Không biết lều do ai dựng nên mà xuềnh toàng xơ xác đến thảm hại. Trong lều chẳng có đồ vật chi cả ngoại trừ một vạt giường bằng lồ ô đặt trên nền đất. Người ta nhận ra ngay đó là nơi nằm nghỉ hoặc ngủ qua đêm. Nói là vạt giường cũng hơi quá vì những thanh lồ ô được chẻ ra, xếp vào đấy, xộc xệch đầu đuôi, chẳng một sợi mây gọi là có bện, cột chúng lại. Bên trên, những ngọn lá vả to bằng chiếc quạt mo còn xếp ngổn ngang lên đó. Lá vả chưa khô hẳn, mầu xanh của nó vẫn còn nhận được; chứng tỏ chỉ mới đây thôi, nhiều lắm là mươi bữa nửa tháng có người đã ở đây. Nữ tiến sĩ người Úc Victoria Keyhand tên Việt là Kiều Hạnh cùng tốp đồng nghiệp ba người đặt chân đến ngôi lều vào một chiều cuối hè trời trong như màu vỏ trứng chim. Họ cởi những chiếc ba lô to đùng, kềnh càng như những bó củi đầy những móc xích ra đặt dưới gốc trâm, nghỉ ngơi đôi chút. Ba người đàn ông thoáng chốc đã vạch cửa chui vào lều. Những chiếc lều tương tự như thế này đối với họ chẳng còn lạ. Họ đang cần ngả lưng dăm ba phút cho đỡ mỏi.
Người đàn bà ý tứ chờ cho họ vào khuất, lẩn vào sau một bụi rậm vén váy lên ngồi xuống. Từ sáng tới giờ, chị mới “giải phóng” được lượng nước thải ra ngoài theo sinh lý tự nhiên của con người. Chị mỉm cười một mình, bất giác ngửa mặt lên trời. Suýt nữa chị kêu lên thành tiếng. May thay trong cái tích tắc đó, thói quen nghề nghiệp đã vụt về kìm nén chị lại. Chị dụi mắt sợ mình nhìn nhầm. Trên vòm cao cách mặt đất chừng mươi lăm mét, về phía bên kia thân cây cổ thụ, ở cái cành chìa ngang ra ba chẽ to dễ bằng bắp đùi chị, một chiếc lều nữa mọc lên ở đó như một cái chuồng chim to lớn. Có điều “cái chuồng” này là một căn nhà hẳn hoi vì có cửa vào ra, cánh cửa hình như lợp bằng lá mây đang để ngỏ hờ. Hai bên hông căn nhà chếch tầm nhìn của chị một góc khoảng 60 độ, là hai cửa sổ cũng lợp lá mây được chống lên bằng hai ống nứa nhỏ. Rõ ràng là một cái nhà nhỏ trên cao. Chị lần tới gốc cây nhìn lên. Bây giờ chị mới trông rõ những chiếc đanh gỗ vuông dài rộng chừng gang rưỡi dày khoảng 5 phân mà bằng một cách nào đó đã vít chặt vào thân cây từ gốc lên đến căn nhà, khoảng cách giữa cái này với cái kia vừa một bước trèo. Chị nghĩ: chủ nhân của nó thật tuyệt vời, cái ông đi rừng nào đó thật có đầu óc lãng mạn. Ông ta có trong nhà không? Cửa mở thế kia chắc không thể là không...
Chị toan cất tiếng gọi các bạn đồng nghiệp thì vừa lúc người hướng dẫn của đoàn - kỹ sư Trung - khom lưng bước ra khỏi chiếc lều nơm. - Này này Trung! Anh có biết người nào ở trên ấy không? Trung theo tay chỉ của Keyhand, trố mắt ngạc nhiên: - Ai chà chà... A a... may ra... có thể... Kiều Hạnh chả hiểu gì cả. May ra cái gì? Có thể làm sao? Chị cũng trố mắt nhìn Trung đưa hai bàn tay lên mồm làm loa chĩa lên căn nhà, hét lớn: “Uơ uơ... Ai ở trên đó? Cho hỏi thăm chút đơi... ơi!” Không thấy động tĩnh gì. Phải đến năm sáu phút, khi mọi người đã xốc ba lô lên lưng và anh kỹ sư trẻ bỗng nhiên thở dài một cái: “Thôi, chúng ta ra về kẻo tối, Keyhand! Ngày mai lộ trình sẽ thay đổi, chúng ta sẽ đi phía Chung Chiêng”, thì cánh cửa trên chuồng chim động đậy bởi một bàn tay thò ra, xô cho rộng hết tầm. Một người đàn ông cao lớn xuất hiện như từ trên ngọn cây rơi xuống, giọng ồm ồm như phát ra từ một chiếc tù và đại: - Ai đó? Trung kêu lên, tay ngoắt lia lịa: - Ôi trời Ông Chim! Ông làm gì trên đó? Xuống đây, xuống! “Ông Chim”? Tên ông ta là Chim à? Keyhand sành sỏi tiếng Việt nghe rõ Trung gọi, phì ra cười - chị đã học ở Việt Nam 5 năm, trở đi trở lại nhiều lần để làm luận án tiến sĩ, và lần này ở miết đến hơn 3 năm, tường tận cả thổ âm, thổ ngữ, cả tiếng lóng - Tên chi nghịch ngợm lạ lùng! Ông ta là ai? Thợ săn? Kẻ tìm trầm? Hay người đi hái nấm? Không chừng lại là một tay “lâm tặc” như các bạn ở đây thường gọi! Trung kêu “Ông Chim” cơ mà! Bất giác, Kiều Hạnh nghĩ đến cái may ra, có thể... của chàng kỹ sư trẻ vừa nói, cả tiếng thở dài nữa. Anh ta thất vọng điều gì hay chỉ ngẫu nhiên? Ngẫu nhiên thì ai lại thở dài! Lộ trình sắp tới là Chung Chiêng. Chung Chiêng ở đâu? Có gì khác lạ, mới mẻ? Cả ngày hôm nay xem như chỉ thưởng ngoạn; mặc dù là một cuộc thưởng ngoạn rã rời chân tay, chồn vai, mỏi gối, chả có dấu vết gì đáng chú ý. Chao ôi, gà lôi lam trắng, gà lôi lam trắng! Mày ở đâu trong cánh rừng bao la bạt ngàn này? Gần một thế kỷ nay, mày biến đi đâu mất trên bản đồ thế giới? Ở các cánh rừng khác trên đất nước kỳ lạ và đáng yêu này mà ta lần này đã hơn một ngàn ngày ròng rã mòn cả chân, chỉ mong sao phát hiện được mày nhưng gần như vô hiệu. Chỉ còn mỗi nơi đây, Liễu Sơn, nơi mà ta hy vọng nhất, nói đúng hơn là kỳ vọng, kỳ vọng nhức nhối, kỳ vọng thiêng liêng như mong nhìn được bóng của tiền nhân, nghe được tiếng của, linh hồn... “Ông Chim” thoắt chốc đã tụt xuống đất, nhanh nhẹn và chính xác tựa như con vượn đực. Một cuộn dây dừa to bằng ngón chân cái quấn quanh lưng nhiều vòng. - Chú Trung hở? Đi đâu về mồ hôi mồ kê nhễ nhại vậy? - Đưa chị Keyhand vào Cồ Trố về - anh quay qua tốp người, giới thiệu -Hai sinh viên Úc giúp việc cho nữ tiến sĩ Keyhand mới đến công tác tại Vườn ta hơn tuần nay. Chị Kiều Hạnh à, đây là anh Trường cán bộ của Vườn chúng tôi. Một chuyên gia về rừng đấy! Kiều Hạnh gật đầu chào Trường. Chị thoáng nhận ra một nét gì đó trên khuôn mặt xương xương của Trường như là sự mẫn cảm rất hiếm thấy ở nam giới. Chị nói chuyện với Trung bằng tiếng Anh: - Anh ta làm gì trên căn nhà giữa trời kia? - Tôi cũng không biết. Rừng Liễu Sơn này đối với anh ta như khu vườn riêng ở nhà anh ta. Chị gặp may rồi! Cả tuần này sếp tôi tìm anh ta không thấy. Điện về nhà anh ta hỏi, chị vợ anh ta bảo chủ nhật vừa rồi cũng không về. Hóa ra, đang ở tít trên vòm cây kia. Chắc đang nghiên cứu cái gì đấy! - Anh ta là chuyên gia rừng? Chuyên gia về cái gì, mặt nào? - Thì tôi vừa bảo là chị gặp may! Cả vùng này người ta gọi anh ta là “người gọi chim trời” đấy! - Gọi chim trời? - Vâng! Anh ta có biệt tài là bắt chước tiếng chim rất tuyệt. Thật hơn cả chim thật! Tức là anh ta có thể trò chuyện với chim, bất cứ là loại chim gì! - Trời! Kiều Hạnh kêu lên một tiếng nhỏ trong cổ họng. Chị xáp tới, siết chặt tay Trường: “Tốt quá! Tốt quá, tôi rất khâm phục anh!” làm Trường bị bất ngờ, giật mình một cái, nghĩ nhanh trong đầu: “Không biết thằng cha Trung nói gì với cô ta mà cô ta nhiệt tâm vậy? Khâm phục cái quái gì chớ?”. Trung xem đồng hồ, khoát tay: - Chúng ta về kẻo muộn, các bạn! Mùa này rừng tối chậm nhưng cũng không quá sáu giờ. Bây giờ đã bốn. Còn những mười cây nữa đấy nhé! Kiều Hạnh ngước nhìn lên, bỗng nói: - Chúng tôi đi đêm. Hoặc có thể ngủ lại cũng nên. Tôi muốn lên xem căn nhà trên cây! - Chị lại nhìn lên cao lần nữa như để tự lượng sức. Trung kêu: - Kiều Hạnh lên làm sao, lên làm gì? - Lên chơi! - Chị cười với anh kỹ sư trẻ; đoạn quay qua Trường có ý hỏi lại có ý khẩn cầu. Trường mặt mày tỉnh bơ: - Được thôi! Xin mời. Trung hốt hoảng: - Anh Trường! Đàn bà con gái leo trèo làm sao? Lỡ có chuyện gì thì em chết với sếp! Đừng! - Khỏi lo đi chú em. Rồi tôi sẽ dẫn cả đoàn về đường tắt, đường riêng của “Ông Chim” này. Chỉ mất khoảng 30 phút thôi! - Thôi mà anh Trường! - Thôi sao mà thôi? Đàn bà đã muốn gì thì đó là lệnh truyền. Làm thỏa trí tò mò của họ thì đó là hạnh phúc. Hiểu chưa? Trường thoăn thoắt, bầm bập trèo lên. Anh tháo