Truyện ngắn
Người chợ Kệ
15:51 | 31/10/2008
DƯƠNG ĐỨC KHÁNHCho đến thời buổi này, cái chợ làng Thanh vẫn đông một khúm lèo tèo dưới tán cây sen cổ thụ vào buổi chiều xế. Vẫn làng tàng, xập xệ như cái tên gọi xưa nay: Chợ Kệ!. Cái tên chẳng ăn nhập gì đến tên làng, tên đất nhưng nó gắn liền với bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.

Người làng kể, thuở trước ven sông Bồ cứ hai ba làng mới có được cái chợ. Chợ làng Thanh đông đúc cũng nhờ người làng dưới làng trên. Một hôm có người đàn bà làng Hạ mang thai sắp đến ngày sinh nở, đang giữa buổi chợ chiều sắp tan bỗng đau trở dạ. Vật vã, rên la đến ngất lịm! Cả chợ xúm lại. Là đàn bà với nhau, cũng từng qua lần đi biển mồ côi nên ai cũng cảm thấy quặn lòng. Thế là mỗi người một tay, kẻ giúp chăn người giúp chiếu. Cuộc vượt cạn nơi góc lều quán chợ cũng mẹ tròn con vuông!

Chuyện phúc đức là vậy nhưng về sau có người ác mồm ác miệng rằng: Đàn bà làng khác đến đẻ rơi đẻ rớt giữa chợ làng mình là điềm xui, điềm gở! Có ngày cũng “chợ tàn làng mạt!”… Mụ Thợ Rèn - người ra tay bà đỡ bất đắc dĩ hôm ấy thì ngoe nguẩy xua tay: “Ôi dào! Ông trời có mắt, mình cứ ăn ở cho phải, ai nói chi mặc kệ! Cứ “kệ” là qua hết!”. Rứa là chợ Kệ có tên từ đó.
Chẳng biết ông trời có bao giờ trông thấu, nhưng lòng dạ Mụ Thợ Rèn và những câu chuyện quanh cái sự “kệ” của mụ thì mấy đời người làng cũng còn nhắc.
Cái lò rèn - cơ nghiệp một đời của vợ chồng mụ là mái tranh cũ kỹ, xiêu vẹo trên mỏm đất đầu bến chợ. Ông Thợ Rèn người gầy gò, chậm chạp,
nhưng bù lại, mụ to cao, chắc nịch, lanh lợi khó ai bì. Mụ ngồi trên sạp tre cao nghệu, lừng lững như một nữ tướng, hai cánh tay phì phụt hai ống bễ đen sì như hai nòng đại bác trong Thành Nội. Mỗi bận sắt chín đỏ, ông gắp ra đặt lên đe là mụ nhảy xuống, thủ búa tạ. Nghề cả đời quen rồi. Cứ nhìn mụ vã mồ hôi hì huỵch giáng một loạt mấy chục búa rúng rính mặt đất, đàn ông sức vóc cũng phải ngao ngán!

Người giỏi giang thường nặng tật. Mụ có máu mê coi đua ghe - là một cây cổ vũ hăng nhất làng. Cứ hễ đến dịp làng mở hội đua ghe là có phải rèn gươm cho vua thì mụ cũng dẹp, cũng kệ! Và bất kể gần xa, làng nào tổ chức đua, có ghe làng Thanh tham dự là có mặt mụ. Mụ thức nửa đêm, nấu cả mủng xôi bưng theo. Tới nơi mụ phân phát cho những tay đua người làng người một vắt to tướng trước giờ vào cuộc.
Mụ đứng trên bờ, mỗi bận ghe làng lướt ngang là mụ lao xuống nước, cầm nón vừa tát vừa “Dô khoan la hè! Dô khoan la hè!”. Bận nọ ở bến Lở làng Hạ Lang, mụ say sưa hô tát, khum lên khum xuống một hồi, cái quần lĩnh lưng vận sũng nước, tuột luốt! Mụ mặc kệ! Nước sông Bồ thì trong leo lẻo. Đàn ông trên bờ vừa la vừa cười hô hố! Mụ cứ tát, cứ hô cho tới khi ghe làng qua khỏi, mụ quăng theo luôn cái nón móp méo tơi tả rồi mới thủng thẳng, kéo quần lên!... Lần ấy ghe làng về “nhứt phá”, giựt luôn giải “tam liên thắng”, cờ trống tưng bừng mặt sông! Mụ vừa đi vừa chạy trên bờ, tay vung lên trời: “Nhờ tau đó! Nhờ tau đó!”

