Nụ lúi húi vật lộn với đám củi ướt, khói xộc vào mắt, vào mũi cay xè không hề biết đến sự hiện diện của người đàn ông lạ mặt. Mãi đến khi thắng bé kéo lay vạt áo: - Mạ ơi! Có ai hỏi mạ tề! - Nụ... Nụ không nhận ra anh à? Anh đây mà! Quân đây mà ... - Anh ...! Cả cơ thể Nụ run lên, hai bàn tay lấm lem cứ xoa xoa vào nhau luống cuống vì thừa thãi. Cứ thế, thời gian như ngừng trôi trong ánh mắt sững sờ, trân trối của Nụ nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt chuyển sắc hồng rồi tái, miệng lắp bắp những lời không rõ nghĩa. Thằng bé không hiểu gì im lặng nép vào mẹ, ngây thơ nhìn chằm chằm vào người khách lạ. Bất chợt, Nụ khóc nấc lên, quay mặt kéo vạt áo lau dòng nước mắt tuôn trào. - Anh còn tìm tui mần chi nữa! Lâu sau Nụ mới cất tiếng nghẹn ngào. - Nụ không mời anh vào nhà ư? Người đàn ông vẫn giữ giọng nhẹ và êm khiến Nụ sực tỉnh cơn mê, quay sang thằng bé: - Con sang nhà bác Thơm chơi, cho mạ nói chuyện với khách!. - Dạ! Thằng bé ngoan ngoãn, lon ton khuất sau hàng rào.
Nụ tĩnh tâm nhìn kỹ người đàn ông đối diện. Vẫn gương mặt ấy, đôi mắt ấy, nhưng vầng trán cao hơn bởi cái đầu húi cua ba phân, chiếc áo sơ mi sặc sỡ những chim cò bận với chiếc quần Jean bốn túi bạc màu ôm lấy một cơ thế đã bắt đầu nặng nề. Cái con người hiện tại khác với ngày xưa quá; ở anh ta dường như không còn chút hơi hướng của ngày xưa ấy nữa. Ngày ấy, Quân hiền lành, tốt bụng. Bọn con gái trong làng đứa nào cũng mê cái dáng người rắn rỏi, lại thông minh học giỏi và khéo tay. Công việc của Đoàn thanh niên vào tay Quân đều êm chèo mát mái. Nụ xinh đẹp và hiền thục. Hai người phải lòng nhau tự khi nào... Quân đảo mắt nhìn quanh một lượt, rồi nhìn Nụ: - Nụ, em gầy đi nhiều quá. Chắc cuộc sống của em vất vả lắm? - Tui chẳng có chi vất vả cả. Rừng núi vây quanh, bầu bạn, hàng xóm bao bọc. Con cái vui vầy... Còn anh, lâu nay sống có được bình yên không? - Nụ à, có chút quà cho em với con... Người đàn ông như không hề để ý đến câu hỏi của Nụ, cúi xuống túi xách rồi lần lượt xếp lên bàn những thứ hàng xa xỉ mà Nụ chưa một lần mơ tới: - Chắc Nụ giận anh nhiều lắm, nhưng hôm nay thực lòng anh xin chịu tội với em. Chiến tranh trận mạc, chúng mình không tìm được nhau. Giờ anh cầu xin em để hai cha con về sống với nhau, không được dài lâu thì dăm bữa nửa tháng cũng được. Cuộc sống ở thị xã dù sao cũng đỡ vất vả hơn... Quân nói một mạch không hề biết Nụ đang thực sự hoảng hốt: - Anh nói răng, anh muốn đưa con tui về với anh ư? - Nụ không tin ở tai mình nữa. - Anh biết như thế em sẽ rất buồn, nhưng dù sao anh là cha nó... - Anh mà cũng tự nhận mình là cha thằng bé ư? - Đôi mắt thất thần của Nụ nhìn thẳng vào người đàn ông, nước mắt lưng tròng: Thì ra, lâu nay anh đã biết nó là con anh rồi? Vậy bao năm nay đi đâu, răng anh không một lần hỏi thăm, anh có biết mạ con tui đã sống thế nào không? Bây chừ anh còn muốn đưa nó đi... Sự uất ức khiến Nụ nói không hết câu. Cảm xúc gợn lên khi nhìn thấy người mình trọn đời tôn thờ, yêu dấu phút đầu qua đi. Dường như nỗi đau dồn nén đã lâu nay có dịp bùng lên như ngọn lửa, gương mặt Nụ đanh lại: - Nếu anh đến đây chỉ vì mục đích đó thì anh về đi và đừng bao giờ đến đây nữa!. - Nụ... anh xin em... Quân nói chưa hết câu, Nụ gắt lên: - Anh đi đi.
