Truyện ngắn
Nụ Sim và giấc mơ
08:59 | 24/04/2012

NGUYỄN THỊ KIM THOA

Em có cái tên mộc mạc như củ khoai củ sắn, như trái thơm trái cà ở nhiều vùng quê thôn dã: Lê Thị Sim.

Nụ Sim và giấc mơ
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Quê em ở Lăng Cô, một làng nhỏ dưới chân hai ngọn đèo Hải Vân và Phú Gia. Du khách qua đèo Hải Vân hay đèo Phú Gia, nhìn xuống vịnh Lăng Cô trong một buổi chiều tà, có lẽ không bao giờ quên được màu óng vàng của những con sóng nhấp nhô, thấp thoáng những bông lau màu bạc trắng. Lăng Cô thật đẹp tuyệt vời.

Bé Sim rời làng quê xinh đẹp đó ở tuổi lên ba, em theo người cô vào sinh sống ở thành phố Ðà Nẵng, sau khi cha mẹ và em trai chưa tròn tháng tu- ổi đã chết trong một đêm chiến tranh ập xuống nơi này.

Em lớn lên trong gia đình người cô, sống nhờ một gánh bún bò bán hàng ngày bên vỉa hè đường phố. Lên năm em phải phụ giúp cô rửa bát, bưng bê hàng ăn, rót nước cho khách. Cô em phải lam lũ suốt ngày để nuôi ăn cả gia đình gồm một ông chồng thất nghiệp, nghiện ngập chỉ biết la mắng khi không có đồ nhấm nháp và ba đứa con nhỏ dại. Em không được đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngoài thời gian phụ giúp cô bán bún em còn phải chăm bẳm ba đứa em nhỏ.

Một ngày các khớp cổ tay, cổ chân của em sưng đỏ và đau, em vẫn cố gắng làm việc giúp cô, rồi đến khi không làm được nữa, người cô nhờ một bác xe thồ hàng xóm đưa em vào bệnh viện.

Bé Sim mười ba tuổi, còi cọc, gầy đét trông như một em bé lên bảy lên tám thiếu ăn lâu ngày. Thế nhưng nơi em toát lên vẻ chân thật dễ mến, khờ dại nhưng đôi lúc lại sâu sắc lạ thường.

Em vào điều trị ba hôm, các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ ở các khớp giảm hẳn. Em được ra viện với chẩn đoán: thấp khớp cấp, chúng tôi hẹn ngày tái khám tiêm phòng thấp cho em. Và rồi tôi quên em như quên bao nhiêu bệnh nhân khác đến rồi đi. Tháng sau em không đến tiêm phòng chúng tôi cũng không thắc mắc gì, cứ thế thời gian trôi qua.

Bốn tháng sau, em nhập viện lần thứ hai, cũng với triệu chứng sưng đau các khớp cổ tay và cổ chân. Trong phòng làm việc, tôi cũng như các bác sĩ khác, ai cũng trách gia đình không quan tâm đến bé, không theo sự hướng dẫn của bác sĩ để bệnh tái phát. Tôi nói với người nhà:

- Mỗi tháng tiêm phòng có một lần, sao anh không đưa cháu đến, chẳng may bị biến chứng ở tim thì khó lòng điều trị khỏi. Không có tiền mua thuốc, chúng tôi có thể dùng thuốc viện trợ, sao anh chẳng nói năng gì?

Người đàn ông đi theo em bé ấp úng trả lời:

- Thưa bác, gia đình không có tiền mua thuốc đã đành, nhưng qui định của khoa phòng là chỉ tiêm thuốc khi có cha hay mẹ đi kèm. Bé Sim chẳng còn cha mẹ, người cô của em thì bận kế sinh nhai, nghỉ ngày nào là ngày đó cả nhà đói. Tôi chỉ là người hàng xóm được thuê đi giúp, tôi không phải là thân nhân, nên không dám để cháu chích thuốc, ngộ có chuyện gì thì sao. Nghe thế tôi bèn nói:

- Chúng tôi cần gặp người nhà một lần để giải thích những tai biến có thể xảy ra khi dùng thuốc. Ðó là một thận trong trong nghề nghiệp mà thôi.

