Mặt nước bây giờ cũng đã chuyển sang màu tím thẫm của những chuỗi hoa dại. Phía bên kia sông, những chiếc thuyền buôn vẫn lui tới tấp nập ở cái bến gạch tương truyền đã được hàng trăm năm tuổi. Tiếng cười nói, trêu đùa của những anh chàng thương lái với mấy cô gái làng đang tranh thủ bốc xếp nào chum, lọ, nồi niêu xuống thuyền vang động cả một vùng sóng nước. Xa hơn, con đường làng nổi bật lên màu đỏ thẫm như màu gốm non trong những cái lò đang nhả từng cụm khói trắng đục lên bầu trời. Ở bên đó đông vui thật... Gã lẩm bẩm, ném thêm một bông hoa xuống mặt nước, rồi uể oải đứng dậy, đưa cả hai bàn tay phủi đít quần trước khi quay về. Con đường mòn ngoằn ngoèo, len lỏi giữa bãi tha ma dẫn từng bước chân nặng trĩu của gã về đến gần căn nhà rách nát, trống toang, tạp nham đủ thứ loại vật liệu tranh tre nứa lá gom góp dọc theo con sông sau từng mùa lũ, hay nhặt nhạnh được trên những công trường xây dựng gã vẫn đến phụ việc... Bất chợt gã nghe thấy một tiếng rên, trong sự im lặng rợn người ở cái cõi dành riêng cho người chết này, một âm thanh nho nhỏ cũng nghe rõ mồn một. Gã đứng chững lại, dỏng tai cố lắng nghe xem tiếng rên xuất phát từ đâu, tiếng rên rỉ ấy bỗng nhiên im bặt. Mất định hướng âm thanh, gã liền đảo mắt nhìn quanh, tự nhủ, chẳng lẽ là ma trêu... Nhưng làm quái gì có ma, mà nếu có ma thật thì chúng cũng chẳng dám trêu người đã từng tống táng xác phàm của chúng xuống dưới ba tấc đất... Tiếng rên rỉ lại bật lên. Lần nầy thì gã đoán chắc rằng nó xuất từ phía sau la thành của ngôi mộ to lớn, cổ xưa nhất trên bãi tha ma này. Gã vội bước nhanh đến, và đoán chắc đó là âm giọng một phụ nữ.
Men theo bức tường gạch cao quá đầu, chui qua cái vòm cổng có khảm vài chữ Tàu bằng sành sứ, tuy không biết mấy chữ đó nói cái gì, song gã vẫn thấy nó rất đẹp nên mỗi lúc rảnh việc gã hay lau chùi bụi bặm bám trên ấy; để nhìn ngắm thỏa thích mấy hình vẽ cây cối, sông suối trên mấy mảnh sành sứ ấy. Đúng như gã đoán, phía sau la thành một dáng người đàn bà nằm co quắp, áo quần ướt đẫm, tả tơi. Tiếng rên bây giờ cứ liên tục bật lên sau mái tóc đen dày, ướt nhẹp, gã vội tiến lại gần, ngồi xuống, một tay đỡ đầu, một tay gạt mái tóc đang che kín mặt chị ta, một khuôn mặt tái xanh, đầy kín những vết bầm tím lộ ra làm gã giật mình, dường như cái nóng ấm từ bàn tay chai sần vết đào huyệt của gã đã chuyền thêm chút sinh khí cho người đàn bà. Chị ta mấp máy đôi môi tím tái, gã cúi sát xuống, nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài những âm thanh phều phào đứt quãng.