Người đàn ông đứng lên lầm lũi đi trong bóng đêm vừa sập xuống. Gương mặt rắn đanh, xám lại vì thất vọng và tức giận. Chiếc xe chồm lên lao vào bóng tối, nhả lại làn khói đen kịt cùng mùi xăng khen khét xộc vào mũi. Nụ nằm vật ra giường. Sự việc quá đột ngột, quá phũ phàng làm Nụ không còn kịp trở tay, không kịp suy nghĩ. Đôi mắt nhìn hun hút vào màn đêm dày đặc bao phủ, mặc cho đàn muỗi vo ve quanh mình. Nụ quay cuồng với bao ý nghĩ. Làm thế nào bây giờ? Thằng bé là kết quả của tình yêu nồng thắm đầu đời của Nụ... Một đêm, máy bay đánh vào làng, cha mẹ và đứa em trai còn nhỏ của Nụ ở trong hầm bị trúng bom. Đêm đó, Nụ đi trực chiến ở bờ biển. Quân đã nhặt từng mảnh xác của mỗi người, chôn cất tử tế. Điều đó càng làm Nụ yêu Quân hơn. Quân như người cha, như người anh trụ cột trong gia đình Nụ. Nhưng rồi Quân cũng ra đi. Anh nhập ngũ ít ngày sau đó. Quân đi rồi, Nụ đứng ngồi không yên cũng hăng hái ghi tên vào thanh niên xung phong với hy vọng gặp lại Quân ở chiến trường. Tiểu đội của Nụ chốt ở cung 20, đoạn có ngầm Ta Lê, nằm phía Tây Trường Sơn, suốt ngày san lấp hố bom thông đường cho xe qua. Vẫn chưa gặp lại Quân. Cứ mội lần nhìn bộ đội hành quân vào
, Nụ không kìm mình được cứ hét toáng lên hỏi có ai là Quân làng Trung Lộc trong đó không! Đáp lại Nụ, ai cũng nhận mình là Quân cả. Sau mỗi lần như thế, Nụ lại buồn nhưng cứ tin vào hy vọng. Sự trẻ trung trong sáng của những trái tim thiếu nữ như thách thức tất cả, bom đạn, chết chóc, mọi eo xèo căng thẳng của chiến tranh gần như chỉ làm họ thêm cứng cáp.
Không biết Quân có nghe thấu những thổn thức trong lòng Nụ không, mà buổi sáng ấy, một buổi sáng như thực như mơ của chiến trường, họ đã gặp nhau. Sau một đợt thông đường, Nụ đang ngồi bên con suối kỳ cọ những lớp đất còn dính bết hai bàn chân, thì Tím hớt hải chạy đến: "Nụ ơi! Có anh bộ đội tìm mi tề!" Như có linh tính mách bảo, Nụ biết đó là Quân. "Là anh Quân đó, Quân của tao đó!" Nỗi vui mừng chảy tràn trên cả khuôn mặt vẫn còn lấm lem của Nụ. Họ cứ ghì chặt lấy nhau như đã xa nhau cả thế kỷ. Một tiếng đồng hồ cho một cuộc gặp gỡ quả là quá ít so với việc Quân chạy bộ 50 cây số đến gặp người yêu. Tiễn nhau đến một khoang cỏ, hai người dùng dằng, không nỡ chia tay, sợ ngày mai không còn gặp nhau được nữa. Và trong niềm hoang sơ của bạt