Thế nhưng việc điều trị lần này không đơn giản như lần trước, các triệu chứng của khớp không giảm nhanh như lần đầu, trái lại nó còn biến dạng. Chúng tôi đã nhầm, đây là một trường hợp viêm khớp thiếu niên chứ không phải là một trường hợp thấp khớp đơn thuần. Thế là phải điều trị lâu dài hơn. Khi nghe tôi bảo phải nằm lại nhiều ngày, bé Sim òa lên khóc, em nói với tôi:

- Không được đâu bác ơi, con phải về thôi, không ai phụ giúp cô con ở nhà, bác cố gắng chữa cho con mau lành, con không thể ở đây lâu được.

Dù bé Sim có nói thế nào, chúng tôi cũng không để cho em ra về. Và thực tế em cũng không ra về được, bởi bệnh trạng của em đã nặng lắm rồi. Em chẳng còn đủ sức để phụ giúp cô ở gánh bún và chăm sóc các em con cô ở nhà. Tôi thuyết phục em nằm viện. Em cũng nhận ra là không thể làm gì được trong tình hình sức khỏe như thế. Em đành ở lại bệnh viện thôi. Những ngày tiếp theo tôi biết thêm ở Sim nhiều điều: toàn là những điều bất hạnh. Em chẳng biết đọc, biết viết, ngay cả biết đếm. Té ra em chưa một lần đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Một lần tôi hỏi: "Nhà em có bao nhiêu người?" Em nhìn tôi bẽn lẽn đưa một bàn tay xòe năm ngón, rồi đưa thêm một ngón nữa ở bàn tay kia. Tôi lại hỏi: "Mỗi bữa nhà em nấu bao nhiêu lon gạo?" Em lại cười vừa chỉ tay lên giường vừa nói: "Ðây một lon, đó một lon, đó một lon, đây một lon". Tôi bật cười lớn làm em hỗ thẹn bấu nhẹ tay tôi. Tôi cười mà lòng quặn thắt, té ra em cũng chưa biết đếm. Từ đó tôi bày em học đếm, viết và đọc tên của mình.

Một hôm vào rằm tháng Tư âm lịch, ngày Phật Ðản. Nhà chùa đi phát chẩn cho bệnh nhân. Mỗi em được môt hộp sữa đặc, nửa cân đường, một gói mì chay ăn liền. Sáng hôm đó bé Sim bận đi làm xét nghiệm nên không có phần. Nhà chùa chỉ tặng cho những người có mặt. Lúc về biết mình không có quà, em buồn buồn, lên giường nằm quay mặt vào tường kéo chăn đắp kín. Thấy vậy tôi bèn nói với các bà con nuôi bệnh: "Lộc nhà chùa, các cô, các bác nhường lại cho em một ít". Ai cũng tán đồng đề nghị của tôi. Người nhường gói mì, người nhường lon sữa, người nhường gói đường. Rốt lại phần của em nhiều hơn ai hết, em nhoẻn miệng cười và nói: "Con chỉ nhận một gói mì thôi, các em bé khác còn nhỏ cần ăn nhiều hơn, con chỉ buồn vì nhà chùa không nhớ đến người vắng mặt".

Rồi một buổi chiều lúc tôi rảnh rỗi, em vào phòng làm việc của tôi và hỏi:

- Bác ơi, ông Phật là ai, bà Phật là ai, ăn chay để làm gì?

