Truyện ngắn
Chưa phải ngày buồn nhất
14:35 | 12/03/2012

DẠ NGÂN

Tờ giấy màu vàng rơm. Đã khá xa cái thời giấy hoàn toàn tái chế, thỉnh thoảng ngòi viết vấp phải một ít cặn bột cứng sảng. Thùy vẫn nhớ độ thô vàng vàng của tờ giấy, như nhớ một kỷ niệm buồn, nhớ mùi vị ngậm ngùi từ ký ức xộc ra. Tờ thư là dấu hiệu của nghèo khó nhưng nó có cái uy của sự áp đặt. Thô và vàng. Không chỉ thư mời, nó có hơi hướm giấy triệu tập hơn.
 

Chưa phải ngày buồn nhất
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Trong dòng xe đạp nườm nượp buổi sáng, Thùy nghĩ chắc chắn mình sẽ đến hội trường trước giờ, theo thói quen. Thị xã tỉnh lẻ mùa mưa sùi sụt. Thi thoảng những chiếc xe máy DD nhập lậu từ ngã Campuchia về ré lên vênh váo giữa những chiếc ô tô biển xanh. Người ta định nghĩa những năm cuối thập kỷ tám mươi ấy là bản lề, là vận hội, là thời khắc lịch sử. Chị, một nhà báo quèn, một đinh ốc vô danh trong guồng, chị hay nhớ lại những ngày tháng ấy với cảm giác nghi hoặc chết tiệt. Một đám đông đi vòng vòng trong bụi rậm, khi khoảng không lộ ra, lập tức ồ lên đã tìm thấy đường và ra sức tụng ca công đức!

Đường từ chỗ Thùy đến Hội trường, nhất thiết phải đi qua cổng Viện quân y. Chị nhìn thấy mưa và gió làm cho dáng nạng của những chàng thương binh trẻ măng ấy liêu xiêu. Mặc ai muốn lờ đi mười năm trận mạc ở nước láng giềng, Thùy vẫn cho rằng thực sự đã có cuộc chiến thứ ba trong một thế kỷ, ba cuộc chiến trên đầu một dân tộc bé xíu, lòng người còn nát huống chi sức lực, đất đai. Những nhóm nhỏ thanh niên cụt chân vì thứ mìn jip thâm độc kia đang để đầu trần, đội mưa ra phố. Thùy cho xe đi chậm để quan sát họ, chị không chắc họ đi ăn sáng hay đi cà phê, đơn giản vì thương phế binh lưu viện thì tiền đâu mà ăn với uống? Đi dạo là sở thích của họ, càng mưa gió họ càng thấy tù túng và hình ảnh lặp đi lặp lại ấy tạo nên không khí hậu chiến thê lương còn hơn hai cuộc chiến trước.

Khuôn viên Hội trường bề thế như nó phải có. Tại đây mỗi năm vài lần diễn ra chỉnh đốn chỉnh huấn, được người ngoài guồng khái quát: không biết mấy ổng làm gì mà hội họp rần rần hoài. Bên cạnh Hội trường chính, tấm biển nhỏ đề mấy chữ hướng dẫn: “Xem phim tham khảo hội trường nhỏ”. Phim tham khảo cụ thể của buổi sáng ấy là phim ngoài luồng, phim đen. Những người trong giới truyền thông địa phương được triệu tập tới để xem phim và rồi buổi chiều, sẽ cùng với đại diện các hội đoàn tọa đàm phân tích và lên án chúng!

Con dân của một đất nước mở hé, sau cánh cửa bê tông như là vĩnh cửu ấy Thùy chỉ biết có Boldachuk và Trương Nghệ Mưu. Không hề biết trên đời này đã có Michael Jackson và những con người kỳ diệu của một thế giới khác. Phải nói rằng chị có loáng thoáng nghe nói đến mấy từ “phim con heo” từ những vị cấp trên thường xén thời gian buổi tối dành cho vợ con để ngồi duyệt phim trước khi đưa chúng ra rạp. Nghe đồn họ thảo luận ghê lắm những cảnh “nhạy cảm”, ví như cảnh đôi trai gái nhân vật chính quần nhau trong ruộng cao lương trong “Cao lương đỏ”, ví như phải cân nhắc cả tiếng rên của nữ diễn viên Củng Lợi khi được gia nhân mát xa chân hàng đêm trong “Đèn lồng đỏ treo cao”… Và từ cái cách ra điều quan trọng của những vị ấy, chị còn biết bọn phim đen chúng nhiều mánh khóe lắm; chúng thường bắt đầu bằng một câu chuyện ly kỳ để rồi sau đó toàn cảnh con heo!

