Truyện ngắn
Chuyến tàu không sân ga
15:56 | 27/11/2008
HƯƠNG LAN(Tặng mẹ)Mẹ tôi mất trong một lần sinh khó. Mấy tháng sau, đứa em gái bất hạnh của tôi cũng không sống nổi vì thiếu sữa mẹ. Năm ấy tôi mới được sáu tuổi. Rồi thầy tôi (tôi gọi cha bằng thầy) đi thêm bước nữa. Cũng như những phụ nữ muộn chồng khác, người mẹ kế của tôi tính tình luôn cau có khó chịu, hình như đó là tâm lý chung của họ.

Từ hôm lấy vợ kế, thầy tôi gửi tôi về sống trong sự che chở đùm bọc của ông bà nội. Đêm nào bà nội cũng vỗ về cho tôi ngủ bằng những câu hò ru con như Cái bống là cái bống bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người...; Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...; Bồng bồng cõng chồng đi chơi, đi qua thửa ruộng đánh rơi mất chồng... cho đến những câu chuyện cổ tích như Thạch Sanh - Lý Thông; Sọ Dừa..., mãi sau này tôi vẫn nhớ như in. Những đêm mùa đông lạnh buốt, không yên tâm với chiếc chăn bông mòn cũ, bà lại ủ kín thân thể bé nhỏ, gầy guộc của tôi trong vòng tay ấm áp của bà.

Nhà nội tôi thuộc loại đủ ăn đủ mặc. Ông tôi theo nghề dạy học. Tuy sống ở vùng nông thôn, nhưng tôi không phải đi cắt cỏ chăn trâu hay phụ giúp việc đồng áng như những đứa trẻ cùng trang lứa. Ông nội cứ bắt tôi nắn nót từng con chữ và đọc những cuốn sách dày cộm. Nhiều khi tôi len lén trốn ra cánh đồng đầu làng, thích thú nhìn ngắm lũ bạn chạy nhảy, bắt bướm thả diều. Những lần như thế mà bị ông thấy được, tôi phải nằm dài trên tấm phản gỗ, thin thít dưới cây roi song nghe ông răn dạy. Niềm vui duy nhất của ông tôi là mong tôi học được vài ba chữ "phòng thân sau này...". Mẹ kế gá nghĩa vợ chồng với thầy tôi lúc đã muộn tuổi, không còn khả năng sinh nở. Tôi là đứa cháu duy nhất, dù ông bà có hơi buồn vì tôi là con gái, thì vẫn cứ dành hết tình thương cho tôi. Được sống trong tình thương bao la ấy, tôi không còn cảm giác là đứa con thiếu mẹ. Với tuổi thơ tôi, bà nội chính là mẹ.

Nhưng những ngày hạnh phúc ấy kéo dài không bao lâu. Khi tôi lên mười, ông bà nội tôi lần lượt ra đi theo quy luật cuộc đời. Thầy lại đưa tôi về sống chung với mẹ kế. Làng tôi, hay đúng hơn là mảnh đất ngày xưa thầy mẹ tôi chọn để khởi nghiệp, có cái tên là Trung Đình, một vùng đất nổi tiếng nghèo của Thanh Hoá. Ngoài những cánh đồng bạc màu, người dân ở đây chỉ còn biết bám víu vào những nương vườn trồng thuốc lào, dù có được mùa thuốc cũng chẳng thể nào đủ ăn. Sự thiếu đói luôn đồng hành với người dân Trung Đình. Bọn trẻ nhỏ ngoài việc phải đi chăn thả trâu bò còn đảm nhiệm thêm việc cải thiện bữa ăn trong gia đình bằng những rổ rau má nhặt hái được. Mỗi bữa ăn có khi chỉ toàn là rau, hết luộc lại nấu canh.

Thầy tôi cũng là một nhà giáo. Ông rất tôn trọng chữ nghĩa nên dù có nghèo khó tôi vẫn được cắp sách đến trường. Ngoài thời gian dành cho việc học, tôi theo lũ trẻ trong xóm đi mò cua bắt ốc hoặc nhong nhong trên lưng mấy chú trâu chạy rông khắp cánh đồng làng. Những bãi cỏ xanh non và dòng sông hiền hoà đã trở thành nguồn sống tinh thần tuyệt vời cho tuổi thơ tôi. Chiều chiều, khi những con trâu bận nhồi nhét rơm rạ, cỏ non cho đầy bụng, tôi lại kiếm một tán cây râm mát ngồi học bài, đọc sách, đến khi trời nhá nhem mới lùa trâu về, rồi phụ mợ (tôi gọi mẹ kế bằng mợ) lo việc bếp núc, và nghe những lời quở trách vô cớ cũng đã thành quen.