Tôi ngỡ ngàng trước câu hỏi của em, nhưng rồi cũng trả lời:

- Ông Phật là người đã tìm cho mình và chỉ cho bất cứ ai muốn nghe con đường và cách thoát khỏi những đau buồn khổ cực trong cuộc sống hàng ngày. Ông ấy hồi nhỏ tên là Tất Ðạt Ða con vua Tịnh Phạn ở nước Ca Tì La Vệ. Bà Phật, người ta thường gọi là Phật bà Quán Thế Âm, một người chỉ xuất hiện khi ta bị tai ương hoạn nạn, và thành tâm khấn vái. Bác cũng chỉ nghe người ta nói như thế chứ thật hư thế nào bác cũng không tường tận. Ăn chay là ăn các thức ăn không làm đau đớn chết chóc cho bất cứ một con vật nào và chỉ ăn cho vừa đủ sự sống hàng ngày. Ăn chay là một trong rất nhiều cách mà ông Phật đã dạy chúng ta với mục đích là giảm bớt và diệt trừ sự đau khổ, tôn trọng sự sống của mỗi người và của tất cả vật sống chung quanh. Ăn chay cũng để nhắc nhở mình làm điều lành tránh điều dữ, nhớ điều thiện quên điều ác, thương yêu hết thảy mọi người mọi vật.

- Thế bác có ăn chay không?

- Bác có ăn chay, hồi nhỏ ở nhà cha mẹ ăn chay mỗi tháng bốn ngày. Thời đi làm có lúc ăn nhiều hơn.

Ðể trả lời bé Sim, tôi đã tập trung và cố gắng hết sức để em hiểu lời nói của tôi. Chẳng biết em hiểu được bao nhiêu phần. Tôi chỉ thấy em há hốc mồm để nghe.

- Mấy năm qua con chỉ quanh quẩn với các em ở căn lều của cô dượng, lăng xăng phụ giúp cô ở gánh bún. Con không được nghe và biết nhiều điều mới lạ như khi vào nằm điều trị ở đây. Con thấy bác dễ dàng nói chuyện nên con mới dám hỏi, bác đừng la con nhé.

Những lời chơn chất của Sim làm tôi xúc động. Tôi quyết định trả lời câu hỏi hồn nhiên, tội nghiệp của em mà đối với tôi trong tình thế ấy quả là rất khó. Cái khó nhất bởi em vẫn còn là một đứa bé chưa biết chữ nghĩa, văn hóa.

Rồi một buổi sáng, khám bệnh cho em, tôi thấy Sim sốt nhẹ, em có vẻ mệt hơn những ngày trước, mặc dầu các khớp bớt đau, da em vẫn xanh tái. Kiểm tra lại hồng cầu, em thiếu máu nhiều quá, trong dòng bạch cầu lại có gì nghi ngờ, các bác sĩ xét nghiệm muốn kiểm tra lại mặc dù trước đó em cũng đã phải thử máu nhiều lần kể cả làm tủy đồ. Có gì nữa đây? Tôi băn khoăn tự hỏi. Nhưng tình hình này tôi phải chuyền máu cho em.

Hôm đó phòng trữ máu không còn máu thuộc nhóm AB mà em cần. Tôi đến gặp chị phó khoa hỏi xem trong danh sách những người hiến máu tự nguyện có ai cùng nhóm máu với em hay không? May mắn là có một người. Chúng tôi gọi điện cho anh ấy, và cũng may anh ta đang có ở nhà.

Khi nghe nói lấy máu người khác để chuyền cho mình, em bảo với tôi:

- Bác ơi, đêm qua con nằm mơ thấy ba mẹ, ba mẹ bảo rằng bệnh của con không chữa được. Con còn sống ngày nào không nên làm phiền người khác. Bác cũng không nên lấy máu của ai đó mà chuyền cho con, lại làm đau thêm một người mà chẳng ích gì?

- Không đâu, con cứ yên tâm mà nhận máu của anh ấy, nếu không cho con số lượng máu đó, 120 ngày sau các hồng cầu này cũng sẽ chết, anh ấy còn khỏe, còn có thể tạo ra những hồng cầu khác trẻ hơn, mạnh hơn, như vậy vừa tốt cho con vừa tốt cho anh ấy".