Nghĩ cũng tội cho lũ heo. Con gà trống trên sân và con vịt trống dưới ao có thể “thanh cao” hơn con heo trong chuồng nhưng ở góc độ sinh học này, con sư tử hay con tê giác còn “ghê gớm” gấp vạn. Và lũ rắn thì lũ heo còn phải kêu bằng sư phụ khi chúng vặn nhau ngày này sang ngày khác!

Ngạc nhiên, tò mò và thấy kỳ cục, chị lách vào một góc khuất không người. Chắc chắn cử tọa sẽ rải rác và muốn tách ra, như mình, Thùy nghĩ bụng và an tâm ngồi xuống. Chắc chắn sẽ là những hình ảnh phát ngượng. Chị không hình dung được nhưng tưởng tượng rằng nó sẽ trần trụi và chắc là rất khủng khiếp khi những bộ phận kín đáo của con người được phóng to ra trên màn hình rộng căng sẵn trên kia. Chị nhìn chăm chăm vào tấm vải trắng choán hết cả sân khấu nhỏ của Hội trường nhỏ và lại phân vân, cầm bằng như cảnh con heo lúc chúng phủ giống, hay là… Thôi thì, chị tặc lưỡi, dù sao các vị ấy cũng đâu có xa lạ, các vị ấy đã xem qua và một khi đã đưa chúng ra chiếu tham khảo thì chắc cũng sẽ dễ xem, không đến nỗi bẩn thỉu như lời đồn về ngữ phim này.

Một cô nhà báo trẻ hiện ra ngập ngừng ở cửa chính, Thùy vẫy tay ngay, không cần tiêu chuẩn đồng hành nào. Nhất định phải ngồi với bạn nữ, có nhau vẫn hơn, sao tâm trạng lại giống như một phiên tòa vậy? H là dân sư phạm Văn, gia nhập làng báo ngay khi ra trường, nhỏ nhẻ, thanh tân và non choẹt. Bấy giờ Thùy mới sực nhớ ra và những muốn kêu lên: cử tọa là những người này sao, trên cả sự áp đặt là gì, là bạo hành về mặt tinh thần hay phải dùng từ nào khác? H so vai đi thẳng về phía Thùy, vui mừng như trời hạn gặp mưa. Cô ta liến thoắng:

- Em định chuồn, mình báo đại diện, không đi dự cũng đâu có chết ai. Nhưng mà…

- Nhưng mà sao? - Thùy bật cười, cười như mếu.

- Thì đi xem cho biết. Không thì làm sao biết được nó ra làm sao!

Chị vẫy tiếp một cô bạn đứng tuổi đang chần chừ ngoài cửa. Chị này ở Phụ nữ tỉnh, luôn ăn vận hoa lá và hay đỏ mặt, buổi sáng ấy vẻ trinh nguyên của chị ta như nổi bật lên bởi bộ
dạng lóng ngóng một cách quá mức bình thường. Thùy lại những muốn kêu lên: các nàng ơi, rồi các nàng sẽ biết những hình ảnh ấy nó sẽ khiến cho các nàng mất ăn mất ngủ, nó không chỉ ám ảnh mà còn là sự tra tấn tối tăm, khốn khổ đấy. Gái già kiên quyết ngồi chen giữa Thùy và H, như một cô bé con và bàn tay thon dài của gái trinh cứ ngập ngừng trên mặt.

- Nghe nói là phim đó đó hả Thùy? Sao kỳ vậy ta?

- Đi mà hỏi ông trưởng ban ấy?

H đinh ninh:

- Thì cứ coi như đi thực tế chiến trường, ai cũng có thể sát thương. Chết thể mà.