ngàn cây rừng như che chở, họ đã trao cho nhau nỗi niềm đam mê thánh thiện. Giữa vũ trụ bao la và tình yêu của hai trái tim đang còn rất trẻ, những ràng buộc, những ước lệ của con người đặt ra đã trở thành vô nghĩa. Nụ ngả đầu vào ngực Quân cảm nhận bàn tay của Quân đang vuốt trên mái tóc vẫn đang dày và óng ả: "Anh về báo cáo với đơn vị, rồi chúng mình cưới nhau nghe Nụ?". "Dạ, em sẽ chờ anh. Lâu mấy em cũng chờ!". - Mạ, mạ ơi! Ông khách về rồi à? Tối thui ri răng mạ không thắp đèn lên? Tiếng thằng bé lay thức, giục Nụ ngồi dậy. - Để mạ dọn cơm cho con ăn. Nụ nói và kín đáo lau nước mắt. - Mạ, răng mạ khóc rứa, ông khách nói chi mạ à? Nụ không nói gì. Thằng bé xích lại gần chị hơn, thỏ thẻ: - Mạ ơi, bác Thơm nói cha con cũng có chiếc xe vừa to vừa đẹp như của ông khách đó, đúng không mạ? Không biết khi mô cha lên đây mạ hè? Nụ lau vội dòng nước mắt nhìn thắng bé trân trân, nói như quát: - Không phải rứa mô, con đừng nghe tầm bậy! Rồi như thấy mình vô lý, Nụ dịu dàng: - Thôi, ăn cơm đi kẻo đói, con!
Thằng bé bưng bát cơm vẫn không thôi nhìn Nụ dò xét. Còn chị thì nhìn nó với bao nỗi yêu thương, bao niềm tủi cực. Đã mười tuổi mà trông nó còm cõi như đưa bé lên sáu, lên bảy. Gầy nhẵng, xanh xao đến tội nghiệp. Những ngày tháng vất vả dọc các tuyến đường đạn bom rồi đến lâm trường trồng rừng, thằng bé đã không đủ dinh dưỡng... Nụ cắp cái rá định sang nhà Thơm vay lon gạo nấu cháo cho con thì giật mình bởi âm thanh của tiếng động cơ chói tai đến gần. Lại là anh ta. Lần này anh ta đi cùng một phụ nữ thật sang trọng. Vẻ quý phái toát ra từ quần áo, dáng đi, và cả những đồ trang sức trên người cô ta nữa. Chưa kịp định thần, người phụ nữ tự giới thiệu mình là vợ Quân rồi nói luôn không cần rào đón: - Chị Nụ à! Chắc chị đã hiểu mục đích của vợ chồng em lên đây. Em biết chị đã chịu nhiều khổ sở, nhưng không lẽ cuộc đời chị đã khổ rồi còn để thằng bé phải khổ theo. Em mong chị hãy để nó về sống với chúng em. Em hứa sẽ thương yêu chăm sóc nó như con đẻ của mình... Người phụ nữ dừng lời, lôi từ túi xách ra một gói vuông vức được gói ghém cẩn thận, dè dặt đẩy về phía Nụ. - Chị à, đây là chút lòng thành, em mong chị hãy nhận lấy. Chị cũng đã vất vả nuôi thằng bé bao năm... Quân đệm thêm lời vợ: - Đây là số tiền đủ giúp Nụ tạo lập cuộc sống mới, Nụ có thể...