Chừng em hiểu ra và đồng ý để chúng tôi chuyền máu.

Buổi chiều hôm ấy, như thường lệ, tôi khám lại bệnh nặng và xem kết quả xét nghiệm đã làm trong buổi sáng. Tôi bàng hoàng khi nhận thấy kết quả xét nghiệm máu của bé Sim: Bạch cầu cấp. Lòng tôi chùng lại, một trường hợp bệnh lí phải qua nhiều lần xét ng- hiệm mới để lộ đầy đủ triệu chứng.

Sau cái lần chuyền máu đó, bé Sim như khỏe lên, da và niêm mạc hồng hào hơn, trông em có vẻ chong chẩy, nhưng trong phòng từ bác sĩ đến y tá không ai không buồn.

Ngày hôm sau khám bệnh cho em xong tôi bảo: "Bây giờ bác phải chuyển con đến điều trị ở phòng bệnh về máu. Ở đó cũng có bác sĩ và y tá như ở đây, con sẽ có những người bạn có bệnh giống như con để chuyện trò, thỉnh thoảng nếu muốn con có thể trở lại đây chơi". Em tỏ ra bịn rịn.

Những ngày sau đó đôi lần tôi gặp lại em ở đầu cầu thang, nơi tôi lên xuống làm việc. Em thường hay đem bát, chén, ca mem đi lấy cháo từ thiện của các xơ dòng Thánh Tâm vào buổi sáng. Không những lấy cho mình, em còn lấy giùm cho các bà mẹ có con nhỏ. Mỗi lần gặp tôi em thường lễ phép chào và mỉm cười thân tín.

Một buổi chiều tôi gặp lại em trong phòng chơi của các bệnh nhi. Em đang cắm cúi vẽ. Bức tranh đẹp một cách ngộ nghĩnh. Bốn chiếc lá có màu sắc khác nhau trên nền màu xám đục. Một chiếc màu vàng, một chiếc màu nâu, một chiếc màu cam và một chiếc màu xanh chỉ còn trơ vài cóng lá. Tôi hỏi em vẽ cái gì, em bảo: "Ðây là bốn chiếc lá, cái này là ba con, cái này là mẹ con, cái này là em con; ba cái màu nâu, màu vàng và màu cam đã khô chết rồi, cái này màu xanh là con, còn sống nhưng chỉ còn mấy cọng xương thôi". Rồi em nấn nót viết lên một góc bức tranh chữ Sim: "Con vẽ tặng bác đó". Cầm tờ tranh mộc mạc trên tay, tôi vô cùng xúc động và đồng thời như thấy được an ủi, liền nói: "Bác thấy rồi, đây một lá, đó một lá, đó một lá, đây một lá". Em cười và bấu vào tay tôi như mỗi lần tôi chọc quê em.

Một đêm trực, vào những ngày chuẩn bị đón Tết. Ở tiền sảnh cổng trước, một chậu mai vàng đang nở rộ, hai bên hành lang cây cảnh được cắt xén cẩn thận, trên các lối đi trong bệnh viện đó đây từng đám vỏ hạt dưa vất bừa bãi mà các chị y công không thể nào quét dọn kịp.

Một giờ khuya, tôi đang trực tai phòng cấp cứu hồi sức, tiếng chuông điện thoại réo lên, bên kia đầu giây tiếng chị y tá khẩn báo: phòng bệnh máu có bệnh nhân trở nặng. Tôi vội vàng chạy một bước hai ba bậc thang, đến nơi chưa kịp thở đều lại, tôi đã thấy bé Sim nằm yên, miệng em tràn đầy máu. Chị y tá đứng bên cạnh đang cho em thở oxy và làm vệ sinh cho em. Thấy tôi em cố gượng cười, nụ cười trên khuông mặt không còn một chút sinh khí. Tôi cho y lệnh chuyền máu khẩn. Khi nghe tôi bảo chuyền máu em thều thào bảo:

- Thôi bác, con đã chuyền năm sáu bịch máu kể từ lúc vào đây, con đã nhờ các chị, các bác nhiều quá rồi, bác không nên tốn công nữa".