Gái già lần lượt chỉ tay vào ba người, trịnh trọng:

- Một tổ tam tam, nhớ bám nhau nhá, đừng ngồi riêng ra nhá, chỗ nào quá đáng thì đừng có nhìn lên nhá.

Thùy nhận lấy hai bàn tay của hai người đồng hành, chúng lạnh toát vì lo lắng.

Hai thanh niên ở Phát hành phim chuẩn bị đồ lề ở giữa lối đi. Các cửa sổ đã được kéo rèm. Ngài giám đốc cơ quan Phát hành phim ngồi thong dong trên ghế dài bên ngoài hội trường, với một cô cấp dưới. Bộ dạng của ông ấy như nói: đây xem nhiều rồi, các vị cứ việc đi, chúng tôi có mặt cho phải phép, vậy thôi. Thùy đưa mắt tìm thử người chủ trương... Ai là người đàn ông đứng đắn khi ai cũng biết liếc mắt nhanh xuống dưới nếu trước mặt họ là người phụ nữ với chiếc quần jean nhấn mạnh cái chỗ tam giác ấy? Và ngài đó có hay “áp dụng” với vợ nhà và những cô bồ bí mật những “ngón nghề” từ lúc biết duyệt phim không? Tìm nhưng Thùy cũng thừa biết ông ấy đã đẩy cho ngài Phát hành phim “gánh vác” việc này.

Đèn néon trong phòng tắt phụt. Ngài Phát hành phim bước vào và nói mấy lời không cần micro. Đúng như Thùy nhận định, đây là chủ trương chính thức của tỉnh, và “ngài” xin phép vắng mặt, “mong các đại biểu quán triệt mục đích quan trọng là tham khảo phim rồi mỗi người cho ý kiến trực tiếp hoặc viết ra giấy về tác hại của nó với thanh thiếu niên hiện nay”. Giám đốc Phát hành phim nhấn mạnh: “Thứ phim này đang rò rỉ bằng nhiều con đường và đang làm băng hoại xã hội”. Thùy lả đầu vào lưng ghế những muốn kêu trời: Đã có lũ phim nhơ nhớp của bọn tư bản để đổ vấy rồi, làm như sự băng hoại hiện thời không bắt nguồn từ sâu xa hơn. Có cái để đổ thừa, sướng thật!

Chưa khi nào ngồi ở trong khuôn viên của hội trường quen thuộc mà Thùy thấy mình phải thủ thế như buổi sáng ấy. Chị thuộc thế hệ không được nghe chuyện gối chăn trước khi mình tự khám phá ra, trong gia đình cũng như trong trường học. Chưa đủ lớn thì đã bị chiến tranh cuốn đi, trai gái đàn ông đàn bà sống chung một mái chòi, tắm cùng một con mương nhưng ai cũng ý tứ, giữ gìn, khe khắt. Nhớ lần đầu nghe các chú cơ quan đùa nhau: “Ăn cơm nguội cho cứng cựa đi”, thiếu nữ reo lên: “Cháu cũng ăn cho cứng cựa nữa”. Thiếu nữ ngạc nhiên không hiểu sao cơm nguội lại khiến cho người ta cứng cựa, cứng cựa là gan góc chớ gì! Một chú lớn tuổi nhắc khẽ: “Thôi, con gái chưa biết gì thì đừng có nói cứng cựa người ta cười cho, nghen!” Cô gái vừa lớn thì đã bị một chàng cùng cơ quan cưa đổ, đêm tân hôn trên bờ chuối, cô dâu vẫn nghĩ người ta yêu nhau chỗ rún, vì hồi nhỏ má bảo con nít chui ra từ rún. Mọi việc bất ngờ, choáng váng, mấy ngày sau vẫn còn muốn ói. Sao lại như vậy? Trần tục, xa lạ và ghê tởm? Cảm giác ấy đeo bám như một con đỉa, bao giờ cũng tràn ngập chán khi chồng ngã vật ra. Nhưng chưa kịp chán nốt thì đứa con đã hình thành, niềm vui mẫu tử lớn lên, lấn át hết thảy.