Cuộc sống cứ trôi hồn nhiên như thế cho đến khi người con trai ấy bất chợt xuất hiện đúng trong tuổi trăng tròn của tôi... Đó là vào một buổi chiều tháng ba, có hai người đàn ông lạ, một già một trẻ đứng ngơ ngác trước cổng nhà tôi. Thấy tôi đang múc nước nơi cái giếng trước sân nhà, người lớn tuổi liền hỏi với qua hàng rào: "Cô gì ơi, cho tôi hỏi nhờ chút. Đây có phải nhà ông giáo Thảng không cô?". "Dạ phải" - Tôi đáp và đoán là bạn cũ của thầy nên đi vội ra cổng mời họ vào nhà. Người đàn ông lớn tuổi hết nhìn khắp căn nhà lại quay nhìn tôi, miệng cứ tủm tỉm cười khó hiểu. Riêng anh thanh niên có vẻ ngượng ngùng, mặt đỏ bừng mỗi khi bị tôi bắt gặp đôi mắt liếc nhìn. Cả hai người ăn mặc bảnh bao trang trọng. Nhìn dáng họ có vẻ hơi mệt mỏi, tôi đoán chắc họ phải đi một quãng đường khá dài mới đến được đây. Một linh cảm mơ hồ nào đó khiến tôi nghĩ rằng, họ đến đây không đơn thuần chỉ ghé thăm như người lớn tuổi tự xưng là bạn của thầy, mà còn có cái gì đó liên quan đến tôi. Có lẽ nghe thấy tiếng cười nói trong nhà vọng ra nên thầy tôi từ vườn sau đi vào. Người đàn ông lớn tuổi lên tiếng hỏi trước: "Phải giáo Thảng đó không?". Thầy tôi ngẩn nhìn một thoáng rồi cười lớn: “Chà! Đúng là ông Hậu đây mà, ngọn gió lành nào đưa ông bạn đến nhà tôi thế này”. “Lâu lắm rồi phải không bạn già?”. “Cũng phải đến mười năm chứ chẳng ít...” Thầy tôi vừa trả lời vừa nắm chặt bàn tay to bè của ông Hậu. “Ừ, bọn mình cũng bạc tóc hết còn gì, cứ nhìn lũ trẻ nó lớn mới biết thời gian qua nhanh và mình đã già. Đây là thằng cu Tuyến, vào bộ đội rồi đấy. Ông trông nó có khác gì bọn mình ngày xưa đâu. Còn đây chắc là cái Tuyền, trông nó giống mẹ ghê nhỉ, mới thoáng gặp trước cửa nhà tôi hơi giật mình”.

Đứng pha trà dưới chái bếp, tôi cũng nghe rõ mồn một câu chuyện râm ran ở nhà trên. Tôi nhận thấy chưa bao giờ thầy tôi lại vui vẻ đến thế. Và quả nhiên linh cảm của tôi đúng... Vẫn tiếng nói ồm ồm của ông Hậu: "Ông còn nhớ chuyện ngày xưa không, hôm nay tôi dẫn thằng bé đến đây để thực hiện lời giao ước trước kia... Chúng nó mà giúp anh em mình thoả nguyện thì hay biết mấy...". Suýt nữa tôi đánh rơi cả khay trà. Vừa bưng trà ra vừa xấu hổ đến trân người, tôi chẳng biết trốn vào đâu để che giấu khuôn mặt đỏ bừng như quả gấc chín của mình. Chừng như thầy đoán được tâm trạng lúng túng của tôi nên lên tiếng: "Con xem ra chợ, nhờ mợ kiếm giùm con cá gáy rồi nhặt mớ me đất. Trưa nay thầy muốn mời bác Hậu, anh Tuyến được thưởng thức tài nấu nướng của đứa con gái rượu và đặc sản vùng đồng đất quê mình... À! Để thầy giới thiệu qua cho hai đứa làm quen với nhau. Anh chàng bộ đội điển trai này là Tuyến con trai đầu của bác Hậu, bạn ngày xưa của thầy mẹ con, còn đây là con bé Tuyền. Có thấy lạ khi tên hai đứa giông giống nhau không, bởi trước kia có một lời giao ước giữa hai gia đình khi mẹ cái Tuyền mới mang thai, nếu sinh trai thì là anh em, còn gái thì kết làm thông gia. Lấy tên giống nhau mà đặt kẻo thời buổi loạn lạc dễ thất lạc...” Thầy tôi nói một hơi dài. Tôi liếc nhìn anh Tuyến, anh cũng ngượng ngùng chẳng khác gì tôi. Dạ liều một tiếng, tôi quay lưng chạy ù ra ngõ. Mợ có một sạp hàng tạp hoá ở chợ, tôi ra đó truyền đạt lời nhắn của thầy. Nghe xong mợ tủm tỉm cười nguýt dài, đôi mắt có đuôi - "Thế là nhất chị rồi, sắp được về làm dâu ông cán bộ cao cấp đấy nhé". Đi chợ xong, mợ cũng vội dọn dẹp quán hàng để về. Mợ tôi được cái rất tôn trọng khách của thầy.

