TRẦN HƯƠNG GIANG
Thu Hà nhỏ nhắn làn da bánh mật có đôi mắt to hai hàng mi cong rất dễ thương. Hà thích đọc sách truyện và nghe nhạc xưa, những bài ca về tình mẹ đậm đà yêu thương.
Dù suốt ngày tất bật việc học và việc nhà nhưng Hà vẫn không quên hát, đang rửa chén Hà cũng hát nghêu ngao, đang ủi đồ Hà cũng hát. Hà hát hay giọng cao thánh thót. Chị Thu Vân hơn Hà bốn tuổi, đang là sinh viên năm ba khoa Anh, dáng cao, tóc ngắn, tính tình năng động nóng nảy như con trai. Mỗi lần nghe Hà hát mấy bài dân ca đưa giọng lê thê là chị Vân nổi cáu “Thôi, xin nín đi cho tôi nhờ, rên rên rỉ rỉ hoài rầu muốn chết!” Hà sợ chị Vân lắm. Hễ mỗi lần về tới nhà là chị la Hà đủ thứ chuyện “Sao không xếp chăn gối trong phòng cho chị hả? Sao không chùi nhà cho sạch láng mà nhám thế này? Sao không…”. Ôi thì đủ thứ chuyện để chị la mắng Hà. Chị còn sai Hà làm nhiều việc mà đáng ra là của chị, riết đã thành thói quen, Hà vâng lời chị Vân như một con mèo ngoan!
Mẹ Khanh cưng chị Vân và phân biệt rõ ràng phần việc cho từng người. Hà làm gần như hết công việc ở nhà còn chị Vân chỉ lo học hành. Vì thương chị và mẹ, Hà chu toàn bổn phận gọn gàng lúc nào cũng được mẹ khen nên Hà rất phấn khởi sung sướng không còn biết mệt nhọc là gì, bao buồn tủi cũng dần tiêu tan. Cuộc sống của ba mẹ con cũng tương đối đầy đủ hạnh phúc nhờ vào cửa hàng bán thuốc Tây của mẹ Khanh.
Ở tuổi bốn lăm bà Khanh trông vẫn còn tươi tắn vì tâm hồn rộng mở thương người. Bà đã thành góa bụa khi đứa con đầu lòng được ba tuổi. Sau đó bà còn lâm bênh nặng phải mổ cắt mất hai buồng trứng. Thay vì bi quan bà lại sống chan hòa giữa xã hội, làm nhiều việc từ thiện như quyên góp để giúp người già neo đơn và các em bé mồ côi ở các cô nhi viện. Hai đứa con gái là gia tài quí báu nhất của bà, trông chúng ngày càng lớn lên xinh đẹp và chăm lo học hành bà cũng thoả nguyện.
*
Chiều nay sau khi tan trường trời buồn như muốn đổ mưa, Hà dắt xe ra khỏi cổng trường mặt ngước lên cao nhìn trời lo âu vì Hà không mang theo áo mưa, chợt có tiếng gọi giựt:
- Thu Hà! Thu Hà!
Hà đưa mắt tìm theo tiếng gọi, thấy đó là người đàn bà lạ mặt trạc bằng tuổi mẹ đang nhìn Hà chờ đợi. Đó là người không quen biết sao lại biết tên Hà? Mặt bà ấy đang ràn rụa nước mắt, Hà dừng lại, bà ấy hớt hải lao đến gần hơn nói run rẩy:
- Dì muốn gặp con vì một chuyện rất quan trọng, xin con qua quán nước bên đường cho dì nói chuyện, có được không con?
Dù không quen bà ấy và không biết có chuyện gì, Hà vẫn đi theo bà đến quán nước. Mặt bà vẫn đẫm lệ, khổ sở, vừa ngồi xuống đã òa ra khóc thảm thiết. Hà ái ngại nhìn bà ta đang rên rỉ:
- Con ơi, dì phải nói với con bắt đầu từ đâu đây?
Hà nhíu mày hỏi:
- Nhưng dì là ai, tại sao lại khóc với con?