Tình dục với những người như chị là một đường thẳng, giống như quân nhân với đời lính. Ngăn nắp, đơn điệu và điều độ. Vợ chồng có khám phá nhau thì lập tức lại thấy như vậy là khác thường, ít người, nhiều thú. Trật tự lặp lại ngay. Khi mọi thứ nhịp nhàng cùng với làm việc, con cái, đói nghèo và yên ổn, thì tuổi tác khiến chị thấy mình nghiêm trang quá sớm. Tình cờ một cô bạn chiến khu kể trong ba lô kỷ vật của người chồng liệt sĩ có một bộ bài ba mươi sáu kiểu, chiến lợi phẩm của anh ấy trong một trận công đồn. Cô bạn cũng từ một lò rèn rặp như chị, vẫn còn đỏ mặt mỗi khi nhắc tới bộ ảnh đó với vẻ thắc mắc gần như muôn thuở. Sao chồng mình lại cất giữ chúng, không biết đồng đội của anh ấy có biết trong ba lô đưa về cho gia đình có thứ của nợ đó không, sao một vị tiểu đoàn trưởng mà lại mê mẩn những hình ảnh ấy? Cô bạn bảo đã đốt hết những bộ bài ma quỷ đó nhưng rốt cùng, vẫn hé cho Thùy xem hai bức “còn sót lại”. Chị đã tối mặt tối mày, chị và cô bạn vợ liệt sĩ nhìn nhau đỏ rần bởi những tư thế “sáng tạo hết cỡ” ấy và như chính mình đang bị phát giác. Cô bạn đốt ngay hai con bài, trước mặt chị và từ đó, nghe nói đến phim đen là Thùy có thể hình dung tiếp và lại thắc mắc: sao cô bạn lại giữ chúng lâu đến vậy, nếu cô ta không khoe ra và Thùy bị sốc thì cô có hủy chúng đi không? Thì ra, con người là những bí mật không thể nào khám phá hết.

Tự tin với sự từng trải vợ chồng và không hoàn toàn xa lạ với “ba mươi sáu kiểu”, Thùy vững tâm làm chỗ dựa cho hai vị gái trinh ngồi chung. Tình thế giống như đi vào phòng phẫu thuật, chị nhớ đã có lần khoác áo blu xanh để đi thực tế nhưng rồi chị đã xin phép ông bạn bác sĩ, tôi lui, tôi không có gan nhìn thấy máu. Không, so sánh vậy chưa ổn. Màn ảnh rộng, máy chiếu hiện đại, hội trường sang trọng mà chị lại thấy bất an. Tâm trạng của chị và hai cô bạn giống như ba đứa trẻ bị đưa đến nghĩa địa và bắt ngồi xem phim kinh dị để rồi phải phát biểu về nỗi sợ hãi của mình.

Màn ảnh cho thấy ngay một khung cảnh chết khiếp. Chắc những nhà chủ trương đã cắt phần mở đầu có câu chuyện ly kỳ hay mùi mẫn để những vị khán giả xem tham khảo ấn tượng ngay với “trung tâm” của phim. Một gã đàn ông da trắng lực lưỡng không một mảnh vải đứng chờ trong trạng thái xung trận trong khi một ả điếm trườn tới như một con sư tử. Chúng lao vào nhau, bắt đầu bằng miệng và sau đó, là bằng tất cả. Cô bạn nhà báo non rú khẽ lên rồi lấy nón vải úp lên mặt. Cô gái già ở Phụ nữ tỉnh trố mắt, không chớp, không cử động, như vừa bị phang một cú trúng ngực, không cả thở. Thực sự Thùy không dám quan sát những người khác ngồi rải rác chung quanh, chị thấy mình như bị lột trần, dưới bao nhiêu đôi mắt cử tọa đàn ông kia. Sao chúng tôi có thể bị đối xử như vậy? Sao họ nỡ cho chúng tôi ngồi xem phim với bao nhiêu người đàn ông quen biết giữa ban ngày ban mặt như vậy? Họ định tra tấn chúng tôi bao lâu nữa, cái thứ phim tham khảo này? Mỗi phút là bao nhiêu cử động và âm thanh, ai dám chạy ù ra, để có thể bị coi là thần kinh yếu hay là đạo đức giả? Chị nghĩ, nghĩ mãi với đôi mắt mở trừng trừng, vừa căm hờn vừa choáng váng. Rồi còn “sứ mệnh” tọa đàm vào buổi chiều nữa chứ, đúng, chị sẽ nói rằng, tác hại duy nhất của nó là bố mẹ nào cũng thành một lũ khốn nạn nếu như các trẻ nhỏ lỡ phải nhìn thấy những pha “hành động” của ngữ phim này. Sẽ không có ranh giới nào nữa cả, người và thú, tình yêu và tình dục, tất tần tật đều chỉ có một tên gọi nếu việc ấy được “tổ chức” để người ta dán mắt vào, đàn ông ngồi lẫn với đàn bà, gái có chồng ngồi xen với gái trinh, tất cả là lũ khán giả không còn biết đến cục cựa và phản kháng!