Theo thông lệ, cơm nước xong mợ đi quanh làng xem có ai cần bán những sản vật trong vườn thì mặc cả bán mua, còn thầy thì vào phòng đọc sách đến khuya. Nhưng hôm nay thì khác, chẳng biết thầy đã chuẩn bị từ lúc nào một bình rượu to, cùng bác Hậu trải chiếu trước hiên nhà vừa nhâm nhi vừa gợi lại những kỷ niệm từ xa xưa. Anh Tuyến chẳng biết làm gì nên ra giếng phụ tôi rửa chén bát. Sự bỡ ngỡ, ngượng ngùng không còn nữa, chúng tôi nói chuyện với nhau thoải mái tự nhiên hơn. Anh Tuyến hơn tôi bốn tuổi, hiện là bộ đội, đang đóng quân cách làng tôi cũng không xa lắm. Anh chân tình kể rằng, từ lâu đã biết giữa hai gia đình có một giao kết hôn ước, bố mẹ anh cũng từng hết lời ca ngợi tính cách của thầy mẹ tôi. Lần này, anh theo bố về thăm thầy tôi như một sự tò mò muốn biết, và biết đâu...

Nhà anh Tuyến ở huyện Đông Sơn, cách làng
tôi hơn chục cây số. Đêm hôm ấy, hai cha con anh ở chơi nhà tôi đến khuya mới ngỏ ý quay về. Thầy mợ tôi níu kéo mãi không được, vì sáng mai anh Tuyến phải lên đường về đơn vị. Đưa anh ra đến đầu làng, khi chia tay, chẳng hiểu vì sao tôi có cảm giác buồn buồn.
Không lâu sau, vừa đi học về, tôi thấy mợ tôi với cái cười, cái nguýt dài quen thuộc chìa cho tôi lá thư. Cố  trấn tĩnh sự nôn nóng, chờ đến lúc xuống bếp lo việc nấu nướng, nhìn quanh không thấy ai, tôi mới nhè nhẹ bóc thư, để rồi vừa ngượng ngập vừa lâng lâng sung sướng. Trên tờ giấy học trò kẻ ngang là những dòng chữ nghiêng nghiêng còn thơm nồng mùi mực:
Tuyền thương
Có thể em rất ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ này. Quá đường đột phải không? Chỉ mới 5 ngày sau khi được gặp em mà anh thấy dài quá. Suốt 5 ngày qua chưa lúc nào anh nguôi nghĩ về em.
Tuyền ơi, có lúc anh tự hỏi, phải chăng thầy mẹ chúng ta đã hiểu được chúng ta từ khi em đang còn ở trong bụng mẹ. Thú thật, khi theo thầy đến nhà em, phần thì để chiều thầy, phần để thoả tính tò mò trong anh... Nhưng rồi em có biết không, chỉ mấy tiếng đồng hồ ở bên nhau mà anh như cảm thấy em đã là một phần của cuộc đời anh. Em hãy đồng ý cho anh được tiếp tục viết những dòng thư với tất cả tấm lòng chân tình của người lính trẻ, không phải ngại ngùng, không phải che đậy nhé em.