Cái miệng méo xệch, bà nói nghẹn ngào:
- Dì là dì Cam bà con của mẹ con đây, mẹ ruột sinh con ra đã chết rồi, còn hai hôm nữa sẽ đưa đám. Trước khi chết mẹ con đã trối lại với dì và bà ngoại là hãy về Huế tìm đến gặp con, đưa cho con cái hộp này.
Hà ngơ ngác:
- Vậy là dì nhầm con rồi, mẹ con là mẹ Khanh, con có chị là chị Vân. Nhà con ở Nam Giao.
- Đúng rồi, con ơi, dì thật có lỗi với con, biết con đang làm con nuôi bà Khanh mà mẹ con vẫn không dám nhìn. Ôi trời ơi cái gia đình này thật là oan nghiệt oan nghiệt!
Hà đứng dậy bước đi nhưng bà ấy chạy theo bỏ hộp quà vào giỏ xe đạp của Hà van nài tội nghiệp:
- Dì biết con quá ngạc nhiên vì chuyện này, thôi được con hãy về mở hộp này ra xem, rồi gọi cho dì. Dì chờ con trả lời trước khi theo dì đến đưa đám mẹ con.
Hà đạp xe đi nhanh miệng lẩm bẩm: “Bà này bị tâm thần hay sao ấy, thiệt là kỳ cục”.
Cầm cái hộp quà đi vào thềm, nóng lòng vì tò mò, Hà bóc ra xem. Một cuốn nhật ký với những dòng chữ thật đẹp, một hộp tròn màu hồng đựng vàng có một sợi dây chuyền mặt ngọc bích khá to, một đôi bông, một chiếc nhẫn cũng hạt ngọc bích và một chiếc nhẫn trơn. Hà ôm hết chạy nhanh vào phòng để trong hộc bàn học rồi thay đồ ra nhà bếp chuẩn bị bữa cơm tối cho cả nhà.
Ăn cơm qua quýt, dọn đồ xuống chậu rồi Hà đi vào phòng đóng kín cửa lại tiếp tục nghiên cứu. Hà kéo hộc ra, cuốn nhật ký bìa màu đen, của ai?
*
“Ngày… tháng… năm…
Mẹ sinh con ở một trạm xá tại vùng quê chung quanh toàn ruộng lúa. Mẹ phải lìa xa gia đình về đây ở từ khi mang thai con được hai tháng. Người chị bà con ngày xưa giúp việc cho ông ngoại con đã thương mà cưu mang mẹ về quê vì ông ngoại con nhất quyết bắt mẹ phá thai hoặc là đuổi mẹ đi ra khỏi nhà. Bà ngoại đành gởi mẹ cho bà con để chờ ngày sinh đẻ.
Có lẽ đó là những ngày tháng đau khổ nhất trong đời mẹ khi ba con đã bỏ rơi mẹ. Mẹ chẳng trách được ai vì mẹ đã yêu ba con hết lòng mặc cho ông bà ngoại ngăn cấm. Ông ngoại không muốn mẹ lấy con của một người có một thời đã giúp việc cho nhà mình. Dù ba con cũng cố vươn lên khỏi số phận, lo học hành, là sinh viên của trường Khoa học, vẫn bị ông ngoại con mắng chửi mỗi lần bắt gặp ba con chở mẹ đi chơi.
Suốt buổi chiều hôm đó ba đưa mẹ đi chơi làng Nguyệt Biều, lên tận trên đỉnh cao đồi Vọng Cảnh, vui và hạnh phúc quá mẹ đã quên hết giờ về nên khi ba con chở mẹ về thì trời đã tối. Vừa dừng xuống ngã ba trước nhà mình thì ông ngoại con xông ra tát vào mặt ba con trước đám đông hàng xóm. Ba con nhục nhã quá không còn muốn gặp mẹ nữa. Ông ngoại xử phạt mẹ thật tàn tệ, trói hai tay mẹ vào cột nhà răn đe cả mấy giờ. Ba mẹ đành phải chấm dứt hẹn hò. Nhưng con ơi sau một tháng biệt tăm không còn gặp nhau thì mẹ đã có thai, kết quả sau một ngày ba mẹ ham chơi đến quên đường về.