vòng dây ở hông thòng xuống một đầu xong ngoắc chặt đầu kia vào một cái mấu nào đó chỗ anh đứng, nói xuống: - Trung buộc hai vòng dây vào eo lưng chị ấy. Được rồi, thắt nút cho chắc, giật giật thử coi... Được! Anh vẫy Kiều Hạnh, nói lớn: - Chị leo lên đi. Đặt chân giầy gọn vào đanh gỗ, hai tay bám chặt vào bậc bên trên. Từng bước cho chính xác, thẳng lưng lên! Tôi đứng trên này làm trụ. Đừng sợ! Thế... Thế... Giỏi! Được nửa chừng Hạnh dừng lại, mắt nhắm tịt, thở dồn. Hai bầu ngực nở nang của chị phập phồng như đôi gà lôi chực phá lồng xổ ra: - Sao thế, sao thế? - Trung giật giọng. Hạnh mở mắt: - Không có gì, không có gì...! Trường hét Trung: - Chú đừng làm rối lên. Có tôi đây sợ cái gì? Tôi chịu trách nhiệm! Cuộc hành quân dựng đứng có một trong hai trong đời của Keyhand diễn ra mất mười phút. Chị đứng trên sàn, cười kiêu hãnh, hất hàm với hai cậu sinh viên ở dưới. Họ lắc lắc đầu. Trường lại dòng dây xuống cho Trung lên. Ba người ngồi trên sạp nứa. Ấm trà đang còn nóng; có lẽ Trường vừa pha chưa kịp uống thì tốp Keyhand đã tới. Keyhand đưa mắt liếc quanh gian nhà rộng chỉ tám chín mét vuông. Chẳng có cái gì cả ngoài chiếc rìu cũ, mấy cái bẫy chim mốc meo, gãy nát quẳng ở một góc, vài ba cái bát, soong đã sứt mẻ... Chị nghe hai người đàn ông nói chuyện. - Làm tí tửu chứ, chú em? - Thôi uống chén trà rồi xuống, về. Ở nhà, ông Cần đang lo sốt vó, đang mong anh đỏ mắt! - Ông ấy nói tau trốn, trở lại làm lâm tặc rồi chứ gì? - Không phải! Ông chỉ lo anh đau ốm nằm lại trong rừng hoặc bị tai nạn đâu đó. - Tau mà đau ốm? Tau tha cho người khác tai nạn chứ tau mà bị tai nạn à?
Trường cười ha hả, khoáng đạt. Kiều Hạnh nhìn anh. Khoảng ngoài bốn mươi, ngăm đen, gân guốc. Mồm hơi rộng, trán dô, hai mắt trũng sâu nhưng rất tinh nhậy dưới đôi lông mày lưỡi mác hơi rậm; dáng vẻ của bất cứ người đàn ông nào đứng tuổi, vất vả và từng trải. Duy hai tai thì hơi lạ -Hạnh đứng lên, bước ra đằng sau lưng để tiện nhìn - Nó to một cách khác thường, dái tai tròn như đồng xu, dày, mặt trước vồng lên cong vỏ đỗ, mặt sau lại phẳng lì. À, ngang bướng nhé, hoang toàng nữa... Nhưng chẳng khó mấy để chế ngự một khi người chế ngự lấy nhu thuật làm phương châm xử sự. Điều này biểu lộ ở mặt sau phẳng lì của hai dái tai... Hơn mười năm về trước, Keyhand đã học được thuật xem tướng mặt của một ông thầy người dân tộc thiểu số ở lâm trường Cầm Đậu khi chị đi làm luận án tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp.
2. Một ngày đầu đông năm một ngàn chín trăm tám mươi tám. Thành phố như co mình trong cái rét sớm phả ra từ bầu trời mây đặc màu lá lim khô nặng như chì nhưng không mưa. Góc phố Phạm Ngũ Lão, trên vỉa hè. Một thanh niên khoảng hăm sáu hăm bảy, da nâu, mặt hơi gầy, quần áo lôi thôi. Rõ là người dưới quê lên hoặc từ vùng đồng rừng tới. Rất đông người xúm xít quanh anh, chỉ trỏ, bàn tán. Một chiếc lồng tre khá đẹp, chắc chắn và dài, giống như một cái cũi nhốt phạm nhân thời trước đặt nằm ngang, trong đó có một con chim lạ đang giương đôi mắt buồn rầu u ám nhìn chung quanh. Lông của nó hung hung, màu đất nung điểm những nốt trắng chi chít như sao trên trời, cao chừng bốn mươi phân. Đặc biệt cái đuôi dài và cong như nửa vòng cạp nia màu tía, mượt mà đến nỗi chỉ có thể so sánh với mái tóc thề của một thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn. Tiếng kêu thỉnh thoảng phát ra từ cái mỏ màu ngà voi tuyệt đẹp của nó nửa như lo lắng nửa như để tỏ cảm tình với mọi người chung quanh. Những lúc như thế, đôi mắt đang u sầu của nó thoắt rực sáng lên, làm cho ta liên tưởng đến một chàng trai đang yêu chợt thấy bóng người tình của mình bất ngờ xuất hiện.