Có lẽ thường “mặc kệ cái sự đời” như thế nên mụ mới đặt cho người con trai duy nhất tên là Tùy. Người làng gọi là Tùy “say”. Người chú thấp đậm, tính khí cũng “tào lao xịt bộp” giống mụ mười mươi, chỉ khác là sau này chú không theo được nghề thợ rèn. Hồi ấy làng nước bom đạn triền miên, trai tráng phải chui nhủi trốn tránh nạn quân dịch. Một lần bị bọn cảnh sát bao vây, bí quá, chú nhảy thỏm vô ngồi trong lu dú chuối. Biết bọn chuyên ăn bẩn, tay chú kẹp sẵn tờ bạc một trăm giơ lên. Một thằng giở lu liền chụp ngay tờ bạc rồi giả bộ chửi đổng, kéo cả bọn lùng sục nơi khác. Lần đó chú thoát. Nhưng cũng không ít lần chú bị bọn chúng rượt đuổi, chạy trối chết!

Về sau sẵn mấy sào ruộng ông bà để lại, chú dựng lều đêm ngủ luôn ngoài đồng. Rứa mà được lắm việc. Ban đêm giữa đồng có thể nhìn hút tầm mắt tận chân núi, đêm nào trực thăng cũng thả pháo sáng quanh các căn cứ Mỹ. Chú thức cả đêm, ngồi đoán tọa độ những chiếc dù rơi. Mờ sáng chú cắt đường đồng, và dường như mười chiếc dù rơi xuống đồng làng là vào tay chú hết bảy! Nhà chú mền mùng các thứ toàn bằng vải dù. Thằng cu Rớt con chú cũng mặc tà lỏn bằng vải dù, thấy cả chùm “ớt cà” lồ lộ. Chú còn mấy cái để dành lúc xóm giềng có đám tiệc, chú cho mượn che rạp. Hôm đạp lúa xong, chú đem cái dù mới tinh bung ra đậy luôn đụn rơm mới xây. Ui chao, nó vừa vành vạnh, có sẵn cả cái lỗ tròn trên chóp vừa tròng vào đỉnh trụ, cứ y như là nước Mỹ sản xuất chỉ cho chú đậy đụn rơm không bằng! Hàng xóm nhìn qua kêu: “Chà, Tùy chơi sang như Mỹ hè! Chú đứng phủi phủi tay, giọng tưng tửng: “Chiều qua, tui mới “đánh” một cú tê-lê-phôn khẩn cấp cho tụi Mỹ: A lô, trời sắp mưa dầm rồi, gởi cho tau thêm cái nữa đậy đụn rơm chơi! Rứa là sáng ni tui ra đầu cồn… nhận hàng! Hề hề... ”