Khi nghe mẹ báo tin, ba con bảo mẹ hãy bỏ cái thai đó đi. Mẹ đau khổ quá nhưng không dám làm cái việc tày trời đó, mẹ nghe theo bà ngoại về quê ở với chị Cam. Trong khi mẹ cô đơn lạc lõng với cái thai đang lớn dần lên trong bụng thì nghe tin ba con đi cưới vợ. Sau ngày ba con tốt nghiệp cử nhân thì đám cưới được tổ chức thật rình rang với cô Liên học cùng lớp, con của một thương gia giàu có trong thành phố.
Con ra đời trong khu làng quê heo hút đó, chỉ có chị Cam và bà ngoại. Con giống y mẹ, chỉ khác bộ chân mày và hai hàng mi đen rậm giống ba. Mẹ chua chát một điều là mẹ không sao quên được ba con! Khuôn mặt con càng nhắc nhở đến ba con, dù người đó đang hạnh phúc đã quên mất mẹ con mình. Lúc con được ba tháng thì mẹ đi lên nhà thăm ông ngoại con đang bệnh nặng. Chị Cam cho con bú sữa bò trông giữ con. Thật ra ông ngoại con không bệnh gì mà vì nhớ mẹ, muốn mẹ lên nhà nhân ngày giỗ nội để gặp mặt đông đủ bà con, như lời ông ngoại đã nói dối là mẹ đi làm việc tận Nha Trang. Không một ai biết mẹ đã mang thai và đã sinh ra con.
Sau năm ngày mẹ cùng với bà ngoại trở lại quê thì không nhìn thấy con đâu nữa. Chị Cam khóc lóc sưng cả mặt kể rằng sau khi mẹ đi có người đàn bà đến tự xưng là bà nội của con, đưa cho chị lá thư của ông ngoại viết bảo rằng hãy trao con cho bà ấy đưa về bên nội sống. Mẹ bất tỉnh phải chở vào cấp cứu ngay. Khi tỉnh dậy mẹ xin chị Cam hãy đưa mẹ đến nhà nội con để mang con về.
Bà nội con sửng sốt khi mẹ đến đòi con. Bà không hề biết gì về việc mẹ có thai đã sinh ra cháu bà. Thật ra là ông ngoại con đã cho người đem con đến tận nơi ba con làm việc để giao con lại cho ba con. Lúc đó ba con đang có một gia đình hạnh phúc nên đã đưa con gởi vào cô nhi viện nhờ họ chăm sóc. Mẹ mất con từ đó.
Con có biết mẹ sống như chết trong căn nhà rộng thênh thang lúc nào cũng phủ toàn màu sắc đạo đức luân lý, cái gì cũng đẹp đẽ cao sang, cũng tươm tất tốt lành. Bên trong là cô con gái nết na xinh đẹp, mà sự thật thì quá tội lỗi. Mẹ đến cô nhi viện tìm thăm con nhưng chẳng thấy con đâu. Bé Na của mẹ có đôi mắt to hàng mi cong vút lẫn lộn giữa bao trẻ, tên con, tên cha cũng không ai biết. Mẹ cứ đến nhìn chúng mà tưởng như con cho đỡ nhớ. Rồi mẹ đến tìm ba con, tưởng như bao tháng ngày gặp lại ba con cũng động lòng, nhưng không ngờ ba con nói với mẹ là đừng phá rối hạnh phúc của gia đình tôi, đứa con tôi đã có người nuôi nấng, cô hãy về lo cho tương lai của mình đi. Như gáo nước lạnh tạt vào mặt, mẹ trở về chao đảo như một mụ điên, mẹ đã lao vào xe để tự tử.
Khi tỉnh dậy mẹ thấy mình nằm trong bệnh viên.
Suốt thời gian ở bệnh viện luôn có người bác sĩ ấy đến thăm hỏi mẹ. Sau khi đưa mẹ về nhà bác sĩ ấy vẫn thường đến nhà thăm. Khuôn mặt cương nghị, giọng nói ấm áp, bác sĩ và mẹ dần dà trở thành đôi bạn thân. Mẹ đã tâm sự kể hết chuyện đời mẹ cho bác ấy nghe, bác càng thân mẹ hơn rồi nửa năm sau ngỏ lời cầu hôn mẹ. Bác ấy chính là người chồng của mẹ sau này.