Một người đàn ông khó đoán tuổi nhưng hẳn đang độ trung niên, da trắng, quần áo chỉnh tề bước tới, ngắm nghía con chim lạ rất lâu, hỏi: - Anh bán à? - Dạ! - Bao nhiêu, tôi mua? - Dạ, hai trăm ngàn! Tiếng xôn xao ồn ào chung quanh rộ lên. - Trời giá bằng một chỉ vàng! - Chim gì mà đắt thế! - Bà con ơi, thằng cháu nhà tôi ở cơ quan vừa được phân một mảnh đất 200 mét vuông cũng giá hai trăm ngàn thôi đấy! - Dăm bữa nửa tháng nó lăn dùng ra ngoẻo thì mất toi một miếng đất làm nhà! - Hai chục ngàn, bán không? - Có mà rồ dại mới đi rước của ấy! - Đẹp có đẹp, lạ có lạ, nhưng cũng chỉ là con chim thôi chớ đâu phải vàng bạc châu báu! Người bán chim gạt mọi người ra, nói to như thét: -Trĩ sao đó; chỉ ở núi rừng Liễu Sơn mới có. Tôi thách mọi người trên thế giới này bẫy được một con như tôi! Các ông các bà chẳng biết cái gì cả! Rình rập hai năm trời tôi mới bẫy được, hai trăm ngàn là cái gì, hả? Người trung niên nãy giờ đã ngồi xổm xuống, xê dịch xung quanh lồng chim, săm soi như đang tìm cái gì đó vừa bị đánh rơi. Ông ta chẳng quan tâm tới lời bàn tán của mọi người, đứng lên rút ví ra: - Tôi bằng lòng mua. Đây, anh đếm tiền đi! Anh thanh niên vừa đếm những tờ bạc mười ngàn, đút túi xong hồ hởi nói với người mua chim: - Bác à, ở Liễu Sơn cháu có đến bảy loại trĩ: trĩ sao, trĩ mào, trĩ yếm, trĩ bậu, trĩ xoa... Nó sống trên độ cao tám trăm mét trở lên đó, bác ạ! Giọng người trung niên bỗng chùng xuống: - Ừ... À... thôi! Đây là loại quý hiếm nhất, đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Anh có biết sách đỏ là gì không? Nhà nước ta đã có luật bảo vệ, cấm không cho ai được quyền săn bắt; anh đã vi phạm luật, con chim này sẽ bị tịch thu thả về rừng. Nhưng tôi đã mua; đây, tôi biếu anh thêm mười lăm ngàn nữa để đi xe về nhà. Ngày kia, mời anh đến gặp tôi ở Vườn Quốc gia Liễu Sơn. Chỗ nào thì anh biết rồi đấy! - Dạ... dạ... ông là... Bác là... - Tôi là Huỳnh Thanh Cần. Còn anh? - Dạ cháu tên Trần Trường! Người trung niên tay xách lồng chim, bước đi. Chiếc xe con nhãn hiệu Lada màu trắng nhờ nhờ đứng ở vệ đường bên kia vẫn nổ máy, chờ ông. Ông ngoái lại giục anh thanh niên đang đứng đực ở bên vỉa hè, mồm cứ há ra mắt cứ trố lên như người hóa dại: - Về mau đi, còn đứng đó làm gì. Công an, lâm nghiệp họ tới, biết anh phạm pháp, họ tóm ngay đấy! Trường nhảy lên một chiếc xe ôm: - Qua chợ Tây Tứ đến bến xe đò đi Cao Lao!
Người lái xe ôm vừa gật đầu vừa nổ máy vút đi. Trường bỗng nhiên cảm thấy một nỗi niềm đang dâng lên trong lòng rồi từ từ bò lên đến cổ giần giật nơi trái khế của anh mà chưa rõ là nỗi gì, hối hận hay bằng lòng, buồn hay vui... Ông ấy chắc là giám đốc Liễu Sơn rồi! Tại sao ông ấy không bắt mình, đã mua con chim bất hợp pháp lại còn cho thêm tiền để đi xe nữa. Cán bộ gì mà tốt bụng vậy? Có lẽ ông ấy ở Bắc về sau ngày miền
giải phóng; giọng quê mình sao nghe lơ lớ Hà Nội! Thoạt đầu anh định bỏ của chạy lấy người, ông ấy đâu có biết nhà mình ở xó nào, có các vàng cũng không bao giờ đến gặp, nhưng giờ đây anh tự mắng mình là đồ vô ơn, đồ bất tín bất nghĩa. Cha mình hồi còn sống chẳng đã dạy mình: Làm con người, dù là nghèo giàu sang hèn gì phải giữ cho trọn bốn chữ hiếu nghĩa tín nhơn. Vì mưu sinh, mình phải làm những việc vụng trộm, đôi khi tầm bậy tầm bạ nhưng không bao giờ lừa dối ai, ăn cắp ăn trộm của ai...
Hai ngày sau đúng hẹn, Trường đến văn phòng Vườn Quốc gia Liễu Sơn. Đúng bảy giờ rưỡi sáng, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước. Từ bé đến giờ, anh mới hồi hộp lúng túng như vậy. Đứng trước cửa phòng có cái biển màu xanh chữ trắng “Giám đốc Huỳnh Thanh Cần”, tim anh đập thình thình như chày giã gạo; mỗi cái việc co bàn tay gõ cốc cốc vào cánh cửa mà giơ lên bỏ xuống đến hai lần vẫn không sao gõ nổi. Lần thứ ba, anh “xùy” một tiếng, bụng vụt nghĩ: “Trường ơi là Trường! Mi về cởi quần ra mặc váy vào cho rồi, mi đâu đáng làm thằng đàn ông!” thì thốt nhiên cánh cửa phòng mở ra. - Ủa, tới bao giờ đó? Sao không lên tiếng? - Dạ dạ, cháu mới tới - Trường mặt đỏ bừng như bị bắt quả tang. Cần quay vào phòng lấy cái gì đó rồi ra ngay. Anh bấm khóa cửa. - Anh đi theo tôi nhé! Tôi mời anh. Ngang qua phòng thường trực, Cần nói vọng vào từ cửa sổ: - Cô Thùy, tôi bận việc hết buổi sáng nay. Có việc gì cần kíp, hãy tìm tôi ở quán Cầu Đôi, nghe! - Vâng! Cần hỏi Trường: - Anh đến đây bằng gì? - Dạ bằng xe đạp. - Để xe đó. Ngồi lên đây tôi lai. Anh nổ máy chiếc 81 vút đi...