Kinh nghiệm nhiều năm sống bên sông nước bảo cho gã biết người đàn bà nầy đang bị ngấm lạnh, không nhanh chóng được ủ ấm thì rất nguy hiểm. Cởi vội cái áo nhàu nhò, nồng nặc mồ hôi trên người, gã choàng kín cái thân thể nhỏ bé của chị ta, rồi bế xốc lên chạy nhanh về phía căn nhà của mình. Từng phần thân thể lộ dần ra dưới đôi bàn tay run rẩy. Rất nhiều lần gã đã nhắm nghiền đôi mắt, nhưng lại càng tệ hại hơn bởi trong trạng thái không thấy gì bàn tay lần mở hàng cúc áo cứ chạm vào đôi vú tròn vo như cái chén kiểu đang phập phồng lấy lại từng hơi thở... Từ ngày bàn tay gã biết phân biệt giới tính cho đến bây giờ đã hơn mười năm qua gã chưa lần nào đến được gần, chứ đừng nói là đang mò mẫm trên lớp da thịt mịn màng của đàn bà như lúc này. Thật ra gã cũng rất ngại khi phải lột trần chị ta ra, nhưng không cởi bỏ hết lớp áo quần ướt nhẹp thì làm sao ủ ấm cái thân thể đang run lên bần bật được. Bồng chị ta chạy nhầu lên cả cỏ gai một quãng đường mà không mệt bằng lúc này... Cũng đành phải thế thôi... Gã lẩm bẩm khi kéo tuột chiếc quần sa tanh ướt đẫm. Cặp giò suông đuột, nâu non như màu gốm mới đập thẳng vào mắt khiến gã cảm thấy nhột nhạt, rậm rựt khắp người, cục yết hầu cứ nhảy lên nhảy xuống, nuốt khan ừng ực. Khó khăn lắm gã mới rứt được tia nhìn ra khỏi cái thân hình lồ lộ ấy, để vói tay kéo cái mền dạ, thứ quý giá nhất mẹ gã để lại cho gã, đắp lên người chị ta.
Ngọn lửa từ đống củi rều vớt được trong trận lũ tháng trước, cứ bùng lên rồi tắt ngấm, tỏa khói mù mịt theo từng ngọn gió phát ra từ cái quạt bằng mo cau. Thứ khói cay xè của loại củi ướt sộc vào mũi, vào miệng làm gã ho khằng khặc. Mặc! Khói hay lửa, miễn nhanh chóng hâm nóng được cái không khí trong nhà đều tốt... Hồi đó gã chẳng nhớ nổi mình lên mấy, mải mê đuổi theo con chuồn chuồn voi rồi sẩy chân lăn tòm xuống sông. Mẹ gã cũng hong ấm cho gã bằng ngọn lửa, bằng bụm khói cay xè của loại củi rều ẩm ướt như bây giờ... Gã đưa cả bàn tay nhem nhuốc khói bụi lên vuốt những giọt mồ hôi túa ra trên mặt... lại thấy nhớ tới tiếng ho sặc sụa của mẹ, nhớ con chuồn chuồn voi to tướng cứ chấp chới đôi cánh trong suốt lúc bay lên cao, lúc lượn xuống thấp, lúc xa lúc gần. Chẳng khác chi cái chân dung người đàn ông mẹ gã vẽ ra trong trí não non nớt, những khi gã òa khóc nức nở trong lòng mẹ sau mỗi lần bị bọn nhóc phía bên kia sông đua nhau bẹo tai, đá đít và gọi gã là thằng con hoang. Thằng con hoang ấy khi khôn lớn mới biết mình đúng là thứ con hoài thai trong cái lò gốm xập xệu bị bỏ hoang đầu làng, giữa cái hoang phế bụi tro của cái lò gạch hết thời. Mẹ gã không bao giờ kể, nhưng sau mấy lần bơi qua sông để tìm kiếm, gần gũi cái hơi ấm đồng loại, gã được những lời xỉa xói, chua chát lẫn những cái phất tay xua đuổi kể cho nghe chuyện tại sao gã có mặt trên cõi đời này, và tại sao hai mẹ con gã phải sống đơn độc phía bên này dòng sông, nơi chỉ có những người chết mới dám qua.