Mẹ mất con, cho đến lúc con mười ba tuổi mẹ mới biết được con đang là con nuôi nhà bà Khanh. Bà ấy đã nhận con về từ khi con mới được gởi vào viện cô nhi được ba tháng. Không một ai biết được tông tích con ngoài bà ấy, nhưng bà cố giấu kín vì con đã trở thành con chính thức của bà.
Dẫu biết con là đứa con lưu lạc của mẹ nhưng mẹ bị dằn vặt mãi không dám nhìn nhận con. Làm sao mẹ dám phá tan sự ấm êm con đang hưởng được trong ngôi nhà hạnh phúc của bà Khanh? Những gì ba mẹ đã tước đoạt mất của con mà bà Khanh đã cho con thật vô cùng quý giá, mẹ có quyền gì mà tước mất của con thêm lần nữa? Cũng còn chút ơn phúc để mẹ còn gặp lại con, thấy mặt con, mỗi ngày mẹ vẫn đến trước cổng trường để nhìn con đi học về. Nhìn con ríu rít đùa vui cùng bạn bè lòng mẹ thấy được an ủi vui sướng.
Mẹ đã tìm gặp riêng bà Khanh gởi bà năm cây vàng để phụ nuôi con ăn học, nhưng bà ấy giao mẹ một điều kiện là không được nhìn con, nếu mẹ không giữ đúng lời hứa bà ấy sẽ đưa con đi học xa. Mẹ âm thầm đứng bên lề cuộc sống để chiêm ngưỡng đứa con lạc loài tội nghiệp của mình đang vô tư với những gì có được.
Hai năm nay mẹ bỗng mang căn bệnh ung thư máu, dù chồng mẹ là bác sĩ vẫn không sao làm cho mẹ hết bệnh được. Mẹ đã dành dụm để cho con mấy món nữ trang sau này con đi lấy chồng, mẹ còn mua cho con một căn nhà nhỏ để sau này con có gia đình không nhọc công tạo dựng. Nếu mẹ có chết đi vẫn mãn nguyện chút nào. Nếu một mai khi hay tin mẹ chết, xin con hãy về đưa mẹ đến nghĩa trang con nhé. Mẹ còn giữ hình mẹ con mình chụp lúc con ba tháng và hình ba con và mẹ chụp chung lúc còn yêu nhau, mẹ để dành tặng con đây.
*
Thu Hà sóng soải tay chân nằm mê man trên giường nệm, lúc bà Khanh bước vào thì thấy tất cả ngổn ngang trên nệm. Bà quớ quýt chụp từng thứ lên xem, thoạt nhìn qua bức ảnh bà hiểu ngay cớ sự. Bà lay mạnh Hà tỉnh dậy, Hà nhướng mắt lên vẫn không nhìn thấy rõ mẹ vì đôi mắt Hà đã sưng húp. Bà Khanh ôm choàng lấy Hà khóc nức nở, Hà thì ráo hoảnh nhìn ra ngoài trời như đang ở một cõi nào xa xăm. “Có đúng vậy không hả mẹ?” “Con đúng là con của chị ấy, xin lỗi con hãy hiểu cho mẹ”. “Mẹ đi cùng con không?” “Đi con, gắng lên mà đi”.
Mẹ của cô đó, khuôn mặt tròn nét thanh tú. “Sao mẹ hiền hậu thế mà ba nỡ bỏ mẹ, ba nỡ bỏ rơi cả con của ba? Đâu phải vì chút tự ái, đâu phải vì ông ngoại khắt khe mà ba đành bỏ mẹ con con? Sao ông ngoại đành chia rẽ mẹ và con, ông ngoại chả thương gì mẹ con mà chỉ sống với hình thức, vì danh dự của ông mà thôi! Hà khóc thét lên rồi ngất xỉu trong tay dì Cam.