Trường rụt rè đẩy chiếc phong bì đến trước mặt Cần: - Thưa bác; cháu xin hoàn lại số tiền hai trăm ngàn của bác hôm nọ. Bác đã cho cháu tiền đi xe về nhà là cháu cám ơn nhiều rồi... - Được, để đấy sau “anh đẩy chiếc phong bì ra giữa bàn” Uống nước đi đã, nhà anh ở đâu? - Dạ Cao Lao. - A gần đây thôi, cách đây mười cây chứ mấy! Ở nhà còn có ai? - Dạ mẹ và em gái. Cháu là con trai một, cha mất đã lâu. Hai chị cháu đã lập gia thất. Mẹ cháu đang ốm. - Bà cụ bao nhiêu tuổi rồi? Bệnh gì? - Dạ gần bảy mươi. Bị bao tử kinh niên. - Anh năm nay mấy? - Cháu ba mươi tròn. - Ủa Mậu Tuất, trẻ hơn tuổi đấy! Tôi bốn hai Bính Tuất, hơn anh một giáp. Tuổi này không thể đẻ ra anh được. Vậy anh hãy đổi cách xưng hô đi. Bác bác cháu cháu nghe sao được! - Dạ thưa anh... - Đúng rồi! Chúng ta ăn một chút gì đã nhé? Tôi đang đói bụng. Và có thói quen bữa sáng phải chén thật lực, trưa chiều chỉ loáng thoáng… Bà chủ ơi, cho hai suất như hôm nào nhé! - Chú thích uống gì? - Dạ thôi... À chỉ thích đôi chén “cuốc lủi”. Em đặc biệt ghét la… de. - Bây giờ người ta gọi là bia. Tôi cũng thế, uống bia vào chỉ tổ nặng bụng, đi đái tồ tồ - Cần cười hà hà, một tay đẩy đĩa phở xào mềm tới trước mặt Trường, một tay vớ chiếc cặp da bên cạnh kéo khóa, lôi ra một chiếc lọ bèm bẹp, giơ lên: - Đây là Bàu Đá, một ông bạn của tôi mới cho hôm nọ, hôm chúng ta gặp nhau ấy. Nào, anh em mình cụng, chúc chú mạnh khỏe và chấm dứt nghề săn chim, săn thú, chặt gỗ, phá rừng! Tôi nhận chú vào làm việc ở Vườn Quốc gia Liễu Sơn từ giờ phút này, chú bằng lòng chứ? Ăn xong, anh em mình về thăm bà cụ, thưa với bà cụ một lời. Chú cất chiếc phong bì đi, số tiền ấy để thêm đôi chút thuốc thang cho bà cu. Được chưa? - Dạ... em...
Trường uống ực một hơi, tưởng như chuyện đang xảy ra trong mơ. Anh quá xúc động không nói được lời nào, chỉ hơi cúi đầu đưa mu bàn tay quệt mồm, thở hắt nhẹ một cái. “... Nhà em nghèo lắm, tuy chẳng lúc nào đứt bữa. Em học hết trung học phổ thông, hồi đó là tú tài thì nghỉ; có thi vào đại học nhưng không đậu. Mà có đậu cũng khó, không có tiền để lên thành phố theo học. Cha em mất đã mười năm nay. Em học nghề do cha em truyền dạy, chẳng có sách vở trường lớp nào cả. Mới năm tuổi em đã theo cha vào rừng; cha em chỉ chuyên săn bắt chim. Cha em không bao giờ chặt cây phá gỗ cũng không săn thú. Nghề chim tuy khó nhưng dù sao cũng đỡ mang tội sát sinh. Từ đời cha đến đời em giờ đây, chưa bao giờ làm thịt một con chim, chỉ bán lấy tiền. Cao Lao quê em cũng có dăm bảy người săn bắt chim. Họ tôn cha em là đại ca. Rừng Liễu Sơn mình bao la bát ngát, cánh nào chim gì, dưới thấp chim gì, trên cao chim gì... chứ chẳng phải muốn vớ đâu cũng được. Cũng nhờ nhiều năm lặn lội với rừng, em thuộc nghề chẳng khác mấy cha em, nói vô phép với vong linh ông, có mặt em còn hơn cha em nữa. Có điều đến đời em, em không thể để mãi nhà tranh vách lá, em cũng theo người ta chặt gỗ phá cây, làm được một ngôi nhà rường ba gian hai chái. Chỉ vậy rồi thôi, không theo bọn họ nữa. Điều này chắc cha em ở dưới suối vàng cũng không nỡ trách. Thời buổi bây giờ không chỉ lo cái nhà mà còn lo mồ mả ông bà cha mẹ nữa mới trọn đạo làm con làm cháu. “Không mả đố ả làm nên” câu này ở quê mình chắc anh đã nghe đã biết. Em là con trai duy nhất trong nhà em không lo không được. Một hôm mẹ em nói: “Đêm hôm qua, tau thấy cha mi về. Cha mi nói: “Mẹ mi mần chi thì mần, đừng để ôông mệ nằm lạnh lẽo sơ sài...” Vậy là em nhất quyết. Bốn năm ròng rã, em bắn được cả thảy 16 con gấu ngựa có yếm chữ V trước ngực, bán được mấy chục triệu. Cũng vậy rồi thôi, tính toán đủ rồi, không săn thú nữa. Em xây lăng mộ cho ông bà nội em, cho cha em, đặt sinh phần trước cho mẹ em xong xuôi. Lại trở về nghề chim chóc. Ở rừng Liễu Sơn, theo trí nhớ của em, có ghi trong sổ tay em để ở nhà không mang theo đây, có hơn ba trăm loài chim, loài sống trên cây, loài sống dưới đất, loài bơi trên hồ...; trên cây bay lượn là đi mây về gió, dưới đất nhảy múa là tới phụng lui loan, trên hồ bơi lội là buông cò cầm nguyệt... Trong các loại này em mê nhất là trĩ và gà lôi. Trĩ trống thường múa lượn một mình trên bãi đất bằng phẳng và sạch sẽ như cái sân nhà ta. Y hệt một vũ công độc diễn trên sân khấu. Đó là điệu vũ tỏ tình của nó, để ve vãn một cô nàng nào đó đang đậu trên cây. Có cả nhạc tình hẳn hoi anh à. Nhạc tình là tiếng kêu của nó, nghe như tiếng đàn tăm “praa của đồng bào Kơtu mình chốc chốc lại điểm tiếng gõ vào thùng đàn làm bằng vỏ quả bầu tròn khô, boóc boóc ù... ơ... ù... ơ boóc boóc. Còn gà lôi không quen sống cô lẻ mà từng đàn. Đến mùa động dục khoảng cuối hè đầu thu, chúng mới tách ra từng đôi một. Có cậu chàng trống quá đa tình đến mùa tán tỉnh, một lúc lôi được hai ba mợ mái đi làm tổ ở với nhau. Cậu chàng khoái ơi là khoái, cứ gáy liên hồi kỳ trận như vỗ trống cơm. Hì hì...”