Mấy bữa trời lụt, dân chợ ít ai sẵn xuồng ghe, phải lội nước lở cả chân. Còn chú thì ung dung ngồi gọn lỏn trong chiếc “ca-nô” bằng cái vỏ xốp đựng quả đạn quả bom gì đó của Mỹ, có mũi có lái đàng hoàng. Tay chú sai sải cây dầm đôi bơi ra ghếch lên nền miếu góc chợ ngồi rung đùi uống rượu tỉnh khô!... Bác Đới thợ hàng mã ngồi trong nhà ới ra: “Bộ mới “đánh dây thép” nữa hả Tùy!” - “Ơ… cái ni là hắn “gởi trực tiếp”. Chiều qua tui đang đứng giữa đồng… một thằng L 19 bay ngang, tui chỉ tay xuống ra dấu: Lụt! lụt! Rứa là hắn bay vòng lại, thả xuống! Hề… ”
Cái nền miếu cạnh cây sen góc chợ là chỗ tụ tập chơi đùa của lũ con nít. Chú thường ra đó ngồi uống rượu, chú nói: “Ngồi đây, cảnh sát có ụp tới cũng nhiều đường mà chạy!”. Nói vậy chớ tới lúc ngà ngà, chú hát hò một hồi, gió sông thổi lên hiu hiu là chú lăn ra ngủ khò. Trời có sập chú cũng kệ!... Ruộng mấy sào, cày bừa xong là giao sấp cho vợ con, say sưa nhưng cũng chẳng phiền hà chi ai. Cứ mỗi chuyến đò là có mấy o bán rượu làng Phước Yên, Hương Cần gánh ngang qua. Mối quen cả. Mấy o cứ việc đong đầy bi-đông thoải mái cho chú, rồi tới mùa, chú đong lúa đong nếp lại cho mấy o nấu rượu. Rứa là huề!

Ở làng thời đó người rượu chè say sưa như chú cũng hiếm. Đàn ông trai tráng lớp thoát ly theo Giải phóng, còn lại cũng bị bắt quân dịch cả. Mấy lão nông thì chiều về thường ghé quán mụ Gái, móc đồng bạc kẽm, đứng tợp vài ly là vác cày vác cuốc về nhà, chẳng ai uống kiểu “đong lúa” như chú.
Đến chiều nọ, chú đang ngồi khề khà vừa nhìn bọn trẻ chơi túm rễ sen đánh đu, bỗng từ đàng xa lù lù… một thằng Mỹ, tay cầm chai rượu bước chệnh bước choạng, miệng như đang hát nghêu ngao. Lúc đầu tưởng tụi lính, chú tính nhớm cẳng chạy. Nhưng bọn trẻ thì biết rõ, đó là thằng Mỹ “say” trong cái tốp lính Mỹ “chạy làng”!... Đêm căn cứ Ti-bon trên núi Mệ bị pháo quân giải phóng tấn công, cả trái núi đỏ lựng như hòn than khổng lồ... Mờ sáng, cái thứ bay dạt về đồng làng không phải là những chiếc dù mà là… một tốp lính Mỹ te tua xơ mướp bị đẩy xuống từ một chiếc trực thăng! Chúng la ó hoảng loạn, xí lô xí la như bồ chao bể tổ một hồi rồi thất thểu kéo nhau vô náu trong nhà thờ hoang.

Chiều nào bọn trẻ ra cồn thả diều cũng gặp những cái đầu vàng cháy gục xuống rũ rượi, mũ sắt úp xuống cỏ, ngồi ôm súng ngóng phía góc trời. Lúc sau chiếc trực thăng liệng tới, thả xuống mấy thùng vuông. Cả tốp xúm lại, lao nhao quanh một thằng cầm một xấp dày những bức thư… Những bàn tay to bè run run từng tấm ảnh áp vào ngực, rồi hôn lấy hôn để, mắt mũi giàn giụa… Có thằng đang đọc thư bỗng bật lên quay quắt như điên dại… Những chai rượu được bật nắp, tu ừng ực… Rồi từng loạt đạn điên loạn bắn xối xả lên trời lẫn tiếng gào thét. Từng gương mặt đỏ ngầu vằn lên giận dữ như đang nguyền rủa một ai đó…