Mẹ gã đích thực là người của phía bờ Dương. Bố của mẹ, ông ngoại gã cũng là một chủ lò gốm nổi tiếng khắp vùng. Ngày bọn lính Tây kéo về đóng đồn ở ngoài huyện, thả tàu chiến chạy ngang chạy dọc náo động cả một khúc sông, cũng là lúc du kích trong vùng chọn cây ngọc lan có hàng trăm năm tuổi, nằm sát bên lò gốm của ông ngoại gã làm cái trạm gác. Cây ngọc lan to lớn đến mấy người soát tay cũng không kín một vòng, xòe tán lá che kín cả một khoảng rộng quanh ngôi miếu cổ, mà theo những lời truyền tụng bao đời nay là do dân Chiêm xây dựng để thờ một vị thần nữ thiêng liêng của họ, trước lúc bị vị tổ khai canh họ Hoàng thống soái binh mã đến đánh đuổi rồi dựng làng lập ấp nơi đây. Thân cây cao vút, lại rỗng ruột, nên những người du kích lợi dụng vị trí cao, kín của ngọn cây để làm đài quan sát đường đi nước bước của bọn Tây đồn mỗi khi chúng tổ chức đi càn để du kích và dân làng có kế hoạch chống trả, trốn lánh. Cái bộng rỗng suốt toàn thân của cây cũng trở thành nơi nghỉ ngơi, trốn núp mỗi khi có nguy hiểm. Những người dân trong làng vẫn thường hay ra ngôi miếu cổ thắp hương, khấn vái cầu tài lộc, bình yên cũng chẳng hề biết trong bộng cây linh thiêng ấy luôn có vài ba du kích ẩn náu. Kín đáo, bảo mật là thế nhưng cuối cùng cũng bị lộ tin. Bọn lính đồn huy động cả một trung đội lính Lê Dương bất ngờ đột kích, nhưng vẫn bị chậm chân hơn những người du kích. Bộng cây ngọc lan trống trơn, không để lại chút tích gì. Có lẽ tại cái cao lớn bề thế đầy thụ khí linh thiêng, tại cái hương hoa huyễn hoặc, ma quái của ngọc lan nên bọn Lê Dương mặt rạch cũng không dám chặt phá, đốn hạ. Bọn chúng điên cuồng quay ra bắt bớ những hộ dân xung quanh, giải hết về đồn. Mấy hôm sau chúng thả hết đàn bà, trẻ em về lại làng, còn những người đàn ông, trai tráng thì đưa đi đâu biệt tăm, trong số ấy có ông ngoại gã...
Tiếng ho yếu ớt vang lên, gã ngừng tay quạt lửa, đi đến bên chiếc giường. Người đàn bà đã hồi tỉnh, đang cố gượng ngồi dậy, nhưng khi phát hiện ra mình đang trần truồng và khuôn mặt của một người đàn ông đang cúi xuống gần thì chị vội nằm xuống trở lại, hai bàn tay bấu chặt cái mền kéo sát lên tận cổ. Thấy người đàn bà nhìn mình với ánh mắt hoảng sợ lẫn giận dữ, gã bước giật lùi về phía ngọn lửa bắt đầu reo lên phừng phực và như một phản xạ tự nhiên, gã đưa tay ra chỉ cho chị ta thấy bộ áo quần còn ướt đầm đang hong bên cạnh... Không khí ấm áp dưới cái mền dạ trong căn nhà giúp cho người đàn bà lấy lại tri giác. Ánh mắt mở lớn nhìn gã dần dịu xuống. Gã định bước tới, nhưng lại sợ chị ta hiểu lầm nên thôi... Từ ngày ông ngoại bị lính Tây bắt đi, lò gốm cũng bị tàn lạnh. Mẹ lớn dần lên bằng nước mắt của bà ngoại, bằng nghèo đói triền miên. Chưa đầy mười tuổi mẹ gã đã phải đi phụ việc cho những lò gốm trong làng. Chút tài hoa di truyền và thời gian chạy nhảy vui đùa với mấy bác nhào đất, mấy chị xên chuốc gốm hồi thơ ấu, giúp mẹ nhanh chóng bắt nhịp với nghề. Mẹ gã hồi ấy đẹp, lại khéo tay, giỏi giang nên lắm gã đàn ông trong làng, cũng như những kẻ thương lái, chủ thuyền nhăm nhe “bắn tỉa”. Bà ngoại mất, chỉ còn một mình mẹ trong căn nhà rường ba gian hai chái, chạm trổ cầu kỳ, rộng mênh mông mà ông ngoại gã đã mời những nghệ nhân làng mộc kế bên đến ăn ở trong nhà gần ba năm trời mới dựng xong. Hai mươi tuổi vẫn chưa để lọt mắt xanh một gã đàn ông nào, vì trong trái tim mẹ gã chỉ ấp ủ duy nhất một khát vọng là phục hồi lại lò gốm của nhà mình.