...
Đọc đi đọc lại từng câu chữ đầy tình cảm của anh, tôi cảm thấy mặt mình nóng ran bởi sự bày tỏ qúa thân mật và nhanh chóng của anh, rồi tự nhủ có lẽ đây là tính bộc trực, đặc trưng của người lính. Cả buổi cơm tối tôi cứ lấm la lấm lét nhìn thầy mợ và cứ có cảm giác như cả hai người đang đọc thấu những cảm xúc trong tôi, nhất là những lúc thầy mợ nhìn nhau và trao đổi những nụ cười là lạ. Đêm ấy, tôi chẳng tài nào dỗ được giấc ngủ, cứ trăn trở thao thức trông trời mau sáng để đọc bức thư thêm lần nữa, dù tôi đã thuộc làu những dòng chữ nghiêng nghiêng lần đầu đến với tôi... và còn mong trời mau sáng để hồi âm cho anh...

Từng bức thư còn thơm mùi mực, từng con chữ gần gũi thân mật cứ đều đặn đến với tôi. Nét chữ nghiêng, lời lẽ trìu mến đã trở thành niềm vui, thành thứ không thể thiếu trong lòng tôi, và từ đó tôi biết buồn biết giận những khi phải ngóng đợi thời gian dài không nhận được thư, để rồi phải ân hận trách mình khi anh cho biết đó là những khoảng thời gian anh quá bận quân vụ hay đi hành quân xa.
Tình yêu đầu đời của tôi là như thế đó. Một chàng hoàng tử khoác bộ quân phục xanh, chỉ bằng những dòng chữ đầy ắp sự âu yếm mặn nồng, đã đánh động trái tim cô bé Lọ Lem vừa độ trăng tròn là tôi.

Hạnh phúc thật sự đến với tôi sau hơn ba tháng chờ đợi. Hôm ấy, dù anh đã báo trước sẽ về thăm tôi trong kỳ phép, tôi vẫn thắc thỏm hồi hộp, cả ngày hết đứng lại ngồi mong trời mau ngả về chiều, rồi lại lo âu vớ vẩn... nhỡ như anh trễ hẹn hay không đến...
Và anh đã đúng hẹn. Thoáng thấy anh trước cổng, tôi rất muốn chạy ào ra ôm chầm lấy anh, nhưng đôi chân lại nặng như chì. Chẳng phải vì sự có mặt của thầy mợ tôi, cho dù họ không ở đó chắc chắn tôi cũng chưa đủ can đảm lao vào vòng tay anh như trong ý tưởng. Tôi ngồi chết dí ở xó bếp cho đến khi thầy lên tiếng gọi:
- Cái Tuyền đâu rồi, sao không mang nước mời khách?

Mang khay nước từ bếp lên nhà, tôi không tự tin lắm sẽ giữ được bình tĩnh trước anh; đôi chân vốn nhanh nhảu chạy nhảy giờ đây luống cuống vụng về muốn ngã. Thầy tôi cứ dồn dập hỏi chuyện, anh mải chăm chú nghe rồi trả lời, không dám nhìn lên... Tôi dám chắc nếu anh chỉ nhìn tôi thôi, cũng đủ khiến tôi đánh rơi khay trà. Thầy tôi chẳng phải không hiểu tình ý của cả hai đứa đang rất muốn có được chút thời gian riêng tư; mặc dù thầy rất muốn thắt chặt hơn tình bạn ngày xưa với bác Hậu bằng việc kết thông gia, nhưng ông vốn nghiêm khắc với con cái trong quan hệ nam nữ, nên cứ lờ đi bằng những câu chuyện mang tính thăm hỏi việc nhà, việc quân của anh. Mãi như thế cho đến cuối chiều, mợ từ chợ về - thường thì bao giờ đàn bà cũng tinh tế hơn - mợ nhờ khéo thầy vài chuyện vặt trong nhà, tạo điều kiện cho tôi và anh được tự nhiên chuyện trò. Sau bữa cơm, anh lại có cớ ra phụ tôi rửa bát. Lần thứ hai bên giếng nước, một cái chạm tay vờ vô tình, chút tia mắt nồng nàn càng làm chúng tôi gần nhau hơn. Thật ra tình cảm của tôi và anh dành cho nhau gần như đã thổ lộ hết qua hàng chục bức thư, nên cũng chẳng ngại ngùng gì khi chuyển thành lời những dự định về tương lai sau ngày anh phục viên. Anh hoàn toàn tán đồng ước mơ của tôi là trở thành một cô giáo ngay trên quê Đông Sơn của anh.