Nụ im lặng. Vợ chồng Quân nín thở dõi mắt theo từng cử chỉ của Nụ. Nụ cầm lấy gói tiền to như viên gạch bọc trong giấy báo, hiểu rằng người ta đang trả cho tuổi thanh xuân của mình. Ngày Quân trở về đơn vị, lòng Nụ như có một khoảng trống không thể gì lấp đầy được. Lại càng lo lắng hơn khi Nụ cảm thấy cơ thể mình có những biểu hiện khang khác. Tháng thứ nhất, thứ hai còn là những nghi ngờ, nhưng đến tháng thứ ba thì Nụ không thể giấu được. Cả tiểu đội xôn xao. Nụ bị truy bức, chất vấn, dằn lên dằn xuống như một kẻ tội phạm. Đứa bé trong bụng cứ lớn dần lên cùng với những thấp thỏm đợi chờ của mẹ. Mỗi loạt bom dội về là trái tim Nụ thêm một lần nhức nhối... Nụ không biết, hay đúng hơn là Nụ không tin mình đủ sức đợi chờ xoay xở giữa rừng Trường Sơn ra sao để sinh con và chờ Quân quay lại. Nhưng gần nửa năm trôi qua, Quân vẫn bặt vô âm tín. Giữa lúc Nụ phải sống dở chết dở vì những nguyên tắc của tổ chức thì chiến tránh kết thúc. Người ta vui niềm vui chiến thắng nên không mấy ai còn nhớ đến chuyện riêng của Nụ nữa. Thế nhưng, sinh con ở chiến trường cũng khó, mà mang cái bụng vượt mặt về quê lại càng khó hơn khi không có Quân bên cạnh. Chao ơi! Hạnh phúc! Nụ sắp có con. Hạnh phúc đấy nhưng ai sẽ chấp nhận cái hạnh phúc mà Nụ đang có? Nụ hiểu rằng gia đình Quân sẽ không chấp nhận đứa bé khi không có chí ít một lời của Quân. Nụ đành xin chuyển về làm công nhân ở lâm trường Khe Su với hy vọng rằng Quân sẽ tìm đến.
Thấm thoắt đã mười năm, Nụ lấy Trường Sơn đặt tên con để mãi mãi hoài niệm về những điều không bao giờ cũ. Thằng bé lớn lên trong sự âm thầm chịu đựng đan xen những thấp thỏm đợi chờ của mẹ. "Hãy chờ anh nghe Nụ ..." Chỉ một câu hẹn hò mà Nụ đã bỏ quên cả thời con gái. Bao năm qua, chiến tranh đã kết thúc, Quân đi đâu, sao không trở lại tìm Nụ như đã hứa? Hay anh đã vĩnh viễn nằm lại một góc chiến trường nào đó rồi chăng? Ý nghĩ đó làm tim Nụ nhói đau. Thời thiếu nữ đã trôi vào quá khứ, Nụ lấy cuộc sống của con để tạo niềm vui và lãng quên số phận. Nhưng con người đâu phải gỗ đá, chính những cái đời thường nhất lại làm Nụ phải khổ sở. Những đêm một mình đối diện với chính mình, kỷ niệm cũ ở chiến trường cứ len lỏi gặm nhấm trái tim Nụ. Nỗi nhớ Quân lại cồn cào cháy bỏng. Cuộc sống đối với Nụ vốn khắc nghịêt lại càng khắc nghịêt hơn giữa thiếu thốn trăm bề ở vùng xa xôi heo hút này.
Hình như Thượng đế có một lần mỉm cười với Nụ. Nụ được tin Quân đã về. Mẹ con Nụ tươi hẳn lên, ấm áp hẳn lên giữa cái lạnh thấu xương của miền rừng núi mùa đông. Ai cũng vui lây niềm vui đang ngời lên trong từng ánh mắt, lời nói của Nụ. Cứ nghĩ đến giây phút gặp lại Quân, Nụ bước đi mà không hề cảm nhận được những đợt gió rét cứ táp vào mặt. Đôi chân đưa Nụ về đến ngõ nhà Quân lúc nào không biết. Nụ đứng tần ngần trước ngõ hồi lâu. Không biết bây giờ Quân thế nào? Anh ấy có nhận ra bé Sơn ngay không nhỉ? Nó giống anh ấy như tạc, mà... mình cũng già đi nhiều, liệu... "Ai như cô Nụ đã về thế?". Tiếng bà Bung làm Nụ giật mình. "Ôi! Bác Bung! Bác làm chi mà đi đường này?". "Ờ, sang giúp bà Tùng lo tổ chức lễ cưới cho thằng Quân đó!" "Bác nói răng? Anh Quân cưới vợ à? Cưới ai?" "Nghe đâu cô vợ là con một ông to ở Bộ cơ! Mà cũng mừng cho ông bà Tùng, bao năm vò võ mong con, cứ tưởng nó hy sinh rồi ấy chứ?" Nụ không tin ở tai mình nữa. Đã từng chịu đựng bao hoàn cảnh mà giờ Nụ thấy đất trời như chao đảo dưới chân. Làm sao có thể tin được một điều đang có thực, rằng cái anh bộ đội trẻ trung đã từng vượt bộ 50 cây số để đến gặp người yêu một giờ đồng hồ, giờ vai đeo quân hàm trung tá đỏ thắm, rằng cái anh bộ đội đã từng hứa hẹn Nụ đợi chờ đang sánh duyên cùng con gái một cấp cao ở Bộ... Hóa ra những gì Nụ ấp ủ lâu nay chỉ là cơn gió thoảng qua. Sao số phận lại trêu ngươi cuộc đời của Nụ chứ, cơn cớ gì Nụ lại trở về đúng hôm nay mà không phải một ngày nào khác? Cơn cớ gì con chị lại phải chứng kiến cảnh trớ trêu này? Giờ thì còn gì để Nụ ở lại đây thêm nữa. Nụ âm thầm lặng lẽ dắt con trở lại lâm trường trước bao ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người. Nỗi đau đớn ê chề choán lấy tâm hồn Nụ. Nhưng liền đấy chợt lòng quyết tâm một niềm tin sắt đá rằng Quân của Nụ đã chết, chết thực sự trên cõi đời này; và rằng, bé Sơn là của riêng chị, duy nhất chị.