Trích đoạn phim kéo dài khoảng mười lăm phút. Quá đủ rồi. Thật nổi danh cho cái hội trường phim tham khảo giữa ban ngày! Thùy là người đứng bật lên trước nhất. Đủ rồi! Bảo xem là phải xem, bảo mở to mắt là phải mở to mắt, bảo họp lại là phải họp lại và bảo đấu tố chúng đi là phải đấu tố ư? Chúng, thứ phim ấy có tội không, khác nào hỏi cô gái bán hoa cô có tội không? Xã hội loài người nhớp nhúa, có người bỏ ánh sáng đô thành vào rừng vui với khỉ thì cũng có những con người thích đóng trò khỉ để bán cho những kẻ có nhu cầu.

Vừa lúc đèn phòng bật sáng, cắt phim. Hội trường không một tiếng người, chỉ có tiếng chân rục rịch và tiếng thở dài. Ai cũng sạm mặt. Không phải tâm trạng với phim kinh dị chiếu ở bãi tha ma như Thùy hình dung lúc đầu. Đúng như cô bạn H khái quát, đó là một cuộc sống sót và ai cũng ít nhiều sát thương. Sau lưng tiếng người chủ trì nhắc nhở buổi chiều, ai không phát biểu phải viết ra giấy để nộp. Còn thế nữa! Như vậy là ai cũng phải có mặt, có mặt thì sẽ phải nói khi được chỉ định. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người gồng lên đấu tố phim. Nhưng ai sẽ là người dám bảo các vị chủ trương là man rợ, khi bắt đàn ông và đàn bà ngồi với nhau để “tham khảo” nó? Chắc sẽ không ai, kể cả Thùy. Đó là tâm lý đùn đẩy nhau, bầy đàn, cam chịu và tê liệt.

Cô bạn phóng viên trẻ ngồi sụp ngay bên cạnh bãi xe nôn thốc nôn tháo. Đà này chắc gì cô ta còn hơi sức để đến đây buổi chiều. Thùy vỗ vỗ lên vai cô trấn an:

- Em báo đại diện, tỉnh đây đâu có quyền. Chiều đừng đi nữa.

H gật đầu không nói nổi, nước mắt nước mũi ràn rụa vì trận ói.

Cô gái già Phụ nữ tỉnh thì tay chân lẩy bẩy, như một bà già bị parkinson:

- Chết chết, tui muốn xỉu quá. Nhưng có chồng là vậy đó, hả bà?

Đáng lẽ Thùy đã bật cười cho sự ngô nghê ấy nhưng chị không cười. Không ai có thể cười được, lúc này.

Chị giận dỗi lên xe, không biết giận ai và giận gì, chỉ thấy lòng tràn ngập đau buồn. Buồn không biết nói sao cho hết. Cái lũ đóng phim, cái lũ làm phim, cái lũ bán phim cả những ai đã bắt những người như chị ngồi xen với đàn ông để xem chúng bằng màn ảnh rộng giữa thanh thiên và bạch nhật. Thực sự chị muốn tru lên, như một con chó hoang - có những lúc không phải thét hay rú hay khóc nấc lên mà là tru lên thì mới đáng và mới thỏa.

D.N
(SH277/3-12)







 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Lữ khách (12/01/2012)
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)
Trước giờ G (27/12/2011)
Hồn rừng (23/12/2011)