Hà nằm mãi bên cạnh quan tài mẹ cho đến khi đưa đám, chồng mẹ cũng ngất xỉu. Mọi người đã ra về hết Hà vẫn ở lại bên mộ mẹ cùng với dì Cam và bà Khanh. Bà Khanh cứ ngồi kể lể “xin chị tha thứ cho tôi đã ích kỷ không cho chị nhìn con”, dì Cam thì khóc thê thiết kể lại chuyện cũ những ngày sinh bé Hà. Cho đến khi trời nhá nhem tối họ cùng dìu Hà rời nghĩa trang.
*
Biết rõ cha mình hiện giờ là một thạc sĩ Hóa học đang làm Giám đốc tại Bình Dương, Hà cùng với dì Cam vào tìm ba.
Ông Phan đang ngồi làm việc ở văn phòng riêng tại công ty sản xuất dầu gội chi nhánh của Mỹ tại Việt Nam. Nhân viên thưa:
- Dạ thưa sếp, có người thân của sếp ở Huế muốn vào gặp ạ.
“Lại vào xin việc chớ gì, sao không đến nhà mà lại đến luôn đây, chắc lại sợ gặp bà nhà chớ gì”, nghĩ vậy ông bảo:
- Cho họ vào đi!
Hà nghe cô nhân viên gọi vào mừng rỡ nắm tay dì Cam:
- Đi với con dì!
- Thôi, con vào một mình hay hơn. Dì ngồi đây đợi con. Bình tĩnh nghe con.
Hà thấy cả người mình bỗng run lên bần bật. Siết hai tay vào nhau thật chặt một hồi sau Hà mới dám bước vào. Ông Phan không tin vào mắt mình khi trước mắt ông là một cô gái nhỏ quá quen thuộc. Ông định tâm lại nhìn Hà không chớp. Vừa thấy mặt ông, Hà không xao động chút nào mà chỉ thấy nỗi hận trào dâng khiến cho cô quên hết chung quanh. Hà đứng ngay trước mặt ông ngẩng mặt lên ngạo nghễ, giọng nói đầy uất hận:
- Ông thấy tôi quen không? Một khuôn mặt của cả hai người ghép lại đấy, này là đôi mắt chân mày của ông Phan, này cái miệng chiếc mũi của bà Huệ. Là một sinh linh tưởng đã trôi dạt hay đã chết một xó góc dơ bẩn nào rồi, thế mà hôm nay nó sống lại đây. Nó về đòi sự công bằng nơi kẻ đã bỏ rơi nó sau một lần hưởng thụ, đã tàn nhẫn xua đuổi mẹ nó để bảo vệ cái hạnh phúc giàu sang…
Ông Phan sửng sốt run rẩy:
- Con là..
- Là đứa con rơi ông đã vất bỏ ở cô nhi viện khi vừa được ba tháng đây, ông nhìn cho rõ đi!
Ông ôm ngực và rơi xuống sàn nhà. Bỏ mặc, Hà bước ra khỏi phòng rồi kéo dì Cam đi thật nhanh…
*
Ông Phan được cứu chữa kịp thời, khi về nhà ông giấu bặt vợ con, nhưng từ đó ông khó ngủ vì khuôn mặt Hà cứ chờn vờn trước mặt. Lúc nó còn nhỏ ba tháng khuôn mặt nó thật nhạt nhòa vì hận thù trong ông dày kín, vì hạnh phúc sự nghiệp tương lai đang mở rộng trước mắt, vì cô vợ mới xinh đẹp quá giàu sang vô cùng ích kỷ không bao giờ chấp nhận quá khứ tội lỗi của chồng, cô sẽ không tha thứ cho ông, sẽ lìa xa ông. Ông sẽ mất tất cả. Ông đành nhờ người ta bỏ con vào cô nhi viện nuôi giữ. Thế nhưng sáu tháng sau ông tìm đến thăm thì nghe đã có người xin nó về làm con nuôi. Vậy mà lúc đó ông đã thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Từ đó dần dà ông quên lãng chuyện cũ, ông chỉ còn biết mình là một kẻ trí thức cao, có tiếng tăm trong xã hội thượng lưu, giàu có danh vọng, vợ đẹp con ngoan. Lúc nào ông cũng ngước mặt vênh vang tự đắc như muốn đền bù lại cái tuổi thơ nghèo nàn khốn khổ có người mẹ đã từng là người ở cho nhà ba mạ Huệ, đã từng bị họ khinh miệt tát tai vào mặt mình giữa đám đông. Thật ra ông vẫn thương Huệ nhưng ông quyết đổi đời sau cái tát đó, ông thề rằng sau này ông sẽ giàu sang cho ba mẹ Huệ phải ngước mắt lên nhìn. Ông đã bỏ rơi con gái họ sau khi đã chiếm đời trinh nữ và bảo Huệ phải phá thai, cho họ phải nếm trải nỗi đau nhục nhã hơn cả chính ông phải chịu nhục nhã trước đây.