Trường cười hồn nhiên, ngừng lời. Cần cũng cười: - Đó là mê, còn thích? - Mê loại quý hiếm, thích loại bình thường. Em phục nhất chèo bẻo. Nó thường xung trận chống các loài chim dữ, bảo vệ đồng loại. Em cho rằng chèo bẻo là kẻ quân tử trong các loài chim...”
3. - A lô! Trong lúc chờ đợi gà lôi, tôi muốn xem trĩ sao, có được không anh? - Sao lại không! Thế này vậy... hai ngày nữa tôi sẽ đến đưa cô đi! Trưa, nắng trên vòm cây òa xuống lỗ chỗ, biêng biếc trên vạt đất bằng cỡ mươi mét vuông mà anh đã dọn dẹp hình như mới hôm qua, vết dao in trên những cành cây nhỏ còn rướm nhựa. Đưa tay xem đồng hồ: - Đúng ngọ rồi, cô nấp vào bụi này. Tôi ở bụi bên kia. Đừng lên tiếng, giữ im lặng tuyệt đối. Như cây như lá kia. Rõ là anh đã chuẩn bị kỹ. Cái bụi thật sự là cái “đài quan sát” tuyệt vời. Chung quanh phủ kín cành lá, giữa có một khoảng trống đủ để người nấp có thể xoay trở bốn hướng mà không gây ra bất cứ tiếng động nào. Phút chốc, từ bụi bên kia phát ra: - Choót... choót... ù... ơ... ù... ờ... Hao hao tiếng vượn con kêu đòi mẹ cho bú. Bốn bề lặng ngắt. Choót... choót... ù... ơ... ù... ờ... Khoảng mười lăm phút sau, có tiếng đập cánh trên cành. Chưa kịp ngước lên nhìn xem từ đâu phát ra, từ hướng nào bay tới thì nhẹ như chiếc lá vàng rơi, một chú trĩ đáp xuống vạt đất bằng. Nó ngoảnh nhìn láo liêng bốn phía. Vẫn lặng như tờ. Nó yên tâm, từ chiếc mỏ màu ngà voi tiếng gọi bạn tình của nó phát ra ấm nóng, thiết tha. Trời ơi! Tiếng anh hay tiếng chim, không thể nào phân biệt được... Chưa kịp nghĩ tiếp, ngoài vạt đất bằng trĩ sao đã bắt đầu điệu múa của nó. Giống y như một vũ công độc diễn trên sân khấu. Nhưng là sân khấu không có khán giả, nói đúng hơn, khán giả chỉ là cây là đá là cỏ là rêu... Chàng vũ công này chỉ cần một khán giả duy nhất. Ây là bạn tình mà chàng ta đang mời gọi. Này hai cánh xòe ra cụp vào như chở che, ôm ấp. Này hai chân bước tới bước lui điệu đà như gượng nhẹ, đỡ nâng. Này cổ rướn lên rụt xuống như bày tỏ sự nồng nàn, tâm huyết. Này đuôi lượn vòng qua vòng lại như lời cam kết, dạ thủy chung... Điệu múa như cất lên tiếng lòng: “Em đẹp quá em ơi! Xuống đây nhảy múa cùng anh, rồi bay sóng đôi cùng anh về nơi tình tang chan chứa, em à!”... Phải rất nương nhẹ và tài tình không gây một tiếng động nhỏ, Kiều Hạnh mới xoay trở được chiếc máy quay nhỏ bằng bàn tay, thu lại cảnh trí có một không hai trong đời mình...
- Bao giờ thì anh có thể cho tôi được tận mắt thấy gà lôi lam trắng? - Ngay hôm nay... Chúng ta vào Mè Muội. Có thể chúng ta phải ngủ lại trong rừng. Vì vậy cô hãy đem các sinh viên theo. Cô chuẩn bị đi, nửa giờ sau lên đường. Kịp không? - Kịp. Thừa thãi nữa là đằng khác! ... Bốn tiếng lặn lội trong rừng già âm u, họ bỗng vỡ òa ra một khoảng đồi lúp xúp cây bổi cao chỉ lút đầu người, đầy nắng. - “Sân khấu” là đây hả anh? - Ừ. - Bây giờ thì chúng ta làm gì? - Đợi. Tối đa là ba ngày! - Mười ngày cũng được chứ ba... - Không! Chỉ ba ngày tối đa, tôi đảm bảo với cô. Tôi đã nghiên cứu kỹ. Hôm qua tôi đã gặp. Theo kinh nghiệm, hôm nay sẽ gặp lại. Còn nếu không thì đến ngày kia. Hai ngày liên tiếp hoặc cách nhật. Ngày mai nghỉ khỏe!