Bất hạnh vẫn không buông tha, tiếp tục đổ ấp xuống đầu mẹ gã đúng vào cái đêm mẹ gã ra miếu cổ thắp hương tưởng nhớ mười năm ngày ông ngoại gã bị bắt đi. Lúc mẹ gã khấu đầu xuống sát cái nền gạch cũ mục lâu đời, khấn vái cho bố mình hiển linh chỉ cho mẹ biết cái xác thân ông đang nằm ở đâu... Mãi sau nầy trong ký ức hỗn độn mẹ gã chỉ mang máng nhớ đó là những bắp chân thô rám, chai sần đặc trưng của người thợ nhào đất, nhớ cái mùi ngai ngái tanh nồng của người chuyên sống trôi nổi trên sông nước, mùi tro than tàn lạnh của cái lò gốm bị bỏ hoang... Tất cả đã thay phiên nhau giằng xé, thọc sâu trong thân thể mỏng manh như đóa ngọc lan của mẹ. Hình hài gã cũng hoài thai từ những cơn oằn oại, đau buốt của mẹ gã trong đêm đó.
Có đứa cháu bị cưỡng hiếp tập thể, không chồng mà có chửa, là cơ hội quý báu cho ông chú ruột đang muốn sang đoạt ngôi nhà rường và mấy mẫu đất vườn. Là trưởng tộc nên lão chú quyết rất nhanh chuyện cắt, đuổi cái hình hài ô uế đó ra khỏi họ tộc, làng xã. Cùng đường mẹ gã phải nuốt nước mắt, mang cái giọt máu bị pha lẫn mùi đất sét, mùi tanh nồng sông nước, mùi tro than lạnh, bơi qua bến của người chết, nơi duy nhất tìm được sự bình an cho số phận bất hạnh của mình... Mấy năm trước chính tay gã đã tống ông chú ngoại bẩn thỉu ấy xuống sâu dưới ba tấc đất bằng những nhát cuốc căm hờn, hậm hực lẫn trong tiếng chiêng trống rùm trời... Nồi cháo sôi sùng sục, thổi lép bép những bọt nước trắng xóa, gã lấy chén múc lưng vài ba muỗng, vừa khuấy vừa thổi phù phù. Gã rất khó khăn khi đổ cho người đàn bà từng thìa cháo trong thế nửa ngồi nửa đứng bên cạnh chiếc giường. Mỗi chút động chạm dù phơn phớt thôi lên người chị ta cũng làm gã đàn ông hơn ba chục tuổi đầu chưa hề biết mùi vị đàn bà, liên tưởng đến cái thân hình lõa thể đang nằm sau lớp dạ sần sùi, dày cộm. Đút cho người đàn bà đói lả ấy hết gần chén cháo đầy. Xong, gã đi ra ảng nước vò chiếc khăn, nhẹ nhàng lau sạch những vết bùn đất còn bám trên tóc, trên mặt chị ta.
Người đàn bà vừa thấy tủi thân, vừa cảm động, từng giọt nước mắt cứ ứa ra, lăn tròn trên đôi má sưng tấy, tím bầm. Bao nhiêu năm làm vợ của một kẻ vũ phu, nát rượu, chị chưa bao giờ tận hưởng được sự chăm sóc dịu dàng như bây giờ. Chiếc khăn nhám nhúa, nồng nặc mùi mồ hôi trên tay gã vô tình chà xát lên vết thương của cú đấm cật lực trên gò má, khiến chị bật tiếng xuýt xoa. Không cầm được lòng thương cảm gã ấp cả bàn tay to bè vuốt nhè nhẹ lên khuôn mặt đang ràn rụa nước mắt ấy, chị cũng thả bàn tay đang bấu chặt mép cái mền dạ, vỗ nhẹ lên cái thành giường ra hiệu gã ngồi xuống bên cạnh...