Quân nhìn bàn tay Nụ run run khi cầm gói tiền, khẽ nhếch mép cười, vẻ đắc thắng. Nhưng Nụ không cất gói tiền vào rương như anh ta tưởng, chị khẽ cười và bất ngờ vung tay ném ra sân. - Tui không không ngờ anh là một kẻ bạc tình bạc nghĩa lại bạc nhược đến thế. Tui thiếu thốn cực khổ thật, nhưng không hề bán con. Các người định dùng những đồng tiền này để mua con tui ư? Để đền bù cho quá khứ tủi nhục và tuổi thanh xuân của tui ư? Các người định sắp xếp cho tương lại của tui ư? Sao các người lại có thể nhẫn tâm thế nớ? Quân hoảng hốt chồm theo nhặt lại những đồng tiền xanh màu lá cây bay tung tóe. Còn người vợ vẫn nhỏ nhẹ, dường như lường trước được sự việc: - Chị, em biết chị giận anh Quân là đúng, nhưng vì hoàn cảnh... - Phải, bây giờ các người đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng đã mười năm rồi chứ có phải ngày một ngày hai mô!. Nụ lẳng lặng đến bên con, ôm chặt lấy thằng bé như sợ có ai cướp mất. Trong mê ngủ thằng bé quờ tay ôm lấy mẹ như bản năng vô thức. - Các người về đi. Tui không cần những thứ các người mang đến. Cầm lấy và đi đi. Nụ rít lên, lời nói bật ra từ cuống họng chỉ đủ cho vợ chồng Quân nghe với tất cả sự uất ức, tủi nhục. Nụ ngồi bệt xuống thềm nhà, vỗ về con trong trạng thái hư hư thực thực giữa sự ê chề, đau đớn quyện trong tình mẫu tử trào dâng. Thằng bé là hiện hữu tình yêu của chị, là một phần cơ thể của chị, là niềm tin, là ý chí để chị vượt qua biết bao gian truân, khổ cực. Làm sao ai có thể mua những thứ đó bằng tiền?
Đã mấy tháng trời trôi qua kể từ ngày Quân đến cùng vợ, mọi chuyện tưởng như đã ngủ yên dưới tầng ký ức, Nụ cố quên tất cả để sống nuôi dạy bé Sơn khôn lớn bằng tất cả nỗi đau bị phụ bạc và lòng thương con vô bờ bến của một người mẹ làm thay bổn phận người cha. Nhưng số phận lại một lần nữa thử thách bản lĩnh của Nụ. Con người ấy vẫn không buông tha cuộc đời của chị. Quân lại tìm đến nhưng không phải một mình, cũng không phải cùng vợ, mà với bà mẹ. Nụ muốn hét vào mặt anh ta rằng anh là một gã đàn ông tráo trở, bạc nhược, rằng anh ta không đáng để Nụ phải đau khổ đợi chờ vò võ bao năm qua, anh không có quyền đến đây làm khổ mẹ con Nụ thêm nữa. Nhưng trước mắt Nụ là bà Tùng già nua, gương mặt khắc khổ hằn những vết nhăn.