*
Dì Cam không thể nào chịu đựng hơn nữa nên đã lén Hà một mình tìm đến nhà ông Phan vào giờ ông còn làm việc ở công ty. Người tiếp dì là vợ ông, một phụ nữ đẹp sang trọng, nhìn dì từ đầu tới chân:
- Chị ở Huế vào xin giúp việc hả?
- Dạ, tui biết gia đình cậu Phan ngoài đó, bà con lối xóm bảo tui vào đây hỏi cô có cần người giúp việc không?
- Tui cần nhưng có biết chị là ai đâu, chị phải về làm giấy tờ lý lịch rõ ràng rồi tui mới nhận làm được, mà ít nhất là chồng tôi phải biết chị chứ. Mời chị uống nước.
- Dạ.
Tay bưng tách trà mắt chị cứ nhìn chăm vợ ông. Dường như hết chờ đợi được, chị Cam nói một mạch:
- Chị ạ, thật ra tôi đến đây là để nói cho chị biết một câu chuyện liên quan tới chồng chị đã xảy ra cách đây mười tám năm rồi.
Vợ ông Phan há hốc mồm, hai mắt trợn ngược:
-Hả, chị nói chi? Chuyện chi?
- Ông Phan có một đứa con rơi là con gái năm nay đã mười bảy tuổi, đang ở Huế…
Tự dưng bà quát một hơi:
- Này, chị ở đâu tự không vào nhà tôi nói bậy bạ thế hả?
Dì Cam lì lợm nói tiếp:
- Tôi là người giúp việc cho chị ấy, tôi đã đưa chị ấy đi sinh đẻ đứa con của ông Phan.
Vợ ông đứng bật lên đẩy mạnh dì Cam ra khỏi nhà, quát lên ầm ĩ:
- À, chị muốn làm tiền tôi hả? Không đi tôi kêu công an ngay giờ!
Nghĩ rằng chừng ấy cũng đủ rồi nên dì Cam bước vội ra về.
*
Ông Phan nghe vợ đau nặng nên tức tốc về ngay. Ông yêu quý bà ấy lắm vì bà ấy đẹp, có nhiều tài, rất tin tưởng yêu thương chồng. Ông còn mang ơn cha mẹ vợ một món tiền hồi môn quá lớn làm bệ phóng cho ông có được sự giàu sang như hôm nay. Nhìn thấy mặt vợ tái xanh ông hoảng hốt lao đến ôm bà:
- Em làm sao thế? Có sao không em?
Bà khóc kể lại câu chuyện vừa xảy ra. Ông hầm hầm, hai mắt sòng sọc:
- Thời bây giờ người ta tìm đủ cớ để làm tiền. Thôi nín đi nào, đừng có bận tâm ba chuyện bậy bạ nữa. Vợ chồng phải tin tưởng nhau chứ, từ ngày lấy nhau có bao giờ anh làm em mất niềm tin chưa?
Nghe chồng nói có lý, bà lau nước mắt choàng tay ôm ghì lấy ông:
- Em sợ lắm anh ạ. Em sợ mất anh.
- Anh vẫn là chồng em cho đến chết, được chưa nào? Lần sau có ai làm phiền em thì gọi cho anh ngay, anh sẽ về xử lý, nhé.
Vợ ông cười mãn nguyện. Bà vẫn thế, tin chồng một mực.