Bọn trẻ quen mặt thằng Mỹ “say” bởi mỗi lần từ ngoài cồn kéo về, hắn thường lếch thếch sau chót, chẳng hàng ngũ chi cả. Mặt mũi lơ lơ láo láo như thằng hề. Cái mũ có hình con ó trắng hắn đội quay ngược đằng sau… Mấy bữa nay hắn thường lang thang dọc đường làng, nghêu ngao những bài hát tiếng Việt như con nít nói ngọng. Bọn trẻ cứ chạy theo cười rần rần! Hôm đi ngang vạt mía hắn bẻ một cây rồi cầm cả cây mía dài ngoằng, cạp ngang ngấu nghiến khiến bọn trẻ cười nôn ruột!...
Lúc hắn khệnh khạng tiến lại gần, bọn trẻ cười rộ lên. Chú Tùy cũng đang hứng, giơ giơ cái bi-đông vẫy vẫy. Rứa là hai ông thần men hút lại! Bi- đông và chai cụng nhau cái cốp! Chú Tùy vỗ vỗ ra dấu mời hắn ngồi xuống nền miếu.

- “Hê lô!... du… tên chi? Chú Tùy hỏi, pha tiếng Mỹ học lóm rồi chỉ vào mấy chữ trên túi áo hắn.
- Tô ny Phớt sờ! Hắn nói.
- À, rứa là tên Phớt!... Phớt là
phớt tỉnh ăng lê... Mình tên là Tùy - Tùy chợ Kệ! Ô kê!... Uống!... Qua-Việt-Nam- bao-lâu-rồi?
Hắn gật gật rồi đưa hai ngón tay:
Hai... nam!
Chú vỗ đùi cái bốp: Ha! Rứa là nói tiếng Việt được! Ô kê! ... Mình là... chống quân dịch - không thèm đi lính! ... Đánh thuê - chết uổng mạng! Hiểu chưa? Ở đây -
uống-rượu-hát hò chơi! ... Chờ hòa bình... Về nước-với-vợ-con! Hiểu chưa! ... Uống! Khà... Ngon không? Ngon hơn Uyt-ky không?
- Ô kê! Num bờ oan! Tuyet!Tuyet!...
Rượu ngấm. Chú bắt đầu hát, rồi hò… Hắn ngồi nghểnh cổ nhìn rồi gục gặc hát theo. 
Bọn trẻ cứ lăn ra mà cười. Đến lúc hắn đứng dậy loạng choạng bước đi, không biết đứa nào đã bày đầu ra bài hát, cả bầy chạy theo vỗ tay hát ghẹo: “Hành quân xa không có tiền mua phở/ Trở lui về mà xin vợ vài trăm!...” Vậy mà cách có mấy buổi chiều hắn đã thuộc, giọng hắn ò ò theo bước đi khật khưỡng: “Hanh quan xa khong co chien mo phọ…”

Và cứ chiều nào chú Tùy gặp thằng Phớt là bọn trẻ cứ như được xem một chương trình ca kịch hò vè tạp lục khỏi mua vé. Mỗi đứa bẻ một nhánh lá sen lót đất, ngồi bệt khoanh tay ngóng cổ chuẩn bị những trận cười nghiêng ngửa.
Một lần, rượu sắp cạn thì dáng một o gánh rượu vừa lên đò. Thường thì o ghé, nhưng nay thấy chú đang nghí ngố với thằng Mỹ, o hoảng hồn sụp nón le te cố chạy cho khỏi… Vạt áo lụa tím bay bay trông càng duyên dáng…
“O ơi!... O Hường!”... Chú kêu giật mấy tiếng o mới khựng lại. Mặt o tái mét, rồi đỏ bừng!... Ngập ngừng một hồi o mới đặt gánh xuống cách một khoảng xa. Bọn trẻ phải xách bi-đông lại. Tay o run lập cập, rượu đổ cả ra đất! Xong o vội vã quẳng gánh chạy.