Bà móm mém nhai trầu, vẻ khép nép mở lời: - Con ơi, mạ là người bạc phước. Sinh được có mỗi mình thằng Quân mà nó không ra chi. Biết được cơ sự thế ni, mạ đã bắt nó đi đón con về, không cho nó cưới người khác... - Thôi chuyện đã rồi, ván đã đóng thuyền, bác đừng nhắc lại nữa. Nụ khẽ khàng ngắt lời bà Tùng, nước mắt rơm rớm. - Con nói phải. Chừ nhắc lại khác chi đem dao cứa vết thương cũ. Đứng vào hoàn cảnh con, mạ cũng đau đớn tủi cực lắm. Có điều... Nụ lại cướp lời: - Bác hiểu cho con như rứa là được rồi. Thôi, chừ anh Quân đưa bác về, con xin lỗi phải đi tưới mấy luống cây mới ươm. Nụ nói và nhớm gót bước đi, vẻ dứt khoát không có gì phải nói đi nói lại nữa. Nhưng bà Tùng đã quỳ mọp, phủ phục tấm thân khô đét xuống bàn chân chị. Cả con người bà rung lên trong cơn tuyệt vọng: - Nụ ơi! Mạ lạy con. Suốt đời này mạ coi con như con dâu của mạ. Trời đang trừng phạt thằng Quân, trừng phạt gia đình mạ. Con vợ nó trời không cho sinh nở. Ông nhà lại đang bị bệnh hiểm nghèo... Mạ xin con cho thằng cu Sơn về ít bữa, ông cháu gặp một lần. Đó là ước nguyện cuối cùng của ông ấy...
Bà Tùng nói và khóc hu hu như trẻ con. Nụ vội đỡ bà Tùng dậy và vùng chạy lên đồi. Chị chạy như bay qua những triền đất sỏi vượt qua đỉnh đồi với những cây mới trồng cao ngang vai người. Chị chạy như người mất hồn, bàn chân gai cào rớm máu tưa tướp. Cuối cùng dừng lại ở một mái đồi trồng toàn cây huện, tán rợp một vùng trời. Đây là những vùng rừng Nụ cùng mấy chị em trong tiểu đội thanh niên xung phong trồng khi mới chuyển về lâm trường. Nó cũng đã được gần mười năm. Chị dừng lại, tựa lưng vào một thân cây, thở dốc. Chao ôi, sự đời sao trớ trêu thế? Vợ Quân không thể có con ư? Người đàn bà giàu có và đài các ấy lại không sinh nở được ư? Nụ thấy bủn rủn cả chân tay, hai đầu gối mình quỵ xuống từ lúc nào. Nỗi buồn thấm tận cùng chân tơ kẽ tóc, thấm cả vào mọi ý nghĩ của chị, đến nỗi chị ngỡ mình là người đàn bà không con kia. Hóa ra, với người đàn bà, nỗi đau không con còn lớn hơn nỗi đau không chồng. Bỗng dưng chị bật khóc. Chị khóc cho thân phận người phụ nữ. Ông Tùng lại bị bệnh hiểm nghèo ư? Việc bà Tùng lọ mọ đến đây xin thằng Sơn về, hẳn bệnh ông đã vào giai đoạn cuối. Ngày xưa, khi Nụ còn ở nhà, trong làng, ông bà Tùng được tiếng là người ăn ở phúc đức nhất. Ở đâu nhà cháy, hầm sập; ở đâu có người bị nạn, ông bà đều lao đi cứu chữa, giúp đỡ, sẻ chia khó khăn. Bây giờ chính ông đang đối diện với cái chết mà không ai có thể giúp gì được. Tự dưng Nụ thấy mềm lòng...