Ngày hôm sau dì Cam lại tìm đến ông Phan. Sợ dì làm rùm beng lên cả công ty biết chuyện ông lịch sự mời dì ra quán cà phê bên kia đường nói chuyện. Ông dịu dàng lạ kỳ khiến cho dì Cam ngạc nhiên. Cũng mười mấy năm rồi ông đã xa xứ vào đây lập nghiệp, trông ông mập mạp trắng trẻo, tướng mạo sang trọng chứ không còn ốm khẳng khiu quê mùa mặc cái quần tây ống cao lòi cả hai khuỷu chân như ngày xưa. Nếu tình cờ gặp ngoài đường chắc chắn là dì cũng không nhận ra ông.
- Tôi đã gặp con gái tôi. Trông nó thật giống Hà ngày xưa.
Dì Cam mừng rỡ:
- Ông hãy nhận con, hãy lo cho Hà để bù lại…
Vẻ mặt ông trầm tư buồn bã:
- Mọi sự đã đâu vào đấy từ lâu rồi, không thể nào thay đổi được. Dẫu tôi có thương nó bao nhiêu tôi cũng không thể đánh đổi gia đình tôi đang hiện có. Chi bằng hãy để cho con tôi sống yên với mẹ nuôi nó như vậy. Tôi sẽ gởi cho nó một số tiền vào tài khoản đứng tên nó để khỏi chật vật lo cho cuộc sống cũng như đề đền bù cho nó những năm tháng qua…
- Ông ạ. Không phải là chuyện tiền, mà là tình thương, tình cha con. Nó cần cái đó hơn cả. Chỉ có tình thương mới làm cho nó khỏi đau khổ, mới làm cho nó thấy hạnh phúc!
- Thì chị cứ bảo với nó hãy liên lạc với tôi. Đây card visit của tôi, chị hãy đưa cho nó để gọi tôi khi nào muốn, nhớ là vào giờ làm việc. Xin chị một điều là đừng bao giờ gặp vợ tôi, đừng cho vợ tôi biết gì cả. Hãy để cho tôi được bình an.
Dì Cam rơm rớm nước mắt:
- Ông nỡ lòng nào ông ơi!
- Tôi biết làm sao hơn? Thử đặt chị vào trường hợp tôi chị mới biết. Thôi vậy nhé, hãy nói với nó như tôi đã nói.
Ông đứng lên kiếu từ, còn trao lại dì Cam một lá thư:
- Nhờ chị trao lại cho nó giùm tôi. Dì Cam ngồi yên như bức tượng. “Ôi lòng người sao mà đáng sợ đến thế, tình người sao mà bạc bẽo đến thế, cha ơi là cha, mẹ ơi là mẹ. Hà ơi, dì đang khóc thay cho con đây Hà ơi!”.
Dì cầm lá thư lên, không phải là thư mà một xấp tiền. “Tiền bạc đâu thay thế được tình thương. Tình thương mới là vô giá ông à”.
*
Vừa về tới nhà, Hà sà vào lòng bà Khanh khóc ngất:
- Mẹ ơi, chính mẹ mới là người sinh con ra, mẹ là cha mẹ của con. Sao lại để cho con biết cha mẹ ruột mình làm chi cho đớn đau đến thế này hả mẹ? Thà con không biết gì để con thấy vô tư hạnh phúc bên cạnh mẹ như trước đây. Làm sao con sống cho nổi hả mẹ?
Bà Khanh vuốt tóc con, giọng ấm như ru Hà ngủ:
- Chỉ có người thiếu tình thương như mẹ mới khao khát, còn họ sung sướng hạnh phúc rồi đâu có coi trọng tình con. Trên đời cũng có lắm kẻ như thế con ạ, bởi vậy mà cô nhi viện ngày nào cũng thêm nhiều đứa trẻ không mẹ không cha. Con người là sinh vật cao quý nhất có thể làm nên lắm điều kỳ diệu, nhưng con người cũng làm bao điều tội lỗi. Hãy ôm mẹ đi con, có phải chỉ cần có mẹ thôi con đã sống mười bảy năm trong hạnh phúc bình yên?
Hà ôm mẹ thật chặt…
T.H.G
(SH289/03-13)