Vòng tay mạnh mẽ, chai sần của gã chuyên đào huyệt mở rộng ra, quấn quanh vòm ngực trần mang theo một luồng hơi ấm dịu dàng, cứ áp sát rồi lan tỏa khắp thân thể của chị. Những nỗi đau, những vết bầm tím trên khuôn mặt tan loãng ra, bốc hơi theo từng cơn cảm khoái. Bỗng trong tận cùng sâu thẳm chị dường như nghe có tiếng chiêng tiếng trống từ phía bên kia sông vọng sang, lôi chị ra khỏi cảm giác nồng ấm ngọt ngào ấy... Chị trở người, cái đau nhói trên từng vết sưng tấy lại ập đến. Chị vuốt mặt lau khô nước mắt, cố gắng chỗi dậy. Chiếc giường gỗ long mộng kêu ken két, chỗ gã ngồi chăn màn còn lún sâu, chị đặt tay xuống vùng lõm ấy, lạnh ngắt.
Đống củi rều giữa căn nhà vẫn âm ỉ cháy, ánh sáng chập chờn vô tình làm phông cho dáng ngồi bó gối, đầu kê hẳn lên vòng tay quấn ngang gối, chìa cả cái lưng to bè về phía chị. Rón rén, chị đi lần đến chỗ hong quần áo, tiếng soàn soạt khi mặc bộ áo quần khô dòn vẫn không làm ngắt quãng giọng ngáy đều đều, khỏe khoắn của gã. Mặc xong đồ, chị bước ngang qua ngọn lửa, chút hơi nóng rát len giữa hai chân, chạnh nhớ đến cái lúc mình bước chân vào nhà chồng, cũng bước qua một bếp lửa, thứ nghi thức xua đuổi điều rủi, cầu an. Chị mỉm cười chua chát.
Bầu trời khuya lành lạnh, hun hút từng dãy mộ bia trắng toát dưới ánh trăng hạ tuần khiến người đàn bà rùng mình. Từng bàn chân trần đang rón rén bước, bỗng lồng lên đẩy chị lao vút về phía bến sông, lao vút xuống dòng nước lạnh giá của những ngày cuối đông rồi sãi tay bơi nhanh về phía bên kia, nơi dành riêng cho những người sống, nơi mà ngày hôm qua không chịu nổi những cú đấm đá hung tợn của lão chồng già, nát rượu, đầy quyền lực, bạc tiền mà bố mẹ chị đã đem cái tuổi trăng tròn của chị gán ghép vào đó; khi cùng đường trốn chạy chị cũng đã nhảy xuống sông, bơi thật nhanh qua bến Âm. Theo quy ước của các bậc tiền nhân khai canh từ mấy trăm năm trước chỉ dành riêng cho phần hồn của dân làng an nghỉ. Một vùng đất luôn lởn vởn mùi tử khí, đầy huyền thuyết ma quái. Chính nỗi đau đớn thể xác, sự tởm lợm lão chồng nát rượu, vũ phu tràn ngập trong lòng khiến chị quên đi tất cả những câu chuyện ma quỷ yêu tinh, chuyện điềm gở khi bị ánh mắt, bàn tay thần chết của gã đào huyệt bên bến Âm chạm vào... Người đàn bà lại rùng mình, không phải vì dòng nước lạnh cóng bủa vây chung quanh, mà vì chị nghĩ lại bàn tay dày vết chai chôn lấp người chết đã lau từng giọt nước mắt trên má, trên môi mình... Chỉ cần vài sải tay nữa thôi là chị chạm bờ, những chiếc thuyền ăn hàng no ăm ắp, chuẩn bị cho những chuyến hải hành vào
ra Bắc vẫn im lìm trong giấc ngủ. Một ý tưởng thoáng qua đầu, người đàn bà ngừng bơi, đứng thẳng người trong làn nước, lớp cát đá đáy sông lạo rạo dưới lòng bàn chân của chị. Người đàn bà bắt đầu cọ rửa từng phần da thịt như muốn bóc hết hơi hám tử khí, điềm gở. Chị kỳ xát đến đau buốt, nhưng cảm giác ấm áp, dịu dàng từ bàn tay, ánh mắt cứ bám chặt, mọc rễ trong trí óc. Phía bên trong cái cổng gạch chạm rồng khảm phụng chỉ còn vọng ra tiếng gầm gừ, hằn học của lão chồng trong cơn say. Chị bật khóc nức nở, quay người, sải tay bơi... Bến Âm còn nổi dài một vệt trắng mù mờ, xa tít.