Trong các chỗ ẩn nấp, hai sinh viên đang thiu thiu. Kiều Hạnh sửa soạn, sẵn sàng các máy móc. Anh lẩn đi đâu không biết sau khi gióng lại một câu: “Hy vọng chúng ta gặp may. Hôm nay, ngày hoàng đạo mà!”. Từ đâu đó bỗng vang lên ba hồi một: “Krít... Krít... Krít... Gia gia gia! Gia gia!...” Nghe vừa diết da vừa oai vệ. Lần thứ hai, Kiều Hạnh không sao phân biệt nổi đó là anh hay chim. Không phân biệt nổi nhưng như đinh đóng cột, đó là anh. Anh đang gọi. Ba hồi một. Lần thứ chín. Hai mươi bảy xâu” theo cách nói của anh. Rần rật... rần rật... rần rật! Ngoài kia, nơi lúp xúp búi cây và nắng tràn, một đàn sà xuống. Gà lôi bay thấp. Điều này Kiều Hạnh đã rõ từ lâu nhưng giờ phút này bỗng nhiên trố mắt, ngẩn ngơ vì quá mừng rỡ. Một con, hai con, ba con, năm con. Trống to mái nhỏ, đàn này hai trống ba mái. Có lẽ một chàng nào đó trong số này đã tán được hai nàng! Ôi cái màu lam xen trắng vừa giản dị vừa kỳ bí kia ơi! Ba năm trời ròng rã ngóng mong, hồi hộp cả trong giấc ngủ, giật mình cả trong bữa sáng; ta đã gần như phát điên lên vì mày đấy, lam trắng à...! Trên đường về, Kiều Hạnh tíu tít nói cười tiếng bản quán với hai cậu học trò. Ba người ríu ran như một bầy khướu khoang cổ. - Anh Trường này, theo anh tại sao các nơi khác gà lôi lam trắng gần như tuyệt diệt, riêng Liễu Sơn vẫn còn nhiều? - Tại vì những người như tôi đã mười lăm năm nay không săn bắt! - Cánh rừng này là Mè Muội. Cánh nào ở đây còn chúng nữa? - Tất cả có năm điểm: Mè Muội, Ô Lô, Chà Chum, Rù Rớ và Kùng Kiềng. Bốn nơi sau, phải đi bộ từ ba ngày đến nửa tháng! - Ồ...! Nếu như hôm nay không gặp chúng phải đợi giữa rừng, anh cho chúng tôi ngủ ở đâu? - Ở “chuồng chim” thứ hai của tôi. Cách chỗ vừa rồi chỉ vài trăm mét. - Ơ lại “chuồng chim”? Anh có mấy cái ở Liễu Sơn này? - Ba. Cái hôm trước là một, cái thứ hai cạnh đây, cái thứ ba tận Rù Rớ cách đây 3 ngày đường! ... Tối hôm đó, về đến nhà khách Vườn, Kiều Hạnh thức trắng đêm bên bàn làm việc.
4. Theo lệnh giám đốc Cần, Trường lái chiếc xe con của ông đưa Kiều Hạnh ra sân bay để đi Hà Nội. Hai sinh viên giúp việc cho chị đã về nước mấy ngày trước đó. Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới đặt nhiệm sở ở Anh, đã điện cho chị phải sang ngay
London
để dự một cuộc hội thảo quan trọng sau khi nghe chị báo cáo về kết quả đợt làm việc ở Liễu Sơn bằng thư điện tử. Ngồi trên xe mà người lái lại là “Ông Chim”, Kiều Hạnh không khỏi bồi hồi xao xuyến. Chị đã có cảm giác này nhiều lần trong đời không còn nhớ rõ nhưng lần này có lẽ sẽ không bao giờ quên. Bởi vì, đây là một nỗi tự chị chưa muốn mà có, giống như điều không được chờ đợi thì nó đến, một cách bất chợt nhưng rõ rệt và... mơ màng!
Con người sống trên trái đất này để làm gì vậy nhỉ? Để sống - dĩ nhiên! Nhưng sống là gì nếu như không phải làm việc và yêu thương? Ngay cái buổi chiều đầu tiên ở “chuồng cu” trên cành cây trâm già, chị đã như bị ngã nhào vì một cú “nốc ao” của đối thủ, giống như trên sàn đấu võ đài; mặc dù đó là cú “nốc ao” êm dịu, bâng khuâng... Lúc đầu, chị cứ tưởng nơi đó mọc lên từ đầu óc lãng mạn của người chủ nó. Nhưng sau, chị mới vỡ lẽ rằng đó là “phòng nghiên cứu ngoài trời” của anh. Mười ngày không có mặt ở văn phòng Vườn là mười ngày anh ở đây. Anh đã hót tiếng trĩ để gọi xem còn loại nào mới xuất hiện để bổ sung vào bộ sưu tập của Vườn. Suốt một thời thanh niên trai trẻ, anh mới biết được 7 loài. Anh hi vọng tìm ra con số 8 nhưng chưa tìm được. Và cũng chưa chịu thôi tìm. Rừng đã dạy cho anh lòng kiên nhẫn vô bờ bến. Và chính điều này đã làm cho chị nhiều đêm cứ thở dài mãi... Lần đầu tiên, chị hiểu thế nào là “tình yêu sét đánh” cái mà người ta thường nói, cái mà sâu trong lòng, chị không bao giờ tin là có. Trái tim ta ơi! Em làm sao vậy? Có làm sao đâu, bà chị Keyhand? Ngày nào em cũng như ngày nào, vẫn đều đặn đập, không ngừng chuyển dòng, mạch đi về các phía rồi nhận lại các mạch dòng từ các phía trở về như vòng luân hồi, vòng tất yếu: máu chảy về tim! Bà chị thân mến của em, hãy nhắm mắt lại một phút xem sao, hãy thoát ra ngoài cái tôi để rà soát lại cái tôi, bấy giờ mới chuẩn xác mới khách quan...