Cặp mắt xanh lè của thằng Phớt cứ nhìn theo ngây dại… Chú nói: “Đó là o - bán - rượu!”… Rồi giọng chú ngâm vè: “Còn trời còn nước còn non/ Còn o bán rượu/ ta còn say sưa… ta còn say sưa!… Hắn gật gù vẻ đắc ý rồi bẹ theo: “Cọn tròi/ cọn nuoc/ cọn non… Hô hô! Num bờ oan! Tuyet!... Cọn o ba ruou… !
Dứt vè tới hò. Chú gõ lóc cóc nhịp chày điệu hò giã gạo: “Hò hô hố hô… Đáo tới nơi đây…” Lúc cao hứng giọng chú càng thanh, càng vang…
Phía gốc sen đầu dưới, mấy mụ gánh khoai sắn, trầu chè đã lác đác họp chợ chiều. nghe giọng chú hò ai cũng ngong ngóng…
Điệu hò thức dậy trong các mụ một thời trẻ trung xa xưa. Thời làng nước còn yên bình… Những đêm trăng thanh thậm thịch tiếng chày… Gạo trắng mấy cối rồi nhưng tiếng chày tưởng chừng không bao giờ dứt. Mấy mụ thường kể, đôi lúc hết gạo còn đổ cả trấu vô mà giã, mà hò! Trai gái hò đối hò đáp, say sưa tới thâu canh…

“Hò hô hố hô!... Đáo tới nơi đây… ! Tiếng hò càng vang bởi cái giọng ồ ồ của thằng Phớt bẹ theo.
“Ơi cha! Mệ cô cái thằng Tùy say, hết chuyện nghịch tặc nghịch đời chưa! Hắn dạy thằng Mỹ hò!”. Mụ Lé vừa sắp bánh ú bánh tét vào mẹt vừa chửi vừa cười. Mụ Thêm thì lườm đứt con mắt, giọng chanh chua: “Ơi dà! Hò với giã!... Mậu Thân hắn “giã” cả trăm quả ca-nông tàu vô cái làng ni rồi! Chưa bưa à! Răng còn hò với giã!!.”. Mụ đang lầm bầm xỉa xói thì giọng chú Tùy oang oang: “Mấy mụ ơi!... lắng tai mà nghe Mỹ hò giã gạo này… Hò hô hố hô!...”. Chú bắt nhịp.
“Đáo tói noi đay/ đát nuoc la lung/ nghe con chim keu tui cung sơ… Họ hô!...”
“Mấy mụ nghe được chi không? Để tui hò “thông dịch” lại cho mấy mụ nghe: Hò hô… Đáo tới nơi đây/ đất nước lạ lùng/ nghe con chim kêu tui cũng sợ/ gặp con cá vẫy vùng run ví cũng… ờ run! Hò hô!... Đó, mấy mụ nghe hay chưa!...

Mụ Thêm vỗ đùi ra chiều hả hê: “Ờ, không run răng được!... Chết gần hết rồi mới “chạy làng” về đây! Không run răng được!”. Cả chợ cười cái rần. Mụ Lé nổi hứng: “Chà, hò nghe hợp tình chi lạ! Đây, thưởng cho… một đòn bánh tét! Hai anh em ăn cho no mà hò!...” Lại một trận cười.
Mấy cái trò hò hát đã ăn thua gì! Chú còn nghĩ cách bày nhiều trò ngoạn mục khác khiến cả làng phải cười nhiều trận đến khản cổ!...
Đó là buổi chiều trước hôm làng tổ chức đua ghe. Sau mấy ngụm rượu phừng phừng, chú rủ thằng Phớt xuống bến chợ. Thấy chú đứng chỉ chỉ chỏ chỏ ra cột vè giữa sông. Cột vè là một cây tre ngà cắm xuống lòng sông, trên ngọn có lá cờ ngũ sắc phấp phới… Chú đứng múa may giải thích với hắn về điều lệ cuộc đua. Tay chú ra bộ cầm dầm bơi “Hò hồ dô khoan! La hè! La hè!...”. Hắn ra vẻ thích thú gật gật, cười cười “Ô kê! Ô kê!...”