Giấc mơ về cuộc sống sẽ có nhau cứ lớn dần theo những lần về phép của anh. Thầy tôi cũng bỏ bớt việc “giám sát” con trẻ. Mợ tôi thì đã xem anh như rể con trong nhà, bà đối đãi với anh ngày càng dịu dàng. Thời buổi kinh tế khó khăn nhưng bữa ăn nào có anh cũng thịnh soạn hơn hẳn ngày thường. Mợ tôi lại còn đi khoe khắp chợ khắp làng về sự giỏi giang của anh, khi vừa được anh sửa lại cái chuồng gà hay đánh cỏ cho ngoài vườn. Càng ngày anh càng dành nhiều thời gian nghỉ phép cho tôi. Bác Hậu cũng sang thăm thầy tôi thường xuyên hơn. Có lúc ông vừa cười vừa nói dỗi: “Bây giờ nó chỉ biết nịnh bố vợ, quên mất ông bố đẻ này rồi...”.

Rồi cho đến một hôm...
Tôi nhận được thư anh đúng vào lúc gia đình tôi đang phải đối mặt với những khó khăn chung của xã hội, gian nan trong cuộc cải cách ruộng đất, phong trào đấu tố mỗi lúc một căng thẳng. Thầy tôi bị nhiều đơn thư tố cáo là con nhà địa chủ, là gian thương. Cứ một lời chỉ điểm hay một lá đơn được gửi đến uỷ ban là thầy tôi phải khăn gói lên xã; cả mợ và tôi cũng bị cách ly để điều tra, thẩm vấn. Gia đình nội tôi cho đến đời thầy tôi là ba đời làm nghề giáo, của nả, đất đai chẳng có là bao, ngoài mấy kệ sách vở đầy ắp. Mợ tôi là loại chạy chợ, buôn thúng bán mẹt đắp đổi qua ngày nhưng bị kết tội là gian thương, là bóc lột. Chẳng lẽ người có nhiều chữ, nhiều sách như thầy tôi cũng là địa chủ? Mãi sau này gia đình tôi mới được xác minh là “không có vấn đề gì nghiêm trọng”. Cho đến lúc đó thì cả nhà đã phải trải qua nhiều tháng nơm nớp lo sợ bởi nhiều áp lực đè nén. Thầy tôi ăn không ngon ngủ không yên, người gầy sọp, bạc trắng cả đầu... Vậy là khá lâu rồi tôi không nhận được thư từ của anh, nên bây giờ cầm lá thư với nét chữ nghiêng nghiêng quen thuộc tôi mừng lắm. Nó đến đúng lúc tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần. Lần tay mở phong bì, tôi thầm tạ ơn trời đất còn giữ cho tôi một niềm tin yêu. Nhưng tôi chết sững ngay khi đọc dòng chữ đầu tiên:

Cô Tuyền!
Suy nghĩ thật nhiều, tôi quyết định viết lá thư này cho cô, dù việc làm này thật khó khăn với tôi.
Suốt thời gian qua, được yêu cô, tôi cứ ngỡ như cuộc đời đã quá ưu ái với mình. Cuộc sống của tôi hầu hết thuộc về cô. Tôi tự hào với bạn bè, gặp ai tôi cũng muốn khoe người yêu của mình. Bạn bè, đồng chí ghen tị với tôi vì tôi có người yêu vừa xinh đẹp, vừa  ngoan lại con một gia đình có phẩm chất... Vậy mà giờ đây khi mọi chuyện đã rõ ràng, tôi mới biết mình bị mắc lừa. Gia đình cô, một gia đình có ba đời là địa chủ. Thì ra người con gái tôi yêu, người tôi định chọn làm vợ lại được nuôi nấng trong một gia đình có thói quen bóc lột. Cô được nuôi lớn bằng xương máu của người dân nghèo...Có lẽ không thể kể hết và cũng không nên kể nhiều hơn nữa sự tàn bạo mà bọn địa chủ các người gây ra cho nhân dân... Hôm nay, tôi viết bức thư này, chỉ để nói với cô một điều, rằng với tư cách là một chiến sỹ đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi không thể trở thành thành  viên của gia đình cô. Tôi xin được từ hôn với cô..
             