Ừ phải... phải! Chị đang rà soát đây, phải, khâm phục đã đành, cảm tình rõ nét, nhưng đó đâu phải là tình yêu? Mình nhận nhầm chăng? Trời ôi, nhức nhối một cách dịu dàng, đớn đau một cách thanh thản... Người ngồi trước mặt kia, đang ở bên cạnh đây, tận trong tâm thức xa vời của mình vẫn nghe tiếng chân anh bước trên lá rừng khô xào xạc, tiếng thở của anh phảng phất vị mằn mặn của mồ hôi muối khi leo lên dốc núi; những cái đó sao mà thân thuộc, sao mà gụi gần, như đã sống bên nhau 33 năm trời kể từ khi mình lọt lòng mẹ đến nay... “Anh à... anh ơi! Một tháng ở Liễu Sơn, bước chân ra khỏi phòng làm việc là rừng, là cây cối, là chim muông, là chạm tới nghề nghiệp của em... Giờ đây thì em đã nhận biết cái hồn của tiếng chim, cái lời sau tiếng của chúng, kể cả của các loài bình thường mà người nào, ngày nào cũng có thể nghe chung quanh ta. Tiếng cà rích rích chính... cù gọi bạn tìm đàn của chào mào núi, quých! quých! quých! hãy cảnh giác, sự bình yên đang bị khuấy động... Tiếng khứu bạc má trè... è...trè...è tức giận, dọa dẫm; ti... ti... ti... ti... kéo dài âu yếm vuốt ve... Rồi tiếng cà cưỡng rộn ràng thúc giục, tiếng cu rúc nồng hậu đê mê...
Kỳ lạ sao! Oái ăm thay! Em đã biến thành chim suốt những ngày tại Liễu Sơn này, dường như cho ai đó phát hiện mình, thử thách mình; dường như để cho chim nói chuyện với mình, tâm sự với mình chứ không phải là ngược lại. Trời xui đất khiến thế nào mà em lại gặp anh, người đồng nghiệp chẳng có bằng cấp gì, nhưng đã dạy cho em nhiều điều còn quí hơn cả bằng cấp. Em đã yêu anh thật rồi, anh có biết không? Mà thôi, anh đừng biết làm gì! Biết chỉ thêm khổ đau cho em và cả cho anh. Anh còn vợ con, còn gánh nặng gia đình ở trước mặt. Và em, em cũng còn bố mẹ, còn người chồng chưa cưới đang đợi chờ em ở bên kia; họ lúc nào cũng tin vào lòng chung thủy của em... Có lần chú Cần đã kể lại với em chuyện mười lăm năm trước gặp anh; về con chim chèo bẻo quân tử mà anh yêu thích. Đúng rồi, quân tử đâu chỉ đi đầu chống cái dữ, cái ác; quân tử còn là xử sự sao cho đẹp cho trọn nghĩa vẹn tình với người thân, bạn bè, với cả người mình yêu nữa...”
Mải triền miên với lòng riêng trăm mối, xe đỗ trước phi trường lúc nào Kiều Hạnh cũng không hay. Trường mở cửa, mỉm cười trước vẻ bàng hoàng của chị, nói: - Đã đến rồi, cô em! Vào làm các thủ tục nhé! - Vâng... Anh nhanh nhẹn tay xách tay kéo va li đồ đạc hành lý của Hạnh đi vào cửa đang rộng mở của phòng chờ. Chị đi sau, nhìn cái gáy nâu đậm tóc cắt hơi cao của anh, bất giác thở dài nhẹ. “Cô em”? Lần đầu tiên anh gọi chị bằng cái đại từ đó. Cả cái mỉm cười lạ lùng từ trước tới giờ mới thấy ở anh. Nó vừa bối rối vừa yên ổn lại vừa vị tha. Vậy là anh đã đọc được những gì diễn ra trong đầu chị suốt cả đoạn đường họ đều lặng im, chí ít là những điều cốt lõi... Hai người đi chầm chậm dưới các hàng cây dọc bìa trái đường vào sân bay. Còn hơn mười phút nữa mới đến lúc đóng cửa phòng cách ly của chuyến bay. Họ không nói gì cả, chỉ đi như đếm bước dưới lỗ dỗ bóng chiều một góc sân ga; bỏ lại sự ồn ã, lao xao, tíu tít dặn dò của những người đi và kẻ tiễn ở đằng sau... Cuối cùng thì người đàn bà lên tiếng, giọng hơi hụt: - Anh nói... cái gì... đi chứ! Người đàn ông dừng lại, trầm ngâm: - Keyhand! Keyhand không nghĩ là không nên nói gì cả ư? Chị “ôi” một tiếng, bất ngờ ôm chập lấy anh, áp hai má mình vào hai má anh. Rồi không kịp để anh phản ứng, chị gắn nhanh đôi môi mềm mại của mình vào đôi môi thô ráp của anh, nồng nàn, tin cậy. Vừa lúc, loa truyền thanh của sân bay giục những hành khách cuối cùng nhanh chóng vào phòng cách ly. Chị vẫy tay chào anh, quay lưng thong thả bước những bước dài, tiếng đế giày gõ khẽ khàng nền lát gạch men màu bã trầu nhạt. ... Qua những tấm cửa kính chắn rộng suốt căn phòng, anh đứng nhìn chị trong đoàn người bước lên cầu thang máy bay; cho đến lúc máy bay cất cánh, vút lên cao, mất hút sau rừng phi lao xanh ngút bấy giờ đã rướn mình lên để sắp sửa đón bức màn giăng lãng đãng của sương thu đầu mùa... Tháng 9/2006 H.N
(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)
|