Rồi không biết chú dặn dò thế nào mà đến sáng mai, lúc ba hồi trống nổi lên, xóm làng tề tựu đông đủ thì từ phía nhà thờ hoang, dáng thằng Phớt cũng lênh khênh đi ra…
Giọng chú Tùy bô bô, tếu táo: “Xin trình với làng, với bà con: Hôm nay ghe phe Tư - chợ kệ có một tay đua “đại kì khôi” xin tham gia!...” Chú chỉ tay phía thằng Phớt - “Một tay đua đến từ… bên tê đại dương! Hề hề… Xin trình làng!”...
Chú thủ sẳn cái áo thun xanh viền đỏ của đội đua tới dúi dúi vào tay hắn. Hắn lột quần áo lính bỏ gốc sen hăm hở tròng áo thun vào, nhưng đứng kéo mãi cũng không tới quá ngực, cứ như bắt người lớn mặc áo con nít ba tuổi! Hắn đứng cười ngố ngáo rồi hươ tay làm động tác thể dục, bày cả cái bụng đầy lông lá! Cả làng rộ những trận cười vỡ chợ!... Chú Thao người phe Nhì lên tiếng đùa: “Ơ, ghe phe tư chơi chi có Mỹ nữa hè! Ai bơi cho lại!...”

Giọng chú Tùy cà rỡn: “Mỹ dưng mà… thành dân chợ Kệ rồi!... Biết uống rượu Hương Cần, biết hò giã gạo… được mụ Lé thưởng bánh tét đàng hoàng nghe! Hề!...
Đến lúc những đội đua sắp hàng làm lễ vào cuộc, hắn cũng khép nép đứng vào. Và lần lượt như mọi người, hắn cung kính cắm nén nhang lên bàn thờ Thành hoàng nghi ngút khói trầm và bắt chước chắp tay vái ba vái… Lúc ấy bỗng nhiên những tràng cười lặng phắc. Chú Thao cũng đứng gật gù, mỉm mỉm...
Trống nổi lên. Cuộc đua bắt đầu.
Hắn ngồi một cặp với chú Tùy và nhất cử nhất động theo chú… Đến vòng thứ nhì coi bộ hắn đuối! Những nhát chèo bắt đầu rời rạc, lỗi nhịp rồi buông xuôi luôn! Hắn há hốc thở, mặt mày tái mét…

Tới pha lộn vè, các ghe tranh nhau khép vòng quyết liệt. Bỗng bọn trẻ la lên giữa tiếng trống giục và tiếng reo hò: “Ghe phe Tư lật!... Chết cha thằng Phớt chìm rồi!... Khống! Hắn nổi lên! Hắn biết bơi!...
Trong cuộc đua, pha lộn vè là gay go, hấp dẫn nhất, ghe lật là chuyện thường! Kinh nghiệm, sự điêu luyện là lúc này. Nó đòi hỏi những tay đua phải nhanh nhẹn xao
nước, rồi phải nhịp nhàng, đồng bộ phóng lên ghe tiếp tục cuộc đua… Nhưng những động tác này đối với một thân hình nặng nề - một người Mỹ như thằng Phớt thì phải học tới “bạc râu” may ra mới theo kịp!... Hắn bị bỏ lại! Chới với giữa cột vè một lúc rồi bơi vô bờ, ngồi thở hồng hộc!...
Thằng Phớt bỏ cuộc, tất nhiên! Nhưng chú Tùy lại thành công thêm một mẻ gây cười để đời cho cả làng…