Lúc gã thức dậy, đống củi lửa chỉ còn chút tro than và vài đoạn cháy thừa ngún khói. Người đàn bà đêm qua đã biến mất cùng với bộ quần áo gã đã ngồi trăn qua trở lại bên ngọn lửa cho chóng khô. Gã đi đến bên chiếc giường, mân mê chiếc mền dạ, chút hơi hám đàn bà còn phảng phất làm lòng gã chợt bần thần, hụt hẫng như vừa đánh mất thứ gì đó rất quý giá... Gã biết chị ta đã về lại bên kia sông với những cú đấm cật lực đầy men rượu của lão chồng thất vọng vì tốn tiền của mua về một mụ đàn bà không biết đẻ con trai. Gã biết là dù đau đớn, ghê sợ đến đâu chị ta cũng phải trở về. Tuy chẳng bao giờ người ở bên bờ Dương muốn tiếp xúc với một kẻ đào huyệt, ngoại trừ có một ai đó bên ấy lăn đùng ra chết. Nhưng gã vẫn lờ mờ hiểu những lề luật khắt khe, những quy ước nghiệt ngã luôn bao trùm, đè nặng lên cuộc sống của người bên ấy. Nặng nề, phân biệt khinh, trọng ngay với người đã chết. Một tay gã đưa tiễn không biết bao nhiêu linh hồn ra đi trong lặng lẽ, lạnh lùng, chỉ vì trong quá khứ họ lỡ vi phạm luật làng... Qua sông về bến Âm mà không được làng cho khua chiêng gióng trống là một sỉ nhục lớn, chẳng những cho người đã chết, mà còn lưu xú cho cả gia đình họ tộc đến mấy đời... Đó là những lời gã thường nghe thấy trong lúc cuốc từng nhát đất lấp lên quan tài. Người đàn bà đêm qua cũng không ngoại lệ, chị ta cố nuốt lấy riêng mình sự bất hạnh trở về bên kia theo tiếng chiêng, trống gọi hồn ấy rồi... Mải suy nghĩ gã quên khuấy đi mất mình phải ra sông để dỡ mấy chục chiếc cần câu cặm dọc bờ sông. Vài con cá, con chình mắc câu trong đêm, phụ thợ ở công trình xây dựng hay dửng dưng, lạnh lùng lấp đất lên thân xác người chết, đối với gã đều giống như nhau chẳng hề khinh trọng, cũng chỉ đơn thuần là phương tiện kiếm sống.
Xếp lại cái mền dạ, rửa chén muỗng còn lợn cợn váng cháo, quét dọn đống tàn tro giữa nhà. Xong, gã mới xách cái giỏ tre ra bờ sông. Đi gần đến ngôi mộ bề thế của ông tổ khai canh làng, nhìn bức tường thành loang lổ thời gian gã chợt chạnh nhớ đến những vết tím bầm trên mặt, nhớ bầu vú tròn, mềm mại, nhớ những tiếng thì thầm nấc nghẹn trong đêm... Chẳng biết chị đã về đến nhà mình chưa, có bị lão chồng đánh đập nhiều không nhỉ?! Gã hỏi thầm và tính nhẩm đoạn đường đi vòng qua chợ huyện, qua cái cầu sắt dài dẫn về bên kia cũng mất gần hai giờ đi bộ... Nhiều bóng người lao xao dọc bờ sông phía bên kia, giữa dòng còn có những chiếc ghe nhỏ chèo tới chèo lui, khiến gã lấy làm lạ. Giờ nầy thường khi chỉ có một vài người đàn bà ra sông gánh nước. Có chuyện chi đó không bình thường, nhưng mặc... bên ấy khi nào mà chẳng có chuyện... Gã cố không nghĩ tới cái cuộc sống rắm rối của bờ Dương, vẫn lần tay, và reo lên sung sướng khi nâng trên tay một chú cá bị mắc câu.