Tôi cầm bàn tay lạnh ngắt của em, cùng chị y tá cố tìm một đường vein nhỏ tạm chuyền nước biển để giữ mạch. Chỉ trong chốc lát, bàn tay em buông thỏng, mắt em lim dim nhắm lại. Em nở nụ cười héo hắt trên đôi môi tím nhạt. Không kịp nữa rồi, tôi nói nhỏ một mình, Lòng tôi trống rỗng và lạnh buốt.

Trở lại phòng trực, tôi nhớ lời mẹ dặn ngày xưa: Mỗi khi tinh thần bất an con nên đọc kinh Bát Nhã: "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không… sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc…", thế là tôi đi vào giấc mơ. Tôi mơ thấy mình lang thang trên một đồi Sim. Một đồi Sim tím ngát nở rộ. Ở phía bên trên trời cao gió mát, những con diều xanh, diều hồng, diều trắng lơ lửng bay. Một đóa Sim nhỏ bỗng nhiên vươn cao lên và vẫy gọi...

"Bác ơi, bác trông này, con đã khỏe lắm rồi, con đã ở giữa đông đảo bạn bè. Cách đây vài mươi phút con đã nghe bác đọc "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh…". Con đã nhận ra cái ngày xa xưa của mình. Ngày ấy con chỉ là nụ sim nhỏ trên đồi, con thường nghe ba mẹ ngồi bên nhau và hát: Ðói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương... Con ao ước một mái hiên nhà có nắng gió, trăng sao, có mây mù sương lạnh. Những ngày thơ ấu mẹ thường hay đặt con nằm trong chiếc võng làm bằng vải lấy từ chiếc dù hỏa châu rơi ngoài ruộng. Lời mẹ ru lịm tắt trong tiếng đại bác rền vang bốn phía. Chiến tra- nh, chết chóc, nghèo đói, bệnh tật cứ đeo bám gia đình, làng xóm. Trong lời ru của mẹ, con còn nhớ cả những câu than vãn chua cay: Gánh cực mà đổ lên non, cong lưng mà chạy cực còn đuổi theo... Trên đầu chúng con là trời xanh, mây trắng với hàng trăm cánh diều màu sắc vui tươi rực rỡ, nhưng lòng thương nhớ cha mẹ và em trai vẫn không nguôi.

Những mẫu chuyện rời rạc của Sim, là chuỗi nguyên vẹn của sự sống - một sự sống đã bị băm vằm, cắt chặt, vò xé, xay nghiền do cái u mê của kiếp người. Trước mắt tôi bầu trời đang trong sáng bỗng chuyển mây đen vần vũ, gió cuốn, bụi mù, lá bay và một bãi lầy trải dài bất tận. Ở đó ngổn ngang những thân người đang múa may, gào thét, vùng vẫy cố thoát khỏi cái hố sâu đen ngòm không đáy. Ở đó con người chỉ là những cánh tay chới với và những đôi mắt trõm lơ tuyệt vọng cứ chìm dần chìm dần...

"Bác ơi, con đi tìm ba mẹ và em trai, họ đang ở đâu đây? Phải chăng đây là chỗ của những người ra đi không đúng lúc? Tội nghiệp ba mẹ và em trai… "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh Quán Tự Tại Bồ Tát… Sắc Tức Thị Không Không Tức Thị Sắc…". Ấy chính là lời kinh tiếng mõ của Mẹ tôi thời còn thơ thức giấc trong cái se lạnh...

N.T.K.T
(SH278/4-12)







 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Piroska (16/03/2012)
Lữ khách (12/01/2012)
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)