Chị quay trở về, Quân và bà Tùng vẫn còn đợi ở đó. Nghĩa tử là nghĩa tận, chị sẽ cho thằng cu Sơn về thăm ông Tùng. Nhưng chị chưa kịp mở lời thì cu Sơn đi học đã về, nhanh miệng chào khách. Cậu chàng đi chiếc xe đạp của mẹ, không ngồi được trên yên, đành ngồi lên chỗ uốn cong của hai thanh xiên, trông rất buồn cười. Nhìn mặt Quân cứ nghệt ra khi trông thấy thằng bé, khiến sự co kéo trong Nụ lại dâng lên tức nghẹn lồng ngực. Hơn mười năm chị vật vã nuôi con một mình, vật vã với nỗi đau sinh nở, vật vã với dư luận xã hội, vật vã với thiếu thốn, tủi cực. Vậy mà, anh ta lặng câm ở chân trời góc bể nào đó! Giờ để thằng bé về dưới đó, nó sẽ như chim tìm được đàn, như sông tìm được biển, biết nó có còn nhớ tới mẹ không? Làm sao chị sống nổi nếu thiếu thằng bé, thiếu đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, thiếu đi chỗ dựa duy nhất và cũng là vũ trụ bao la ấy.
Thằng Sơn đẩy xe vào nhà và đi ra sau giếng rửa mặt. Bà Tùng nhìn theo giọt máu của mình, nụ cười giãn rộng, đôi mắt già nua cũng nheo cười. Nụ chợt thấy thương hại cho cả hai mẹ con bà Tùng, liền lên tiếng: - Thưa bác, nghĩa tử là nghĩa tận, con sẽ cho cháu Sơn về thăm ông nội nó ít ngày. - Mạ ơn con lắm, Nụ ạ - Bà Tùng nhanh nhảu nói, cầm lấy bàn tay Nụ, nước mắt rơm rớm. - Anh cám ơn em lắm lắm - Quân rối rít tiếp lời, khom người muốn cầm tay Nụ nhưng lại không dám. - Nhưng để con hỏi ý kiến cháu nó đã, bác ạ. Nụ nói với bà Tùng, không hề để ý đến Quân. Chị ra kéo cu Sơn vào buồng. Hai mạ con ngồi lên chiếc giường ngủ. Đầu óc Nụ rối tung lên, không biết nên bắt đầu từ đâu, nói thế nào cho con trai hiểu. Chị vừa nghĩ vừa đưa tay vuốt lại mặt chiếu cho phẳng, bất ngờ chạm phải cái gì ghồ lên ở góc chiếu. Nụ tò mò lật ra, thấy một bọc quần áo của bé Sơn đã gói ghém cẩn thận ở đó tự lúc nào. - Sơn, con nghe mạ hỏi! Con gói quần áo làm chi mà không nói cho mạ biết? - Dạ... con.... - Con... Có phải con biết hết chuyện rồi không? - Dạ... Hôm trước bác Thơm nói cho con nghe hết, bác còn nói ông nội ốm rất nặng... Con muốn... nhưng con sợ mạ... Nụ nhìn thằng bé sững sờ, rồi bất chợt chị ôm chầm lấy con. Ra thế! Người ta bảo lá rụng về cội, quả không sai. Nụ chợt thấy nhẹ nhõm trong lòng khi nghĩ rằng con mình đã lớn, đã là bạn của mình được rồi. Chị định mắng cho nó mấy câu, nhưng không hiểu sao lại nói: - Sơn này, con nên đưa nhiều quần áo đi theo. Về dưới đó, có thể con phải ở lại lâu với ông bà nội. Nói rồi. Nụ quay mặt lén lau dòng nước mắt nhạt nhoà trên má. - Mạ, mạ đừng khóc, con về thăm ông rồi quay về với mạ... Tiễn bà cháu, cha con đi một quãng, Nụ bước thấp bước cao trên con đường ngoằn nghoèo đầy cây cỏ dại về căn nhà tranh quen thuộc. Cô đơn và trống trải dâng ngập cõi lòng. Chưa bao giờ chị có cảm giác chơi vơi, hụt hẫng như lúc này. Mặt trời ối đỏ như máu nghiêng hẳn về phía núi. Nụ nhóm bếp nấu cơm cố đánh tan cảm giác đơn độc. Khói bếp như làn mây mỏng luồn qua chái bếp. Không biết khói bếp hay một cái gì khác làm mắt chị cay cay. Tháng 07/2003 N.T.L.N
(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)
|