Người tôi lả dần. Lá thư vẫn dính chặt trên bàn tay tôi run rẩy. Năm năm thương yêu, nhớ nhung và hy vọng đã tan thành mây khói chỉ bằng chừng ấy con chữ cứng nhắc lạnh lùng... mà lại quá đỗi thân quen.
Đã mười hai giờ trưa. Cô phục vụ mang phần ăn đến, bà lúng túng, rồi nhận luôn phần cho người đàn ông cũng ngang chừng tuổi mình, đang ngủ gà ngủ gật bên cạnh suốt chặng đường hàng trăm cây số:
-Bác gì ơi, tôi nhận giúp phần bác đây này, dậy ăn  kẻo nguội hết.

Đưa tay nhận cái khay từ bà một cách lơ đễnh, ông lại nhắm mắt như cố dỗ lại giấc ngủ. Không biết ông ấy ngủ thật, hay ngủ giả. Có lẽ ông ấy mệt vì không quen tàu xe đường dài - bà nghĩ thế nên ngồi xích ra và lặng lẽ dùng cơm. Dù đã cố tránh nhưng sự lắc lư của đoàn tàu vẫn đẩy dần cái đầu có mái tóc thưa, bạc ngả xuống vai bà. Muốn tạo thuận lợi giúp người bạn già nên bà cứ để vậy, và chẳng hiểu sao bà bỗng có chút cảm giác quen quen với người đồng hành ngồi chung băng ghế này. Cảm giác ấy bắt bà quan sát ông ta kỹ hơn. Chợt bà phát hiện ra vết sẹo dài ngay giữa đỉnh cái đầu đang tựa hẳn lên vai mình "... Nếu tầm ngắm của bọn Tây chỉ hạ thấp xuống một tí thôi, thì anh làm gì còn cơ hội được ngồi rửa chén bát với Tuyền..."  - một câu nói vẫn còn đọng lại lờ mờ trong ký ức của bà chợt hiện về. Bà giật thót cả người - Ừ nhỉ, cũng vết sẹo ấy, chẳng lẽ ở đời lại có sự trùng hợp sít sao đến thế ư? Ấn tượng sâu đậm về mối tình đầu đầy thơ mộng và cũng đầy hụt hẫng khổ đau đang bồi hồi sống lại trong bà. Đã mấy mươi năm, gần hết một đời người rồi còn gì nữa...

Bà lại ngồi trầm ngâm. Bà nhớ lại, khi mới bước lên tàu, hình như ông ta cứ nhìn mình chằm chằm. Rồi cái nhìn ấy đã mau chóng chuyển sang hướng khác. Lúc bấy giờ bà cho là chuyện bình thường nên chẳng mấy để ý.
Một thời gian khá dài sau lúc nhận được bức thư "từ hôn" của Tuyến, khi niềm tin vào sự trung thực chân chính của cuộc sống đã về lại với gia đình Tuyền, cũng là lúc cô bắt đầu nhận được những lá thư có nét chữ nghiêng nghiêng một thời quen thuộc. Nhưng Tuyền không đủ can đảm để mở những lá thư ấy ra đọc. Cô rất sợ những lời lẽ đã từng thương yêu hứa hẹn và cũng đã từng cương quyết cự tuyệt mình. Nhiều khi cô tự hỏi, sao tất cả những điều đó lại có thể cùng tồn tại trong một con người? Rồi cô lại sợ sự mềm yếu của chính bản thân.

Người đàn ông đã hết ngủ gà ngủ gật. Bà xoay người cố ngắm nhìn ông kỹ hơn. Bà xuýt reo lên: “Có phải...”. Nhưng bà đã trấn tĩnh được. Chẳng hiểu có linh cảm gì không, hoặc vì một suy nghĩ nào đó, mà người đàn ông cũng quay sang nhìn bà thêm một lần nữa. Gương mặt ông hơi tái đi. Trên khoé môi ông giật giật. Nhưng đó cũng chỉ là khoảnh khắc. Ông lại đưa mắt về phía cửa sổ toa tàu, và nhìn mãi về hướng ấy. Bà tự trấn an - có thể mình nhầm lẫn; ở đời có biết bao nhiêu cái giống nhau và có biết bao điều trùng hợp.
Tiếng cô phát thanh viên lanh lảnh báo, tàu đã dừng ở sân ga Huế. Bà lặng lẽ thu dọn hành trang, gật đầu chào người đàn ông đã từng đồng hành với mình trong một quãng thời gian khá dài...
                                             H.L

(nguồn: TCSH số 206 - 04 - 2006)

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Biếm họa (19/11/2008)
Lằn roi (19/11/2008)
Miền vĩnh phúc (12/11/2008)
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)