Thấm thoắt mà đã hơn ba chục năm trời. Tôi - người kể lại câu chuyện này là đứa trẻ “đầu chưa sạch cứt trâu” trong đám trẻ của cái chợ Kệ ngày ấy. Vừa qua, tôi mới gặp lại chú Tùy tại Đồng nai. Lâu ngày chú cháu gặp lại nhau mừng khôn xiết!...
Người làng tôi vào miền Đông lập nghiệp gần hết nửa làng. Mấy năm gần đây bà con đều phất lên nhờ nghề trồng tiêu… Cứ nhìn vườn tiêu xanh mướt, bát ngát hơn hai héc-ta của chú đủ biết cuộc sống gia đình chú sung túc nhường nào… Xấp xỉ sáu mươi, già đến nơi rồi nhưng cái tính “tào lao xịt bộp” của chú vẫn như ngày nào! Lúc tôi mở miệng định hỏi “chiếu lệ” về đời sống… , chú đã xua tay, giọng tưng tửng: “Ui dào, khỏi hỏi!... Tiền bạc tau chừ… lâu lâu phải kêu thím mi… chất ra sân, phơi! Để mối mọt ăn hết!” Thím ngồi bên lườm chú: “Ba mi thì cứ tật tào lao không bỏ, cháu chắt cười cho!” Chú hề hề: “Ơ, chú cháu tui lạ chi nhau! Dân chợ Kệ mà lị!”

…Ngồi khề khà với chú trên bộ sập vuông vức, cao nghệu. Tôi bỗng nhớ cái nền miếu cạnh gốc sen của chú cháu ngày nào, gợi nhắc: “Chú còn nhớ thằng Phớt không chú!” - “Ui chao! Cái thằng bạn Mỹ nhớ đời! Quên răng được… à, mà không biết hắn còn sống hay chết hồi đó rồi!...” - “Hắn còn sống chú ơi!... Năm ngoái cháu về quê, gặp hắn trong đoàn cựu binh Mỹ ghé thăm làng mình, tìm chú quá trời!”. Chú nhảy dựng lên, vỗ đùi bôm bốp: “Ui chao! Rứa à! Thiệt rứa à!”. Tôi tính đùa chú cho vui (nhưng biết đâu có thật rồi cũng nên. Nghe nói mấy năm qua, rất nhiều đoàn cựu binh Mỹ tìm về làng tôi), thấy chú tin như đinh đóng cột, sẵn trớn tôi phịa luôn: “Hắn ghé chợ Kệ, quay phim chụp ảnh không sót chỗ nào!... Rồi còn lại ngồi chỗ nền miếu trầm ngâm xúc động, ra vẻ nhớ chú lắm!”… Chú cứ há hốc nhìn tôi, vỗ đùi lia lịa: “Ui chà!... Rứa cháu thấy hắn có già dữ không?” -“Cũng già nhưng không khác mấy, vẫn cái gương mặt ngố ngáo như hề, gặp là cháu nhận ra liền!”…

Chú nốc liên tiếp hai ly rượu, rồi cao giọng: “Trái đất tròn! Rồi có ngày tau với hắn cũng gặp lại!... À, mà nghe nói hột tiêu của mình phần lớn xuất qua Mỹ!...” Chú vỗ cái bốp: “Rồi! Tau sẽ đi Mỹ!” Rồi chú vỗ bùm bùm xuống bộ sập: “Này, trong này là hai tấn rưỡi, tau đang trữ, chờ giá! Tau sẽ “mần” một chuyến “xuất khẩu tự túc”!... Qua bên đó, tau sẽ đi tìm thằng Phớt! Uống rượu với hắn… hai ba tháng đã đời chơi! Hà!…”
Lúc chia tay tôi đã chếnh choáng, chú còn vỗ vai: “Dứt khoát tau sẽ đi Mỹ! Tau phải gặp lại thằng Phớt mới được!...”
Tôi nói vói lại: “Qua bên đó chú nhớ tổ chức một trận đua ghe… với một buổi hò giã gạo… giới thiệu với nước Mỹ luôn nghe chú!...”
- “Cha cái thằng… con nít nhớ dai!... Dân chợ Kệ! Hề!...
                                    D.Đ.K

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Day dứt (28/10/2008)
Nhớ con! (28/10/2008)