thân yêu! Còn có mấy con bò trên lông mày, nhảy một cái, chân lông tôi rụng một cái. Thật làm tôi khó chịu hết sức, khó chịu cùng cực.

Bỗng nhiên có một làn gió, một tấm gì từ phía trên đậy xuống, thế là bầy nhặng cùng bay đi, khi sắp bay còn bảo:

“Tiếc quá!...”

Tôi căm giận đến gần như ngất đi.

Cái tiếng nặng nề của gỗ ném xuống đất và sự chấn động của mặt đất làm tôi đột nhiên tỉnh táo, trước trán cảm thấy có đường cói của chiếc chiếu. Nhưng cái chiếu bị cuốn lên, lập tức lại cảm thấy ánh nắng nóng bỏng. Còn nghe thấy có người nói:

“Làm sao mà lại chết ở đây?...”

Tiếng nói đó cách tôi rất gần, người ấy đang cúi lưng xuống. Thế thì người ta nên chết ở đâu? Tôi trước kia cho rằng người sống trên đời tuy không có quyền muốn sống ở đâu cũng được, nhưng vẫn có quyền chết ở đâu cũng được. Bây giờ mới biết là không phải thế, cũng rất khó thích hợp với ý chung của mọi người. Đáng tiếc đã lâu tôi không có giấy bút, dù có cũng không viết được, vả lại dù viết ra cũng không có nơi phát biểu. Chỉ đành bỏ qua như vậy.

Có người lại khiêng tôi, cũng không biết là ai. Nghe có tiếng bao kiếm, còn có cả cảnh sát ở đây nữa, ở nơi mà tôi không nên chết ấy. Tôi bị lật qua lật lại mấy lần, liền cảm thấy được nâng lên, lại bị hạ xuống; lại nghe có nắp đậy lại, đinh đóng lên. Nhưng thật lạ lùng, chỉ đóng có hai đinh. Lẽ nào quan tài ở đây chỉ đóng có hai đinh?

Tôi nghĩ chuyến này là vấp cả sáu mặt, bên ngoài đóng đinh. Thật là hoàn toàn thất bại, ô hô ai tai!...

Thế nhưng tôi nghiệm mình đã trấn tĩnh hơn trước nhiều, mặc dù không rõ là đã chôn hay chưa. Trên mu bàn tay chạm phải các sợi chiếu, cảm thấy cách liệm xác này cũng không tệ. Chỉ không biết là ai phải chi tiền cho tôi, thật đáng tiếc! Nhưng, đáng ghét là đám người: liệm xác! Cái áo ngắn đằng sau lưng có một góc dồn lại, thế mà họ không kéo bằng ra, giờ đây cứ cộm lên rất khó chịu. Các người tưởng rằng người chết vô tri, nên làm việc quấy quá như vậy sao? Hà hà!

Cơ thể tôi có vẻ nặng nề hơn lúc sống, cho nên nó đè lên nếp gấp chiếc áo cảm thấy càng khó chịu. Nhưng tôi nghĩ, chẳng bao lâu mình sẽ quen; hoặc là cũng sắp rữa nát rồi, sẽ không còn có gì phiền phức lắm nữa. Lúc này cứ lặng lẽ mà suy nghĩ thì lại hơn.

“Chào ông, ông chết rồi sao?”

Một tiếng nói khá quen tai. Mở mắt ra nhìn, thì hóa ra là nhân viên chuyên chạy ngoài của hiệu sách cũ Bột cổ trai. Đã hai mươi năm không gặp nó rồi, thế mà vẫn một bộ dạng như cũ. Tôi lại nhìn bức tường sáu bên, quả thật là thô tháp quá, hầu như là chưa bào qua chút gì, vết cưa còn nham nhở.

“Không hề gì, không quan trọng”. Anh ta vừa nói, vừa cởi cái túi vải màu xanh thẫm: “Đây là Công Dương truyện bản in đời Minh, bản đóng chỉ đen Gia Tĩnh, xin đem lại cho ông, ông cất đi cho. Đây là…”.

“Chú mày!”. Tôi kinh ngạc nhìn kĩ vào mắt anh ta, bảo: “Chú mày lú lẫn rồi hay sao? Nhìn xem tôi thế này thì còn xem bản đời Minh làm gì nữa?”.

“Có thể xem, không việc gì”.

Tôi lập tức nhắm mắt mắt lại, bởi vì rất khó chịu với anh ta. Chờ một lát, không thấy ai nói gì, có lẽ anh ta đã đi khỏi. Nhưng hình như lại có một con kiến bò lên cổ của tôi, cuối cùng bò lên mặt, bò quanh hố mắt.

Thật không ngờ tư tưởng của con người, dù chết rồi cũng còn thay đổi. Đột nhiên có một sức mạnh phá tan sự bình yên của lòng tôi, đồng thời nhiều giấc mơ cũng hiện ra ngay trước mắt. Mấy người bạn chúc tôi bình yên, mấy kẻ thù địch chúc tôi tiêu vong. Mà tôi thì vẫn là không bình yên mà cũng không tiêu vong, tiếp tục sống không lên không xuống, không thể gánh vác bất cứ kì vọng nào. Bây giờ đã chết như chiếc bóng, đến kẻ thù cũng không cho biết, không muốn tặng cho chúng một chút niềm vui mà không phải tốn kém công sức.

Tôi cảm thấy sung sướng đến phát khóc. Đây có lẽ là lần khóc đầu tiên của tôi sau khi chết.

Thế nhưng rốt cuộc cũng không có nước mắt rơi xuống; chỉ nhìn thấy phía trước hình như có ánh đèn loang loáng, thế là tôi ngồi dậy.

Ngày 12 tháng 07 năm 1925
(272/10-11)






Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Zippo (23/08/2011)
Bàn tay Chúa (06/06/2011)
Ruy-đôn-phi-ô (27/05/2011)
Ông Tương Đối (04/05/2011)
Một vụ án (18/03/2011)