Ba ngày sau, mới phát hiện ra xác của người đàn bà, vẫn không thể hiểu tại sao cái xác của chị lại có thể trôi ngược dưới đáy sông để nổi lên bên bến Âm, đúng chỗ gã đào huyệt thường ngồi hái những bông hoa dại xòe cong như cái đuôi chồn ném xuống nước. Người làng Dương lại đồn ầm lên nhiều câu chuyện kinh dị về gã đào huyệt bên kia sông, và sự mất tích lạ lùng của gã. Đôi mắt thao láo ráo hoảnh cứ hết đếm bao nhiêu tấm ván ráp thành cái rầm thượng, lại đến mấy thanh rui, mèn trên mái căn nhà rường xưa cũ. Đếm tới, đếm lui lẫn thứ này sang thứ khác, anh cũng chẳng tài nào dỗ được giấc ngủ. Không biết có phải tại không khí oi bức từ cơn bảo sắp đổ bộ vào đất liền, tại tiếng ngáy đều đều của anh chàng họa sĩ trẻ, tiếng ho khàn đục của ông lão chủ nhà từ phía chiếc giường trong căn phòng bên cạnh hay tại lớp mồ hôi cứ túa ra trơn nhẫy nhớp nháp cả tấm phản gỗ lên nước đen bóng.
Không thể ngủ, anh ngồi dậy vói tay lấy gói thuốc, chẳng còn điếu nào trong cái bao giấy nhàu nhò. Ánh sáng vàng úa từ cây đèn dầu cao ngọn trên áng thờ giúp anh tìm thấy mấy mẩu thuốc hút dở của tay họa sĩ vứt lăn lóc dưới chân cái giá vẽ. Bật lửa, châm thuốc hít một hơi thật dài, hơi thuốc đậm chất các bon hóc thẳng vào cổ cay rát cả vùng ngực. Sợ làm thức giấc những người khác, anh lấy cả hai tay bụm miệng, bước ra ngoài sân. Cái sân gạch hơn trăm năm tuổi như sáng bừng lên dưới vầng trăng hạ huyền, anh cảm thấy hơi lạ, ban ngày thì nó bết lấm bùn đất, sin sỉn nâu đen, chẳng ngờ dưới ánh trăng nó lại óng mượt đến thế. Ngồi xuống bậc cấp trước căn giữa ngôi nhà. Không khí tĩnh mịch, oi bức lạ lùng, anh nhìn lên bầu trời trong vắt không một gợn mây. Trước bão bao giờ chẳng thế... anh tự nhủ. Một thoáng gió vớ vẩn nào đó thoát vừa khỏi vòng hút xoáy của cơn bão, ập đến chỗ anh ngồi mang theo mùi thơm ngan ngát... Cây ngọc lan vươn hình thù to lớn, kì dị đầy truyền thuyết lên che kín cả một khoảng trời, dưới tán lá tối om của nó, cái lò gạch chỉ còn trơ lại nền đang mơ hồ bốc khói; cột khói lờ nhờ, cao dần, vươn dài đến chỗ anh ngồi, cảm giác lạnh lẽo chạy dọc theo sống lưng khiến anh rùng mình nổi gai ốc. Anh biết từ lâu lắm rồi không còn ai đốt lò, tiếng tăm nghề làm gốm của ngôi làng này đã trở thành tiếng vọng của quá khứ, những ngôi nhà rường chạm trổ cầu kỳ cũng đã oằn mái già nua, trĩu nặng tiếng thở dài... anh hiểu vì sao trước lúc đám tang của người đàn bà bị chết trôi đưa qua sông, gã đào huyệt không còn ở đó. Trong căn nhà chấp vá tạp nham vẫn còn nguyên mọi thứ đồ dùng thường ngày của gã, chỉ thiếu cái mền dạ ràn rụa hơi ấm đàn bà... Gã sợ bàn tay của chính mình lại thêm một lần nữa chôn lấp thứ mình thương yêu, quý giá nhất. Gã sợ gặp lại cái cảm giác đau đớn, run rẩy trên từng nhát cuốc, lát đất lúc lấp lên thân xác của mẹ... Giọng ho khản đặc của ông lão chủ nhà lại vang lên cùng lúc với tiếng sột soạt của chiếc mền dạ nhám nhúa trải kín chiếc giường cũ mục của ông. Phía bên cõi Âm, sau lớp lớp bia mộ, chợt bùng lên một bóng lửa hiu hắt, một sợi khói cay xè của loại củi rều ẩm ướt. Trại sáng tác làng cổ Phước Tích 10/2006 N.Q (nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)
|